× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Trường A Hàm



1. KINH ĐẠI BẢN DUYÊN (Phần 2)

Phật bèn nói bài tụng:

Lời này nói giữa chúng,

Các ngươi nên lắng nghe.

Bồ-tát quá khứ quán

Mà vốn chưa từng nghe:

Già chết từ duyên gì,

Nhân gì mà có ra?

Quán sát đúng như vậy,

Biết già chết do sanh;

Sanh lại từ duyên gì,

Nhân gì mà có ra?

Suy nghĩ đúng như vậy,

Liền biết sanh do hữu;

Chấp thủ, chấp thủ rồi,

Hữu lần lượt chồng chất.

Vậy nên Như Lai dạy:

Thủ là duyên của hữu.

Như đống chứa dơ bẩn[81].

Gió thổi, ác tuôn chảy[82],

Như vậy nhân của thủ,

Do ái mà rộng sâu.

Ái do từ thọ sanh,

Nảy sinh gốc lưới khổ,

Vì nhân duyên nhiễm trước,

Cùng tương ưng khổ lạc.

Thọ vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có thọ?

Suy nghĩ như thế rồi,

Biết thọ do xúc sanh.

Xúc vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có xúc?

Suy nghĩ như thế rồi,

Biết xúc từ lục nhập.

Lục nhập do duyên gì,

Nhân gì có lục nhập?

Suy nghĩ như vậy, biết,

Lục nhập do danh sắc.

Danh sắc do duyên gì,

Nhân gì có danh sắc?

Suy nghĩ như vậy biết

Danh sắc từ thức sanh.

Thức vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có thức?

Suy nghĩ như vậy rồi,

Biết thức từ hành sanh;

Hành vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có hành?

Suy nghĩ như vậy rồi

Biết hành từ si sanh.

Nhân duyên như vậy đó,

Mới thật nghĩa nhân duyên.

Dùng trí tuệ phương tiện,

Quáùn thấy gốc nhân duyên.

Khổ không do Thánh hiền,

Cũng không phải vô cớ.

Nên với khổ biến dịch,

Kẻ trí lo đoạn trừ.

Nếu vô minh dứt sạch,

Lúc đó không còn hành.

Nếu đã không có hành,

Thời cũng không có thức;

Nếu thức hết vĩnh viễn,

Thì danh sắc không còn.

Danh sắc đã dứt rồi,

Làm gì có lục nhập.

Nếu lục nhập trọn dứt,

Thời cũng không có xúc.

Nếu xúc đã dứt hẳn,

Thời cũng không có thọ.

Nếu thọ dứt hết rồi,

Thời cũng không có ái

Nếu ái dứt hết rồi

Thời cũng không có thủ.

Nếu thủ đã dứt rồi,

Thời cũng không có hữu.

Nếu hữu dứt hết rồi,

Thời cũng không có sanh.

Nếu sanh dứt hết rồi,

Thời không khổ già chết.

Hết thảy đều dứt sạch.

Đó lời người trí nói.

Mười hai duyên sâu xa,

Khó thấy khó hiểu biết

Duy Phật mới biết rõ,

Tại sao có, sao không.

Nếu hay tự quán sát,

Thời không còn các nhập.

Người thấu triệt nhân duyên

Không cần tìm thầy ngoài.

Đối với ấm, giới, nhập,

Lìa dục, không, nhiễm trước;

Xứng đáng nhận bố thí;

Thí chủ được báo lành.

Nếu đặng bốn biện tài,

Thành tựu quyếát định chứng;

Giải trừ mọi ràng buộc,

Đoạn trừ, không buông lung.[83]

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức,

Giống như xe cũ mục;

Quán rõ được như vậy,

Thời thành bậc Chánh giác.

Như chim bay giữa không,

Đông tây theo ngọn gió;

Bồ-tát đoạn kết sử,

Như gió thổi áo nhẹ.

Tỳ-bà-thi tịch tịnh,

Quán sát rõ các pháp;

Già chết duyên đâu có,

Từ đâu già chết dứt,

Ngài quán như vậy rồi,

Phát sanh trí thanh tịnh,

Biết già chết do “sanh”

Sanh dứt, già chết dứt.

“Lúc Phật Tỳ-bà-thi vừa mới thành đạo, Ngài tu tập nhiều về hai phép quán, là an ẩn quán và xuất ly quán [84].”

Phật liền dạy bài tụng:

Như Lai bậc tối thượng,

Thường tu hai phép quán,

An ẩn và xuất ly,

Đại Tiên sang bờ kia,

Tâm Ngài được tự tại,

Đoạn trừ mọi kết sử.

Lên núi nhìn bốn phương,

Nên hiệu Tỳ-bà-thi.

Ánh đại trí trừ tối,

Như gương sáng soi mình.

Trừ ưu khổ cho đời.

Dứt khổ sanh già chết.

“Phật Tỳ-bà-thi, lại ở chỗ nhàn tịnh suy nghĩ như vầy: “Ta nay đã chứng được pháp vô thượng thậm thâm vi diệu là pháp khó thấy khó hiểu, tịch tĩnh[85], thanh tịnh[86], chỉ có người trí mới thấu biết chứ kẻ phàm phu không thể nào hiểu thấu được. Bởi vì chúng sanh có những nhẫn dị biệt, kiến dị biệt, chấp thủ dị biệt, sở kiến dị biệt. Dựa theo kiến thức dị biệt đó mỗi người chỉ thích điều mình mong cầu, làm theo tập quán của mình[87], cho nên đối với lý nhân duyên thâm diệu [88] này chúng còn không thể thấu hiểu, huống chi cảnh Niết-bàn dứt hết mọi tham ái, lại càng khó hiểu gấp bội phần. Ta dầu vì chúng mà nói ra thì chắc chúng không hiểu nổi còn trở lại gây phiền nhiễu”. Suy nghĩ như thế rồi, Ngài im lặng không muốn thuyết pháp.

“Lúc ấy vị vua trời Phạm thiên, biết đức Tỳ-bà-thi đã nghĩ gì, liền tự nhủ: ‘Cõi thế gian này đang bị sụp đổ, rất đáng thương xót. Đức Phật Tỳ-bà-thi vừa chứng được pháp mầu như thế mà không muốn nói ra.’ Tức thì, trong khoảnh khắc, như lực sĩ co duỗi tay, từ cung Phạm thiên bỗng nhiên hiện xuống, đến trước mặt Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đứng lui một bên, rồi đầu gối mặt quỳ sát đất, chấp tay bạch rằng: ‘Ngưỡng mong đức Thế Tôn kịp thời thuyết pháp. Các chúng sanh hiện nay, trần cấu mỏng nhẹ, các căn lanh lợi nhiều, có lòng cung kính, dễ bề khai hóa. Chúng đã biết sợ những tội lỗi không ai cứu trong tương lai, biết dứt trừ điều ác, phát sinh điều lành.’

“Phật bảo Phạm vương: ‘Thật vậy, thật vậy, đúng như lời ngươi nói. Nhưng ta ở chỗ nhàn tịnh, thầm lặng suy nghĩ: Chánh pháp ta vừa chứng được vi diệu thậm thâm, nếu đem nói cho chúng sanh, chắc họ không hiểu nổi lại sanh tâm báng bổ, nên ta mặc nhiên không muốn thuyết pháp. Ta nhờ từ vô số a-tăng-kỳ kiếp cần khổ không biếng nhác tu tập những hạnh vô thượng, nay mới chứng ngộ được pháp khó chứng ngộ này, nếu vì hạng chúng sanh còn dâm, nộ, si mà nói ra, chắc chúng không làm theo, chỉ thêm luống uổng. Pháp vi diệu này trái nghịch với đời. Chúng sanh bị dục nhiễm ngu si che ngăn không tin hiểu nổi. Này Phạm vương, Ta thấy rõ như thế, nên mặc nhiên không muốn thuyết pháp.’

“Khi ấy, Phạm vương lại ân cần khẩn thiết thưa thỉnh một lần nữa, rồi một lần nữa, ân cần khẩn thiết thỉnh cầu đến ba lần rằng: ‘Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không thuyết pháp, thì nay cõi thế gian này phải bị sụp đổ, rất đáng thương xót. Ngưỡng mong Thế Tôn, kịp thời giảng dạy, chớ để chúng sanh sa đọa đường mê.’

“Đức Thế Tôn nghe Phạm vương ba lần ân cần thưa thỉnh, liền dùng Phật nhãn soi khắp thế giới chúng sanh, thấy sự ô nhiễm của chúng sanh có dày có mỏng, căn tánh có lanh lợi, có chậm lụt; có kẻ dễ khai hóa, có người khó khai hóa. Hạng người dễ khai hóa, biết sợ tội lỗi đời sau, nên gắng lo dứt trừ điều ác, làm phát sanh đường lành. Chúng như hoa ưu bát la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lỵ [89], có cái vừa ra khỏi bùn nhưng chưa tới mặt nước, có cái đã ra khỏi bùn lại lên ngang mặt nước, có cái tuy lên khỏi mặt nước mà chưa nở, nhưng cái nào cũng không bị dính bẩn, mà dễ dàng nở ra. Chúng sanh trong thế gian này cũng như thế.

“Đức Thế Tôn bảo Phạm vương: ‘Ta vì thương tưởng các ông sẽ khai diễn pháp môn cam lồ[90] là pháp thâm diệu khó hiểu, khó biết. Nay vì những người tín thọ, muốn nghe, mà nói chứ không phải vì hạng người bài báng vô ích’.

“Phạm vương biết Phật đã nhận lời thỉnh cầu, nên vui mừng hớn hở đi quanh Phật ba vòng, cúi đầu đảnh lễ rồi biến mất.

“Phạm vương đi chưa bao lâu, đức Như Lai lại tĩnh mặc suy nghĩ: ‘Nay ta nên nói pháp cho ai trước hết?’ Rồi Ngài lại suy nghĩ: ‘Ta hãy đi vào thành Bàn-đầu, trước hết mở cánh cửa cam lộ cho Vương tử Đề-xá và con đại thần là Khiên-đồ.’ Rồi thì, liền trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay, Thế Tôn bỗng biến mất khỏi cây đại thọ, Ngài đã đến thành Bàn-đầu, vào vườn Lộc dã của vua Bàn-đầu, trải tọa mà ngồi rồi.”

Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Như sư tử trong rừng,

Mặc tình mà đi dạo.

Phật kia cũng như vậy,

Du hành không trở ngại.

“Phật Tỳ-bà-thi bảo người giữ vườn: ‘Ngươi hãy vào thành bảo với Vương tử Đề-xá và Khiên-đồ con đại thần rằng: Các ngài có biết không, đức Phật Tỳ-bà-thi hiện ở trong vườn Lộc dã, muốn gặp các ngài? Các ngài nên biết bây giờ là phải thời.’ Người giữ vườn vâng mệnh tìm đến chỗ hai người trình đủ những điều Phật dạy. Hai người nghe xong, liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, rồi đứng lại một bên. Phật lần lượt thuyết pháp cho họ nghe, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. Ngài giảng về bố thí, trì giới, sanh thiên; dục là xấu ác, bất tịnh; phiền não là nguy hiểm[91]; tán dương sự xuất ly là pháp rất vi diệu tối thượng, thanh tịnh bậc nhất. Khi Phật thấy hai người đã có một tâm ý mềm mại, hoan hỷ tin vui, đủ sức lãnh thọ chánh pháp, thì dạy tiếp về khổ thánh đế; phân tích, giảng giải, mở bày rành rẽ về khổ tập thánh đế, khổ diệt thánh đế, và khổ xuất yếu thánh đế .[92] Bấy giờ vương tử Đề-xá và con trai đại thần là Khiên-đồ ngay tại chỗ, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, như tấm vải trắng dễ nhuộm sắc màu.

“Lúc ấy, địa thần bèn xướng lên rằng: ‘Đức Tỳ-bà-thi Như Lai ở vườn Lộc dã, thành Bàn-đầu, chuyển pháp luân vô thượng mà các Sa-môn, Bà-la-môn, Chư thiên, Ma Phạm và các người thế gian khác không thể chuyển được.’ Tiếng nói ấy lần lượt vang đến cõi Tứ thiên vương, cho đến cõi trời Tha hóa tự tại, rồi trong khoảnh khắc vang đến cõi Phạm thiên.”

Phật liền dạy bài kệ:

Tâm vui mừng hớn hở,

Xưng tán đức Như Lai.

Tỳ-bà-thi thành Phật,

Chuyển pháp luân vô thượng.

Bắt đầu từ đạo thọ,

Đi đến thành Bàn-đầu.

Vì Đề-Xá, Khiên-đồ

Chuyển pháp luân Tứ đế

Đề-xá và Khiên-đồ

Nghe xong lời Phật dạy

Ở trong pháp thanh tịnh

Được phạm hạnh tối cao.

Thiên chúng trời Đao-lợi

Cho đến thiên Đế Thích,

Vui mừng bảo lẫn nhau,

Nghe khắp cả chư thiên:

Phật xuất hiện thế gian,

Chuyển pháp luân vô thượng;

Tăng thêm hàng chư Thiên;

Giảm bớt A tu la.

Đấng Thế Tôn danh vang

Thiện trí [93] lìa thế biên.

Tự tại đối các pháp,

Đại trí chuyển pháp luân.

Quán sát pháp bình đẳng,

Tâm dứt sạch cấu bẩn,

Để lìa ách sanh tử,

Đại trí chuyển pháp luân.

Diệt khổ lìa các ác,

Ly dục được tự tại,

Xa lìa ngục ái ân,

Đại trí chuyển pháp luân.

Đấng Chánh giác tối tôn,

Đấng Điều ngự Lưỡng túc,

Giải thoát mọi ràng buộc,

Đại trí chuyển pháp luân.

Đạo sư khéo giáo hóa,

Hay uốn dẹp oán ma,

Xa lìa mọi điều ác,

Đại trí chuyển pháp luân.

Sức vô lậu hàng ma,

Các căn định, không lười,

Lậu tận, lìa ma trói,

Đại trí chuyển pháp luân.

Nếu học pháp quyết định,

Biết các pháp vô ngã,

Đó là pháp cao tột,

Đại trí chuyển pháp luân.

Không vì cầu lợi dưỡng

Cũng chẳng vì danh dự,

Chỉ vì thương chúng sanh,

Đại trí chuyển pháp luân.

Thấy chúng sanh khổ ách,

Già, bệnh, chết bức bách,

Vì ba đường ác đó,

Đại trí chuyển pháp luân.

Đoạn tham, sân nhuế, si;

Nhổ sạch gốc tham ái,

Được giải thoát bất động,

Đại trí chuyển pháp luân.

Ta thắng việc khó thắng

Thắng để tựï hàng phục,

Đã thắng ma khó thắng,

Đại trí chuyển pháp luân.

Pháp luân vô thượng đó,

Duy Phật hay chuyển nói.

Hàng Thiên, Ma, Thích, Phạm,

Không ai chuyển nói được.

Thân cận chuyển pháp luân,

Làm ích lợi thiên nhơn;

Bậc thiên nhân sư đó,

Đã vượt đến bờ kia.

“Lúc ấy vương tử Đề-xá và công tử Khiên-đồ đã thấy pháp, đắc quả, chân thật không dối, thành tựu vô úy, liền bạch Phật rằng: ‘Chúng con muốn ở trong giáo pháp của Như Lai tịnh tu phạm hạnh.’ Phật nói: ‘Hãy đến đây, Tỳ-kheo.[94] Pháp ta thanh tịnh, tự tại; hãy tự mình tu hành để dứt trừ hết thống khổ.’ Ngay lúc ấy hai người liền đắc cụ túc giới. Họ đắc giới chưa bao lâu, Như Lai lại thị hiện ba việc: một là thần túc, hai là quán tha tâm, ba là giáo giới [95], tức thì chứng đắc tâmgiải thoát vô lậu [96], phát sinh vô nghi trí. [97]

“Bấy giờ số đông nhân dân ở thành Bàn-đầu nghe hai người xuất gia học đạo, mang y cầm bát, tịnh tu phạm hạnh, họ nói nhau rằng: ‘Đạo ấy chắc là đạo chân thật, mới khiến các người kia bỏ vinh vị ở đời, bỏ các thứ quý trọng để tu theo.’ Rồi thì, trong thành có tám vạn bốn ngàn người đi đến vườn Lộc dã, chỗ Phật Tỳ-bà-thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên. Phật lần lượt thuyết pháp, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ;[98] nói về bố thí, về trì giới, về sinh thiên; chỉ rõ dục là xấu ác bất tịnh, phiền não là nguy hiểm; tán thán sự xuất ly là vi diệu tối thượng, thanh tịnh bậc nhất. Khi Đức Thế Tôn thấy đại chúng có một tâm ý mềm mại, hoan hỷ tín thọ, đủ sức lãnh thọ chánh pháp, Ngài liền nói về khổ thánh đế; phân tích, giảng giải, công bố khổ tập thánh đế, khổ diệt thánh đế, khổ xuất yếu thánh đế. Ngay tại chỗ, cả bốn vạn tám ngàn người đều xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, như tấm vải trắng dễ nhuộm sắc màu. Họ được thấy pháp chứng quả, chân thật không dối, thành tựu vô úy, liền bạch Phật rằng: ‘Chúng con muốn ở trong giáo pháp Như Lai mà tịnh tu phạm hạnh.’ Phật dạy: ‘Hãy đến đây, Tỳ-kheo! Pháp ta thanh tịnh, tự tại; hãy theo đó tu hành để dứt trừ thống khổ.’ Khi đó tám vạn bốn ngàn người đều đắc cụ túc giới. Đắc giới chưa bao lâu Như Lai lại thị hiện ba việc để giáo hóa: một là thần túc, hai là quán tha tâm, ba là giáo giới. Họ tức thì chứng đắc tâm giải thoát vô lậu, phát sinh trí vô nghi.

“Hiện tiền có tám vạn bốn ngàn người khác, nghe Phật ở trong vườn Lộc dãõ chuyển pháp luân vô thượng mà hàng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma Phạm và các người thế gian khác không thể chuyển được, liền đến thành Bàn-đầu chỗ Phật Tỳ-bà-thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên.”

Phật lại nói bài tụng:

Như người cứu đầu cháy,

Nhanh chóng tìm chỗ dập;

Người kia cũng như vậy,

Vội đến trước Như Lai.

“Phật cũng vì họ nói pháp như trước.

“Đến lúc này tại thành Bàn-đầu đã có mười sáu vạn[99] tám ngàn vị đại Tỳ-kheo. Tỳ-kheo Đề-xá và Tỳ-kheo Khiên-đồ ở trong đại chúng tăng bỗng bay lên không trung, thân phóng xuất nước lửa, hiện các thần thông biến hóa, nói pháp vi diệu cho đại chúng nghe. Bấy giờ đức Như Lai thầm nghĩ: ‘Nay tại trong thành này đã có mười sáu vạn tám ngàn đại Tỳ-kheo, ta nên sai đi du hóa; chớ đi hai người một nhóm[100], đến khắp các nơi, đúng sáu năm lại trở về thành này để thuyết cụ túc giới’[101]

“Bấy giờ, trời Thủ-đà-hội [102] biết được tâm tư của Như Lai, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi cõi trời kia mà hiện đến nơi này, đến trước đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ, đứng lại một bên; giây lát, bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn, thật như vậy, trong thành Bàn-đầu này có nhiều Tỳ-kheo, Ngài nên phân bố đi khắp mọi nơi, đúng sáu năm sẽ trở lại thành này để thuyết giới, con sẽ ủng hộ, khiến không ai tìm cơ hội phá khuấy các vị được.’ Như Lai sau khi nghe lời ấy, làm thinh nhận lời. Trời Thủ-đà-hội thấy Phật làm thinh nhận lời, đảnh lễ Phật xong, bỗng biến trở lại cõi trời. Không bao lâu sau, Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay trong thành này Tỳ-kheo đã đông, nên mỗi người phân bố đi mỗi hướng du hành giáo hóa. Sau sáu năm hãy trở về tập họp thuyết giới. Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, mang y cầm bát, đảnh lễ Phật rồi đi.”

Phật bèn nói bài tụng:

Phật sai[103] chúng không loạn,

Ly dục, không luyến ái,

Oai như chim kim sí;

Như hạc bỏ ao hoang.

“Sau đó một năm, trời Thủ-đà-hội nhắc lại các Tỳ-kheo: ‘Các ngài đi du hóa đã qua một năm, còn năm năm nữa, các ngài nên nhớ trọn sáu năm rồi hãy nhóm về thành mà thuyết giới.’ Cứ như thế, đến năm thứ sáu, trời lại nhắc rằng: ‘Sáu năm đã mãn, nên trở về thành mà thuyết giới.’ Các Tỳ-kheo nghe lời nhắc xong, thu xếp y bát, trở lại thành Bàn-đầu, đến Lộc dãõ chỗ Phật Tỳ-bà-thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lui một bên.”

Phật nói bài tụng:

Như voi khéo huấn luyện,

Tùy ý sai khiến đi;

Đại chúng cung như vậy,

Vâng lời mà trở về.

“Bấy giờ, ở trước mặt đại chúng, Như Lai bay lên không trung, ngồi kiết già, giảng nói giới kinh:

Nhẫn nhục là bậc nhất,

Niết-bàn là tối thượng,

Cạo tóc, não hại người,

Không phải là Sa-môn.[104]

“Trời Thủ-đà-hội lúc ấy ở cách Phật không xa, dùng bài kệ tán Phật rằng:

Như Lai đại trí,

Vi diệu độc tôn,

Chỉ, quán đầy đủ,

Thành Tối chánh giác.

Vì thương quần sanh,

Ở đời thành đạo.

Đem bốn chân đế

Dạy hàng Thanh-văn.

Khổ cùng khổ nhân,

Chân lý diệt khổ;

Tám đạo Thánh hiền;

Đưa đến an lạc.

Phật Tỳ-bà-thi

Xuất hiện thế gian;

Ở giữa đại chúng

Như ánh mặt trời.

“Nói xong bài kệ, bỗng nhiên biến mất.”

Bấy giờ, Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta nhớ lại, thuở xưa, khi ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt, có một lần sinh tâm nghĩ rằng: ‘Chỗ Ta sinh ra, đâu đâu cũng có, duy trừ cõi trời Thủ-đà-hội. Giả sử Ta sanh cõi trời kia, thời đã không trở lại đây. Này các Tỳ-kheo, khi ấy Ta lại nghĩ rằng: khi Ta muốn đến cõi trời Vô tạo [105], tức thì trong khoảnh khắc như tráng sĩ co duỗi cánh tay, Ta biến mất ở đây mà hiện ở kia. Chư thiên lúc đó thấy ta đến, liền đảnh lễ, đứng lại một bên, bạch với ta rằng: ‘Chúng con đều là đệ tử đức Phật Tỳ-bà-thi. Chúng con nhờ sự giáo hóa của Ngài mà được sanh đến cõi này.’ Rồi họ kể đủ nhân duyên gốc ngọn của đức Phật Tỳ-bà-thi. Họ lại nói: ‘Các đức Phật Thi-khí, Tỳ-xá-bà, Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm, Ca-diếp, Thích-ca Mâu-ni, thảy đều là thầy của con. Con chịu sự giáo hóa ấy mà sinh ở đây.’ Họ cũng nói nhân duyên bản mạt chư Phật. Cho đến chư thiên ở cõi trời A-ca-nị-trá, cũng kể với ta như thế[106].”

Bấy giờ Phật nói bài tụng:

Ví như lực sĩ,

Co duỗi cánh tay

Ta, bằng thần thông,

Đến trời Vô tạo.

Đại Tiên thứ bảy [107],

Hàng phục hai ma,

Vô nhiệt [108] vô kiến

Chắp tay kính lễ.

Như cây trú đạc[109]

Tiếng đồn Thích sư,

Tướng tốt đầy đủ,

Đến trời Thiện kiến.[110]

Ví như hoa sen,

Không bị dính nước.

Thế Tôn vô nhiễm,

Đến Đại thiện kiến [111].

Mặt trời mới mọc,

Không chút bụi che;

Sáng như trăng thu,

Đến Nhất cứu cánh. [112]

Năm Tịnh cư này,

Chúng sanh hành tịnh,

Tâm tịnh nên đến

Trời không phiền não.

Tịnh tâm mà đến,

Làm đệ tử Phật.

Xả ly nhiễm thủ,

Vui nơi vô thủ,

Thấy pháp quyết định,

Đệ tử Tỳ-bà-thi.

Tịnh tâm mà đến

Với Đại Tiên nhân.

Đệ tử Thi-khí

Vô cấu, vô vi.

Tịnh tâm mà đến

Với đấng Ly hữu.

Đệ tử Tỳ-xá,

Các căn đầy đủ.

Tịnh tâm đến Ta,

Như mặt trời chiếu.

Con Câu-lâu-tôn,

Xả ly các dục.

Tịnh tâm đến Ta,

Sáng mầu rực ánh.

Đệ tử Câu-na-hàm,

Vô cấu vô vi.

Tịnh tâm đến Ta,

Sáng nhu trăng đầy.

Đệ tử Ca-diếp,

Các căn đầy đủ.

Tịnh tâm đến Ta,

Như bắc thiên niệm [113]

Đại tiên bất loạn.

Thần túc bậc nhất,

Bằng tâm kiên cố,

Làm đệ tử Phật.

Tịnh tâm mà đến,

Làm đệ tử Phật;

Kính lễ Như Lai,

Kể rõ Chí Tôn,

Chỗ sinh, thành Đạo,

Danh tính, chủng tộc,

Tri kiến thâm pháp,

Thành Đạo vô thượng.

Tỳ-kheo nơi vắng,

Xa lìa bụi dơ,

Siêng năng không lười.

Ðoạn chư hữu kết

Ấy là nhân duyên,

Sự tích chư Phật,

Mà được diễn giải,

Bởi đứcThích-ca.

Phật nói kinh “Đại nhân duyên” xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều Phật nói hoan hỷ phụng hành.


--------------------------------------------------------------------------------

[1]. Bản Hán, Phật thuyết Trường A-hàm kinh, Hậu Tần Hoằng Thỉ niên Phật-đà-da-xá cọng Trúc Phật Niệm dịch, “Đệ nhất phần sơ đại bản kinh đệ nhất”, Đại I tr. 1a-10c. Tham chiếu: Phật thuyết thất Phật kinh, Tống Pháp Thiên dịch (Đại I, No. 2, tr. 150); Tỳ-bà-thi Phật kinh, Tống Pháp Thiên dịch (Đại I, tr. 154); Thất Phật phụ mẫu tánh tự kinh, Vô danh dịch (Đại I, No. 4, tr. 159). Tăng nhất A-hàm, “Phẩm 4 Thập bất thiện”, (Đại II, tr. 790). Tương đương Pāli: D. 14 Mahāpadhāna-suttanta (Deva. Dīg. II. 1), Việt: Trường I tr. 431 “Kinh Đại Bổn.”

[2]. Hán: Hoa lâm khốt 華 林 窟; Pāli, sđd.: Karerikuṭika, am cốc Kareri , ở trong khu vườn của ông Cấp Cô Độc.

[3]. Pāli, sđd.: pacchābhattam piṇḍapātapaṭipakkantānam: ăn trưa xong sau khi khất thực về.

[4]. Hán: Hoa lâm đường 華 林 堂; Pāli, sđd.: Karerimaịḍalanāle: trong sảnh đường hình tròn Kareri, viên đường Kareri.

[5]. Hán: sở canh khổ lạc 所 更 苦 樂.

[6]. Nguyên văn: bình đẳng tín 平 等 信; Pāli: sammasadha. Skt. Samaśraddha.

[7]. Nguyên văn: tam Phật 三 佛, tức tam Phật đà 三 佛 陀 (Skt. Sambuddha): Chánh giác 正 覺.

[8]. Nguyên văn: ai loan âm tận tri 哀 鸞 音 盡 知; ai loan âm 哀 鸞 音: ca lăng tần già âm 迦 菱 頻 伽 音 tiềng chim kalaviṅka (một loại sáo).

[9]. Tỳ-bà-thi 毗 婆 尸; Pāli: Vipassi.

[10]. Thi-khí 尸 棄, Pāli: Sikkhin

[11]. Tỳ-xá-bà 毗 舍 婆 hay Tỳ-xá-phù 毗 舍 浮, Pāli. Vessabhū.

[12]. Hiền kiếp 賢 劫, Pāli: Bhaddakappa. Câu-lâu-tôn hay 拘 樓 孫 Câu-lưu-tôn 拘 留 孫; Pāli: Kakusandha. Câu-na-hàm 拘 那 含; Konāgamana. Ca-diếp 迦 葉; Pāli: Kassapa.

[13]. Na-duy 那 維; Pāli: nahuta; Skt. Niyuta; ni-do-đa nguyên 尼 由 多元, na-do-tha 那 由 他, na-dữu-đa 那 庾 多, na-do-đa 那 由 多; số đếm, tương đương 1 triệu.

[14]. Nguyên văn: thiểu xuất đa tiển giảm 少 出 多 湔 減. D. 14. appam vā bhiyyo.

[15]. Sát-lị, hoặc sát-đế-lị 剎 帝 利; Pāli: khattiya, Skt. Kṣatriya.

[16]. Câu-lị-nhã 拘 利 若; các bản Tống, Nguyên, Minh: Kiều-trần-như 憍 陳 如. Pāli: Koṇḍañña.

[17]. Ca-diếp 迦 葉; Pāli: Kassapa, Skt. Kaśyapa.

[18]. Cù-đàm 瞿 曇; Pāli: Gotama.

[19]. Ba-ba-la 波 波 羅; các bản Tống Nguyên Minh (sẽ viết tắt TNM): ba-ba-la 波 婆 羅. Pāli: pāṭali.

[20]. Phân-đà-lị 分 阤 利; Puṇḍarīka, một loại sen.

[21]. Bà-la 婆 羅; các bản Tống, Nguyên, Minh: bác lạc xoa 博 洛 叉. Pāli; sāla .

[22]. Thi lị sa 尸 利 沙, dịch là hoa hợp hôn, hợp hoan; Pāli: sirīsa.

[23]. Bản Cao li: Ô-tạm-bà-la 烏 暫 婆 羅; TNM: ưu-đàm-ba-la 優 曇 婆 羅, dịch là hoa linh thụy 零 瑞; Pāli: udumbara.

[24]. Ni-câu-luật 尼 拘 律; TNM: ni-câu-loại 尼 拘 類. Pāli: nigrodha.

[25]. Bát-đa 鱚 多; Pāli: assattha, Skt. Azvattha.

[26]. Hán: biến kiến, thấy khắp; do hiệu Phật Vipassin (Pāli) hay Vipasyin (Skt.), cũng được dịch: quán, kiến, thắng quán, diệu quán sát, chủng chủng quán.

[27]. Kết hay kết sử 結 使, chỉ sự trói buộc hay thắt chặt của phiền não ô nhiễm; Pāli: samyojana.

[28]. Hán: nhất nhất mao 一 一 毛, không rõ nghĩa.

[29]. Năng nhân ý tịch diệt 能 仁 意 寂 滅, dịch nghĩa của Pāli: Sakya-muni hay Sakka-muni .

[30]. Lậu tận 漏 盡: phiền não ô nhiễm đã cạn nguồn; Pāli: khīṇāsava.

[31]. Bản Cao ly: Khiên-trà 騫 茶; TNM: Khiên-đoà 騫 荼; Pāli: Khaṇḍa.

[32]. Đề-xá 提 舍; TNM: Chất-sa 躓 沙; Pāli: Tissa.

[33]. A-tì-phù 阿 毗 浮; Pāli: Abhibhū (Thắng giả). Tam-bà-bà 三 婆 婆: Pāli: Sambhava (Xuất Sanh).

[34]. Phò (phù)-Du 扶 遊; Pāli: Soṇa. Uất-đa-ma 鬱 多 摩 (Uttama); Pāli: Uttara.

[35]. Tát-ni 薩 尼; Pāli: Sañjīva. Tì lâu 毗 樓; Pāli: Vidhūra.

[36]. Thư-bàn-na 舒 盤 那; Thất Phật phụ mẫu tánh tự kinh (Đại I, tr 160a): Chuyển luân 轉 輪 (Pāli: Cakkavattī, Skt. Cakravartin ?); TNM: Ưu-ba-tư-đa 優 波 斯 多; Pāli: Bhiyyosa.

[37]. Đề-xá 提 舍; Pāli: Tissa. Bà-la-bà 婆 羅 婆; Pāli: Bhāradvāja.

[38]. Xá-lợi (lị)-phất 舍 利 弗; Pāli: Sāriputta. Mục-kiền-liên 目 犍 連; Pāli: Moggallāna.

[39]. Chấp sự đệ tử 執 事 弟 子 tức đệ tử thị giả, Tỳ-kheo hầu cận; Pāli: bhikkhu upaṭṭhāka aggupaṭṭhāka .

[40]. Vô ưu 無 優; Thất Phật phụ mẫu, sđd.: A thâu ca 阿 輸 迦; Pāli: Asoka.

[41]. Nhẫn hành 忍 行, Thất Phật phụ mẫu, sđd.: sát-ma-ca-rô 殺 摩 迦 嚕; Pāli: Khemaṃkara.

[42]. Tịch diệt 寂 滅, Thất Phật, sđd.: ô-ba-phiến-đổ; 烏 波 扇 睹; Pāli: Upasanta.

[43]. Thiện Giác 善 覺, Thất Phật, sđd.: một-đề-dũ 沒 提 逾; Pāli: Buddhija.

[44]. An Hòa 安 和, Thất Phật, sđd.: tô-rô-đế-lí-dã 蘇 嚕 帝 里 野; Pāli: Sotthija.

[45]. Thiện Hữu 善 友, Thất Phật, sđd.: tát-lí-phạ-mật-đát-ra 薩 里 縳 瞇 怛 囉; Pāli: Sabbamitta.

[46]. A-nan 阿 難; Pāli: Ānanda.

[47]. Tịch nhiên 寂 然, TNM: tịch diệt 寂 滅.

[48]. Phương ưng 方 膺, Vô lượng 無 量, Diệu giác 妙 覺, Thượng thắng 上 勝, Đạo sư 道 師; không tìm thấy Pāli tương đương.

[49]. Tập Quân 集 軍, các bản TNM: Tiến Quân 進 軍.

[50]. La-hầu-la 羅 侯 羅; Pāli: Rāhula

[51]. Bàn-đầu 盤 頭 các bản TNM: Bàn-đầu-ma-đa 盤 頭 摩 多. Pāli: Bandhumant.

[52]. Bàn-đầu-ba-đề 盤 頭 婆 提; TNM: Bàn-đầu-ma-na 盤 頭 摩 那. Pāli: Bandumati.

[53]. Xem cht. 52.

[54]. Xem cht. 26.

[55]. Minh Tướng 明 相: Aruna, Quang Diệu 光 耀: Pabhāvati, Quang Tướng 光 相: Aruṇavatī.

[56]. Thiện Đăng 善 燈: Suppatīta, Xưng giới 稱 戒: Yasavatī, Vô Dụ 無 喻: Anopama.

[57]. Tự đắc 祀 得, Pāli; Aggidatta, con cầu tự với thần Lửa. TNM: Lễ Đức 禮 德.

[58]. An Hòa 安 和; Pāli: Khema; Thiện Chi 善 枝: Visākhā, An hoà thành: Khemavatī.

[59]. Đại Đức 大 德: Yaḷḷadatta, Thiện Thắng 善 勝: Uattarā, Thanh tịnh thành 清 淨 城; Sobhavatī.

[60]. Cấp-tỳ 汲 毗, Pāli: Kikin. TNM: Ba-la-tỳ 波 羅 毗; có lẽ nhầm tự dạng cấp và ba. Phạm Đức 梵 德; Pāli: Brahmadatta, Tài Chủ 財 主; Pāli: Dhanavatī.

[61]. Đại Thanh Tịnh Diệu 大 清 淨 妙, TNM.: Đại Hóa 大 化, Pāli: Mahamāya. Tịnh Phạn 淨 飯: Sudhodana, Ca-tì-la-vệ 迦 毗 羅 衛; Pāli: Kapilavatthu.

[62]. D. 14 (Deva, Dig II. 1h): Phật giảng xong đoạn trên liền đi vào tịnh xá. Truyện kể được tiếp tục vào buổi chiều hôm đó.

[63]. Chư Phật thường pháp 諸 佛 常 法 Pāli: dhammatā esā

[64]. Tham chiếu Pāli, D. 14 (Deva Dīgh II, tr. 14): Aggo’ham asmi lokassa, jeṭṭho ‘ham asmi lokassa seṭṭho ‘ham asmi loakassa, ayam antimā jāti, n ‘atthi ‘dāni punabhavo ti, Ta là đấng tối thượng của thế gian, là tối thắng của thế gian, là tối tôn của thế gian. Đây là sự sanh cuối cùng, không còn đời nào nữa.

[65]. Nhân sư tử 人 師 子, sư tử của loài người; Pāli: naramiuha.

[66]. Đại long 大 龍; rồng lớn, cũng có nghĩa rắn thần, chúa tể các loài thủy tộc. Pāli: mahānaga.

[67]. Lưỡng túc tôn 兩 足 尊, tôn quý giữa loài hai chân, chỉ chư thiên và nhân loại; thường cũng được giải thích là đầy đủ phước và trí, do chữ Hán túc 足 vừa có nghĩa “cái chân” vừa có nghĩa là “đủ.” Pāli: dvipada-seṭṭha; Skt. Dvipadottama.

[68]. Xem cht. 26.

[69]. Nguyên Hán: nhãn thượng hạ câu huyến 眼 上 下 俱 眴, nếu dịch sát: mắt trên dưới cùng nháy; không rõ nghĩa. So sánh Pāli: gopakhuma, có mí mắt như của bò cái; nghĩa là, mắt hai mí.

[70]. Hán: kỳ mục bất huyến, như Đao lợi thiên 其 目 不 眴 如 刀 利 天; Pāli: D. 14 (Deva Digh II 1, tr. 17): animisanto pekkhati seyyathāpi devā Tāvatimsā: nhìn thẳng sự vật bằng cặp mắt không nháy như chư thiên Tāvatimsa.

[71]. Ca-la-tần-già 迦 羅 頻 伽, hoặc âm là ca-lăng-tần-già 迦 陵 頻 伽, dịch hảo thanh 好 聲, tiếng hót tuyệt diệu; Pāli: karavīka.

[72]. Thiên chánh đường 天 正 堂; TNM: Đại chánh đường 大 正 堂. Pāli: atthakarana: công đường hay pháp đường, để xử kiện. Tham chiếu, D. 14 (Deva Dīgh II 1, tr 17; Trường bộ kinh I tr. 46l): ‘Khi vua Bandhumā ngồi xử kiện, vua đặt hoàng tử Vipaasī bên nách mình để xử kiện.’

[73]. Tham chiếu, Pāli D. 14 (Deva Dīgh, sđd.: Trường bộ I, tr, 461: “…do hoàng tử Vipassī có thể quan sát và xử kiện đúng luật pháp nên danh từ Vipassī, Vipassī càng được dùng để đặt tên cho Ngài.”

[74]. Viên lâm 園 林; Pāli: uyyānabhumi: công viên; Skt. Udyāna, viên quán.

[75]. Hán: viên quán 園 觀, tức viên lâm. Xem cht. 74.

[76]. Hán: khổ thạnh ấm; Pāli: kevala-dukkhakkhanda: toàn bộ khổ uẩn. Hán: chỗ khác, thuần đại khổ tụ 純 大 苦 聚, hoặc cũng nói: ngũ ấm xí thạnh khổ 五 陰 熾 盛 苦.

[77]. Hán: khổ tập ấm 苦 集 陰; Pāli: dukkha-kkhandhassa samudaya, xem cht. trên.

[78]. Hán: sinh nhãn 生 眼; Pāli, sđd.: (Deva Dig II. 1, tr 29): pubbe ananussutese dhammesu cakkhuṃ udapāti, phát sinh con mắt thấy được các pháp chưa từng được nghe từ trước.

[79]. Tham chiếu Pāli, sđd.: ñaṇaṃ udapādi pañña udapādi vijjā udapādi āloko udapādi: phát sanh trí, phát sanh tuệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng.

[80]. Hán: a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề 阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 提, thường dịch là Vô thượng chánh đẳng chánh giác 無 上 正 等 正 覺; Pāli: anuttara-sammā- sambodhi , Skt. Anuttara-samyak-sambodhi.

[81]. Hán: như chúng uế ác tụ 如 眾 穢 惡 聚; TNM: dĩ thâm uế ác tụ 以 深 穢 惡 聚.

[82]. Hán: phong xuy ác lưu diễn 風 吹 惡 流 演; TNM: phong xuy vô lưu diễn 風 吹 無 流 演. Có lẽ muốn nói, do gió nghiệp thổi, ác pháp hay uế pháp từ ngoài rò chảy vào tâm.

[83]. TNM: Đoạn trừ vô phóng dật 斷 除 無 放 逸.

[84]. An ổn quán 安 隱 觀, xuất ly quán 出 離 觀. Pāli: ?

[85]. Nguyên Hán: tức diệt 息 滅; Pāli: santi.

[86]. Hán: thanh tịnh 清 淨; TNM: tĩnh huyên 靜 喧, Pāli: paṇīta, vi diệu.

[87]. Hán: dị kiến, dị nhẫn, dị thọ, dị học. Y bĩ sở kiến, các lạc sở cầu, các vụ sở tập (…) 異 見 異 忍 異 受 異 學. 依 彼 所 見 各 樂 所 求 各 務 所 習.

[88]. Pāli, sđd.: idappaccayatapaṭiccasamuppāda, y tánh duyên khởi (cái này có do cái kia có, …)

[89]. Ưu-bát-la 優 鱚 羅, Pāli: uppala: sen xanh (bông súng); bát-đầu-ma 鱚 頭 摩, Pāli: paduma: sen hồng; câu-vật-đầu 拘 勿 頭, Pāli: kumuda: sen vàng; phân-đà-lợi 分 陀利, Pāli: puṇḍarika, sen trắng.

[90]. Hán: cam lộ pháp môn 甘 露 法 門; Pāli: amatassa dvāra, cánh cửa bất tử.

[91]. Dục ác bất tịnh thượng lậu vi hoạn 欲 惡 不 淨 上 漏 為 患. So sánh Pāli, D. 14, sđd.: kāmānam ādinavam okāram samkilesam, dục là nguy hiểm, hạ liệt, ô nhiễm.

[92]. Khổ thánh đế, 苦 聖 諦 Pāli: dukkha ariya-sacca, khổ tập thánh đế 苦 集 聖 諦, Pāli: dukkha-samudaya ariya-sacca; khổ diệt thánh đế 苦 滅 聖 諦, dukkha-nirodha ariya-sacca; khổ xuất yếu thánh đế 苦 出 要 聖 諦, dukkha-nirodha-gāminī- paṭipadā ariya-sacca;

[93]. Thiện trí 善 智, TNM: khổ trí 苦 智.

[94]. Thiện lai tỳ kheo 善 來 比 丘. Đức Phật trực tiếp truyền giới cụ túc, theo Luật tạng, bằng cách nói như thế.

[95]. Ba thị đạo; Phật thực hiện ba điều kỳ diệu: 1. Thần biến thị đạo, 2. Ký tâm thị đạo, 3. Giáo giới thị đạo .

[96]. Hán: vô lậu tâm giải thoát 無 漏 心 解 脫; Pāli: anupādāya āsavehi cittāni vimucciṃsu, do không còn chấp thủ mà tâm được giải thoát một cách không còn lậu hoặc.

[97]. Nguyên bản: sinh tử vô nghi trí 生 死 無 疑 智; Đây theo TNM: sinh vô nghi trí, không còn nghi ngờ về bốn Thánh đế.

[98]. Thứ tự bốn giai đoạn thuyết pháp của Phật .

[99]. TNM: 34 vạn

[100]. Nguyên trong bản: các nhị nhơn câu 各 二 人 俱. Có thể nhầm lẫn tự dạng các 各, và vật 勿: chớ có. Tham chiếu Pāli: mā ekena dve agamittha, chớ đi hai người thành một nhóm.

[101]. Để đọc giới bổn tỳ kheo.

[102]. Thủ-đà-hội thiên 首 陀 會 天 (Pāli: Suddhāvāsa), tức Tịnh cư thiên 淨 居 天, trú xứ của các Thánh giả Bất hoàn 不 還 (Anagāmin). D. 14 sđd: aññataro mahābrahmā, một vị Đại Phạm thiên khác.

[103]. Nguyên Hán: Phật tất vô loạn chúng 佛 悉 無 亂 眾; TNM: Phật khiển vô loạn chúng 佛 遣 無 亂 眾.

[104]. Xem, luật Tứ phần, giới bổn tỳ kheo.

[105]. Vô tạo 無 造, hay Vô phiền 無 煩; Pāli: Avīha, Skt. Avriha: 1 trong 5 Tịnh cư thiên.

[106]. A-ca-nị-trá 阿 迦 膩 咋 hay A-ca-nị-sắc 阿 迦 膩 色, cũng gọi là Hữu đảnh, chỉ đỉnh cao của sắc giới, tấng chót trong 5 Tịnh cư thiên. Pàli: akaniṭṭha, Skt. Akaniṣṭha.

[107]. Đệ thất Đại tiên 第 七 大 仙, chỉ đức Thích tôn; Skt. Saptamarsi.

[108]. Vô nhiệt 無 熱, Pāli; Atappa, phía trên Vô phiền thiên (Pāli. Avīha); 1 trong 5 Tịnh cư thiên .

[109]. Trú đạc hoặc trú độ 晝 度 cây thần thoại, tín hiệu cho ban ngày trên trời Đao lợi.

[110]. Thiện kiến thiên 善 見 天, Pāli: Sudassa (Skt. Sudriza), 1 trong 5 cõi Tịnh cư của Thánh giả A-na-hàm

[111]. Đại Thiện kiến thiên, Pāli: Sudassī (Skt. Sudrarśana) tức chỗ khác gọi Thiện hiện, 1 trong 5 cõi Tịnh cư của Thánh giả A-na-hàm.

[112]. Nhất cứu cánh 一 究 竟, hay Sắc cứu cánh, cũng gọi là Hữu đỉnh, Pāli: Akaniṭṭha (Skt. Akaniṣṭha: A-ca-nị-trá-thiên), cao nhất trong 5 Tịnh cư.

[113]. Như bắc thiên niệm 如 北 天 念, không rõ nghĩa. Bản Cao ly không có; TNM có.

--- o0o ---

Xem dưới dạng văn bản thuần túy