× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Chuyện tâm linh huyền bí » Con đường Thiêng Liêng hằng sống

Bài 18
Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp cái hạnh-phúc chơn thật của loài người do nơi đâu mà có? Bần-Đạo đã tả do cuộc thiệt-chiến nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, các Đấng Chơn-Linh cao siêu về trí-thức tinh-thần thiếu đạo-đức họ phản đối, họ cho rằng: Duy có bực chơn-linh cao trọng, đủ tinh-thần, đủ quyền-năng, đủ phương-pháp mới ngó ngay "Tứ-Diệu-Đề" tức nhiên là điều khổ của kiếp sanh đặng lập vị mình. Phần nhiều các chơn-linh khác không thể gì đảm đương quyết thắng "Tứ-Diệu-Đề" ấy đặng, tìm phương thế đặng giải khổ. Mà biết không giải khổ đặng, hơn nữa vì quá khổ, họ tìm mảy may hạnh-phúc, họ phải tìm lấy hạnh-phúc đặng giải khổ, duy có phương thế là tìm lấy hạnh-phúc trong phương tối khổ vì cớ mà tạo ra oan-nghiệt tội tình, quả kiếp là do nơi đó. Bần-Đạo nói vì cớ ấy cho nên rủ nhau tìm coi cái hạnh-phúc chơn thật của kiếp sanh con người do nơi đâu mà có?

Bần-Đạo cũng luôn dịp để toàn-thể Thánh-Thể của Ngài toàn cả con cái của Đức Chí-Tôn lấy trí-thức kiếm hiểu coi nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa các Đấng Trọn-Lành trả lời với họ thế nào? Bần-Đạo thuyết đêm nay hơi lâu một chút phải rán ngồi chờ để tâm mà nghe.

Bao giờ cũng vậy muốn thuyết cái chơn-lý, lấy cái Thể Pháp mà nhứt là dùng cái Thể-Pháp ngắn-ngủi khó lòng lắm, nhứt là phải thúc lại trong thời gian ngắn-ngủi này, vì thấy mỗi khi cúng rồi cả thảy đều mỏi-mệt, nên Bần-Đạo không muốn để cho Hiền-Hữu, Hiền-Tỷ, Hiền-Muội, Hiền Huynh, Hiền Đệ mệt mỏi như thế. Khó lắm không phải dễ, thuyết-pháp không phải dễ, dễ chăng là mấy bà lên nói hai ba câu rồi xuống kết cuộc của mấy bà là vậy thôi; thế nên hôm nay tóm-tắt như vậy thôi, cũng như có vị Giáo-Sư lên đài đứng sợ hãi quá, không phải dễ, chưa có ngày giờ tìm-tàng. Mỗi khi Bần-Đạo thuyết, Bần-Đạo để riêng một chỗ trống để cho tinh-thần toàn-thể con cái của Đức Chí-Tôn kiếm hiểu châm thêm cho được cao siêu, chúng ta có thể tìm-tàng được.

Bần-Đạo cố đưa chìa khóa cho cả thảy nắm trong tay, đặng mở ra hầu dìu dắt cả thảy đi cho trọn vẹn trong khối Linh-Đài của Đức Chí-Tôn.

Ấy vậy chúng ta kiếm hiểu hạnh-phúc chơn thật của con người, tức nhiên của kiếp sanh, do nơi đâu mà có?

Bần-Đạo thường khuyên nhủ muốn kiếm một sự thật của một chơn-lý, hay một triết-lý vô-hình vô-cảnh khó lắm, chúng ta phải thấu đáo cho tận cùng, duy chúng ta tìm-tàng dễ-dàng là chúng ta chỉ tìm nơi cái Linh-Đài, lấy cái nhỏ mà tìm cái lớn.

Thoảng chúng ta muốn tìm phương-pháp giải quyết cái thống-khổ đương nhiên nơi mặt địa-cầu này, họ đương đi trong cảnh vô-hình để họ tìm hạnh-phúc cho nhơn-loại.

Ôi! Biết bao nhiêu cái mưu chước đặng tìm hạnh-phúc, mà tội nghiệp thay cho nhơn-loại họ cũng tìm, họ đương khao-khát cái hạnh-phúc thương yêu đặng để sống. Ai đề xướng ra tạo hạnh-phúc cho họ thì họ theo, họ chỉ theo Hitler vì họ tưởng Hitler tạo hạnh-phúc cho họ đặng. Như dân Ý theo Moussolini họ cũng tưởng tạo hạnh-phúc cho họ được mà thôi.

Đương giờ phút này các chủng-tộc nơi mặt địa-cầu này, giờ phút này thiên-hạ đương bị lòe-loẹt vì hạnh-phúc ấy làm cho tinh-thần loài người đương hoang mang bất nhứt, cũng vì khao khát hạnh-phúc mà thiên-hạ bị lường gạt tinh-thần.

Chúng ta suy gẫm kiếm hạnh-phúc của loài người do nơi đâu mà có?

Bần-Đạo để cho cả thảy đều suy gẫm tìm kiếm. Bần-Đạo nói trắng ra thì chúng ta tự nghĩ mỗi anh em, mỗi người đều tự kiếm lấy mình, kiếm nơi mình, coi hạnh-phúc mình ở chỗ nào, kiếp sống chúng ta từ thuở lọt lòng, hạnh-phúc ở đâu, tìm thử coi? Chúng ta không thấy gì hết, chúng ta duy có biết đau khổ mà thôi. Bởi cớ cho nên, Bần-Đạo khuyên cả toàn-thể nhìn ngay "Tứ-Diệu-Đề" của Đức Phật Thích-Ca là đúng, mà sự phản-kháng của các Chơn-linh nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa không phải là qua lẽ đó được.

Chúng ta biết, kiếp sanh ta khổ, kiếp sanh ta từ buổi lọt lòng Nam-Nữ cũng vậy, phải tìm coi hạnh-phúc do nơi đâu mà có.

Bần-Đạo dùng phép hồi-quang phản-chiếu xem kiếp sống của Bần-Đạo, chịu thống khổ bao nhiêu, và được bao nhiêu hạnh-phúc chơn thật. Bần-Đạo phải đi từ chỗ nào? Bần-Đạo ngó thấy Bần-Đạo sanh ra gặp nhà nhân-từ đạo-đức, ông thân Bần-Đạo làm một vị quan của đời Pháp (lúc ấy, Bần-Đạo mới có bốn tuổi) chức tước ấy cũng khá, có dư dã, dư ăn, đủ mặc, nếu ăn hối-lộ có thể làm giàu được, nhưng ông thân của Bần-Đạo đạo-đức lắm, người dĩ-đức vi-trọng. Ông thường thấy sự bất công thì ông phản đối lắm, nhứt là trường hợp bị áp-bức nòi giống của đám dân nghèo. Đem tinh-thần ra cứu đời như thế nên đứng không bền-bỉ, vì vẫn bênh vực những kẻ yếu hèn, kẻ cô đơn, phản đối kịch-liệt với cái oai-quyền đặc-biệt của thiên-hạ. Thiên-hạ ghét những người phản đối với họ, nên họ đuổi mình, ra về với Bà Mẹ lo tảo lo tần mua bán nuôi sống. Bần-Đạo thứ tám còn con em thứ chín nữa ở với nhau như bầy con ở trong cái ổ nghèo ổ rách như vậy, mấy anh mấy chị họ lớn hơn họ lập nên danh kẻ có chồng người có vợ, chỉ có mình Bần-Đạo ở với Cha-Mẹ mà thôi. Bần-Đạo là con chót, con áp út phải ở trong gia-đình đó, ngay buổi ấy tưởng mình vô phước, mà ngó lại ngay buổi ấy Bần-Đạo chưa biết gì hết chỉ có biết thương nhau mà thôi. Thương cha có công sanh dưỡng và chơn chánh, thương mẹ bảo trọng gia-đình lo tảo lo tần nuôi con, thương anh em trong gia-đình, duy có biết thương mà lo học, sợ không học Ông Bà buồn rầu. Nói con không học Cậu, Mợ buồn lắm, vì thương yêu quyết chí học, học là tánh-đức của thiên-nhiên, thương nhiều quá, thương trong gia-đình hơn ai hết, anh em cũng vậy, hạng nhứt là trong nhà bất hòa, là điều khổ hơn hết. Anh Chị bất hòa Bần-Đạo theo năn-nỉ, khóc lóc giải hòa, ngó lại hồi lúc đó đến bây giờ thì lúc đó hạnh-phúc nhiều hơn hết, chỉ có biết thương yêu mà thôi.

Đến chừng lập được thân danh ra đứng đợt với đời, kiếp sống từ đó xét lấy mình thời buổi ấy đã tính trong óc Cha đã chết hồi 12 tuổi chỉ ở với Mẹ, thương Mẹ sợ Mẹ chết nữa không biết ở với ai? Sợ quá chừng quá đổi khi nằm ngủ cũng sợ.

Ở tỉnh Tây-Ninh này người ta thường chôn đám xác ban đêm, khi ngủ nghe họ hò giựt mình thức dậy mò kiếm Bà Già, Bà Già hay hỏi con làm gì vậy? Con nghe người ta đưa đám xác con sợ Mẹ chết quá. Cũng vì sự thương quá đỗi, chừng được 17 tuổi quyết định ra làm việc để trả hiếu cho Mẹ.

Bần-Đạo hiện tại ở Tây-Ninh thiên-hạ còn nhớ, buổi ấy không biết gì hết, duy có biết thương Mẹ mà thôi, thêm nữa mấy đứa em gái tới ngày giờ định gả lấy chồng chớ không còn ở chung nữa. Lúc ấy Bần-Đạo đã thi đậu, nếu ra làm việc với hãng buôn ăn lương lớn, mà sợ không biết nuôi Mẹ được không? Lại bị người anh rễ nói: Em làm việc hãng buôn ngoài không có danh-dự gì hết, nghe lời nên xin sở nhà nước, làm việc mỗi tháng lương 70, 80 đồng là nhiều lắm. Ăn xài hơn ai hết mà cũng dư một đôi chục bạc để nuôi Mẹ. Đến chừng lương còn hai chục đồng một tháng, chừng đó thiếu nợ lại còn thêm một bà vợ nữa, công việc bối-rối ra không biết bao nhiêu nữa, tới chừng đó không còn lo cho Mẹ được nữa. Còn lo gì nữa được, lúc đó khổ về xác mà tinh-thần cũng khổ nữa, không biết buổi nào quên được, mà trong gia-đình khi đó tạo hạnh-phúc được chưa? Chưa tạo hạnh-phúc được thì bà Mẹ đã chết!

Năm Bần-Đạo được 22 tuổi, đau đớn biết bao nhiêu chỉ có biết một điều là lo lập thân danh đặng nuôi Mẹ, lập đặng thân danh để bảo trọng anh em. Đến chừng thành danh rồi khổ đáo để, Cha Mẹ đã khuất hết, dầu thương bao nhiêu cũng không còn, lại bị ác nữa là vợ con gia-đình sanh đẻ mãi, đâu có lo ngoài được nữa, khởi thống-khổ tâm hồn. Tới chừng cao sang sung-sướng ngó lụng lại không thấy Cha Mẹ, vì Cha Mẹ đã chết hết. Hai Đấng ấy đã chết hết thôi mình đeo theo anh em, em chết nữa, lần lượt bao nhiêu người thân-ái đều chết hết, bao nhiêu cái thương nồng-nàn chỉ để nơi một người Anh Rễ, thương hơn anh ruột nữa. Có một người em gái thứ chín, đó là người bạn thân mến trong kiếp sanh của Bần-Đạo mà đã qui liễu rồi. Tới chừng ấy tâm hồn ngơ-ngẫn, xác thịt bơ thờ, đi ra ngoài đồng ngó ngọn cỏ, con chim nó cũng nhắc, nghe tiếng hát của mấy em cấy lúa, nghe tiếng hò của người chèo ghe, cũng nhắc tới nỗi đau thương. Từ ngày ấy, không biết buổi nào được vui, chỉ muốn tu, muốn tìm cảnh tu, cho đến từng tuổi này đáo để tâm hồn quá lẽ.

Nhờ Đức Chí-Tôn đem cây đuốc Huệ-Quang chiếu diệu tâm hồn này đặng gỡ mối đau khổ. Vì cớ cho nên Bần-Đạo theo, càng theo cái lý-tưởng càng để tâm hồn theo Ngài, rồi Ngài giao tình thương yêu nồng-nàn hơn muôn triệu lần của gia-đình nữa.

Hễ biết tu thì biết Đạo, hễ biết Đạo rồi thì biết dìu-dắt anh em chị em tình thương yêu nồng-nàn đáo để, thương hình-trạng của thiên-hạ muôn ngàn đau khổ.

Bần-Đạo đã sống bao nhiêu năm khổ chỉ biết chung chịu điều thống khổ với nhau, mà mấy anh lớn, mấy chị lớn lần lượt họ đi về Đức Chí-Tôn hết, chỉ để một mình Bần-Đạo quằn-quại gánh vác hai vai, khổ anh khổ em, mà các bạn còn bơ-thờ chẳng biết đạo hạnh là gì hết, nỗi lo Đạo-nghiệp, nỗi lo dạy-dỗ mấy em, nỗi lo cho đám con trẻ, mà mấy kẻ không có tay giúp đỡ vì Đạo, binh vực cho Đạo, mà tình-trạng thể tánh còn thay đổi.

Trái lại Bần-Đạo đem thân mình vô cửa Đạo đặng thoát ly thống-khổ cho tâm hồn, mà nó lại còn tăng thêm cái thống-khổ nữa. Hỏi cái thống-khổ của Bần-Đạo nơi đâu mà sản xuất, trong cảnh khổ ấy Bần-Đạo cũng có thể tìm hạnh-phúc đặng mà sống, nếu không có hạnh-phúc thì Bần-Đạo đã chết rồi, chết hồi thuở thiên-hạ cường quyền áp-bức đồ lưu nơi hải-ngoại, chết hồi buổi Đạo nguy biến suy vong, nếu không có hạnh-phúc tinh-thần an-ủi thì đâu có sống đến ngày nay.

Có chớ, có hạnh-phúc an-ủi được tâm hồn của Bần-Đạo là khối thương yêu của Bần-Đạo, thương yêu con cái của Đức Chí-Tôn, của triệu tâm hồn ấy là hạnh-phúc chơn thật.

Bần-Đạo không kiếm mà thể xác đặng mạnh-mẽ, năng-lực nó làm cho Bần-Đạo sống, sống đặng quyết thắng cả cái thống-khổ là do hạnh-phúc thương yêu ấy. Bần-Đạo yêu thương chơn thật con cái của Ngài, rồi Bần-Đạo thấy cả thảy con cái của Ngài thương yêu Bần-Đạo lại một cách chơn thành. Hỏi trong buổi chưa thương họ còn có kẻ ganh hiền, ghét ngỏ, vì tinh-thần ganh tị của họ, nhờ sự thương yêu chơn thật của toàn thể con cái Đức Chí-Tôn đem chứng cớ ra công-lý, làm cho toàn cả thiên-hạ ngó thấy khối thương yêu công-bình Thiêng Liêng hiện-tượng ra, đặng làm chứng cho Bần-Đạo, vì thương yêu nên mới tạo hạnh-phúc, vì thương yêu nên mới tạo ra tổ-nghiệp. Ngày giờ này cái (*1) hạnh-phúc thiệt tướng là bởi khối thương yêu vô tận đối với con cái của Đức Chí-Tôn, tức nhiên là trong đạo-đức đó vậy. Hạnh-phúc nó làm cho Bần-Đạo sống một cách mạnh mẽ, sống một cách oai quyền, cả thảy đoán xét lại, khi chúng ta tạo dựng được một cái đại-nghiệp, hay gầy dựng một công-nghiệp nào, mà đặng hưởng đặc-ân của nó, thì công-nghiệp ấy vẫn còn giá-trị.

Còn chúng ta có thể tạo công-nghiệp cũng không phải là một thời gian, một thời gian không thể gì đặng. Nếu cả triệu con người tin tưởng đặng, dầu công-nghiệp ấy đem mạng sống của mình đặng ký thác cho nó đi nữa cũng phải làm.

Giá-trị gì một mạng sanh, đem đổi hạnh-phúc cho cả triệu người mà sao không đổi, cái hạnh-phúc chơn thật.

Bần-Đạo cho hay nếu Đạo Cao-Đài sẽ hưởng được cái hạnh-phúc vô ngàn của Đức Chí-Tôn ban bố ngày nay đã thiệt-tướng vì vinh-hạnh đó, Bần-Đạo đã lập được đại công đối với toàn cả con cái của Đức Chí-Tôn, Bần-Đạo đã lập được là nhờ cái quyền-năng vô đối của hạnh-phúc ấy.

Kỳ tới Bần-Đạo sẽ giảng thêm năng-lực thương yêu và hạnh-phúc của loài người./.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
Lượt xem: 1288