× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh điển khác



Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát (2)

   Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu vị đại thần đó thống lý đất nước nương cậy vào thế lực của vua tạo tác tội ngũ nghịch. Những gì là năm ? Một là giết mẹ, hai là hại cha, ba là giết A la hán, bốn là phá hòa hợp Tăng, năm là làm chảy máu thân Phật. Năm tội vô gián như vậy nếu phạm một thì đó gọi là phạm tội căn bản. Ðó là phạm tội căn bản thứ năm.

          Này thiện nam tử ! Ðó gọi là năm tội căn bản của đại thần mà nếu phạm một thì đây gọi là phạm Ba la di, tất cả thiện căn đã tu tập từ trước đều bị thiêu cháy, lìa khỏi chỗ yên ổn, mất niềm vui người trời, rơi vào đường ác. Này thiện nam tử ! Chính Ðại Bồ tát Hư Không Tạng vì người này khởi đại từ bi hiện sinh vùng biên địa, tùy theo sự ưng thấy của họ mà hiện đủ thứ hình dáng, hoặc hiện hình dáng Sa môn, hình dáng bà la môn, hình dáng Sát lợi, trưởng giả, cư sĩ.v.v.. mà vì họ nói pháp vị tằng hữu Ðại thừa thậm thâm Nhất thiết chủng trí, các Ðà la ni và nhẫn nhục địa, dùng vô lượng đủ thứ diệu pháp như vậy mà dẫn đường họ. Lúc đó, vị đại thần đã nghe pháp rồi, lòng sinh tàm quí, mang nỗi sợ hãi cực cùng, hướng về người nói pháp phát lồ sám hối những tội phạm từ trước, thề chẳng làm nữa, an trụ ở bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, siêng tu từ bi, sinh ra niềm vui người trời, niềm vui bát Niết bàn.

          Lại nữa, này thiện nam tử ! Thanh văn cũng có năm tội căn bản phạm Ba la di. Nếu có người phạm thì tất cả thiện căn đã tu tập từ trước đều thiêu cháy, rơi vào đường ác, lìa khỏi chỗ yên ổn, nếu mất niềm vui người trời. Những gì là năm ? Ðó là sát sinh, trộm cắp, dâm dật, nói dối, làm chảy máu thân Phật. Này thiện nam tử ! Ðó gọi là năm tội căn bản của Thanh văn mà nếu phạm một thì đây gọi là phạm Ba la di, tất cả căn lành đã tu tập từ trước đều bị thiêu cháy, lìa khỏi chỗ yên ổn, nếu mất niềm vui người trời, rơi vào đường ác. Này thiện nam tử ! Chính Ðại Bồ tát Hư Không Tạng vì người này nên khởi đại từ bi, hiện sinh vùng biên địa, tùy theo sự ưng thấy của họ mà hiện đủ thứ hình dáng, hoặc hiện hình dáng Sa môn, hình dáng bà la môn, hình dáng sát lợi, trưởng giả cư sĩ.v.v... mà vì họ nói pháp vị tằng hữu Ðại thừa thậm thâm Nhất thiết chủng trí, các Ðà la ni và nhẫn nhục địa, dùng đủ thứ diệu pháp như vậy mà dẫn đường họ. Lúc đó vị Thanh văn đó đã nghe pháp rồi, sinh lòng tàm quí (hổ thẹn) mang nỗi sợ hãi cực cùng, hướng về người nói pháp phát lồ sám hối những tội phạm từ trước, thề chẳng làm nữa. Rồi họ an trụ ở bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, siêng tu từ bi, phát sinh niềm vui người trời, niềm vui Bát Niết bàn.

          Lại nữa, này thiện nam tử ! Bồ tát mới phát tâm hướng về Ðại thừa có tám tội căn bản phạm Ba la di làm cho tất cả căn lành đã tu tập từ trước đều bị thiêu cháy, rơi vào đường ác, lìa khỏi chỗ yên ổn, mất niềm vui người trời cũng mất niềm vui của cảnh giới Ðại thừa, ở lâu trong sinh tử, lìa khỏi thiện tri thức. Những gì là tám ? Ðó là, nghiệp đời trước của Bồ tát đó nhân duyên sinh vào đời ngũ trược, còn có căn lành gần gũi thiện tri thức, về theo pháp Ðại thừa thậm thâm, phát tâm vô thượng, nhưng trí tuệ nhỏ nhoi cạn cợt. Bồ tát mới phát tâm đó lại theo người khác nghe pháp “không” thậm thâm, đọc tụng, thọ trì. Lại còn ở trước người ít trí ngu si đọc tụng giải nói, người khác nghe rồi vì kinh nghi sợ hãi, đối với Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác phát sinh lòng lui mất, ưa Thanh văn thừa. Ðó gọi là Bồ tát mới phát tâm phạm trọng tội căn bản thứ nhất. Phạm tội này thì tất cả căn lành đã tu tập từ trước đều bị thiêu cháy, rơi vào đường ác, lìa khỏi chỗ yên ổn, mất niềm vui người trời và niềm vui của cảnh giới Ðại thừa, hủy hoại tâm Bồ đề. Vậy nên Bồ tát cần nên trước biết căn lành của chúng sinh và rõ lòng của họ, rồi tùy theo sự kham nhận của họ mà theo thứ lớp nói pháp như vào biển cả, dần dần từ cạn đến sâu. Này thiện nam tử ! Chính Ðại Bồ tát Hư Không Tạng tùy theo sự ưng thấy của họ mà dùng đủ thứ hình dáng hiện sinh ở cõi ấy mà vì họ nói pháp, khiến cho họ sinh ra xấu hổ, đối với sự phạm tội phát lồ sám hối, chẳng rơi vào đường ác, thêm lớn căn lành, trưởng dưỡng tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Lại có Bồ tát mới phát tâm phạm tội căn bản, sợ rơi vào đường ác, nghe danh xưng của Ðại Bồ tát Hư Không Tạng, chí tâm nguyện được thấy ngài, vì muốn phát lồ sám hối tội đã phạm. Ở phần sau của đầu đêm, Bồ tát đó đốt hương kiên hắc trầm thủy và hương Ða già la, chí tâm, chắp tay xưng danh hiệu của Ðại Bồ tát Hư Không Tạng. Này thiện nam tử ! Thì chính Ðại Bồ tát Hư Không Tạng tùy theo sự ưng hiện của vị ấy mà hiện đủ thứ hình dáng. Hoặc hiện thân mình, hoặc thân Thanh văn, hoặc thân Sát lợi, hoặc thân Bà la môn... cho đến thân đồng nam đồng nữ.v.v.. tại trước Bồ tát mới phát tâm phạm tội đó mà dạy bảo khiến cho Bồ tát đó phát lồ sám hối trừ tội. Rồi Bồ tát Hư Không Tạng dùng phương tiện khéo léo thị hiện hạnh Ðại thừa Chánh Chân Vô thượng thậm thâm và tam muội tổng trì nhẫn nhục địa. Nhờ diệu pháp đó, Bồ tát phạm tội xả bỏ các đường ác, được tâm Bất thoái chuyển Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, tinh cần tu hành sáu Ba la mật, được lực bền chắc giống như Kim cương... cho đến lúc tự được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lại này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát Hư Không Tạng nếu chẳng hiện thân tại trước người ấy dạy bảo phát lồ thì vị Bồ tát mới phát tâm này nên ở phần sau của đêm, chắp tay hết lòng mà hướng về phương Ðông, đốt hương kiên hắc trầm thủy và hương đa già la, cầu thỉnh Minh Tinh (sao sáng) rằng : “Hỡi Minh tinh ! Minh tinh ! Ông thành tựu đại từ bi ! Ông nay mới chiếu ra cõi Diêm phù đề, đem đại bi hộ tôi ! Ông có thể vì tôi bạch với Ðại Bồ tát Hư Không Tạng, nguyện xin ngài ở trong mơ bày tôi phương tiện phát lồ sám hối việc phạm tội căn bản, khiến cho tôi được mắt trí phương tiện Ðại thừa”. Này thiện nam tử ! Vị Bồ tát mới phát tâm đó tức thời ở trong mơ khi minh tướng xuất hiện thì Ðại Bồ tát Hư Không Tạng tùy theo sự ưng thấy của Bồ tát ấy mà hiện thân, dùng các phương tiện khiến cho vị Bồ tát mới phát tâm đó phát lồ sám hối những tội đã phạm từ trước. Ðại Bồ tát còn thị hiện phương tiện trí khiến cho vị Bồ tát đó mang lòng kinh sợ sâu sắc, đối với tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác được tam muội chẳng quên, bền trụ ở Ðại thừa, mau được đủ đầy sáu Ba la mật, chẳng bao lâu thành tựu Nhất thiết chủng trí. Lại nữa, này thiện nam tử ! Bồ tát mới phát tâm nói với người khác rằng : “Ông nay chẳng thể vui với Ðại thừa, cũng chẳng thể làm sáu Ba la mật, nhất định chẳng thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, chẳng bằng sớm phát tâm Thanh văn, Bích Chi Phật cho mau hết sinh tử, vào Bát Niết bàn”. Còn những lời nói như trên thì đó gọi là Bồ tát mới phát tâm phạm đến trọng tội căn bản thứ hai.

        Lại nữa, này thiện nam tử ! Bồ tát mới phát tâm nói với người khác rằng : “Ông nay thọ học làm gì Ba-la-đề-mộc-xoa, luật nghi ? Phải mau chóng phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thọ trì, đọc tụng kinh điển Ðại thừa, trước đã tạo những hạnh bất thiện của nghiệp thân miệng ý sẽ được thanh tịnh, chẳng cho các quả báo ác đời vị lai”. Còn những lời nói như trên thì đó gọi là Bồ tát mới phát tâm phạm đến trọng tội căn bản thứ ba.

          Lại nữa, này thiện nam tử ! Bồ tát mới phát tâm nói với người khác rằng : “Ông nay chẳng nên thính thọ, đọc tụng Kinh điển Thanh văn ! Ông phải ngăn che Kinh điển Thanh văn. Trong pháp Thanh văn, không có quả báo lớn, chẳng thể đoạn trừ kết sử. Ông phải thính thọ, đọc tụng kinh điển Ðại thừa thậm thâm thanh tịnh, lại có thể tiêu trừ những nghiệp bất thiện, mau chóng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ đề”. Nói lời này rồi mà có người tin thì hai người đều gọi là phạm tội căn bản. Còn lời nói như trên thì gọi là Bồ tát mới phát tâm phạm đến trọng tội căn bản thứ tư.

          Lại nữa, này thiện nam tử ! Bồ tát mới phát tâm mà lừa dối, đâm thọc để mong cầu tiếng tăm, lợi dưỡng, sự cung kính, khen Kinh Ðại thừa, vì người khác giảng nói mà nói với người rằng : “Ta chính là người giỏi hiểu Ðại thừa !” Vì tham lợi nên thấy người khác giải nói Kinh điển Ðại thừa được cúng dường thì ganh ghét khinh hủy mà tự cống cao, lừa gạt nói dối là mình được pháp hơn người. Người tạo tác những hành động này thì lìa khỏi chỗ yên ổn, phạm Ba la di, ở trong Ðại thừa là phạm tội căn bản rất nặng vậy. Này thiện nam tử ! Ví như có người muốn đi đến vùng châu báu, cỡi thuyền vào biển mà ở giữa đường tự hủy hoại thuyền của mình, chìm lặn mà chết, chẳng tự cứu vớt lấy mạng thì đâu có thể được của báu. Như Bồ tát mới phát tâm cũng lại như vậy. Vị ấy cỡi thuyền chánh tín vào biển pháp Ðại thừa sâu rộng, mới được vào biển mà tự hoại tín thuyền thì mất mạng trí tuệ. Như vậy Bồ tát mới phát tâm ngu si, vì ghét ghen nên lừa gạt nói dối là được pháp hơn người mà phạm trọng tội căn bản Ðại thừa. Còn lời nói như trên thì đó gọi là Bồ tát mới phát tâm phạm trọng tội căn bản thứ năm.

          Lại nữa, này thiện nam tử ! Trong đời vị lai, Bồ tát mới phát tâm nói với Bồ tát mới phát tâm tại gia hoặc xuất gia rằng : “Nghĩa “Không” thậm thâm trong Kinh điển và cả tam muội, những Ðà la ni, nhẫn nhục địa... đủ thứ trang nghiêm chính là hạnh có thể quan sát của những Bồ tát đại minh trí, thọ trì đọc tụng kinh điển Ðại thừa, lại có thể vì người khác phân biệt diễn nói. Ta đã tự hiểu rõ những điều ấy, do lòng từ bi nên vì các ông giảng nói. Các ông cũng phải theo lời nói mà tu hành để đối với pháp thâm diệu mà được tri kiến”. Bồ tát mới phát tâm đó chẳng nói rằng : “Ta đọc tụng, tư duy, theo nghe người khác hiểu rõ” mà nói rằng tự được. Tất cả đều do nhân duyên tham cầu lợi dưỡng mà tự khoe khoang bán rao, trái phụ ba đời các đức Phật, Bồ tát và chúng Hiền thánh, phạm đến tội rất sâu nặng của Ðại thừa, mất đường người trời, Thanh văn, Bích Chi Phật thừa còn chẳng thể được thì do đâu mà tiến dần đến Ðại thừa được ? Này thiện nam tử ! Có người dẫn đường đưa mọi người du hành nơi khoáng dã, trải qua khu rừng rậm đang rất đói khát, thấy trong rừng có những quả ngon lành mà xả bỏ, chọn lấy những trái cây độc hại để ăn. Ăn xong người ấy mạng chung. Này thiện nam tử ! Người đó còn chẳng thể tự cứu tế mình huống là kiêm thêm việc có thể độ người khác nữa ! Bồ tát mới phát tâm cũng lại như vậy. Thân người khó được, nay đã được rồi, còn gặp được thiện tri thức, phát tâm Ðại thừa mà tham lợi dưỡng tự khoe khoang bán rao thì phạm tội căn bản nặng nề, sai trái phụ lòng ba đời các đức Phật, Bồ tát, bị sự xả bỏ của các bậc Hiền thánh, rơi vào đường ác. Vậy nên Bà la môn, Sát lợi, Tỳ xá, Thủ đà la chẳng nên thân cận Bồ tát ác này, nếu mà thân cận thì cũng đều bị tội. Còn lời nói như trên thì đó gọi là Bồ tát mới phát tâm phạm trọng tội căn bản thứ sáu.

          Lại nữa, này thiện nam tử ! Ở đời ác vị lai, Bồ tát mới phát tâm tạo tác những hạnh tạp chiên đà la như là sát lợi chiên đà la, Bà la môn chiên đà la, đại thần chiên đà la, đại tướng quân chiên đà la, tỳ xá chiên đà la, thủ đà la chiên đà la. Sao gọi là nghĩa chiên đà la ? Ðó là tạo tác các nghiệp ác tâm. Vị Tỳ kheo ác này tự cho rằng trí tuệ, tự cậy vào tài bảo làm bố thí mà buông lung kiêu mạn, sân giận, hiềm ghét, ganh tỵ, cùng với Tỳ kheo thiện khác đấu tranh nhau, cậy nhờ sức vua và đại thần lấy đồ vật của Tỳ kheo thiện để dâng cho đại thần. Ðại thần được rồi truyền dâng lên vua. Vật của Phật, Pháp, Tăng họ cũng làm như vậy. Này thiện nam tử ! Vua cùng với đại thần và Tỳ kheo ác đều phạm tội căn bản. Còn như lời nói trên thì đó gọi là Bồ tát mới phát tâm phạm trọng tội căn bản thứ bảy.

          Lại nữa, này thiện nam tử ! Vào đời ác vị lai, Bồ tát mới phát tâm tạo tác các hạnh tạp chiên đà la như là sát lợi chiên đà la, Bà la môn chiên đà la, đại thần chiên đà la, đại tướng quân chiên đà la, tỳ xá chiên đà la, thủ đà chiên đà la... Vì Tỳ kheo ác này nhờ cậy vào lực của vua và đại thần tự nói là trí tuệ, tự cậy vào tài bảo làm bố thí mà khinh khi đùa cợt, hủy nhục các vị Tỳ kheo thiện và đấu tranh não loạn, pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp, bỏ Kinh luật chân chánh, luận bàn điên đảo, đoạn sự học Bát nhã, lìa tâm từ bi, chẳng tin Kinh điển            phương tiện khéo léo, đã nói của đức Như Lai  mà trái với giáo pháp lập ra định chế khiến cho Tỳ kheo thiện hạnh thanh tịnh phế bỏ ngồi thiền, đọc tụng kinh điển, người không khổ não phát sinh khổ não, kẻ có khổ não lại khiến cho tăng trưởng, luôn luôn mang lòng ác, hủy hoại uy nghi tốt, đi đứng ngồi nằm không theo thời tiết, hủy cấm phá giới, thật chẳng phải Sa môn mà tự nói rằng Sa môn, thật chẳng phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, chẳng hiểu được Kinh điển mà vì người khác giải nói, yêu cầu bốn chúng cung kính cúng dường. Này thiện nam tử ! Vua cùng với đại thần và Tỳ kheo ác đều phạm tội căn bản. Còn lời nói như trên thì đó gọi là Bồ tát mới phát tâm phạm trọng tội căn bản thứ tám.

          Này thiện nam tử ! Tỳ kheo thiện ngồi thiền tụng Kinh đều chính là cái nhân chính yếu phát ra Phật pháp, là thượng phước điền, lại là pháp khí nhẫn nhục tam muội, có thể nói diệu pháp thành thục chúng sinh, phá vô minh đen tối, mở mắt cho thế gian, cứu vớt nghiệp ác phiền não của chúng sinh. Nếu Tỳ kheo ác kia gây não loạn thì phạm trọng tội. Này thiện nam tử ! Kẻ phạm tám trọng tội căn bản thì chưa có thể thâm nhập vào chánh pháp của Phật vì công đức trí tuệ rất nhỏ nhoi. Này thiện nam tử ! Bồ tát mới phát tâm đó phạm tám trọng tội căn bản này rồi thì tất cả căn lành đã tu tập từ trước đều bị thiêu cháy, phạm Ba la di, lìa khỏi chỗ yên ổn, mất niềm vui người trời và niềm vui của cảnh giới Ðại thừa, hủy hoại tâm Bồ đề, đọa vào đường ác, luân hồi sinh tử, lìa khỏi thiện tri thức. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát Hư Không Tạng này hiện đủ thứ hình dáng thị sanh vào cõi ấy, hoặc hiện hình dáng sát lợi, hoặc hiện hình dáng Bà la môn, hoặc hiện hình dáng Thanh văn, hoặc hiện hình dáng Bích Chi Phật... cho đến hoặc hiện hình dáng đồng nam, đồng nữ.v.v... tại trước vị Bồ tát mới phát tâm phạm tội đó mà vì họ nói pháp, khiến sinh ra xấu hổ và rất kinh sợ, lại dạy bảo phát lồ sám hối, tiêu trừ tội lỗi, dùng phương tiện khéo léo khai thị hạnh Ðại thừa thậm thâm vô thượng chán chơn, tam muội tổng trì, nhẫn nhục địa, xả bỏ các đường ác, được tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác Chẳng Thoái Chuyển, tinh tấn tu hành sáu Ba la mật, được sức kiên cố giống như Kim cương cho đến mau được Vô thượng Bồ đề. Lại này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát Hư Không Tạng, nếu chẳng hiện thân tại trước người ấy dạy bảo phát lồ thì Bồ tát mới phát tâm đó nên vào sâu đêm chắp tay chí tâm mà hướng về phương Ðông, đốt hương Kiên hắc trầm thủy và hương Ða già la thỉnh Minh tinh rằng : “Hỡi Minh tinh ! Minh tinh ! Thành tựu đại từ bi ! Ông nay bắt đầu xuất hiện soi cõi Diêm Phù Ðề, xin ông đại bi hộ tôi ! Ông có thể vì tôi mà bạch với Ðại Bồ tát Hư Không Tạng, nguyện xin ở trong mơ bày tôi phương tiện phát lồ sám hối sự phạm tội căn bản, khiến cho tôi được trí nhãn phương tiện Ðại thừa. Này thiện nam tử ! Bồ tát mới phát tâm đó tức thời ở trong mơ khi minh tướng xuất hiện. Ðại Bồ tát Hư Không Tạng tùy theo sự ứng thấy của Bồ tát ấy mà hiện thân, dùng các phương tiện khiến cho Bồ tát mới phát tâm đó đối với việc phạm tội, mang lòng kinh sợ sâu sắc, rồi bày trí phương tiện khiến cho Bồ tát đó phát lồ sám hối, đối với tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác được Tam muội Chẳng quên, kiên trụ ở Ðại thừa, mau chóng được đủ đầy sáu Ba la mật, chẳng bao lâu thành tựu Nhất thiết trí. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát Hư Không Tạng đó dũng mãnh, ích lợi nhiều cho tất cả chúng sinh nên trên đỉnh đầu Bồ tát ấy có được ngọc báu Như Ý như thế này, lại còn được vây quanh bằng vô lượng trăm ngàn báu Thích ca tỳ lăng già, chẳng cùng ngang bằng với tất cả những Bồ tát. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát Hư Không Tạng đó thành tựu trí tuệ phương tiện chẳng thể nghĩ bàn như vậy đó. Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh nghe tên của Ðại Bồ tát Hư Không Tạng, hoặc tạo hình tượng, hoặc thiết lễ cúng dường thì đời hiện tại, người đó không có những tai ương hoạn nạn, nước chẳng thể cuốn trôi, lửa chẳng thể đốt cháy, đao chẳng thể tổn thương, độc chẳng thể trúng, người và chẳng phải người không thể làm hại, cũng không có khổ nhà tù, đạo tặc, oán gia, các bịnh tật ác, đói khát... tùy theo tuổi thọ dài, ngắn nhất định không chết yểu. Khi chúng sinh ấy sắp mạng chung, mắt chẳng thấy sắc, tai chẳng nghe tiếng, mũi chẳng nghe hương, lưỡi chẳng biết vị, thân chẳng giác xúc, tay chân, các căn chẳng thể làm gì chỉ trừ vi thức và hơi ấm của thân thì Ðại Bồ tát Hư Không Tạng tùy theo thần thức việc đã làm của chúng sinh đó mà thị hiện thân ấy, hoặc hiện thân Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc hiện thân Ðề Ðâu Lại Tra, hoặc hiện thân Tỳ Sa môn, hoặc hiện thân Tỳ Lâu Lặc Ca, hoặc hiện thân Tỳ Lâu Bác Xoa, hoặc hiện thân trời khác, hoặc hiện thân rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la gia, người, chẳng phải người.v.v...tại trước người ấy mà nói kệ rằng :

          Nghĩa bốn Thánh đế    Ø          Người trí nên xem

          Nếu lý giải rõ                           Hay lìa tử sinh.

          Này thiện nam tử ! Chúng sinh đó vào lúc sắp mạng chung thần thức đã thấy việc xưa của mình, lại nghe nói  lời yếu kệ như thế này thì sau khi chết chẳng rơi vào đường ác. Nhân cái lực ấy nên họ mau chóng khỏi sinh tử. Lại, này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh lòng ưa Phật pháp thì Ðại Bồ tát Hư Không Tạng, vào lúc lâm chung của người ấy mà hiện hình dáng Phật, vì họ nói kệ rằng :

          Trí Phật chân thật        Ðộ biển tử sinh

          Mau cầu trí Phật          Các khổ tận cùng.

          Này thiện nam tử ! Thì chúng sinh đó được thấy thân Phật, lại nghe kệ này, chí tâm quan sát, vui mừng nhảy nhót, chẳng tự kềm chế được. Rồi sau khi mạng chung được sinh vào đất nước thanh tịnh, chúng sinh đó mãi mãi chẳng ở lại thế giới năm trược, thường được thân cận với đức Phật Như Lai cõi đó, lại nghe diệu pháp, chẳng bao lâu sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Chính Ðại Bồ tát Hư Không Tạng tùy theo lúc chúng sinh đó lâm chung ưng nghe diệu pháp và ưng thấy Tăng, ngài cũng đều thị hiện khắp. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát Hư Không Tạng đó thành tựu trí tuệ phương tiện chẳng thể nghĩ bàn như thế này.

          Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðủ chủng loại chúng sinh muốn được sức tam muội tự tại nên ở vào sâu đêm, tự tắm rửa, mặc áo mới tinh khiết, đốt hương Kiên hắc trầm thủy và hương Ða già la, đối với tất cả chúng sinh dấy khởi lòng từ bi, hướng về phương Ðông, chí tâm chắp tay xưng danh hiệu Bồ tát Hư Không Tạng mà nói lên lời này : “Nhớ trì đại trí Hư Không Tạng được đại từ bi ! Nguyện xin ngài ban cho con tam muội Chẳng Quên !” Rồi liền đọc Ðà la ni này rằng :

          AÂu lậu mẫu lậu nặc ký bác xoa để lệ ta vật đà la bà đa lệ nại dạ nại dạ - Ma ha ca lâu ni ca - A nâu bá diệm bà tất mị lật để - Tây già la diệm bà tất mị lật để bạt xà la xà bà tất mị lật để lô xá tất mị lật để - A bà già nại tất mị lật để phù ta câu trí tất mị lật để - Ta bà ha.

          Này thiện nam tử ! Thì Ðại Bồ tát Hư Không Tạng liền khiến cho người đó được lực tam muội tự tại.

          Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh ưa đọc tụng đủ thứ sách Luận, muốn điều phục chúng sinh. Những lý luận đó hoặc chính đức Phật nói, hoặc Bồ tát nói, hoặc Thanh văn nói, hoặc người đời nói. Người đó nên vào lúc sau đêm tự tắm rửa sạch sẽ, mặc áo mới tinh khiết, đốt hương Kiên hắc trầm thủy, hương Ða già la, đối với tất cả chúng sinh dấy khởi lòng từ bi, hướng về phương Ðông, chí tâm chắp tay xưng danh hiệu Ðại Bồ tát Hư Không Tạng mà tụng chú Ðà la ni này :

          A nhỉ la xà bi câm phù ta xa bi gia bà nại xà bi - Bác sí ta mẹ ba tra la xà bi - Tha nại bà la bi - Tát đa la già la nê hưu ma hưu ma - Ma ha già lâu ni ca - Ta bà ha.

          Này thiện nam tử ! Thì Ðại Bồ tát Hư Không Tạng liền khiến cho người đó được lực nhớ trì (giữ) chẳng quên.

          Này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh muốn vào biển cả, muốn làm thương mãi, muốn uống thuốc thang mà cầu lực hiệu nghiệm, muốn thoát trói buộc, muốn thoát gông cùm, muốn cầu thoát khỏi chuyển đưa của cải, hoặc ái biệt ly, hoặc oán tắng hội, muốn tránh nước lửa, muốn tránh đạo tặc, muốn tránh sư tử, muốn tránh nạn cọp sói, rắn độc, muốn khỏi hoạn đói khát bệnh tật, muốn cầu địa vị tôn quí... có những  ham muốn sở cầu như vậy.v.v... mà xưng danh diệu Ðại Bồ tát Hư Không Tạng, cung kính cúng dường thì Ðại Bồ tát Hư Không Tạng đều khiến cho thỏa nguyện.

          Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu có vương tử tham ưa ngôi vua, mong muốn Quán đảnh được lực tự tại nên vào lúc sau đêm tự tắm rửa sạch sẽ, mặc áo mới tinh khiết, đốt hương kiên hắc trầm thủy và hương Ða già la, đối với tất cả chúng sinh dấy khởi lòng từ bi, hướng về phương đông, chí tâm, chắp tay xưng danh hiệu Ðại Bồ tát Hư Không Tạng mà tụng chú Ðà la ni này :

          A ni la xà bi câm phù sa xà bi gia bà nại xa bi - Bác sí bà mệ ba tra la xà bi - Tha nại bà la bi - Thát đa la già nê hưu ma hưu ma ma ha ca lâu ni ca - Ta bà ha.

          Này thiện nam tử ! Thì Ðại Bồ tát Hư Không Tạng đều khiến cho người đó được thỏa sở nguyện.

          Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu có chúng bà la môn nguyện ưa thích được chỗ Ðại Bà la môn. Lại có chúng sinh cầu chỗ trưởng giả hoặc chỗ cư sĩ, hoặc chỗ thợ khéo, hoặc chỗ đa văn, hoặc chỗ uy lực, hoặc chỗ tư duy, hoặc chỗ giải thoát .v.v.. thì nên vào lúc sau đêm, tự tắm rửa thanh tịnh, mặc áo mới tinh khiết, đốt hương kiên hắc trầm thủy và Ða già la, đối với tất cả chúng sinh dấy khởi lòng từ bi, hướng về phương Ðông xưng danh hiệu Ðại Bồ tát Hư Không Tạng mà nói lên rằng : “Nguyện xin ban cho con lực đại từ bi, khiến cho sở cầu của con mau được đủ đầy”, thì Ðại Bồ tát Hư Không Tạng dùng tịnh thiên nhĩ nghe lời thỉnh cầu của người xong rồi tùy theo sở ứng của người ấy mà hiện đủ thứ hình dáng, vì họ nói pháp, khiến cho người đó sở nguyện đều được đủ đầy. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát Hư Không Tạng đó đã thành tựu trí tuệ phương tiện chẳng thể nghĩ bàn như vậy, đã được vào biển công đức của Phật từ lâu. Này thiện nam tử ! Nước trong biển cả có thể có người có khả năng biết được số giọt nước, còn không ai có thể đo lường hạn số thành tựu chúng sinh của trí phương tiện khéo léo của Ðại Bồ tát Hư Không Tạng vậy. Lại, này thiện nam tử ! Lượng hư không còn có thể biết, còn không ai có thể biết sự thành thục đủ loại chúng sinh của Ðại Bồ tát Hư Không Tạng và sự biến hóa của vị ấy. Bồ tát ấy, hoặc biến làm hình dạng Phật, hoặc hình dạng Bồ tát, hoặc hình dạng Bích Chi Phật, hoặc hình dạng Thanh văn, hoặc hình dạng Bà la môn, hoặc hình dạng đồng nam, đồng nữ... cho đến hình dạng người, chẳng phải người.v.v... đều tùy sở ưng, hoặc khiến cho mắt nhìn thấy, hoặc khiến cho thấy trong mơ. Nếu có chúng sinh khi sắp mạng chung, chỉ còn một hơi thở rất nhỏ sau cùng mà nghiệp ác tạo đời trước đốt cháy các thiện căn, phải đọa vào đường ác thì Ðại Bồ tát Hư Không Tạng đều có thể cứu vớt khiến cho an lập vào đường trời, người như bờ cõi của những việc đó.v.v... Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát Hư Không Tạng đã thành tựu phương tiện khéo léo chẳng thể nghĩ bàn như thế này, được vào biển công đức Phật từ lâu. Này thiện nam tử ! Do cái duyên này nên trên đỉnh đầu được có ngọc báu Như ý với trăm ngàn báu Thích Ca tỳ lăng già vây quanh, có ánh sáng lớn. Ðang khi đức Như Lai nói pháp này thì tất cả đại chúng đều phát sinh lạ lùng, khen chưa từng có, đều chắp tay hướng về Ðại Bồ tát Hư Không Tạng. Ðại Bồ tát Hư Không Tạng liền đứng dậy, trật áo vai phải, quì dài chắp tay mà bạch đức Phật rằng :

          - Thưa đức Thế Tôn ! Nay thế giới này đủ cả năm trược, chúng sinh ngu tối thì làm sao đức Thế Tôn có thể ở trong cõi ấy thi tác Phật sự ?

          Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Ðại Bồ tát Hư Không Tạng rằng :

          - Này thiện nam tử ! Ông thấy hư không không có tham dục, không sân, không si, tự tánh thanh tịnh. Phong trần ám chướng do vì chẳng sạch, đã lắng trong rồi thì liền thấy mặt trời, mặt trăng, tinh tú và biết từng thời số sát na la bà. Này thiện nam tử ! Như Lai từ lâu đối với đệ nhất nghĩa không đã được tự tại, thấy tất cả pháp không có tham dục, sân nhuế, ngu si, không buộc, không mở, tự tánh thanh tịnh, chỉ vì chúng sinh bị sự che chắn của khách trần phiền não nên chẳng giác ngộ. Như Lai từ bi vì những chúng sinh này nên phương tiện nói pháp mà vì họ đoạn trừ khách trần phiền não, mở mắt trí tuệ ấy, khiến cho họ thấy được mặt trời thanh tịnh Như Lai soi sáng. Hiện tại họ nhìn thấy được diệu pháp thậm thâm, pháp bốn niệm xứ... cho đến pháp bát thánh đạo, khiến cho các chúng sinh kiến lập chỗ an trụ, lại khiến cho mau chóng phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, được đại từ bi... cho đến đầy đủ mười tám pháp bất cộng, thành tựu Nhất thiết chủng trí. Này thiện nam tử ! Như Lai ra đời thì có thể thành thục các chúng Bồ tát và cả chúng Thanh văn, Duyên giác. Này thiện nam tử ! Nay hư không đó là cậy vào mắt, là cậy vào nhãn thức (sự nhận biết của mắt), là cậy vào nhãn xúc (sự tiếp xúc của mắt) mà được trụ vậy chăng ?

          Bồ tát Hư Không Tạng bạch đức Phật rằng :

 

          - Thưa đức Thế Tôn ! Chẳng phải vậy !

          Phật dạy :

          - Này Thiện nam tử ! Vì là nội khởi nhãn xúc duyên sanh, nên tâm thọ kia thánh kỳ đặc rỗng không chăng ?

          Bồ tát Hư Không Tạng bạch Phật :

          - Chẳng phải vậy, thưa đức Thế Tôn.

          Phật dạy :

          - Này Thiện nam tử ! Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng lại như vậy. 

          Phật dạy :

          - Này Thiện nam tử ! Nay chúng sinh đối với việc kỳ lạ của không đó là hư không kỳ lạ đối với chúng sinh.

          Hư Không Tạng Bồ tát bạch Phật :

          - Bạch Thế Tôn ! Mỗi mỗi đều nương cậy lẫn nhau mà tạo tác cảnh giới. Lại nữa, mỗi mỗi đều chẳng là cảnh giới, tất cả các pháp đều không tịch hết, tất cả các pháp đều hư giả hết, tất cả các pháp đều nương vào Như và cả thật tế. Thưa đức Thế Tôn ! Giống như hư không không hoại, không thành, không nhớ tưởng phân biệt, không động, không lay, không thọ, không ghét không mầm móng, không hạt giống, không quả, không nghiệp, không báo, lìa khỏi văn tự. Thưa đức Thế Tôn ! Tất cả các pháp cũng lại như vậy. Bồ tát nếu biết điều này thì đó gọi là giỏi biết tánh của các pháp, được Vô sanh nhẫn.

          Lúc bấy giờ, Ðại Bồ tát Hư Không Tạng liền nói Ðà la ni rằng :

          A nâu nại a pha bà la xà ma nâu xoa dạ - Thị nại thị nại - Xà nại phi ma mâu ni ha la a nại dạ - Pha la cữu ha yết bà ni bà tẩu tỳ tỳ nại dạ - Tẩu xá xá bà - Xá nại ma xá nại đa thả ma nại mạt đâu phạm tỳ sa xá ma chi đa nại chỉ lê xá am phầu thâu sa nê - Ta bà ha.

          Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Ðại Bồ tát Hư Không Tạng rằng :

          - Hay thay ! Hay thay ! Ông nay đã nói Ðà la ni Vô Tận Hàng Phục Sư Tử Phấn Tấn này thì tất cả chúng sinh khi sắp mạng chung mà thần thức sau cùng có phiền não chướng nặng và nghiệp ác nặng nhờ Ðà la ni này đều có thể bị đốt cháy, khiến cho họ được vãng sanh nước Phật thanh tịnh. Này thiện nam tử ! Ông nay khéo có thể dùng Ðà la ni này thành thục vô lượng chúng sinh, lại có thành thục tất cả chúng sinh của vô lượng cõi Phật, thôn quốc, thành ấp, lại tùy theo sự cảm ứng mà hiện đủ thứ hình dáng, lại tùy theo căn tính của họ mà nói đủ thứ pháp. Hoặc vì họ diễn nói Kinh điển Ðại thừa, mở cửa pháp thâm diệu. Nếu Sa môn chiên đà la, Bà la môn chiên đà la, Sát lợi chiên đà la, Tỳ xá chiên đà la, Thủ đà la chiên đà la... những người này đã phạm trọng tội, nhưng nhờ ông nên đều được thiêu cháy tội hết. Hôm nay đối với thiện pháp họ kiến lập lớn thêm.

          Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng :

          Những tham tranh chúng sinh     Ðều nhân các căn khởi

          Nếu hay nhiếp các căn               Mau chóng được giải thoát.

          Khi ấy, đức Như Lai nói Kinh này xong thì có mười ngàn người, trời được Vô sanh pháp nhẫn, vô lượng người, trời được các tam muội. Lại có vô lượng người, trời được Ðà la ni. Lại có vô lượng người, trời đạt được nhẫn nhục. Lại có vô lượng người, trời ở trong Thập địa đều được tăng tiến. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ngài A Nan và Ðại Bồ tát Di Lặc rằng :

          - Các ông nên phải cung kính phụng trì Kinh này !

          Lúc ấy ngài A Nan và Bồ tát Di Lặc liền đứng dậy, trật áo vai phải, quì dài chắp tay mà bạch đức Phật rằng :

          - Thưa đức Thế Tôn ! Diệu kinh điển này con đã thọ trì ! Kinh này sẽ gọi tên là gì ?

          Ðức Phật dạy rằng :

          - Này thiện nam tử ! Kinh này tên là Sám Hối Tận Nhất Thiết Tội Ðà La Ni Kinh, cũng tên là Bất Khả Tư Nghị Phương Tiện Trí Cứu Tế Nhất Thiết Chúng Sanh Kinh, cũng tên là Năng Mãn Nhất Thiết Chúng Sinh Sở Nguyện Như Như Ý Bảo Châu Kinh, cũng tên là Hư Không Tạng Bồ Tát Kinh. Ông cứ như vậy mà phụng trì. Này A Nan ! Ông phải biết, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác đã lâu, ở trong vô lượng trăm ngàn a tăng kỳ kiếp tu hành sáu Ba la mật, ở tất cả chỗ Phật trong mười phương thế giới cúng dường đủ thứ cho đến mãn vô lượng a tăng kỳ hằng hà sa số kiếp thì chẳng bằng có người đọc tụng, chép thành sách, vì người giải nói Kinh Hư Không Tạng Bồ tát và trì danh hiệu ông ấy. So sánh trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần công đức của người trước chẳng bì kịp một phần công đức của người sau này mà tính toán thí dụ đã chẳng thể biết được.

          Bấy giờ, ngài A Nan, Bồ tát Di Lặc bạch đức Phật rằng :

          - Thưa đức Thế Tôn ! Chúng con sẽ như vậy mà phụng trì !

          Các đại chúng nghe lời nói của đức Phật, vui mừng, nhảy nhót, đem những đồ cúng dường đức Phật.

KINH HƯ KHÔNG TẠNG BỒ TÁT - hết.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy