× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Chuyện tâm linh huyền bí » Con đường Thiêng Liêng hằng sống

Bài 12
Hôm rày đình thuyết cuộc dục tấn của chúng ta trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp. Nhưng trước hết, Bần-Đạo cho cả toàn con cái của Đức Chí-Tôn nhứt là Thánh-Thể của Ngài tức Hội-Thánh hay rằng Đức Cựu Hoàng Bảo-Đại vừa gởi cho ông Nguyễn-Hữu-Trí tức là một vị của Chánh-Phủ Trung-Ương Lâm-Thời Việt-Nam phái đi làm quan-sát viên, dự Hội-Nghị Liên-Hiệp-Quốc, nhưng Đức Bảo-Đại chưa cho ông dự Hội-Nghị, vì chơn tướng độc-lập và thống-nhứt của Việt-Nam chưa thành hình, chưa có thể dự Hội-Quốc-Liên được. Ngài gởi cho ông ba bức thơ tỏ vẻ đầy đủ hy-vọng về sự đòi hỏi sẽ toại nguyện đem lại độc-lập và thống-nhứt cho nước nhà. Ngài yêu cầu toàn quốc-dân hiệp nhau, đừng quá trọng đảng phái chánh-kiến mà nên trọng tương-lai của Quốc-Gia, phải có lòng ái-quốc chơn chánh, chung tâm hiệp sức vùa giúp (*1) Ngài thì Ngài mới có thể tạo hạnh-phúc cho nước nhà và cho chủng-tộc. Ấy là lời than của một vị Đế-Vương. Ngài nói rằng: Nếu tôi đoạt được cái sở vọng của toàn-thể đồng-chủng ta đặng, chẳng qua là nhờ ở tâm-lý cương quyết của Quốc-Dân mà đoạt đặng, tạo quốc cũng do Quốc Dân, mà định vận mạng tương-lai của nước nhà cũng do Quốc-Dân đó vậy. Một vị Đế-Vương đã kêu gọi, toàn-thể bá tánh hiệp sức với người đặng lo tạo thành hạnh-phúc, tương-lai của nòi giống và cho nước, Bần-Đạo tưởng lại duy có kẻ điếc, đui mới không biết phận-sự mình đối đãi với nòi giống mình, với nước nhà mình như thế nào?

Hôm nay Bần-Đạo tiếp giảng cuộc dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Chúng ta ngưng bước từ hổm rày nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, Cung ấy có liên-quan tới phần hồn của nhơn-loại nhứt là về Đạo-Giáo tinh-thần, nên chúng ta ngưng lại đó đặng quan-sát cả hành-tàng của Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa như thế nào?

Ta gặp các Đấng Trọn-Lành nơi Cung ấy lãnh đảm-nhiệm trọng yếu là bào chữa cho các đẳng linh-hồn được siêu-thoát.

Chúng ta hỏi về năng-lực của các Tôn-Giáo, đương nhiên sanh-chúng đang theo dõi đặng tạo tâm hồn của mình, các Tôn-Giáo ấy có đủ quyền-năng bảo vệ tương-lai phần hồn của sanh-chúng chăng? Ta sẽ thấy các Đấng ấy cười và nói rằng: Thoảng nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa này đòi phen mời các vị Giáo-Chủ ấy đến hiện-diện đặng chứng kiến một án-tiết gì của các Tông-Đồ họ thi thố tại thế, đương nhiên tôi xin chư Hiền-Hữu đừng lấy làm lạ.

Vả chăng các vị Giáo-Chủ, lập giáo đều nương nơi một tinh-thần của họ, tinh-thần hữu-định ấy có căn nguyên trong tinh-thần của toàn nhơn-loại. Họ chỉ lấy một thuyết trọng yếu đặng làm triết-lý Đạo-Giáo của họ, tỷ như Thánh-Giáo Gia-Tô lấy tâm làm căn bản, Lão-Giáo lấy thân làm căn bản, Hồi-Giáo lấy tín-ngưỡng làm căn bản, mỗi Giáo-lý đều có sở năng làm trung-tâm điểm đặng vi-chủ tinh-thần của con người trong chỗ khuyết-điểm của họ.

Thoảng có một vị tu chơn theo Phật-Giáo, chẳng noi theo tánh đức nhà Phật là Từ-Bi Bác-Ái, chỉ biết một điều trọn kiếp sanh đem thân phụng sự cho nhơn-loại, cho chúng- sanh. Sang, trọng, vinh, hiển họ coi như nước chảy, như giọt sương đầu cỏ. Sang trọng như Phật, xuất thân nơi nhà Đế-Vương mà còn bỏ hết, mang Bình-Bát đi hành-khất đặng mà chi, để làm gì? Ngài hành-khất đặng của bố-thí, tạo Cấp-Cô-Độc-Viên nuôi kẻ nghèo đói. Mảnh áo Ngài không muốn mặc sang trọng hơn kẻ khó khăn. Tánh-đức của Phật là ăn mày, mà ăn mày như thế ấy siêu thoát tinh-thần làm sao!

Thoảng một vị Giáo-đồ nhà Phật lấy căn bản hành-khất ấy đặng tạo một cảnh chùa rồi ngồi đợi chúng-sanh đem của bố-thí tới đặng ăn mà sống, ngoài ra nữa, còn lường gạt tâm-lý của các Tín-Đồ, đem cả mầu-nhiệm Thiêng-Liêng của Phật dạy làm một món khí cụ đặng dọa nạt, hù nhát kẻ Tín-Đồ, duy có một phương hù nhát mà thôi. Lập ra cửa Phong-Đô có hình khảo ghê sợ đặng dụ-dỗ họ nơi Niết-Bàn mà kỳ trung chưa hề phụng-sự chúng-sanh như Phật, đến khi về cửa Thiêng-Liêng nói: Tôi theo tôn chỉ nhà Phật, mà Phật đã đoạt-vị, tôi cũng phải được đoạt-vị như Phật vậy chớ! Hỏi vậy chớ Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa mới đem lý-thuyết nào, bằng cớ nào đặng bảo-vệ cho kẻ ấy nơi Cực-Lạc Thế-Giới và Ngọc-Hư-Cung đặng.

Nói về Tâm: Đức Gia-Tô truyền Thánh-Giáo tại thế, Ngài lấy tâm làm căn bản, vì lòng yêu-ái vô tận của Ngài đối với chúng-sanh. Ngài nói với một mảnh tâm chơn thật của Ngài, Ngài có thể làm con vật hy-sinh đặng tế-lễ Chí-Tôn, Ngài xin mang cả tội tình của loài người vào mình cũng như con dê hy-sinh (Le bouc Emissaire) mang cả tội tình cho nòi giống. Ngài đã mang cả tội tình ấy mà chịu chết trên cây Thánh-Giá đặng cứu rỗi nhơn-loại. Vì một mảnh tâm yêu-ái vô cùng tận mà Ngài chỉ biết sống với tình thương vô tận đó mà thôi, Ngài chỉ biết sống đây, mạng sống để trong tay của chúng-sanh, đặng làm con vật tế Đức Chí-Tôn, và vì Đức Chí-Tôn mà thôi, chơn-lý của Ngài là vậy, tâm Thánh của Ngài vô cùng tận.

Thoảng các môn-đệ của Ngài về tới Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa nói: Tôi thương chúng-sanh như Thầy tôi, tôi noi theo chơn-truyền của Thầy tôi tức là Đức Chúa Jésus Christ, tôi cũng đem mảnh tâm đặng hiến cho Chí-Tôn vậy, nhưng tinh-thần của họ không mảy may yêu-ái chúng sanh, trái lại họ cầm quyền-năng gọi là nhơn danh Đức Chúa Trời tha tội cho nhơn-loại, cầm quyền ấy đặng vi-chủ tinh-thần loài người. Nơi cửa Hiệp-Thiên Hành-Hóa ấy chúng Tín-Đồ nói: Tôi theo dõi chơn Chúa, làm tôi cho Chúa, gìn chính-sách của Chúa, đem mảnh tâm làm môi giới đặng cứu khổ chúng-sanh, mà kỳ thật xét đoán chơn-lý cao siêu của Đức Chúa Jésus Christ, hành-tàng của họ thi thố không ăn thua chi cả, hỏi vậy, nếu Ngọc-Hư-Cung và Cực-Lạc Thế-Giái vấn nạn các Đấng Trọn Lành nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về những hành-tàng của các Tín-Đồ trái ngược lại Đạo-Giáo của Thầy họ, các Đấng Trọn Lành ấy trả lời thế nào với hai quyền năng Trị-Thế và Giác-Thế.

Nói đến Trí: Khổng-Giáo lấy Trí làm căn bản, Trí thực muôn hình ngàn trạng, đem cái triết-lý cao siêu ra tạo xã-hội nhơn-quần không phải dễ. Đức Khổng-Phu-Tử phải dùng Trí đặng tự-tu kỳ thân. Có tự-tu kỳ thân đặng mới đủ quyền-năng yêu-ái giáo-hóa các chơn-linh tức là các nhơn-loại đặng trọn lành, đến tột bực lành là Chí-Thiện. Trái ngược lại môn-đồ của Ngài nương nơi trí-giác ấy làm căn bản, học nhiều thấy rộng, nói cho hay cho khéo, lấy cả tinh-thần cao thượng đặng hài-hước nơi lỗ miệng, còn thật chơn-lý không ai làm đặng. Những kẻ ấy về Ngọc-Hư-Cung kêu nài nói, tôi theo Đạo-Giáo của Đức Khổng-Phu-Tử, đào luyện trí-thức, tôi biết trọng nhơn-luân phẩm-cách, biết giữ-gìn luật-lệ của Thánh-Giáo di-truyền, tôi cũng có quyền đứng vào phẩm Thánh, Tam-Thập-Lục Thánh thế nào, tôi cũng phải được thế ấy, chớ có lý do nào tôi về đây lại bài-bác tôi ra khỏi cửa Khổng-Giáo đặng chăng? Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa tính lẽ nào đây? Nó noi theo Đức Khổng-Phu-Tử đào tạo tinh-thần, tôn trọng Thánh-Giáo, phục tùng giáo-lý của Ngài, sự thật chẳng thực-hành gì cả mà trái ngược lại, họ lấy trí-thức để giục loạn làm cho xã-hội điên đảo, lấy trí-thức ngồi liếm bút lông mèo xúi thiên-hạ kiện cáo nhau, lấy văn-chương làm cho ly-dị chồng vợ người ta, dùng miệng lưỡi lường-gạt kẻ dốt nát, mượn ngòi bút nó dám bán cả sanh mạng của con người, hỏi những kẻ đó Đức Khổng-Phu-Tử có nhìn không? Chắc chắn không nhìn, khi Ngài đến Cung Hiệp-Thiên-Hành-Hóa đặng vi-chứng vụ án đó.

Trong ba bằng cớ vừa kể đó Bần-Đạo quả quyết rằng, các vị Giáo-Chủ đã tạo ra các nền Tôn-Giáo, tinh-thần của họ cũng chỉ biết phụng-sự cho nhơn-loại. Mà hại thay! hại thay! Cơ- quan của họ đào tạo tinh-thần của loài người với tinh-thần trí-thức của họ, họ chịu khổ hạnh, muôn cay ngàn đắng, trọn kiếp sanh đào tạo cho đời, rốt cuộc cả triết-lý Đạo-Giáo thay vì tạo hạnh-phúc cho nhơn-loại, trái ngược lại đã làm khí cụ cho kẻ vô tâm lợi dụng đặng lường gạt tinh-thần nhơn-loại hơn nữa. Thay vì làm phước họ đã làm tội. Tội nghiệp thay, nếu Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa chiếu luật "Tội vi trưởng" thì các vị Giáo-Chủ ấy chưa chắc ngồi yên trên Liên-Đài của họ đặng, và nếu như nơi cửa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa ấy là Tòa-Ngự của các Đấng Trọn-Lành, đặng bào chữa cho các đẳng linh-hồn siêu thoát, mà các Đấng ấy nếu còn chút phàm tâm, thì chưa chắc gì các vị Giáo-Chủ ngồi yên, cứ hầu tòa mãi-mãi thôi. Tín đồ các Đạo-Giáo tạo thành, thay vì làm cho Giáo-Chủ của họ thêm danh-dự, lại gây tội tình thêm nữa.

Lời tục nói: Không ai hại mình nhiều hơn là kẻ thân yêu của mình. Có một điều Bần-Đạo xét đoán lấy làm sợ-sệt hơn hết là nền Tôn-Giáo của Đức Chí-Tôn lấy Tinh-Thần làm căn- bản, hỏi vậy, tinh-thần của nhơn-loại hiện ở dưới quyền áp bức của văn-minh vật-chất, tinh-thần ấy có đủ quyền-năng tự-vệ lấy họ chăng? Tinh-thần họ có đủ lực lượng chiến thắng chăng? Nếu thoảng tinh-thần của nhơn-loại không quật khởi lên, tự-quyết, tự-chủ, tự định phận đặng mà phải chịu làm nô-lệ cho văn-minh vật-chất, thì tương-lai của Đạo Cao-Đài sẽ ra sao? Mà chẳng những phải tự bảo vệ chiến thắng mà thôi, mà còn phải bảo vệ chơn tướng của đạo-đức tinh-thần của loài người trở mặt ra đối với tinh-thần cường liệt của Chí-Tôn, thì tương-lai nơi mặt thế này sẽ như thế nào? Chúng ta cũng nên để có một câu hỏi.

Có một điều ta nên để mắt nhìn coi Chí-Tôn tạo hình thể nào đặng bảo trọng tinh-thần đạo-đức ấy. Ấy là một phương-pháp ta nương theo đó đặng tạo dựng khối đức tin vững chắc bền-bĩ vậy./.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
Lượt xem: 1247