× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Chuyện tâm linh huyền bí » Con đường Thiêng Liêng hằng sống

Bài 19
Kỳ thuyết-pháp trước Bần-Đạo đã để một dấu hỏi: Đạo Cao-Đài có thể đem hạnh phúc cho nhơn-loại, tạo hòa-bình làm cho đại-đồng thiên-hạ đặng chăng?

Đã để dấu hỏi tức nhiên phải trả-lời. Chúng ta chẳng nên chỉ biết tin nơi Đức Chí-Tôn mà thôi, mà phải biết Ngài đến tạo nền Tôn-Giáo cốt yếu là đến ký tờ Hòa-Ước với nhơn sanh, tạo hạnh-phúc cho nhơn-sanh, và làm cho thiên-hạ hưởng đặng thái-bình nơi mặt địa cầu 68 này, tức nhiên chúng ta dám quả-quyết và để đức tin chắc-chắn rằng: thế nào cũng thành tựu, nhứt là có lời quyết đoán của Anh Cả Thiêng-Liêng của chúng ta là Đức Lý-Giáo-Tông đã nói:

"Đức tin một khối tượng nên hình,
Đã hiệp Vạn-Linh với Chí-Linh."

Nghĩa là Đạo Cao-Đài đã thành, nhưng từ-từ đi lên cho đến cái địa cảnh vô đối của nó.

Ta choán biết Chí-Tôn đến ký Hòa-Ước dưới thế gian này, chúng ta ngó thấy Hòa-Ước của nhơn-sanh nhứt là các liệt-cường ký với nhau khoản này, khoản nọ, khoản kia đủ thứ, ký không biết mấy khoản.

Với Đức Chí-Tôn chỉ có hai khoản mà thôi:

1- Luật thương-yêu: Ngài định-luật cho chúng ta là thương-yêu, không phải thương yêu nhơn-loại mà thôi, mà phải thương-yêu cả toàn Vạn-Linh nữa.

2- Quyền công-chánh: Ngài chỉ định là quyền công-chánh. Từ thử, ta chưa ngó thấy Hòa-Ước nào mà đơn sơ như thế, mà nó oai quyền làm sao! Không thể gì thực hiện đặng! Dầu cho tận-thế loài người cũng không khi nào thực-hiện ra đặng!

Chúng ta đã hiểu và tin rằng thế nào nó cũng thành, nhưng thời gian ta không biết định đoạt, ta chỉ lương-tri tức là lấy trí-tri để hiểu chơn-tướng của Đạo Cao-Đài, làm thế nào đem hạnh-phúc cho nhơn-loại hưởng được và tạo hòa-bình cho thiên-hạ cả Đại-Đồng Thế-Giới.

Chúng ta duy lấy trí-tri tìm hiểu thôi, chúng ta thấy cái quyền-năng của Luật Thương-Yêu thế nào. Tấn tuồng hiển nhiên hiện từ khi có loài người đến giờ, nếu không có sức mạnh-mẽ vô biên của Luật Thương-Yêu ấy thì Đức Phật Thích-Ca chưa có lập giáo thành tướng được.

Khi Ngài đến Ream luyện phép tuyệt-thực có bốn người theo Ngài, bốn người không phải theo Ngài làm Môn-Đệ mà theo coi Phật có đoạt Pháp đặng chăng? Đến chừng Ngài từ trên đảnh núi tuột xuống, Ngài ăn uống lại. Bốn người ấy đợi Ngài ở chân núi thấy như vậy cho rằng Ngài đã qui phàm rồi, không có đoạt Pháp chi hết, nên bốn người bỏ đi.

Tới chừng Ngài đi thuyết-giáo Ngài tìm bốn người ấy, bốn người ấy biết Ngài chơn thật mới theo, trong bốn người chỉ có hai người trọng yếu hơn hết nhưng rồi đến cuối cùng chỉ còn có một người đoạt đặng Phật-Giáo mà thôi.

Đạo Tiên, Lão-Tử có một người Môn Đệ và một đứa ở là Từ-Giáp biết Đạo của Ngài, duy có ông Doãn-Hỷ theo Đức Lão-Tử đoạt phép truyền giáo mà Đạo Tiên còn tồn tại đến ngày nay.

Đạo Khổng-Tử, tuy vân, nó có Tam-Thập Lục-Thánh, Thất-Thập Nhị-Hiền, Tam Thiên Đồ-Đệ mà cả thảy Đức Khổng-Tử chưa chắc người nào đoạt đặng, duy có một người mà thôi, là Thầy Sâm, bằng cớ là buổi chung qui Ngài kêu Sâm nói: "Ngộ Đạo Nhứt Nhi Quán Chi", Đạo ta chỉ có một người biết mà thôi.

Đức Chúa Jésus Christ có nửa người Môn-Đệ mà thôi, bởi Ông Pièrre chối Đạo 3 lần khi ăn năn khóc lóc với Bà Maria mà xưng tội mình.

Mahomet có một người Môn-Đệ phụ nữ mà Đạo Hồi Hồi đã thành vậy.

Chúng ta suy đoán chỉ có thương yêu, duy có một người thương, hoặc nửa người thương, mà các vị Giáo-Chủ đã lập thành Tôn-Giáo tại mặt thế này.

Chúng ta xét lại thấy Đạo Cao-Đài còn hạnh-phúc hơn các nền Tôn-Giáo trước, nếu nhận quả quyết thì có ba người, mà ba người tức nhiên nhiều hơn thiên-hạ rồi.

Cái thiệt-tướng của nền Tôn-Giáo Đức Chí-Tôn hiện-tượng do quyền-năng vô đối của Ngài mà đoạt được, trong đó các vị thừa mạng lịnh của Ngài đã vẽ nên hình, nắn nên tướng của nó. Bần-Đạo kiếu lỗi cùng con cái của Ngài, không phải tự-kiêu hay là tự-đắc chính tay Bần-Đạo có một phần khá lắm, vì cớ Bần-Đạo rủ chúng ta dùng phép hồi-quang phản-chiếu đặng định tướng diện của mình, cốt yếu là một phần-tử trong nền Tôn-Giáo, hễ mình coi chơn-tướng của mình, rồi tổng-số các chơn-tướng đó làm chơn-tướng của Đạo, Bần-Đạo thấy Đạo Cao-Đài nên hình đặng tức là thành tướng thương yêu vô tận vô biên. Nó nên hình có nét đẹp thiên-nhiên là nhờ vẽ với cây viết thương yêu mà viết nét Thiêng-Liêng cho Thánh-Thể của Ngài để theo nét thương yêu ấy đặng tạo nên hình-trạng thành tướng một khối thương yêu.

Ta không có mơ vọng và không có lường gạt tâm-lý nhơn-sanh, trước mặt mỗi người đều thấy, hỏi do quyền năng nào tạo thành quyền-lực ngày nay.

Quyền Đạo ngày nay do Luật Thương-Yêu mà thành tướng vậy, mà nếu do Luật Thương Yêu thành tướng thì không có quyền-năng nào tàn phá nó đặng, nó có sợ chăng là sợ luật thù hận. May thay cả lực-lượng thù hận cũng không xung đột được bởi có bàn tay Thiêng-Liêng gạt thù hận ra khỏi rồi.

Nó nên hình bởi sự thương yêu, trưởng thành trong sự thương yêu, bởi hình chất của thương yêu, hễ càng ngày càng lớn lên càng tráng kiện, nó sẽ làm chúa cả thù hận không hề xâm lấn nó đặng.

Nói quả quyết Bần-Đạo đã đánh tan thù hận ra, khi các đảng phái dùng quyền-lực đặng chiếm ngôi vị của Chí-Tôn để tại mặt thế-gian này.

Bần-Đạo đã can đảm dùng quyền của Bần-Đạo đánh ngã hết đặng bảo trọng hình tướng Thiêng-Liêng của Đạo. Bần-Đạo lỗ vốn cũng nhiều, Bần-Đạo gánh lấy cả thù hận ấy, đặng bảo tồn hình-thể của Đức Chí-Tôn cho trọn thương yêu.

Bần-Đạo dùng can đảm gánh cả thù hận của thiên-hạ mà bảo tồn khối thương yêu vô đối của Đức Chí-Tôn không cho hoen ố, nhơ bợn.

Tại sao mà Bần-Đạo dám thí mình gánh vác thù hận đặng bảo trọng nó? Bởi biết nó là Chúa của hình ảnh, của quyền trị thế tương lai, nó là Thầy của thiên-hạ đặng trị thế, nếu không trọn vẹn nó lưu lại kiểu vở thô bỉ nhơ nhớp thì không thể vì làm Thầy thiên-hạ đặng.

Các chi phái hồi đó dùng cường-quyền mà đoạt-vị. Bần-Đạo là Hộ-Pháp nắm giữ chơn truyền của Đức Chí-Tôn trong tay đây, mà để cho nó đoạt ngôi soán vị như các đời vua chúa từ trước lưu lại cho nền chơn-giáo của Chí-Tôn sao?

May thay, quyền ấy không xung đột được với Thánh-Thể của Chí-Tôn, nó đã bại trận, bởi Thánh-Thể của Ngài có người cầm Luật-Pháp oai-nghiêm tức là cầm cây huệ kiếm trong tay đặng gìn-giữ nền Chơn-Giáo nên hình được, nó nên được tức nhiên nó tạo cho thiên-hạ được, nó tạo oai-quyền của nó thành tướng đặng, thì tạo quyền cho nhơn sanh tại mặt địa-cầu này về tương-lai đặng./.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
Lượt xem: 1130