4. SA MÔN NHIẾP MA ÐẰNG,
| |
4. SA MÔN NHIẾP MA ÐẰNG,
TRÚC PHÁP LAN đến LẠC DƯƠNG
Các ông Thái Âm ... đến nước Nguyệt Chi, một lãnh thổ gần Thiên Trúc, gặp hai Phạm tăng là Ma Ðằng và Pháp Lan muốn dâng kinh tượng đến nước Trung Hoa, bèn cùng trở về phương Ðông. Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười (67 TL) đến Lạc Dương. Ma Ðằng vào triều hiến kinh tượng. Vua rất vui truyền đến ở Hồng Lô Tự, Pháp Lan đi đến sau.
Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười bốn (Kỷ Tỵ) (*) vua xuống chiếu ở ngoài cửa Tây Ung lập riêng một chùa, mời hai ngài đến ở. Vì Bạch Mã chở kinh đến nên đặt tên chùa là Bạch Mã. Vua đến chùa hỏi Ma Ðằng:
- Sau khi Phật ra đời vì sao không giáo hóa đến đây?
Ma Ðằng đáp:
- Nước Ca tỳ la vệ ở Ấn Ðộ, ba đời chư Phật trong tam thiên đại thiên thế giới, trăm ức nhật nguyệt đều ở đây xuất hiện. Thiên thần rồng quỷ có nguyện lực đều sanh ở đó nhận sự giáo hóa, ngộ đạo. Chỗ khác Phật tuy không đến, nhưng ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Một ngàn năm trăm năm đều có thánh nhân truyền lời dạy của Phật đến để giáo hóa.
Vua rất vui. Hai ngài hỏi tiếp:
- Phía Ðông chùa có quán gì?
Vua đáp:
- Xưa có đống đất tự nhiên nổi lên, dẹp đi lại nổi, đêm có ánh sáng lạ, dân gọi là mộ Thánh. Do đó thờ, nghi là thần Lạc Dương.
Ma Ðằng nói:
- Theo Kim Tạng ở Thiên Trúc ghi. Vua A Dục chôn Xá lợi Phật khắp thiên hạ tới 84,000 chỗ. Nay ở Trung Hoa có mười chín chỗ, đây là một.
Vua thất kinh liền đến lễ bái. Chợt có một vầng ánh sáng tròn hiện trên mộ, ba thân hiện trong ánh sáng. Thị vệ hô “Vạn tuế!”. Vua mừng nói:
- Nếu không gặp hai đại sĩ, đâu biết được Di hựu của Thượng Thánh.
Rồi xuống chiếu xây tháp lên trên theo cách thức của hai ngài. Tháp hoàn thành có chín tầng, cao hai trăm thước. Năm sau ánh sáng lại hiện, có cánh tay sắc vàng lộ trên đỉnh tháp ca thước như trong lưu ly thấy hương trời. Vua lại đến chiêm bái. Ánh sáng theo bước chân xoay vòng, từ ngọ đến giờ thân (3 giờ chiều) mới diệt.
Vua đối với Phật pháp rất kính tín. Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười bốn (71 TL), đạo sĩ Ngũ Nhạc là Trữ Thiện Tín, Phí Thúc Tài ... đố kỵ, bài xích nói:
- Phật pháp hư ngụy.
Ma Ðằng, Pháp Lan tâu vua:
- Pháp xuất thế của Phật, nước lửa chẳng thể hoại. Xin vua cho cùng đạo sĩ thí nghiệm.
Vua sắc Thiện Tín ... đem hết kỳ kinh, bí quyết sẵn có cùng sa môn đem kinh Phạn vào ngày rằmg tháng Giêng, lập đàn đốt để nghiệm. Các kinh của đạo sĩ đều bị đốt sạch, chỉ có kinh tượng Phật vẫn còn nguyên. Bọn Thiện Tín xấu hổ chết. Bao nhiêu đạo sĩ đều đê đầu khâm phục. Ngài Pháp Lan ở trong đại chúng xướng kệ:
Chồn chẳng phải sư tử
Ðèn chẳng phải sáng trời trăng
Ao không có sức chứa của sông biển
Gò chẳng tươi tốt như núi rừng
Mưa pháp rưới thế giới
Giống lành được nứt mầm
Hiển thông pháp hy hữu
Nơi nơi giáo hóa quần sanh.
(Hổ phi sư tử loại
Ðăng phi nhật nguyệt minh
Trì phi giang hải nạp
Khưu vô sơn nham vinh
Pháp vân thùy thế giới
Thiện chủng đắc khai manh
Hiển thông hi hữu pháp
Xứ xứ hóa quần sanh).
Vua càng thêm kinh dị. Hai tăng học chữ Tàu, sau dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thập Ðịa Ðoạn Kết, Phật Bổn Sanh, Pháp hải Tạng, Phật Bổn Hạnh ... năm kinh.
Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười sáu (73 TL) Nhiếp Ma Ðằng nhập diệt. Trúc Pháp Lan tự dịch năm bộ kinh mười ba quyển.
(*) Có lẽ là Vĩnh Bình thứ 12 năm Kỉ Tỵ hoặc Vĩnh Bình 14 năm Tân Mùi.
5. AN THẾ CAO
Sa môn An Thanh tự Thế Cao người nước An Tức (*), đến kinh đô dịch kinh. Trong khoảng 23 từ Mậu Tý (148) (**) đến Canh Tuất (170) (***) Ngài dịch được 90 bộ, 115 quyển.
Năm Tân Dậu, Ngài đến Lô Sơn, ở đây có thần miếu rất linh, dân chúng đến dâng lễ cầu phước đông đến hơn ba mươi thuyền. Thần giáng cơ bảo:
- Dưới thuyền có Sa môn, nên mời lại.
Dân chúng mời Ngài đến, Thần lại giáng cơ nói:
- Tôi xin thưa cùng ông xuất gia học đạo. Tôi ưa bố thí mà sân nhiều, nay làm thần miếu, thọ mạng có thể hết sớm, không biết lúc nào, lại sợ đọa vào địa ngục. Nay tôi có ngàn khúc lụa và một số bảo vật, ông hãy vì tôi làm Phật sự, tạo tháp để cho tôi được sanh chỗ lành.
Ngài bảo thần miếu hiện hình. Thần hiện thành con rắn lớn, khóc lóc như mưa. Ngài bèn thâu lụa, bảo vật rồi từ biệt đi. Ðến Dự Chương, Ngài dựng chùa Ðại An, xây dựng tháp ở Giang Hòa. Chẳng bao lâu thần miếu chết, về báo đã được sanh cõi lành. Sau người ở Sơn Tây, thấy xác rắn trong đầm, đầu đuôi đài đến mấy dặm.
Ðến nay, huyện Tầm Ðương vẫn còn thôn Ðại Xà.
(*) Nước An Tức (Parthic) – phía Ðông Bắc Ba Tư ngày xưa.
(**) Thời Ðông Hán – Hoàn Ðế niên hiệu Kiến Hòa.
(***) Thời Ðông Hán – Linh Ðế niên hiệu Kiến Ninh.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|
|
Lượt xem: 2492
|
|
|