× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Chuyện tâm linh huyền bí » Con đường Thiêng Liêng hằng sống

Bài 25
Trước khi giảng dục-tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, Bần-Đạo có nhiều điều khuyên nhủ về phương-pháp thuyết-pháp, thuyết-pháp tức nhiên là thuyết Đạo.

Trót gần hai năm trường, cũng gần 2 năm Bần-Đạo đã tìm phương thế cho toàn cả Thánh-Thể của Đức Chí-Tôn thuyết-giáo, có điều trọng-yếu về phổ-tế nhơn-sanh, cả thảy đều biết, nhờ cái thuyết-pháp mà chơn-truyền nó hiện-tượng, trọng-yếu của chơn-truyền Đức Chí-Tôn là vậy.

Một điều mình đã để tâm về thuyết-pháp, tức nhiên mình cần có mục-phiêu để cho tinh thần cả toàn thính-giả chú ý vào đây, tức nhiên cầm cây phướn Thần cho chúng ta trụ lụng lại triết-lý thuyết-pháp của mình.

Bần-Đạo thấy có một điều nên sửa chữa, có người lên nói một đề Nam, tới chừng thuyết đi qua đề Bắc, không nhằm đề gì hết, chẳng khác nào Bần-Đạo nói tôi tính đi Sài-Gòn thì thiên-hạ đều ngó về hướng Sài-Gòn, tới chừng đi thì đi lên mé Nam-Vang thành ra không ai hiểu gì hết, nên thuyết-pháp trọn bài nghe mà không biết gì hết. Thuyết-pháp tức nhiên có niêm-luật của phương thuyết-pháp, phải có niêm-luật chớ không phải muốn nói gì thì nói. Bài thuyết-pháp nó giống như bài thi vậy, nó phải có đề, có niêm-luật, có bình trắc, có thừa khóa, có trạng luận, thúc kết, phải giữ cho ăn với cái niêm-luật của thuyết-pháp mới đặng.

Đức Chí-Tôn dạy niêm-luật thuyết-pháp một cách kỹ-lưỡng, Cao-Thượng-Phẩm và Bần-Đạo có tập hai ba tháng vậy. Hễ Cao-Thượng-Phẩm lên đài thuyết thì Bần-Đạo làm thính-giả ngồi nghe. Cần phải tập, không tập không thể gì làm được, không thể gì không tùng theo niêm-luật của Đường-Thi vậy, không thể gì nói càn đặng. Ngoài ra niêm-luật ấy nó còn Phù, Tỷ, Hứng, Thú nữa, phải học cho thuộc lòng. Bài văn hay ho là mình thuyết văn có mực thước, có phù ba có văn chương, có tài khẩu-thuyết mới được, không có khuẩn bức túng thiếu trong lời nói ngôn-ngữ của mình. TỲ - là lên đó mình phải "Quan tiền vũ hậu" lấy kim suy cổ, suy tầm những lý lẽ cho cao sâu. HỨNG - là mình lên đứng nhập vào cảnh tượng nào, thấy hiện-tượng ở thế-gian, phải cho ăn nhập vào cảnh tượng đó trong khuôn khổ đương nhiên cả toàn hình-thể hiện tại Đạo với Đời có liên-quan trọng-hệ mật thiết. Bài thuyết Đạo của mình hay ho có lẽ hứng lấy tinh-thần đương nhiên, đem ra tùy theo mình thuyết-pháp, mình phải giải-thích cho thính-giả thấu đáo.

Bây giờ muốn thuyết-pháp cho trúng và có đề hẳn-hòi thì phải có KINH, ĐIỂN, LUẬT. Kinh là Tứ-Kinh, Điển là Ngũ-Truyện; Luật là cả luật trị-thế từ cổ chí kim, đem ra làm cái niêm luật đặng tạo bài thuyết-pháp của mình, phải có niêm luật của mình, mình phải rán học, cần mẫn học, ấy là một điều chẳng phải dễ, nhưng phải làm cho đặng thay thế ngôn-ngữ cho Đức Chí-Tôn, đem chơn truyền của Ngài để vào tinh-thần của nhơn-loại, nếu mình làm không đặng cũng như mình làm cho Đức Chí-Tôn câm sao! Mình phải làm đặng thay thế ngôn-ngữ cho Ngài, nếu mình làm không đặng thì thay thế cho Ngài không đặng!(*)

Từ đây về sau Bần-Đạo siết chặt lại là ngồi nghe, hễ còn nói bậy nữa Bần-Đạo sẽ phạt nặng đa nghe, đã gần 2 năm rồi không dung thứ nữa được. Bần-Đạo cho hay trước có bị phạt đừng than đừng trách, nói khó khăn gì hết, đã cho hay trước rồi mới làm.(*)

Bây giờ cả Tông-Đường của chúng ta (Bần-Đạo nói đây là Tông-Đường Thiêng-Liêng đa), anh em chúng ta dắt chúng ta qua Cung gọi là Cung Phục-Linh. Các bạn phải biết muôn trùng thiên-hạ vạn điệp chơn-linh, nếu như ở thế-gian này dùng ngôn-ngữ mà thông công cùng nhau, tưởng sự náo nhiệt dữ tợn lắm, nhưng không cần, nền chánh-trị phi thường, Bần-Đạo sẽ tiếp giảng tới cả thảy sẽ thấy một nền chánh-trị lạ lùng không thể gì tưởng-tượng được.

Ngôn-ngữ nơi cảnh ấy duy có tưởng mà đặng thông-công cùng nhau mà thôi, tưởng cái gì có cái nấy. Giả tỷ, Bần-Đạo muốn đi đến chỗ đó, người ta cũng đều hiểu rằng Bần-Đạo muốn đi đến chỗ đó. Các chơn-linh khác cũng tưởng mà nói chuyện với nhau, duy có cái tư-tưởng mà thôi chớ không có ngôn-ngữ. Chúng ta gặp biết bao nhiêu chơn linh quen thuộc thân mến yêu ái với chúng ta, cửa ấy chẳng buổi nào gặp một kẻ ghét hay kẻ nào không có thâm tình với chúng ta, có một điều các anh các chị nhớ nghe, nhớ cho lung.

Bần-Đạo sẽ giảng có ảnh-hưởng với kiếp sanh khi chúng ta chưa vô cửa, thì những anh em trong Tông-Đường ta có dặn trước khi vô cửa đừng có sợ-sệt gì hết, phải bình-tĩnh. Có điều chi thay đổi đừng sợ-sệt nao núng. Có dặn trước mà khi vô dường như mất thần, mất trí, hết thảy mê-muội, tưởng như không có ở trong cảnh ấy làm như thể chúng ta ám muội không biết đó là gì? Không biết đó là ở đâu? Không biết gì hết. Tới chừng tỉnh thấy một vị Phật Cầm cây Kiêm-Câu đứng trước mặt chúng ta và thấy Hộ-Pháp đang đứng bắt ấn giữ linh-hồn chúng ta lại. Vị Phật ấy không ai xa lạ hơn chính là Phục-Linh Tánh-Phật đó vậy. Cầm cây Kiêm-Câu quơ một cái thì chúng ta tỉnh lại một kiếp sanh, tới chừng sống lụng lại thấy trong kiếp sống trước nữa. Hễ mỗi lần quơ thì chúng ta thấy mỗi kiếp sanh, chúng ta sống lụng lại trong cả kiếp sống của chúng ta, chúng ta đi thối lại từ mức Đại-Hồi cho tới Tiểu-Hồi, qua cho tới vật-loại, bởi chúng ta cả thảy đều là Hóa-nhân, không ai ở mặt địa-cầu này là Nguyên-nhân cả. Nguyên-nhân chúng ta đã đoạt được trong lần thứ ba là Đệ-Tam Chuyển, còn bao nhiêu đều là Hóa-nhân, cả thảy đều ở trong vật-loại mà đoạt kiếp cả.

Bần-Đạo chỉ một điều là Đức Di-Lạc Vương-Phật đương cầm quyền Càn-Khôn Vũ-Trụ bây giờ, hồi Thất-Chuyển mặt địa-cầu này nó chưa thoát xác của nó. Kỳ phán-xét chót hết Đức Di-Lạc còn là con Dã-Nhơn (Con khỉ), con khỉ ở làm đầy tớ cho Đức Phật Thích-Ca. Đức Phật Thích-Ca buổi ấy là anh thôn quê dân da đen (Hắc-Chủng) như mọi vậy thôi. Ba chuyển tới là Đệ Tam-Chuyển, Trung-Ngươn Đệ Tam-Chuyển thì Đức Phật Thích-Ca đoạt tới Boudhisava, sau Đức Thích-Ca được vào hàng Phật tức nhiên là Boudha.

Đức Di-Lạc-Vương sửa soạn vào hàng Phật kỳ này. Ngài cầm quyền nữa Ngài đặng vào hàng Phật, nếu Bần-Đạo nói Đức Thích-Ca đến thế này, đến trái địa-cầu 68 này, hồi lúc nó chưa thoát xác của nó thì Đức Phật Thích-Ca đem hình-ảnh Ngài thay lần. Nên tổng-số kiếp sanh của Ngài nơi mặt địa-cầu này lối chừng một ngàn năm trăm triệu năm chớ không có bao nhiêu đâu.

Chúng ta đi vô Cung Phục-Linh chúng ta phải đi ngược lụng lại, đi trở lại xuống tới vật loại. Tới chừng nhập vô Ngươn-Linh, chúng ta dường như Ngươn-Linh của ta sống cảnh cũng như vật-loại vậy.

Lát nữa Bần-Đạo sẽ dắt vô trong Ngọc-Hư mà các Đấng đương thông công với chúng ta, Đấng ấy đương ngự tại Huỳnh-Kim-Khuyết là Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, hay là Đại-Thiên-Tôn. Ngài có hai chức: Ngọc-Hoàng Thượng-Đế cũng là Ngài, mà Đại-Thiên-Tôn cũng là Ngài.

Nói lụng lại, tới chừng ta Phục-Linh, chúng ta đoạt được rồi, chúng ta thấy cả Càn-Khôn Vũ-Trụ là bạn, là tình với chúng ta. Các chơn-linh rần-rần, rộ-rộ trước mặt chúng ta nhưng không có ai lạ hết bởi vì nó có một đức, một căn-bản. Bí-mật là vậy đó.

Bần-Đạo giảng tới vô Cung Phục-Linh thì mình mất cả tinh-thần hết, chúng ta thấy đã đi gần mút con đường sơ sanh. Buổi mới sanh chúng ta không biết gì. Kiếp sống bị một lần mê-muội, tới chừng chết chúng ta cũng bị một lần mê-muội nữa, mê-muội rồi mới sống lại. Huyền-vi bí-mật là ở chỗ đó vậy, nếu không mê thì chúng ta biết được kiếp trước của chúng ta hế. Buổi mình định thần lại thì mới biết, thiên-hạ kêu bằng ăn cháo lú mới mê muội. Vô Cung Phục-Linh nếu chúng ta không mê thì chúng ta biết được kiếp sống, nhớ thì sống không đặng phải chết, bí-mật là chỗ đó. Ngày giờ chúng ta phục tánh chúng ta lại được, chúng ta thấy Đấng Tạo-Đoan tạo Càn-Khôn Vũ-Trụ là Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế tức là Đại Thiên-Tôn đương ngự nơi Ngọc-Hư-Cung, dường như rủ chúng ta phải qua chỗ đó, qua đặng hiệp mặt cùng Đấng ấy, phải qua cho thấy Đấng ấy. Dầu cho Tông- Đường chúng ta hay bạn tác chúng ta giờ phút đó có nắm chúng ta biểu đừng đi, nhưng Chơn-Linh của chúng ta cũng đi qua Ngọc-Hư-Cung.

Bây giờ đến Cung Ngọc-Hư là nơi cầm-quyền chánh-trị Càn-Khôn Vũ-Trụ, không có một ngôi sao nào, không có mặt trời nào đứng trong Càn-Khôn Vũ-Trụ mà không chịu dưới quyền điều-khiển của Ngọc-Hư-Cung.

Quyền trị thế là hình-ảnh của Cửu-Trùng-Đài, một điều mà thiên-hạ tưởng-tượng khác. Có trị ai đâu? Bần-Đạo đã thuyết các chơn-linh tự-trị lấy mình, còn Ngọc-Hư-Cung duy có bảo-thủ tồn-tại cho họ và tác phước cho họ mà thôi, chớ không có trị. Tác phước ấy là họ muốn cho các Chơn-Linh ấy đặng hưởng phước họ không hưởng đặng, là tại quả kiếp của họ, nếu nói nhờ người cầm-quyền cho họ thấy mảy may quả kiếp của họ mà thôi. Trị là một vị Phật cầm quả kiếp chúng sanh, họ cũng không phải là gắt-gao lắm. Có nhiều Chơn-Linh biết quả kiếp của mình đặng nặng nề quá đỗi rồi không muốn sống nữa. Quả kiếp trọng hệ lắm nên các Đấng ấy duy có giảm bớt, kiếm phương thế giảm bớt mà thôi.

Trên Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa cốt yếu chỉ cho người tội nhơn ấy làm tòa xử lấy họ, họ biết tự-tỉnh lấy họ, tự-tỉnh lấy họ đặng ngó thấy quả kiếp bớt oai-quyền mà quyết định tội mình. Trái lại người tội nhơn làm tòa xử lấy mình, còn người cầm-quyền lại để bảo-vệ hạnh-phúc, giảm bớt tội tình cho ta, cầm-quyền chánh-trị Càn-Khôn Vũ-Trụ là vậy đó, cầm để tác-phước và giảm-tội chớ không phải để buộc tội, để không phải định án. Định chăng là do nơi mình, mình làm Tòa cũng mình, nếu có Trạng-Sư cũng không qua đặng. Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa là cung để cho mình định tội lấy mình không qua không đặng. Nền chánh-trị Càn-Khôn Vũ-Trụ là vậy, cho nên khi chúng ta vô đến Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa rủi chúng ta có làm tội tình, thì dường như các Đấng ngự nơi Cung ấy hồi hộp lo sợ, họ sợ mà mình không sợ. Trái lại họ sợ cho mình, sợ mình kêu án mình quá nặng nói trái ngược vậy đó.

Thành thử, nơi Ngọc-Hư-Cung là nơi an-ủi các Chơn-Linh trong Càn-Khôn Vũ-Trụ, chính tay ấy cầm-quyền trị Càn-Khôn Vũ-Trụ để dìu-dắt binh-vực, chớ không phải để trị, các Chơn-Linh tự trị lấy mình, các bạn nên nhớ điều ấy, nhứt là mấy anh mấy chị vẫn phải biết cái bí-mật ấy đặng tự-tỉnh, tại mặt thế này mình trị mình trước đi. Trị theo cái thói của mình đấy, làm cho lấy có đi, để nữa Chơn-Linh mình về trển không có nóng, đặng ngày kia không có buộc tội mình nặng, làm theo kiểu quẹt lọ vậy mà biết tự-trị lấy mình, đừng hồi-hộp, đừng sợ-sệt gì hết, cho nên Đức Chí-Tôn thường dùng tiếng ăn-năn là vậy đó, tiếng ăn-năn nó hay ho làm sao đâu, đặng cho mình khỏi tự-trị lấy mình, quyền nơi Ngọc-Hư-Cung là vậy đó./.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
Lượt xem: 1373