× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Thủ



32 - Phẩm Ca ngợi gặp gỡ thứ ba mươi hai

A Nan bạch Phật rằng, hy hữu thay Thế Tôn! Nay đây trong đại chúng mọi người đều thanh tịnh. Phật bảo: đúng thế, đúng thế, A Nan! Như ông đã nói: trong chúng đây đều là những người thanh tịnh gặp nhau. Họ là chúng đại Bồ Tát cả.

A Nan, đại chúng trong hội này là hội sư tử, không còn sợ hãi, là hội đại long, hội đặc biệt, hội không thể so sánh. A Nan bạch Phật rằng, bạch Thế Tôn tại sao gọi là hội đại nhân, là hội sư tử? Này A Nan, vì trong các pháp đã phá hết vô minh làm lợi ích cho vô số chúng sanh, do phát đại nguyện nên gọi là hội đại nhân. Chư Bồ Tát phát nguyện trang nghiêm khéo thu nhiếp được Phật pháp nên gọi là hội sư tử. Lại nữa, A Nan như chúa sư tử trong hang sâu. Ở đó loài trùng thú không thể nào dám lại gần, vì không thể chịu được cái oai dũng của loài sư tử. Nếu có con nào lại gần chỉ nghe oai sư tử cũng đủ trốn mất dạng.

Này A Nan, đây là sự gặp nhau của chư Bồ Tát nên là hội đại nhân, hội đại sư tử, hội đặc biệt, hay còn gọi là hội không thể nào sánh được. Tùy theo chỗ ở hoặc ma, thiên ma làm cho người không dám lại gần, hay nếu có đến gần liền bị khốn đốn ngay, tâm sợ sệt, ẩn núp chẳng dám chườn ra, vì không thể chịu được đại oai đức của Bồ Tát. A Nan, như chúa sư tử hống lên ba lần, tiếng vang của nó lan xa trên một do tuần; trên và dưới mỗi nơi cũng đều nghe xa một do tuần. A Nan, tiếng sư tử chúa gầm làm cho những sư tử nhỏ khác đều phải khiếp sợ, huống gì loài chim muông. Voi chúa bạch tượng nghe tiếng gầm của sư tử cũng phải khiếp sợ không thể kềm chế được nên phát lên tiếng kêu thất thanh. Này A Nan, hội chư Bồ Tát là hội đại sư tử, hội không còn sợ hãi. Những người mới học mượn danh Bồ Tát như sư tử con nghe tiếng gầm lớn liền lẫn trốn. Này A Nan, trong đại chúng này, có những Bồ Tát bất thiện tham đắm, lợi dưỡng, mong được danh thơm lan rộng, nghe Ðại Bồ Tát nói pháp nhiệm mầu đều sợ sệt nên rơi vào hố sâu. Tại sao thế? Vì Ðại Bồ Tát nói pháp ‘không’, ‘vô tướng’, ‘vô tác’, những vị tiểu Bồ Tát chấp vào cái ‘NGÃ’, vào năm ấm, 12 nhập, 18 giới, cũng như chấp giữ giới, tu thiền định, trí huệ, chấp quả vị, cũng như Niết Bàn và Phật quả nên không thể kham nổi. A Nan, trong Phật pháp, sao gọi là không, vô tướng, vô tác? Tuy ta nói không mà kỳ thật trong đó không có pháp nào là không, cũng như không có chỗ nương tựa; KHÔNG là KHÔNG chứ không phải rỗng không. Này A Nan, ta nói vô tướng, trong đó không có pháp gọi là vô tướng, cũng không có chỗ để nương tựa; cũng không có pháp nào là vô tướng, cũng không là rỗng không. A Nan, ta nói vô tác trong đó không có một pháp nào gọi là vô tác cả, cũng như không có chỗ nương tựa, cũng không có pháp vô tác. A Nan, tuy Như Lai nói pháp có thể đoạn diệt mà kỳ thật trong đó không có pháp nào đoạn diệt cả, cũng không người đoạn, không có pháp đoạn, không có chỗ để đoạn. A Nan, tuy Như Lai nói có pháp có thể chứng mà trong đó kỳ thật không có pháp để chứng, không có người chứng, không dùng pháp để chứng, cũng không có chỗ chứng. A Nan, tuy Như Lai nói có pháp tu mà trong đó không có pháp nào được tu cả, cũng như không có người tu, không xử dụng pháp tu, cũng không có chỗ để tu. A Nan, tuy Như Lai nói pháp biến hoại mà trong đó không có pháp nào hoại cả, không người hoại, không dùng pháp để hoại, cũn g như không chỗ hoại. Tuy Như Lai nói pháp hữu vi mà trong đó không pháp nào là hữu vi cả, không có chỗ nương tựa, cũng không có chỗ dùng, đó là pháp hữu vi. A Nan, tuy Như Lai nói pháp vô vi mà trong đó không có pháp nào là vô vi, không chỗ nương tựa, cũng không có chỗ dùng, đó là pháp vô vi. A Nan, tuy Như Lai nói pháp bất tịnh mà trong đó không một pháp nào bất tịnh, không chỗ nương tựa, cũng không chỗ dùng, đó là pháp vô cấu vậy. A Nan, tuy Như Lai nói pháp tịnh mà trong đó không có pháp nào tịnh, không chỗ nương tựa, cũng không chỗ dùng, đó là pháp tịnh. A Nan, đó là tất cả pháp ấn (12) không hoại, không biến đổi, trong pháp ấn ấy không có tướng ấn. A Nan, nếu chư Bồ Tát đạt được pháp ấn gọi là người chân thật trong hàng sư tử, người độc hành, kẻ không sợ hãi. Ðem tiếng gầm sư tử mà dọa chúng ngoại đạo thì bọn họ tìm chỗ lẫn trốn hết, hàng phục bọn ma, những người tham chấp không thể sánh kịp, làm kinh đỡm kẻ tăng thượng mạn, làm kinh động người chấp ngã. Không tin có ma mà vui trong tinh thần người Phật tử, có thể vì chúng sanh trong mười phương mà khai tỏ Phật pháp, lập pháp tràng, gióng trống đại pháp, thổi ốc pháp làm các hàng Phật tử thấm nhuần pháp vị, phân biệt pháp thí hay diễn nói pháp cho người đủ căn lành. Này A Nan, như con sư tử chúa từ trong hang sâu đi ra gầm lên ba tiếng. Sư tử con nghe tiếng gầm ung dung thư thả không hề sợ sệt ngó dáo dác tứ bề. A Nan, đây là hội của các bậc đại trí sư tử, hội không sợ sệt, hội của những bậc đại trí. Vì các bậc chân Bồ Tát phát tâm vô thượng Bồ Ðề, căn lành đã thuần thục, nếu nghe được những pháp như thế, như sư tử con nghe tiếng gầm của chín loài sư tử thì không còn khiếp sợ, lại còn làm cho tâm thêm hoan hỷ. A Nan, như sư tử chúa theo chỗ ở đi đứng một mình không sợ sệt. Như thế hội đại sư tử là hội không còn sợ hãi, trong Phật pháp họ phát tâm đại trang nghiêm, là bạn lành khó sánh. Cái trang nghiêm bậc nhất vô nhị, suy nghĩ thế này: ta phải đạt thành vô thượng Bồ Ðề nên không có ai nào hơn, chứng đắc Phật pháp. A Nan, như sư tử chúa có sư tử cái đang thời kỳ thọ thai, một lần không có hai.

A Nan, hội sư tử, hội không sợ hãi, hội đại Bồ Tát có chư Bồ Tát phát tâm Ðại Thừa, nghĩ rằng chẳng thọ thừa nào khác. A Nan, như sử tử chúa muốn làm hại các loài thú hoặc lớn hay nhỏ đều phải vận dụng sức lực cả. A Nan, hội sư tử, hội không sợ hãi, hội Ðại Bồ Tát có thuyết pháp đều do nhứt tâm làm cho mọi người được hiểu rõ. Vì thế, A Nan, đại hội này gọi là hội sư tử vậy.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy