× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Luận

Duy thức học



PHẦN THỨ MƯỜI HAI LÝ-DUY-THỨC (2)

ĐOẠN VI

 

SINH-TỬ NỐI-LUÔN

 

Hỏi:

-         Do đâu có chúng hữu-tình sinh-tử nối luôn?

 

Đáp: (bài tụng)

 

-         Bởi các nghiệp tập-khí,  hai thủ tập-khí chung, dị-thục trước đã hết sinh dị-thục khác.

 

Giải-thích:

 

            Các nghiệp là phúc, phi phúc và bất-động1, là tu nghiệp thiện và bất-thiện thuộc về hữu-lậu. Quyến-thuộc2 của nghiệp cũng gọi là nghiệp, vì cũng đồng chiêu-cảm dẫn và mãn quả dị-thục3.

 

            Nghiệp tập-khí4 do huân-tập mà thành. Chỉ nghiệp trước và hiện-tại, gọi là tập-khí.

           

Tập-khí phát-triển mãi, nối tiếp phát-triển, đến khi trưởng-thành cảm-chiêu quả dị-thục.

 

            Hai thủ tập-khí: Hai thủ là năng-thủ và sở-thủ. Như tướng phần, kiến-phần, danh, sắc5, hay tâm, tâm-sở.

 

            Chung: Nghiệp-chủng và chủng-tử của 2 thủ chung nhau, làm duyên gần và xa, ảnh-hưởng lẫn nhau. Nghiệp chiêu-cảm sinh-tử.

 

            Tiền dị-thục: Nghiệp các đời trước sinh ra thân đời này.

 

            Dị-thục sau: Nghiệp đời này sinh ra các thân đời sau.

           

Bài kệ này ý nói: Bởi nghiệp và hai thủ sinh-tử luân-hồi, đều chẳng dời thức. Vì tâm và tâm-sở làm chủng tính.

 

 

 

 

(1) Phúc: lành. Phi-phúc: ác. Bất động: tu định, vào 4 thiền 4 định.     

(2) Đồng với nhau. Những cái gì liên quan tớí nghiệp.

(3) Đầu thai, nhập thai.

(4) Nghiệp tập-khí: thói quen.

(5) Danh: 4 uẩn sau. Cùng sắc là 5 uẩn.


 

 

ĐOẠN VII

 

TẬP-KHÍ

 

Sinh-tử tương-tục bởi các tập-khí.

 

Tóm tắt có ba thứ:

 

1)      DANH-NGÔN TẬP-KHÍ: Danh-ngôn là người ta đặt tên cho sự-vật, như cái bàn, cái cây. Ý-thức chấp vào các danh-ngôn đó. Mỗi pháp hữu-vi đều có chủng-tử của nó. Chia làm 2 loại:

 

a)      BIỂU-NGHĨA DANH-NGÔN: Những thứ có tên chung, mọi người đều công nhận. Như cái núi, cái sông v.v...

 

b)      HIỆN-CẢNH DANH-NGÔN: Chỉ rõ cảnh. Trong tâm mình biết, mình mình hiểu.

 

Hai thứ danh-ngôn huân-tập thành chủng-tử.

 

2)      NGÃ-CHẤP TẬP-KHÍ: Chúng-tử chấp-ngã và ngã-sở, (những cái của ta). Ngã chấp có hai thứ:

 

a)      Cu-sinh ngã-chấp.

b)      Phân-biệt ngã-chấp.

 

Hai thứ ngã-chấp huân-tập thành chủng-tử, khiến cho chúng hữu-tình thấy có mình và người khác nhau.

 

3)      HỮU-CHI TẬP-KHÍ: Thân phần của mình, lại có giống nghiệp về sau. Nghiệp-chủng-tử chiêu-cảm dị-thục ba cõi. Có hai loại:

 

a)      HỮU-LẬU THIỆN: Nghiệp có thể chiêu-cảm quả khả-ái.

b)      BẤT THIỆN-NGHIỆP: Nghiệp có thể chiêu-cảm quả đáng ghét, ai cũng ghét.

 

Hai thứ hữu-chi huân-tập thành chủng-tử, khiến cho dị-thục quả khác nhau về thiện hay ác thú.

 

            Ngã-chấp và hữu-chí tập-khí là duyên tăng-thượng của quả khác nhau.

 

            Trong bài tụng trên nói: các nghiệp tập-khí: nên biết là hữu-chi tập-khí.

 

            Hai thủ tập-khí: đó là ngã-chấp và danh-ngôn; hai tập-khí. Vì lấy ngã và ngã-sở, cùng là danh-ngôn mà huân-tập thành.   Đều gọi là lấy (thủ).

ĐOẠN VIII

 

TỊNH-PHÁP NỐI-LUÔN.

 

            Từ vô-thủy đến nay, các chủng tử vô-lậu nương dựa ở bản thức. Bởi các chuyển-thức v.v...thường thường huân-tập, chúng nảy-nở và phát-triển, cho đến lúc hoàn toàn thành Phật.

 

            Xoay và bỏ các hạt giống xấu đã có từ lâu. Vun sới các hạt giống thanh-tịnh. Trau-dồi mãi, bởi nguyện lớn làm mãi trong tương-lai, càng ngày càng thanh-tịnh, cho đến hoàn-toàn. Ví như trồng rau. Chăm vun sới, tưới bón, rau ngày càng lớn. Lúc đầu chỉ là những hạt rất nhỏ. Chăm làm cỏ, nhổ những cỏ xấu tranh sống với rau. Một ngày kia, rau lớn, trùm cả vườn. Cỏ có mọc cũng bị át đi.

 

            Đó là ví-dụ thô-sơ để ta có một ý-niệm về trau-dồi hạt giống tốt.

 

 

ĐOẠN IX

 

BA TÍNH

 

Hỏi:

-         Tại sao trong các kinh, Phật nói có ba tính?

Đáp:

-         Nên biết ba tính cũng chẳng dời thức.

(Bài tụng):

 

1) Bởi các biến-kế1

 

Biến-kế các vật,

Cái chấp biến-kế đó,

Tự-tính không phải có.

 

2) Tự-tính  y-tha-khởi

 

Do phân-biệt các duyên2 mà sinh ra.

 

3) Viên-thành-thật thường xa-lìa biến kế. Cho nên viên-thành-thật với y-tha chẳng phải khác và không khác. Ví như tính vô-thường v.v...với các pháp chẳng phải khác và không khác.

Nếu không thấy tính viên-thành-thật thì cũng không thấy y-tha3.

 

 

(1) Biến: khắp.Kế: so-đọ chấp-trước. 

(2) Duyên: Như quyển sách nhờ giấy, bìa v.v…

(3) Thấy viên-thành-thật rồi mới thấy y-tha.

Giải thích:

 

            Có ba tính:

            1) Biến-kế.

            2) Y-tha.

            3) Viên-thành-thật.

 

1)      BIẾN-KẾ: So-đo và chấp-trước các pháp. Có nhiều loại, nên đây nói các.

Câu tụng đầu chỉ rõ: thức năng biến-kế.

 

Câu thứ hai chỉ: cảnh bị biến kế. Các vật bị chấp làm ngã và pháp, gọi là: biến-kế sở-chấp tự-tính. Tự-tính của chúng đều không phải có.

 

Hai câu sau chỉ: biến-kế sở-chấp, hoặc ngã hoặc pháp, tự-tính chẳng phải có.

 

2)      Y-THA: Y-tha-khởi-tự-tính là cảnh sở-duyên, duyên cho biến kế tâm.

 

VIÊN-THÀNH-THẬT: Viên-thành-thật thuộc về chân. Không phải cảnh của vọng chấp (biến-kế) .

 

ĐOẠN X

 

BIẾN-KẾ SỞ-CHẤP

 

Hỏi:

-         Biến-kế sở-chấp với y-tha-khởi có khác gì nhau?

 

Đáp:

-         Tâm và tâm-sở của chúng sinh trong ba cõi, bởi từ vô thủy đến nay hư-vọng huân-tập, in tuồng 2 cái sinh: đó là kiên-phần và tướng-phần1, tức là năng-thủ và sở thủ.

 

Như vậy hai phần, theo tình thức phân biệt thì có, mà theo chân-lý thì không.

Đó là biến-kế sở-chấp.

 

Y-THA-KHỞI: Cái tính bị nương của 2 cái, nương nhờ nơi duyên mà sinh,  đó là y-tha-khởi. Bởi vì hư-vọng phân biệt duyên sinh ra.

 

Sao biết vậy?

 

Các thánh giáo nói: - Hư vọng phân biệt  là y-tha-khởi2.

Hai thủ là biết kế sở-chấp.

 

 

(1) Thức và cảnh. 

(2) Như mắt mỏi thấy hoa đốm. 
 

-         Tâm và tâm-sở của các chúng sinh ở thế gian và xuất thế gian, bởi sức huân tập biến ra hai phần là tướng và kiến phần, theo duyên mà sinh, cũng là Y-THA-KHỞI.

 

-         Biến kế nương y-tha, hư vọng chấp quyết định thật không có, không, một khác, cũng có cũng không v.v...

 

-         Hai cái năng, sở đó là BIẾN-KẾ SỞ-CHẤP.

 

Các duyên sinh ra tâm và tâm sở, tướng và kiên-phần, hữu lậu và vô lậu, đều là y-tha-khởi.

Bởi vì nương nơi các duyên kia mà khởi.

 

 

ĐOẠN XI

 

Y-THA-KHỞI-TÍNH.

 

Bài tụng trên có nói:

-         Phân biệt các duyên sinh ra

 

Nghĩa là: Đó là nói về nhiễm-phần y-tha. Tức là đứng về mặt vọng, mặt chúng sinh.

 

Về tịnh phần y-tha,  cũng là viên thành thật. Vì khi chúng sinh tu vạn hạnh, nhờ các duyên lạnh mà thành Phật. Cũng vì thế mà gọi là y-tha.

 

Các pháp nhiễm tịnh, tâm và tâm sở, đều gọi là phân biêt, bởi vì có thể trợ duyên, và phải dùng trí suy nghĩ, so sánh.

 

Thế là tất cả nhiễm tịnh y-tha đều nhiếp về phần y-tha-khởi.

 

 

ĐOẠN XII

 

VIÊN-THÀNH-THẬT

 

-         Hai cái "không” hiện ra, tức là nhân-không và pháp không, viên mãn thành tựu thực tính các pháp: đó là viên-thành-thật.

 

Tức là đã chứng quả Phật, đã tới Chân lý.

 

Bài tụng trên nói:

-         Cứ trên các y-tha, thường xa lìa các biến kế sở chấp. Khi hai không ngã và pháp hiện ra, đó là đạt được chân như.

 

-         Viên thành thật với y-tha chẳng phải khác và không khác:

 

Đã chứng chân lý, không còn so đo, chấp trước.

 

Đứng về mặt "chân” mà nói: chân và vọng là khác.

 

Đứng về mặt "vọng” mà nói: thế giới chúng sinh có thực.

 

Khi Phật đã chứng chân lý: mới thấy rõ cả hai mặt "chân vọng”.

 

Ví như người mắt lành, mới biết cái lầm của người mắt mỏi, thấy hoa đốm ở hư không.

 

Người đó thấy hư không thực, biết rõ mắt bệnh, và biết hoa đốm là không thực có.

 

Hoa đốm chỉ có thực đối với ngưới mắt mỏi.

 

Cảnh chiêm bao chỉ có thực với người đang chiêm bao.

 

Cảnh giới của chúng sinh chỉ có thực với chúng sinh.

 

Với Phật, mới biết cảnh của chúng sinh chỉ là giả, là không có thực, ví như hoa đốm, như chiêm bao.

 

Bởi thế bài tụng ở đọan IX nói:

-         Nếu không thấy tính viên-thành-thật, thì cũng không thấy y-tha.

 

Tức là: Nếu không chứng "chân lý”, không biết rõ cảnh "vọng”.

Nếu không thành Phật, không biết rõ sự thực của sự vật.

 

 

ĐOẠN XIII

 

KẾT LUẬN VỀ BA TÍNH

 

 

Ba tự tính đều chẳng xa lìa tâm và tâm sở:

 

  1. Y-THA-KHỞI-TÍNH: Tâm và tâm sở với cái bị biết hiện ra, bởi các duyên sinh, như huyễn sự v.v... chẳng phải có, in tuồng có, dối gạt kẻ ngu phu.

 

  1. BIẾN-KẾ SỞ-CHẤP: Kẻ ngu phu đối với cái đó, ngang ngược chấp ngã pháp: có, không, một, khác cũng có cũng không v.v... như hoa đốm ở hư không v.v... tính tướng đều không.

 

 

  1. VIÊN THÀNH THẬT: Trên y tha khởi, các hư vọng chấp là ngã và pháp kia đều không. Cái "không” ấy hiển ra chân tính của thức v.v...

 

Vậy ba tính chẳng dời tâm.

 

 

ĐOẠN XIV

 

BA KHÔNG TÍNH

 

Hỏi:

-         Nếu có ba tính, thế sao đức phật nói: "Các pháp đều không tự tính?”

 

Đáp: (bài tụng)

 

Cứ nương theo trước nói ba tính,

Lập sau ba không tính,

Cho nên Phật mật ý nói:

 

-         "Tất cả pháp vô tính”:

 

  1. – Đầu là tướng vô tính

  2. – Giữa là không tự nhiên tính

  3. Sau là các pháp thắng nghĩa1:

 

Bởi xa lìa các sở chấp ngã và pháp tính.

 

Cũng tức là Chân-như,

 

Bởi vì tính nó thường như2

 

Tức Duy-thức thật-tính.

 

 

GIẢI THÍCH:

 

-         Cứ nương theo trước nói ba tính, lập sau ba vô tính, đó là:

 

  1. Tướng vô tính.

  2. Sinh vô tính

  3. Thắng nghĩa vô tính

 

 

(1) Nghĩa hơn hết

(2) Quyền nói thôi, Phương-tiện tạm giả-lập.


 

Nên phật mật ý nói: "Tất cả đều vô tự tính”. Chẳng phải tính hòan tòan là không.

 

Nói chữ mật-ý1: tỏ ra rằng chẳng phải "liễu-nghĩa”.

 

Hai tính sau, dù thể chẳng phải không, mà có kẻ ngu-phu đối với đó hư-vọng chấp thật có ngã và pháp tự-tính. Đó là biến kể sở chấp.

 

trừ cái chấp ấy, nên Phật đối với không, đều nói là: vô-tính.

 

Hỏi:

 

-         Thế nào nương ba tính mà lập ba không tính?

 

Đáp:

 

  1. TƯỚNG-VÔ-TÍNH: Nương biến-kế sở-chấp mà lập. Bởi vì thể-tướng nó hoàn toàn chẳng phải có.

 

  1. SINH VÔ TÍNH: Nương y-tha mà lập.

 

Đó là: như huyễn-sự nương các duyên-sinh. Không như kẻ hư-vọng chấp: tự-nhiên tính.

 

Giả nói là vô-tính. Chẳng phải tính hoàn toàn không.

 

  1. THẮNG NGHĨA VÔ TÍNH: Nương viên thành thật lập. Tức là thắng nghĩa.

Bởi xa lìa cái biến kế sở chấp ngã và pháp trước.

Giả nói là vô tính. Chẳng phải tính hòan tòan không.

 

KẾT LUẬN VỀ KHÔNG TÍNH.

 

Trong các khế-kinh nói vô-tính, chẳng phải là nghĩa hoàn-toàn. Các người có trí không nên nương theo đó mà bác chung là: "Các pháp đều không tự-tính”.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy