× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Chuyện tâm linh huyền bí » Con đường Thiêng Liêng hằng sống

Bài 23
Đêm nay Bần-Đạo giảng tiếp dục-tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Từ hôm nào tới nay đình-đãi đã lâu, có nhiều điều thúc giục Bần-Đạo phải thuyết, thuyết cho gấp, thuyết đặng cho biết, bởi vì thấy họ cuốn gói trở về nhiều lắm, Nam-Nữ cũng vậy, cần đi cho hiểu cho quen đường về của họ.

Chúng ta dục-tấn từ Diêu-Trì-Cung đến Ngọc-Hư-Cung, tức nhiên là Cung trị Càn-Khôn Vũ-Trụ đó vậy. Cung trị thế không cần nói, chúng ta cũng choán biết rằng: Chúng ta đến một Cung rất yếu trọng, chính nơi ấy là nơi cầm quyền điều khiển Càn-Khôn Vũ-Trụ.

Chắc mỗi người đều tưởng-tượng, nếu cầm quyền điều khiển Càn-Khôn Vũ-Trụ thì phải là một trường Quan-Lại náo nhiệt lắm, vậy chắc ai nấy điều tưởng-tượng phải có một trường Quan-Lại như mặt thế này.

Chúng ta tỷ-thí một chánh-phủ, mà nơi nào đã lấy làm Kinh-Đô để cầm quyền trị một quốc-gia, thì Kinh-Đô ấy bao giờ cũng náo nhiệt, Bần-Đạo xin nói hẳn rằng: Không có, không phải như sự tưởng-tượng của chúng ta vậy đâu!

Bần-Đạo xin nhắc và giảng từ bước, đặng cho con cái Đức Chí-Tôn dễ hiểu. Bần-Đạo ngó thấy chỉ thuật lại xin cả thảy Nam-Nữ nhứt là mấy vị niên cao, kỷ trưởng, mấy vị Chức-Sắc Thiên-Phong phải để ý lắm và nhớ.

Bần-Đạo sẽ thuyết cảnh tượng ấy, cả thảy đều thấy hiện-tượng trước mặt.

Có một điều là từ giã Cung Diêu-Trì dục-tấn tới nữa Bần-Đạo thú thật khó dụ họ đi lắm, phần nhiều về nơi cảnh ấy họ hưởng được một hạnh-phúc vô đối, nhứt là các đẳng Chơn-Hồn đã chịu thảm khổ một kiếp sanh, về cảnh ấy hưởng được hạnh-phúc vô biên vô đối, gần Bà Mẹ yêu ái vô-lượng vô biên, biểu họ từ giả Bà Mẹ ấy mà đi thì không phải dễ. Nhưng có một điều trọng-yếu hơn hết, lời tục-ngữ người ta thường có nói: "Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với Mẹ biết ngày nào khôn". Phải dục-tấn tới, thấy chán chường trước mắt mình, con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, đi mãi không ngừng, chúng ta đi, đi miết tới nữa để học hỏi thêm nữa.

Ngày giờ nào, thời buổi nào, chúng ta có thể cầm nơi tay một quyền-năng vô tận như Đức Chí-Tôn, đặng tạo ra một Càn-Khôn Vũ-Trụ khác, làm đại-nghiệp của mình. Vì vậy nên con đường dục-tấn không có ngừng, không có giới hạn, vô lượng vô biên vô cùng tận, cũng như Càn-Khôn Vũ-Trụ chúng ta thấy trước mặt chúng ta đó vậy.

Nếu chúng ta ngó thấy cây phướn Diêu-Trì-Cung trước mặt chúng ta, chúng ta muốn tìm Cung Ngọc-Hư thì chúng ta xây qua bên mặt, chúng ta ngó ngay Cung Ngọc-Hư, bên trái là Diêu-Trì-Cung đó vậy.

Chúng ta đi hoài chẳng phải chúng ta dục-tấn như buổi trước, bởi cảnh giới khác thường huyền-bí lạ lùng. Chúng ta thấy muôn điều trước mặt chúng ta điều do Chơn-Thần xuất hiện, Vạn-pháp thành hình không có điều gì chúng ta tưởng đến mà không có trước mặt. Cảnh tượng ấy nên hình nên tướng với một cách huyền-bí vô biên vô tận, chúng ta không thể gì tưởng tượng được.

Tỷ như con đường dục-tấn ấy chúng ta muốn có một việc lạ lùng là nếu chúng ta muốn đi đến cho mau, thì chúng ta đi như chớp nhoáng, muốn gì đặng nấy, tưởng thì nó hiện hình liền. Ấy là một địa-giới vô tận vô biên không khi nào lấy trí khôn con người mà tưởng-tượng được. Ôi còn khi bước theo con đường dục-tấn thì chúng ta không thể tỏ bằng ngòi viết đặng, bởi cảnh trí khoái-lạc vô biên.

Chúng ta hưởng hạnh-phúc nơi Cung Diêu-Trì một cách khoái lạc. Hạnh-phúc mà chúng ta hưởng được tưởng là hết rồi, nhưng chúng ta dục-tấn tới chừng nào độ khoái-lạc ấy cứ đến với ta mãi-mãi. Đi tới nữa, đi tới mãi, đi tới một mức khoái lạc hạnh-phúc về tinh-thần, vô tận vô biên, hưởng hoài không khi nào hết.

Khoảng đường mà chúng ta đi không có côi cúc, đi theo đường chúng ta gặp biết bao nhiêu người thân ái, bạn tác mừng rỡ không biết bao nhiêu.

Nếu chúng ta thấy một cảnh tượng của người nào lìa quê hương đi xa xứ, khi về gặp người chí chân của mình thì sự mừng rỡ của họ thế nào, chẳng cần tả ra cả thảy đều biết. Tưởng-tượng coi chúng ta gặp những người trên con đường dục-tấn là những người bạn thân yêu, tình nồng-nàn ấy không biết bao nhiêu. Muôn kiếp mới tạo được khối tình ái ấy, mỗi người chúng ta đều thấy trong thân-tộc của chúng ta, họ hiện-tượng không biết mấy muôn, mấy ngàn kiếp, chung chịu, chung đứng, chung đi với nhau trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, hạnh-phúc vô cùng, không thể gì tả ra bằng ngôn-ngữ đặng.

Bần-Đạo dám bảo-kê rằng: "Nơi cảnh ấy chưa có buổi nào huyên náo hay có tiếng nào buồn". Không có buồn, không có biết đau thảm, chúng ta đi miết tới, vui mà đi. Đến trước mặt chúng ta thoạt nhiên có một thế-giái vô cùng tận, đẹp-đẽ lầu đài nguy-nga chớn chở, chúng ta tưởng-tượng rất huyền-diệu. Lầu đài ấy chúng ta ngó thấy một màu với nhau chỉ có một vật tạo thành mà thôi, vật đó dường như pha lê vậy, như kiếng, ngà ngà đục đục, màu thì trong, hào-quang chiếu diệu. Một cảnh Trời hào-quang chiếu diệu ra muôn đạo, vì tướng của nó tạo thành hình của nó.

Vì vậy mà các Trang đoạt Đạo khi xưa, đi về tới cảnh đó là nơi Ngọc-Hư-Cung, một địa giới huyền-bí làm sao! Không thể gì minh-tả ra đặng, huyền-bí về tinh-thần của chúng ta, vì nó do tinh-thần của chúng ta biến tượng, ta thấy hình-trạng nó vuông vức, chúng ta tưởng-tượng mà ra đó vậy. Chúng ta tưởng-tượng hình-trạng thế nào, thì nó ra thế ấy. Nếu vị kiến-trúc-sư nào, hay một ông kỹ-sư nào ngó thấy nó, đều muốn bỏ nghề hết bởi không thể gì làm được. Tôi sợ e cho họ ngó rồi chẳng phải bỏ nghề mà thôi, họ còn ngơ-ngơ, ngẩn ngẩn, như điên mà chớ, bởi đã hao tâm mà làm không đặng.

Chúng ta đến nơi ấy, chúng ta thấy thi-hài của mình biến-tướng y như hình-ảnh của khuôn-khổ trong địa-giới, hình chúng ta biến một màu một sắc, hễ nó biến theo được mới nhập cảnh ấy được, nếu biến theo không được, thì chúng ta bị đuổi ra, ấy là Pháp-Thân của chúng ta nó phải nhập cảnh giới ấy, nên câu kinh: "Rấp nhập cảnh Thiêng-Liêng Hằng-Sống là vậy đó". Khi vô đặng rồi, tưởng đâu thiên-hạ náo nhiệt, trùng-trùng điệp điệp lạ thường lắm, không có đâu. Chúng ta chỉ thấy Tông-Đường Thiêng-Liêng của chúng ta đang tiếp đón mừng rỡ. Ô!!! Nơi hội-hiệp các người thân-nhân của chúng ta, từ buổi chúng ta đoạt đặng địa-vị Tiểu-Hồi, lên tới phẩm Đại-Hồi, từ trong địa-vị Đại-Hồi ấy, mà chuyển-kiếp đoạt đến địa-vị Thần,Thánh,Tiên, Phật cả ngàn muôn triệu kiếp sanh.

Các bạn, các Tông-Đường, các Gia-Tộc chúng ta, chúng ta thấy muôn-muôn, trùng-trùng, điệp-điệp, không có định số được. Khi họ đến mừng, họ dẫn chúng ta đến một Cung họ dặn rằng: Nơi đây không đặng nói tiếng, chỉ tưởng mà thôi, hễ tưởng là như nói vậy. Tỷ dụ như: Tôi tưởng tôi muốn gặp anh tôi, thì tức nhiên cái tưởng ấy thành tiếng nói, mà lại có người anh đứng trước mặt liền. Cung ấy không có dùng lời nói, duy có tưởng mà thế cho ngôn-ngữ. Người ta dặn đừng tưởng Thần, Thánh, Tiên, Phật, bởi các Đấng ấy ở cảnh đó không có. Sở dĩ mà có, là tại mặt địa-cầu 68 này ta đặt ra, chớ nơi Ngọc-Hư-Cung không có, những danh-từ Thần, Thánh, Tiên, Phật chỉ dùng nơi trái địa-cầu 68 này mà thôi.

Chúng ta biết rằng: Đẳng-vị Thiêng-Liêng của các Chơn-Hồn không có phẩm-trật, chúng ta định nên có ngôi-vị, chỉ có ngôi vị tại mặt địa-cầu 68 này mà thôi. Chúng ta đã ngó thấy nhơn-loại nơi mặt địa-cầu này tinh-thần mỗi cá-nhân đều khác, hai ngàn bảy trăm triệu (2.700 triệu) chơn-linh nơi mặt địa-cầu này, thì hai ngàn bảy trăm triệu người không đồng phẩm chất, không đồng tánh chất, không đồng chơn-thần với nhau, cho nên không có khi nào mà hai người giống nhau, chưa có một chơn-thần nào giống nhau, thì cái thiên-vị kia nó không định giá được. Mỗi người đều có một phẩm-vị đặc-biệt của mình, mỗi kiếp sanh đều tấn, khi tấn tới có một sở định địa-vị của mình, mỗi một bước là một đẳng-cấp, đẳng-cấp định giai-cấp của mình, giai-cấp không phải giống nhau như ở thế-gian này. Bởi địa-vị không giống nhau, phẩm-vị chỗ nào thì đứng chỗ nấy, không ai xô đuổi không ai giành-giựt được, từ chối gì cũng không được, bởi không có danh-từ, mà danh-từ dường như để sẵn, bởi có địa-vị sẵn. Đức Chí-Tôn đã nói: "Đại-nghiệp của mỗi đứa Thầy có sắm sẵn cho đó".

Bây giờ nói về tánh-chất tôn-ti của mình, hằng-phẩm của mình đã không có, biết lấy chi mà định lấy nó, lấy gia-tộc của mình?

Bần-Đạo ngó thấy gia-tộc của các Đấng có mặt tại thế-gian này, thế-giới nghiệt oan của chúng ta, tức nhiên có năm trái địa-cầu có nhơn-loại ở, tức nhiên có tên của kẻ đoạt Đạo được là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngoài ra nữa chúng ta ngó thấy đại gia-đình của Đức Phật Thích-Ca, đại gia-đình của Đức Lão-Tử, đại gia-đình của Đức Khổng-Phu-Tử, đại gia đình của Mahomet, đại gia-đình của Jésus-Christ, đại gia-đình vinh-hiển hơn hết là đại gia-đình của Quan-Âm-Bồ-Tát, tức nhiên Từ-Hàng-Bồ-Tát vinh-hiển hơn hết là gia-đình ấy.

Ấy vậy gia-đình nào thì có phần trong gia-đình ấy, xây chuyển họ có tương-thân với nhau một cách mật-thiết, như một chơn-linh Kim-Thanh-Quan xuống thế này, có lẽ đầu-kiếp trong gia-đình của Từ-Hàng-Bồ-Tát, hay là của Khổng-Phu-Tử, hay là của Mahomet, hay là của Phật Thích-Ca, cho nên các chơn-linh ấy họ đã liên-quan mật thiết; vì lẽ ấy cho nên Càn-Khôn Vũ-Trụ có tên mình, dầu mà chúng ta muốn biết số trái địa-cầu thì chúng ta không thể gì biết được, chỉ có năm trái của chúng ta ở thì chúng ta biết mà thôi, chúng ta không biết cho hết. Còn ba ngàn (3.000) thế-giái kia với mười một (11) thế giái ở sau, giữa mấy trái địa-cầu kia, chúng ta không thể gì đoán được. Có nhiều khi thấy các Đấng lâm-phàm, hỏi ra dường như tinh-thần của chúng ta biết hết, cũng như có nhiều người bên Tây, bên Pháp mà họ biết nơi xứ Việt-Nam vậy. Nói dường như họ nói trên cung trăng, nhưng thật ra họ thấu-đáo cả chơn-tướng nơi mặt địa-cầu này, họ biết huyền-linh của họ, họ biết tài phép vô-biên của họ. Nói về kiếp-sống của chúng ta, không phải hành-hạ nó, nhưng phải tập nó hành nó. Nếu khi về được rồi thân-nhân của chúng ta dắt chúng ta đến một Cung có một quyển sách Thiên-Thơ để trước mặt ta, dỡ ra xem thấy tên mình và kiếp sanh của mình đã làm gì thì trong quyển Thiên-Thơ ấy nó hiện-tượng ra hết. Chúng ta tự xử chúng ta, mình làm tòa để xử cho mình, hoặc mình phải đầu kiếp hay là đoạt đến địa-vị nào, mình đứng đến mức nào, thì cũng do mình định-đoạt lấy.

Vị Chưởng-Quản nơi Cung ấy theo tiếng phàm của chúng ta đặt tên là Nam-Tào Bắc-Đẩu. Nơi Nam-Tào Bắc-Đẩu không có ai trị hết, chính ta trị ta; không có ai định kiếp cho ta, chính ta định kiếp cho ta; chưa có ai phân tội phước cho ta, chính ta định tội phước cho ta, mạng căn kiếp số ta, ta định, không có một hình-luật nào buộc được chúng ta, chúng ta có quyền tự-do, quyền sở-hữu định mạng căn cho ta vậy./.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
Lượt xem: 1681