× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Chuyện tâm linh huyền bí » Con đường Thiêng Liêng hằng sống

Bài 15
Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp về triết-lý trọng yếu nên hơi lâu dài, cả thảy ngồi có mỏi mệt xin đừng phiền.

Mỗi phen cúng giờ khuya, muốn giảng triết-lý nào có thể viết ra một quyển sách mà gom nó lại thế nào làm một bài văn ngắn-ngủi, có đủ tinh-thần không phải là dễ, khó lắm vậy.

Đêm nay Bần-Đạo giảng tiếp: Trường thiệt-chiến nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về huyền-vi bí-mật của các cơ-quan hiệp nhứt là về triết-lý: "Vị tha diệt kỷ" tức là "Dĩ công diệt tư", ấy là Bí-Pháp. Nếu có thể thật-hành tại mặt địa-cầu này, đặng cứu vãn cả cơ-quan tương khắc, tương đối, đem nhơn-loại ra khỏi vòng tương-tàn, tương-sát lẫn nhau.

Vả chăng, trên Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, các Đấng lấy thuyết dục-tấn làm căn-bản, dầu cho về mặt triết-lý cũng ở trong tay các Đấng mà có tự do tín-ngưỡng, các Đấng chịu ảnh-hưởng của Nho-Giáo, nêu lên lẽ công bỏ điều tư. Ngoài ra có tín-ngưỡng mới rõ danh-vị của huyền-vi thưởng phạt, và toàn cả quyền năng hữu-hình và vô-hình của Đức Chí-Tôn là Đấng Chủ-Tể muôn loài. Nhưng hại thay! Trong triết-lý của Nho-Tông tín ngưỡng lấy tinh-thần của nhơn-loại mà chịu cái ảnh-hưởng ấy thôi, ấy là phương-pháp trong sự tự-do tư-tưởng và tự-do tín-ngưỡng của nhơn-loại, mà nhơn-loại chịu ảnh-hưởng ấy chưa đoạt được quyền vi-chủ ấy, nên giữa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa phản đối nói rằng: Chúng tôi thấy tại mặt thế cả vạn loại bảo-thủ sanh mạng có nhiều lẽ bất công trước mắt, trường đời hổn loạn, mạnh được yếu thua, ngu bị tàn hại, trí được cường-liệt. Dầu cho nhơn-loại cũng vậy, chúng tôi thấy trước mắt đương nhiên mặt địa-cầu này, tấn tuồng tiếp diễn mãi thế, không buổi nào dứt đặng. Bực Đại-Giác của nhơn loại kiếm phương thuốc dung hòa, các cơ-quan tuồng đời đã xô đuổi nhơn-loại đi trên con đường diệt vong. Buổi tương-lai đây, hỏi nếu có một quyền năng vô-hình định vận, định căn cho toàn nhơn-loại, quyền năng đó có đủ năng-lực để bảo vệ họ và ngăn cản không để cho sự bất công tiếp diễn nữa không?

Tưởng nếu chúng ta bị vấn nạn như vậy, chắc khó giải quyết lắm, may thay, nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa các Đấng Trọn-Lành chưa chịu thua họ, các Đấng ấy trả lời: "Cũng bởi nguyên căn dĩ tư diệt công, dĩ kỷ diệt tha", tấn tuồng tiếp diễn giờ phút nào thì luật tương đối định mạng vận cả sanh-hoạt của vạn-loại vẫn còn đến giờ phút ấy. Giờ nào mà nhơn-loại biết dĩ công diệt tư, dĩ tha diệt kỷ, giờ ấy là giờ giải thoát cho nhơn-loại chớ có gì đâu.

Chúng ta nhìn thấy trường đời, có khác chi nơi cửa Thiêng-Liêng kia lạ (*1) một điều là: Những cơ-quan của tinh-thần vật loại tạo thành tướng đều là "Dĩ kỷ vị tư", mà hễ dĩ kỷ vị tư tức có tương tranh tương đối, mà có tương tranh ắt có tương tàn tương diệt chớ có gì lạ đâu.

Các vật loại đã chịu mặt luật Thiên-Nhiên, luật ấy định quyền dĩ công diệt tư, dầu cho xã-hội nhơn quần đến gia-đình cũng vậy. Trong gia-đình toàn con cái lấy gia-đình làm chủ-nghĩa, mà họ lấy tư-kỷ thì gia-đình ấy náo loạn, tàn mạt. Trong một quốc-gia xã-hội, dân phải vị quốc (tức là vì nước) mình thì quốc-gia mới cường liệt, còn dân vị-kỷ chỉ biết hạnh-phúc cá nhân, không biết hy-sinh cho quốc-vận, thì nước nhà loạn lạc, xã-hội vạn quốc đương nhiên chỉ biết làm cho nước mình cường liệt, chỉ lo cho nước mình cao sang hơn các nước khác, chẳng qua vì vị-tư, vị-kỷ của họ mà ra. Nước này muốn đặt mình cho cao sang hơn nước kia, tức có phản đối có phấn đấu, mà hễ phấn đấu thì nhơn-loại tương tàn tương-sát nhau. Điều ấy không lạ, luật thiên-nhiên dục-tấn, họ dục-tấn đặng chi? Đặng đưa họ đến con đường hiệp nhứt tức là đường vị-tha bất vị-kỷ. Hại thay nhơn-loại chưa có tinh-thần đó, điều nào vị-kỷ đáng lẽ họ không gọi là công-lý hay gọi là chơn chánh đối với kẻ khác, họ để giá trị ấy là đê hèn, thô bỉ, lạc hậu, là lẽ bất công thì thế nào thế-gian này không đào độn loạn-ly cho được?

Các bạn có giấu-diếm được không? Mời các bạn ra khỏi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa xem (*2) xuống thế-gian coi thế-gian đào tạo từ thử, coi tình trạng biến hóa của nó đặng quyết định do quyền-năng thế nào? Đứng trước cửa Diêu-Trì-Cung dưới cây phướn chiêu-hồn của Đức Diêu-Trì, ta dòm thấy một bản-đồ dường như trải ngửa cho chúng ta xem, thấy một khu đất de ra đại-hải, đất ấy một phần bưng lầy nho nhỏ, một phần trên gò nỗng, chỗ khuyết chỗ đầy, chỗ lưng chỗ vơi dơ dáy là bùn để giá bán ba trăm quan. Mảnh đất ấy là thành Nữu-Ước (New York) tình cảnh đìu-hiu để giá bán chỉ có 300 quan mà thôi. Rồi chúng ta thấy hình nó biến tướng ra sao? Nó thành Châu-thành nho nhỏ, vừa như Châu-thành vừa như cửa biển, các con buôn đến buôn bán. Kế thấy biến tướng ra một Châu-thành lớn, thiên hạ lên xuống nhứt là bán vàng, xem ra tình-trạng kha khá rồi, biến nữa, thấy Châu-thành lớn lao, thiên-hạ náo nhiệt, đó là đến thế-kỷ La Fayette, lúc ấy thiên-hạ nơi thành Nữu-Ước tìm phương giải thoát nạn đô-hộ của Anh, biến nữa thì thấy lầu đài chớn-chở, cửa biển thuyền bè tấp nập, thiên-hạ đô hội, nhà thì cất 100 từng, lầu các nguy-nga không còn tình trạng như trước kia. Những nơi bùn lầy thành ra một cửa biển lớn lao vô cùng tận, giàu sang vô đối. Nếu chúng ta tưởng tượng, tại có những cái tư-kỷ ban sơ mà thành Nữu-Ước có được cảnh trạng bây giờ, hỏi nhơn-loại muốn bảo thủ cái nào, muốn bảo thủ mảnh đất bùn lầy hay là cảnh đài các hiển nhiên đây?

Các Đấng ấy nói: Chưa hết, sẽ còn thay đổi nữa, chẳng phải thành phố Nữu-Ước thôi, mà cả hoàn-cầu đến hạn định của mình đều phải đổi nữa.

Các bạn Việt-Nam, cho các bạn thấy bản-đồ thành Sài-Gòn, dòm thấy trên bản-đồ do con sông lớn hai bên bần mọc li-bì, kế đó con sông nhỏ, sơ-rơ mấy nhà thuyền chài. Bến-Nghé là đó, bùn lầy dơ bẩn hai bên sông lớn chảy dài vô trong ruộng đầy-đặn, đưng cỏ mọc. Thỉnh-thoảng thấy biến tướng ra hai bên sông bớt bần, thiên-hạ chen nhau cất nhà, gọi là nhà sàn, đầy dẫy thuyền bè tới lui buôn bán. Biến nữa, thấy dựa bờ sông có người xúm-xít cất nhà, nhóm thành làng lớn, nhà cửa thuyền bè đặt nghẹt. Biến nữa thấy ruộng khô, nhà đắp nền đất, nhà ngói, nhà tranh nhiều. Biến nữa thấy hai bên bờ sông nhỏ, bây giờ là đường Charner, thiên-hạ ở coi náo nhiệt, lao-xao lố-xố. Biến nữa, con sông đó đâu mất, hai bên bờ sông lớn không còn nhà sàn như trước nữa, lại có tàu khói ra vô tấp nập, thiên-hạ buôn bán. Biến nữa thấy Châu-thành buôn bán sầm uất. Biến nữa thấy lầu đài, nhà thờ nhà nước. Rồi biến nữa ta thấy Châu-thành đương nhiên bây giờ.

Các Đấng hỏi: Chúng ta muốn bảo thủ thành Sài-Gòn như trước, còn ruộng đất bùn lầy, hay muốn bảo thủ phong cảnh ngày nay? Lại nói: Chưa hết đâu còn thay đổi nữa.

Bây giờ có người nhứt định nói hiện giờ có Đạo Cao-Đài chờ coi đặng làm bằng chứng. Tìm tòi thấy Đền-Thánh chúng ta đây, bản-đồ có rừng, cây, cọp, beo, khỉ đủ thứ thú dữ ở. Rồi thấy biến ra vài ba cái nhà tranh cất leo-teo trong rừng. Biến nữa, thấy phát ra một khoảnh trong cất Đền-Thờ, với vài ba cái nhà lá làm trú phòng. Rồi biến ra chòi cất cùng hết, mỗi nơi mỗi cái chòi xen lẫn nhau trong rừng có vùng đắp đất. Biến nữa thấy thiên hạ vô Đền-Thờ coi được sạch-sẽ, vẻ-vang. Thấy làm gì mấy ông lớn vô rồi ba người ở ngoài cửa mắng nhiếc chưởi bới. Biến nữa thấy thiên-hạ người nghèo khó tấp nập ra vô, đốn cây, ban gò mối, làm cho đất bằng phẳng. Biến nữa thấy chất đá ngói cất Đền-Thờ lợp ngói, biến nữa sập cái Đền-Thờ đó xuống có Đền-Thờ khác thiên-hạ đang làm, tức là Đền-Thờ đương nhiên dinh-thự mọc lên cùng khắp.

Hỏi Đạo Cao-Đài muốn có bảo thủ khu rừng hoang vu hay là bảo thủ Đền-Thánh hiện giờ, hay là muốn giữ để làm tư-kỷ cho mình chăng?

Các Đấng ấy nói các sự biến-tướng là gì lẽ công hết thảy, dầu cho thành Sài-Gòn hay thành Nữu-Ước điều biến-tướng theo lẽ công không vì tư được, nhà ta cất giờ phút này, bất quá là mở phần tựu hình đặng cốt yếu trong sự thống-nhứt vì công, không vị-tư vị-kỷ được.

Ấy vậy, ta thấy hữu-hình hiện giờ, cái bí-mật huyền-vi Thiêng-Liêng trên con đường trải qua từ Bát-Quái-Đài đến đây thấy thế nào? Thấy có những cây, khi đi ngang qua các Đền Đài phải biết rằng, có bàn tay của mấy người tượng nắn ra các cái đó, các vật chung quanh mỗi người nhìn thấy trên con đường trải qua ấy, cũng chính tay mỗi đứa mình đào tạo thành ra một vật chung, nó là công không phải tư, cho đến Đức Phật Mẫu mà các người đến kiến định, nhìn nhận là Mẹ sanh của mình tại thế, chính Phật-Mẫu tượng hình cho chúng mình. Phật-Mẫu cũng là công, không phải tư được, còn Chí Tôn mà ta sẽ gặp tới đây ta sẽ thấy Chí-Tôn là cha của mỗi đứa mình, thấy Ông định nhập vào cho công và hết còn là tư. Về huyền-bí Thiêng-Liêng, nắm cái Càn-Khôn lập quyền-năng vững chãi do nơi cơ-quan vị-công bất vị-tư.

Thế-gian này, ngày giờ nào nhơn-loại lấy của mình làm công, không lấy một mảnh đất nào làm tư nữa, thì ngày giờ ấy thiên-hạ mới hạnh-phúc./.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
Lượt xem: 1133