× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Thủ



20-Phẩm Cầu Pháp thứ hai mươi

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn từ tam muội Bất Ðộng Biến an lành đứng dậy bảo Xá Lợi Phất rằng, chư Ðại Bồ Tát có bốn pháp hạnh được trí bất thối, vì khéo biết giữ tâm từ bi trí huệ tam muội, cũng là trí vô ngại nên được thập lực của Phật. Ðối với các pháp có trí phân biệt được vô ngại biện, vô đoạn biện, tiệp tật biện, nhạo thuyết biện, thâm biện, lợi biện, vô đẳng biện, được pháp tổng trì (3), thường gặp chư Phật, chánh tín xuất gia, phụng hành chánh pháp, đời đời sanh ra tài lợi dư dật, quyến thuộc sum vầy, sắc tướng không thiếu, thân không tật nguyền. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, sáu căn không thiếu; nói năng hoạt bát, trí không mê mờ, không hành tà đạo, chí không điên đảo, niệm không tán loạn. Nhớ tới việc trước tâm biết hổ thẹn, thường khéo suy xét, xa lánh việc ác. Chuyển thân đổi kiếp, không quên chánh niệm, chẳng mất bổn nguyện. Vì chư Phật mà gieo căn lành, vốn không chấp ngã và cái của ta; chỉ vì hết thảy chúng sanh đồng hành, không phân biệt tướng chúng sanh.

Tuy phân biệt pháp mà không nương pháp. Vì không nương pháp nên ma vương, dân ma và tà đạo không phá hoại được. Thẳng tiến Bồ Ðề, ngồi tòa đạo tràng, định trong các pháp niệm tịnh ấn tam muội. Dùng nhất niệm hợp với trí tuệ nên biết hết thảy vạn pháp có thể đắc, có thể đoạn, có thể chứng, có thể tu. Hoặc pháp hữu lậu (thế gian) hoặc pháp vô lậu (xuất thế gian) ; hoặc thế gian hay xuất thế, hoặc gần, xa, lớn, nhỏ, dài, ngắn... Hoặc quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc tâm sở hành, trí sở hành, tâm suy lường hoặc trí suy lường; tâm duyên hay trí duyên, tâm tưởng hay trí tưởng. Tâm số hay pháp số, do chúng sanh số hay giả danh mà có nên có thật pháp. Các tướng chung hay tướng riêng và mọi pháp do nhân hoặc do sự mà nói pháp. Tại sao thế? Hoặc dùng ngôn ngữ hay sự tướng, hoặc dơ hoặc sạch... tất cả đều là những danh từ qua ngôn từ thế gian. Như gọi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đầu, chân, lông, tóc v.v... mỗi phần của cơ thể đều là danh từ cả. Cũng như các pháp bên ngoài gồm có đất, nước, lửa, gió... mỗi mỗi chỗ có danh từ khác nhau. Như nói mặt trời, mặt trăng, phạm vương, đế thích, chư thiên, dạ xoa... Tùy theo hình tướng mà nói về hình tướng; tùy chỗ phân biệt và thẩm xét, hoặc nhân hay duyên, đạo hoặc hạnh, buộc hay mở, phương tiện hoặc diễn tiến; trí hay huệ hoặc trí phương tiện, và những kỹ thuật thế gian đều là những việc đẹp xấu như thế. Trong hết thảy pháp tư lương tịnh ấn tam muội dùng nhất niệm hợp với trí huệ để đạt đến cứu cánh; trừ diệt phiền não không còn sót thừa. Những gì là bốn pháp? Này Xá Lợi Phất: Ðại Bồ Tát phát tâm đại thừa, vì lợi ích tất cả chúng sanh mà phát tâm trang nghiêm rộng lớn. Phải suy nghĩ như thế nầy: tất cả chúng sanh vì tham dục, sân hận, si mê bừng bốc mạnh mẽ mà không có được lấy một hành vi thiện, khi chết rơi vào địa ngục, khó mong cứu thoát ra khỏi. Ta nay vì những chúng sanh này mà tích chứa phương thuốc đại trí huệ cứu chửa lành bịnh, làm cho chúng ra khỏi ba cõi; vì chúng sanh chẳng cần cầu thầy trị liệu nên được pháp tướng không hoại. Không hoại sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến đạo quả Niết Bàn...

Chư Bồ Tát lúc phát tâm, vì muốn cầu pháp nên phát nguyện rộng lớn trang nghiêm như thế. Vì sao gọi là pháp? Pháp có khả năng trợ đạo vô thượng Bồ Ðề, ấy là Phật Pháp, đoạn nghi ngờ chúng sanh làm cho chúng hoan hỷ trong kinh tạng Ðại Thừa để đọc tụng, thọ trì đúng như kinh điển mà tu hành. Tùy căn cơ lợi độn (ngu muội) của chúng sanh mà nói pháp. Bồ Tát chuyên tâm cầu pháp như thế, cho đến hiểu rõ một bài kệ bốn câu, dùng các phương tiện sâu xa với ý nghĩa cần thiết mà dẫn lời Phật thuyết. Hoặc thọ hay trì (5), đọc tụng, biên chép cho đến đem giảng pháp cho một người, trước hết nên phát nguyện là

muốn cho người này thuận theo giáo pháp, và tất cả chúng sanh cũng đều được hiểu rõ. Bồ Tát dùng nhân duyên thuyết pháp ấy làm trên và trước nhất, được chư Phật tùy hỷ, bậc trí tán dương. Như vậy, những gì là bốn pháp? Bốn pháp ấy là:

1) Ðối với Phật Pháp được niệm bất đoạn và quyết định

2) Thân kham chịu làm pháp khí

3) Vì chư Phật hoằng pháp hoá dộ chúng sanh

4) Ðạt được các pháp đà la ni (thiền định)

đời đời sanh ra gặp được Phật pháp, không rơi vào chỗ tà kiến.

Ở trong Phật pháp thường ưa xuất gia, xa lìa ngũ dục. Ðó là bốn pháp.

Bồ Tát lấy bốn pháp đây làm nhân duyên gieo căn lành nên được 10 pháp. Những gì là mười? Ở trong các pháp trừ các mối hồ nghi, biết được tâm vui thích của chúng sanh nên đạt được giải thoát vô ngại của chư Phật. Do giải thoát nên thân Phật ở mỗi lỗ chân lông thường phát ra trăm nghìn vạn ức vô số hào quang rực rỡ. Mỗi tia sáng chiếu đến trăm nghìn, vạn ức a tăng kỳ cõi. Trong mỗi tia sáng đều có trăm nghìn vạn ức a tăng kỳ vô số những hoa sen báu. Trên mỗi hoa sen báu đều có đức Phật ngồi. Mỗi vị Phật đều nói một pháp độ thoát cho trăm nghìn vạn ức chúng sanh được pháp bất hoại. Như Lai do lực giải thoát này mà nơi mỗi một lỗ chân lông đều tỏa ra ánh sáng và trăm nghìn vạn ức tia chớp sáng như núi Tu Di, cũng như tỏa ra vô số chất nước luân lưu... đều nhờ lực giải thoát vô lậu làm cho cả ba nghìn đại thiên thế giới đều thu gọn trong một lỗ chân lông, bỏ chấp cõi khác.Trãi qua vô số hằng hà sa các quốc độ chúng sanh không còn bị bức hại, cũng như chẳng còn phân biệt có ý tưởng vãng lai nữa.

Này Xá Lợi Phất, nhờ lực gải thoát vô ngại này Phật hiểu rõ ngôn ngữ khác nhau của chúng sanh trong 10 phương, cũng như hiểu rõ tâm niệm của chúng sanh trong trăm nghìn vạn ức a tăng kỳ kiếp; cũng như trừ nghi cho chúng sanh trong vô lượng a tăng kỳ cõi, những nơi không có Phật pháp. Cũng do lực giải thoát vô ngại nên điều phục (7) sự bừng bốc và tâm phân biệt của chúng sanh. Biết tất cả tướng các pháp sai biệt để quyết định chắc rằng hết thảy đều là không; trong đó không có tướng ngã và ngã sở (8) mà xa lìa các tướng hữu vi. Tại sao thế? Vì Như Lai xét trong các pháp hữu vi có những điều sai quấy làm mất hết các công đức lành, nên không một vật gì có thể giữ lại được cả. Do hiểu rõ như thế nên được pháp vô ngại này.

Này Xá Lợi Phất, Như Lai do lực giải thoát nên đạt được bốn pháp. Những gì là bốn? Bốn pháp ấy là:

1) Ðoạn diệt phiền não và tập khí (thói quen khó trừ)

2) Lúc Phật đi, nếu có chúng sanh nào sờ đụng chân Ngài thì trong 7 ngày được an lạc

3) Khi Phật xoay mình qua bên phải thì trong ngục sâu tám vạn bốn nghìn do tuần đều chuyển động như bánh xe xoay vòng.

4) Thường vui trong thiền định, tâm không tán loạn.

Này Xá Lợi Phất! Nói tóm tắt Bồ Tát cầu pháp phải dốc tâm trong Phật pháp. Lúc đó đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa này nên nói bài kệ:

Như người cầu Phật trí

muốn tâm đại từ bi

Ðạt trí huệ giải thoát

phải tôn kính giáo pháp

Muốn thần thông đạt được

đi lại cõi ba nghìn

biết rõ tâm chúng sanh

phải nên tôn kính pháp.

Như muốn từ một niệm

biết hết tâm mọi loài

là tâm vô hình sắc

hư huyễn không bền chắc.

Do vì tôn kính pháp

thường được quả báo tốt

cũng biết rõ chư Phật

và vô lượng Phật pháp.

Do vì tôn kính pháp

thất niệm (9) thường không mất

Ðời đời sanh chốn nào

được tăng thêm chánh niệm.

Do vì tôn kính pháp

sắc thân thường chẳng khuyết

Sanh ra tướng đoan chánh

các căn đủ khỏe mạnh

Và gặp được Phật Thánh

Gặp Phật tâm chánh tín.

Do vì tâm thanh tịnh

Thâm tín (10) cúng dường Phật

Ðời đời sanh nơi đâu

niệm tin tăng trưởng sâu

lìa ác ngũ dục xấu

thường ưa hạnh xuất gia.

do niềm tin sâu xa

Chuyên trì các giới hạnh

an trú trong thiền định

Chẳng lấy giới tự khoe

Vui trong các phép thiền

vẫn không cho là đủ

vì cầu chân trí huệ

nên trừ hết các lậu

Ưa thực hành trí huệ

mà chẳng chấp tướng huệ

do hành huệ vô tướng

Phật pháp tìm đúng hướng

được pháp huệ tỏ sáng

Phật ngợi khen tán thán

Bậc pháp khí xứng đáng

Hộ vệ Phật thần thông

Người được Phật gia hộ

và bốn trí vô ngại:

Biện tài vô cùng tận,

Lợi tha mà thuyết pháp

Ba: luôn hộ trì pháp

đầu giữa và sau rốt

thường hay tán dương Phật

Chúng sanh nhuần lợi lạc

được chư thiên hộ sát

long thần thảy kính cung

chư Phật hộ niệm cùng

Mười phương danh vang lừng

tiếng tăm không mất thường

ưa làm các hạnh lành

Các pháp quấy xa lánh

Phật đạo thường tu hành

Làm đèn sáng chánh pháp

Mối nghi ngờ trừ diệt

Tánh trí huệ tịnh thanh

hay trừ não chúng sanh

An trụ trong đạo Thánh

Chẳng nói điều tà ngạnh

Pháp tối thắng tu hành

Ðạo vô thượng thậm thâm.

Người ấy chẳng nương tâm

cũng chẳng phải không nương

biết tâm, pháp huyễn tướng

nên không thể dựa nương

Do tâm không nương đây

Phật đạo giữ tu thường

Ðại chúng nhóm đủ đầy

mà tâm không chấp trước

Thích giáo hóa các phương

Tránh những nơi ồn náo

không tham danh đắm lợi

xa thân bằng, các mối

không một mảy bợn nhơ

Tâm tịnh như hư không

Bồ Tát ấy ai trông

mà lòng không cung kính.

Nghe pháp như thế ấy

phải nhứt quyết học ngay

đạt được Phật pháp này

Lợi lạc chúng sanh thảy

Nương theo diệu pháp đây

không gặp chướng ngại nào.

Ta nói pháp chánh đạo

cho kẻ trí nghiệm giáo.

Lại này, Xá Lợi Phất, như Ðại Bồ Tát vì cầu pháp nên cần học rộng nghe nhiều, nghe nhiều các pháp phương tiện. Thế nào là học rộng nghe nhiều, nghe nhiều phương tiện?

Này Xá Lợi Phất, người đa văn nhờ nghe từ người khác mà được. Còn nghe nhiều phương tiện là tự mình chuyên tâm chánh niệm, nghe từ người khác, nghe chư Phật nói pháp, lời lẽ hợp đạo lý nên gọi là Tu Ða La, Kỳ Dạ, Xà Già La Na, Già Ðà, Ưu Ðà Na, Ni Ðà Na, A Ba Ðà Na, Y Ðế Vị Ða Già, Xà Ða Già, Quảng Kinh, kinh Vị Tằng Hữu, Ưu Bà Ðề Xá... đều gọi là nghe lời nói từ xa thuận hợp với đạo. Thế nào là tư lương chuyên tâm chánh niệm đối với các pháp phương tiện? Biết rõ năm ấm, mười hai nhập (11), mười tám giới (12), mười hai nhân duyên (13) ; từ duyên sanh pháp là đúng, sai, tốt, xấu, phân biệt, chọn lựa đều nhập pháp tánh, pháp tướng, pháp vị đều thông suốt như thế gọi là chánh niệm. Tại sao thế? Này Xá Lợi Phất ! Vì Như Lai phương tiện nói năm ấm chẳng phải năm ấm, nói 12 nhập, 18 giới mà chẳng phải nhập giới, nói 12 nhân duyên mà chẳng phải nhân duyên. Nói các pháp do duyên sanh nên không có định tướng; vì muốn độ chúng sanh mà nói như thế. Vì thế các Thầy nên theo nghĩa chớ y theo lời (14) . Người phàm phần nhiều không đủ trí nên theo lời; kẻ trí theo nghĩa chớ không theo lời.

Này Xá Lợi Phất, thế nào là ngôn thuyết? Sở dĩ có ngôn ngữ, văn tự khác nhau, do tướng tìm cầu, nhận biết, phân biệt, thấy, suy đoán, chứng minh, tu tập, có tướng, không tướng, theo tâm hay tâm số; có chỗ nghi lầm, có đây, có kia... Phân biệt bày tỏ các pháp như thế đều là ngôn thuyết. Này Xá Lợi Phất, thế nào là cái nghĩa phải nói ra để chỉ rõ mới gọi là nghĩa? Nếu chỉ phân biệt nghĩa gọi đó là ngôn thuyết. Vì thế, này Xá Lợi Phất ! Ông nên biết cái nghĩa không phải là ngôn thuyết. Do cái nghĩa đây, trong kinh ta nói Như Lai không giống người đời nói việc thế gian. Này Xá Lợi Phất, chỉ có Như Lai dùng phương tiện nói ấm, giới, các nhập, mười hai nhân duyên, từ duyên sanh pháp, ngoài ra không còn gì khác. Này Xá Lợi Phất, Phật thuyết pháp và chọn các pháp không tranh cãi. Sao gọi là pháp? Thế nào là chọn pháp? Này Xá Lợi Phất, mắt là pháp, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là pháp. Tại sao thế? Vì mắt ở quá khứ, vị lai còn chưa có, huống gì là hiện tại ư !. Tại sao thế? Vì tánh của mắt tự nó đã là pháp; tai, mũi, lưỡi, thân, ý, quá khứ, vị lai đều không, huống gì là hiện tại. Tại sao thế? Vì tánh của ý tự nó đã là pháp. Còn tuyển trạch là sao? Là chọn lựa như chọn mắt, vì mắt do duyên sanh không, không tướng nhất định. Nếu có định tướng mắt phải là mắt. Nếu mắt chính là mắt thì cả hai mắt như vậy có thể thấy được cả bên trong. Vì có sự sai lầm như thế nên tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều như vậy cả. Thế thì chọn lựa gọi là pháp nhãn. Trong nghĩa này, bậc chánh kiến đại sĩ nên quán sát mắt là từ giả danh. Nhãn, pháp và pháp nhãn trong ba thứ, cái nào là thật? Nên biết rằng, cả ba đều không, vì đều do ngôn thuyết, không một cái nào thật cả. Tại sao thế? Có ngôn thuyết, tức còn theo chỗ hiểu biết. Cái biết ấy hoàn toàn là pháp thế gian. Pháp thế gian không phải xuất thế gian mà hễ không phải xuất thế gian là nghĩa của ngoại đạo. Nếu nghĩa của ngoại đạo không phải của Phật thuyết. Tại sao? Vì Phật nói pháp xuất thế gian. Pháp xuất thế gian không phải là ngôn thuyết. Lời nói làm ngăn cách đạo, tâm hành, cảnh diệt. Vì thế, Phật tuy ngôn thuyết mà không chấp vào ngôn thuyết. Nghiệp thiện hay bất thiện đều do nhân duyên sanh. Tại sao thế? Vì mắt phân biệt vậy. Phân biệt là thế nào? Là từ mười hai nhân duyên phân ra thành tam hữu (15) .

Này Xá Lợi Phất, sao gọi là có phân biệt? Vì tự nghĩ rằng ta phải được con mắt như thế. Mỗi mỗi cái phân biệt, ưa thích là kết quả của mắt tiếp xúc với trần cảnh. Nếu mắt là mắt thật của ta thì ta làm chủ, nên gọi là có phân biệt. Hễ có tiêu diệt lại có phát sanh mạnh mẽ. Tất cả mọi khổ não đều vì TA và Cái của ta. Vì bị mắc kẹt hai bên nên gọi là có phân biệt. Này Xá Lợi Phất, cũng như chất đồng chạm nhau phát ra thành tiếng. Ông cho tiếng ấy đến từ bên ngoài hay phát xuất từ bên trong? Ðáp: thưa Thế Tôn, tiếng do các duyên mà có, chẳng phải ở trong mà cũng chẳng phải ở ngoài.

Phật hỏi Xá Lợi Phất: ông đã thấu đạt được các duyên của pháp này chưa? Ðáp: chưa đạt được. Phật bảo rằng, âm thanh vốn vô sở hữu, chỉ mượn các duyên lừa dối nhỉ căn thôi. Kẻ phàm phu con mắt thấy không thế nên sanh ra tham chấp. Trong con mắt, cái tướng của mắt hoàn toàn không có. Xét kỹ đến cùng như vậy không còn tham chấp, mới gọi là tuyển trạch. Sở dĩ nói vô nhãn, cũng như không có tướng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều như thế cả.

Lúc ấy đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa này nên nói bài kệ:

Nói rằng mắt vô thường

tức mắt vô sở hữu

Vì mắt vô sở hữu

Ai làm mắt vô thường.

Nói rằng tai vô thường

tức tai vô sở hữu

Vì tai vô sở hữu

Ai làm tai vô thường.

Nói rằng mũi vô thường

tức mũi vô sở hữu

vì mũi vô sở hữu

Ai làm mũi vô thường.

Nói rằng lưỡi vô thường

tức lưỡi vô sở hữu

vì lưỡi vô sở hữu

Ai làm lưỡi vô thường.

Nói rằng thân vô thường

tức thân vô sở hữu

vì thân vô sở hữu

Ai làm thân vô thường.

Nói rằng ý vô thường

tức ý vô sở hữu

Vì ý vô sở hữu

Ai làm ý vô thường.

Do theo mười hai nhập

nên có mười hai tên.

mười hai ấy tạo nên

mới có mười hai nhập.

Nhân đất, nước, lửa, gió

kết hợp nên con người.

Kẻ phàm theo danh tự

như chó đuổi bình đá.

Nếu người không theo danh

Ngã phân biệt không thành

Biết ngã do giả danh

là người được vắng lặng.

Trong vắng lặng không pháp

mang danh là vắng lặng.

Như thế nói vô thuyết

vô thuyết tức tịch diệt (vắng lặng) .

Vô khứ pháp ấy thiệt.

cũng chẳng phải vô khứ.

Người rõ pháp như thế

tức biết tướng tịch diệt.

Nếu tâm cảnh vắng lặng

dứt các đường ngữ ngôn

vô ngã, vô chúng sanh

ấy tịch diệt là danh

Chẳng phân biệt có, không

thì phân biệt cũng không.

Nếu tâm tưởng Niết Bàn

thì tâm cũng chẳng có

Trong pháp chẳng thấy xa

cũng chẳng thấy gần cả.

Thông đạt được huệ nhãn

nghĩa tịch diệt thấu rõ.

Nếu người nghe pháp đó

cố quán sát đắn đo

nên trừ mọi mối nghi.

Dứt sạch hết ngu si

không lầm cũng chẳng nghi

Thanh lặng chả sợ gì

An trụ thật tướng này

Ðối pháp không ngăn ngại

Bồ Tát, Ðại Bồ Tát

lưới mê tự trừ dứt

thương xót khắp chúng sanh

Nói pháp dứt nghi tình

Do nghĩa thâm diệu nầy

Pháp thật tướng hiển bày

Trừ mọi hý luận ngay.

Các vị chớ hồ nghi

Ngôn thuyết là tranh tụng

Nhân đọa vào ác thú

người tham chấp như thế

Nói chánh pháp không thể

Theo danh nghĩa như thế

thì không còn buồn lo

gần đạo vô thượng thừa

Nên thực hành nghĩa ấy.


Lại nữa, này Xá Lợi Phất, Ðại Bồ Tát trong bốn việc này phải cần hành tinh tấn. Những gì là bốn?

1/ Vì xuất gia nên cần tinh tấn

2/ Ở nơi xa vắng nên cần hành tinh tấn

3/ Trong Phật giáo cần hành tinh tấn

4/ Thấy chúng sanh khổ cần hành tinh tấn, như thế là đạt được đạo vô thượng Bồ Ðề.

Nên suy nghĩ thế này: khi nào ta được tỏ ngộ, diệt khổ chúng sanh nên phải thuyết pháp. Này Xá Lợi Phât, ta đang vì ông mà nói Bồ Tát phải cần hành tinh tấn, mới chóng đạt thành vô thượng Bồ Ðề. Ông phải nghe cho kỹ, này Xá Lợi Phất, lui về quá khứ vô lượng vô biên số kiếp khó thể nghĩ bàn, lúc bấy giờ có đức Phật hiệu là An Vương thọ bảy vạn tuổi, vì chúng Thanh Văn mở ba hội nói pháp. Hội ban đầu có hai mươi ức người chứng quả A La Hán, hội thứ hai có 40 ức người chứng A La Hán và hội thứ ba có 60 ức người được chứng quả A La Hán. Lúc bấy giờ cõi Diêm Phù Ðề rộng đến chín vạn do tuần; trong đó có 8 vạn 4 nghìn thành lớn. Mỗi một thành dài đến 12 do tuần, rộng 7 do tuần đều do kim ngân, lưu ly, pha lê, trân châu, xa cừ, mã não, bảy báu hợp thành. Những thành ấy trang nghiêm, thanh tịnh bậc nhất. Nhân dân trong thành sung túc giàu vui an ổn. Những thành kia có bảy lớp hào bao bọc xung quanh đều toàn bằng bảy báu. Trong mỗi một hào đều có nước chảy bao quanh với những hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, đủ loại la liệt trên mặt nước; và nhiều loại chi thú lạ như diều, nhạn, uyên ương, hồng, hạc, khổng tước, đười ươi đùa giỡn trong đó. Trên bờ hào đều có bảy lớp báu, bảy lớp hàng cây như cây vàng, cành bạc, nhánh mã não, lá lưu ly. Pha lê là hoa thì mã não là quả, rễ trân châu. Cây bạc, cành vàng, nhánh pha lê, lá lưu ly, hoa xa cừ, quả mã não, rễ bằng trân châu. Cây bằng lưu ly thì san hô là cành, xa cừ là nhánh, lá mã não, hoa bạc, quả vàng, rễ pha lê. Cây bằng xa cừ thì mã não là cành, nhánh san hô, lá bạc, hoa vàng, quả pha lê, gốc lưu ly. Cây bằng mã não thì san hô là cành, nhánh bạc, lá vàng, hoa pha lê, quả lưu ly, rễ xa cừ. Cây bằng san hô thì cành vàng, nhánh bạc, lá pha lê, hoa lưu ly, quả xa cừ, rễ mã não. Tại mỗi thành đều có tám vạn hoa viên, ngang rộng đến hai mươi do tuần, tường vách bằng thất bảo bảy lớp vây quanh. Mỗi hoa viên đều có bảy báu, bảy từng lầu các, bảy lớp mành che, bảy lớp lưới giăng che phủ bên trên. Hào báu có bảy lớp thành trang nghiêm như thế và, trong những hoa viên có nhiều cây quí như chiên đàn, trầm thủy, ca la na... cũng có những loại cây tỏa mùi thơm, cây trổi âm nhạc và nhiều loại cây có hoa, cây ăn quả, những cây làm đồ dùng, cây dùng làm thuốc. Trong số những loại cây ấy cũng có những cây vàng, cây bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, san hô. Có đủ loại hoa như a đề mục đa, hoa chiêm bặc, bà lợi sư hoa, hoa đà già lê, hoa văn đà la, hòa lợi hoa, đa lợi la hoa, hoa cù đa la lợi, hoa mạn đà la, hoa ngũ sắc, hoa nguyệt thượng... có nhiều loại hoa như thế. Trong vườn có bảy trăm ao lớn ngang rộng năm dặm, có nước tám công đức (16) đầy cả trong ao. Ðáy ao trãi toàn bằng cát vàng và trang hoàng bằng bảy báu trang nghiêm, có bốn thang báu, lưới báu che phủ. Có những hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng đủ loại trãi trên mặt nước. Lúc bấy giờ vua cõi Diêm Phù Ðề là Kiền Ðức có xây cung điện trong tám vạn bốn nghìn thành lớn ấy. Mỗi cung điện có tám vạn bốn nghìn dâm nữ được chọn làm quyến thuộc. Trong những thành ấy có một thành lớn rộng đến 40 do tuần, dài 80 do tuần. Vua Kiền Ðức ở trong thành lớn ấy. Thành đều dùng toàn đồ bảy báu trang hoàng cực kỳ lộng lẫy như trên. Nhân dân ở đó được giàu vui an ổn, sung túc. Trong đại thành ấy cung vua chu vi rộng 10 do tuần đều toàn bằng thất bảo đẹp đẽ. Trong cung vua có những điện đường, lầu quán. Trong đó có một điện lớn gọi là pháp điện trang nghiêm rực rỡ hơn điện Ðế Thích. Tại cung nội có một hoa viên đẹp gọi là Thiện Pháp. Trong hoa viên có nhiều loại cây, nhiều thứ hoa, cây tỏa mùi thơm, cây trổi âm nhạc, và những cây anh lạc; các thứ cây làm quần áo, cây làm thuốc... đều bằng thất bảo, những cây ấy trang trí hoa viên.

Cung vua trang trọng nghiêm chỉnh rộng rãi, cao sang và có một đài lớn đều bằng thất bảo; bảy báu trải rộng giăng ra phủ kín cung nội.

Này Xá Lợi Phất, vua Kiền Ðức có bà vợ thứ nhất sanh được thái tử mà trước đó đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, nên được mọi người rất yêu kính vô cùng. Thái tử có oai tướng, phước đức đầy đủ. Nhà vua giao cho thái tử thành lớn ấy và buộc phải ở trong thành. Ngày sinh thái tử trong thành có 40 ức người nữ cùng sanh một lượt. Nhà vua liền ban sắc lệnh cấp họ cho thái tử làm gia quyến. Vua và phu nhân nhóm họp các đại thần lại, đặt cho con tên là Diệu Ðức. Khi sanh thái tử, chư thiên mừng vui trổi các thứ nhạc khúc, mưa hoa mạn đà la, phát ra tiếng nói rằng, thái tử Diệu Ðức nay sanh ra đời, thái tử ra đời nên gọi là Diệu Ðức. Dần dần thái tử lớn lên cùng bọn dâm nữ quyến thuộc ấy vây quanh vào vườn thưởng ngoạn, cỡi thuyền chiên đàn vui chơi ngũ dục. Lúc đó dưới nước, đức Phật hiện ra thân tướng trang nghiêm chưa từng có, sáng sạch chói ngời như ánh hồng sáng chói qua năm tháng; như thoi vàng ròng, như núi lửa vàng, như trụ báu tốt. Phật có đủ 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp, nơi thân tỏa ra trăm nghìn vạn ức ánh sáng rực rỡ, chung quanh có chúng đệ tử theo nghe pháp. Thái tử được trông thấy xong, liền tự suy nghĩ: người này đoan chánh, tướng mạo đĩnh đạc, thì tại sao ta không được như thân tướng ấy? Lúc thái tử đang nghĩ ngợi như thế Phật liền biến mất. Vì không còn thấy Phật nữa, thái tử sanh lo buồn. Từ đó, thái tử không vui đùa với bọn dâm nữ nữa, không gần gũi nữ sắc nữa. Thái tử từ thuyền bước xuống, lên lầu thất bảo ngồi kiết già (17), tự nghĩ rằng: lúc nào ta mới được thân tướng như Phật? Lúc đó bọn dâm nữ muốn đến vui đùa, thái tử ngoảnh lại trông thấy liền phát nhàm chán, đóng cửa không tiếp. Thái tử nghỉ thế này: chúng sanh càng nhiều tham dục thì khổ não cũng nhiều. Ta mong muốn được thân tướng tốt đẹp và được đại trí huệ. Ta cùng bọn tham dục, bệnh phiền chúng sanh có gì khác biệt? Ta là hành nhơn, còn họ chẳng phải hành giả. Chúng sanh sân hận bừng bốc nên khổ não càng nhiều. Ta mong muốn được thân tướng trang nghiêm, trí huệ tột cùng. Ta cùng bọn chúng sanh sân hận, ưu phiền này có gì sai khác? Ta là hành nhơn, còn kia chẳng phải là hành giả, ta nên tự điều phục trong chúng sanh không còn giận phiền nữa. Chúng sanh phần nhiều ngu si quá đổi nên càng lắm khổ não. Ta mong muốn được thân tướng cực đẹp, có trí huệ sáng suốt. Nếu ta cũng giống bọn ngu si phiền muộn chúng sanh thì có gì khác biệt?. Ta là hành nhơn, còn kia đâu phải là hành giả. Chúng sanh bị keo kiệt, ganh ghét buộc chặt nên càng nhiều khổ não. Nếu chúng ta cũng đồng như những chúng sanh keo kiệt, ganh ghét có gì là khác biệt? Ta phải diệt tham dục, sân si, ở trong chúng sanh khởi tâm đại từ bi, vì muốn cầu chánh đạo. Nhờ chánh đạo mà xa lìa hết thảy tham lam, sân giận, si mê, keo kiệt, ganh ghét, và những tâm niệm bất thiện. Ðã có tâm xa lìa như thế, nên ưa các phép nhiệm mầu chẳng còn thích du hí nữa mà muốn ngồi tư duy một mình để xa lánh những nơi ồn náo.

Lúc đó vua Kiền Ðức và phu nhân nghe thái tử không còn ham du hí nữa, xa lánh ngũ dục và thấy bọn dâm nữ bị ngăn cấm không được vào. Hai người bèn suy nghỉ: ai làm phiền muộn thái tử khiến chẳng vui trong ngũ dục, không thích nô đùa, lại xa lánh nữ sắc? Chúng ta nên đến hỏi thái tử xem. Nghĩ thế rồi, vua và phu nhân liền đến chỗ thái tử dùng kệ nói rằng:

Con ở nơi thanh tịnh

cung nữ được đầy đủ

Cây báu, vườn lộng lẫy

sao con lại kém vui?

Ở trong đại thành này

pháp điện cao sang thay

bao giáp khắp bốn bên

Sao con lại kém vui?

Người nào gây nên sự

để phiền muộn tâm con?

Con ngồi rầu vóc mòn

như khách buôn mất của.

Ta là cha mẹ hỏi

con phải thật tình nói.

Ai giải tỏa thắc mắc

ta mới được an tâm.

Lúc đó thái tử dùng kệ đáp rằng:

Không ai gây ra cả

Sao phải nói dối trá

chớ vu họa cho người

mà phải trị tâm mình.

Trên nước con vui đùa

thấy Phật tướng tuyệt vời

như lõi vàng Diêm Phù

rực rỡ khắp mười phương

chói sáng tày nhật nguyệt.

Ðèn chiếu và sao rọi

Phật quang làm mất dạng.

Con thấy tướng như vậy,

nên mong muốn đạt được

thân, trí huệ như Phật.

để độ già, bịnh, chết

mê, não, khổ chúng sanh

được thân tướng trang nghiêm

trí huệ khó nghĩ bàn.

Rộng lợi lạc hữu tình

khiến lìa cõi tử sanh.

Con dứt các dục tính

dâm nữ bọn gia quyến

Nay xuất gia hành thiện.

quyết làm Phật tu tiến

Mặc pháp phục đoan chánh

chuyên tu tập pháp lành.

Cha mẹ nên chí thành

xuất gia tu đạo hạnh.

phải tu tập pháp chánh

Bất an ngũ dục lánh

ái dục hại pháp lành

buộc lao ngục thọ sanh

không có phương cởi mở.

Con quyết tâm xa hẳn

thực hành hạnh thanh vắng

được huệ Phật tối thắng

Trong Phật pháp xuất gia

Nếu ai làm cản đà

Kẻ ấy chẳng lợi tha

Con thương họ làm sao !

Nhà, con, của ích nào

giàu sang ấy vô thường.

Những ai mãi ấp ôm

chẳng lâu thảy tiêu tan.

Xuất gia nhân hạnh tròn

Thiện pháp hiện phát sanh

Vào ra chốn tử sanh

Ðời đời chịu khổ não

như thế tiếp nối mãi

không định rõ con ai.

Ðối pháp không chánh quán

chấp gỉa danh như thế.

Chớ giữ con sanh tệ

Cùng xuất gia một thể.

Ta xa lìa nạn dữ

được thân người đầy đủ

thiện pháp đã tin sâu

nên gặp Phật An Vương

Nay mới xuất gia được.


Thái tử Diệu Ðức nói bài kệ xong, liền đích thân đến chỗ Phật An Vương đầu mặt lạy sát chân Phật, chấp tay hướng về Phật mà nói bài kệ rằng:

Con sanh trong lưới ma

đầy dẫy các hạnh tà.

Nay muốn chừa bỏ cả

Nguyện theo Phật xuất gia.

Tình con, cha buộc chặc

trong bao mối ràng rịt.

Ðây không thật bền vui

chỉ gốc của khổ thôi.

Con muốn mở trói ra

Bẻ dẹp các lưới ma

Nương Phật phát xuất gia.

Thành Túc Tôn Phật Ðà.

Con kinh sợ dục lạc

Vì dục lạc bất an

Mong vì pháp dứt si

Hành đạo nên xã ly.


Này Xá Lợi Phất, lúc Phật An Vương nghe thái tử Diệu Ðức xuất gia thọ giới, liền có 8 vạn 4 nghìn quyến thuộc cùng bọn dâm nữ cũng theo xuất gia. Lại còn hàng trăm ức chúng thiện tri thức khác cũng xuất gia theo. Nhà vua nghe thái tử xuất gia học đạo liền phái tứ binh cùng các đại thần đích thân đến đảnh lễ Phật An Vương, rồi chấp tay đứng một bên hướng về đức Phật mà nói kệ rằng:

Xuất gia không phiền não

Vắng lặng vui an hão

Dục lạc gốc đọa sa

Nguyện theo Phật xuất gia.

Xa vợ con, sơn hà

cùng thân bằng quyến thuộc.

Thọ dục lạc không nhàm

dơ uế thói thường phàm

kẻ thiển trí đắm tham

vui say trong ngũ dục.

Xưng tán tu pháp Phật

mọi khổ đau diệt sạch

bỏ tài sản, quốc thành

cúng Phật và chúng tăng

Mong Phật cho xuất gia

thành Phật khắp được tôn.

Vì lợi ích chúng sanh

độ hết thảy khổ ách.

Muốn xa lìa chướng hoạnh

hoạn nạn được vắng lặng.

Phật hoan hỷ tán dương

lành thay phát đại tâm !

Tôn kính Phật trí thâm

hay thay chí xuất gia !

Nghe xong vua ưng thuận

sanh tâm đại vui mừng

Lưỡng Túc Tôn (18) chắc thành

Ngưỡng Phật an ủi lành.

Vua quyết xuất gia liền

cùng với bốn chúng binh

Tâm Bồ Ðề phát sanh

Ðạo vô thượng chứng thành

Chúng đã xuất gia xong

chứng được pháp vô sanh.

trọn đời tu tập hạnh

thiên thượng được tái sanh

Gặp bậc đại danh văn

hai mươi ức đức Phật

đều nương nơi Phật pháp

Xuất gia hành chánh đạo

thường tu hạnh tinh tấn

được trí không sợ sệt

làm lợi lạc chúng sanh

thoát qua vô lượng khổ.

May gặp Phật như thế

thọ trì chánh pháp dễ

đem truyền bá rộng sâu

không hề tiếc tự thân

Ðược quả tốt thập phần

nhờ trí huệ tối thượng

Chứng pháp bất tư nghì

Ai chẳng cầu Phật đạo.

Phật bảo Xá Lợi Phất rằng, vua Kiền Ðức lúc đó không ai khác hơn là chính thân ta đây vậy. Còn thái tử Diệu Ðức chính là Kiên Ý đại Bồ Tát. Như thế, này Xá Lợi Phất, Ðại Bồ Tát do pháp an lạc mà thấy chúng sanh bị phiền não khổ đau bức bách, khởi tâm đại từ bi giáo hóa làm cho chúng nương theo thiện pháp, do nhân duyên đó dần dần được giải thoát. Lại nữa, Xá Lợi Phất, chư Ðại Bồ Tát ưa pháp nhiệm mầu nên cầu pháp vi diệu; rồi vì chúng sanh mà nói pháp nhiệm mầu ấy. Pháp nhiệm mầu là gì? Là những pháp mà người tinh tấn thường thực hành. Những người tinh tấn ấy chính là chúng Ðại Bồ Tát -những người cầu đạo bất thối chuyển - là những vị thông đạt các pháp. Thông đạt các pháp là thế nào? Như người chấp tướng của mắt, tức là theo cái giả danh, chẳng phải kẻ thông đạt tướng các tướng. Cái danh chẳng phải ở trong, chẳng ở ngoài; chẳng phải ta hay cái của ta, chẳng dơ, chẳng sạch, chẳng sanh, chẳng diệt. Tại sao thế? Vì tánh của nó thường hằng như vậy. Tánh pháp ấy không tạo tác, cũng chẳng phải có tạo tác. Ấy là mắt thông đạt các pháp mầu nhiệm. Người tìm cầu tướng của tai, mũi, lưỡi, thân, ý, tức theo cái giả danh chẳng phải kẻ thông đạt các pháp. Cái danh thì chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ta hay cái của ta; chẳng dơ, chẳng sạch, chẳng sanh, chẳng diệt. Tại sao thế? Vì tánh nó là như vậy. Tánh pháp không tạo tác, cũng chẳng phải có tạo tác. Ấy là ý thông đạt các pháp mầu nhiệm.

Này Xá Lợi Phất, người đạt pháp mầu nhiệm, tức thấu hiểu thật tướng các pháp. Như chấp giữ pháp ‘Không’ là người vọng chấp; còn như chấp không tướng tức là có tướng; không mong cũng là mong rồi vậy. Này Xá Lợi Phất, tánh của pháp bản lai vốn không tăng không giảm. Như thế mới gọi là thông đạt các pháp; cho nên chư Ðại Bồ Tát là kẻ tinh tấn vậy. Này Xá Lợi Phất! Lấy nghĩa gì mà cho rằng Bồ Tát thật thấu suốt biết rõ không có chúng sanh pháp, nên gọi là Bồ Tát? Ấy là những người thực hành trí huệ làm đầu nên gọi là Bồ Tát. Các vị còn làm cho chúng sanh biết pháp thực hành đều là vô sở hữu nên gọi là Bồ Tát. Lại này Xá Lợi Phất, cái nghĩa của vô sở hữu là nghĩa Bồ Tát, vô sở nguyện cũng chính là nghĩa Bồ Tát, cho nên cái nghĩa ‘Bồ Tát’ không hai, không chướng ngại. Này Xá Lợi Phất, không lỗi, không mất là Bồ Tát. Xá Lợi Phất này, pháp Không chính là Bồ Ðề. Không là gì? Tất cả các pháp đều KHÔNG nên gọi là không. Xá Lợi Phất, nếu trong các pháp mà còn thấy cho đến có một vật nhỏ nhiệm nào, là còn chấp tướng, chấp ngã, nhơn, tướng chúng sanh, tướng các pháp... Trong các pháp KHÔNG thì không có các tướng ấy, nên gọi là không. KHÔNG tức là Bồ Ðề. Do nghĩa này nên tất cả các pháp đều gọi là Bồ Ðề. Này Xá Lợi Phất! Ông nên theo lời Như Lai dạy, chớ nên đi ngược lại. Tại sao thế? Vì giáo pháp chư Phật là mầu nhiệm bậc nhất mà hết thảy người phàm phu không thể sánh kịp. Này Xá Lợi Phất! Vã lại, còn ở địa vị phàm phu các bậc Thanh Văn, Bích Chi Phật, người ta không thể thấy, cũng không quán sát, cũng như không thể đạt được. Các pháp chư Phật tuy tận dụng tri kiến cũng không thể quán xét hết được. Lấy gì cho rằng pháp hết trí hiểu biết hết? Không có một pháp nào hết cả. Như lìa các pháp đi vào chỗ rốt ráo tận cùng nên nói là trí hết, thật ra không biết được mỗi niệm có sự diệt tận như vậy. Vì chưa diệt tận như thế nên nói Thanh Văn, Bích Chi Phật, người thường không thể thông đạt được Phật pháp.

Này Xá Lợi Phất, trí vô sanh ấy trong các pháp còn không sanh một mảy may. Biết được như thế gọi là trí vô sanh. Bậc Thanh Văn, Bích Chi Phật, người thường không thể biết được, thế nên Phật trí khó nghĩ bàn, không ai sánh kịp. Lại nữa, trí ấy không có tà chánh nên bình đẳng. Này Xá Lợi Phất, trí tuệ Như Lai là trí chánh giác thấu suốt không sai lầm, nên gọi là Phật huệ, là trí tuệ của Phật. Trong vô biên a tăng kỳ kiếp phải tìm cầu mới được trí huệ ấy, nên gọi là Giác. Này Xá Lợi Phất, vì sao Như Lai gọi là bậc Giác? Vì tất cả chúng sanh ngủ say trong sanh tử nên bị lỗi lầm hay có mất đi cũng không hay biết. Chỉ có Bồ Tát duy nhất giác ngộ nên gọi là người tỉnh thức. Lại này Xá Lợi Phất ! Biết thấu rõ vạn pháp nên gọi là bậc giác. Chánh giác là gì? Là biết tất cả pháp, phi pháp, chẳng phải phi pháp, không dơ, không sạch, chẳng quá khứ, hiện tại, vị lai; tùy theo tướng pháp mà biết nên gọi là giác. Cũng như biết được không pháp nào sanh hay diệt, đến hoặc đi nên gọi là bậc giác. Này Xá Lợi Phất ! Cái nghĩa "Giác" ấy dò tìm trong vô lượng vô biên bất khả tư nghì cũng khó cùng tận. Ví như nước biển chỉ có một vị không tăng không giảm, nhận các dòng nước mà vẫn không tràn, dần dần chuyển vào chỗ sâu thật sâu cho đến cùng. Này Xá Lợi Phất ! Biển trí Như Lai cũng thế, không, vô sanh diệt, chỉ một vị giải thoát, tùy theo thứ lớp thuyết pháp dần dần thành sâu mầu. Ðược tất cả trí gọi là thâm sâu bậc nhất, rốt ráo thông đạt vô thượng Bồ Ðề. Ðối với các pháp không sai lầm nên không tăng giảm. Mọi điều nghi vấn không cùng tận nên gọi là không giảm. Có thể chứa các công đức lành như tiếp nhận mọi dòng hải lưu. Này Xá Lợi Phất ! Như ta nói hết nghĩa "Như Lai", ai có thể kham nhận nổi ! Như vua rồng Ta Già La muốn làm mưa to chỉ dồn nước vào biển may ra chứa hết. Như Lai cũng thế, hoặc khai mở hết trí tuệ Phật; tất cả chúng sanh, đến Thanh Văn và Bích Chi Phật đều không thể kham nhận nổi. Chỉ có chư Ðại Bồ Tát phát tâm Ðại Thừa, nhờ thần lực của Phật gia hộ mới thọ trì được. Này Xá Lợi Phất, ở đời có bốn việc rất khó đạt được. Những gì là bốn?

1/ Ðược thân người là khó

2/ Sanh nhằm giữa quốc độ (chỗ có ánh sáng văn minh) là khó

3/ Tin Phật pháp là điều khó

4/ Ðã tin giáo pháp, hiểu và đem ứng dụng thật là điều khó.

Bốn việc khó này các Thầy đều đã được, nên hỏi Phật điểm nghi trong giáo pháp. Ta đang lắng nghe các vị. Tất cả thế gian, trời, người... hãy suy nghĩ kỹ chỗ nghi đi. Như Lai chẳng bao lâu nữa phải nhập Niết Bàn, không để về sau ăn năn. Khi đó Xá Lợi Phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai bên hữu quỳ gối sát đất, chấp tay hướng về Phật mà bạch rằng, bạch Thế Tôn: con muốn thưa hỏi, mong Phật thuận nghe. Phật bảo: Ta đã nghe, ông cứ tùy tiện hỏi, Ta vì các Thầy giải đáp chỗ nghi vấn. Xá Lợi Phất thưa: ngưỡng mong Thế Tôn nói. Con vì bậc thượng hạnh Bồ Tát dám hỏi Như Lai, liền nói bài kệ:

An trú công đức lành

Tu tịnh hạnh cao vời

Ưa hạnh nhẫn, nhu hòa

Nay hỏi các hạnh ấy:

Bồ Tát thì thế nào?

thí, tâm tư hoan hỷ?

Thế nào phát thiện tâm

làm lợi lạc chúng sanh?

Thế nào giữ tịnh giới?

Nhẫn nhục, tâm nhu hòa?

Còn thực hành tinh tấn;

bất thối chẳng nghỉ ngơi?

Thấy chúng sanh khổ não

làm sao thương cứu hộ?

Thâm tâm muốn giác ngộ

mong Thế Tôn giải rõ.

Làm sao vô lượng kiếp

trang nghiêm Bồ Ðề đạo

tâm trọn chẳng lãng xao

mà sanh lòng hoan hỷ?

Thế nào tu thiền định,

và liễu ngộ trí huệ?

Phải cầu pháp thế nào

để thành người đa văn?

Những pháp gì nên nghe?

Và pháp gì cần dạy?

Phát tâm hạnh Bồ Ðề.

Con xin hỏi việc này:

cầu chánh pháp thế nào

đang vui say dục lạc?

Phải làm sao ly dục

để vượt thoát xuất gia?

Lúc đã được lìa nhà

tâm làm sao hoan hỷ?

Ðược xuất gia hoàn mỹ

công đức thế nào cao?

Muốn khởi tâm hồi hướng

phải phương tiện thế nào?

Ðời đời kiếp làm sao

không cho mất chánh niệm?

Lúc thọ trong thai bào

tâm Bồ Ðề tập sao

cho được thấy chư Phật

không gặp chướng nạn nào?

Bớt tham dục làm sao

từ tâm, ít giận hão

Bớt ngu si làm sao

cho tâm đừng sai quấy?

Sanh nhằm dòng vua chúa

khéo trị quốc thế nào;

để xa lìa chướng nạn

được sanh chỗ vui an?

Làm sao lo việc nước

mà tâm vẫn hỷ hoan?

Niệm tưởng đến Như Lai

hằng mong được thấy Phật?

Làm sao đủ sắc thân

đoan nghiêm tột bậc nhất?

Cùng bà con quyến thuộc

đều phát tâm Bồ Ðề.

Phải sanh nơi chốn nào

để xa lìa thân tộc;

ưa tập hạnh xuất gia

không nhiễm tâm tham trước?

Làm sao xuất gia được

chuyên thọ trì giới luật.

Sau khi Phật diệt độ

chánh pháp cần bảo hộ?

Làm sao trong đời loạn

vẫn giữ tâm thanh tịnh?

Thấy chúng sanh đa bịnh

mà đem lòng ủi an?

Làm sao nghe hành trì

chứng nhập đà la ni.

Dùng biện tài vô ngại

mà thuyết pháp vô thượng?

Làm sao biết chúng sanh

mỗi mỗi tâm sai khác?

Và ở trong thiện pháp

điều phục tâm thế nào?

Vì chư vị Bồ Tát

con hỏi đấng Nhị Túc (Tôn)

về các hạnh Bồ Tát

mong Phật phân biệt thuyết.

Như người vì Phật pháp

mà phát tâm Bồ Ðề

khi nghe Phật giảng thuyết

hoan hỷ đại từ tâm.

Phật đối với các pháp

trí tuệ không chướng ngại.

Con đem trí hữu hạn

thưa hỏi đấng Thế Tôn.

Vì con có vấn nạn

chưa hiểu rõ tường tận

mong Phật diễn nói cho

những người không thể hỏi...



Chú thích:

(3) Pháp tổng trì: (tiếngPhạn là Dhàrani, dịch âm: đà la ni) : giữ lấy tất cả, tùy câuniệm, cách định ấn chú mà giữ lấy, thâu lấy tất cả giáo pháp của Phật, của ba cõi hay thâu sức anh linh trong vũ trụ. Pháp tổng trì hay đà la ni là chơn ngôn hay thần chú, có nghĩa là giữ gìn trọn vẹn điều thiện, không cho điều ác dấy khởi.

(4) Ngã và ngã sở: chấp thân mạng và của cải vật chất là vật sở hữu của ta, nên ra sức duy trì bảo vệ; càng cố duy trì và bảo vệ bao nhiêu càng xa rời chúng bấy nhiêu và càng lún sâu trong tội lỗi.

(5) Thọ và trì: nhận và giữ gìn hay hành trì đối với kinh điển hay giáo pháp của Phật, trong tinh thần hiểu biết và đem áp dụng pháp tu ngay vào cuộc sống.

(6) Pháp khí: chỉ người đạo đức tinh anh, có khả năng đem giáo pháp truyền bá khắp nơi như một khí giới tinh nhuệ, sắc bén không khiếp sợ trước một mãnh lực nào. Bậc pháp khí là người xứng đáng nhận lãnh sứ mạng thay thế dức Phật hoằng truyền đạo giác ngộ cho nhân quần xã hội như thời đức Phật có ngài A Nan, Ca Diếp; về sau có các Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma, lục tổ Huệ Năng...

(7) Ðiều phục: chế ngự ba nghiệp: thân, miệng, ý; trừ diệt những việc làm xấu ác, lỗ lầm. Như Bồ Tát vì muốn điều phục những vị Tỳ Kheo phạm giới, nên chung cùng họ trong việc đạo đức sáng suốt, mà không chung cùng họ trong những thói tà lầm lạc, để hướng họ về với chánh đạo.

(8) Thất niệm: mất chánh niệm, tức rơi vào trong điên đảo vọng tưởng, si mê lầm lạc không còn biết đến giáo pháp nữa.

(9) Thâm tín: tin sâu vào giáo pháp, những lời Phật dạy và hiểu nghĩa lý để tu hành là được phước báu, nên hoàn toàn được mãn nguyện hay thành tựu được tất cả những gì theo lòng mong ước.

(10) 12 nhập hay 12 xứ gồm 6 căn: nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý tiếp nhập với 6 trần: hình sắc, âm thanh, mùi, vị, tiếp xúc và các pháp hợp thành.

(11) 18 giới: giới là ngăn chia thành từng lãnh vực, giới hạn, do 6 căn, 6 trần như trên đã nói và 6 thức là nhãn thức, nhỉ, tỷ, thiệt, thân và ý thức. Thức là cái tánh biết của 6 căn nên khác 6 căn. Như người có mắt mà không trông thấy được là thiếu nhãn thức rồi vậy.

(12) 12 nhân duyên: mười hai mối dây liên hệ buộc chặc với nhau như móc xích không rời nhau là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử dẫn chúng sanh đi thọ thai kiếp khác.

(13) Theo nghĩa chớ y lời: nên hiểu theo tinh thần hiểu biết chớ nên theo lời phao truyền sẽ rơi vào nẽo tà, lầm lạc trong vô minh điên đảo.

(14) Tam hữu: ba cõi có chúng sanh và cảnh vật, có nghiệp duyên, nghiệp quả và có

sanh tử. Tam hữu tức là ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc có chúng sanh chung nhau nương ở.

(15) Ngồi kiết già: ngồi thiền mà tư thế hai chân bắt tréo lên nhau như hoa sen; hai bàn chân để lên hai bắp đùi và ngồi ngay thẳng như pho tượng để quán tưởng.

(16) Lưỡng túc tôn: cả hai phần phước và trí hay huệ đầy đủ nên được tôn kính. Một tôn hiệu của Phật, vì Ngài viên mãn cả hai phần tu: phước đức và trí huệ.

( 17) Pháp vô sanh: pháp không sanh, tức vạn pháp vốn không sanh, nên cũng chẳng diệt, là cái lý chân như thật tướng. Chỉ có sự phát hiện, do các nhân duyên hòa hợp hay ly tán mà ta thấy có sanh, có diệt, có hiện hữu, có chấm dứt mà thôi. Ðiều này cũng có nghĩa là không có chúng sanh, thì không có các pháp.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy