× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Mật tông

Đưa vào Mật Tông



01. Sự Trong Sáng Nguyên Ủy

NGƯỜI KHAI SÁNG ĐẠO PHẬT

Giáo lý và thực hành mà người ta gọi là Mật điển Phật giáo có thể nói đã bắt nguồn từ 2500 năm trước, vào thời đức Phật Thích ca Mâu Ni. Đức Phật lịch sử- để phân biệt với những đấng giác ngộ khác xuất hiện trước hay sau ngài- ra đời làm một thái tử xứ Ấn tên Siddhartha vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch. Theo thuyền thuyết, trong 29 năm đầu đời ngài hầu như bị giam hãm trong những lâu đài hoan lạc do phụ vương Suddhodana xây cho con trai. Cuối cùng, khi tiếp xúc cảnh già, bệnh, chết, ngài đã thoát ly cung vua và lên đường tìm phương chấm dứt mọi khổ đau bất mãn.

Trong sáu năm ngài tu tập khổ hạnh gắt gao, cố đạt đến sự làm chủ thân tâm, chỉ để thấy rằng cực đoan ép xác này cũng sai lầm như đời sống đam mê khoái lạc của ngài trước đấy. Cuối cùng, nhờ theo trung đạo không đam mê dục lạc cũng không ép xác khổ hạnh, và tránh tất cả những cực đoan khác nữa, ngài đã có thể nhổ gốc rễ mọi khổ đau và vô minh vi tế nhất ra khỏi tâm trí, trở thành một con người hoàn toàn tỉnh thức, sáng suốt: một vị Phật. Trong 45 năm còn lại của đời ngài, ngài đã giảng dạy Trung đạo trong lối sống và trong sự tu tập bằng nhiều đường lối khác nhau, cốt sao phù hợp với tính tình, khả năng từng hạng người.

Giáo lý của Phật, mà Phạn ngữ gọi là Dharma hay Pháp, là cái giữ gìn chúng ta khỏi đau khổ và nguyên nhân của đau khổ. Pháp ấy chứa đựng hàng ngàn phương cách khác nhau để vượt qua những chướng ngại về tâm và thân đã làm cho chúng ta không được an vui hạnh phúc. Tất cả phương pháp ấy bao gồm trong hai loại là kinh điển và mật điển, còn gọi là hai thừa, cỗ xe. Hai thừa này có nhiều điểm bất đồng, song nền tảng chung của kinh thừa và mật thừa là, bản chất của tâm ta tự căn để, vốn trong sáng.

TÍNH TRONG SÁNG CĂN ĐỂ CỦA TỰ TÂM

Theo giáo lý Phật, dù trong hiện tại ta có thể mê lầm rối ren đến mức nào đi nữa, bản chất căn để, tinh túy của con người chúng ta vẫn trong sạch thuần tịnh. Cũng như mây có thể tạm che khuất mặt trời song không thể phá hủy cái khả năng chiếu sáng của mặt trời, tương tự như thế, những nỗi đau buồn của thân tâm trong giai đoạn - như tâm trạng lo âu bối rối và nỗi khổ mà nó gây ra - chỉ có thể tạm che mờ chứ không thể phá hủy hay ngay cả động đến bản chất thanh tịnh căn để của tâm ta. Tự thẳm sâu tâm ta cũng như tất cả hữu tình, đều đang an trú suối nguồn bất tận của tình yêu và trí tuệ. Mục đích cuối cùng của mọi pháp tu dù thuộc Phật giáo hay không, đều cốt làm hiển lộ cái bản chất ấy, tiếp xúc với cái bản lai thanh tịnh ấy.

Khi đã phát triển tính trong sáng nơi chính mình, đức bi mẫn và tình yêu bên trong mình, ta có thể thấy sự trong sáng ấy, đức từ bi ấy phản chiếu nơi người. Nhưng khi chưa tiếp xúc được với những đức tính ấy nơi mình, ta sẽ thấy mọi người đều xấu xa, hạn cuộc. Vì bất cứ gì ta thấy bên ngoài chỉ là cái bóng của thực tại trong tâm ta chiếu ra.

Sự có mặt của bản tâm thuần tịnh không phải là vấn đề nhắm mắt tin theo hay chấp nhận một giáo điều, mà là một dữ kiện có thể thực nghiệm. Vô số người trong quá khứ đã khám phá kho tàng lớn lao ấy nơi tự tâm, kho tàng của bình an, tình yêu và tuệ giác. Bao nhiêu bậc thầy vĩ đại đã cho biết ta có thể khám phá bản chất sâu xa của chính mình để được niềm phúc lạc vô song mà sự khám phá ấy đương nhiên mang lại. Đức phật Thích Ca Mâu Ni là bậc đạo sư đầy từ mẫn như thế, và tất cả giáo lý cùng phương pháp của ngài dạy, là cốt giúp ta đạt đến cái tiềm năng tối cao ấy của con người.

Theo thuật ngữ Phật giáo, mục đích tối hậu của tiến hóa nhân loại là giác ngộ, thành Phật. Điều này thể hiện khi tất cả mê muội tham sân si và những gì che mờ tâm thức được tận trừ, và khi tất cả thiện tính trong ta hoàn toàn được khai triển. Sự thành tựu viên mãn ấy, sự tỉnh thức trọn vẹn ấy mang đặc tính là tuệ giác vô biên, lòng bi mẫn vô hạn và năng lực hay phương tiện vô cùng.

PHƯƠNG PHÁP MẬT TÔNG


Theo Kinh thừa, con đường thành tựu tuệ giác là một tiến trình tuần tự thanh lọc tâm thức khỏi những lỗi lầm và giới hạn, để thay vào đấy, phát huy những đức tính như trí tuệ, từ bi. Con đường này bao gồm việc tạo những nhân tố đặc biệt như giữ giới, phát triển khả năng tập trung và đào luyện thiền minh sát, vân vân, để tương lai sẽ đạt được sự tỉnh thức toàn vẹn. Chính vì nhấn mạnh đến việc tạo nhân tố cho một kết quả tương lai, mà phương pháp kinh thừa hay tiệm giáo đôi khi còn gọi là "nhân thừa" (nhân với nghĩa nguyên nhân) để đưa đến giác ngộ.

So với phương pháp tiệm giáo của kinh thừa, thì mật thừa là con đường tiến đến giác ngộ nhanh hơn rất nhiều. Mặc dù hành giả mật thừa cũng không xao lãng việc gieo nhân như hành giả Kinh thừa, song họ lấy hậu quả tương lai của sự tu hành làm khởi điểm tu tập. Nói cách khác, hành giả mật thừa tập nghĩ, nói và làm ngay trong hiện tại như thể họ đã là một đức phật. Vì phương pháp mãnh liệt này - đưa hậu quả toàn giác vào giây phút hiện tại, khi đang tu - mà mật tông còn được gọi là "quả thừa" đưa đến giác ngộ.

Theo mật tông, sự toàn vẹn không phải đang chờ đợi chúng ta ở một thời điểm nào trong tương lai, theo kiểu suy tư "Nếu bây giờ tôi tu hành nghiêm túc, tương lai tôi sẽ thành Phật" hay "Nếu đời này tôi có đạo đức, đời sau tôi sẽ được lên thiên đàng." Theo mật tông, thiên đàng là ngay bây giờ: chúng ta đáng lý là những vị trời ngay trong hiện tại; song chúng ta lại bị vướng bận những khái niệm hạn cuộc như đàn ông là thế này, phụ nữ là thế kia, tôi sinh ra đã là thế ấy không thể khác, vân vân. Đấy là lý do ta có những xung đột nội tâm và xung đột với người khác. Mọi xung đột này sẽ tan biến nếu ta luyện tập theo quan điểm mật tông, nghĩa là nhận chân rằng mỗi một người nam hay nữ bản chất đều tự đầy đủ, toàn vẹn. Hơn thế nữa, mỗi người nam nữ đều chứa cả hai năng lực âm dương. Thực tế là mỗi người trong chúng ta đều là một hợp thể của tất cả năng lực vũ trụ. Tất cả những gì ta cần để được toàn vẹn đều đã sẵn trong ta ngay giờ phút này, chỉ có điều là ta có khả năng nhận thức điều ấy hay không. Đấy là cái nhìn theo mật giáo.

NGUYÊN LÝ CHUYỂN HÓA


Có thể nói tất cả pháp tu mật tông đều bao hàm nguyên lý chuyển hóa. Như khoa học tân thời chứng minh, vũ trụ vật chất với muôn vàn sắc thái, từ phân tử nhỏ nhất đến tinh vân lớn nhất, chỉ là một trạng thái không ngừng chuyển hóa và tiến hóa từ một dạng năng lượng này đến dạng năng lượng khác. Chính thân thể và tâm trí chúng ta cũng là năng lượng: ta mạnh khỏe hay đau ốm, tâm trí quân bình hay mất quân bình, đều tùy thuộc sự kiện các năng lượng tâm vật lý trong ta có hòa điệu hay không. Nhờ thực hành mật tông đúng pháp, tất cả năng lượng trong ta, kể cả những năng lượng vi tế song rất mãnh liệt mà thường ta không ý thức đến, đều được xử dụng để tựu thành sự chuyển hóa quan trọng nhất trong mọi cuộc chuyển hóa, đó là từ một con người phàm tình mê muội hạn cuộc trong vỏ sò bản ngã trở thành một con người hoàn toàn tỉnh giác có lòng bi mẫn và tri kiến bao la.

Làm sao ta làm được một cuộc chuyển hóa phi thường như vậy? Tìm đâu ra những nguyên liệu cần thiết để đem lại một sự thay đổi sâu xa đến thế? Ta không cần phải kiếm đâu cho xa. Không cần phải rút năng lượng ấy từ hạt nhân nguyên tử, cũng không phải dùng phi thuyền phóng vào không gian để tìm năng lượng ấy nơi hành tinh xa xôi nào. Kỳ thực, cái năng lượng cốt cán để làm cuộc chuyển hóa sâu xa ấy là năng lượng của chính những dục vọng trong ta.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy