× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Thủ



Quyển I - Chú thích

Chú thích:

1/  Hạnh viễn ly: tu hành ở chỗ vắng vẽ một mình. Xa lánh những nơi ồn náo, chỗ thị thành đông người tranh đua phức tạp. Nơi thích hợp cho việc tu tập này là núi cao, rừng vắng gần với thiên nhiên.

2/ Kiết hạ an cư: Thời Phật còn tại thế trong ba tháng hạ, mùa mưa, Phật cùng chư đệ tử xuất gia kết các giới cấm, ở an một chỗ tu tập nhiếp niệm thân tâm thanh tịnh để có thời giờ tham thiền, tu tập... Vào tiết mùa hạ ở Ấn Ðộ thường có những trận mưa giông lớn; những loại côn trùng cũng sinh nở nhiều vào mùa này. Vì lòng từ bi, Phật muốn tránh cho

hàng đệ tử dẫm đạp loài chúng sanh dưới đất, nên chế phép an cư ba tháng, từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy âm lịch.

Cứ theo lệ ấy, ngày nay chư Tăng các nước vâng theo lời Phật dạy tổ chức 3 tháng tu tập này. Tuy nhiên thời tiết tại mỗi quốc độ có thay đổi, việc an cư kiết hạ vì thế cũng đổi thay thời gian đôi chút cho phù hợp.

3/ Pháp vương tử: Con đấng pháp vương, tức chỉ đức Phật. Những vị đại đệ tử hầu cận đức Phật đều được tôn hiệu là pháp vương tử đi liền sau tên riêng.

4/ Du hóa: đi khắp mọi nơi hóa độ chúng sanh mà thầy tỳ kheo ngày đi đêm nghỉ lại ở bất cứ nơi nào, không luận nhà cửa hay tịnh xá. Ðức Phật Thích Ca chính là người hành hạnh du hóa này trong suốt 49 năm truyền giáo của Ngài.

5/ Hạnh đầu đà hay tu khổ hạnh, tức hạnh tu ép xác như tắm suối lạnh mùa đông, ngồi trên lửa, đứng một chân, ăn thuần rau cải hoặc trái cây v.v... như đức Phật khi xưa chẳng hạn.

6/ Áo nạp tức áo bá nạp; bá: trăm, nạp: vải vụn. Ðem kết hợp 100 thứ vải vụn lại thành chiếc áo thầy tỳ kheo mặc để không ai còn thấy tướng đẹp nữa cho dễ việc tu hành. Chiếc áo nạp cũng tượng trưng cho mãnh ruộng công đức để người tín đồ gieo phước lành.

7/ Ba y: Thầy tỳ kheo khi thọ giới phải sắm đủ ba y mới hợp pháp là y Tăng Gìa Lê hay đại y, gồm 9 điều, 12 điều, 17, 21 hoặc 25 điều, Uất Ða La Tăng là y 7 điều và An Ðà Hội là y 5 điều.

(điều là do từng mãnh hay từng ô vải. Y  7 điều có 7 mãnh vải, 5 điều có 5 mãnh vải kết lại với nhau thành chiếc y). Sự nghiệp của người tu Phật chỉ có ba chiếc y này và một bình bát mà thôi. Y pháp là vật cần có luôn bên mình người tu, nên gọi là "y pháp bất ly thân" là thế.

8/ Sáu loài hay 6 đường trong vòng sanh tử luân hồi là trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

9/ Y Tăng Gìa Lê (Xem chú thích 7 ở trên)

10/ Vô học: Tu chứng quả A La Hán (Tiểu Thừa) và Bồ Tát hay Phật quả (Ðại Thừa) là vô học, tức có ý nói không còn phải học gì nữa cả.

11/ Tứ binh: bốn đạo binh thời xưa là đội binh voi, đội binh ngựa, đội binh xe (xa binh) và bộ binh của vua thường dùng.

12/ Hữu học: Hành giả còn đang ở địa vị tu tập, nghiên tầm giáo pháp để dứt phiền não hoặc nghiệp, gọi là bậc hữu học. Chứng 3 quả vị đầu trong bốn Thánh quả: Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm,  A Na Hàm của Tiểu Thừa gọi là hữu học.

13/ Sắc, thọ, tưởng, hành, thức: trong 5 yếu tố của sắc thân và tâm thức đều không có tự tánh, nên đều là không.

14/ Ðại từ, đại bi, đại hỷ, đại xã: tức bốn vô lượng tâm: từ - bi - hỷ - xả mà chỉ có Phật, chư Bồ Tát mới có tâm đại lượng bình đẳng này đối với mọi loài chúng sanh.

15/ Ba la mật: Tàu dịch là đáo bỉ ngạn, có nghĩa là đến bờ bên kia, tức bờ giác hay bến giác; đối lại với bờ bên này là bờ mê hay bến bờ sanh tử.

16/ Tam muội hay Tam ma địa (Samadhi) hoặc tam ma đề là phép thiền định cao tột, nên còn gọi là nhập đại định.

17/ Giải thoát, giải thoát tri kiến: giải là lìa khỏi sự trói buộc của mê lầm hoặc nghiệp; thoát là vượt ra ba cõi (dục, cõi sắc và cõi vô sắc). Giải thoát tri kiến : xa lìa chỗ biết, chỗ thấy hạn hẹp cố chấp của phàm phu, đạt đến tri kiến của bậc Thánh.

18/ Tứ vô đẳng trí: Bốn trí của hàng Thánh giả khó thể sánh lường (vô đẳng). Ðó là: 1- Ðạo huệ trí: trí biết rõ cái Thật Tánh, tức Chân Tánh. 2- Ðạo huệ chủng trí: biết khắp cả mười phương pháp giới. 3- Nhứt thiết trí: trí biết tất cả các pháp, các tướng tịch diệt. 4- Nhứt thiết chủng trí: trí biết các pháp hoàn toàn, các tướng đều tịch diệt, biết trọn vẹn hết thảy không ngăn ngại.

19/ Sa môn: Tăng sĩ Phật Giáo đã thọ đủ giới luật; có ba nghĩa:

 1-Tức giả: người dứt bỏ cá việc ác. 2- Cần giả: người siêng năng làm điều thiện giúp kẻ khác tăng trưởng đạo tâm cho lòng từ bi phát triển. 3- Bần giả: người chịu thiếu, chịu nghèo chẳng giữ của cải, chẳng có chi gọi là của mình. Sa môn còn gọi là bần đạo, bần giả, ý nói nhà tu thiếu thốn vất vả, không chứa giữ của cải, không tư sản; cũng gọi là đại sa môn hay tỳ kheo.

20/ Tam thiên đại thiên thế giới: ba nghìn đại thiên thế giới. Một thế giới như thế giới chúng ta là 1x1000 của tiểu thiên thế giới. Một trung thiên thế giới có 1000x1000=

1,000, 000. Một đại thiên thế giới có 1000x1000x1000= 1, 000,000,000. Một tam thiên đại thiên thế giới hay một đại thiên thế giới gồm 1,000 triệu tiểu thế giới.

Con số 3 nghìn đại thiên thế giới bao hàm các thế giới có chúng hữu tình đang sinh sống như trong kinh thường dẫn dụ. Ðiều này chứng tỏ cho thấy rằng ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có nhiều thế giới khác đang thành hình, tồn tại hay hoại diệt.

21/ Ðàn ba la mật, thi ba la mật, sằn đề, tỳ lê da, thiền định, trí tuệ: tức là 6 pháp lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

22/ Tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di: bốn chúng đệ tử của Phật gồm hai chúng nam nữ Phật Tử tại gia và hai chúng xuất gia. Ưu bà tắc tiếng Phạn là Upasak, tức người nam Phật tử đã quy y Tam Bảo và thọ 5 giới, có pháp danh (tên đạo) do vị Thầy truyền giới đặt. Ưu bà tắc còn gọi là cận sự nam: người nam gần gủi phụng sự ngôi Tam Bảo để phát triển đạo đức, phước trí...; Ưu bà di tiếng Phạn là Upasika, người nữ Phật Tử... (như trên).

23/ Thất bảo: bảy thứ báu như vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não.

24/ Do tuần: đọc là do diên hoặc du thiên na hay Yojana, tên số mục để đo lường của Ấn Ðộ thời xưa. Một do tuần  bằng 16 dặm (lý) của Tàu mà một dặm bằng 576 mét, thì một do tuần bằng 9,216 m tương đương với 1 km.

25/ Bát công đức thủy: nước tám công đức, tức nước ao hồ thuần tịnh ở cõi Cực Lạc có đầy đủ tám công đức: 1- lắng trong, 2 - sạch mát, 3 - ngon ngọt, 4 - dịu dàng, 5 - thấm nhuần, 6 - an hòa,7 - lúc uống trừ được đói khát và vô số sự lầm lỗi lo âu, 8 - uống xong bổ khỏe các căn về thân thể và về tinh thần.

26/ Pháp tổng trì: pháp nhập vào đại định, chỉ có Phật  mới đạt được pháp định này.

27/ Cú môn: tiếng Phạn là Pada hay Padakàya dịch là cú, tức bao hàm nghĩa lý của các pháp sai khác, làm cho người ta hiểu ngay vấn đề gọi là cú; môn là pháp hay một lãnh vực chuyên biệt.

28/ Tám phương là Ðông, Tây, Nam, Bắc, Ðông Nam, Tây Nam, Ðông Bắc, Tây Bắc. Nếu cộng chung hạ phương và thượng phương thành 10 phương.

29/ Ba thứ phiền não làm chướng ngại sự tu hành giải thoát trong ba đời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Ðó là những thế giặc nguy hiểm nhất, nếu hành gỉa không lập bộ quốc phòng để phòng ngự thì giặc sẽ nhiễu loạn bất cứ lúc nào.

30/ Ðạo vô thượng chánh đẳng chánh giác: giải thoát, giác ngộ hay đạo Bồ Ðề, tức thành Phật.

31/ Vô lậu: không còn lọt, rơi sót lại phiền não; chẳng bị phiền não hoặc nghiệp chi phối tâm tư hành giả nữa, tức là giải thoát khỏi sanh tử.

32/ Thập lực: 10 trí lực của Phật gồm có: 1- Trí biết sự đúng sai (tri thị xứ phi xứ trí lực), 2- biết nhân qủa của chúng sanh trong ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai (tri tam thế nghiệp báo trí lực), 3- biết các lớp lang tu hành của chúng sanh, biết sức thắng tình dục bằng sự tham thiền (tri chư thiền giải thoát tam muội trí lực), 4- biết tâm tánh của mọi loài chúng sanh (tri chúng sanh tâm tánh trí lực), 5- biết chúng sanh hiểu đạo tới đâu; biết rõ sự nhận hiểu của thế gian và xuất thế gian (tri chủng chủng giải trí lực), 6- biết hết các cảnh giới giống nhau hoặc khác nhau trong mười phương pháp giới (tri chủng chủng giải trí lực), 7- biết hết phần hành hữu lậu của 6 cõi chúng sanh và phần hành Niết Bàn vô lậu đến đâu, tức biết hết các đường mà chúng sanh theo để được giải thoát (tri nhứt thiết sở đạo trí lực), 8- thấy biết mọi việc của chúng sanh trong vô số thế giới thấu suốt không bị ngăn ngại. Thấy biết đường sanh tử và việc tạo nghiệp thiện ác của họ (tri thiên nhãn vô ngại trí lực), 9- biết rõ nhiều đời nhiều kiếp lâu xa về trước của chúng sanh (tri túc mạng vô lậu trí lực), 10- biết đoạn dứt hết mọi tập khí (những thói hư tật xấu bám rể thành nếp sẵn) làm cho các thói quen đều đoạn tuyệt (tri vĩnh đoạn tập khí trí lực).

33/ Tứ vô sở úy: bốn đức dạn dĩ không sợ sệt. Phật và Bồ Tát có đủ bốn đức tánh ấy nên dễ giáo hoá chúng sanh, không còn khiếp sợ. Ðó là:

1- Trí biết khắp tất cả

2- Dứt sạch hết mọi phiền não

3- Nói rõ chỗ ngăn chướng đạo, nên không còn e sợ

4- Giảng dạy để dứt trừ sự khổ, nên chẳng còn sợ sệt chi cả.

34/ Hý luận: Nói bàn suông theo thế gian không ăn nhập gì với Phật Pháp, làm trở ngại sự tu hành giải thoát. Ðây là một chướng nạn ngăn che tâm hành gỉa trên bước đường tu tập đạo Bồ Ðề.

35/ Vô úy: không sợ, tức người có một sức mạnh tinh thần dũng mãnh. Chính mình không sợ bất cứ việc gì và cũng ban cho người tánh không sợ sệt.

36/ Thọ ký: Những đệ tử có căn cơ, trình độ chứng ngộ chân lý được Phật truyền tâm ấn hay ấn chứng để thành Phật, Bồ tát hay Tổ; cũng chỉ định quốc độ, số chúng hội, tuổi thọ dài ngắn  v.v... cho người kế tục, tức là thọ ký.

37/ Tam minh, lục thông: Ba món trí huệ sáng suốt và sáu phép thần thông của bậc Thánh.

Tam minh là:

1-Túc mạng minh: Biết rõ kiếp trước của mình và người một cách thấu suốt, 2- Thiên nhãn minh: mắt thấy thấu suốt các cõi không bị ngăn ngại, 3- lậu tận minh: trí sáng rỡ làu làu, diệt tận hết các phiền não.

Lục thông là:

 1-Thiên nhãn thông: con mắt thông suốt được các cõi trời, cõi chúng sanh , 2- thiên nhỉ thông: nghe khắp hết mọi ngôn ngữ, âm thanh của chúng sanh, 3- túc mạng thông: biết rõ kiếp trước của mình và người, 4- tha tâm thông: biết rõ tâm niệm chúng sanh,  5- thần túc thông: có sức biến hoá phi thường, dạo đi khắp đó đây trong tích tắc, 6- lậu tận thông (xem lậu tận minh trên).

38/ Lục nhập: Sáu pháp hay 6 trần cảnh bên ngoài tiếp xúc các căn của thân thể. Ðó là màu sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và pháp.

39/ Chiên đà la: hạng người hạ tiện nhất Ấn Ðộ thời xưa chuyên nghề hàng thịt, đánh cá và làm nô bộc. Người nam gọi là chiên đà la, người nữ gọi là chiên đà lỵ mà từ Pali gọi là Pariahs hay bất xúc dân (intouchable), không được tiếp xúc đụng chạm tới những người giai cấp khác.

40/ Chấp đoạn, chấp thường: hai lối kiến chấp cho rằng: con người sau khi chết là hoàn toàn mất hẳn (chấp đoạn), hoặc sau khi chết vẫn trở lại làm người (chấp thường). Cả hai lối kiến chấp ấy đều sai lầm cả, không đúng với Phật pháp.

41/ Diệt độ, tịch diệt, thị tịch hay nhập Niết Bàn chỉ đức Phật hay các bậc Thánh qua một chặng đường hiện thế hành đạo.

42/ Pháp tràng: Nơi thiết lập đạo tràng trang nghiêm để giảng pháp cho thính chúng nghe mà tu tập đạo giác ngộ.

43/ Hữu lậu: hữu là có; lậu: rỉ, lọt, chảy rơi tràn, sót lại, chỉ kẻ phàm phu còn phiền não nghiệp chướng buộc chặt chưa thể giải thoát được.

44/ 32 tướng tốt: Phật đủ 32 tướng tốt là: 1- Mười đầu ngón tay và chân có xoáy tròn ngay chính giữa,2- ngón tay thon dài, 3- tay chân mềm mại, 4- tay, chân có màng lưới giao tiếp, 5- gót chân đầy đặn, 6- mu chân cao đẹp,7- vế tròn lám như con hưu, 8- tay dài quá gối, 9- dương vật ẩn tàng như dương vật con ngựa, 10- mình cao lớn,  từ chân đến đầu cao bao nhiêu, hai tay duỗi ra cũng bằng ấy, 11- lỗ chân lông sinh sắc xanh, 12- lông trên mình chia xoáy hướng đều, 13- thân sắc vàng, 14- lòng bàn chân có nghìn vòng xoáy, 15- luôn luôn có hào quang phóng xa một trượng, 16- da dẻ mịn bóng, 17- lòng bàn chân, tay, hai vai, đỉnh đầu đều đầy đặn, bằng, 18- hai nách đều đặn, 19- thân uy nghiêm như sư tử, 20- thân hình đoan chánh, 21- vai tròn đầy, 22- bốn mươi cái răng, 23- răng trắng, bằng và khít, 24- bốn răng cửa trắng sạch, 25- gò má đầy như má sư tử, 26- nước tân dịch trong cổ họng có thượng vị, 27- lưỡi rộng dài, 28-tiếng vang xa và trầm ấm, 29- con ngươi mắt xanh biếc, 30- lông mi mắt cong dài, 31- khoảng giữa hai lông mày có tia hào quang trắng, 32- đầu có thịt nổi lên như búi tóc (nhục kế).

45/ Tám mươi vẻ đẹp: căn cứ 32 tướng tốt mà phân biệt tỉ mỉ ra như: 1- vô kiến đãnh tướng (tướng nhục kế cao không trông thấy được), 2- mũi cao không thấy lỗ, 3- lông mày cong vòng nguyệt, 4- vành tai rủ xuống, 5- thân mình rắn chắc như lực sĩ, 6- chỗ đầu xuơng giao nhau như vòng câu, 7- thân không nghiêng vẹo, 8- khi đi chân cách đất 4 tấc mà vẫn có dấu chân in xuống đất, 9- móng tay, chân mỏng và bóng như đồng đỏ, 10- ngón tay tròn, thon, nhỏ, 11- dung nghi đầy đủ, 12- có uy đức chấn động mọi loài, 13- hết thảy chúng sanh trông thấy đều vui, 14- mặt không dài, lớn, 15- dung mạo nghiêm chỉnh sắc không biến đổi, 16- môi sắc đỏ như thoa son, 17- tiếng nói rền vang như sư tử gầm, 18- mặt đầy đặn trong sáng như mặt trăng, 19- miệng luôn tỏa mùi thơm ngát, 20- dung nghi đỉnh đạc như tiếng sư tử, 21- mắt  dài rộng, 22- tay chân trắng hồng như màu hoa sen, 23- bụng thon nhỏ, 24- thân không rung động, nghiêng vẹo, 25- thân cao lớn, 26- tay chân mềm, sạch, trơn, bóng, 27- hào quang bốn bên phóng ra xa một trượng, 28- thuyết pháp âm theo tiếng nói của chúng sanh, 29- cất giọng nói hợp tiếng chúng sanh, 30- hết thảy chúng sanh xem dung tướng mãi không chán, 31- tóc dài mượt, 32- tóc không rối, 33- tóc cuộn quăng, 34- màu tóc như ngọc xanh, 35- tay chân coi dáng có đức, 36- nói chung toàn thân hình tỏa ra phước tướng trang nghiêm v.v... từ lỗ chân lông, từ nét đặc biệt tạo thành 80 vẻ đẹp.

Ấy là nhờ công đức tu hành tích lũy từ nhiều đời kiếp trước mới có được thân tướng như Phật.

 

 

---o0o---

Xem dưới dạng văn bản thuần túy