B.LUẬN THÍCH
1.Ý nghĩa uẩn, xứ, giới.
Tiếp đến, nói về ý nghĩa riêng biệt của uẩn xứ giới ?
a.Uẩn (skandha)
(20a-b).Tụ tập, sanh môn, chủng tộc là nghĩa của uẩn, xứ, giới.
Uẩn có nghĩa là sự hoà hợp tích tụ của các pháp hữu vi. Như Khế kinh nói : những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, hoặc ở trong, hoặc ở ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc liệt hoặc thắng, hoặc xa hoặc gần, tất cả tổng hợp làm một, gọi đó là sắc uẩn. Trong đó, sắc quá khứ là cái đã bị vô thường huỷ diệt; sắc vị lai là cái chưa sinh; sắc hiện tại là cái đã sinh và đang còn tương tục; sắc trong thân gọi là nội; sắc ngoài thân gọi là ngoại; hoặc căn cứ theo xứ mà biện giải.
Sắc có chướng ngại gọi là thô, không chướng ngại gọi là tế; hoặc theo sự đối đãi mà xác lập.
Nếu nói theo sự đối đãi thì các sắc hoặc thô, hoặc tế không thể thành lập được?
Vấn nạn nầy không đúng. Bởi vì, các sắc trong đối đãi, tự nó đã có sự khác nhau –như khi, sắc nầy đối với sắc kia, được gọi là thô thì trong lúc đó, nó không hề là tế. Hoặc khi sắc nầy đối với sắc kia được gọi là tế thì, trong lúc đó, nó không hề là thô. Cũng như cha con, khổ đế, tập đế v.v...
Cái nhiễm ô gọi là liệt sắc; cái không nhiễm ô gọi là thắng sắc; các sắc trong quá khứ, vị lai gọi là sắc xa; trong hiện tại gọi là sắc gần.
Cho đến thức uẩn cũng nên như vậy mà biết.
Có giải thích khác: Dựa vào năm căn gọi là thô; dựa vào ý gọi là tế. Hoặc căn cứ vào vị trí mà nói.
Trên đây là những điều được nói bởi các Luận sư Tỳ bà sa.
Đại đức Pháp Cứu lại nói : Đối tượng của năm căn gọi là thô sắc; ngoài đối tượng của năm căn là tế sắc. Phi khả ý là liệt sắc; ngoài ra là thắng sắc. Ở ngoài tầm nhìn là sắc xa; trong tầm nhìn là sắc gần. Các sắc trong quá khứ v.v... , như chính tên gọi của nó đã có thể rõ ràng.
Thọ v.v... , cũng như vậy; tuỳ theo nơi chốn sở y mà biết các sắc xa, gần, thô, tế, giống như trước đã nói.
b.Xứ (āyatana)
Cửa sanh xuất các tâm, tâm sở là nghĩa của xứ. Theo ngữ nguyên, xứ là cái làm gia tăng sự sanh xuất tâm và tâm sở. Ở đây là sanh xuất tác dụng tác dụng .
c.Giới (dhātu)
Giới có nghĩa là chủng tộc. Như trong một ngọn núi, có những chủng loại đồng, thiết, vàng, bạc v.v... gọi là đa giới. Trong một thân hay một chuỗi tương tục có 18 chủng loại gọi là 18 giới. Trong đó, chủng tộc có nghĩa là gốc sanh khởi.
Như vậy, các giới nhãn, nhĩ v.v... , là gốc sanh khởi của cái gì ?
- Của chủng loại tự thân, vì là đồng loại nhơn vậy.
Nếu như vậy, vô vi không phải là giới ?
- Là giới, vì là gốc sanh khởi của các tâm, tâm sở.
Có thuyết nói: giới có nghĩa là chủng loại; mười tám tự tánh chủng loại khác nhau của các pháp được gọi là mười tám giới.
d.Phê phán định nghĩa
i.Uẩn giả hữu
Nếu nói rằng, uẩn có nghĩa là tụ tập, lẽ ra uẩn là giả hữu, vì nó được tạo thành do nhiều thực vật hợp lại. Như tụ, như ngã.
- Vấn nạn nầy không đúng. Bởi lẽ, một cực vi cũng gọi là uẩn.
Nếu vậy, lẽ ra không nên nói rằng , uẩn có nghĩa là tụ tập, vì không một cực vi nào có nghĩa tụ tập.
Có thuyết nói: Uẩn có nghĩa là gánh vác. Từ nghĩa đó, thế gian nói vai là uẩn; vì là chỗ tụ tập của các vật.
Hoặc có thuyết nói : Uẩn có nghĩa là phần đoạn. Thế gian có nói: «Ông trả lại tôi ba uẩn, tôi sẽ cho Ông mượn.»
Giải thích nầy vượt ra ngoài của Kinh. Kinh nói : Uẩn có nghĩa là tụ tập. Như Khế kinh nói : những gì là sắc hoặc quá khứ, v.v... theo như trước mà nói rộng ra. Nếu nói rằng, Kinh nầy nói mỗi một sắc trong quá khứ v.v... , là một uẩn cho nên mỗi một cực vi trong quá khứ v.v... , cũng gọi là một uẩn.. Chấp nầy vô lý. Vì Kinh kia nói : tất cả các sắc như vậy tổng hợp làm một, đó gọi là uẩn.Cũng giống như tụ,uẩn là giả hữu.
ii.Xứ thực hữu
Nếu như vậy, cũng nên đồng ý rằng, các sắc xứ cũng là giả hữu; vì do nhiều cực vi của nhãn hợp lại mà thành.
Vấn nạn nầy phi lý. Trong khối tụ hợp ấy, mỗi một cực vi là một tác nhân. Nếu không như vậy, khi căn và cảnh phối hợp phát sanh thức, lẽ đáng không thể có các xứ khác tức sẽ không có 12 xứ . Song theo các luận sư Tỳ bà sa thì, các Đối pháp sư nếu quán ngũ uẩn là giả, họ nói rằng cực vi là một phần của một uẩn , một xứ, một giới; nếu không quán uẩn là giả, họ nói rằng cực vi là một uẩn, một xứ, một giới. Ở đây, căn cứ vào phần đoạn mà tạm nói là toàn phần. Giống như một phần chiếc áo bị cháy mà nói là chiếc áo cháy.
2.Ý hướng thiết lập
a.Tổng lập ba khoa
Vì sao đức Thế tôn đối với cảnh sở tri mà nói ba khoa uẩn xứ giới. ?
(20c-d).Ngu, căn, lạc, có ba; nói ba khoa uẩn, xứ, giới
Hữu tình được giáo hoá có ba phẩm loại cho nên đức Thế tôn vì đó nói ba khoa uẩn xứ giới. Theo truyền thuyết, có ba hình thái ngu si của chúng sanh : một số ngu mê về tâm sở, chấp toàn khối là ngã; một số ngu mê về sắc; một số khác ngu mê cả sắc lẫn tâm. Căn tánh chúng sanh cũng có ba loại : lợi căn, trung căn và độn căn. Sự ưa thích cũng phân thành ba loại : thích văn tóm tắt; thích văn trung bình ; và thích văn chi tiết. Theo các thứ lớp như trên, đức Thế tôn nói ba khoa uẩn, xứ, giới.
b.Thành phần của uẩn.
Vì duyên do gì, Thế tôn nói các uẩn khác, xếp chúng vào trong hành uẩn; hai uẩn thọ, tưởng lại xếp riêng ?
(21).Nhơn tránh căn, sanh tử và cả nhơn thứ đệ,
Ở trong các tâm sở lập riêng thọ, tưởng uẩn.
i.Có hai gốc rễ của sự đấu tranh : đam mê dục vọng và đắm chấp quan điểm; theo thứ tự, hai loại thọ, tưởng nầy làm nguyên động lực rất mạnh mẽ. Do lực hấp dẫn của vị ngọt cảm thọ, khởi sinh đam mê dục vọng. Do lực của các tưởng điên đảo, khởi sinh đắm chấp các quan điểm.
ii.Lại nữa, thọ và tưởng là động lực chính của sanh tử luân hồi. Do đắm trước cảm thọ, khởi sinh tưởng điên đảo cho nên trôi lăn trong sanh tử luân hồi.
iii.Và do nhơn thứ đệ, sẽ nói sau, cùng với hai nguyên nhơn nầy, nên biết, thọ tưởng được xếp thành hai uẩn riêng biệt.
c.Vô vi và uẩn.
Tại sao lại đề cập đến vô vi trong xứ và giới mà không đề cập đến trong uẩn ?
(22a-b).Uẩn không nhiếp vô vi; nghĩa không tương ưng vậy.
i.Ba pháp vô vi không thể đề cập trong các uẩn sắc v.v... vì về ý nghĩa nó không tương ưng với sắc; nghĩa là thể của nó không phải là sắc, cho đến, không phải là thức.
ii.Cũng không thể nói là uẩn thứ sáu vì nghĩa của chúng không tương ưng với uẩn. Uẩn có nghĩa là tích tụ, như trước đã nói. Pháp vô vi không chẳng giống như sắc v.v... , có các phẩm loại sai biệt trong quá khứ v.v... , có thể tổng hợp lại thành một để gọi là vô vi uẩn. (tức không có nghĩa tích tụ)
iii.Lại nữa, nói thủ uẩn chính là để hiển bày rằng, nó là sở y của nhiễm pháp. Nói uẩn là để hiển bày sở y của hai pháp nhiễm tịnh. Với hai nghĩa nầy, vô vi hoàn toàn không có nên không thể thành lập uẩn được.(không có nghĩa sở y)
iv.Thuyết khác nói, như cái bình vỡ, không thể gọi là bình; cũng vậy, uẩn đã diệt rồi, không còn gọi là uẩn. Ví dụ kia so sánh với xứ giới là sai lầm.
Nói xong việc thành lập và không thành lập uẩn.
d.Thứ tự của uẩn
(22c-d).Tuỳ thô, nhiễm, khí, giới mà thành lập thứ tự.
i.Vì tính chất đối ngại nên ở trong uẩn, sắc là thô. Trong các uẩn phi sắc, hành tướng của thọ là thô; như thế gian nói, tay tôi bị đau, v.v... . So với hai uẩn (hành, thức), tưởng uẩn là thô; chẳng hạn như các tướng nam nữ v.v... rất dễ nhận biết. Hành thô hơn thức. Các hành tham, sân, si rất dễ nhận biết. Thức rất vi tế, tổng thủ cảnh tướng, rất khó phân biệt. Đó là căn cứ vào thô để sắp xếp thứ tự các uẩn.
ii.Hoặc từ vô thỉ đến nay, tất cả kẻ nam người nữ đối với sắc, thường có sự ưa thích qua lại; đó là do say đắm vị ngọt cảm thọ; say đắm vị ngọt cảm thọ phát sinh từ các tưởng điên đảo; tưởng điên đảo phát sinh từ phiền não(hành); phiền não từ thức sinh khởi. Hành và ba uẩn trước (sắc, thọ, tưởng ) đều làm cho thức nhiễm ô. Đây là căn cứ vào nhiễm để sắp xếp thứ tự của uẩn.
iii.Hoặc sắc ví như đồ đựng; thọ như ẩm thực; tưởng như gia vị; hành như người đầu bếp; thức như thực khách. Đây là căn cứ vào đồ đựng để sắp xếp thứ tự của uẩn.
iv.Hoặc dựa vào giới (cõi) để sắp xếp thứ tự các uẩn. Đó là, ở cõi Dục có các dục lạc vi diệu, mà tướng của sắc dễ hiện bày; ở Sắc giới, tịnh lự phát sinh hỷ lạc tối thắng v.v... hành tướng của thọ rất mạnh; ở Vô sắc, thủ đắc các tướng không, hành tướng của tưởng rất mạnh; ở cõi Hữu đảnh, tư (hành) rất tối thắng, dễ nhận biết. Bốn uẩn là chỗ sở trú của thức; thức trú ở trong đó cũng tương tợ như thứ tự những hạt giống trong đồng ruộng của thế gian. Thứ tự của uẩn là như vậy. Do đó, năm uẩn không thêm không bớt. Chính bởi nguyên do thứ tự đó, mà tách biệt khỏi hành, lập riêng hai uẩn thọ, tưởng. Nghĩa là , vì ở trong các hành, thọ và tưởng có tướng thô hơn, laị sanh nhiễm, như thức ăn, như gia vị và đặc trưng của hai giới nên lập thành uẩn riêng.
e.Thứ tự của xứ giới
Về xứ và giới, trước hết, nói thứ tự của sáu căn. Theo đó, có thể biết được thứ tự của cảnh và thức.
(23a).Năm (căn) trước, thủ đắc cảnh hiện tại.
Năm căn nhãn nhĩ v.v... thủ đắc cảnh hiện tại nên nói trước. Ý căn duyên với bất định cảnh; với vô vi, pháp trong ba đời, hoặc chỉ thủ đắc một, hai, ba hoặc bốn.
(23b).Bốn căn, cảnh sở tạo
Bốn căn đầu trong năm căn, vì có cảnh là sở tạo nên nói trước. Thân căn có cảnh là bất định; hoặc cảnh là đại chủng, hoặc cảnh là sở tạo; hoặc cảnh là cả hai.
(23c).Ngoài ra, dùng xa, mau
Ngoài ra (dư) chỉ cho bốn căn trước; theo sự thích hợp mà dùng xa hoặc mau, nên được nói trước Nghĩa là, hai căn nhãn nhĩ thủ đắc cảnh xa nên nói trước. Trong đó, nhãn dùng xa, từ xa trông thấy núi sông, không nghe âm thanh; nhãn lại dùng mau, như trước nhìn thấy người khua chuông gióng trống, sau mới nghe âm thanh, nên được nói trước. Hai căn tỷ và thiệt không có hoạt động xa; tỷ có hoạt động mau nên được nói trước. Như khi đối với hương thơm của đồ ăn thức uống, tỷ nhận biết mùi hương trước, thiệt nếm vị sau.
(23d) Hoặc xứ, để sắp xếp thứ tự
Hoặc ở trong thân, căn cứ vào vị trí trên dưới mà sắp xếp thứ tự các căn. Nhãn ở trên hết; tiếp đến là nhĩ, tỷ, thiệt và thân phần lớn ở dưới cùng. Ý không có phương sở, dựa vào các căn mà sinh khởi nên nói sau cùng.
f.Khái niệm sắc xứ (rūpāyatana) và pháp xứ (dharmāyatana)
Tại sao, mười xứ đều nhiếp thuộc sắc uẩn, duy chỉ một xứ được gọi là sắc xứ; và mười hai xứ đều có chung tự thể là pháp, sao chỉ một pháp được gọi là pháp xứ ?
(24).Vì giản biệt, ưu thế, nhiếp nhiều pháp, và tăng thượng pháp;
Nên một xứ gọi là sắc, một xứ gọi là pháp
Vì giản biệt : nghĩa là , vì muốn có sự tri nhận rõ ràng về tự tánh của đối tượng (cảnh) và tự tánh các căn (hữu cảnh) có nhiều loại khác nhau cho nên căn cứ vào hành tướng sai biệt của sắc uẩn, lập thành 12 xứ mà không lập thành một xứ. Trong khi thể đều cùng là sắc, nếu không có những danh và tưởng khác nhau như nhãn v.v... thì đã gọi chung là sắc xứ. Nhưng ở đây, vì muốn phân biệt với các tên gọi như nhãn, nhĩ v.v... nên tuy nêu tên chung mà thật sự là tên riêng vậy.
Lại nữa, trong các sắc, sắc xứ nỗi trội hơn hết nên (lấy nó) lập thành tên chung; do vì có sự đối ngại, khi tay v.v... tiếp xúc liền sinh biến hoại; do vì hữu kiến nên có thể chỉ ở chỗ nầy, chỗ kia khác nhau. Vả lại Thế gian cũng chỉ gọi xứ nầy là sắc xứ, không gọi một xứ nào khác như nhãn v.v... là sắc xứ.
Lại nữa, vì mục đích giản biệt nên chỉ một xứ gọi là pháp xứ chứ không phải là tất cả (các xứ). Nên hiểu, cũng giống như sắc vậy.
Lại nữa, vì pháp xứ thâu nhiếp nhiều pháp khác như thọ, tưởng v.v... nên lập thành tên gọi chung.
Vì pháp xứ thâu nhiếp pháp tăng thượng tức là niết bàn, nên riêng lập nó làm tên gọi chung.
Các Luận sư khác nói : vì sắc xứ có 20 loại mà sắc thô hơn cả, lại là đối tượng của ba loại nhục nhãn, thiên nhãn và thành huệ nhãn, nên chỉ gọi nó là sắc xứ.
Vì trong pháp xứ, có danh của các pháp, có trí của các pháp nên chỉ gọi riêng nó là pháp xứ.
g.Khái niệm pháp uẩn (dharmaskandha)
Trong các Kinh có đề cập đến danh và tưởng khác của uẩn, xứ, giới; các loại đó nhiếp nhập vào đây hay không nhiếp nhập vào đây ?
Tất cả đều nhiếp nhập vào đây.
(25). Mâu ni nói pháp uẩn Có cả thảy tám vạn.
Thể là ngữ hoặc danh Nhiếp nhập uẩn sắc, hành.
Với những vị mà bản thể của lời Phật dạy là ngữ âm, thì họ nói rằng pháp uẩn nhiếp nhập sắc uẩn; với những vị mà bản thể của lời Phật dạy là danh từ thì họ nói rằng pháp uẩn nhiếp nhập hành uẩn.
Các pháp uẩn nầy có số lượng là bao nhiêu ?
(26a-b).Có thuyết nói, lượng các pháp uẩn, như luận kia nói.
Có thuyết nói, tám vạn pháp uẩn; mỗi một lượng v.v..., như Pháp uẩn túc luận. Nghĩa là, mỗi một lượng có sáu ngàn bài tụng như Pháp uẩn túc luận, ở trong đối pháp, nói vậy.
Thuyết khác nói,
(26c).Hoặc tuỳ theo uẩn v.v... mà nói
Pháp uẩn tuỳ theo số lượng của uẩn mà nói; từng uẩn từng uẩn khác nhau, có đến tám vạn. Đó là : uẩn, xứ, giới, duyên khởi, đế, thực, tĩnh lự, vô lượng, vô sắc, giải thoát, thắng xứ, biến xứ, giác phẩm, thần thông, vô tránh, nguyện trí, vô ngại giải v.v... , mỗi một giáo môn (lượng ) như vậy là một pháp uẩn.
(26d).Như thật hành đối trị.
Như thật thuyết : hữu tình cần được giáo hoá có đến tám vạn tập tính khác nhau, như tham, sân, v.v... ; để đối trị với tám vạn tập tính đó, đức Thế tôn đã nói tám vạn pháp uẩn. Tám vạn pháp uẩn được nói kia đều nhiếp nhập trong hai uẩn (sắc, hành) của năm uẩn nầy.
Như vậy, các uẩn xứ giới trong các kinh khác cũng
(27).Như vậy, các uẩn v.v... khác; mỗi mỗi tuỳ tương thích,
Nhiếp vào các uẩn đã nói ở trước. Nên quán sát tự tướng.
Uẩn xứ giới trong các kinh khác, tuỳ theo sự tương thích mà nhiếp vào các uẩn xứ giới được nói ở trước, sau khi quán sát tự tướng của từng loại uẩn v.v... nói trong luận nầy.
Vả lại, trong các Kinh đề cập đến ngũ uẩn khác : đó là năm uẩn giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Trong đó, giới uẩn nhiếp nhập sắc uẩn. Bốn uẩn còn lại nhiếp nhập hành uẩn.
Lại nữa, Kinh nói : mười biến xứ v.v... ; tám biến xứ trước, do không có tính tham nên nhiếp nhập pháp xứ; nếu bao gồm cả trợ bạn thì, vì có tính ngũ uẩn nên nhiếp nhập ý xứ và pháp xứ. Thâu nhiếp tám thắng xứ, nên biết, cũng như vậy. Không biến xứ, thức biến xứ và bốn vô sắc xứ như không vô biên v.v... do tính là bốn uẩn nên nhiếp nhập ý xứ và pháp xứ. Năm giải thoát xứ lấy huệ làm tính nên nhiếp nhập pháp xứ; nếu bao gồm cả trợ bạn thì nhiếp nhập thanh xứ, ý xứ và pháp xứ. Lại có hai xứ, vô tưởng hữu tình thiên xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ; xứ đầu nhiếp nhập trong mười xứ nầy vì không có hương, vị; xứ sau nhiếp nhập ý xứ và pháp xứ vì tánh của bốn uẩn. Lại nữa, Đa giới kinh nói về sự sai biệt của giới, có 62 loại. Tuỳ theo sự tương thích, nên biết, đều nhiếp nhập trong 18 giới.
h. Hai giới đặc biệt
Lại có các Kinh nói về sáu giới. Trong đó, bốn giới địa thuỷ hoả phong đã được đề cập đến; hai giới không và thức, chưa nói về hành tướng của chúng.
i.Hư không giới (ākāśadhātu)
Như vậy, phải chăng chính hư không là không giới, nhất thiết thức là thức giới ?
Không phải vậy. Vì sao ?
(28a).Không giới là lỗ hỏng
Các lỗ hỏng trong ngoài trên cửa sổ, cửa lớn, trên miệng, mũi v.v... đều gọi là không giới.
Làm thế nào để biết những lỗ hỏng như vậy ?
(28b).Truyền thuyết là sáng tối.
Thật vậy, không thể lìa sáng tối mà có thể nhận biết được các lỗ hỏng cho nên nói, không giới lấy sáng tối làm thể. Cũng nên biết rằng, thể nầy không thể tách rời khỏi ngày và đêm nên nói là Lân a già sắc
* Theo truyền thuyết, a già là sắc tích tập; có khả năng chất ngại rất lớn nên gọi là a già .
* Theo thuyết khác, a già tức không giới sắc. Trong đó, vô ngại nên gọi là a già. Tức a già và các chất ngại khác tương lân nên nói là lân a già sắc.
ii.Thức giới (vijñānadhātu)
(28c).Thức giới là thức hữu lậu.
Tại sao không nói các vô lậu thức là thức giới ?
Do vì chấp nhận rằng, sáu giới là sở y của hữu tình chúng sanh.
(28d).Là sở y của sinh mạng.
Thật vậy, các giới, từ tục sanh tâm (kết sanh thức) cho đến mạng chung tâm(tử tâm), thường xuyên duy trì sanh mạng. Các pháp vô lậu thì không như vậy. Trong sáu giới kia, bốn giới đầu nhiếp nhập xúc giới. Giới thứ năm nhiếp nhập sắc giới.Thứ sáu nhiếp nhập bảy thức giới. Các giới trong các Kinh kia, theo sự tương thích của chúng mà nhiếp nhập trong 18 giới.
Thuyết nhất thiết hữu bộ câu xá luận, quyển 1.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|