× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Chuyện tâm linh huyền bí » Con đường Thiêng Liêng hằng sống

Bài 14
Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp cuộc thiệt chiến giữa các Đấng Trọn-Lành nơi Cung Hiệp Thiên Hành-Hóa và các Chơn-Linh có trí-thức tinh-thần cao siêu mà không dung nạp một tín-ngưỡng nào hết, tức là các tinh-thần vô đạo-đức.

Vấn nạn về tín-ngưỡng Đạo-Giáo, họ hỏi các Đấng Trọn-Lành: Nếu quả nhiên như các Ngài buộc chúng tôi phải có đức-tin đặng tu, phải có đức-tin mới tu kỳ thân đặng, và dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống vô-biên vô-giới trong hàng phẩm các Đấng Thiêng-Liêng, tức là các chơn-hồn trong Càn-Khôn Vũ-Trụ; chúng tôi xin hỏi: Nơi thế-gian này, biết bao nhiêu Tôn-Giáo, mà các vị Giáo-Chủ đã tạo thành, đương giáo-hóa nhơn sanh nơi mặt thế; chúng tôi không công-kích gì các Đạo-Giáo ấy, nhưng làm cho tinh-thần nhơn-loại mờ hồ, mất cả tín-ngưỡng Đạo-Giáo là do lẽ ấy. Chúng tôi cũng không công-kích rằng: Các vị Giáo-Chủ đã để các triết-lý Đạo-Giáo nơi thế-gian này là không thật bổ ích cho tinh-thần nhơn-loại, song chúng tôi làm chứng quả-quyết một điều là triết-lý của các nền Tôn-Giáo đã phản khắc nhau, tinh-thần triết-học tín-ngưỡng không đồng, làm cho tinh-thần trí-thức loài người hoang mang không biết nên để đức-tin nơi nào cho đặng.

Về nhơn-đạo, ta thấy ai rủi sanh làm người tại thế-gian này tự nhiên biết mình đến một cảnh khổ, và kiếp sống của mình là kiếp khổ, ai cũng hiểu cả Tứ-Khổ mà Đức Phật Thích-Ca đã để tại thế gian, không phải là không chí lý, để cho tinh-thần loài người nhận thấy, bởi trọn kiếp sanh làm con người, phải biết cái khổ ấy do nhiên, không chối cải được, nhưng mỗi Đạo-Giáo có mỗi phương-chước tu hành, đặng dục tấn về mặt tinh-thần trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Nhơn-Đạo dạy nhơn loại Tùng-Khổ,
Thần-Đạo dạy nhơn loại Thắng-Khổ,
Thánh-Đạo dạy nhơn loại Thọ-Khổ,
Tiên-Đạo dạy nhơn loại Giải-Khổ,
Phật-Đạo dạy nhơn loại Thoát-Khổ.


Thành ra chỉ có một triết-lý, chỉ vì muốn diệt khổ mà các Tôn-Giáo để mỗi điều, mỗi nẻo, mỗi triết-lý. Chúng ta thấy các triết-lý ấy đều chơn thật đều bổ ích, chơn-lý ấy chúng tôi không phản đối, nhưng chúng tôi thấy vì lẽ phải, toàn-thể Tôn-Giáo ấy làm cho tinh-thần loài người không biết chọn cửa nào cho đặng. Vì cớ nên nhiều kẻ nếu trí-thức tinh-thần được đầy-đủ đặng suy đoán, tìm hiểu, biết quan-sát các triết-lý đạo-đức, thì sự mờ-hồ như chúng tôi đã nói là chơn thật, quả quyết đáng gọi là mờ-hồ. Nó mờ-hồ có nhiều lẽ. Thoảng có một triết-lý nào mà tìm chưa tận cùng chỉ sợ một điều nếu nhẹ tín, đem để đức-tin mình nơi nào rồi, sợ thiên-hạ bàn tán trích điểm ấy, sợ xấu hổ, biết đáng tín-ngưỡng lại sợ miệng lưỡi thế-gian trích điểm, rồi làm bộ mình cũng coi không chịu có tín-ngưỡng gì hết. Phần nhiều các bậc có học, các triết-học-gia tại thế-gian này có tánh ấy .

Đã biết mà lại sợ, biết mình tín-ngưỡng là đáng mà không quyết thắng tâm-lý của mình, và của người đặng định-quyết sự tín-ngưỡng, sợ thiên-hạ cười rồi làm màu-mè không tín-ngưỡng. Phần nhiều hạng hữu-học như vậy.

Như thế thì các Đấng Trọn-Lành trả-lời ra sao? Nói: Các ông đủ trí-thức tinh-thần, đủ học-thức kiến-văn đặng chủ định tinh-thần tâm-lý của mình, mà các ông không đủ can đảm quyết làm cái điều phải làm ấy. Các ông chán thấy một kẻ có tâm hồn cao thượng, điều gì học hỏi quyết nhận thấy là cao thượng, phải lẽ, thì họ cũng dám hy-sinh tánh mạng làm cho nên tướng điều ấy. Từ tạo-thiên lập-địa đến chừ, bao nhiêu bực hiền-triết đã hủy mình làm theo lẽ phải ấy. Chúng tôi hỏi các ông: Các nền Tôn-Giáo hiện-tượng nơi thế-gian có Tôn-Giáo nào dạy thiên-hạ làm quấy chăng? Nếu quả nhiên không có Tôn-Giáo nào, dầu Tả-Đạo, Bàn-Môn đi nữa, không dám dạy nhơn-loại điều quấy, vẫn dạy điều phải mà thôi. Bởi vì với lẽ phải ấy, không có Tôn-Giáo nào đã gọi là Tôn-Giáo mà dám dạy làm quấy, tức nhiên dạy làm phải. Nếu bực trí-thức như các ông thấy phải không dám làm thì là bạc nhược tinh-thần lắm vậy.

Một điều nữa, lấy tín-ngưỡng làm căn bản, từ thử đến giờ các ông đã thấy nó làm môi giới, định phương-châm cho nhơn-loại sống, như thế nào các ông chối đặng? Nếu thoảng nói các Tôn-Giáo tại thế này làm cho tinh-thần nhơn-loại không thế chủ-định nơi nào mà để tín-ngưỡng, chúng tôi xin nói như thế này: Người ta dọn một bữa cơm có đủ món ăn, nào thịt, nào muối, nào rau, nào tương, nào chao, mà mấy người nói nhiều món quá, cứ cầm đủa quơ hoài, không ăn rồi chịu đói sao? Phải ăn chớ!

Các Tôn-Giáo để tại thế-gian này miêu tỏa tánh nết của loài người, làm phương-châm đặng dìu-dắt tinh-thần loài người.

Trong một cái nhà cũng có chỗ cho mấy người ở, không lẽ không có một nơi nào cho mấy người đến, người ta đem nhiều món ăn mà không biết lựa chọn mà ăn, không phải không món nào bổ ích đặng định phần sống, tại dở không biết lựa, hay là tại làm màu, chê rẻ, trề nhún thà chết đói không thèm ăn. Lời tục nói: "Làm cách sạch ruột, ắt phải đói".

Các nền Tôn-Giáo có thể ví như một gia-đình, người này tranh hơn thua công-kích người kia, không lạ mỗi gia-đình nếu có Ông Bà, Cha Mẹ, Cô Bác, phải có con cháu, như đám thiếu-sinh kia, nếu dạy anh mầy phải phục tùng Mẹ mầy, Mẹ mầy phải phục tùng Cha mầy, Cha mầy phải phục tùng Ông Nội mầy, Ông Nội mầy phải phục tùng Ông Cố mầy, định quyền hạn trong gia-đình không phải là chuyện dối giả hay là không có thật. Nhưng có một điều là khi đứa trẻ đã nên người, không cần nói đến những điều trên mà nói như vầy: Trong gia-đình mầy có Ông, Bà, Cha, Mẹ và anh em mầy, mà mầy là một phần tử, mầy là người ở trong gia-đình ấy. Các nền Tôn-Giáo đã để tại mặt thế này tùy theo trí-hóa, tánh-đức của nhơn-loại tiến tới địa-điểm nào, để Tôn-Giáo cho vừa chừng địa-điểm ấy.

Còn hiểu Tôn-Giáo là gì, lẽ ấy Tôn-Giáo nào cũng dạy ta cho sáng đạo-đức tinh-thần, tổng-số các Tôn-Giáo ấy đáng tạo ra thiệt tướng của đạo-đức, chớ không phải sanh ra cho nhiều đặng trích-điểm nhau, tàn diệt nhau, không có phương-thế gì mà Tôn-Giáo này tàn diệt Tôn-Giáo kia, dầu có ganh-ghét nhau không khi nào Tôn-Giáo này có thể giết được Tôn-Giáo khác, bởi không có năng-lực, lực-lượng gì diệt tiêu nhau được cả. Bởi chơn-lý chỉ là một chơn-lý, là sống trong cái sống của tín-ngưỡng, sống trong con đường hằng sống và làm cho được hằng sống vô-biên vô-giới, tạo tinh-thần cho biết nguồn cội của Tôn-Giáo là chỉ hằng sống mà đi tìm thôi. Dầu cho một trăm đường đi, ta chỉ cần biết một nẻo là đủ, chớ đi một ngàn ngỏ cuối cùng cũng đến một địa-điểm là cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Đó là thiệt cảnh mà ta cần tìm chớ không phải cảnh phàm này.

Ta mang thi hài thú-chất, chịu khổ sở đủ đầy, ta tìm chơn-lý của Tôn-Giáo thì có Tôn- Giáo nào mà không chỉ đường, họ chỉ nhiều chừng nào thì con đường chắc đến chừng nấy. Nếu không chỉ được con đường Hằng-Sống ấy không phải là Tôn-Giáo nữa, ta không cần nghe mà cũng không nên theo dầu bị dụ-dỗ buổi mê-tín đị đoan, chừng ấy không phải chơn-tướng Thiêng-Liêng Hằng-Sống, mà nhơn-loại muốn tìm thì họ từ-giã ngay, không hề khi nào gạt đến tận cùng, đến diệt tiêu cả sở-vọng của tinh-thần loài người đặng./.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
Lượt xem: 1307