× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Luận

A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận



Quyển 3 - 2

III: THỂ CỦA CĂN

Trong 22 căn, tám căn đầu từ căn con mắt v.v.... cho đến nam căn, phần trước đã nói. Mạng căn, thể là bất tương ưng, sẽ nói đến trong phần pháp bất tương ưng. Năm căn tín v.v..., thể là tâm sở, sẽ nói đến trong phần tâm sở.

Bây giờ, nói về năm thọ thân và ba căn vô lậu.

1.Năm thọ thân.

Văn Tụng.

Hán:

T29n1560-p0312a18 :

T29n1560-p0312a19 :

T29n1560-p0312a20 :

Âm Hán:

Thân bất duyệt danh khổ Tức thử duyệt danh lạc

Cập tam định tâm duyệt Dư xứ thử danh hỷ

Tâm bất duyệt danh ưu Trung xả nhị vô biệt[53]

Việt dịch:

Thân không vui là khổ. Thân vui gọi là lạc

Và tâm vui tam định. Cõi khác gọi là hỷ /7/.

Tâm không vui là ưu. Trung xả, hai không khác /8ab/.

Luận giải thích:

Thân, đây chỉ thân thọ, vì thọ y trên thân mà khởi; tức các loại cảm thọ tương ưng với năm thức.

Không vui[54]: nói không vui có nghĩa là tổn não (upaghātikā). Trong các loại cảm thọ của thân, cái gây nên sự tổn não được gọi là khổ căn.

Vui[55]: có nghĩa là nhiếp ích. Trong các loại cảm thọ của thân, cái có khả năng nhiếp ích được gọi là lạc căn.

Và tâm vui tam định: ở đệ tam định, cảm thọ tương ưng với tâm, có khả năng nhiếp ích cũng được gọi là lạc căn. Ở đệ tam định không có thân thọ vì năm thức thân không tồn tại; ở đó, tâm vui gọi là lạc.

Các cõi khác: chính trạng thái vui nầy của tâm, trừ đệ tam thiền, ở ba cõi dưới, được gọi là hỷ căn[56]. Ở đệ tam thiền, tâm vui, yên tịnh, không còn hỷ tham, nên gọi là lạc căn. Ba cõi dưới, tâm vui vẻ, thô động, còn có hỷ tham nên gọi là hỷ căn.

Cảm thọ tương ưng ý thức, gây tổn não, là tâm không vui; thọ đó được gọi là ưu căn

Trung xả: Trung là chẳng phải vui, chẳng phải không vui, tức cảm thọ không khổ không vui. Cảm thọ không khổ không vui nầy gọi là xả căn.

Hai không khác: như vậy, xả căn thuộc thân thọ hay tâm thọ?

Nên nói, thông cả hai.

Vì sao hai loại cảm thọ vui và không vui lại lập chung thành một căn?

Bởi lẽ, hai loại cảm thọ nầy, ở nơi thân hay tâm không có sự phân biệt. Tại tâm, sự khổ vui phần lớn đều do sự phân biệt sinh ra. Tại thân, không như vậy, chỉ do sức tác động của cảnh tạo nên. A la hán v.v... [57] sinh khởi năm loại cảm thọ cũng như vậy. Do đó, khi lập căn khổ lạc ở thân và tâm có sự khác biệt. Xả thọ vốn không phân biệt, sinh khởi tự nhiên, cho nên khi lập căn, tại thân tại tâm được hợp thành một; hơn nữa, cảm thọ khổ vui, nơi thân, nơi tâm hoặc tổn não hoặc nhiếp ích, trạng thái khác nhau nên lập thành căn riêng biệt. Xả thọ, nơi thân hay tâm đều không phân biệt, chẳng phải tổn não cũng chẳng phải nhiếp ích, trạng thái không khác nhau nên lập chung một căn.

2.Ba căn vô lậu:

Văn Tụng.

Hán:

T29n1560-p0312a21

Âm Hán:

Kiến tu vô học đạo Y cửu lập tam căn.[58]

Việt dịch:

Ba đạo kiến tu và vô học. Nương chín, lập ba căn /8cd/.

 

Luận giải thích:

/8cd/ Ba đạo kiến tu và vô học, nương chín, lập ba căn:

Nương chín căn gồm ý, lạc, hỷ, xả và năm căn tín v.v..., ở trong ba đạo, theo thứ tự, lập thành ba căn vô lậu; đó là tại kiến đạo, dựa vào chín căn nầy, lập vị tri đương tri căn; tại tu đạo, dựa vào chín căn nầy, lập dĩ tri căn; tại vô học đạo, cũng dựa vào chín căn nầy, lập cụ tri căn.

Ba tên gọi đó, căn cứ vào đâu mà lập nên?

Đó là, tại kiến đạo vị, đều có những cái chưa từng biết, nay có hành tướng đang biết chuyển khởi, gọi đó là vị tri đương tri căn[59]. Tại tu đạo, không có cái chưa từng biết, chỉ đoạn trừ các tùy miên còn lại, với chính cảnh giới ấy thường xuyên liễu tri nên gọi đó là dĩ tri căn[60]. Tại vô học đạo, biết mình đã biết, nên gọi là tri; có được cái biết nầy nên nói là cụ tri.[61] Hoặc huân tập cái biết nầy thành tánh nên gọi là cụ tri[62]. Nghĩa là do chứng đắc tận trí và vô sanh trí, nên tự biết một cách như thật rằng, ta đã biết cùng tận sự khổ, không còn gì để biết thêm nữa; như vậy mà nói rộng ra với ba Thánh đế còn lại. Các căn đó gọi là vị tri đương tri, v.v....

Như vậy, giải thích xong về thể khác nhau của các căn.

IV: CÁC ĐẶC TÍNH DỊ BIỆT

1. Hữu lậu, Vô lậu.

Tiếp đến, bàn luận các đặc tính dị biệt. Trong 22 căn, bao nhiêu căn thuộc hữu lậu, bao nhiêu căn thuộc vô lậu?

Văn Tụng:

Hán:

T29n1560-p0312a22 :

T29n1560-p0312a23 :

Âm Hán:

Duy vô lậu hậu tam Hữu sắc mạng ưu khổ

đương tri duy hữu lậu Thông nhị dư cửu căn [63]

Việt dịch:

Ba sau cùng vô lậu Hữu sắc, mạng, ưu, khổ

Nên biết, là hữu lậu Cả hai, chín căn còn lại /9/.

 

Luận giải thích:

/9a/Ba sau cùng vô lậu: tiếp đến, như trước đã nói, thể của ba căn sau cùng là vô lậu. Vô lậu (anāsrava) có nghĩa là vô cấu (amala). Cấu cùng với lậu tuy tên gọi khác nhau nhưng thể thì giống nhau.

/9bc/Hữu sắc, mạng ưu khổ, nên biết là hữu lậu: hữu sắc (rūpī) là bảy sắc căn. Bảy sắc căn nầy và các căn mạng, ưu, khổ hoàn toàn là hữu lậu. Bảy hữu sắc gồm năm căn mắt v.v... và hai căn nữ nam nhiếp thuộc sắc uẩn.

/9d/.Cả hai, chín căn còn lại: các căn ý, lạc, hỷ, xả và năm căn tín v.v...; chín căn nầy đều thông cả hữu lậu và vô lậu.

Có các Sư khác[64] nói, năm căn tín v.v... duy chỉ thuộc vô lậu, cho nên đức Thế tôn nói, "Nếu hoàn toàn[65] không có năm căn tín v.v..., Ta nói rằng, chúng sanh đó thuộc hàng ngoại dị sanh.”[66]

Đoạn Kinh nầy không phải là chứng cứ trung thực (jñāpaka); đó chỉ là căn cứ vào vô lậu căn nên nói như vậy.

Làm sao biết?

Bởi vì, đầu tiên, căn cứ vào năm căn vô lậu, tín v.v..., kiến lập các thánh vị khác nhau, nói câu trên; sau đó, lại nói hoặc các loài dị sanh có hai loại- một, nội[67]; hai, ngoại[68]. Nội chỉ cho chúng sanh không đoạn thiện căn. Ngoại chỉ cho chúng sanh mà thiện căn đã đoạn. Ở đây, căn cứ vào ngoại dị sanh, nên nói, "Nếu hoàn toàn không có năm căn tín v.v..., Ta nói chúng sanh kia thuộc hàng ngoại dị sanh.” Lại nữa, Khế kinh nói, "Có các chúng sanh sống ở thế gian hoặc sinh ra, hoặc lớn lên đều có các căn tín v.v.. ở các mức độ thượng trung hạ khác nhau.” Đây là lúc đức Thế tôn chưa chuyển pháp luân. Cho nên biết rằng, các căn tín v.v.... thông cả hữu lậu và vô lậu. Lại nữa, đức Thế tôn nói, "Ta nếu đối với năm căn tín v.v... mà chưa biết một cách như thật rằng đây là sự tập khởi, là sự diệt tận; là vị ngọt; là tai hoạ; là sự xuất ly[69] thì Ta chưa thể ra khỏi thế gian thiên nhơn, ma phạm v.v..., cho đến chưa thể chứng được quả vị bồ đề vô thượng chánh đẳng.” Cho đến nói rộng ra. Các phẩm loại được quán sát như vậy, chẳng phải là pháp vô lậu. Cho nên biết rằng, năm căn tín v.v..., thông cả hữu lậu và vô lậu.

2. Dị thục, Phi dị thục.

Trong 22 căn, bao nhiêu căn là dị thục, bao nhiêu căn chẳng phải dị thục?

Văn Tụng:

Hán:

T29n1560-p0312a24 :

T29n1560-p0312a25 :

Âm Hán:

Mạng duy thị dị thục Ưu cập hậu bát phi

Sắc ý dư tứ thọ. Nhất nhất giai thông nhị.[70]

Việt dịch

Mạng căn là dị thục Ưu và tám đều không

Sắc, ý và bốn thọ Tất cả đều thông hai /10/.

 

Luận giải thích:

/10a/.Mạng căn duy dị thục: duy nhất mạng căn quyết định là dị thục.

Nếu như vậy, khi chư vị A-la-hán lưu đa thọ hành[71], chính thọ hành nầy là mạng căn, mạng căn như vậy, cái gì là dị thục?

1. Chánh tông (trả lời):

a. Vị thứ nhất: như Bổn luận[72] nói, "Thế nào là tì-kheo lưu đa thọ hành?

Đó là vị A-la-hán thành tựu thần thông, tâm được tự tại, hoặc đối với tăng chúng[73] hoặc đối với từng cá nhân khác, đem các thứ phương tiện của đời sống như y bát v.v..., tùy phần bố thí. Bố thí rồi phát nguyện. Phát nguyện rồi liền nhập đệ tứ biên tế[74] tịnh lự . Từ định khởi, tâm nghĩ miệng nói, nguyện cho những gì[75] là nghiệp có khả năng dẫn đến dị thục thọ dụng của tôi[76] chuyển thành quả dị thục thọ mạng. Bấy giờ, nghiệp có khả năng dẫn đến dị thục thọ hưởng[77] kia liền chuyển thành quả dị thục thọ mạng.”[78]

b. Vị thứ hai: Vì muốn thâu nhận trở lại quả dị thục tàn dư trong nghiệp đời trước,vị kia nói: Những dị thục tàn dư nào của nghiệp mà tôi đã lãnh thọ trong đời trước, nay bằng năng lực của định biên tế đã được tu tập mà thâu nhận thọ dụng trở lại.”[79]

Thế nào là tì kheo xả đa thọ hành?

Đó là vị A-la-hán thành tựu thần thông, tâm được tự tại, đối với tăng chúng v.v..., mà bố thí như trước. Bố thí xong phát nguyện, rồi nhập đệ tứ tịnh lự biên tế. Từ định khởi, tâm nghĩ miệng nói, những gì là nghiệp có khả năng dẫn đến dị thục thọ mạng, nguyện cho thảy đều chuyển thành quả dị thục dẫn đến thọ dụng. Bấy giờ, cái nghiệp dẫn đến dị thục thọ mạng kia liền chuyển thành quả dị thục thọ dụng.

Tôn giả Diệu âm[80] nói rằng: "Các vị A-la-hán kia khởi đệ tứ biên tế định lực, dẫn đưa đại chủng của sắc giới khiến chúng hiện hữu trong thân; đại chủng đó hoặc thuận thọ hành hoặc nghịch thọ hành. Do nhơn duyên như vậy mà hoặc lưu thọ hành hoặc xả thọ hành.”

2.Quan điểm khác (trả lời)

Nên nói như thế nầy[81], vị A-la-hán kia do lực tam-ma-địa tự tại này, chuyển cái thế phần tồn tại của các căn đại chủng đã có được do bởi nghiệp lực đời trước, rồi dẫn khởi và chấp thủ thế phần tồn tại của các căn đại chủng chưa từng được khởi lên do định lực. Cho nên, mạng căn nầy chẳng phải là dị thục.[82] Tất cả các thế phần còn lại đều là dị thục.

Từ chỗ đã bàn mà nói thêm rằng[83], với nhơn duyên gì, các vị A-la-hán kia lưu đa thọ hành? Đó là, vì sự lợi ích, an lạc cho chúng sanh; hoặc vì, muốn làm cho Thánh giáo tồn tại lâu dài, quán sát tự thân, thọ hành sắp chấm dứt; quán sát tha nhơn không có khả năng làm hai việc nầy.

Lại nữa, do nhơn duyên gì mà xả đa thọ hành?

Các vị A-la-hán kia tự xem xét sự hiện hữu của bản thân ở thế gian đem lại lợi ích an lạc cho tha nhân quá ít ỏi; hoặc vì các thứ khổ bức thân như bệnh v.v.... Như có bài tụng nói rằng:

Hán:

梵 行 妙 成 立 聖 道 以 善 修

壽 盡 時 歡 喜 由 如 捨 眾 病

Âm hán :

Phạm hạnh diệu thành lập Thánh đạo dĩ thiện tu

Thọ tận thời hoan hỷ Do như xả chúng bệnh.

Việt dịch :

Người trì giới tinh nghiêm Khéo tu tập Thánh đạo

Hoan hỷ khi mạng hết Như xa rời các bệnh.

*Hỏi về nơi chốn và người:

Nên biết, trong đó, y cứ vào chỗ nào, và ai là người có khả năng lưu xả thọ hành như thế?

Đó là ở ba châu,[84] trong thân phần nam nữ,[85] A-la-hán hạng bất thời giải thoát[86], chứng đắc biên tế định; do trong thân các vị có định tự tại nên không có phiền não.

Kinh nói: "Thế tôn lưu đa mạng hành, xả đa thọ hành.” Thế thì mạng hành thọ hành khác nhau thế nào?[87]

a. Có quan điểm cho rằng, không khác nhau. Như Bản luận nói, "Thế nào gọi là mạng căn? Đó là thọ mạng trong ba cõi.”

b. Có các Luận sư khác nói, nghiệp quả đời trước gọi là thọ hành, nghiệp quả hiện tại gọi là mạng hành. [88]

c. Có thuyết cho rằng, do mạng căn nầy khiến chúng đồng phần tồn tại gọi là thọ hành; do mạng căn nầy khiến chúng đồng phần tồn tại tạm thời gọi là mạng hành.[89]

Chữ "đa” có ba giải thích:

a.Ý nhằm hiển bày lưu và xả mạng hành và thọ hành trong nhiều niệm (sát-na), chứ chẳng phải là trong một sát-na mà mạng hành và thọ hành có sự lưu hay xả vậy.

b. Có thuyết, chữ "đa” (trong lưu đa thọ hành) nầy là ngăn chận quan điểm cho rằng, có một thật thể là mạng thọ tồn tại trải qua nhiều thời gian.

c. Có thuyết, chữ "đa” nầy là hiển bày không có một thật thể mạng thọ, chỉ dựa vào "đa hành” giả lập hai tên gọi thọ mạng như vậy. Nếu không như thế, thì không nên dùng chữ "hành.”

Đức Thế tôn vì lý do gì mà xả đa thọ hành, lưu đa mạng hành?

Nhằm để hiển bày đối với sự ”chết” có được tự tại cho nên xả đa thọ hành; để hiển bày đối với sự sống có được sự tự tại nên lưu đa thọ hành. Và chỉ kéo dài trong ba tháng, không thêm, không bớt. Vượt quá ba tháng thì không còn điều gì để giáo hoá nữa (hoá sự); ít hơn ba tháng thời sự lợi sanh chưa được trọn vẹn. Để xác nhận điều đã được tuyên bố trước đó, đức Thế tôn nói rằng, "Ta khéo tu hành bốn thần túc cho nên muốn kéo dài mạng sống một kiếp, hoặc hơn một kiếp, như tâm mong muốn, liền được kéo dài.”[90]

Các Luận sư Tỳ bà sa nói,[91] vì để hiển bày, hiện tại có khả năng nhiếp phục[92] hai loại ma uẩn và tử; trước kia ở dưới cây bồ đề, đức Thế tôn đã nhiếp phục thiên ma và phiền não ma rồi vậy.

Bàn luận rộng ra đã nhiều, nay trở về phần chính.

/10b/ Ưu và tám đều không: ưu căn và tám căn sau, tín v.v... đều chẳng phải là dị thục. Vì là hữu ký vậy.

/10cd/ Sắc, ý và bốn thọ tất cả đều thông hai.

Còn lại thông cả hai; đó là 12 căn gồm, bảy sắc căn, ý căn, trừ ưu, bốn thọ còn lại, mỗi mỗi đều thông cả hai loại dị thục và chẳng phải dị thục.

Bảy sắc căn, nếu là sở trưởng dưỡng thì chẳng phải là dị thục; ngoài ra là dị thục.

Ý căn và bốn thọ căn, nếu thuộc thiện nhiễm ô, oai nghi lộ, công xảo xứ và năng biến hoá, tuỳ theo chỗ ứng hợp, chẳng phải là dị thục; ngoài ra là dị thục.

(Ngoại nạn): Nếu ưu căn chẳng phải là dị thục thì đối chiếu với Kinh nầy, làm sao thông hợp? Kinh nầy nói, "Có ba loại nghiệp: thuận hỷ thọ nghiệp,[93] thuận ưu thọ nghiệp, thuận xả thọ nghiệp.”

Căn cứ vào sự tương ưng với thọ mà nói thuận thì không có gì trái ngược; nghĩa là, nghiệp tương ưng với ưu nên nói là thuận ưu thọ nghiệp. Cũng giống như, xúc tương ưng với lạc nói là thuận lạc thọ xúc.[94]

Nếu vậy thì, thuận hỷ, thuận xả thọ nghiệp cũng nên như vậy.[95]

Vì chỉ một Kinh nói[96] nên, tuỳ theo ý Ông, với tôi không có gì trái ngược; dị thục hay tương ưng, về lý đều không có lỗi.

(Nạn tiếp) Không thể giải thích được nên đành phải giải thích như vậy; thực sự, về lý, căn cứ vào đâu để cho rằng, ưu chẳng phải là dị thục[97].

(Hữu Bộ giải thích) Vì ưu do sự phân biệt sai biệt[98] mà có; và ưu chấm dứt cũng như vậy. Với dị thục thì không.

(Ngoại nạn) Nếu nói vậy, hỷ căn cũng không phải là dị thục. Bởi lẽ cũng do phân biệt sai biệt mà có; và chấm dứt cũng như vậy.

(Hữu Bộ phản nạn) Nếu cho rằng, ưu căn là dị thục, khi đã tạo nghiệp vô gián, nhân[99] ấy tức thời sinh ưu; bấy giờ, nghiệp nhân đó nên nói là quả đã chín.[100] Cũng như vậy mà hỏi về hỷ căn rằng, nếu cho rằng hỷ căn là dị thục, khi đã tạo thắng phước nghiệp, nhân ấy tức thời sanh hỷ; bấy giờ, nghiệp nhân nầy nên gọi là quả đã chín.

(Tỳ ba sa) Các Luận sư Tỳ Bà Sa đều nói, các vị đã ly dục không có ưu căn; dị thục thì không như vậy (ly dục vẫn có), cho nên ưu căn chẳng phải là dị thục.

(Vấn nạn) Nếu vậy nên nói, do tướng trạng nào mà có thể biết có hỷ căn dị thục của hạng hữu tình đã ly dục?

Tuỳ theo tướng trạng mà kia có, tướng trạng này cũng vậy; nghĩa là, thiện hỷ căn ở nơi địa vị ly dục có hiện hành; vô ký dị thục hỷ, ở đó cũng chẳng phải không có. Ở trong địa vị ly dục, tất cả các loại ưu đều không có, cho nên quyết định chẳng phải là dị thục.

Tám căn, nhãn v.v... nếu ở thiện thú, thuộc thiện dị thục; nếu tại ác thú, thuộc ác dị thục. Ý căn hoặc tại thiện thú hoặc tại ác thú, tùy theo đó dị thục hoăc ác hoặc thiện. Hỷ, lạc, xả căn, dù hiện hành cõi nào cũng đều là thiện dị thục. Khổ căn, dù ở thiện thú hoặc ác thú, đều là ác dị thục. Ở trong thiện thú, chúng sanh nhị hình (huỳnh môn), về căn xứ do nghiệp bất thiện chiêu cảm; về sắc căn thiện thú do thiện nghiệp dẫn thủ.

Như vậy là đã nói xong về dị thục.

3.Hữu dị thục, Vô dị thục:

Trong 22 căn, có bao nhiêu căn có dị thục; bao nhiêu căn không có dị thục?

Văn Tụng:

Hán:

T29n1560-p0312a26 :

T29n1560-p0312a27 :

Âm Hán:

Ưu định hữu dị thục Tiền bát hậu tam vô

Ý dư thọ tín đẳng Nhất nhất giai thông nhị.[101]

Việt dịch:

Ưu ắt có dị thục Tám trước, ba sau không

Ý, thọ còn lại, tín, v.v.. tất cả đều thông hai /11/.

 

Luận giải thích:

/11a/.Ưu ắt có dị thục: Ưu căn, như đoạn văn trước đã tranh luận, nên biết, quyết định có dị thục. Căn cứ vào nghĩa duyvượt nên tụng nói là quyết định. Đó là nêu bày ưu căn có dị thục; và gồm cả hai nghĩa, nên đã vượt thứ lớp mà nói. Gồm cả hai nghĩa: (1) Ưu chẳng phải là vô ký, khởi lên do tư mạnh mẽ.[102] (2) Cũng chẳng phải là vô lậu, mà là thuộc tán địa vậy. Do hai nghĩa như vậy nên đã không theo thứ tự mà được đem nói trước; ưu căn quyết định có dị thục.

/11b/.Tám trước, ba sau không: tám căn đầu, mắt v.v... và ba căn sau cùng, quyết định không có dị thục. Bởi lẽ, tám căn trước là vô ký; ba căn sau là vô lậu.

/11cd/.Ý, thọ còn lại, tín, v.v.., tất cả đều thông hai: tất cả còn lại đều thông cả hai; đó là ý căn, các thọ còn lại, và tín v.v.... Nói v.v....(đẳng) là chỉ cho bốn căn tinh tấn, v.v....Mười hai căn nầy, mỗi mỗi đều thông cả hai loại. Ý, lạc, hỷ, xả, nếu thuộc bất thiện, thiện hữu lậu là có dị thục; nếu là vô ký, vô lậu thì không có dị thục. Khổ căn, nếu là thiện, bất thiện đều có dị thục; nếu là vô ký thì không có dị thục. Năm căn, tín v.v..., nếu thuộc hữu lậu là có dị thục; nếu thuộc vô lậu thì không có dị thục.

Như vậy đã nói xong về có dị thục, không có dị thục.

4.Ba tính.

Trong 22 căn, bao nhiêu căn là thiện, bao nhiêu căn là bất thiện và bao nhiêu căn là vô ký tánh?


Xem dưới dạng văn bản thuần túy