Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Na-lan-đà, trong rừng Ba-bà-lị-yểm, cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.[2]
Bấy giờ, có người con trai trưởng giả, tên gọi Kiên Cố [3], đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy, con trai trưởng giả Kiên Cố bạch Phật rằng:
“Lành thay, Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn giáo sắc các Tỳ-kheo, nếu có Bà-la-môn, trưởng giả tử hay cư sĩ đến, hãy hiện thần thông [4], hiển thị pháp thượng nhơn[5].”
Phật nói với Kiên Cố:
“Ta không bao giờ dạy các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, cho Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ[6]. Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên bày tỏ.”
Kiên Cố, con trai trưởng giả, lại bạch Phật:
“Cúi mong Thế Tôn giáo sắc các Tỳ-kheo, nếu có Bà-la-môn, trưởng giả tử hay cư sĩ đến, hãy hiện thần thông, hiển thị pháp thượng nhơn.”
Phật lại nói với Kiên Cố:
“Ta không bao giờ dạy các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, cho Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ. Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên bày tỏ.”
Khi ấy Kiên Cố, con trai trưởng giả, bạch Phật rằng:
“Con đối với pháp thượng nhơn không có gì nghi ngờ. Nhưng thành Na-lan-đà này, quốc thổ thịnh vượng, nhân dân đông đúc, nếu ở đó mà hiện thần túc, sẽ ích lợi cho nhiều người. Phật và Chúng tăng khéo hoằng hóa đạo.”
Phật nói với Kiên Cố:
“Ta không bao giờ dạy các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, cho Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ. Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên bày tỏ. Vì sao vậy? Có ba loại thần túc. Những gì là ba? Một, thần túc; hai, quán sát tâm người; ba, giáo giới[7].
“Thế nào là thần túc? Này con trai trưởng giả, Tỳ-kheo tập[8] vô lượng thần túc, có thể từ một thân biến thành vô số; từ vô số thân hiệp trở lại thành một thân; hoặc xa, hoặc gần, núi, sông, vách đá, thảy đều tự tại vô ngại, như đi trong hư không. Ở giữa hư không mà ngồi kết già y như chim bay. Ra, vào lòng đất y như trong nước. Hoặc đi trên nước như đi trên đất. Mình bốc khói, lửa, như đống lửa lớn. Tay sờ mặt trời, mặt trăng. Đứng cao đến Phạm thiên. Nếu có trưởng giả hay cư sĩ đã có tín tâm thấy Tỳ-kheo hiện vô lượng thần túc, đứng cao đến Phạm thiên, sẽ đi đến các trưởng giả, cư sĩ chưa có tín tâm khác, mà nói rằng: ‘Tôi thấy Tỳ-kheo hiện vô lượng thần túc, đứng cao đến Phạm thiên.’ Trưởng giả hay cư sĩ kia, những người chưa có tín tâm, nói với những người đã có tín tâm rằng: ‘Tôi nghe nói có thần chú cù-la[9] có khả năng hiện vô lượng thần biến như vậy..., cho đến, đứng cao đến Phạm thiên.”
Phật bảo Kiên Cố, con trai trưởng giả:
“Những người chưa có tín tâm kia nói như vậy há không phải là hủy báng sao?”
Kiên Cố đáp:
“Đó thật sự là lời hủy báng vậy.”
Phật nói:
“Ta vì vậy không giáo sắc các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, mà chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên bày tỏ. Như vậy, này con trai trưởng giả, đó chính là loại thần túc mà các đệ tử Ta thị hiện.
“Sao gọi là thần túc quán sát tâm người? Ở đây, Tỳ-kheo hiện vô luợng thần túc quán sát; quán sát những pháp được nhớ nghĩ trong tâm chúng sanh; những việc được làm trong xó tối cũng có thể nhận biết. Nếu có trưởng giả hay cư sĩ đã có tín tâm thấy Tỳ-kheo hiện vô lượng thần túc quán sát; quán sát những pháp được nhớ nghĩ trong tâm chúng sanh; những việc được làm trong xó tối cũng có thể nhận biết, sẽ đi đến các trưởng giả, cư sĩ chưa có tín tâm khác, mà nói rằng: ‘Tôi thấy Tỳ-kheo hiện vô lượng thần túc quán sát; quán sát những pháp được nhớ nghĩ trong tâm chúng sanh; những việc được làm trong xó tối cũng có thể nhận biết.’ Trưởng giả hay cư sĩ kia, những người chưa có tín tâm, nói với những người đã có tín tâm rằng: ‘Tôi nghe nói có thần chú càn-đà-la [10] có khả năng hiện vô lượng thần biến như vậy... cho đến, đứng cao đến Phạm thiên.”
Phật bảo Kiên Cố, con trai trưởng giả:
“Những người chưa có tín tâm kia nói như vậy há không phải là hủy báng sao?”
Kiên Cố bạch Phật:
“Đó thật sự là lời hủy báng vậy.”
Phật nói:
“Ta vì vậy không giáo sắc các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, mà chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên bày tỏ. Như vậy, này con trai trưởng giả, đó chính là loại thần túc quán sát mà các đệ tử Ta thị hiện.
“Thế nào là giáo giới thần túc? Này con trai trưởng giả, nếu Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời, mười hiệu đầy đủ, ở giữa chư Thiên, Người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, mà tự thân chứng ngộ, rồi giảng thuyết cho người khác, với lời khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chơn chánh, nghĩa vị thanh tịnh, phạm hạnh đầy đủ [11]. Nếu có trưởng giả hoặc cư sĩ, sau khi nghe, ở trong đó phát sanh tín tâm. Khi đã có tín tâm, vị ấy ở trong đó quán sát, suy nghĩ rằng: ‘Ta không nên sống tại gia. Nếu sống tại gia, trói buộc liên miên, không thể thanh tịnh tu hành phạm hạnh. Nay ta hãy cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, đủ các công đức, cho đến thành tựu ba minh, diệt trừ những sự tối tăm, phát sanh ánh sáng đại trí. Vì sao vậy? Ấy là do tinh cần, ưa sống một mình chỗ thanh vắng, chuyên niệm không quên, mà được vậy. Này con trai trưởng giả, đó là giáo giới thần túc mà Tỳ-kheo của Ta thị hiện vậy.”
Bấy giờ, Kiên Cố, con trai trưởng giả, bạch Phật rằng:
“Có Tỳ-kheo nào thành tựu ba thần túc ấy không?
Phật nói với con trai trưởng giả:
“Ta không nói phần lớn các Tỳ-kheo đều thành tựu ba thần túc ấy. Nhưng, này con trai trưởng giả, có một Tỳ-kheo của Ta ở trong chúng này thầm suy nghĩ rằng: ‘Thân này, với bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?[12]’. Tỳ-kheo ấy phút chốc hướng vào con đường thiên giới[13], đi đến chỗ Tứ thiên vương [14], hỏi Tứ thiên vương rằng: ‘Thân này, với bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’
“Này con trai trưởng giả, Tứ thiên vương kia trả lời Tỳ-kheo rằng: ‘Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Trên tôi còn có trời, gọi là Đao-lợi [15], vi diệu đệ nhất, có đại trí tuệ. Trời kia có thể biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu.’ Tỳ-kheo nghe xong, phút chốc hướng theo thiên đạo, đi lên trời Đao-lợi, hỏi chư thiên: ‘Thân này, với bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’ Chư thiên Đao-lợi trả lời: ‘Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Bên trên còn có trời, gọi là Diệm-ma [16], vi diệu đệ nhất, có đại trí tuệ. Trời ấy có thể biết.’ Tỳ-kheo liền lên đó hỏi, nhưng nơi ấy vẫn không biết.
“Lần lượt như thế, lên Đâu-suất, lên Hóa tự tại, lên Tha hóa tự tại thiên [17], thảy đều nói: ‘Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Bên trên còn có trời, gọi là Phạm-ca-di [18], vi diệu đệ nhất, có đại trí tuệ. Trời ấy có thể biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu.’Tỳ-kheo ấy phút chốc hướng vào Phạm đạo [19]. Lên đến Phạm thiên, Tỳ-kheo hỏi: ‘Thân này, với bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’ Vị Phạm thiên kia trả lời Tỳ-kheo: ‘Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Nay có Đại Phạm thiên vương, đấng Vô năng thắng, thống lãnh một nghìn thế giới, phú quý, tôn quý, hào quý, hoàn toàn được tự tại, có khả năng tạo hóa mọi vật, là cha mẹ của chúng sanh. Ngài có thể biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu.’ Này con trai trưởng giả, Tỳ-kheo kia liền hỏi ngay rằng: ‘Ngài Đại Phạm thiên vương kia hiện đang ở đâu?’ Vị trời ấy đáp: ‘Không rõ Đại Phạm nay đang ở đâu. Nhưng theo ý tôi mà xét, Ngài sẽ xuất hiện giây lát.’ Chưa bao lâu, Phạm vương hốt nhiên xuất hiện. Này con trai trưởng giả, Tỳ-kheo kia đến Phạm vương và hỏi: ‘Thân này, với bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’ Đại Phạm vương kia nói với Tỳ-kheo: ‘Ta là Đại Phạm, là đấng Vô năng thắng, thống lãnh một nghìn thế giới, phú quý, tôn quý, hào quý, hoàn toàn được tự tại, có khả năng tạo hóa mọi vật, là cha mẹ của chúng sanh[20].’ Tỳ-kheo kia khi ấy nói với Phạm thiên vương: ‘Tôi không hỏi việc ấy. Tôi hỏi, bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu.’
“Này con trai trưởng giả, Phạm vương kia vẫn trả lời Tỳ-kheo: ‘Ta là Đại Phạm vương, cho đến, sáng tạo vạn vật, cha mẹ của chúng sanh.’ Tỳ-kheo lại nói: ‘Tôi không hỏi việc ấy. Tôi hỏi, bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu.’ Này con trai trưởng giả, Phạm thiên vương, như vậy đến ba lần, không thể trả lời Tỳ-kheo, bốn đại này vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Rồi thì, Đại Phạm vương bèn nắm lấy tay phải của Tỳ-kheo, kéo ra chỗ kín đáo, nói rằng: ‘Này Tỳ-kheo, nay các Phạm thiên đều bảo rằng ta là trí tuệ bậc nhất, không có gì không biết, không thấy. Vì vậy ta không trả lời thầy, vì ta không biết, không thấy, bốn đại này nơi đâu vĩnh viễn diệt tận.’ Rồi lại nói tiếp với Tỳ-kheo: ‘Thầy thật là đại ngu ngốc mới bỏ Như Lai mà đi tra vấn chư thiên về việc này. Thầy nên đến Thế Tôn mà hỏi việc này. Như những gì Phật nói, hãy ghi nhớ kỹ.’ Lại bảo Tỳ-kheo: ‘Nay Phật ở tại Xá-vệ, trong vườn Cấp cô độc. Thầy hãy đến đó mà hỏi.’
“Này con trai trưởng giả, bấy giờ, Tỳ-kheo hốt nhiên biến mất khỏi Phạm thiên giới, và trong khoảnh khắc như tráng sĩ co duỗi cánh tay, đến Xá-vệ, trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Tỳ-kheo đi đến chỗ Ta, cúi lạy chân Ta, ngồi sang một bên, bạch Ta rằng: ‘Thế Tôn, nay bốn đại này, đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’
Bấy giờ, Ta nói rằng:
“Tỳ-kheo! Cũng như thương nhơn mang một con ưng[21] vào biển. Ở giữa biển, thả chim ưng bay các phương Đông, Tây, Nam, Bắc trong hư không. Nếu nhìn thấy đất liền, chim bèn dừng trên đó. Nếu không nhìn thấy, chim bay trở về thuyền. Tỳ-kheo, ngươi cũng vậy. Ngươi lên cho đến Phạm thiên để hỏi ý nghĩa đó, cuối cùng không thành tựu mới trở về Ta. Nay Ta sẽ khiến cho ngươi thành tựu ý nghĩa đó.”
Liền nói bài kệ rằng:
Do đâu không bốn đại: Đất, nước, lửa và gió?[22] Do đâu không thô, tế, Và dài, ngắn, đẹp, xấu? Do đâu không danh-sắc, Vĩnh diệt, không dư tàn?[23] Nên đáp: thức vô hình, Vô lượng, tự tỏa sáng[24]; Nó diệt, bốn đại diệt; Thô, tế, đẹp, xấu diệt. Nơi này danh sắc diệt, Thức diệt, hết thảy diệt.[25] Khi ấy, Kiên Cố, con trai trưởng giả, bạch Phật rằng:
“Thế Tôn, Tỳ-kheo ấy tên gì? Làm sao ghi nhớ?”
Phật đáp:
“Tỳ-kheo ấy tên là A-thất-dĩ [26]. Hãy ghi nhớ như vậy.”
Bấy giờ, Kiên Cố, con trai trưởng giả, nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1]. Bản Hán, Phật thuyết Trường A-hàm kinh, quyển 16, “Đệ tam phần Kiên Cố kinh đệ ngũ.” Đại I, tr. 101b. Tương đương Pāli, Dig i. 11, D. 11 Kevaddha-Sutta.
[2]. Na-lan-đà thành 那 闌 陀 城, Pāli: Nālanda, tên thị trấn, phía Đông chùa Đại giác (Mahābodhi) ở Bồ đề Đạo tràng, nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Ba-bà-lị-yểm lâm 波婆利 掩 林, Pāli: Pāvārikambavana , vườn Pāvārikamba.
[3]. Trưởng giả tử danh viết Kiên Cố 長 者 子 名 曰 堅 固, Pāli: Kevaddho gahapati-putto, Kevaddha, con trai gia chủ.
[4]. Hán: hiện thần túc 現 神 足, Pāli: iddhi-pāṭihāriya, Skt. iddhi-prātihārya, Huyền Tráng dịch, thần biến thị đạo 神 變 示 導, làm cho kinh ngạc hay gây sự chú ý, lôi cuốn sự chú ý bằng các hiện phép thần thông biến hóa.
[5]. Thượng nhơn pháp 上 人 法, Pāli: uttari-manussa-dhamma, pháp của con người siêu việt, siêu nhân.
[6]. Pāli: gihīnaṃ odātavasanānaṃ, cho những người tại gia áo trắng.
[7]. Thần túc 神 足, trong bản Hán dịch này, từ thần túc được dùng cho hai từ khác nhau trong Pāli hay SanSktit. a. Pāli: iddhi-pāda, Skt. ṛddhi-pāda, thần túc mà nơi khác dịch là thần thông 神通, thần biến 神 變 hay như ý túc 如 意 足; b. Pāli: pāṭihāriya, Skt. prātihārya, nơi khác dịch là thị đạo 示 導 (hướng dẫn, lôi cuốn chú ý). Xem giải thích của kinh đoạn sau. Ở đây, ba loại thần túc hay thị đạo: 1. Thần biến thị đạo 神 變 示 導 (Pāli: iddhi-pāṭihāriya, Skt. ṛddhi-prātihārya), 2. Ký tâm thị đạo 記 心 示 導 (Pāli: ādesanā-pāithaøriya, Skt. ādeśanā-prātihārya), 3. Giáo giới thị đạo 教 誡 示 導 (Pāli: anusāsani-pāṭihāriya, Skt. anuśāsana-prātihārya).
[8]. Tập, Pāli: paccanubhoti, thể nghiệm.
[9]. Hán: Cù-la chú 瞿 羅 咒; Pāli: Gandhāri nāma vijjā, có thần chú gọi là Gandhāri. Trong bản Hán, chú Gandhāri (càn-đà-la) này dùng cho thuật đọc ý nghĩ người khác.
[10]. Hán: Càn-đà-la chú 乾 陀 羅 咒; trong bản Pāli, chú này dùng cho thuật biến hóa. Pāli: Atthi Maṇiko nāma vijjā, có minh chú gọi là Maṇika.
[11]. Trong bản Hán dịch này, thường không thống nhất, hoặc: nghĩa vị cụ túc, phạm hạnh thanh tịnh 義 味 具 足 梵 行 清 淨; hoặc: nghĩa vị thanh tịnh, phạm hạnh cụ túc 義 味 清 淨 梵 行 具 足. Tham chiếu Pāli: So dhammaṃ deseti ādi-kalyāṇaṃ majjhe kalyāṇaṃ pariyosāna-kalyāṇaṃ sātthaṃ savyañjanaṃ kevala-paripuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti, Ngài thuyết pháp; pháp ấy thiện xảo ở phần đầu, thiện xảo ở phần giữa, thiện xảo ở phần cuối, có đủ văn cú và nghĩa vị; Ngài nêu rõ đời sống tịnh hạnh hoàn toàn viên mãn và tuyệt đối thanh tịnh.
[12]. Hán: hà do vĩnh diệt 何 由 永 滅. Pāli: kattha (...) aparisesā nirujjhanti.
[13]. Hán: Thúc thú thiên đạo 倏 趣 天 道. Pāli: devayāniyo maggo pātur ahosi, con đường dẫn đến thiên giới hiện ra.
[14]. Pāli: Cātummahārājikā devā, chư thiên cõi Tứ đại thiên vương. Tầng thứ nhất trong 6 tầng trời Dục giới.
[15]. Đao-lợi hay Tam thập tam (thiên), Pāli: Tāvatiṃsa . Tầng thứ hai trong 6 tầng Dục giới thiên.
[16]. Diệm-ma 焰 摩, hay Dạ-ma 夜 摩, Pāli: Yāma, tầng thứ 3 trong 6 Dục giới thiên. Trong bản Pāli, chư thiên Tāvatimsā giới thiệu đến Thiên chúa Sakka. Sakka không giải đáp được, giới thiệu lên Yāma.
[17]. Đâu-suất 兜 率, Pāli: Tusita. Hóa tự tại 化 自 在, hay Hóa lạc 化 樂, Pāli: Nimmānarati. Tha hóa tự tại 他 化 自 在, Pāli: Paranimmitavasavatti.
[18]. Phạm-ca-di 梵 迦 夷, hay Phạm thân thiên 梵 身 天, hay Phạm chúng thiên 梵 眾 天, tầng thứ nhất trong 3 tầng thuộc Sơ thiền thiên. Pāli: Brahma-kāyika.
[19]. Pāli: Brahma-yāniyo maggo pātur ahosi, con đường dẫn lên Phạm thiên hiện ra.
[20]. Tham chiếu Pāli: Aham asmi(...) Brahmā Mahābrahmā abhibhū anabhibhūto aññadatthidaso vasavattī issaro kattā nimmitā seṭṭho sañjitā vasī pitā bhūta-bhavayānan ti: Ta là Phạm, Đại Phạm, đấng Chiến thắng, đấng Bất bại, đấng Toàn kiến, đấng Chi phối, đấng Tự tại, là Tác giả, là Hóa công, là đấng Ưu việt, là đấng Sáng tạo, Chủ tể, Tổ phụ của những loài đã tồn tại và sẽ tồn tại.
[21]. Hán: tí ưng nhập hải 臂 鷹 入 海. Pāli: sāmuddikā vāṇijā tīra-dassaiṃ sakunaṃ gahetvā, thương nhân đi biển mang theo con chim tìm bờ.
[22]. Pāli: Kattha āpo ca paṭhavī tejo vāyo na gādhati ? Nơi nào nước, đất, lửa và gió không trụ vững ?
[23]. Pāli: Kattha nāmañ ca rūpañ ca asesaṃ uparujjhati ? Nơi nào danh và sắc hoại diệt không dư tàn ?
[24]. Tham chiếu Pāli: Viññāṇaṃ anidassanaṃ anantaṃ sabbato pahaṃ: Thức vô hình, vô hạn, biến thông tất cả. Pāli: pahaṃ, hoặc gốc động từ pajahati, loại bỏ hoàn toàn; hoặc gốc động từ pabhāti, tỏa sáng. Bản Hán hiểu theo nghĩa sau. Nghĩa biến thông là theo chú giải của Phật Âm (Budhaghosa).
[25]. Pāli: Vññāṇassa nirodhena eth’ etaṃ uparujjhatīti: Do thức diệt, (tất cả) cái đó diệt.
[26]. A-thất-dó 阿 室 已. Bản Pāli không nêu tên Tỳ-kheo này. Skt. Aśvajit ?.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|