× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Bảo Tích



VII. PHÁP HỘI MẶC GIÁP TRANG NGHIÊM THỨ BẢY 1

(Hán Bộ Từ Quyển 21 Đến Quyển 25)
Hán Dịch: Nhà Đường, Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi

 

Như vậy tôi nghe một lúc Đức Phật ở thành Vương Xá tại Trúc Lâm Ca Lan Đà cùng chúng đại Tỳ Kheo và chư Đại Bồ Tát câu hội. Chư Bồ Tát nầy đều từ các Phật đến họp.

Lúc bấy giở Đức Thế Tôn được vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh cung kính cúng dường.

Trong chúng hội có vị Đại Bồ Tát tên là Vô Biên Huệ, từ chỗ ngồi đứng dậy trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất cúi đầu kính lạy, rồi chắp tay hướng lên Đức Phật mà bạch rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Tôi có chút nghi ngờ xin hỏi Đức Như Lai, mong Đức Như Lai chuẩn cho".

Ngài Vô Biên Huệ Bồ Tát nói kệ rằng:

"Đấng Đại Hùng trượng Phu

Thế gian chẳng ai bằng

Có chút nghi xin hỏi

Chẳng rời tòa sư tử

Hiện thân khắp mười phương

Trong tất cả dị luận

Không ai khuynh động được

Tạng trí không ngằn mé

Trí lực cũng vô lượng

Mỗi lực của Thế Tôn

Độ khắp được thế gian

An trụ nhứt thiết trí

Khéo trụ ở thập lực

Đại sư tử vô úy

Đấng tối thắng vô thượng

Đức Như Lai có đủ

Mười tám pháp bất cộng

Chiếu sáng khắp thế gian

Xô dẹp các ngoại đạo

Biết rõ tất cả pháp

Vì thế không ai trên

Đại Đạo Sư trọn lành

Tôi có nghi xin hỏi

Trí ly cấu vô biên

Trí đại hải bất động

Trí cảnh giới vô ngại

Tôi có nghi xin hỏi

Thế Tôn khéo tu tập

Nơi đạo không còn lầm

Đại đạo sư an ổn

Tôi có nghi xin hỏi

Đã qua khỏi dòng dữ

Dã dứt hết trói buộc

Nhỗ được các tên độc

Tôi có nghi xin hỏi

Đã phá vỏ vô minh

Đã hết nóng phiền não

Hay ở an mát mẻ

Tôi có nghi xin hỏi

Trí vô úy vô thượng

Trí vô ngại vô trước

Pháp hải nhứt thiết trí

Như Lai đã chứng được

Phật vô lượng công đức

Chứng trí đều viên mãn

Hết tất cả phiền não

Phá tất cả kiến chấp

Thế Tôn chứa nhóm nhiều

Vô lượng công đức lớn

Pháp Vvương bất tư nghì

Tôi có nghi xin hỏi

Phật trí huệ thù thắng

Chiếu khắp các thế gian

Diễn rộng ; ánh sáng pháp

Biển công đức vô biên

Pháp quang của Đạo Sư

Chiếu khắp các thế gian

Vì thế trong thế gian

Ánh sáng Phật pháp hiện

Biển pháp nhứt thiết trí

Biện tài không gì trên

Tinh tiến chẳng nghĩ bàn

Thanh tịnh rời kiến chấp

Vì Phật nhãn vô biên

Trí cảnh cũng vô biên

Đấng thế gian vô đẳng

Tôi có nghi xin hỏi

Đại Mưu Ni Pháp Vương

Dứt được chúng sanh nghi

Bạch Phật tôi sẽ hỏi

Trông mong được hứa cho

Tôi xem tất cả chỗ

Trên trời và nhơn gian

Không ai bằng Như Lai

Đấng soi sáng cùng khắp

Đầy đủ các công đức

Đại trượng phu trang nghiêm

Pháp Vương chẳng nghĩ bàn

Sáng rực trong các thánh

Vi như núi Tuyết lớn

Chỗ các báu đoan nghiêm

Thế Tôn ngồi pháp tọa

Đoan nghiêm cũng như vậy

Diệu âm đại tinh tấn

Hay tuyên lời đẹp dạ

Nếu chúng sanh được nghe

Căn lành đều thanh tịnh

Phật thù thắng trong người

Thường diễn ánh sáng pháp

Nhờ vậy mà chúng sanh

Tùy ý liền khai ngộ

Biết thời biết chúng hội

Đấng Đạo Sư biết người

Diễn bày ánh sáng pháp

Dùng trì huệ đúng thời

Đấng phạm âm tinh tiến

Xin ban lời thanh tịnh

Như trời mưa ướt đất

Chánh pháp khắp nhuần mát

Thế Tôn ở trong chúng

Khắp tuyên pháp vũ rồi

Hy vọng ở pháp nầy

Chúng sanh đều đầy đủ

An trụ trên tất cả

Như Vương ở Diệu Cao

Ban pháp cho chúng sanh

Khiến đại chúng hoan hỉ

Đại Hùng Lưỡng Túc Tôn

Cảnh giời bất tư nghì

Tất cả các chúng sanh

Không ai có thể biết

Vô lượng đại trượng phu

Chúng hội đã hòa hiệp

Nương nhờ đại Mâu Ni

Chí cầu cảnh giới Phật

Tôi xu hướng cảnh Phật

Nên đến họp tại đây

Đạo Sư trí vô ngại

Thế nào sớm khai ngộ

Tôi theo ý mình thích

Chiêm ngưỡng muốn thỉnh hỏi

Xin Thế Tôn khai thị

Để dứt hết nghi hoặc

Nếu nghe pháp vô thượng

Thì được lòng hoan hỉ

Hớn hở khắp cả thân

Dứt được các lưới nghi

Pháp Vương Vô Thượng Tôn

Nhứt thiết trí vô úy

Bực thấy biết tất cả

Tôi nghi xin được hỏi

Đối với tất cả pháp

Phật không chút nghi hoặc

Đại Đạo Sư tinh thuần

Tôi nghi xin được hỏi

Đấng dứt nghi vô thượng

Với pháp chẳng nghi hoặc

Biển công đức vô biên

Tôi nghi xin được hỏi

Ánh sáng lớn vô biên

Công đức lớn vô biên

Trí thanh tịnh vô biên

Tôi nghi xin được hỏi

Trí tinh tiến vô biên

Trí cảnh giới vô biên

Trí lợi ích vô biên

Tôi nghi xin được hỏi

Thế Tôn trí vô biên

Rời biên và vô biên

Dứt được tất cả nghi

Tôi nghi xin được hỏi

Pháp Vương bất tư nghị

Thương xót nghe tôi hỏi

Cho phép tôi sẽ hỏi

Đức Phật tuyên dạy cho

Xin hỏi nhứt thiết trí

Đức Thích Ca Mâu Ni

Nếu thương cho phép tôi

Xin giải những điều nghi".

Đức Thế Tôn bảo Vô Biên Huệ Đại Bồ Tát rằng: "Nầy Vô Biên Huệ! Nay đối với ta, ông ;khát ngưỡng khẩn cầu muốn hỏi Như Lai bao nhiêu điều. Nếu ông có điều gì muốn hỏi, ta sẽ giải đáp cho".

Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

"Nầy ông Vô Biên Huệ

Muốn hỏi những điều gì

Ông đều nên hỏi đi

Như Lai sẽ giải đáp

Như mừng điều được hỏi

Mỗi mỗi việc nên hỏi

Tùy ý thích muốn hỏi

Phật sẽ mau khai ngộ

Ta vì ông diễn nói

Tất cả không còn nghi

Như ông chí nguyện cầu

Xứng theo chỗ ông hỏi

Nay ông bạch hỏi Phật

Đúng lúc và đúng nghĩa

Vì phải thời bạch hỏi

Nên ta quyết định nói

Cứ như ý ông thích

Bạch hỏi điều nên hỏi

Như Lai đều tùy thuận

Ví ông mà diễn nói

Nay ông hỏi đúng lúc

Ta cũng nói đúng lúc

Dứt lời nghi cho ông

Sẽ được không còn nghi

Như Lai là Pháp Vương

Thấu tỏ nghĩa rốt ráo

Đối với tất cả pháp

Được không còn nghi hoặc

Ta ở nơi các pháp

Chánh giác ngộ khó suy

Theo như ý chúng sanh

Đem hỏi sẽ giải đáp

Phật ở nơi các pháp

Đều không còn nghi hoặc

Đúng lúc mà bạch hỏi

Phật sẽ mau diễn nói

Không còn có nghi hoặc

Ta thường vì người nói

Theo như ý kia thích

Giải thích điều họ nghi

Như Lai thường biết rõ

Thời gian và chúng hội

Các loài chúng sanh thảy

Ý hướng họ chẳng đồng

Phật cũng thường quán sát

Tất cả tâm chúng sanh

Có dục hay không dục

Đều thấy rõ tất cả

Nếu có hàng trí giả

Có thể khéo tu hành

Ta đều lấy đúng lúc

Đem chánh pháp khai ngộ

Nếu là người vô trí

Ngu si và mê loạn

Họ không trí huệ sáng

Chẳng tôn trọng chánh pháp

Nếu không tôn trọng pháp

Chẳng mong cầu chánh pháp

Dầu có nghe pháp nầy

Không có trí sáng lớn

Người khéo giỏi nơi pháp

Nơi pháp hy vọng cầu

Nếu được nghe pháp nầy

Sẽ được trí sáng lớn

Người thích pháp Đại thừa

Cầu thỉnh đấng Thế Tôn

Được nghe pháp nầy rồi

Sẽ được trí sáng lớn

Phật đấng trí vô thượng

Phật trì bất tư nghì

Nên những người nguyện cầu

Được nghe đều thỏa mãn

Người thích trí vô ngại

Cầu đấng Tối Thượng Tôn

Họ được nghe pháp nầy

Sẽ được lợi ích lớn

Nếu người có trí tánh

Cầu đấng bất tư nghì

Họ được nghe pháp nầy

Sẽ được trí vô thượng

Nếu có những chúng sanh

Cầu được thành Phật đạo

Chuyển pháp luân vô thượng

Nghe pháp đều hoan hỷ

Người ưa thích tinh tiến

Tôn sùng nơi chánh pháp

Được nghe pháp ly cấu

Mừng rỡ càng hớn hở

Nếu có các chúng sanh

Thích tu tập pháp lành

Ta dùng ánh sáng pháp

Dạy họ pháp vô thượng

Gánh vác những gánh nặng

Sách tiến tu vô biên

Họ nghe pháp nầy rồi

Vui mừng được đầy đủ

Nếu có người mong cầu

Pháp lành để tư duy

Ta vì thương mến họ

Khai thị pháp vô thượng

Ta thường mến các ông

Tùy các ông bạch hỏi

Ta có thể giải quyết

Dứt nghi cho các ông

Từ nhiều ngàn ức năm

Ta đã khéo tu hành

Đã trừ hẳn nghi lầm

Biết rõ ý ông thích

Nếu có điều gì nghi

Cho phép ông bạch hỏi

Sẽ giải đáp cho ông

Dứt hết các nghi hoặc

Nếu có điều gì nghi

Cho phép ông bạch hỏi

Như ý ông thích muốn

Ta sẽ diễn nói cho

Nếu có điều gì nghi

Cho phép ông bạch hỏi

Phật an trụ chánh pháp

Không bao giờ động lay".

Lúc ấy Ngài Vô Biên Huệ Đại Bồ Tát bạch rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Tôi đối Bồ Tát thừa có chút nghi, nay sẽ xin hỏi.

Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là bực trượng phu xa rời sự bố úy, nhứt tâm chánh niệm vì chúng sanh mà mặc giáp trụ lớn. Nơi giáp trụ lớn mà trang nghiêm đó. Phát lòng rất mến thích mà tôn trọng đó. Dùng chẳng phóng dật mà ngồi Đại thừa ấy. Dùng con đường sạch sẽ bằng phẳng lớn, không có những gò nổng ngói đá gai góc dơ dáy lùm cây kiến chấp. Cũng không có gai độc hầm hố khổ não. Cũng không có sự trói buộc sợ sệt gian nan. Con đường bằng phằng đúng lý ngay ngắn không cong queo. Con đường không chướng ngại Đốn sạch lùm rừng. Xé nát tất cả lưới. Rời xa tối tăm. Trừ bỏ ái trước, vì xả bỏ hòa hiệp để hướng đến Vô Thượng Bồ Đề.

Bạch Đức Thế Tôn! Tôi đối với nghĩa nầy mà bạch hỏi. Thế nào thiện trượng phu. Thế nào giáp trụ lớn. Mâc giáp trụ ấy ngồi nơi Đại thừa, do con đường lớn ấy mà sẽ hướng đến Vô Thượng Bồ Đề.

