Dạ Xa bảo chúng: "Ðại sĩ này xưa là vua nước Tỳ Xá Lợi, vì nước ấy có một loại người khỏa thân, như ngựa lộ hình. Vua vận thần thông, phân thân làm tằm, những người ấy được áo mặc. Sau Ngài sanh vào Ấn Ðộ, Mã nhân cảm luyến kêu thương, nên gọi là Mã Minh, sau thuyết pháp dẹp các dị luận".
Có một ngoại đạo đến đòi luận nghĩa, nhóm các quốc vương, đại thần và bốn chúng tụ họp tại luận trường.
Mã Minh nói:
- Nghĩa của ông lấy gì làm tông?
Ngoại đạo đáp:
- Hễ có ngôn thuyết, tôi đều có thể phá.
Mã Minh bèn chỉ quốc vương nói:
- Hiện nay đất nước khang ninh, quốc vương trường thọ. Mời ông phá đi!
Ngoại đạo khuất phục.
82. LONG THỌ
Ngài được phó tháp, trong 90 ngày tụng thông kinh sách ở Diêm Phù Ðề, lại nghĩ:
- Kinh Phật cõi đời tuy diệu mà cú nghĩa chưa hết, ta nên phu diễn thêm để khai ngộ người sau.
Ngài liền dùng thần lực đến Long cung mở rương bảy báu lấy kinh điển Phương Ðẳng trong 90 ngày thông hiểu rất nhiều. Long Vương nói:
- Ngài xem kinh hết chưa?
Ngài đáp:
- Kinh của ông vô lượng chẳng coi hết được. Chỗ tôi đạt đủ gấp 10 lần ở Diêm Phù.
Long Vương nói:
- Các kinh trên trời Ðao Lợi hơn đây gấp trăm ngàn ức lần.
Ngài ở Long Cung tu hành, thâm nhập vô sanh. Rồng đưa Ngài ra khỏi cung, từ đây về sau Ngài hoằng dương Phật pháp rộng lớn, tạo các luận Ðại vô úy ... mấy mươi vạn kệ (Trung Quán Luận là một phẩm, Ðại Trí Ðộ Luận).
Kinh nói:
Sau khi Phật Niết Bàn, Ðời vị lai sẽ có Tỳ kheo Nam Thiên Trúc Có hiệu là Long Thọ Hay phá tông Hữu – Vô Hiển pháp Ðại thừa ta Ðắc sơ hoan hỷ địa Vãng sanh An Dưỡng Quốc.
Ngài vào Long cung xem tạng kinh, thấy kinh Hoa Nghiêm có 3 bản.
Bản thượng có 13 thế giới vi trần số kệ, 1 tứ thiên hạ vi trần số phẩm.
Bản trung có 498,800 bài kệ, 1,200 phẩm.
Bản hạ có 100,000 bài kệ, 48 phẩm.
Bản thượng chỉ có Phật mới biết được.
Bản trung chỉ có Bồ tát trụ địa mới biết được. Ngài bèn ghi chép bản hạ, trở về Ấn Ðộ. Ấn Ðộ truyền đến Trung Hoa 80 quyển kinh, 39 phẩm. Phẩm chia ra làm bảy chỗ, chín hội.
Hội 1: Ở Bồ Ðề đạo tràng thuyết 6 phẩm, 11 quyển, ngài Phổ Hiền làm hội chủ.
Hội 2: Ở điện phổ Quang Minh thuyết 6 phẩm, 4 quyển, ngài Văn Thù làm hội chủ.
Hội 3: Ở trời Ðao Lợi, thuyết 6 phẩm, 3 quyển, Pháp Huệ làm hội chủ.
Hội 4: Ở trời Dạ Ma, thuyết 4 phẩm, 3 quyển, Công Ðức làm hội chủ.
Hội 5. Ở trời Ðâu Suất, thuyết 3 phẩm, 12 quyển, Kim Cang Tràng làm hội chủ.
Hội 6: Ở trời Tha Hóa, thuyết 1 phẩm, Kim Cang Tạng làm hội chủ.
Hội 7: Lại ở điện Phổ Quang Minh, thuyết 11 phẩm, 13 quyển. Phổ Hiền và Như Lai. Phẩm Phổ Hiền nói về nhân bình đẳng, phẩm Như Lai Xuất Hiện nói về quả bình đẳng.
Hội 8: Ba lần ở Phổ Quang Minh Ðiện, thuyết 1 phẩm, 7 quyển. Cũng ngài Phổ Hiền làm hội chủ.
Hội 9: Trong rừng Thệ Ða thuyết 1 phẩm, 21 quyển, thì Như Lai cùng Thiện hữu.
Ðây là bản hạ, phần trước 3 vạn 6 ngàn kệ. Còn 6 vạn 4 ngàn kệ, 9 phẩm ở Ấn Ðộ.
83. CA NA ÐỀ BÀ
Ðề Bà đắc pháp rồi, danh vang khắp nơi. Nhưng vẫn lo người không tin lời mình. Khi ấy ở Thiên Trúc có thờ tượng Trời Ðại Tự Tại, ai cầu gì được nấy.
Ðề Bà đến miếu xem, vạn chúng đi theo vào. Quả nhiên tượng trợn mắt như nổi giận. Ðề Bà nói:
- Thần thì phải xứng là thần, sao lại nhỏ nhen thế! Chính đáng là phải dùng oai linh để cảm hóa người, dùng trí đức để dạy dỗ vật, chứ sao lại mượn vàng làm thân, pha lê làm mắt để mê hoặc đời. Ðó chẳng phải chỗ người trông mong.
Rồi bắc thang vào vai tượng, leo lên đục con ngươi của tượng ra. Người xem sanh nghi nói:
- Trời Ðại Tự Tại lại bị một chú Bà Là Môn nhỏ bắt nạt sao?
Ðề Bà nói:
- Thần minh cao xa nên lấy việc gần để thử tôi. Tôi được tâm của Ngài nên mới dám làm thế.
Nói xong, bày các thứ cúng dường. Ðêm ấy trời Ðại Tự tại giáng xuống thọ nhận đồ cúng và nói:
- Ông được tâm tôi, người được hình tôi. Ông đem tâm cúng, người đem vật chất dâng. Người biết mà kính ta là ông. Người sợ mà vu oan ta là mọi người. Nhưng ông tuy cúng rất tốt đẹp, nhưng thiếu cái tôi cần.
Ðề Bà nói:
- Thần cần vật gì?
Trời Ðại Tự Tại nói:
- Tôi thiếu con mắt trái, cho ta được chăng?
Ðề Bà cười, móc mắt mình đưa ra. Càng móc càng sanh hoài không hết. Từ sáng đến chiều, mắt móc mấy vạn. Thần khen:
- Lành thay, Ma nạp! Thật là bố thí cao thượng nhất. Ông muốn cầu gì?
Ðề Bà nói:
- Tôi đã sáng tâm, không cần nhờ ở ngoài.
Sau Ðề Bà đến thành Ba Liên Phất, nghe các ngoại đạo muốn ngăn chướng Phật pháp, tính kế đã lâu. Ðề Bà bèn cầm tràng phan vào trong chúng kia, họ bèn hỏi:
- Sao ông không đi trước?
Ðề Bà nói:
- Sao ông không đi sau?
- Ông hình như người bần tiện?
- Ông giống người cao quý.
- Ông hiểu pháp gì?
- Ông trăm thứ chẳng hiểu.
- Tôi muốn được Phật.
- Tôi rõ ràng được Phật.
- Ông đâu đáng được.
- Tôi vốn đã được đạo, còn ông thực chẳng được.
- Ông đã chẳng được, tại sao nói được?
Ðề Bà nói:
- Ông có ngã do đó chẳng được. Còn ta không ngã nên ta đáng được.
Họ bèn chịu thua, hỏi Ðề Bà:
- Ông tên gì?
- Tôi tên Ca Na Ðề Bà.
Người kia trước đã nghe tên Ðề Bà, bèn hối lỗi đến tạ tội. Trong chúng còn thay nhau vấn nạn, Ðề Bà dùng biện tài vô ngại chiết phục hết.
* Bên Trung Hoa thời này nhằm đời Hán Cao Ðế năm Canh Thìn.
Hán Vũ Ðế, niên hiệu Nguyên Thú năm thứ hai (121 trước Công Nguyên). Tướng quân Phiêu Kỵ về phương Nam để dẹp Hung Nô, khi qua Cư Duyên bắt vua Hưu Ðồ, được một người vàng cao hơn một trượng. Vua cho là đại thần đặt ở cung Cam Tuyền, không tế tự, chỉ đốt hương lễ bái mà thôi. Ở đây đạo Phật lưu thông chậm.
84. LA HẦU LA ÐA
La Ða lấy tay phải nâng bát vàng lên đến Phạm cung lấy cơm thơm về thiết trai đại chúng. Ðại chúng chợt đem tâm chán ghét. La Ða nói:
- Chẳng phải lỗi của ta, mà do nghiệp của các ông.
Rồi bảo Nan Ðề cùng ăn, chúng lấy làm lạ, La Ða nói:
- Ông chẳng ăn được đều do đây vậy. Nên biết người chia tòa với ta tức là Phật thời quá khứ Ba La Thọ Vương, xót thương loài người mà thị hiện. Bọn ông cũng ở trong kiếp Trang nghiêm, đã chứng Tam quả mà chưa chứng vô lậu.
Chúng nói:
- Thần lực của thầy ta, điều này đáng tin. Còn nói ông ta là Phật quá khứ thì chúng con trộm ngờ.
Nan Ðề biết chúng sanh ngã mạn bèn nói:
- Thế Tôn lúc tại thế, thế giới bằng phẳng, chẳng có gò nỗng, sông suối, ngòi lạch, nước rất ngon ngọt, cây cối tươi tốt, đất nước hưng thịnh. Không có tám khổ, hành mười thiện. Từ khi ngài nhập diệt ở song thọ hơn 800 năm, thế giới gò trống, cây cối khô héo. Người không có lòng tin, chánh niệm nhỏ ít, chẳng tin chân như, chỉ thích thần lực.
Nói xong lấy tay phải ấn xuống đất cho đến mé Kim Cương luân, lấy nước cam lồ đựng vào bình lưu ly, đem vào hội. Ðại chúng vừa thấy, tức thời khâm mộ, hối lỗi làm lễ.
85. TĂNG GIÀ NAN ÐỀ
Ngài khi phó chúc xong, tay phải vịn cây mà tịch. Ðại chúng bàn luận:
- Quần chúng quy tịch dưới gốc cây là điềm che mát cho người sau.
Họ định đem toàn thân lên đất cao, dựng tháp. Nhưng chúng dùng toàn lực cũng không nâng lên được, bèn đem mấy voi tới kéo cũng không động. Bèn thiêu thân ngay tại gốc cây, cay càng thêm tươi tốt.
*
Niên hiệu Hồng Gia năm thứ hai. Quang Lộc đại phu là Lưu Hướng, tuyển truyện thần tiên, nói:
- Từ Hoàng đế trở xuống đến nay. Người đắc tiên đạo được 149 người mà 74 người đã thấy kinh Phật.
Lại nói:
- Xem khắp sách vở, thường thường thấy có kinh Phật.
Niên hiệu, Nguyên Thọ nguyên niên năm Kỷ Mùi (2 trước Công nguyên), Cảnh Hiến đi sứ nước Ðại Thị Nguyệt trở về được kinh Phù Ðồ, người đời ấy không ai biết.
86. CƯU MA ÐA LA
Cưu Ma Ða La là con Bà La Môn nước Ðại Nguyệt Thị, xưa là trời Tự Tại Thiên Dục giới lục thiên, thấy Bồ tát Anh Lạc, chợt khởi lòng tham ái, bị đọa xuống trời Ðao Lợi, nghe Kiều Thi Ca thuyết Bát nhã Ba la mật, do được pháp thù thắng nên lại sanh lên Phạm Thiên. Vì căn tánh lanh lợi, khéo thuyết pháp yếu, chư thiên tôn làm Ðạo sư. Thời tiết kế tục Tổ vị đến, Ngài giáng sanh nước Nguyệt Thị.
87. BÀ TU BÀN ÐẦU
Xưa Như Lai tu ở Tuyết Sơn có ổ Dã Thước ở trên đảnh. Phật thành đạo rồi, Dã Thước thọ báo làm vua nước Na Ðề. Phật thọ ký rằng:
- Ông đến 1,000 năm sau sanh trong nhà Tỳ Xá Khư ở thành La Duyệt, cùng một bào thai với Thánh.
Nay quả không sai.
Sau độ Ma Noa La con thứ hai vua nước Na Ðề. Trước, nước Na Ðề có voi dữ làm hại, Noa La sanh thì voi ngừng, ba mươi năm không ai biết lý do. Khi Tổ Bàn Ðầu thuật lại vua nghe thì có sứ giả đến báo có 10,000 voi lớn đang phá thành, vua lo lắng. Tổ nói đưa Ma Noa La ra thì yên. Vua thử sai Ma Noa La ra. Ma Noa La ra đến cửa thành phía Nam, vỗ bụng hét lớn, thành bị chấn động, bầy voi điên đảo, chạy tán loạn. Lúc ấy dân chúng mới biết nước được an nổn là nhờ Ma Noa La.
88. MA NOA LA 1
Khi được truyền kệ, bầy hạc bay lên vừa kêu vừa đi.
Ma Noa vọt lên hư không làm 18 phép thần biến trở về tòa chỉ xuống đất, phát ra một dòng suối thần. Ngài lại nói kệ:
Tâm địa thanh tịnh tuyền Năng nhuận ư nhất thiết Tùng địa ư dõng xuất Biến mãn thập phương tế. Hặc Lặc Na vui vẻ kính vâng phụng hành.
Ngài truyền pháp xong, ngay chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch. Chúng hỏa táng và lượm xá lợi xây tháp thờ.
Tháp xá lợi có bốn mặt:
Trước: Vua Thi Tỳ cắt đùi tặng ó để cứu bồ câu.
Sau: Vua Từ Lực chích thân đốt đèn.
Trái: Thái tử Tát Ðỏa nhào xuống bờ vực để hổ ăn thịt.
Phải: Vua Nguyệt Quang thí bỏ đầu báu, đều là tiền thân của Phật.
1 Xin xem Tiểu sử Ngài trong cuốn "33 vị Tổ Thiền Tông" của Hòa thượng Thích Thanh Từ, trang 122.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|