× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Thủ



21- Phẩm TÁN THÁN ÐỨC thứ hai mươi mốt

Lúc bấy giờ Phật bảo Xá Lợi Phất: lành thay! lành thay! ông khéo hỏi Phật về cách thực hành Phật đạo sâu xa của chư Ðại Bồ Tát, và những việc như tịnh công đức, tâm nhu hòa, nhẫn nhục... Công đức của ông thật vô lượng. Tại sao thế? Vì chư Ðại Bồ Tát thường làm những việc khó. Ví như có người muốn đem chúng sanh cõi tam thiên đại thiên dời qua một cõi khác. Việc làm này có khó chăng? Xá Lợi Phất thưa: thật là khó, thưa Thế Tôn. Phật bảo: muốn sánh những việc khó Bồ Tát làm trong trăm phần không thể nào sánh được một; trong trăm nghìn vạn phần cho đến dùng thí dụ cũng không thể sánh kịp.

Này Xá Lợi Phất, như đem cõi ba nghìn đại thiên thế giới có chúng sanh để ở kiếp thiêu thì, ba nghìn cõi ấy chỉ trong một nhoáng lửa cháy. Nếu có người nào dùng cái thổi dập tắt được lửa cháy thì cái thổi ấy, hoặc trong ngục đại thiết vi, các núi Tu Di và nước của đại dương, quốc độ, cung thành, vườn rừng, xóm làng, thôn ấp vẫn còn đầy đủ như thế. Ý ông nghĩ sao? Người kia làm như thế có khó không? Xá Lợi Phất thưa: thật là khó, thưa Thế Tôn. Phật bảo; muốn so sánh việc làm của Bồ Tát lại càng khó hơn, trong trăm phần chưa bằng được một; trăm nghìn vạn phần cho đến dùng thí dụ cũng không sánh kịp. Lại nữa Xá Lợi Phất, ví như có người muốn dùng móng chân phá tan ba nghìn cõi đại thiên, người ấy có được gọi là đại lực không? Ðáp rằng, thưa Thế Tôn: người kia đúng là đại lực vậy. Phật bảo: muốn sánh đại lực của Bồ Tát trong trăm phần không bằng được một; trong trăm nghìn vạn phần, cho đến thí dụ cũng không sánh kịp. Lại nữa, này Xá Lợi Phất, ví như trong ba nghìn đại thiên thế giới có cõi địa chủng dừng trên nước, nước dừng trong gió, có một người từ hướng gió nhẹ nhấc bỗng thế giới này lên, muốn kê đầu và vai vào vác, dang hai chân làm thang để đi lên tới cõi Phạm Thiên mà vẫn không rớt xuống. Ý ông nghĩ sao? Người ấy làm như thế có khó không? Xá Lợi Phất nói: người ấy làm phương tiện như thế thật là khéo. Mang theo ba nghìn đại thiên thế giới nương thang chân lên đến cõi Phạm Thiên mà vẫn không rơi xuống, là điều hết sức khó. Này Xá Lợi Phất, nay Như Lai muốn nói với ông lời thật này: muốn so sánh đại lực phương tiện của Bồ Tát trong trăm phần không bằng được một, trong trăm nghìn vạn phần, cho đến thí dụ cũng không thể nào sánh kịp. Tại sao thế? Vì chư Ðại Bồ Tát thành tựu được vô lượng thân tâm tinh tấn, phát đại nguyện rộng lớn, khéo phương tiện, mở đại trí huệ nên có nhiều uy đức lớn. Bồ Tát cầu được vô úy, mắt sáng suốt, luôn luôn tỉnh thức, tâm đại từ bi và hạnh bất hư; quán sát như tượng vương, hùng mạnh như sư tử, quán tướng vô kiến đảnh. Bồ Tát cầu đại pháp của chư Phật như thế, cũng mong được hạnh uy nghi cao tột bậc nhất, công đức không gì sánh kịp, nhu hòa không chi so nổi; thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, phương tiện thông đạt tướng các pháp. Như Lai không thể nào sánh kịp thần lực tự tại qua ba lần chuyển pháp, khéo biết rõ tâm niệm và việc làm của chúng sanh, biết rõ mọi giả danh của chúng sanh, biết hết sự giải thoát, giải thoát tri kiến của chúng sanh. Phật biết rõ chỉ quán (tu thiền định) của chúng sanh, biết rõ tu tập đạo hạnh và chứng quả của chúng sanh; cũng rõ biết chỗ biết chân thật của chúng sanh, biết rõ ngôn ngữ, âm thanh sai biệt của chúng sanh trong mười phương. Phật biết rõ tham trước sâu cạn hay xa lìa tham trước của chúng sanh. Trong các pháp mong được huệ "vô thọ", nguyện hiểu rõ các pháp không, nghiệp báo, trí huệ. Này Xá Lợi Phất, nói tóm lại, chư Ðại Bồ Tát sở cầu, sở nguyện, trí huệ, công đức và tùy hạnh nguyện, tùy chỗ thực hành mà đắc quả. Trong các việc ấy không thể dùng thí dụ, không thể nói nhân duyên. Ðại nguyện công đức trang nghiêm như thế, chỉ có Phật mới biết rõ. Người nào gần Phật mới có thể hiểu được.

Này Xá Lợi Phất, Thanh Văn do niệm tin mà thâm nhập, chư Bồ Tát cũng do tín tâm mà thấu suốt. Ông đã làm việc đại công đức, nên hỏi Phật những việc như thế. Nay ta vì ông mà nói một ít. Tại sao thế? Như ông hỏi việc của Bồ Tát thì không thể trong một ngày, một tháng, một năm, 100 năm, 1000 năm, trăm nghìn vạn năm hay trong một kiếp, 100 kiếp, 1000 kiếp, trăm nghìn vạn kiếp mà có thể nói hết được. Này Xá Lợi Phất, ông nên biết việc ấy trong vô số bất khả tư nghì kiếp cũng không thể nói hết được.

Này Xá Lợi Phất, Như Lai biết rõ chư Bồ Tát lúc đầu phát tâm còn kém cõi, rồi công đức, quả báo trãi qua trăm nghìn vạn kiếp nói cũng không thể hết được, huống nữa trong một ngày, một tháng, một năm cho đến 100 năm tích chứa công đức, phước báu đâu có thể nói hết được. Tại sao? Vì chư Ðại Bồ Tát lúc cầu đại trí đã khởi vô lượng công đức nhân duyên rồi. Xá Lợi Phất, chỗ thực hành của chư Bồ Tát không cùng tận muốn cho tất cả chúng sanh đều trụ trong pháp vô sanh (18) . Này Xá Lợi Phất, việc làm của chư Bồ Tát khó biết được, là cầu pháp nhiệm mầu. Vì chỗ thực hành của Bồ Tát sâu xa không nương tựa các pháp. Chỗ thực hành của Bồ Tát vô cùng không thể sánh được, nên đem trí tuệ Phật vô tận mới so sánh thôi. Chỗ thực hành của Bồ Tát vô cùng tận, không có giới hạn.

Thực hành bố thí như vậy, phương tiện như vậy; vật nào đáng cho, vật nào không nên cho, người nào đáng cho, người nào không đáng cho. Hạnh bố thí của Bồ Tát là xả bỏ tất cả vật chất đem cho chúng sanh. Bồ Tát giữ giới cũng không cùng tận, không kể ngày đêm, năm tháng, cho đến trọn đời mà có thể trong vô lượng a tăng kỳ kiếp. Vì hết thảy chúng sanh trong mười phương và Phật đạo mà tu hành tịnh giới, đó là việc làm của Bồ Tát vậy.

Này Xá Lợi Phất, chư Ðại Bồ Tát làm một việc gì xong thường ngồi tọa thiền trụ trong tư lương tịnh ấn tam muội, dùng nhất niệm dung hợp với trí huệ cùng tận để thông đạt tất cả các pháp.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy