× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Thủ



10- Phẩm CÔNG ÐỨC thứ mười

Lúc bấy giờ trong chúng hội có một vị Bồ Tát tên là Kiên Ý từ chỗ ngồi đứng dậy chấp tay cung kính bạch Phật: bạch đức Thế Tôn, con nhờ từ cửa này mà được pháp quang minh. Vì thế con phải tu pháp môn này cho được đầy đủ. Vì sao thế? Nay con phải phát nguyện trang nghiêm như vầy: tìm cầu và thực hành đầy đủ pháp này trọn không biếng trễ; ở đời vị lai được nghe giáo pháp của Như Lai.

Phật bảo Kiên Ý rằng, lành thay, lành thay ! Ông đã khéo cần cầu đại pháp của chư Phật trong vô lượng kiếp để tu tập. Này Kiên Ý, như trong ba nghìn đại thiên thế giới có những chúng sanh hoặc có hình hoặc vô hình, có tưởng, vô tưởng, chẳng có tưởng, phi vô tưởng nhứt thời mượn tạm mà được thân người. Nếu có người nam, kẻ nữ với lòng tốt cung cấp cho những chúng sanh ấy tất cả đồ vui thích đầy đủ, như tùy khả năng cấp cho sắc, hương, vị, xúc... tức là có thể chu cấp tất cả. Ðem những chúng sanh này để trong lòng bàn tay hoặc trong một kiếp hoặc chưa đầy một kiếp, và dùng tay kia xua tan những mùi hôi hám cho bay qua cõi khác.

Này Kiên Ý, ý ông nghĩ sao? Việc làm của người ấy như thế có lớn lao không? Rất lớn, thưa Thế Tôn. Này Kiên Ý, như có người phát tâm cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, trong lúc Phật còn tại thế hay sau khi Phật diệt độ có thể cầu các pháp trợ đạo Bồ Ðề như thế nơi các kinh tạng đại thừa. Nên nghĩ thế này: ta tu tập pháp đại thừa này vì chúng sanh mà nói để đoạn trừ tham - sân - si, lìa sanh, già, bịnh, ưu sầu khổ não. Lúc nguyện như thế, nếu gặp được kinh này một bài kệ bốn câu mà có thể đọc tụng, giảng giải cho chúng sanh, đem so với công đức trước trăm nghìn phần hay trăm nghìn vạn phần cũng không bằng được một, cho đến dùng thí dụ lại càng không thể nào so sánh. Vị Bồ Tát ấy vì nhân duyên cầu pháp mầu như thế, nên làm được nhiều việc lợi ích cho chúng sanh. Này Kiên Ý, việc ấy ai có thể tin, ai có thể hiểu rõ rốt ráo được chư Phật, nếu không phải là các hàng đệ tử của bậc Thánh, và những người phát tâm cầu Phật đạo, thì không thể nào tin hiểu nổi. Tại sao thế? Vì chư Bồ Tát lúc mới phát tâm vô thượng Bồ Ðề tự nguyện không nghĩ cứu chúng sanh mà làm việc cứu độ, không có đất liền tạo đất liền, không có người dẫn đạo tạo người dẫn đạo, nghĩ ta nên tu tập trí huệ của Phật theo pháp đại thừa này khiến cho vô số chúng sanh an trụ trong pháp vô lậu (15).

Này Kiên Ý, giả sử người ấy từ sáng đến tối đem các thứ châu báu chất cao như núi Tu Di (16) rồi cho những người khác giữa ban ngày, xế trưa, đầu hôm, cuối đêm dùng hết sức mình đêm ngày sáu thời (17) đem châu báu ấy cho khắp chúng sanh. Này Kiên Ý, ý ông nghĩ sao? Tâm của những chúng sanh kia có được thỏa mãn không? Ðược thỏa mãn, thưa Thế Tôn. Rồi cũng do đấy mà đọa vào ba đường ác. Bồ Tát nghĩ rằng, ta nên cần cầu pháp mầu vô thượng ban cho chúng sanh, làm cho chúng quán sát việc tích chứa châu báu trong ba nghìn đại thiên thế giới cũng như đờm dãi mà sanh lòng ghê sợ. Các bậc đại trí Bồ Tát quán sát châu báu đều là ba độc (18) gây ra phiền não cho chúng sanh, là gốc của sanh tử luân hồi khổ não qua lại trong loài người, ngạ quỉ, súc sanh, và địa ngục...

Tham cầu là gốc khổ, chứa giữ cũng là gốc khổ, oán ghét, kiện tụng dấy lên là gốc của những nghiệp tội. Bồ Tát nhân đây ở trong chỗ châu báu mà sanh tâm xa lìa; lại nghĩ thế này: đây không phải của báu kết tụ mà là sự chứa nhóm các sự khổ trong ác đạo, vì chúng sanh tham đắm nên đọa trong ba đường ác.

Này Kiên Ý, đem của cải chúng sanh trong ba nghìn đại thiên thế giới cho hết thảy chúng sanh ở các quốc độ trong 10 phương nhiều như số cát sông Hằng, hoặc có hình hoặc vô hình, có tưởng, vô tưởng, chẳng có tưởng, phi vô tưởng trong nhất thời tạm được thân người mà có người phát tâm muốn cho tất cả sự vui thích đầy đủ theo khả năng như cho sắc, thanh, hương, vị... đem cung cấp, hoặc đội trên đầu hoặc mang vác trên vai cho đến một kiếp hay chưa đầy một kiếp ngồi nằm tùy ý, cũng như lấy tay dọn sạch hôi hám đem bỏ ở nơi khác. Này Kiên Ý, ý ông nghỉ sao? Người này của cải có nhiều không? Rất nhiều, thưa Thế Tôn. Này Kiên Ý, nay ta bảo ông lời thật này: như có kẻ thiện nam, người tín nữ nào phát tâm vô thượng Bồ Ðề, cầu các pháp trợ đạo Bồ Ðề trong kinh tạng Ðại thừa như thế giở chân lên một bước phước đức không lường được, cho đến khi chứng được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác cũng không thể nào hết được. So sánh với công đức trước trăm phần, nghìn phần, trăm nghìn vạn phần không bằng một phần, cho đến dùng thí dụ cũng không thể nào sánh bằng. Vì sao thế? Vì cái vui thích là nhân hữu lậu kết thành nên không thể lìa khổ được vui. Các bậc Bồ Tát vì nhân duyên cầu pháp làm tăng trưởng giới - định - huệ và thâm hiểu Phật pháp đầy đủ nên được vô lượng lực phương tiện không thể nghĩ bàn để thành tựu cõi Phật thanh tịnh cho chúng sanh. Vì thế, này Kiên Ý: Phật nói Bồ Tát vì nhân duyên cầu pháp mà được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lại nữa, này Kiên Ý, như trong bốn châu (19) thiên hạ đều có chư Phật nhiều như lúa, mè, mía, rừng mà có một người muốn chấm dứt tuổi thọ của mình đem cúng dường y phục, đồ nằm, thuốc thang, và mọi thứ nhu yếu khác sau khi các đức Phật nhập Niết Bàn, tạo lập tháp bằng bảy báu cao một do tuần, trang hoàng trang nghiêm hương hoa, bảo cái, tràng phan (20), đèn dầu cúng dường đến một trăm kiếp hay hơn một trăm kiếp.

Này Kiên Ý, nay ta bảo ông lời thật này: người ấy cúng dường các đức Phật như thế, tạo tháp như thế, trong nhiều kiếp làm việc cúng dường như thế. Như có người thiện nam, tín nữ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác cầu các pháp trợ đạo Bồ Ðề như thế mà thọ trì đọc tụng kinh tạng Ðại Thừa; nếu so sánh với phước đức trước trăm phần nghìn phần, trăm nghìn vạn phần không bằng một, cho đến dùng thí dụ cũng không bằng được. Tại sao như vậy? Vì trong các món thí, pháp thí là hơn hết; trong các thứ mong cầu, cầu pháp là hơn hết. Vì thế, này Kiên Ý, các ông ở đời sau, sau khi ta diệt độ 500 năm mà thọ trì, đọc tụng những kinh điển như vừa nói được vô lượng vô biên công đức, cho đến khi thành đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác cũng không hết được. Này Kiên Ý, nay ta muốn đưa ra một thí dụ cho rõ việc này, ông cần phải tin tưởng. Ví như trong cõi ba nghìn đại thiên thế giới mà chỉ lấy một vật nhỏ xíu như hạt cải, hay đen như hạt mè. Ý ông nghĩ sao? Số hạt cải ấy có nhiều không? Rất nhiều, thưa Thế Tôn, không thể tính đếm hết được.

Này Kiên Ý, giả sử đem số hạt cải ấy để trong cõi đại thiên thế giới hợp thành một vật nhỏ như những hạt cát, thì những hạt cát này có nhiều chăng? Rất nhiều, nhiều vô số, thưa Thế Tôn. Này Kiên Ý, có người sức mạnh mang số cát này đem đi rải khắp bốn phương, gặp gió lớn nổi lên thổi tung cát bay tứ tán và mỗi một hạt rơi vào một thế giới. Ý ông nghĩ sao? Các thế giới ấy số có nhiều chăng? Rất nhiều, nhiều vô số không thể đếm hết được, thưa Thế Tôn.

Này Kiên Ý, nay ta chỉ cho ông rõ điều này: Như Lai đầy đủ vô lượng thần thông lực, trì giới, thiền định, trí tuệ, có thể bước một bước là vượt qua các cõi ấy mà vẫn giữ oai nghi bất động, chưa hiện hết lực thần thông. Này Kiên Ý, Như Lai lấy một hạt cát làm một kiếp, đem kiếp ấy làm một ngày, lấy một ngày làm một tháng, lấy một tháng làm một năm, cho đến 1000 năm đi về phương Ðông không ngừng, cũng như đi tới các phương Nam, Tây, Bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, thượng, hạ phương cũng như vậy.

Nếu có thiện nam, tín nữ nào muốn nghe kinh này để thọ trì, đọc tụng bước đi một bước vẫn được nhiều công đức. Giả sử như có hình Như Lai đi qua các quốc độ ấy không thể nào dung nhận hết được. Như Lai chỉ biết người này có phước đức vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.

Này Kiên Ý, phước này không thể nào dùng văn tự, toán số mà có thể biết hết được, vì phước đã thu nhiếp trong vô số lượng vậy.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy