Ấn Giảng người Ninh Viễn, Phong Cốc, Sơn Tây, họ Tống con của Vi Tử. Sư sanh niên hiệu Thái Hòa năm Nhâm Tuất đời Kim (1202), nhân phẩm cao quý, khôi vĩ. Thuở nhỏ Sư thông minh đỉnh ngộ. Năm bảy tuổi cha đưa chương Khai Minh Tông Nghĩa của Hiếu Kinh cho xem. Sư hỏi:
- Khai là tông gì? Minh là nghĩa gì?
Cha kinh dị, biết không phải là người thường, bèn đưa Sư đến thăm ngài Truyền Giới Nhan Công. Nhan Công muốn xem căn khí của Sư, mới trao bài Thảo Am Ca (Thảo Am Ca của ngài Thạch Ðầu Hy Thiên) cho Sư đọc. Ðến chỗ "Hoại cùng chẳng hoại, chủ vẫn đó". Sư hỏi rằng:
- Chủ ở đâu?
Nhan Công hỏi lại:
- Chủ nào?
Sư thưa:
- Người lìa hoại và bất hoại.
Nhan Công bảo:
- Ðây là khách vậy!
Sư nói:
- Chủ đấy!
Nhan Công trầm ngâm rồi thôi.
Sư tìm đến lễ ngài Trung Quán Chiểu Công làm thầy. Năm mười một tuổi, được thọ đại giới. Thượng tọa Hồng Ngạn mới hỏi Sư rằng:
- Nay thọ đại giới rồi, vì sao mà làm tiểu tăng?
Sư đáp:
- Vì tăng nhỏ nhưng giới lớn.
Sư hỏi thử lại:
- Thượng tọa giới lớn hay nhỏ.
Ðáp:
- Thân tôi dĩ nhiên đã già.
Nói chưa dứt lời, Sư lớn tiếng nói:
- Ðừng phân biệt nữa!
Một hôm Thượng tọa sai tăng đi ra ngoài. Sư vỗ lưng tăng, đợi vị tăng này quay đầu trở lại, Sư giơ một ngón tay lên. Tăng theo đó vỗ lưng Sư, Sư cũng giơ một ngón tay lên. Thượng toạ rất ngạc nhiên.
Năm mười hai tuổi, ngài Trung Quán nghe Sư tham vấn, bèn dạy:
- Hãy ngừng mọi tâm muốn biết về văn tự ngữ ngôn. Chỉ để tâm như cây cầu, như tro nguội. Hết sức dụng công cho thuần thục, ngộ giải cho chân thật. Một phen chết hẳn (đại tử), sạch mọi tập khí dư thừa. Ðến thời tiết đó tự nhiên rõ biết, lại cùng ta gặp gỡ.
Sư kính cẩn nghe dạy.
Một hôm Sư theo ngài Trung Quán đi, Trung Quán hỏi:
- Thiền sư Pháp Ðăng nói: "Xem việc nhà người rộn ràng hãy nói nương sức ai?" Ông làm sao hội?
Sư liền kéo tay Trung Quán. Trung Quán bảo:
- Tên dã hồ tinh này!
Sư thưa:
- Vâng, vâng!
Năm mưòi ba tuổi, vua Thành Cát Tư Hãn thống trị thiên hạ, Sư ở Ninh Viễn, ngoài thành bị bao vây, nhiều người xúi Sư để tóc. Sư bảo:
- Nếu theo phép nước, thì mất tăng tướng.
Bèn giữ như cũ.
Năm mười tám tuổi, quân Nguyên lại chiếm Nam Thành. Tứ chúng giải tán, chạy trốn. Một mình Sư ở lại hầu ngài Trung Quán. Trung Quán nói:
- Ta tuổi đã già, con còn trai tráng. Ngày nay vàng đá đều bị đốt hết, thì có ích gì? Con nên đi đi!
Sư khóc thưa:
- Nhân quả không sai, sống chết có mạng. Làm sao con bỏ Thầy mà cầu thoát thân được? Nếu thoát được, cũng chẳng xứng làm người.
Trung Quán thấy Sư tâm thành, dặn dò:
- Ông có nhân duyên lớn ở Sóc Mạc. Ta với ông cùng đến phương Bắc vậy.
Hôm sau thành bị hạ. Nguyên soái Sử Thiên Trạch trông thấy Sư, tức giận hỏi:
- Ngươi là ai?
Ðáp:
- Tôi là Sa môn.
Sử hỏi:
- Có ăn thịt không?
Hỏi:
- Thịt gì?
- Thịt người.
Sư bảo:
- Người không phải thú vật. Thịt cọp beo còn chẳng nên ăn, huống gì là thịt người.
Sử Thiên Trạch nói:
- Ngày nay, ngươi ở dưới mũi thương của quân lính, có thể toàn mạng được sao?
Sư đáp:
- Ắt phải nhờ cậy Ngài giúp đỡ.
Sử Thiên Trạch rất hài lòng.Lại có Nguyên soái Lý Thất Ca hỏi:
- Ông đã làm tăng, vậy thuộc thiền hay giáo?
Sư đáp:
- Thiền giáo đều là lông cánh của tăng, như nước dùng người phải gồm cả văn võ.
Lý nói:
- Ðúng rồi, nhưng ông theo bên nào?
Sư nói:
- Chẳng theo cả hai.
Lý hỏi:
- Ông là gì?
- Thầy chùa.
Rồi tiếp:
- Thầy tôi cũng đang ở đây.
Hai vị này thấy Sư còn nhỏ tuổi mà chẳng sợ sệt, ứng đáp khác thường, liền cùng nhau đến gặp ngài Trung Quán. Nghe ngài chỉ dạy chí thiết, bèn rất vui vẻ thưa:
- Có cha này phải có con này vậy.
Rồi lễ Trung Quán làm thầy và cùng Sư kết nghĩa đá vàng.
Ðến đây, Quốc vương ban ân lớn, mời về viện Hương Tuyền, Hưng An, ban hiệu ngài Trung Quán là Từ Vân Chính Giác Ðại Thiền Sư, còn Sư là Tịch Chiếu Anh Ngộ Ðại Sư, mọi nhu yếu đều do quan chu cấp. Khi ngài Trung Quán thị tịch. Sư khất thực rồi về canh tháp cho Ngài. Một hôm nghe trên không có tiếng kêu tên mình, Sư chợt tỉnh, bèn dời về ở đạo viện Tam Phong. Lại hỏi Người, Người nói:
- Việc con muốn thành, nên đi chớ trệ ở đây.
Tờ mờ sáng, Sư về Yến Kinh. Qua Tùng Phô mắc mưa, phải núp dưới núi. Nhân sấm chớp mà đại ngộ. Sư tự rờ lên mặt nói:
- Hôm nay mới biết mày ngang mũi dọc, mới tin lời các lão Hòa thượng trong thiên hạ chẳng mê hoặc người.
Trước đây lúc ngài Trung Quán sắp tịch, Sư hỏi:
- Con nên nương theo ai để rõ việc lớn này?
Trung Quán bảo:
- Nương Khánh Tám Mươi!
Sư đến Yến Kinh vào chùa Ðại Khánh Thọ, mới tin lời ngài Trung Quán nói. Sư đến yết kiến lão nhân Trung Hòa Chương Công. Trước đó một hôm, lão nhân đêm mộng thấy một dị tăng cầm gậy đến phương trượng ngồi lên tòa sư tử. Hôm sau Sư đến, Trung Hòa cười bảo:
- Người này đúng là người đêm qua đến mộng của ta.
Sư hỏi:
- Con không đến mà đến, làm thế nào gặp nhau?
Trung Hòa nói:
- Tham nên thực tham, ngộ nên thực ngộ. Chớ đánh chồn rừng!
Sư nói:
- Con nhân sấm chớp tơi bời, mới biết mày ngang mũi dọc.
Trung Hòa bảo:
- Chỗ này thì ta khác.
Sư hỏi:
- Thầy thế nào?
Trung Hòa nói:
- Răng là một miệng xương, tai là hai miếng da.
Sư thưa:
- Nên nói riêng có.
- Lầm!
Sư hét:
- Giặc cỏ đại bại!
Trung Hòa bèn thôi. Ngày sau, Trung Hòa lại đưa chuyện: "Thủ tọa lưỡng đường cùng hét" của Lâm Tế. Sư đưa nắm tay đấm một cái. Lúc ấy Trượng đường chấn động, Trung Hòa ấn ký cho Sư.
Lúc xuất thế, Sư thường ngồi đại đạo tràng theo lời mời của Thái sư, Quốc vương cùng các trọng thần. Trong thất, Sư thường dùng bốn lời "vô y" để khám nghiệm người học, chẳng ai đương nổi. Một hôm, Sư gặp vài vị tăng dưới hiên, liền hỏi mà không người khế hợp, Sư bèn đánh. Ðến vị cuối cùng, Sư hỏi:
- Ông đi đâu đây?
Tăng thưa:
- Tìm Hòa thượng.
- Tìm ông ta làm gì?
- Ðể đánh đau một trận.
Sư hỏi:
- Lấy cái gì đánh?
Tăng nhìn quanh nói:
- Không đem gậy theo!
Sư bèn đánh bốn roi nói:
- Cái tên đánh rỗng này!
Chúng bỏ chạy. Sư gọi lại:
- Các Thượng tọa!
Mọi người quay dầu. Sư bảo:
- Là cái gì?
***
Tháng Giêng, năm Ðinh Dậu, Sư được ban thêm hiệu Tiên Thiên Trấn Quốc Ðại Sĩ. Mùa Ðông năm Kỷ Hợi, Sư vâng mệnh làm trụ trì chùa Ðại Khánh Thọ. Năm Nhâm Dần, vua Hốt Tất Liệt mời Sư đến dưới trướng hỏi về đại ý Phật pháp. Vua rất vui, theo Sư thọ Bồ tát giới. Nhân đó Sư tâu rằng:
- Trong pháp Phật, bàn về việc Miếu Ðường, trong phẩm Vương Pháp Chính Luận có nói rõ, không khó không dễ, chỉ sợ vua không thể làm hết. Vua nên gặp các bậc đại hiền, thạc nho trong thiên hạ hỏi việc trị loạn, hưng vong xưa nay, có chỗ nên nghe vậy.
Vua vui lắm, ban cho Sư áo hoa dát châu, một đại y bằng kim tuyến không cần may, cung phụng Sư theo lễ thầy trò. Lúc sắp từ biệt vua, vua hỏi:
- Phật pháp từ đây thọ trì thế nào?
Sư nói:
- Lòng tin khó sanh, tâm Bồ đề khó phát, nay vua đã phát sanh được, cần phải hộ trì chuyên nhất chẳng quên. Không nên thấy lỗi của Tam Bảo, hằng nhớ sự bất an của dân chúng, khéo vỗ về họ, thưởng phạt cho rõ ràng. Ngài nên chấp chánh vô tư, nghe theo người hiền, nhận lời can gián. Trong mọi lúc, tất cả việc làm của Ngài sẽ thuận theo Phật pháp vậy.
Sư đi rồi, có một số người ác buông lời chê bai Phật pháp. Vua hạch tội họ và gia đình, đồng thời sai sứ báo cho Sư hay. Sư tâu lại:
- Gương sáng trên đài, tốt xấu tự hiện, mũi thần trong tay, thưởng phạt vô tư, cần được chánh niệm hiện tiền, có thể giết tà kiến, ngoại ma, nhưng nhà vua nên lấy lòng khoan thứ mới phải.
Vua càng thêm kính phục mời Sư về làm Tăng thống ban cho muôn lượng bạch kim. Nơi chùa Hạo Thiên, Sư lập hội lớn để cầu phước cho đất nước.
Hoàng đế Mông Ca lên ngôi lưu tâm mọi việc. Mùa hạ năm Bính Thìn (1256), Húc Oai Liệt Vương, ban cho gậy vàng, ca-sa kim tuyến, xin Sư dùng pháp ngữ khai thị. Tháng bảy, Sư họp các kỳ cựu, chọn vài vị tài giỏi, để coi sóc việc sau. Mùa hạ năm Ðinh Tỵ (1257), nói kệ xong, Sư bảo:
- Các ông chớ ồn náo, ta muốn nằm nghỉ.
Thị giả vội vàng kêu người chủ sự đến. Sư nằm theo thế kiết tường nhẹ nhàng mà tịch, thọ 56 tuổi. Trà tỳ được xá lợi vô số. Vua Hốt Tất Liệt xây tháp ở chùa Ðại Khánh Thọ, ban hiệu là Phật Nhật Viên Minh Ðại Sư, dòng Lâm Tế đời thứ mười sáu.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|