× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Thủ



4 - Phẩm NHƯ TƯỚNG thứ tư

Lúc bấy giờ ở phương Ðông quá bảy vạn tám trăm a tăng kỳ quốc, có một thế giới tên là Nhất Bảo Tụ, đức Phật hiệu là Vô Biên Bảo Lực hiện đang có vô số đại chúng cung kính vây quanh để nghe thuyết pháp. Phật Vô Biên Bảo Lực thọ ký đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác cho Bất Hư Hạnh Lực Ðại Bồ Tát mà nói như thế này: Nay Ngươi là Bồ Tát, kế sau Ta đây sẽ thành Phật. Lúc đó Bồ Tát Bất Hư Hạnh Lực ở giữa đại chúng thấy ánh sáng rực rỡ, nghe đại âm thanh rồi hỏi Phật rằng: Phật hiện ra ánh sáng và âm thanh gì thế?

-Phật đáp: ở phương Tây cách đây hơn bảy trăm tám vạn a tăng kỳ quốc, có một thế giới tên là Ta Bà, ở đó có đức Phật hiệu là Thích Ca Văn hiện đang thuyết pháp cho chư Ðại Bồ Tát, đoạn nghi ngờ chúng sanh làm cho chúng được hoan hỷ trong pháp tạng Ðại Thừa. Lúc đó Bồ Tát Bất Hư Hạnh Lực bạch Phật rằng: con muốn thân đến cõi Ta Bà để lễ bái cúng dường Thích Ca Văn Phật và để xem xét cõi ấy có đầy đủ trang nghiêm chúng Ðại Bồ Tát không.

-Phật bảo: ông nên biết thời, phải nhất tâm để sang cõi Ta Bà mới được. Tại sao thế? Vì chư Bồ Tát ở đó có đại oai đức khó ai hơn, khó có thể sánh bằng. Ông cho ta có lời thăm hỏi Phật Thích Ca Văn được ít phiền, ít bịnh, chỗ ở có được thư thái, tứ đại có điều hòa chăng? Và đem hoa sen này sang cúng dường Phật.

Lúc đó Bồ Tát Bất Hư Hạnh Lực từ chỗ ngồi đứng dậy đãnh lễ dưới chân Phật rồi đi nhiễu bên phải ba vòng; trong lúc đó thì bảy vạn tám ngàn Bồ Tát ở cõi kia bỗng biến mất, hiện đến cõi Ta Bà làm cho ba nghìn cõi đại thiên thế giới cây cối bỗng dưng không theo đúng thời tiết đều đơm hoa kết trái, mưa rải các thứ danh hoa hương thơm xông ngát với âm nhạc tuyệt vời đồng thời trổi lên. Lúc ấy Bồ Tát Bất Hư Hạnh Lực đi đến Trúc Viên đầu mặt lễ Phật, lấy tay xoa chân Phật rồi nói ba lần rằng: con là Bồ Tát Bất Hư Hạnh Lực. Phật bảo: ông không cần phải thủ lễ đến thế! Lúc đó Bồ Tát lạy Phật xong, bèn bạch Phật rằng: thưa Thế Tôn, đức Vô Biên Bảo Lực Phật thăm hỏi Thế Tôn có được ít bịnh, ít phiền, chỗ ở có được thư thái, tứ đại có điều hòa không? Ngài đưa hoa sen này sang cúng dường Thế Tôn. Phật nhận hoa xong bèn hỏi: Phật Vô Biên Bảo Lực có được an ổn, không hận, thân thể có được khỏe mạnh không?

- Ðáp: thưa Thế Tôn, Phật Vô Biên Bảo Lực được ít phiền, không bịnh và được an ổn, không việc gì cả... Phật bèn đưa hoa sen ấy tặng Bồ Tát Di Lặc. Lúc đó Bồ Tát Di Lặc tay cầm hoa sen và nói lời này: cầm được hoa này phải đủ thiện căn phước đức và lực nhân duyên làm cho kẻ thiện nam, tín nữ phát tâm vô thượng Bồ Ðề, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sanh. Tại sao như thế? Vì chúng sanh không gieo căn lành thì khó có thể giáo hóa, hoặc căn lành không đủ cũng khó có thể giáo hóa, căn lành mỏng cạn cũng khó giáo hóa, người ưa pháp nhỏ (tiểu thừa) cũng khó giáo hóa. Tại sao như thế? Vì từ trong hoa sen, nếu người nào muốn thấy mười phương chư Phật liền thấy ngay; cũng có thể thấy được Phật Vô Biên Bảo Lực, thế giới Bảo Tụ và chúng Bồ Tát. Vừa thấy cõi ấy liền được giải thoát tam minh, lục thông (37) như chúng đại Thanh Văn.

- Bạch Thế Tôn, hoa này do thiện căn, phước báo mà có, cho nên con đem cúng dường chư Phật, làm cho những người phát tâm cầu Phật đạo không bị chướng duyên; còn những người chưa phát tâm cũng làm cho họ phát tâm. Như Phật thấu triệt các pháp nên không còn có tướng hoại diệt, đạt thành đạo vô thượng; con đem tâm này dâng hoa cúng dường.

Lúc bấy giờ Phật hỏi ngài Bạt Ðà Bà La: Pháp là gì? Như Lai dùng pháp thông đạt không hoại mà đạt được đạo vô thượng chăng?

- Ngài Bạt Ðà Bà La bạch Phật rằng, thưa Thế Tôn: không có pháp như thế. Như Lai không dùng pháp thông đạt không hoại để thành Phật đạo. Tại sao? Vì Như Lai không phải là tướng của các pháp ấy. Phật không phải mang tên pháp hay phi pháp.

- Bạch Thế Tôn, không có chỗ nào đạt được pháp ấy cả, nếu có Như Lai ắt khởi cái tướng của pháp ấy rồi. Tại sao như thế? Vì các tướng có sanh ra đều do lục nhập (38) mà thành. Như Lai còn chưa có các ‘nhập’, huống là có chỗ đắc trong các tướng ư? Có quán xét như thế tức là thấy tướng, nên Phật nói tất cả các pháp không lấy, không bỏ, cũng không tùy thuận; như người thực hành được tướng ấy, gọi là Như Lai. Tại sao? Vì Phật muốn pháp ở trung đạo. Nếu thủ các pháp, thì bị hoại diệt, như không Như Lai mà NHƯ cho nên gọi là Như Lai. NHƯ ấy không có tướng, vì không tướng nên gọi là Như Lai. NHƯ ấy vô tận, vì vô tận nên gọi là Như Lai. NHƯ ấy không hoại, vì không hoại nên gọi là Như Lai. Các pháp như thật, vì như thật nên gọi là Như Lai. Vì thế, thưa Thế Tôn, tất cả pháp NHƯ tức là Như Lai, Như Lai tức là các pháp Như. Vì thế, thưa Thế Tôn, không có chỗ trụ nghĩa là Như Lai; ở chỗ thông đạt rốt ráo cũng không trụ. Vì thế, Phật bảo, như người nào ở trong pháp này không thủ, không bỏ, không thuận, không tranh, ấy gọi là tất cả phước điền thế gian.

Phật bảo ngài Bạt Ðà Bà La: Ngươi trụ nơi đâu mà nói ra lời này?

-Ðáp: thưa Thế Tôn, tất cả thế gian đều là chỗ trụ, con trụ trong đó mà bạch lời này. Bạch Thế Tôn, con không tham trước như người phàm phu. Tại sao thế? Vì chỗ trụ của người phàm phu là do tham trước bại hoại, biến đổi. Bạch Thế Tôn, con trụ trong thật tướng không giống như thế gian trụ. Các bậc hiền thánh đối với các tướng thế gian này không tranh, không hai mới gọi là trụ thế gian. Phàm phu theo pháp Hữu Vô này hành xử nên thế gian giống như ánh lửa bập bùng cháy qua lục nhập vậy. Thế gian vô thường do duyên sanh mà có. Thế gian bất tịnh khởi ra ác nghiệp, chỗ trụ thế gian là tướng hoại diệt, nên trụ trong vô trụ. Vì thế con trụ trong pháp vô nhị này mà nói ra lời như thế.

-Lúc bấy giờ Phật hỏi ngài Bạt Ðà Bà La, ta trụ trong pháp này mà thuyết chăng?

-Ðáp: thưa Thế Tôn, Phật sở đắc các pháp nên bỏ pháp không ai có thể biết được.

-Này Bạt Ðà Bà La, ta đắc pháp gì?

-Thưa Thế Tôn, Phật ngồi đạo tràng là pháp sở đắc, pháp hoặc phi pháp, hữu hoặc vô đều là sở đắc vậy.

-Phật bảo Bạt Ðà Bà La rằng: lành thay, lành thay! Như ông đã nói: Như Lai ngồi đạo tràng là chỗ đắc Pháp, là pháp, phi pháp cũng chẳng phi pháp. Ta đối với pháp này, trí không hành, mắt không thấy có hữu vô; huệ không thông thấu không thể hiểu rõ được có hỏi không đáp. Ðối với trong pháp này, không nhận, không lấy, không dơ, không sạch... Nếu ta nói pháp ấy mà tự cho là sở đắc, hoặc theo hình tướng thực hành pháp ấy đều mê hoặc cả.

Này Bạt Ðà Bà La, ta đối với pháp đây chỉ trừ chư Phật không chứng minh được, hoặc hiện thân Bồ Tát, một đời bổ xứ Bồ Tát ta cũng không thể chứng minh được. Người nghe pháp như thế đã lấy làm kinh khiếp lắm rồi, huống gì còn đem chia chẻ chứng minh được sao!
Xem dưới dạng văn bản thuần túy