Đức Thế Tôn nên diễn nói chư Đại Bồ Tát giáp trụ trang nghiêm, an trụ nơi đạo, an trụ nơi các pháp lý thú thiện xảo. Vì ở nơi pháp lý thú an trụ thiện xảo nên có thể phát khởi ánh sáng thiện xảo của các pháp lý thú. Vì có ánh sáng pháp nên chẳng bỏ giáp trụ ngồi nơi Đại thừa, dùng sức tinh tiến bất thối chuyển, gốc không vọng niệm và sức trí huệ tương tục có thể mau thành tựu pháp giới lý thú rành rẽ khéo giỏi, qua ngồi đạo tràng chuyển chánh pháp luân để vì chúng sanh mà diễn thuyết chánh pháp. Tất cả chúng sanh đúng như sở nguyện của họ, đúng như chỗ hướng đến của họ mà giải thoát sanh tử.

Bạch đức Thề Tôn! Tôi muốn làm lợi ích an vui chúng sanh nên hỏi nghĩa Đại thừa ấy.

Đức Thế Tôn Như Lai là bực biết tất cả, thấy tất cả, xin chỉ dạy dùng những pháp gì để thành tựu nhứt thiết chư pháp hải ấn tam muội của chư đại Bồ Tát, do tam muội nầy khiến chư đại Bồ Tát được chẳng thối chuyển Vô Thượng Bồ Đề.

Đức Thế Tôn Như Lai biết thấy trọn vẹn các pháp chưa từng có, giỏi về phương thuốc làm nên trí huệ cho chúng sanh. Vì thế nên tôi bạch hỏi".

Ngài Vô Biên Huệ Đại Bồ Tát lại nói kệ rằng:

"Vì chư Đại Bồ Tát

Tôi hỏi Đức Thế Tôn

Đấng nhứt thiết tri kiến

Nghĩa Phật pháp thậm thâm

Chỗ tu hành Đại thừa

Định nào hướng đến được

Nay tôi đều thỉnh hỏi

Lợi ích các chúng sanh

Thế nào thiện trượng phu

Mặc được pháp vô biên

Mặc giáp như vậy rồi

Sẽ hướng đến thế nào

Khởi thích muốn thế nào

Thế nào mến pháp ấy

Thế nào đại tinh tiến

Thế nào chẳng phóng dật

Thế nào chư Bồ Tát

Ngồi nơi Đại thừa nầy

Ngồi rồi lại thế nào

Việc ấy xin được nói

Thế nào ngồi Đại thừa

Hướng đến đạo Bồ Tát

Cúi xin đấng Đạo Sư

Mau tuyên nói cho tôi

Thế nào là đường bằng

Bình đẳng để hướng đến

Với rừng bụi kiến chấp

Luôn chặt đốn chẳng mệt

Ở trong các cảnh giới

Thế nào được siêu việt

Thế nào dùng bình đẳng

Phá rách lưới tham ái

Thế nào trừ hắc ám

Được ánh sáng đại trí

Chư đại Bồ Tát ấy

Sẽ hướng đến thế nào

Hay quan sát thế nào

Rời xa những trói buộc

Thế nào chư Bồ Tát

Rời trói khéo ở an

Thế nào chư Bồ Tát

Vượt qua bố úy lớn

Giỏi khéo các pháp nghĩa

Hướng đến nơi vô thượng

Bồ Tát mặc những gì

Vô biên giáp trụ lớn

Mặc giáp trụ ấy rồi

Ngồi nơi Đại thừa nầy

Thế nào chư Bồ Tát

Hướng đến đường bằng phằng

Nay tôi kính bạch hỏi

Thế Tôn nên giải đáp

Bồ Tát làm sao được

Trang nghiêm giáp trụ lớn

Thế Tôn nên diễn nói

An trụ nơi đạo nầy

Và trang nghiêm đạo ấy

Nghĩa thiện xảo các pháp

Thế Tôn nên diễn nói

Thế nào biết rõ được

Lý thú của pháp giới

Ánh sáng pháp thiện xảo

Thế Tôn nên diễn nói

Thế nào chư Bồ Tát

Được ánh sáng pháp ấy

Rốt ráo tất cả pháp

Thế Tôn nên diễn nói

Thế nào chư Bồ Tát

Được ánh sáng pháp rồi

Chẳng bỏ giáp trụ lớn

Do đây mà hướng đến

Thế nào chư Bồ Tát

Ngồi nơi Đại thừa nầy

Tinh tiến chẳng thối chuyển

Do đây mà hướng đến

Thế nào chư Bồ Tát

Chí niệm thường kiên cố

Hay dùng sức trí lớn

Mà khéo điều phục được

Thế nào được pháp giới

Nghĩa lý thú thiện xảo

Pháp Vương bất tư nghì

Xin Thế Tôn tuyên nói

Thế nào được mau chóng

Đến đạo tràng Bồ Đề

Chuyển pháp luân thanh tịnh

Thế gian chẵng chuyển được

Thế nào chẳng động tay

Để diễn nói các pháp

Vì tất cả chúng sanh

Như ngày xưa đã nguyện

Do diễn nói các pháp

Giải thoát hẳn sanh tử

Làm sao cho chúng sanh

Rốt ráo được an lạc

Vì lợi ích chúng sanh

Tôi hỏi Đức Thế Tôn

Bực thấy biết tất cả

Xin vì tôi diễn nói

Nên dùng những pháp gì

Làm cho chư Bồ Tát

Thành tựu tất cả pháp

Hải ấn đại tam muội

Người ham cầu Phật pháp

Khát ngưỡng đại Bồ Đề

Nếu nghe được pháp này

Toàn thân đều hớn hở"

Đức Phật phán dậy: "Lành thay, lành thay! Nầy Vô Biên Huệ Đại Bồ Tát! Thuở quá khứ ông đã cúng dường vô lượng chư Phật, trồng những cội lành, họp các công đức chẳng thể tính lường được. Ở nơi pháp thậm thâm nầy ông ham cầu khát ngưỡng. Dùng đại nguyện để thành tựu chúng sanh mà ông phát khởi đại bi bạch hỏi nơi Đức Phật.

Ông nên lắng nghe khéo suy gẫm, nay ta sẽ vì ông diễn nói chư Đại Bồ Tát do thành tựu công đức mà hướng đến Vô Thượng Bồ Đề".

Ngài Vô Biên Huệ Đại Bồ Tát bạch: "Bạch Đức Thế Tôn! Tôi xinđược nghe".

Đức Phật phán: "Nầy Vô Biên Huệ! Đại Bồ Tát vì Vô Thượng Bồ Đề mà mặc giáp trụ, vì muốn nhiếp lấy chúng sanh mà mặc đại giáp trụ, vì thanh tịnh bố thí cho chúng sanh ; mà mặc đại giáp trụ, vì các chúng sanh nên trì giới thanh tịnh ma mặc đại giáp trụ, vì các chúng sanh nên nhẫn nhục thanh tịnh mà mặc giáp trụ, vì các chúng sanh nên tinh tiến thanh tịnh mà mặc đại giáp trụ, vì các chúng sanh nên thiền định thanh tịnh mà mặc đại giáp trụ, vi các chúng sanh nên trí huệ thanh tịnh mà mặc đại giáp trụ, vì làm cho các chúng sanh được an lạc mà mặc đại giáp trụ, vì phát khởi tâm làm lợi ích cho các chúng sanh mà mặc đại giáp trụ, vì làm đối trị tham sân si cho các chúng sanh mà mặc đại giáp trụ, vì làm phương tiện cho đại công đức mà mặc đại giáp trụ, vì khéo viên mãn trí vô thượng mà mặc đại giáp trụ, vì cứu hộ sanh tử bố uý cho các chúng sanh mà mặc đại giáp trụ, vì muốn hiển hiện viên mãn trí vô đẳng đẳng mà mặc đại giáp trụ, vì giao chiến với các ma, quyến thuộc ma và ma nghiệp, cũng vì giao chiến với tất cả ngoại đạo, những hạng người đi trong đường hiểm rừng rậm kiến chấp trong cõi Đại Thiên naỳ mà mặc đại giáp trụ.

- Nầy Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát mặc đại giáp trụ như vậy rồi chẳng rời bỏ giáp trụ mà phát khởi đại tinh tiến, có thể vào được trong tất cả loài chúng sanh lấy hạnh nhẫn nhục để an trụ, xa rời bố uý chẳng kinh chẳng sợ chẳng động chẳng loạn mà còn mặc vô biên giáp trụ. Những là giáp trụ cứu hộ tất cả chúng sanh, giáp trụ cắt đứt tất cả lùm rừng kiến chấp, giáp trụ phá các quân ma, giáp trụ có thể tuyên trao trí huệ, giáp trụ làm vô biên cầu đò, giáp trụ thoát khỏi các gánh nặng, giáp trụ tăng trưởng tín tâm thanh tịnh, giáp trụ ở vững nơi giới luật, giáp trụ trừ sạch nghiệp chướng, giáp trụ tất cả trí lực thanh tịnh, giáp trụ sức phương tiện thiện xảo, giáp trụ có thể dứt tất cả chấp trước, giáp trụ trí huệ chẳng thối chuyển chẳng hối hận.

- Nầy Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát mặc đại giáp trụ như vậy rồi cũng chẳ bỏ rời nhẫ đến sức tinh tiến kiên cố vô biên chẳng bao giờ động lay mà hướng đến Vô Thượng Bồ Đề".

Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

"Bồ Tát mặc giáp trụ

Để nhiếp^các chúng sanh

Vì chúng sanh vô biên

Mặc giáp cũng vô biên

Vì bố thí thanh tịnh

Khiến tất cả đầy vui

Vì lợi ích chúng sanh

Mà mặc giáp trụ nầy

Vì trì giới thanh tịnh

Lợi ích cho thế gian

Vì lợi ích chúng sanh

Mà mặc giáp trụ nầy

Vì nhẫn nhục thanh tịnh

Dũng mãnh khéo an trụ

Vì làm lợi chúng sanh

Mà mặc giáp trụ nầy

Vì tinh tiến thanh tịnh

Thành tựu bất thối chuyển

VÌ làm lợi chúng sanh

Mà mặc giáp trụ nầy

Vì thiền định thanh tịnh

Cảnh sở hành cũng vậy

Vì làm lợi chúng sanh

Mà mặc giáp trụ nầy

Vì trí huệ thanh tịnh

Vô lậu và vô thượng

Vì làm lợi chúng sanh

Mà mặc giáp trụ nầy

Tất cả các chúng sanh

Thích gì sẽ cho đủ

Khèo biết ý nghĩa ấy

Mà mặc giáp trụ nầy

Bồ Tát nơi chúng sanh

Hay làm sự lợi ích

Dùng tứ nhiếp thanh tịnh

Ban khắp trong các cõi

Nếu làm người đối trí

Trừ bịnh tham sân si

Trao thuốc cho chúng sanh

Tật bịnh đều tiêu trừ

Do đây các Bồ Tát

Hay khéo mặc giáp trụ

Nơi công đức tư lương

Được vô biên phương tiện

Chúng sanh khổ sanh tử

Bức ngặt chẳng an ổn

Tôi thường làm cứu hộ

Mặc giáp trụ vô biên

Vô biên khổ sanh tử

Tôi làm giải thoát được

lưới ái kiến trói buộc

Tất cả đều sẽ đứt

Với lưới phiền não nầy

Làm đứt được tất cả

Sức tinh tiến kiên cố

Dũng mãnh mà mặc giáp

Tất cả các chúng sanh

Cho ở đường an lạc

Do đây đến Niết Bàn

An ổn mà vô thượng

Do sức đại tinh tiến

Mà mặc giáp trụ nầy

Sẽ cùng tất cả ma

Chiến đấu thường chẳng mệt

Với những nhà ngoại đạo

Nắm chặt các kiến chấp

Đi trong rừng rậm hiểm

Mặc giáp làm lợi họ

Và vô lượng chúng khác

Đi ở trong phi đạo

Với họ đều lợi ích

Nên mặc giáp vô biên

Mặc giáp trụ ấy rồi

Chẳng rời bỏ giáp trụ

Khởi sức đại tinh tiến

Mặc giáp trụ kiên cố

Vào trong cõi chúng sanh

Do nhẫn nhục được an

Thành tựu kiên cố nhẫn

Mặc giáp trụ vô thượng

Rời xa các bố uý

Cũng không có kinh sợ

Mặc vô biên giáp trụ

Tất cả siêng tu tập

Khéo mặc đại giáp trụ

Thường hay chánh giác ngộ

Tịch diệt chẳng động lay

Chẳng loạn chẳng thối chuyển

Mặc giáp như vậy rồi

Trí giả lại nên mặc

Giáp cứu hộ chúng sanh

Giáp phá hoại quân ma

Giáp cầu đò vô biên

Tất cả giáp đều mặc

Người trí huệ dũng mãnh

Mặc giáp được ở an

Vì bỏ gánh rất nặng

Mà mặc giáp vô thượng

Độ tất cả chúng sanh

Đều khiến thoát gánh khổ

Thêm lớn tin thanh tịnh

Khéo đều nhiếp sáu căn

Tương ưng với tịnh giới

Mặc giáp trụ vô thượng

Thành tựu trí dũng mãnh

Bồ Tát hay an trụ

Oai nghi đúng giới luật

Mặc giáp không bị động

Xưa ở trong chúng thánh

Tu các hạnh thanh tịnh

Thế nên mặc giáp trụ

Mà thường chẳng khiếp nhược

Dùng trí yêu chúng sanh

Lợi ích các thế gian

Thông đạt các phương tiện

Mặc giáp khéo an trụ

Với trí phương tiện khéo

Bồ Tát thông đạt được

Mặc giáp như vậy rồi

Dứt trừ các khiếp phược

Rời xa tất cả chấp

Chánh tín chẳng sai trái

Người trí mặc giáp trụ

Hướng đến đạo vô thượng

Bồ Tát hay quyết định

Tư lợi và lợi tha

Do sức đại tinh tiến

Kiên cố chẳng thối chuyển".

Đức Pật phán tiếp: "Lại nầy Vô Biên Huệ! Trong vô lượng kiếp, Đại Bồ Tát mang những gánh nặng, mặc giáp trụ lớn. Giáp trụ như vậy, hoặc là ma hoặc là quyến thuộc ma hoặc là sứ giả của ma, và những chúng sanh đi nơi

Lùm rừng rậm rợp xấu hiểm tà kiến đều chẳng thấy được. Tại sao vậy?Vì giáp trụ ấy không có hình sắc hiển bày, không tướng không đối, bỏ tướng rời tướng, không có danh tự vậy.

- Nầy Vô Biên Huệ! Giả sử có cây phi tiễn lượng như núi Tu Di, bén nhọn bắn đến không thể trúng được. Giả sử tất cả chúng sanh trong ; cõi Đại Thiên đều làm ma, mỗi chúng sanh ma đều riêng có ngần ấy quyến thuộc quân ma, tất cả đồng thời buông tên lượng như núi Tu Di, họ cũng chẳng thể làm hư hoại giáp trụ của chư đại Bồ Tát, dầu là làm hư chừng bằng sợi lông.

Đối với chư Đại Bồ Tát, còn chẳng thể làm cho các Ngài có ý niệm khác huống là làm động tới thân.

Chư đại Bồ Tát nầy nếu có một tâm niệm dẹp trừ họ, thì có thể làm cho quân ma ấy tan nát tiêu diệt.

Khéo an trụ giáp trụ như vậy mà chẳng động lay thì tất cả chúng sanh ; không có ai phá hoại được. Tại sao vậy? Vì là vô tướng, vì là chẳng phải chỗ đi chỗ thấy của chúng sanh. Tất cả chúng sanh chẳng thấy biết được chư Đại Bồ Tát, mà Bồ Tát có thể biết rõ tất cả pháp vậy. Vì thấy biết đúng thiệt mặc giáp trụ lớn để cứu hộ tất cả chúng sanh vậy. Với tất cả pháp không có chấp trước, vì muốn lợi ích tất cả chúng sanh vậy. Với tất cả pháp cũng vô sở đắc thế nên chúng sanh chẳng thấy biết được giáp trụ như vậy, vì giáp trụ ấy không có hình tướng, không có lộ bày, không có ngôn thuyết vậy. Giáp trụ ấy chẳng tương ưng với sắc, với thọ, tưởng, hành thức, chẳng tương ưng với nội, ngoại và trung gian, cũng chẳng tương ưng với chẳng phải nội ngoại trung gian, chẳng tương ưng với thập nhị xứ, thập bát giới, chẳng tương ưng với địa thủy hỏa phong và không đại chủng, chẳng tương ưng với cõi Dụcncõi ắc và cõi Vô Sắc, chẳng tương ưng với hữu tác, vô tác, diệc hữu tác vô tác và phi hữu tác vô tác, chẳng tương ưng với Thanh Văn địa, Bích Chi Phật địa và Phật địa, chẳng tương ưng với đường ngữ ngôn, chẳng tương ưng với sắc nhơ và sắc tướng, chẳng tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức, nhơn và thọ, tưởng, hành, thức tướng, chẳng tương ưng với tướng và phi tướng, với tất cả pháp chẳng tương ưng cũng chẳng phải chẳng tương ưng, không có trói buộc, không có giải thoát, cũng chẳng phải toán số hay thí dụ mà biết được, vì tất cả pháp quá các số vậy.

Giáp trụ như vậy, tất cả pháp kiến đếu bất khả đắc cả. Những là sắc kiến bất khả đắc, thọ kiến bất khả đắc nhẫn đến thức kiến bất khả đắc, cho đến không có chút pháp kiến nào khả đắc cả.

Giáp trụ như vậy, chẳng cùng tất cả pháp tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng cùng sắc, thọ, tưởng hành, thức tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng. Với tất cả pháp hoặc tương ưng hoặc chẳng tương ưng kia đều rời xa.

Giáp trụ như vậy không có tạo tác vì không có tác giả vậy, không có tướng vì chẳng ohải tướng vậy, không có tướng xứ sở, không có tướng hòa hiệp, không có phân biệt, không có động lay, không có phan duyên, không có tánh để thấy được.

Người mặc giáp trụ cũng bất khả đắc.

Mặc giáp như vậy cũng chẳng thể thấy được. Tại sao vậy? Vì lúc chư Đại Bồ Tát mặc giáp trụ mà chẳng thấy có ai là người mặc giáp, mặc giáp chỗ nào, tù đâu mặc giáp, cũng chẳng thấy tôi có thể mặc giáp, chẳng thấy áo giáp được tôi mặc, cũng chẳng thấy có chỗ nầy mặc giáp, chỗ kia mặc giáp, cũng chẳng thấy có mặc giáp vậy.

Vì các chúng sanh nơi tất cả pháp không chỗ hành, không chỗ kiến nên chư đải Bồ Tát mặc giáp trụ như vậy, cũng là mặc giáp trụ của ; Đức Như Lai mặc, thân bất khả đắc, tâm bất khả đắc, ý bất khả đắc, vì bất khả đắc nên xa rời phân biệt.

Nếu chư Bồ Tát còn chút pháp, hay là được chút pháp mà hiện tại mặc giáp trụ hay là sẽ mặc giáp trụ, thì chẳng nên gọi rằng mặc đại giáp trụ. Nếu tâm Bồ Tát vượt quá các pháp mới gọi là mặc đại giáp trụ tư nghị.

Chư đại Bồ Tát chẳng vì thiểu số chúng sanh mà mặc đại giáp trụ, cũng chẳng vì một kiếp chúng sanh mà mặc đại giáp trụ, cũng chẳng vì trăm kiép, ngàn kiếp cho đến trăm ngàn na do tha câu chi kiếp chúng sanh mà mặc đại giáp trụ, chánh là vì vô lượng vô số kiếp chúng sanh mà Đại Bồ Tát mặc đại giáp trụ, vì thế nên gọi rằng vô lượng đại giáp trụ vậy.

Lúc mặc đại giáp trụ, Đại Bồ Tát mặc giáp trụ chẳng sanh tưởng là chúng sanh, mặc giáp trụ chẳng khởi tưởng là ngã, mặc giáp trụ rời lìa tưởng có chúng sanh, mặc giáp trụ diệt trừ tưởng có ngã, mặc giáp trụ biết rõ tánh chúng sanh, mặc giáp trụ biết rõ tánh ngã, mặc giáp trụ vượt quá thọ và tưởng, mặc giáp trụ biết rõ tất cả pháp không có tướng tạo tác, là tướng rỗng không, là tướng vô tướng, là tướng vô nguyện, là tướng vô sanh, là tướng vô diệt, mặc giáp trụ biết rõ tánh tướng sai biệt của tất cả pháp và tánh tướng vô sai biệt của tất cả pháp, mặc giáp trụ biết rõ sự tướng của tất cả pháp và vô sự tướng của tất cả pháp.

- Nầy Vô Biên Huệ! Nếu còn ở nơi sự tướng mà mặc giáp trụ, thì trọn chẳng gọi rằng mặc đại giáp trụ, vì chư đại Bồ Tát chẳng ở nơi sự tướng mà cầu đại trí tuệ nên gọi là mặc đại giáp trụ".

Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

"Trong vô lượng kiếp

Mặc giáp lớn vô biên

Vì muốn cho chúng sanh

Giải thoát các khổ não

Giáp trụ lớn như vậy

Hoặc ma hay ma sứ

Và kẻ tạo ngiệp ma

Mắt họ chẳng thấy được

Cùng với những chúng sanh

Đi nơi rừng chấp kiến

Họ cũng chẳng thấy được

Giáp trụ bất tư nghị

Giáp trụ nầy không sắc

Không hình không đối đãi

Giáp trụ chẳng nghĩ bàn

mắt thường chẳng thấy được

Không danh cũng không tướng

Rời xa tất cả tướng

Giáp trụ nầy vô biên

Nên không tướng thấy được

Giả sử tên như núi

Đồng loạt nhắm bắn vào

Giáp trụ bất tư nghị

Khiến tên tự gãy nát

Tất cả ma trong đời

Cũng mang tên như núi

Nhắm ngay đại giáp trụ

Đồng loạt bắn thẳng vào

Nhưng đại giáp trụ nầy

Chẳng tổn chừng đầu lông

Giáp trụ bất tư nghị

Chẳng gì phá hư được

Vì thế nên Bồ Tát

Thân Tân chẳng biến đổi

Giáp trụ bất tư nghị

Ai làm khuynh đọng được

Bồ Tát bất tư nghị

Nếu dùng một tâm niệm

Muốn dẹp trừ chúng ma

Quân ma liền lui tan

Đại giáp trụ như vậy

Chưa từng có động lay

Tất cả các chúng sanh

Không ai có thể thấy

Tất cả các chúng sanh

Chẳng biết tướng giáp trụ

Vì thế các chúng sanh

Mắt họ chẳng thấy được

Bồ Tát làm chỗ dựa

Biết được tất cả pháp

Dường như thắng kim cương

Đây là người khéo mặc

Chẳng thọ tất cả pháp

Cứu hộ các chúng sanh

Thuận theo pháp của Phật

Đây là người khéo mặc

Giáp trụ không chổ lấyTuỳ thuận tất cả pháp

Giáp trụ chẳng nghĩ bàn

Đây là người khéo mặc

Giáp trụ không thị hiện

Trị sạch tất cả pháp

Các pháp rời ngôn thuyết

Không ai Thị hiện được

Chẳng tương ưng với sắc

Thọ, tưởng, hành và thức

Cũng đều chẳng tương ưng

Cũng đều chẳng hòa hiệp

Chẳng tương ưng với nội

Chẳng tương ưng với ngoại

Chẳng tương ưng nội ngoại

Cũng đều chẳng hòa hiệp

Chẳng tương ưng với xứ

Chẳng tương ưng với giới

Hoặc trong xứ, trong giới

Cũng đều chẳng hòa hiệp

Chẳng tương ưng với địa

Chẳng tương ưng thủy, hỏa

Phong và không cũng vậy

CHẳng tương ưng chẳnh hiệp

Chẳng tương ưng Dục giới

Sắc giới, Vô Sắc giới

Cũng đều chẳng tương ưng

Cũng đều chẳng hòa hiệp

Tất cả vô sở đắc

Chẳng cùng các hữu tác

Chẳng cùng các vô tác

Tương ưng và hòa hiẽp

Giáp trụ bất tư nghị

Không ở không hòa hiệp

Không buộc không giải thóat

Cũng không chẳng tương ưng

Giáp trụ không biên tế

Chẳng cùng Thanh Văn địa

Chẳng cùng Độc Giác địa

Tương ưng và hòa hiệp

Nhẫn đến chư Phật địa

Và cùng tất cả pháp

Tất cả chẳng tương ưng

Tất cả chẳng hòa hiệp

Tất cả đường ngôn ngữ

Không có thể đến được

Vì giáp trụ vô biên

Không thể, khó nghĩ bàn

Nên chẳng cùng tất cả

Tương ưng chẳng tương ưng

Giáp trụ bất tư nghị

Vượt quá tất cả số

Giáp trụ nầy vô thượng

Không buộc không chẳng buộc

Cũng không có tướng sắc

Tướng thọ, tưởng, hành, thức

Chẳng cùng các tướng ấy

Tương ưng và hòa hiệp

Chẳng cùng các pháp tướng

Tương ưng chẳng tương ưng

Cũng chẳng cùng vô tướng

Tương ưng và hòa hiệp

Giáp trụ nầy vô thượng

Không buộc không giải thoát

Trong tất cả các pháp

Chẳng vào một pháp nào

Trong tất cả các pháp

Giáp trụ bất khả đắc

Vì thế nên vô thượng

Gọi là bất tư nghị

Giáp trụ không có sắc

Không thọ cũng không tưởng

Không hành cũng không thức

Chẳng nhiếp trong các uẩn

Bực dũng mãnh như vậy

Mặc đại giáp trụ nầy

Thân tâm vô sở đắc

Chẳng thấy chút pháp nhỏ

Vì vượt quá nghĩ suy

Tâm thanh tịnh an trụ

Mà thường không khiếp nhược

Gọi là bất tư nghị

Mặc giáp trụ kiên cố

Tâm mình không lay động

Chẳng kể số lương kiếp

Gọi là bất tư nghị

Giáp trụ không số luợng

Chẳng lấy pháp phi pháp

Vì không có thời lượng

Nên gọi bất khả lượng

Chẳng khởi chúng sanh tưởng

Cũng không có ngã tưởng

Vì biết được tưởng nầy

Tất cả tưởng chăng sanh

Cũng biết tất cả pháp

Pháp ấy đều vô tướng

Mặc giáp trụ như vậy

Gọi là bất tư nghị".

Đức Phật phán tiếp: Lại nầy Vô biên Huệ! Đại giáp trụ ấy có tên là diệu pháp nghiêm cụ trang nghiêm, cũng tên là tối thượng bất khả hoại, cũng tên là nhứt thiết pháp vô sai biệt, vì chẳng làm sai biệt chút pháp nào.

Chư đại Bồ Tát mặc giáp trụ ấy, giữ sức đại trí huệ ngồi nơi Đại thừa, tối thượng thừa, vô đẳng đẳng thừa, đại nhiếp thọ thừa, vô biên nhiếp thọ thừa.

Tất cả chúng sanh ngồi nơi thừa nầy, thì trong thừa nầy đều dung thọ tất cả, mà thừa nầy chẳng hề tăng giảm, có thể làm cho chúng sanh đều an vui mà ở, cũng làm cho chúng sanh an vui mà ra.

Nếu có chúng sanh nào ngồi nơi thừa quyết định an vui nầy thì thân tâm họ không có nhọc mệt lao khổ.

- Nầy Vô Biên Huệ! Đại thừa nầy chói che tất cả thế gian Thiên, Nhơn, A Tu La, Thanh Văn, Duyên Giác và các thừa khác mà sẽ xuất ly.

Đại thừa nầy không đến, không đi, không ở, không thấy, không biết, lúc trước bất khả đắc, lúc sau bất khả đắc, lúc giữa bất khả đắc, ba đời bình đẳng, dường như hư không chẳng nhiễm tạp bụi trần, không có chối đãi, không có chướng ngại, cũng không chấp trước. Vì do thừa nầy mà sẽ xuất ly.

Đại thừa nầy vô lượng vì chẳng lường được.

Đại thừa nầy vốn không tướng chướng ngại vì chẳng ở nơi tướng.

Đại thừa nầy tối thượng đệ nhứt. Người ngồi thừa nầy không có tâm khiếp nhược mà hướng đến Vô thượng Chánh giác.

- Nầy Vô Biên Huệ! Thừa nầy như ngọn đèn, như mặt nhựt mặt nguyệt làm ánh sáng lớn cho các chúng sanh

Đại thừa nầy cũng vậy, ánh sáng của nó chiếu khắp cõi Đại Thiên không gì che không gì chướng ngại được, có thể dùng biển lớn công đức vô biên mà hướng đến Vô thượng Bồ Đề.

- Nầy Vô Biên Huệ! Đại thừa nầy không tối trừ được bịnh của tất cả thế gian, vượt quá tất cả pháp thế gian nhiếp lấy chúng sanh lớn, chẳng phải các chúng sanh hạ liệt mà có thể ngồi được, chỉ trừ người có thể mặc đại giáp trụ, như ta đã nói người ở trong vô lượng kiếp cứu hộ chúng sanh cúng dường chư Phật trồng các cội lành tư lương thanh tịnh thì có thể ngồi được. Những hàng Tanh Văn, Duyên Giác và các hạng hạ liệt bị ràng buộc ở thế gian tương ưng với thế gian, hoặc hạng tăng thượng mạn, những ngoại đạo bất tín, họ còn chẳng muốn nghe tên của Đại thừa nầy huống là có thể ngồi nơi Đại thừa nầy.

Nếu có chúng sanh nào dạo đi trong cảnh giới bất tư nghị, ngồi ở Đại thừa nầy rồi như nguyện thù thắng của mình mà hướng đến Vô Thượng Bồ Đề.

- Nầy Vô Biên Huệ! Đại thừa nầy không thời gian biên tế, sơ tế, trung tế và hậu tế chẳng thể biết rõ được. Đại thừa nầy tế đoạn bất khả đắc. Vô biên tế là thừa tế nầy, vô lượng tế là thừa tế nầy.

- Nầy Vô Biên Huệ! Thừa nầy vô biên tế, cũng không có trung tế, không có chút ít tế mà có thể đoạn dứt được.

Nói là tế đoạn dứt, bởi vì không có chút ít tế nên nói là tế đoạn, vì chẳng phân biệt tế nên nói là tế đoạn, như thế gọi là tế đoạn của Đại thừa nầy.

Tế vô số hữu mà nói là trung tế, tế vô sở hữu mà nói là biên tế, tế vô sở hữu mà dùng tế để nói. Ở trong tế ấy, tế bất khả đắc. Vì là bất khả đắc nên biên tế, trung tế không có tế không có đoạn mà nhập vào tế môn. Vì nhập vào tế môn ; nên ; thừa nầy vượt quá nơi đó. Vượt quá nầy cũng vô sở đắc.

- Nầy vô biên Huệ! Những gì là tế? Đó là đoạn thường tế, vì vào trong ngôn ngữ vậy, nên tế là chẳng phải tế. Đoạn thường tế ấy chẳng có biên tế, bởi tướng của tế ấy là tướng vô biên vậy.

Nói là tế không có phân biệt, vì dứt phân biệt, nên vượt quá nơi tế rời xa đoạn thường.

- Nầy Vô Biên Huệ! Người có thân kiến thì ở nơi tế môn có chỗ y chỉ. Nếu là người không có thân kiến thì ở nơi tế môn không có cha trước. Vì không có chấp trước nên có thể vượt quá đoạn thường tế.

- Nầy Vô Biên Huệ! Đoạn thường tế ấy không có thiệt, chỉ là lời nói phỉnh phờ ở trong ba cõi phân biệt có hai tế đoạn và thường. Đối với hai tế ấy, nếu chẳng nắm lấy, nếu chẳng tương ưng mới có thể vượt quá chấp kiến đoạn thường ở nơi hai tế môn mà không chỗ chấp trước.

- Nầy Vô Biên Huệ! Nếu Đại Bồ Tát chưa rời thân kiến thì chẳng gọi là mặc giáp trụ ngoi nơi Đại thừa, với tế môn kia là có chấp trước. Dầu có muốn dứt tế lại khởi tưởng niệm dứt tế, lại là có phân biệt tiền tế hậu tế.

Nếu đại Bồ Tát đã rời thân kiến thì gọi là mặc đại giáp trụ ngồi nơi Đại thừa, với tế môn ấy chẳng có chỗ chấp đã vượt quá hai tế dùng thừa an lạc mà hướng đến Vô Thượng Bồ Đề.

- Nầy Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát dùng sức đại trí huệ, ở nơi tất cả pháp trụ tế, có thể chẳng đoạn chẳng phá mà phương tiện khôn khéo nhiếp lấy chỉ quán tu tập vô tướng, được chứng vô tướng thì được chư Phật trao cho ánh sáng pháp. Do ánh sáng pháp mà tất cả tế đoạn dứt. Đối với tế đoạn ấy cũng không nắm lấy, không có chút ít tế nào ở môn kia hoặc là tương ưng hay chẳng tương ưng, hoặc ghi nhớ hay chẳng ghi nhớ. Với tất cả pháp, phương tiện khôn khéo an trụ ở chỉ quán bèn được vô biên ánh sáng đại pháp. Vì ánh sáng đại pháp nên rời xa tói tăm bố úy mà dụng đại pháp tràng, phát đại phạm âm, rống đại sư tử mà bảo chúng sanh rằng: Mọi người mau đến nơi Đại thừa nầy, đại an lạc thừa nầy, đại điều ngự thừa nầy, đại phát thu thừa nầy để hướng đến Vô Thượng Bồ Đề. Đại Bồ Tát vì chúng sanh mà diễn ; ánh sáng pháp. Vì ánh sáng pháp có thể làm cho chúng sanh mặc đại giáp trụ ngồi Đại thừa nầy.

- Nầy Vô Biên Huệ! Đại Bồ Tát ở nơi Đại thừa nầy, ở nơi đại giáp trụ nầy chớ có lòng lẫn tiếc, nên nguyện cầu cho chúng sanh phát tâm Bồ Đề mặc giáp trụ nầy và ngồi Đại thừa nầy.

Các chúng sanh ấy ở nơi Đại thừa và đại giáp trụ nầy cũng chớ lẫn tiếc mà phải luân chuyển khuyến cáo chúng sanh khác, lại cũng nguyện cầu các chúng sanh mặc giáp trụ và ngồi Đại thừa nầy để được xuất ly.

Lúc chư đại Bồ Tát an trụ trong hạnh nguyện ấy, các Ngài nhiếp thủ Phật quốc, thanh tịnh Phật quốc, nhiếp thủ Thanh Văn và chư Bồ Tát để được viên mãn công đức. Do biển đại công đức vô biên nầy mà hướng đến Vô Thượng Bồ Đề.

- Nầy Vô Biên Huệ! Đại thừa nầy đồng với pháp giới, bờ nầy hay bờ kia đều không có gì để được, nhưng có thể vận tải tất cả chúng sanh từ đây đến ở trong pháp giới, tương ưng với pháp giới, tương ưng với giáp trụ không có chỗ tương ưng.

Nếu ở nơi Đại thừa đồng pháp giới nầy mà chuyên cần tu tập thi hướng đến Vô Thượng Bồ Đề.

- Nầy Vô Biên Huệ! Như Pháp giới không có nhiễm bụi trần, không ai phá hoại được, không gì nhiễm được.

Cũng vậy, Đại thừa nầy không bị hoại, không bị nhiễm. Vì không hoại không nhiễm nên sẽ đến nhứt thiết chủng trí. Vì thế nên thừa nầy tên là Đại thừa. Thừa nầy vô ngại, tất cả Thiên, Nhơn, A Tu La ở thế gian chẳng làm thối chuyển được.

Do vì thừa nầy không chấp trước nên sẽ đến nhứt thiết chủng trí, vì thế nên thừa nầy tên là Đại thừa.

Gọi là Đại thừa có nghĩa là đại trang nghiêm. Tất cả trang nghiêm đều vào trong Đại thừa nầy".

Vô Biên Huệ Bồ Tát bạch rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Trong Đại thừa nầy há lại có những trang nghiêm hữu vi ư?".

Đức Phật phán: "Nầy Vô Biên Huệ! Đúng như vậy. Ta tùy thuận thế tục nên ở trong Đại thừa nầy cũng nói tất cả trang nghiêm hửu vi.

- Nầy Vô Biên Huệ! Như Chuyển Luân Vương, Đế Thích và Phạm Vương đều từ Đại thừa nầy xuất sanh, hoặc đã xuất sanh, hoặc sẽ xuất sanh, dầu ở ngôi tôn quý mà chẳng bị lỗi lầm sanh tử phiền não làm nhiễm trước, có thể ở nơi ngũ dục mỗi mỗi đều vừa chừng.

Đã vừa chừng rồi thì nhàm bỏ mà có thể biết rõ được đạo xuất ly.

Nếu chư Đại Bồ Tát ngồi Đại thừa nầy dầu thọ lãnh sanh tử nhưng ở đâu cũng chẳng bị ô nhiễm mà thấy được sự lỗi lầm có thể biết xuất ly. Nếu ở nơi đây ta chưa nói các pháp và các trang nghiêm, do tướng của thừa nầy, chư Đại Bồ Tát ấy cũng có thể biết được các pháp và các trang nghiêm kia mà hướng đến Vô Thượng Bồ Đề".


Xem dưới dạng văn bản thuần túy