× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm



CHÚ THÍCH - 4

(177) Vua cõi người: Vua của loài người gồm có 5 bậc:

1. Kim Luân vương, tức Chuyển-luân thánh vương, có đầy đủ 32 tướng tốt (nhưng không sáng rỡ, mĩ diệu bằng thân Phật), phước báo chỉ dưới chư thiên, thống lãnh cả bốn châu thiên hạ (Bắc Câu-lư, Đông Thắng-thân, Nam Thiệm-bộ, Tây Ngưu-hóa), dùng mười điều lành để hóa trị loài người. Khi vị này lên ngôivua, tự nhiên có bánh xe báu bằng vàng (kim luân bảo) từ trên không trung bay xuống trước mặt. Ông cỡi bánh xe vàng này và trở thành bậc lãnh đạo tối cao của loài người. Chuyển-luân thánh vương gồm cóbốn bậc (Kim Luân vương, Ngân Luân vương, Đồng Luân vương và Thiết Luân vương), mà Kim Luân vương này là vị Luân vương tối cao.

2. Ngân Luân vương, phước báo kém hơn Kim Luân vương, có bánh xe báu bằng bạc (ngân luân bảo), thống lãnh ba châu thiên hạ (Đông, Nam và Tây).

3. Đồng Luân vương, phước báo kém hơn Ngân Luân vương, có bánh xe báu bằng đồng (đồng luân bảo), thống lãnh hai châu thiên hạ (Đông và Nam).

4. Thiết Luân vương, phước báo kém hơn Đồng Luân vương, có bánh xe báu bằng sắt (thiết luân bảo), thống lãnh chỉ một châu thiên hạ, là châu Nam Thiệm-bộ.

5. Túc Tán vương, tức các vị quốc vương cai trị các nước (hoặc lớn, hoặc nhỏ) trong mỗi châu (như châu Nam Thiệm-bộ chẳng hạn), phước báo kém xa bốn vị Luân vương trên. Chữ “túc tán” có nghĩa là rất nhiều, có khắp các nơi, như lúa rải trên mặt đất.

(178) Trưởng giả: Ở Trung-quốc, người tuổi cao đức trọng thì được người tôn kính xưng là trưởng giả. Ở Việt-nam, từ này có hai ý nghĩa: -chỉ cho người tuổi cao đáng kính trong một vùng dân cư; -chỉ cho người giàu có mà kém hiểu biết, sống xa xỉ kiêu mạn, thích khỏe thân, không chịu khó.

Danh xưng “trưởng giả” trong kinh điển, như ở đây chẳng hạn, dùng để chỉ cho hạng trưởng giả ở Ấn-độ thời cổ. Theo đó, muốn được xưng là trưởng giả, hạng người này phải có đầy đủ mười đức: -quí tộc đại gia; -có địa vị cao trong xã hội; -giàu có hơn người; -có uy lực lớn làm cho mọi người đều nể sợ; -có trí tuệhơn người; -lớn tuổi; -hành vi trong sạch, tư cách mô phạm; -lễ nghĩa nghiêm túc; -trên thì được vua khen phục; -dưới thì được dân chúng qui ngưỡng. Vì có đầy đủ mười đức như vậy, cho nên các vị trưởng giảnhiều khi còn được kính trọng hơn cả các quan chức triều đình.

(179) Cư sĩ: là người sống theo đạo lí; tuy mang thân thế tục nhưng biết nương theo giáo pháp để tu hành; tuy làm việc đời nhưng luôn lấy giáo pháp làm kim chỉ nam, để không bao giờ làm những việc phi pháp. Dù có hay không có địa vị, những người cư sĩ bao giờ cũng là những người có đức độ đáng tôn kính trong xã hội.

(180) Tể quan: là các cấp quan chức chính quyền từ trung ương đến các địa phương nhỏ bé, như thủ tướng, bộ trưởng, tỉnh trưởng, thôn trưởng v.v..., và các quan lại trực thuộc.

(181) Bà la môn: là một trong bốn chủng tộc (cũng là bốn giai cấp dân chúng) trong xã hội Ấn-độ thời cổ, chuyên phụng thờ Đại Phạm Thiên, tu hạnh trong sạch. Các giáo sĩ Bà-la-môn tự cho rằng, khi Phạm Thiên sinh ra loài người thì chủng tộc của họ đã được sinh ra từ miệng ngài. Chỉ có họ mới có thể tiếp xúctrực tiếp với thần linh, cho nên, chỉ có họ mới thông hiểu được các kinh Phệ Đà; và cũng chỉ có họ mới có quyền cúng tế, xướng tụng và giảng dạy các kinh điển ấy. Họ tự cho mình là giai cấp cao nhất trong bốn giai cấp. Để củng cố địa vị và áp chế các giai cấp khác, họ đã tạo ra bộ luật Mã Nỗ (Manu), tự cho mình là giai cấp trên hết và tôn quí nhất trong xã hội, phải nắm độc quyền về tôn giáo, tư tưởng, học thuật và giáo dục, bắt buộc ba giai cấp dưới phải tuân phục. Một cách cụ thể, họ tự ban cho mình 6 đặc quyền sau đây: -học tập kinh điển Phệ Đà; -giảng dạy kinh điển Phệ Đà; -tự cúng tế cho mình; -cúng tế cho người khác; -thọ nhận của cúng dường; và -bố thí cho người khác. Cuộc đời một người Bà-la-môn được chia làm bốn thời kì, thời kì đầu tiên gọi là “thời kì phạm hạnh”: cậu bé Bà-la-môn lên 8 tuổi thì rời nhà, theo thầy học tập, ròng rã 12 năm, giữ giới bất dâm, học các kinh Phệ Đà và thực tập các lễ nghi tế tự. Thời kì thứ hai gọi là “thời kì gia trú”: cậu bé bây giờ đã 20 tuổi, trưởng thành, được thầy cho trở về nhà, sống đời bình thường, cưới vợ sinh con, làm ăn xây dựng sự nghiệp, thờ phượng tổ tiên. Kế tiếp là “thời kì lâm thê”: người Bà-la-môn này, khi đến tuổi già thì nhường hết gia sản cho các con, vào ở rừng tu khổ hạnh, chuyên tâm tư duy, tham dự các sinh hoạt tôn giáo. Sau hết là “thời kì lánh đời”: bỏ hết những gì dính mắc đến thế tục, mặc áo thô, xách bình nước, đi du hành đây đó.

(182) Lập thân nội chính: Người phụ nữ giữ đúng vai trò của mình trong gia đình (như quán xuyến việc nhà, dạy dỗ con cái, hầu hạ cha mẹ, v.v...), gọi là “nội chính”; nếp sống cao sang nhưng vẫn chuyên cần, tuy giàu có mà vẫn cần kiệm, luôn luôn tu dưỡng các đức tính tốt của một người đàn bà (như kính nhường, điềm đạm, nhã nhặn, từ ái, v.v...), gọi là “lập thân”. Người phụ nữ làm được như vậy tức là “tự tu sửa thân tâm”; và đó cũng là nguồn gốc phát sinh bao an vui, hạnh phúc cho gia đình, gọi là “làm cho gia đình yên ổn”; và điều đó cũng liên quan mật thiết đến sự hưng thịnh, bình trị của quốc gia, gọi là “làm cho thiên hạ thái bình”!

(183) Hoàng hậu, phu nhân, mệnh phụ, đại cô: Theo người Trung-hoa xưa, vợ của vua thiên tử gọi là “hoàng hậu”; vợ của vua các nước chư hầu, phiên thuộc, gọi là “phu nhân”. “Mệnh phụ” là tiếng dùng để chỉ cho các bà vợ của các quan, hoặc các bà trinh thục hiền đức trong dân chúng, được triều đình phong tước, ban thưởng. “Đại cô”: nguyên chữ Hán viết là “đại gia, nhưng chữ “gia” ở đây phải đọc là “cô”. “Đại cô” là tiếng gọi dành cho người đàn bà tài đức kiêm toàn, được triệu vào cung làm thầy của hoàng hậu.

(184) Không muốn nhiễm dục trần: Nguyên văn chữ Hán trong kinh văn viết là “bất hoại nam căn”, nghĩa là không hư hoại nam căn. Điều này muốn nói rằng, người đàn ông muốn tu phạm hạnh, chí quyết trọn đờikhông để cho nam căn bị ô nhiễm bởi hành động dâm dục; thuật ngữ gọi là “giữ gìn thiên chân” (bảo thủthiên chân), hay “đồng chân”, tức là chẳng những không lập gia đình, mà còn không phạm bất cứ một hành động dâm dục nào! Do đây mà có thuật ngữ liên hệ là “đồng chân xuất gia”.

(185) Đồng nam: Liên quan với ý nghĩa từ “đồng chân” trong chú thích số 184 trên, từ “đồng nam” ở đây có nghĩa là người đàn ông suốt đời trong sạch, không nhiễm ái dục, không phạm bất cứ hành động dâm dục nào. Từ “đồng tử” cũng có ý nghĩa như vậy.

(186) Xử nữ: người nữ suốt đời không lập gia đình.

(187) Đồng nữ: Cũng như đồng nam, đồng nữ là người phụ nữ suốt đời trinh thục, không lập gia đình, không phạm bất cứ một hành động dâm dục nào.

(188) Ra khỏi loài trời: Ở đây ý nói rằng: thiên chúng không muốn ỏ cõi trời nữa, mà muốn sinh xuống cõi người. Tại sao vậy? Vì rằng, tuy loài trời hưởng phước báo hơn loài người, nhưng bởi đời sống quá sung sướng nên không chịu tu hành, đến khi hết phước báo thì lại phải tùy nghiệp cũ mà đọa lạc. Chỉ ở cõi người là có nhiều duyên thuận tiện để tu hành. Chư Phật đều xuất hiện ở cõi người để thành Phật và hóa độ khắp các loài chúng sinh; chư Bồ-tát, chư Thánh nhân trong ba thừa đều do thân người tu hành mà chứng quả. Vì vậy, chư thiên không muốn hưởng lạc, chỉ muốn tu hành để được giác ngộ giải thoát, thì không muốn ở cõi trời mà tự nguyện sinh vào cõi người.

(189) Dược xoa: hay dạ xoa, là một loại quỉ có sức mạnh, tính bạo ác, đi rất nhanh; có loại đi trên mặt đất, có loại đi trên hư không, có loại bay trên không. Tuy tính bạo ác, nhưng khi có duyên lành được nghe phápPhật thì tin tưởng sâu xa, phát tâm hộ trì Phật pháp, chí thành mong cầu giải thoát.

(190) Càn thát bà: là những vị thần âm nhạc của trời Đế Thích. Họ không ăn thịt uống rượu, mà chỉ sống bằng các mùi thơm.

(191) A tu la: là loại thần có cung điện trên núi Tu-di, có phước của trời mà không có đức của trời, nên gọi là loài “phi thiên”. A tu la tính hay sân hận, nóng nảy, hay gây sự đánh nhau với trời Đế Thích. Đàn ông a tu la thân hình xấu xí, nhưng đàn bà rất xinh đẹp. Đó là loại a tu la hóa sinh, thuộc về Thiên đạo. Lại có a tu lathai sinh thuộc về Nhân đạo; a tu la noãn sinh thuộc về quỉ đạo; và a tu la thấp sinh thuộc về súc sinh đạo.

(192) Khẩn na la: là những vị thần xướng ca của trời Đế Thích, có cung điện bằng bảy báu ở núi Tu-di, thân hình giống như loài người, đầu có một chiếc sừng, hình dung xấu xí nhưng tiếng xướng ca tuyệt diệu.

(193) Ma hô la già: cũng gọi là ma hầu la già, là thần rắn lớn, hoặc gọi là rồng đất, thuộc loài bò sát.

(194) Phi nhân: chỉ chung cho tất cả các loài địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh.

(195) La sát: là loài ác ma trong thần thoại Ấn-độ, xuất hiện rất sớm trong kinh Lê Câu Phệ Đà. Tương truyền, La sát nguyên là tên gọi chỉ cho dân bản xứ Ấn-độ từ thời cổ đại. Sau khi giống dân Aryan từ miền Trung-Á tràn xuống chiếm lãnh thổ Ấn-độ (khoảng 1.500 năm trước tây lịch kỉ nguyên) thì “la sát” biến thành một đại danh từ chỉ chung cho những người ác; rồi dần dần lại chuyển biến thành tên của loài ác quỉ. Quỉ la sát cũng là thân người, đàn ông thì da đen, tóc đỏ, mắt xanh, trông dễ sợ; đàn bà thì nhan sắc tuyệt đẹp. Nói chung, quỉ la sát có sức mê hoặc người rất mạnh, chuyên bắt người để ăn thịt uống máu. La sátcó sức thần thông, có thể đi rất nhanh trên mặt đất, hoặc bay rất nhanh trên hư không. La sát cũng có loại làm cai ngục ở các địa ngục để hành hạ tội nhân, có nhiều hình dạng khác nhau: hoặc đầu trâu tay người, hoặc đầu nai, đầu dê, đầu thỏ v.v... Đó là loài la sát có tánh hung ác của ma quỉ; nhưng trong kinh điển Phật giáo, la sát cũng biến chuyển thành những vị thiện thần thủ hộ Phật pháp.

Pháp sư Viên Anh nói (trong sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa), dược xoa là quỉ nam, còn la sát là quỉ nữ; cả hai đều là quỉ ăn thịt người.

(196) Cưu bàn trà: là loài quỉ chuyên hút tinh khí người, đi nhanh như gió, biến hóa nhiều hình thù.

(197) Tì xá già: cũng là loài quỉ ăn thịt, uống máu, hút tinh khí của người.

(198) Phú đơn na: là một loài ngạ quỉ, có thân hình giống như heo, rất hôi tanh.

(199) Năm thứ tịnh nhục: Thịt các con vật mình không thấy chúng bị giết; không nghe tiếng kêu khi chúng bị giết; không nghi ngờ vì mình mà chúng bị giết; chúng tự chết; chúng bị chim thú ăn còn sót lại.

(200) Mạng căn: Chúng sinh, do nghiệp đời trước dắt dẫn mà thọ nhận báo thân đời này. Báo thân ấy gồm hai phần sắc và tâm, nhờ có thức, hơi ấm và hơi thở giữ gìn liên tục mà có được một đời sống trong khoảng thời gian từ lúc thọ sinh cho đến lúc chết, gọi là “mạng căn”.

(201) Đức Phật ăn cám ngựa: Năm thứ 12 sau ngày thành đạo, một vị thí chủ Bà-la-môn giàu có, vốn là thôn trưởng của thôn Tì-lan, tên A Kì Đạt, đã thỉnh đức Phật cùng 500 vị tì kheo, về an cư tại thôn Tì-lan (thuộc nước Kiều-tát-la) để ông được cúng dường. Nhưng chỉ được sáu ngày thì ông bị ma vương mê hoặc, làm cho tâm bị mê muội, chỉ biết ở yên trong tư thất để hưởng dục lạc, không còn biết gì đến việc bên ngoài nữa; cả việc cúng dường an cư cũng hoàn toàn quên mất! Vừa lúc ấy thì khắp vùng gặp nạn đóitrầm trọng, dân chúng thiếu ăn, quí vị tì kheo đi khất thực thường là không được gì, hoặc chỉ được rất ít, không đủ dùng. Lúc ấy có một người lái buôn ngựa, từ xứ khác đến dừng chân tạm trú tại ấp Tì-lan, mang theo một bầy ngựa 500 con. Ông ta biết tình trạng đói khát của Phật và tăng đoàn, bèn phát tâm, hằng ngàychia bớt phần cám của ngựa để cúng dường. Nhờ đó mà Phật và chư tăng chịu qua được nạn đói ấy. Cuối mùa an cư, vị thôn trưởng Bà-la-môn kia, tâm trí sực tỉnh, biết được Phật và tăng đoàn đã bị đói khát trong ba tháng qua, ông hối hận vô cùng. Ông đến trước Phật và Chư Tăng thành khẩn sám hối, và tha thiết xin cúng dường một bữa trai tăng thật long trọng cuối cùng, trước khi Phật và Chư Tăng rời thôn ấp để lên đường du hóa.

(202) Ma ái kiến: Vì tham cầu lợi dưỡng, tự cho mình là tôn quí để được cúng dường, gọi là “ma ái”; vọng khởi tà kiến, tự cho mình là thánh nhân để được kính trọng, gọi là “ma kiến”. Hai loại ma này lúc nào cũng sóng đôi nhau có mặt để phá hoại người tu hành, nên gộp chung gọi là “ma ái kiến”.

(203) Cây đa-la: tức cây lá bối ở Ấn-độ, lá rộng, dài, dùng để chép kinh sách (trong thời kì chưa có giấy). Cây này, nếu dùng dao chặt đứt thì chết hẳn, không bao giờ sống trở lại.

(204) Ma ha tát đát đa bát đát ra: là tên của thần chú Lăng Nghiêm, dịch ra Hán ngữ là “Đại bạch tán cái”, có nghĩa là cây lọng lớn tinh khiết che khắp thế gian.

(205) 108 biến chú Lăng Nghiêm: Ở đây không phải nói toàn bộ 5 hội chú Lăng Nghiêm, mà là chú Lăng Nghiêm chính thức, tức câu chú cuối cùng “Án a na lệ ...... hổ hồng đô lô ung phấn ta bà ha.” (gồm 34 chữ).

(206) Trọng tội ngũ nghịch: là 5 tội nghịch, rất nặng nề, chỉ cần phạm một trong 5 tội này cũng đủ để đọa vào địa ngục vô-gián; đó là: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hoại sự hòa hợp của tăng chúng, và làm thân Phật chảy máu.

(207) Trọng tội tứ-khí: Chư vị tì kheo nếu phạm bốn giới căn bản là sát, đạo, dâm, vọng (thuật ngữ Phật học gọi là “bốn tội ba-la-di”) sẽ vĩnh viễn bị trục xuất khỏi tăng đoàn. Chữ Phạn “ba-la-di”, dịch ra Hán ngữ là “khí”, tức là bị loại bỏ.

(208) Trọng tội bát-khí: Đây là tám tội trọng của tì kheo ni: sát, đạo, dâm, vọng, xúc (chạm xúc với đàn ông với tâm bất chính), bát sự thành trọng (có 8 hành vi với đàn ông với tâm bất chính: cầm tay, kéo áo, cùng nhau vào chỗ kín đáo, nói cười chớt nhả, cùng đi, cùng đứng chuyện trò, cùng đứng tựa nhau, hẹn hò gặp mặt), phú (che dấu trọng tội của vị tì kheo ni khác), tùy (tùy thuận cung cấp vật thực và chuyện trò với vị tì kheo đang bị tăng chúng nêu tội lỗi). Tám trọng tội này cũng thuộc về tội “ba-la-di”, nếu phạm sẽ bị trục xuất vĩnh viễn khỏi ni chúng.

(209) 44 tâm: tức 10 Tín, 10 Trụ, 10 Hạnh, 10 Hồi-hướng, và 4 Gia-hạnh.

(210) Chuyển-y: Đây là một thuật ngữ Phật học, chỉ cho quả vị tu chứng rốt ráo của chư Phật: Chuyển đổiphiền não thành Vô Thượng Bồ Đề; chuyển đổi sinh tử thành Đại Niết Bàn. Cho nên, Bồ-đề và Niết-bàn là hai quả “chuyển-y” của chư Phật. Nghĩa của chữ “chuyển y” là thay đổi (chuyển) tận gốc rễ (y).

(211) Mười thân: chỉ cho 10 thân của Phật và Bồ-tát; có nhiều loại, ở đây xin nêu hai loại:

1. Mười thân dung nhiếp các pháp ở thế gian, gồm có: Thanh-văn thân, Duyên-giác thân, Bồ-tát thân, Như-lai thân, Pháp thân, Trí thân, Hư-không thân, Nghiệp-báo thân, Chúng-sinh thân, Quốc-độ thân.

2. Các đức Như Lai có đầy đủ mười thân: Bồ-đề thân, Nguyện thân, Hóa thân, Lực thân, Trang-nghiêm thân, Uy-thế thân, Ý-sinh thân, Phước thân, Pháp thân, Trí thân.

(212) 12 tầng bậc vừa đơn vừa kép: Quá trình tu tập của một vị Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật, trải qua 12 địa vị, trong đó, những địa vị chỉ một tên một bậc, gọi là địa vị đơn (đơn vị), – như 7 địa vị: Càn-tuệ, Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế-đệ-nhất, Đẳng-giác, Diệu-giác; những địa vị một tên mà gồm nhiều bậc, gọi là địa vị kép (phức vị), – như 5 địa vị: Tín (10 bậc), Trụ (10 bậc), Hạnh (10 bậc), Hồi-hướng (10 bậc), Địa (10 bậc).

(213) Mười thí dụ: tức 10 đề mục quán tưởng:

1. Quán tất cả nghiệp là như huyễn

2. Quán tất cả pháp như bóng hơi nóng

3. Quán tất cả thân như bóng trăng trong nước

4. Quán diệu sắc như hoa đốm giữa hư không

5. Quán diệu âm như tiếng vang trong hang động

6. Quán quốc độ của chư Phật như thành càn-thát-bà

7. Quán Phật sự như mộng ảo

8. Quán thân Phật như bóng ảnh

9. Quán báo thân như hình tượng

10. Quán pháp thân như huyễn hóa

tất cả đều không thể nắm giữ, không thể bỏ đi, tại vì tất cả đều không vậy.

(214) 55 địa vị: Đây là con đường tu tập của một vị Bồ-tát từ lúc khởi đầu phát tâm cho đến khi thành Phật–gọi là “Bồ đề lộ”, gồm có: 10 bậc Tín (Thập Tín), 10 bậc Trụ (Thập Trụ), 10 bậc Hạnh (Thập Hạnh), 10 bậc Hồi-hướng (Thập Hồi-hướng), 4 bậc Gia-hạnh (Tứ Gia-hạnh), 10 bậc Địa (Thập Địa), và bậc Đẳng-giác. Sở dĩ không kể bậc Càn-tuệ và bậc Diệu-giác vào đây, là vì, theo pháp sư Viên Anh trong tác phẩm Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, thì hành giả ở bậc Càn-tuệ mới phát khởi sơ tâm, chưa phát lòng tin chân thật, chưa thật sự bước vào lộ trình, nên không kể; còn bậc Diệu-giác thì tuệ giác đã đến mức cứu cánh, đã về hẳn nhà, không còn đang đi trên đường nữa, nên cũng không kể.

Mặt khác, theo cư sĩ Tăng Phụng Nghi (đời Minh, Trung-quốc) trong tác phẩm Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Tông Thông, thì bậc Càn-tuệ được kể vào 55 địa vị này, mà không kể bậc Đẳng-giác, lí do là vì, bậc Đẳng-giác, cũng giống như bậc Diệu-giác, cả hai bậc này đều đã là Giác, là Chân Bồ Đề, chứ không còn là “con đường” nữa.

Mặt khác nữa, một cách phổ thông, quá trình tu tập Bồ-tát hạnh được kể giản lược hơn, có 52 giai vị, gồm: 10 bậc Tín, 10 bậc Trụ, 10 bậc Hạnh, 10 bậc Hồi-hướng, 10 bậc Địa, bậc Đẳng-giác, và bậc Diệu-giác.

(215) Tư hoặc ba cõi: Những thứ phiền não tham, sân, si, mạn được gọi là “tư-hoặc”. Ba cõi (Dục, Sắc và Vô-sắc) phân nhỏ ra thì có 9 địa (Dục-giới Ngũ-thú-tạp-cư địa, Sơ-thiền Li-sinh-hỉ-lạc địa, Nhị-thiền Định-sinh-hỉ-lạc địa, Tam-thiền Li-hỉ-diệu-lạc địa, Tứ-thiền Xả-niệm-thanh-tịnh địa, Không-vô-biên-xứ địa, Thức-vô-biên-xứ địa, Vô-sở-hữu-xứ địa, và Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ địa); mỗi địa đều có 9 phẩm tư-hoặc, vậy cả ba cõi có tất cả là 81 phẩm tư-hoặc. Hành giả Thanh-văn thừa, khi đoạn trừ hết kiến-hoặc (gồm các thứ phiền não nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, và giới cấm thủ kiến) trong ba cõi thì chứng Sơ-quả Tu-đà-hoàn; tiếp đó, tu tập đoạn trừ 6 phẩm tư-hoặc đầu của cõi Dục, thì chứng được Nhị-quả Tư-đà-hàm; tiếp đến tu tập đoạn trừ 3 phẩm tư hoặc sau của cõi Dục, thì chứng Tam-quả A-na-hàm. Từ đây, vị thánh này sẽ không còn sinh trở lại cõi Dục nữa, mà sẽ ở luôn cõi Sắc-giới để tiếp tục tu tập đoạn trừ sạch hết 72 phẩm tư hoặc của 8 địa còn lại (gồm trong hai cõi Sắc và Vô-sắc), thì chứng Tứ-quả A-la-hán.

(216) Vua Lưu Li: tức vua Tì Lưu Li, là vua nước Kiều-tát-la vào thời đức Phật còn tại thế. Ông là con của vua Ba Tư Nặc, và là em khác mẹ của thái tử Kì Đà. Năm 79 tuổi, sau mùa an cư, đức Thế Tôn du hànhvề đến vương quốc Sakya, tạm trú nơi một quận lị nhỏ để hành đạo. Lúc bấy giờ, vua Ba Tư Nặc (vua cùng tuổi với đức Thế Tôn) cũng đang du ngoạn ở một thị trấn gần đó, biết tin, liền đến hầu Phật. Trong đoàn tùy tùng của nhà vua có cả hoàng tử Tì Lưu Li và viên tướng tổng tư lệnh quân đội hoàng gia. Trước khi tiến vào căn nhà nhỏ, trong đó Phật đang ngự, nhà vua cởi thanh bảo kiếm cùng vương miện trao cho vị tướng lãnh, để tất cả đoàn tùy tùng ở ngoài, một mình nhà vua vào hầu Phật. Lợi dụng lúc nhà vua và đức Phật đàm đạo trong căn nhà, hoàng tử Tì Lưu Li đã cùng vị tướng lãnh dẫn cả đoàn tùy tùng trở vềkinh đô Xá-vệ, giết thái tử Kì Đà và tự lên ngôi vua, trở thành quốc vương của nước Kiều-tát-la. Lúc vua Ba Tư Nặc bái biệt đức Phật để trở lại chỗ cũ thì chỉ thấy còn có một người cung nữ già. Nhà vua biết việc chẳng lành, bèn đi thẳng về thành Vương-xá (nước Ma-kiệt-đà), và đã chết tại đây.

Sau khi lên ngôi vua, Tì Lưu Li nhớ lại mối hận cũ với dòng họ Thích-ca, bèn cất quân sang đánh thành Ca-tì-la-vệ, muốn tiêu diệt cho hết những người thuộc dòng họ Thích-ca. Mối hận cũ đó là gì? Hai bộ luật Ngũ PhầnTứ Phần đều thuật như sau: Trước kia vua Ba Tư Nặc có xin cưới một người con gái dòng họThích-ca làm phu nhân. Nhưng luật lệ của dòng họ này không cho trai gái lập hôn nhân với người khác họ. Vua Ma Ha Nam bèn đem con gái của một tì nữ trong cung, giả xưng là con gái dòng họ Thích-ca, gả cho vua Ba Tư Nặc, về sau đã sinh ra hoàng tử Tì Lưu Li. Tì Lưu Li vừa lớn lên (Kinh Tăng Nhất A Hàm nói là 8 tuổi), nhà vua cho sang thành Ca-tì-la-vệ để theo học nghề bắn cung. Lúc bấy giờ, những người dòng họThích-ca vừa xây một tòa nhà lớn, nguyện rằng, trước hết phải cúng dường Phật và chúng tăng, sau đó họ mới sử dụng. Tì Lưu Li không biết điều đó, ngang nhiên dẫn đoàn tùy tùng vào tòa nhà ấy vui chơi. Những người dòng họ Thích bèn mắng: “Đứa con của tiện tì sao dám vô lễ! Đức Thế Tôn và chúng tăngchưa vào ngồi mà sao ngươi dám vào trước vui chơi!” Họ đuổi Tì Lưu Li đi, rồi phá bỏ tòa nhà đó để xây tòa nhà khác, sau đó mới thỉnh Phật và chúng tăng vào ngự. Tì Lưu Li giận lắm, bảo người tùy tùng: “Ngươi nhớ kĩ việc này. Sau khi ta làm vua, hãy nhắc lại cho ta!”. Rồi bỏ về nước. Bây giờ ông đã làm vua, liền cử binh sang tiêu diệt dòng họ Thích-ca để rửa hận. Tôn giả Mục Kiền Liên xin phép Phật hóa làm một cái lồng bằng sắt, trùm lên cả hoàng thành để bảo vệ họ Thích, nhưng đức Phật ngăn lại bảo: “Dù thầy có thần lực lớn, nhưng đâu có thể cải được định nghiệp này!”

Theo Kinh Tăng Nhất A Hàm, trong trận này, quân của vua Tì Lưu Li đã tàn sát đến chín ngàn chín trăm chín mươi vạn người dòng họ Thích, máu chảy thành sông. Sau trận tàn sát này, đức Phật đã báo cho chư vị tì kheo biết trước, sau 7 ngày, vua Tì Lưu Li và tất cả đoàn quân đều sẽ bị tận diệt. Quả nhiên, 7 ngày sau đó, vua Tì Lưu Li đã dẫn cả binh lính cùng các thể nữ đến sông A-chỉ-la để vui chơi, tới nửa đêm, thình lình nổi cơn gió dữ, nước sông dâng cao, cuốn trôi vua Tì Lưu Li cùng tất cả binh lính, thể nữ, không một ai sống sót!

Có thuyết nói rằng, sau khi giết sạch dân chúng dòng họ Thích trong thành Ca-tì-la-vệ, vua Tì Lưu Li lại muốn giết luôn đức Phật. Nhưng khi vừa thấy Phật thì tự nhiên ông kinh sợ vô cùng. Đức Phật bèn bảo cho ông biết, 7 ngày sau ông sẽ đọa địa ngục. Ông nghe thế lại càng kinh sợ, bèn suất lãnh quân đội lên thuyền ra biển để trốn nạn. Ông ở trên thuyền suốt 7 ngày; đến cuối ngày thứ 7, đang đêm tự nhiên lửa dữ phát cháy, đốt chìm thuyền, ông và mọi người đều chết hết.

(217) Tì kheo Thiện Tinh: Theo kinh Đại Bát Niết Bàn thì tì kheo Thiện Tinh là con của thái tử Tất Đạt Đa. Pháp sư Viên Anh (trong sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa) thì dẫn kinh A Hàm, nói rằng, Thiện Tinh là con của hoàng tử đường đệ của Phật; hoặc có chỗ nói, là con của vương tử Đề Bà Đạt Đa. Sau khi xuất gia, tì kheo Thiện Tinh đoạn trừ hết phiền não cõi Dục, chứng được Tứ-thiền. Nhưng rồi, vì thân cận với bạn ác mà sinh tà kiến, tiêu mất cảnh giới Tứ-thiền, trở thành si ám, bác bỏ nhân quảnghiệp báo, cho rằng không có Phật, không có niết bàn. Ông theo hầu Phật nhưng thường nói xấu Phật, và làm nhiều hành động chống lại Phật. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật có kể một số tội lỗi điển hình của ông như thế, và gọi ông là hạng nhất-xiển-đề. Vì những tội lỗi nặng nề đó, ông đã bị đọa địa ngục ngay khi còn sinh tiền. Sự kiện ông bị đọa địa ngục này đã xảy ra tại sông Ni-liên, trước sự chứng kiến của đức Phật và Bồ Tát Ca Diếp.

(218) A-tì: Tiếng Phạn là “a-tì”, dịch ra Hán ngữ là “vô-gián”, có nghĩa là không xen hở, không có kẽ hở. Đó là tên của loại địa ngục đau khổ cùng cực, nơi đọa lạc của những người tạo các tội cực ác, cực nặng. Chữ “vô-gián” có 5 ý nghĩa như sau: 1) Đọa lạc tức thì (thú quả vô gián): Sau khi xả bỏ thân người thì đọa ngay xuống địa ngục này, không phải qua thân trung ấm. 2) Chịu khổ không ngưng nghỉ (thọ khổ vô gián): Suốt trong thời gian ở địa ngục này, tội nhân chịu khổ liên tục, không giây phút nào có được niềm vui. 3) Thời gian không gián đoạn (kinh thời vô gián): Chịu khổ liên tục suốt trong một kiếp, không ngưng nghỉ một khoảnh khắc nào. 4) Mạng sống vô gián (mạng vô gián): Mạng sống kéo dài suốt một kiếp để liên tục chịu khổ, không giây phút nào gián đoạn. 5) Thân hình không bị xen kẽ (hình vô gián):Địa ngục này rộng dọc ngang tám vạn do tuần, thân hình một hay nhiều tội nhân cũng đều đầy khắp, không trống hở chỗ nào. Kinh Pháp Hoa nói: Người tạo tội vô gián, sau khi mạng chung, đọa ngay xuống địa ngụcA-tì, chịu khổ đủ một kiếp; mãn kiếp đó rồi, lại sinh sang địa ngục A-tì khác trong khắp mười phương thế giới, dần dà như thế cho đến vô số kiếp.

(219) Tập nhân: Tập khí, tức những thói quen, chính là nguyên nhân tạo nghiệp.

(220) Giao báo: Khi một căn (con mắt chẳng hạn) tạo nghiệp, năm căn kia (tai, mũi, lưỡi, thân, ý) cũng góp phần tạo nghiệp, cho nên khi căn ấy chịu quả báo thì năm căn kia cũng giao hòa nhau cùng chịu quả báo.

(221) Trời Đao-lợi (Đao-lợi thiên): “Đao-lợi” là tiếng Phạn, dịch ra Hán ngữ là “tam-thập-tam”, nghĩa là “ba-mươi-ba”. Cõi trời này ở trên đỉnh núi Tu-di, cách xa cõi người 8 muôn 4 ngàn do tuần. Ở 4 hướng của cõi này, mỗi hướng đều có 8 cung trời, và 1 cung ở trung ương, cộng tất cả là 33 cung, cho nên cõi trờinày có tên là “Đao-lợi”. Vị thiên chủ của cõi này là trời Đế Thích (tức Thích Đề Hoàn Nhân), ngự ở cung trung ương. Một ngày đêm ở cõi trời này dài bằng 100 năm ở cõi người; thiên chúng sống lâu 1.000 tuổi (tính ra hơn 36 triệu năm ở cõi người). Thiên chúng nam nữ ở cõi này cũng sống đời vợ chồng giống như cõi người, nhưng nhẹ nhàng, tinh khiết hơn nhiều. Em bé mới sinh ra đã lớn bằng em bé sáu tuổi ở nhân gian, y phục tự có đầy đủ.

(222) Trời Tu-diệm-ma (Tu-diệm-ma thiên): Cũng gọi là Dạ-ma thiên, dịch ra Hán ngữ là Thiện-thời-phân, ở trên hư không, cách cõi người 16 vạn do tuần. Đất đai cõi này như mây, thiên cung và thiên chúng tự có ánh sáng rực rỡ, ánh sáng trời trăng không chiếu tới, nên không có ngày đêm phân cách, chỉ căn cứ vàolúc hoa sen nở ra hay úp lại mà phân định ngày đêm. Một ngày đêm ở đây dài bằng 200 năm ở cõi người, thiên chúng sống lâu 2.000 tuổi. Mỗi giây mỗi phút đều thọ hưởng sự hoan lạc ngoài sức tưởng tượng củaloài người. Ý niệm dâm dục chỉ khởi lên khi biết đúng lúc, và vợ chồng chỉ ôm nhau là âm dương thành tựu. Đến lúc sinh, người thiên nữ khởi niệm, liền có em bé hóa sinh nơi đầu gối, lớn bằng em bé ba, bốn tuổi ở nhân gian.

(223) Trời Đâu-suất-đà (Đâu-suất-đà thiên): thường gọi tắt là Đâu-suất, dịch ra Hán ngữ là Tri-túc thiên, ở cách xa cõi người 32 vạn do tuần, đất đai như mây. Cõi trời này chia thành hai viện: Nội viện và Ngoại viện. Ngoại-viện do thiên vương San Đâu Suất Đà làm chủ, là nơi thiên chúng phàm phu cư trú, phần nhiều chỉ hưởng khoái lạc, ít tu tập. Nội-viện là nơi cư trú tu tập của các vị Bồ-tát, do đức Bồ Tát Di Lặc làm chủ, thuyết pháp hóa độ. Đức Di Lặc và chư vị Bồ-tát thường ra khu Ngoại viện để giáo hóa thiên chúng phàm phu, ai căn cơ thuần thục, nghe pháp khai ngộ, thì được tiếp dẫn vào khu Nội-viện. Khu Nội-viện cực kì tinh vi, đến nỗi thiên chúng ở Ngoại-viện cũng không thể biết được. Vì vậy, khi đến kiếp Hoại, đại tam taiphá hủy thế giới đến tận cõi trời Tam-thiền (ở Sắc-giới), mà khu Nội-viện của cõi trời Đâu-suất này vẫn không bị hủy hoại. Thọ mạng ở Đâu-suất Ngoại-viện là bốn ngàn tuổi (một ngày đêm dài bằng bốn trăm năm ở nhân gian). Chúng sinh ở đây, niệm dâm dục nhẹ nhàng, biết đủ, và nam nữ chỉ cầm tay nhau là âm dương thành tựu. Em bé mới sinh đã lớn bằng em bé tám tuổi ở nhân gian.

(224) Trời Lạc-biến-hóa (Lạc-biến-hóa thiên): cũng gọi là Hóa-tự-tại thiên, hay Hóa-lạc thiên, ở cách xa cõi người 64 vạn do tuần, đất đai như mây. Chúa của cõi này là thiên vương Thiện Hóa, thiên chúng tự hóa ra các trần cảnh để tự thọ lạc, thân tướng thường có ánh sáng. Niệm dâm dục ở đây càng nhẹ nhàng, và nam nữ chỉ mỉm cười với nhau là âm dương thành tựu; con cái hóa sinh từ đầu gối của cha hoặc mẹ, mới sinh ra đã lớn bằng đứa trẻ mười hai tuổi ở nhân gian. Họ sống lâu tám ngàn tuổi (một ngày đêm dài bằng tám trăm năm ở nhân gian).

(225) Trời Tha-hóa-tự-tại (Tha-hóa-tự-tại thiên): là tầng trời cao nhất trong 6 tầng trời cõi Dục (Lục Dục thiên), và cũng là cõi cao nhất của cõi Dục (Dục giới); ở cách xa cõi người 128 vạn do tuần, đất đai như mây. Thiên chúng ở tầng trời phía dưới là Hóa-lạc thiên, tự mình biến hóa ra năm trần cảnh để hưởng thụ; rồi thiên chúng ở tầng trời này lại lấy các trần cảnh kia để hưởng thụ một cách tự tại, như Luận Đại Trí Độ nói: Cõi này chiếm lấy sự biến hóa của người khác để làm vui cho mình, cho nên gọi là “Tha-hóa-tự-tại”.Cõi trời này làm chủ của cả 6 cõi trời Dục giới. Đối với 5 cõi ở dưới thì thiên chúng ở cõi trời này sống lâu hơn, đoan chính hơn và sung sướng hơn rất nhiều. Dục niệm ở đây chỉ còn rất ít, thiên nam và thiên nữchỉ nhìn nhau là âm dương thành tựu. Muốn có con thì khởi niệm, liền có thiên tử hóa sinh nơi đầu gối, lớn bằng đứa trẻ mười tuổi ở nhân gian. Họ sống đến 16.000 tuổi, mà một ngày đêm ở đó dài ước chừng bằng 1.600 năm ở cõi người. Cõi trời này cũng có duyên với Phật pháp, chính đức Thế Tôn đã từng nói một hội Kinh Hoa Nghiêm và một hội Kinh Bát Nhã ở cung trời này. Nhưng ở cõi trời này cũng có một cung điện vô cùng rộng lớn, đẹp đẽ, là chỗ ở của ma vương, chuyên tâm phá hoại Phật pháp, mà Luận Đại Trí Độ gọi đó là “Tha-hóa-tự-tại thiên tử ma” (là một trong 4 loại ma).

Sáu cõi trời Tứ-vương, Đao-lợi, Dạ-ma, Đâu-suất, Hóa-lạc và Tha-hóa-tự-tại, được gọi chung là sáu cõi trời Dục-giới (Lục Dục thiên). Hai cõi trời Tứ-vương và Đao-lợi đều tọa lạc trên núi Tu-di, còn thuộc cõi đại địa, nên gọi là “địa cư thiên”; bốn cõi trời còn lại đều tọa lạc trên hư không, cho nên được gọi là “không cư thiên”.

(226) Trời Sơ-thiền (Sơ-thiền thiên), vì đã lìa bỏ những pháp bất thiện của cõi Dục, nên có được cái cảm thọ hỉ và lạc của người vừa được thoát li khỏi cõi Dục (li sinh hỉ lạc); tuy nhiên, họ vẫn còn có hai tâm sở“tầm” (suy tưởng phân biệt ở mức độ thô thiển) và “từ” (suy tưởng phân biệt ở mức độ vi tế) hoạt động, cho nên còn cần phải đoạn diệt. Chúng sinh ở cõi này, vì không còn ăn uống giống như ở nhân gian, cho nên trong sáu thức, chỉ có bốn thức nhãn, nhĩ, thân và ý hoạt động, không có tị thức và thiệt thức. Tầng trời này chia làm 3 cõi, từ thấp lên cao có: 1) Cõi trời Phạm-chúng (Phạm-chúng thiên), tức là dân chúng của Phạm thiên, sống thọ 20 tiểu kiếp; 2) Cõi trời Phạm-phụ (Phạm-phụ thiên), tức là quan lại phụ tá cho Phạm thiên, sống thọ 40 tiều kiếp; 3) Cõi trời Đại-phạm (Đại-phạm thiên), tức là các vị Phạm thiên, sống thọ 60 tiểu kiếp.

(227) Trời Nhị-thiền (Nhị-thiền thiên), ở cao hơn tầng trời Sơ-thiền. Tại đây, hai tâm sở “tầm”“từ” đã đoạn diệt, tâm thanh tịnh, cảm thọ hỉ lạc có được là do từ công phu thiền định của tự thân mà sinh ra (định sinh hỉ lạc). Chúng sinh ở cõi này, năm thức trước đều không hoạt động, chỉ còn có ý thức hiện khởi mà thôi. Tầng trời này chia làm 3 cõi, từ thấp lên cao có: 1) Cõi trời Thiểu-quang (Thiểu-quang thiên), tức là ánh sáng hãy còn yếu ớt, thọ 2 đại kiếp; 2) Cõi trời Vô-lượng-quang (Vô-lượng-quang thiên), tức là do định lực thâm sau hơn mà ánh sáng thân tâm chiếu soi rộng rãi, suốt khắp mười phương của một tiểu thiên thế giới, thọ 4 đại kiếp; 3) Cõi trời Quang-âm (Quang-âm thiên), tức dùng ánh sáng thanh tịnh vi diệu của mình làm âm thanh (chứ không dùng ngôn ngữ) để giáo hóa thiên chúng, thọ 8 đại kiếp.

(228) Trời Tam-thiền (Tam-thiền thiên), xả bỏ hết các cảm thọ hỉ lạc của cõi Nhị-thiền, thường trú trong cảnh giới không khổ không vui (hành xả), dùng chánh niệm và chánh kiến tiếp tục tu tập mà có được niềm vui vi diệu (li hỉ diệu lạc). Chúng sinh ở cõi này cũng chỉ có ý thức hoạt động. Tầng trời này chia làm 3 cõi, từ thấp lên cao có: 1) Cõi trời Thiểu-tịnh (Thiểu-tịnh thiên), tức là mới điều phục được ý thức, bước đầunhập vào cảnh vui tịch tịnh, thọ 16 đại kiếp; 2) Cõi trời Vô-lượng-tịnh (Vô-lượng-tịnh thiên), tức cảnh giớitịnh lạc rộng như hư không, không có hạn lượng, thọ 32 đại kiếp;

3) Cõi trời Biến-tịnh (Biến-tịnh thiên), tức niềm tịnh lạc hữu lậu tới đây là cùng cực, tất cả mọi nơi tiếp xúcđến đều trở thành tịnh lạc, thọ 64 đại kiếp.

(229) Trời Tứ-thiền (Tứ-thiền thiên) xả bỏ niềm vui vi diệu (diệu lạc) của Tam-thiền, gọi là “xả diệu lạc”; chỉ nghĩ nhớ đến công đức tu dưỡng, gọi là “niệm thanh tịnh” (gồm chung lại gọi là “xả niệm thanh tịnh”). Chúng sinh ở cõi này chỉ có ý thức hoạt động, thường trú trong cảnh giới không khổ không vui (xả thọ). Tầng trời này chia làm 4 cõi, từ thấp lên cao có: 1) Cõi trời Phúc-sinh (Phúc-sinh thiên), tức niệm khổ vui đều xả bỏ, tịnh phúc phát sinh, thọ 125 đại kiếp; 2) Cõi trời Phúc-ái (Phúc-ái thiên), tức phước báo vô biên, rất đáng được ưa thích trong vòng thế gian, thọ 250 đại kiếp; 3) Trời Quảng-quả (Quảng-quả thiên), tức là quả báo của phước đức vô cùng rộng lớn, thọ 500 đại kiếp; 4) Cõi trời Vô-tưởng (Vô-tưởng thiên), tức hoàn toàn sống trong định buông xả, không còn tư tưởng, thọ 500 đại kiếp. Ngoài ra, cũng thuộc tầng trời Tứ-thiền này, cao hơn hai cõi trời Quảng-quả và Vô-tưởng, còn có 5 cõi trời Tịnh-cư, là trú xứ của các vị A-na-hàm (xem chú thích số 230 tiếp theo sau).

(230) Trời Bất-hoàn (Bất-hoàn thiên): cũng gọi là trời Tịnh-cư, tức là trú xứ của các vị A-na-hàm (quả thứ ba trong bốn quả Thanh-văn), cũng thuộc tầng trời Tứ-thiền, cao hơn hai cõi trời Quảng-quả và Vô-tưởng. Các vị A-na-hàm đã đoạn trừ hết mọi lậu hoặc của cõi Dục, nên không còn sinh lại cõi Dục nữa, mà an lập ở cõi Tịnh-cư này để tu hành tiếp tục cho đến khi chứng quả A-la-hán. Ở đây có 5 cõi trời (gọi là Ngũ Bất-hoàn thiên, hay Ngũ Tịnh-cư thiên), từ thấp lên cao có: 1) Cõi trời Vô-phiền (Vô-phiền thiên), thọ 1.000 đại kiếp; 2) Cõi trời Vô-nhiệt (Vô-nhiệt thiên), thọ 2.000 đại kiếp; 3) Cõi trời Thiện-kiến (Thiện-kiến thiên), thọ 4.000 đại kiếp; 4) Cõi trời Thiện-hiện (Thiện-hiện thiên), thọ 8.000 đại kiếp; 5) Cõi trời Sắc-cứu-cánh (Sắc-cứu-cánh thiên), cực đỉnh của cõi Sắc, thọ 16.000 đại kiếp.

(231) Ba hoặc (tam hoặc): “Hoặc” nghĩa là mê lầm, là một tên gọi khác của phiền não, cũng gọi là cấu, kết, hay lậu. Hoặc có 3 loại:

1) Kiến tư hoặc: Thấy biết sai lầm gọi là “kiến hoặc”, như thân kiến, biên kiến, tà kiến v.v... Đối trước mọi sự vật ở thế gian, do tâm tham, sân, si v.v... mà khởi lên các vọng tình, gọi là “tư hoặc”. Trừ hết kiến tư hoặc này thì giải thoát ba cõi, hàng Thanh-văn, Duyên-giác coi đó là niết-bàn. Hàng Bồ-tát cũng đoạn trừ hết nhưng không coi đó là niết-bàn, mà còn tiến xa hơn nữa. Vì cả ba thừa cùng tu tập đoạn trừ, nên kiến tư hoặc được gọi là “thông hoặc”.

2) Trần sa hoặc: là các chướng ngại của hàng Bồ-tát trong việc giáo hóa độ sinh, nên cũng được gọi là “hóa đạo chướng”. Bồ-tát giáo hóa độ sinh tất phải tinh thông vô lượng pháp môn, nhiều như cát bụi. Nhưng Bồ-tát trí tuệ còn yếu kém, phải trải qua kiếp số lâu dài mới học tập thông đạt vô lượng pháp môn, công việc hóa độ mới được tự tại vô ngại; đó là “trần sa hoặc”. Loại hoặc này chỉ riêng có ở hàng Bồ-tát, nên được gọi là “biệt hoặc”.

3) Vô minh hoặc: là loại hoặc ngăn che lí thực tướng của trung đạo, cho nên cũng gọi là “chướng trung đạo hoặc”. Loại hoặc này là căn bản vô minh, vô cùng thâm sâu vi tế, chỉ có Bồ-tát ở bậc Đẳng-giác mới đoạn trừ, đoạn xong thì tiến lên bậc Diệu-giác, thành Phật. Đây cũng là loại “biệt hoặc”.

Trong các kinh luận, khi nói đến “ba hoặc” là chỉ cho 3 loại hoặc trên đây, tức kiến tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc. Riêng ở đoạn kinh này, vì đức Phật chỉ dạy, nhấn mạnh về 3 nghiệp sát, đạo, dâm, nên từ “ba hoặc” ở đây có thể hiểu là ba ác nghiệp sát, đạo, dâm; vì mê lầm không biết rõ sát đạo dâm chính là gốc rễ của luân hồi, nên gọi là “hoặc”.

(232) Ý-sinh-thân: cũng gọi là “ý thành thân”, là thân không sinh ra từ tinh huyết của cha mẹ, mà hóa sinh do năng lực của ý, chuyển động nhanh chóng như chuyển động của ý; ý muốn tới đâu thì thân liền tới đó, tới lui khắp các Phật độ không có gì ngăn ngại. Đây là thân của các vị Bồ-tát từ bậc Sơ-địa trở lên, vì cứu độ chúng sinh mà hóa sinh như ý. Có ba loại ý sinh thân:

1) Nhập tam muội, lạc ý sinh thân: Các vị Bồ-tát nhập vào chánh định, tâm ý tịch tĩnh bất động, được niềm vui chân không tịch diệt (khác với cái vui cảm thọ), tùy ý tới lui khắp các Phật độ không bị chướng ngại.

2) Giác pháp tự tánh, tánh ý sinh thân: Các vị Bồ-tát liễu ngộ tất cả vạn pháp tự tánh như huyễn, hoàn toàn không có “sở hữu”, cho nên có thể dùng vô lượng thần lực tới lui khắp tất cả Phật độ, nhanh chóng như ý muốn, tự tại vô ngại.

3) Chủng loại câu sinh, vô tác ý sinh thân: Các vị Bồ-tát liễu ngộ tất cả pháp đều là Phật pháp, được một thân thì vô lượng thân cùng thời đồng hiện, như hình bóng của mọi chủng loại cùng lúc hiện ra trong tấm gương lớn, tự nhiên như thế, không do ai tạo tác cả.

(233) Đời sống phần đoạn: tức “phần đoạn sinh tử”, nghĩa là sự sinh tử của chúng sinh phàm phutrong vòng ba cõi. Chúng sinh ở đây có thân căn, có thọ mạng dài ngắn, có thể chất lớn nhỏ, mạnh yếu, cho nên gọi là “phần đoạn”.

(234) Đời sống biến dịch: tức “biến dịch sinh tử”, nghĩa là sự sinh tử của thánh nhân ba thừa ở ngoài ba cõi. Các bậc thánh nhân đã dứt hết kiến tư hoặc trong ba cõi, giải thoát ra ngoài ba cõi mà thọ sinh trong cõi pháp tánh, không còn “phần đoạn sinh tử”. Sự sinh tử ở đây chỉ là sự biến chuyển dời đổi (biến dịch) của tâm niệm từ quả vị này lên quả vị khác mà thôi.

(235) U ẩn: Hành ấm lưu chuyển vi tế, động mà như là chẳng động, gọi là “u ẩn”. Đó là một trong năm thứ vọng tưởng được đức Phật dạy rõ trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Theo Kinh này, gốc rễ của năm ấm (năm uẩn) đều là vọng tưởng –hay nói chính xác hơn, năm ấm tức là năm thứ vọng tưởng, gồm có:

1. Vọng tưởng kiên cố: tức là sắc ấm. Sắc ấm là thân thể con người, do bốn đại hòa hợp làm thành. Khi thức vừa khởi động thì liền phát sinh ý tưởng; tưởng sinh thì mạng căn được thành lập; mạng lập thì liền đầy đủ bốn đại. Cho nên, ba thứ thức, tưởngmạng đã kết hợp mà hình thành con người. Ý tưởngmong cầu có được điều này điều nọ, gọi là “vọng tưởng”; các pháp có tướng trạng, có ngăn ngại, gọi là “kiên cố”. Do vọng tưởng muốn có mạng sống cho nên mới có sắc thân; sắc thân đã có thì muốn cho bền chắc lâu dài. Sắc thân đã có cho nên có ngăn ngại, có chấp ngãngã sở, có ngã ái, ngã mạn v.v...; đó gọi là “vọng tưởng kiên cố”.

2. Vọng tưởng hư minh: Chữ “hư” nghĩa là trống, tức không đầy; chữ “minh” nghĩa là biết. Vì “hư” cho nên lãnh nạp được; vì “minh” cho nên biết có cảm giác; bởi đó, “hư minh” là chỉ cho thọ ấm. Chúng sinhdo ý tưởng tham cầu mong muốn mà sinh tâm yêu thích cái gì tốt đẹp, thuận ý, có lợi, đó gọi là “cảm thọ vui” (lạc thọ); và chán ghét cái gì xấu xa, nghịch ý, bất lợi, đó gọi là “cảm thọ khổ” (khổ thọ). Như vậy, thọ ấm vốn là hư vọng, không có thật thể, cho nên gọi là “vọng tưởng hư minh”, là tác dụng của năm thức trước (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân).

3. Vọng tưởng dung thông: tức là tưởng ấm. “Dung thông” nghĩa là dung hợp nhau, thông suốt nhau, không chướng ngại. Niệm tưởng thì vô hình, nhưng có thể sai sử sắc thân hữu hình. Tâm nghĩ gì thì thân thể liền lay động đáp ứng theo, cả lúc thức lẫn trong lúc ngủ; đó là do cái tưởng dung thông, cho nên tưởng ấm được gọi là “vọng tưởng dung thông”, là tác dụng của ý thức.

4. Vọng tưởng u ẩn: tức là hành ấm. Thân thể chúng sinh niệm niệm biến chuyển, không giờ khắc nào ngừng nghỉ; và sự biến chuyển ấy vô cùng vi tế, thâm u, ẩn mật, ta không biết được. Cho nên hành ấmđược gọi là “vọng tưởng u ẩn”, thuộc phạm vi của thức mạt-na.

5. Vọng tưởng điên đảo: tức là thức ấm. Thức ấm ở đây chính là thức a-lại-da, bản thể của vạn pháp. Thức thể này vi tế, tinh thuần, trong lặng, giống như chân tánh bản giác, nhưng thật ra không phải là chân tánh bản giác; vì chân tánh bản giác thì rời khỏi mọi sự thấy nghe hay biết, còn thức này thì luôn luôn nhận sự huân tập của thấy nghe hay biết, niệm niệm không dừng. Bản chất của thức vốn hư vọng, nhưng chúng sinh phàm phu thì cho đó là mạng căn, hàng Nhị-thửa thí lấy đó làm niết bàn. Lấy không làm có, cho cái hư vọng là chân thật, không thấy được sự trôi chảy bất tận mà cứ cho là trong lặng không lay động, cho nên gọi thức ấm là “vọng tưởng điên đảo”.

(236) Tám trăm công đức của nhãn căn: Ý nói sức thấy cùng cực của nhãn căn. (Xin xem lại đoạn kinh nói về công năng của sáu căn, ở nửa sau quyển 4.)

(237) Điên đảo: Mê muội đối với chánh tri kiến, mọi sự phát ngôn đều do tà tri kiến sai sử. Đoạn kinh này đề cập đến bốn loại tri kiến điên đảo: 1. Kiểu loạn: Cố chấp không thuận với lí lẽ; nói năng rối loạn lung tung, không chủ đích; không biết rõ mà cứ nói bừa. 2. Bất tử: Ngoại đạo cho rằng cõi trời Vô-tưởng là trời bất tử; nếu suốt đời không trả lời rối loạn lung tung (kiểu loạn) những câu hỏi của người khác, thì sau khi chết sẽ được sinh lên cõi trời ấy. Nếu quả thật không biết mà cứ đáp bừa, thì sợ sẽ trở thành kiểu loạn; cho nên, nếu lúc nào có người hỏi, thì cứ trả lời bằng những ngôn từ bí mật, hoặc những câu phủ định bâng quơ. Nhưng đức Phật quở rằng: chủ trương như thế mới đúng thật là “kiểu loạn”. 3. Hư luận: Luận thuyết hư ngụy, không phù hợp với nghĩa lí chân thật. 4. Biến kế: Tánh phân biệt, so đo, suy lường, làm mất đi cái tính chất chân thật của sự vật.

(238) Theo chú thích của pháp sư Viên Anh (trong Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa), trong quyển Đạt Ma Hiển Tông Luận có nói: Tôn giả Vô Diệt (tức A Na Luật), trong một kiếp xa xưa, dùng bảy đồng tiền sắm sửa trai phạn cúng dường Phật. Nhờ phước báo đó mà sau khi xả báo thân người, được sinh lên cõi trời Đao-lợi đến bảy lần; sau đó lại sinh vào làm người cũng bảy lần, đều làm bậc Chuyển Luân Vương; kiếp sau cùng sinh vào làm vương tử trong dòng họ Thích-ca ở thành Ca-tì-la-vệ, tên A Na Luật, theo Phật Thích Ca xuất gia tu học, chứng quả A-la-hán, thoát li sinh tử, an trú niết bàn.

(239) Bốn tội căn bản cực nặng: Danh từ Phật học Hán-Việt gọi là “tứ trọng tội”, hay “tứ căn bản trọng tội”, gồm có bốn tội: giết hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối.

(240) Mười tội cực ác: Danh từ Phật học Hán-Việt gọi là “thập ba-la-di tội”. Đây là giới luật đại thừa, tức 10 giới trọng trong 58 giới Bồ-tát được ghi trong kinh Phạm Võng, gồm có: 1) Giết hại 2) Trộm cắp 3) Dâm dục 4) Nói dối 5) Mua bán rượu 6) Nói lỗi của bốn chúng 7) Khen mình chê người 8) Keo kiệt ích kỉ, không muốn bố thí tài vật và giáo pháp 9) Tâm sân hận không nhận sự sám hối của người khác 10) Hủy báng Tam Bảo.

Các soạn phẩm và dịch phẩm Phật học
của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên

- Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984)
Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994
Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn)
Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004
Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005
- Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản
Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996
Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008
- Kinh A Di Đà (dịch năm 1997 – chưa in)
- Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996)
* Giáo Khoa Phật Học Cấp Một - bản Giáo Thọ
BPDPTPGVN (Nha-trang) in lần 1, năm 2002 (sắp in lần 2)
*Giáo Khoa Phật Học Cấp Một - bản Học Chúng
BPDPTPGVN (Nha-trang) in lần 1, năm 2002
* Giáo Khoa Phật Học Cấp Một - bản Cư Sĩ
BPDPTPGVN (Nha-trang) in lần 1, năm 2002
Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2, năm 2002 (không đề hàng chữ “bản Cư Sĩ”)
BPDPTPGVN (Nha-trang) sắp in lần 3
* Giáo Khoa Phật Học Cấp Hai - quyển thượng
BPDPTPGVN (Nha-trang) in lần 1, năm 2004
BBTPDPTVN (California) in lần 2, năm 2005
* Giáo Khoa Phật Học Cấp Hai - quyển hạ
BPDPTPGVN (Nha-trang) in lần 1, năm 2005
BBTPDPTVN (California) in lần 2, năm 2006
* Giáo Khoa Phật Học Cấp Ba
BBTPDPTVN (california) in lần 1, năm 2007
- Một Cành Mai (hợp tác với Võ Đình)
An Tiêm (Paris/San Jose) in lần 1, năm 2005
- Kinh Hạnh Nguyện Phổ Hiền & Kinh Vô Lượng Nghĩa (dịch từ kinh văn chữ Hán)
Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 1, năm 2006
Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 2, năm 2010
- Niệm Phật Vô Tướng (dịch từ tác phẩm Vô Tướng Niệm Phật, nguyên tác Hoa văn của Tiêu Bình Thật cư sĩ, Đài-loan)
Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange Counry (California) in lần 1, 2006
- Trích Lục Từ Ngữ Phật Học - quyển thượng
BBTPDPTVN (California) in lần 1, năm 2009
- Trích Lục Từ Ngữ Phật Học - quyển hạ
BBTPDPTVN (California) in lần 1, năm 201

- Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Tập 1, Tập 2)

BBTPDPTVN (California) in lần 1, năm 2012


Xem dưới dạng văn bản thuần túy