Chư Phật nói người tu Bồ Tát thừa, lúc không có chút pháp gì để có thể thật hành, đây chính là thật hành Bồ Tát hạnh, vì an trụ môn đà la ni thanh tịnh vô thượng.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay Phật sẽ nói câu đà la ni. Do câu này mà chư Bồ Tát được đà la ni có thể khai thị vô biên pháp tạng. Chư Bồ Tát nầy trụ bực vô tránh, vì có thể phá trừ những ngoại luận, vì rất tịch tịnh, vì thuyết pháp rộng. Đây là câu đà la ni của pháp môn đó :
Đát điệt tha nhã duệ - vi nhã duệ - ô kế - ô ca phiệt để - a lộ kế -a lộ ca phiệt để - bát ra bệ - bát ra bà phiệt để - na rị thiết nãnh - nễ na rị thiết đàm phiệt để - yết thế - yết tha phiệt để - thú thát nãnh - bệ thú thát nãnh - bát rị thú thát nãnh - cật rị gia - cật rị gia phiệt để - ôn đát ra ni - san đát ra ni - ma ha tỳ xã duệ - ma ha tỳ xã gia phiệt để - a nộ san địa - a bát ra để - san địa - du già ma nại đà - tất địa - tất đà yết thê - tất đà yết tha phiệt để - ma để - ma để bát ra bệ - ôn đát rị - ôn đát ra phiệt để - nhĩ ma rị - di ma ra nộ tán địa – tát lê - tát ra phiệt để - tát ra nộ già để - ta mĩnh - ta ma lam bà nhĩ già để - yết để - a nễå già để - a bát ra để nễ phiệt để – di thế sái - di thế sái phiệt để - a ma hê nễ - nễ ma hê nễ - bát ra ma hê nễ - ô hà ô đát ra nãnh - ma ra bát na duệ - a thế sát - a nộ ba thế sát - a nộ già mê - a bát ra để già mê - a già đế -a na già đế - già để nhĩ thú đà nễ - bát rị thú đệ - cương kiệt sai chế na nễ dạ đế - ma để bát ra tị đế - ma để tỳ thú đà nễ - tam mạn đa nộ yết đế - mạn đa bát rị phược lê - tam mạn đa tỳ thú đà - nễ a nộ ba ngật ra hứ - a nễ ngật ra hứ đế - hứ ra na thê - a ra tha tỳ thú địa bát ra mĩnh - hê đô nễ địa san ninh bát ra tị để - bát ra tị đa phiệt để - tỳ nễ thiết giả duệ - tị nễ thuyết giả gia nộ yết đế -a nan đa ra thê - a nan đa bí ngật ra hế - ma xã tỳ thú địa a nộ kiệt ra hế - bát ra kiệt ra hà tỳ thú đả nễ - a địa da đa ma tỳ kiệt đế - ma hứ ra đà tỳ thú đà nễ - bí địa da nộ kiệt để - bí địa da nộ tán địa - bát rị thú đà nễ.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là câu đà la ni. Chư Bồ Tát do câu này có thể nhớ rõ các pháp tạng của vô lượng Như Lai, cũng có thể khai thị diễn thuyết làm cho chúng sanh trụ bực vô tránh, lại có thể được phương tiện vào tất cả nghĩa lý, có thể rõ biết trí sai biệt rộng lớn vô lượng, tất cả hạnh nguyện đều được viên mãn.
Cũng làm cho chư Bồ Tát được phương tiện thiện xảo đà la ni. Do được đà la ni nầy sẽ có thể rõ biết nghĩa lý bí mật của các pháp : nơi nhãn căn thấy sắc đà la ni, nhẫn đến ý căn biết pháp đà la ni.
Môn đà la ni sáu căn thấy biết sáu trần như thế nào ?
Chư Bồ Tát do nhãn căn thấy sắc trần rồi, vì trí lực và niệm lực biết rõ sắc là vô thường sanh diệt chẳng dừng, do đây chẳng chấp ngã và chẳng phải ngã, chẳng phan duyên nơi sắc nên nhãn căn thanh tịnh, không hí luận, không vọng niệm, không huân tập, không hệ phược nơi nhãn căn và nhãn thức, không phân biệt đối với các pháp. Vì thấy biết thanh tịnh như thật nên rõ biết các pháp như huyễn, được trí rộng lớn không đồng với thế gian !
Nói lược như vậy, nhẫn đến chư Bồ Tát dùng ý căn rõ biết pháp trần rồi, do trí lực và niệm lực biết rõ các pháp là vô thường sanh diệt chẳng dừng, chẳng chấp ngã và chẳng phải ngã, ý căn thanh tịnh chẳng chấp lấy pháp trần, chẳng phân biệt, chẳng hí luận, chẳng vọng niệm,chẳng huân tập, chẳng hệ phược nơi ý thức và pháp trần, vì ý căn thanh tịnh như thật rõ biết nên rõ biết các pháp như huyễn được phước huệ thù thắng chẳng đồng với thế gian. Bồ Tát nầy lại có thể đối với tất cả pháp không có kiến chấp là vô nhơn, cũng chẳng ở nơi nhơn thấy có duyên, chẳng ở nơi duyên thấy có nhơn, rõ biết tất cả pháp đều chẳng tương ưng nhau mà chứng nhập bổn tánh thanh tịnh tịch diệt, chẳng sanh chẳng khởi, chẳng lưu chuyển, cũng chẳng phải dùng ngôn thuyết mà nói đến được. Tất cả pháp nghĩa chẳng phải đồng phận, chẳng phải tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Vì tất cả pháp không có tác giả. Vì không tác giả nên không thọ giả, không chúng sanh, không ngã.
Những pháp cú đã nói đây chẳng phải như thật, chẳng phải không như thật. Vì với tất cả pháp chẳng thọ, chẳng chấp, đồng với Niết Bàn lìa hẳn sự chấp trước.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là chư Bồ Tát diễn nói môn đà la ni phương tiện sai khác. Với tất cả pháp cần phải rõ biết. Lúc diễn thuyết như vậy, chư Bồ Tát xa lìa nơi trong, cũng chẳng duyên lấy nơi ngoài, lại có thể quan sát không có thỉ chung. Nương theo xe sanh tử vào trong thế gian ở nhà vô minh mà trôi lăn cùng khắp. Dầu luân chuyển sanh tử như vậy, nhưng vẫn không sanh tử có thể được, cũng không có thiệt xe sanh tử.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát có thể hiểu rõ pháp nầy thời mau được trí huệ sáng suốt thuyết pháp thanh tịnh, tu tập nhẫn nhục, có thể tinh tấn, sanh lòng đại từ bi, chí nguyện vững chắc, có thể thành tựu phương tiện diễn thuyết, làm cho chúng sanh trụ bực vô tránh, có thể phá hoại tất cả tà luận của ngoại đạo, để trừ sự tối tăm cho chúng sanh.
Lúc Bồ Tát nầy thuyết pháp, được vô lượng chư Phật ở mười phương khen ngợi. Bồ Tát này phóng ánh sáng pháp chẳng thể nghĩ bàn, là pháp thí chủ, có thể khai thị không mê lầm pháp tạng của chư Phật, có thể trọn nên hạnh nguyện thù thắng, có phương tiện thiện xảo chẳng thể nghĩ bàn, làm cho chúng sanh được mở mang tâm ý.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Trong pháp nầy chư Bồ Tát phải siêng tu tập phát khởi môn tam ba địa. Tu tập rồi thời chứng nhập được môn đà la ni. Được tự tại nơi môn đà la ni rồi thời có thể diễn thuyết những danh từ sai khác rộng lớn bí mật, có thể chứng nhập trí từ ngữ vô ngại, có thể thuận nhập nghĩa lý thậm thâm, khéo rõ biết được ý nghĩa của ngôn thuyết không mảy may nghi hoặc. Tự mình có thể trụ bực nhẫn địa, không phải nhờ người chỉ dạy.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát có thể phát nguyện dũng mãnh tinh tấn vì muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, mà cầu được các pháp trí, thông đạt tất cả thừa, được Phật trí rốt ráo thanh tịnh thời chẳng khó khăn lắm.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nơi đây diễn thuyết các pháp môn đà la ni phương tiện thậm thâm, chính là Phật vì muốn nhiếp thủ chư Bồ Tát mà khai thị.
Nay Phật sẽ tuyên nói cho chư Bồ Tát đều được khai ngộ, khéo nhiếp thủ được ngôn giáo bí mật. Phàm có chỗ làm đều có thể rõ biết nghĩa của tất cả ngữ ngôn âm thinh. Lại có thể chứng nhập trí sai biệt thiện xảo.
Đó là những pháp môn gì ?
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Chư Bồ Tát đủ giới đức thanh tịnh, an trụ nơi sức gia trì thật đế, thời có thể thêm lớn được phương tiện bố thí, không ngã sở, không nhiếp thọ, tu tập phương tiện chứng lý nghĩa chơn thật của tất cả pháp, được pháp bất thối và khéo trụ bực bất thối, mau được trí huệ biện tài vô ngã rộng lớn như biển cả.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đời sau đây ít người có thể cung kính thọ trì pháp nầy, chỉ trừ chư Bồ Tát mong cầu pháp như thật thậm thâm, vào pháp tạng của Như Lai. Chư Bồ Tát nầy tinh tấn tu học pháp thậm thâm nầy ngộ nhập lý nghĩa thời có thể được trí vô ngại, cũng có thể rõ biết tự tánh bổn tánh của tất cả pháp.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Giả sử Như Lai dùng các thứ danh từ để diễn thuyết các pháp, nhưng đối với bổn tánh tự tánh của các pháp cũng chẳng trái. Chỗ diễn thuyết của Như Lai không có sở thuyết, không có năng thuyết.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai đã được viên mãn phương tiện diễn thuyết ba la mật. Như Lai cũng không có chút pháp gì là được. Như Lai chẳng vì được pháp cùng không được mà thuyết pháp. Như Lai chẳng hành động cũng chẳng phải hành động, chỗ hành động của Như Lai là vô sở đắc. Chẳng nên cho rằng chư Phật làm công hạnh như thật, vì không có chút pháp nào gọi là Như Lai. Chính đây là Như Lai an trụ chỗ trụ như vậy, thật hành chỗ làm như vậy. Nếu dùng danh tự để gọi hiệu Như Lai, thì Như Lai cùng danh tự chẳng phải khác chẳng phải không khác. Vì chẳng khác chẳng phải không khác nên chẳng được cho Như Lai là có lai có khứ. Như Lai chẳng phải hí luận, đã siêu quá hí luận, cũng không có siêu quá. Như Lai cùng Như Lai tánh chẳng phải tức chẳng phải ly, là tánh chẳng hư vọng, là tánh chẳng biến dị, không có chút pháp gì để khai thị diễn thuyết, cũng không có thị hiện.
Như Lai chứng được bổn tánh như thật của tất cả pháp. Nhưng bổn tánh của tất cả pháp chẳng thể tuyên thuyết, vì tất cả pháp là vô sở hữu.
Do đây Như Lai nói tất cả pháp là vô sở tác, cũng không biến dị, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng xuất chẳng ly, vì tất cả pháp rốt ráo thanh tịnh. Với tất cả pháp không có chỗ được, vì không chỗ được nên không có chỗ chứng , như vậy là không có chút pháp gì có thể được. Nếu pháp là có thể được thời trong các pháp lẽ ra có thọ giả. Đã không thọ giả nên biết rằng tất cả pháp do chẳng sanh khởi mà không có chỗ được.
Danh hiệu của Như Lai cũng do Thánh giáo dùng giả danh đặt ra, ngôn thuyết như vậy, bổn tánh vốn thanh tịnh. Bực Thánh ở trong đó không có chút pháp gì là được, cũng không có pháp và phi pháp. Cũng không có pháp gì gọi là thánh và chẳng phải thánh, không có pháp gì tương ưng với thánh hay chẳng tương ưng.
Với chỗ diễn thuyết của Như Lai đây, đều phải rõ biết như vậy, lại cũng chẳng nên phân biệt theo thế tục.
Như Lai có thể diễn nói các pháp và phi pháp, cũng chẳng kiến lập có pháp và phi pháp.
Như Lai có thể diễn thuyết pháp lành và pháp chẳng lành, cũng chẳng kiến lập có pháp lành và pháp chẳng lành.
Như Lai có thể diễn thuyết pháp tất cả pháp, nhưng cũng chẳng kiến lập có tất cả pháp.
Như Lai có thể diễn thuyết không biểu thị, nhưng cũng chẳng kiến lập không biểu thị.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp thậm thâm của Như Lai nói đây, người không có nghiệp thanh tịnh thì không thể rõ biết.
Nếu người nào mong cầu Vô thượng Bồ đề, cầu giải thoát sanh tử, cần phải hiểu rõ những pháp của Như Lai diễn thuyết.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát hiểu rõ được pháp nầy, cần phải không dụ dự, chẳng lấy chẳng bỏ, cũng chẳng thấy có chút pháp sanh diệt, không có hí luận chẳng phải không hí luận. Được vậy thời chư Bồ Tát có thể diễn thuyết pháp chơn thật nầy, cũng chẳng chấp trước pháp chơn thật nầy.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như núi Tu Di là chỗ y chỉ cho những cung điện của các chúng sanh có thiện căn phước đức, nơi đó chúng sanh hưởng thọ sự vui sướng.
Cũng vậy, chư Bồ Tát vun trồng căn lành thời được nghe và thọ trì pháp bảo thậm thâm nầy, do đây Bồ Tát được nhứt thiết chủng trí.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Kinh pháp nầy có thể tùy thuận chứng nhập pháp trí vô thượng, vì muốn khai thị pháp tạng đà la ni của Như Lai, nên lưu bố như vậy. Đà la ni nầy có thể nhiếp tất cả pháp chơn thật rộng lớn, như pháp của chư Phật Như Lai diễn thuyết đều từ môn vô biên đà la ni nầy. Vì muốn thanh tịnh tất cả pháp môn nên Như Lai khai thị diễn thuyết môn đà la ni nầy. Môn nầy có thể nhiếp tất cả pháp trong khế kinh làm cho không thành không hoại, không trước sau chặng giữa. Như Lai hộ niệm môn đà la ni nầy, có thể làm vô lượng vô biên Phật sự khắp mười phương thế giới..
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Chư Bồ Tát nếu muốn hiểu rõ giáo pháp nầy, muốn lưu bố chánh pháp, muốn nhập pháp ấn vô trụ, muốn hiểu rõ môn bí mật vô ngại, muốn phát khởi gia hạnh đại tinh tấn, muốn hiểu rõ tánh tướng của các pháp để diễn thuyết, thời phải thọ trì giáo pháp của Như Lai diễn thuyết. Đã thọ trì rồi sẽ rõ biết tất cả ngôn từ bí mật, được trí diễn thuyết văn tự và hiểu rõ lý nghĩa sai khác của các pháp. Vì muốn lợi ích an vui tất cả chúng sanh nên chư Bồ Tát nầy lập ra thắng nghĩa khéo tùy theo căn cơ mà truyền dạy cho chúng sanh được lợi ích. Hoặc tán dương giáo pháp, hoặc lưu truyền giáp pháp, hoặc diễn thuyết giáo pháp, vì thương xót muốn làm lợi ích chúng sanh mà cầu Phật trí, chẳng chấp trước, vì không chấp trước nên không chỗ lấy, cũng chẳng thị hiện nội trí ngoại trí, chẳng sanh lòng nhàm đủ nơi chút ít pháp, chẳng dùng sức tinh tấn hạ liệt mà mong cầu trí vô thượng, phải siêng tu tất cả pháp thậm thâm. Có ai gạn hỏi thời tùy nghĩa mà giải thuyết. Trụ nơi hạnh tự lợi và lợi tha, khéo quan sát tự tha tất cả pháp đều vô ngã. Ngã đã thanh tịnh, liền chứng nhập tất cả pháp thanh tịnh, thích diễn thuyết giáo pháp để khai thị, chẳng bỏn sẻn nơi chánh pháp.
Chư Bồ Tát nên thật hành bốn tâm vô lượng như vầy : Tôi vì lợi ích tất cả chúng sanh, ban cho họ pháp bửu vô thượng thù thắng. Nay tôi sẽ làm cho tất cả chúng sanh tương ưng với pháp bửu vô thượng. Dầu chúng sanh tạo nghiệp ác nặng, tôi cũng chẳng có quan niệm bỏn sẻn chánh pháp đối với họ. Nay tôi sẽ làm pháp sự của Như Lai, làm pháp sự nhứt thiết trí, làm cho chúng sanh thoát khỏi sự khổ, tôi sẽ dùng pháp thuyền đưa chúng sanh qua khỏi dòng sanh tử, cho chúng sanh được tất cả sự an vui. Chư Bồ Tát phải phát tâm đại bi như vậy. Do đây mau chứng được pháp thù thắng, sẽ được thành tựu môn đà la ni thuyết pháp vô ngại của kinh nầy, thoát hẳn sanh tử, không bị ngoại luận chiết phục, mà có thể chiết phục tất cả luận điệu của ngoại đạo và hàng phục quân ma. Chư Bồ Tát vì muốn trừ diệt pháp tránh luận mà phải an trụ như vậy.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tất cả Như Lai đều nhiếp thọ và khéo ghi nhớ môn đà la ni nầy.
Như hậu thân Bồ Tát trụ cung trời Đâu Suất, chư Thiên đều cúng dường, chúng sanh đều mến kính. Thiện căn và phước đức của Bồ Tát nầy đã thành thục thù thắng. Chỉ còn một đời thời tất cả công đức bố thí, trì giới, trí huệ đều viên mãn đầy đủ. Là bực chí tôn trong cõi Đại Thiên. Là bực phước đức thiện căn vô thượng, được tất cả loài hữu tình cung kính ca ngợi.
Khi Bồ Tát nầy rời cung trời Đâu Suất xuống Diêm Phù Đề, thời sanh trong cung điện của dòng tôn quý nhứt ở đô thành của đại quốc, được mọi người, mọi loài mến kính cúng dường.
Cũng vậy, môn đà la ni nầy an trụ trong tất cả pháp. Chính từ nơi môn nầy mà các pháp sanh và diệt.
Chư Bồ Tát đã an trụ nơi môn nầy thời thành thục tăng trưởng tất cả pháp, tự tại đối với tất cả pháp, làm chủ tất cả pháp.
Hậu thân Bồ Tát giáng sanh trong loài người dùng sức chánh định vô quán thị mà quan sát tất cả chúng sanh và quan sát toàn cõi Đại Thiên. Vì đã được môn đà la ni vô thượng, dùng tâm rộng lớn trụ cảnh trí quảng đại, nên trọn chẳng tham luyến tất cả cảnh dục, cũng chẳng mong cầu những pháp xinh đẹp nhiễm ái. Vì trụ nơi trí không tam ma địa, khéo quan sát được phương tiện vô tướng của tất cả pháp, nên đối với tất cả đều không chấp trước, rõ biết các pháp hữu vi trong ba cõi đều là lỗi là họa, đâu nên tham, đâu nên lấy, phải mau xuất ly cầu cảnh giới tịch tịnh giải thoát thù thắng.
Dầu Bồ Tát quan sát như vậy, nhưng không trụ trước nơi quan niệm ấy. Phát sanh lòng đại bi đại từ đối với loài hữu tình, vì thành thục họ mà muốn xuất ly dùng phương tiện thuận nhập trí huệ thù thắng, được tự tại đối với các hữu tình, được môn phương tiện đà la ni vô ngại đối với các pháp. Dùng trí phương tiện khéo quan sát tất cả hữu tình và khéo quan sát nghĩa lý quyết định bất tư nghì.
Dầu đương tuổi thanh xuân tươi đẹp mà trọn không ưa thích các cảnh dục lạc, chỉ mong cầu tịch tịnh. Rồi xa lìa quyến thuộc thân thích mà xuất gia, trọn nên phương tiện thậm thâm bất tư nghì. Đem tất cả phước huệ đã từng chứa nhóm mà thẳng đến đạo tràng Vô thượng Bồ đề, chứng được môn đà la ni vô thượng thậm thâm, thành tựu tự nhiên trí, vô ngại trí, an trụ nhứt thiết chủng trí, chuyển pháp luân thanh tịnh vô thượng, phạm âm thâm diệu khai thị tri kiến cho tất cả trời, người, tất cả chúng sanh. Như mặt trời giữa trưa tỏa ánh sáng khắp nơi.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Bồ Tát trụ nơi đá la ni nhứt thiết chủng trí chứng vô thượng Bồ đề. Cú nghĩa sai biệt của môn đà la ni đó, chư Bồ Tát khác không thể biết được.
Nếu là bực Bồ Tát nhứt sanh bổ xứ ngồi nơi đạo tràng, do trí thanh tịnh, không thầy mà tự được giác ngộ, thời chứng được môn đà la ni trên đây.
Cũng như bực Bồ Tát vì đạo Bồ đề, nên trong vô lượng kiếp vun trồng căn lành, tu tập phạm hạnh được pháp nhẫn thậm thâm, vì thương xót tất cả chúng sanh nên do tâm đại từ bi mà được chứng môn đà la ni này.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Bồ Tát do môn đà la ni nầy ngồi nơi đạo tràng sẽ chứng Vô thượng Bồ đề. Nay Phật không thể thị thuyết cho ông được. Tự ông sẽ chứng được pháp môn đó khi mà ông đã đủ trí huệ phải có của bực Bồ Tát. Pháp môn đó không thể chỉ bày, cũng không thể tuyên thuyết. Đây là pháp môn mà Bồ Tát tự mình phải hiểu rõ, là pháp môn vô biên, vô lượng, vô thí dụ. Pháp môn nầy siêu quá tất cả thế gian, không cùng chung với Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn v.v... thẳng đến pháp thanh tịnh vô thượng nhứt thiết chủng trí và tự nhiên trí.
Do trí thanh tịnh tự nhiên vô thượng này mà Bồ Tát có thể chuyển pháp luân thanh tịnh vô thượng, lần lượt nhiếp thủ chúng sanh đến trí vô thượng nhứt thiết chủng.
Vì nơi các pháp môn và Niết Bàn đều được thanh tịnh, nên Bồ Tát khai thị diễn thuyết vô lượng pháp nghĩa : những uẩn, xứ, giới, duyên khởi v. v... Đồng thời cũng thị hiện trí thanh tịnh thiện xảo đối với uẩn, xứ v.v...
Bồ Tát lại làm cho chúng sanh phát khởi tâm hướng vào môn thánh đế, đồng thời cũng thị hiện trí thanh tịnh thiện xảo nơi thánh đế. Phát sanh ba mươi bảy phẩm Bồ đề phần và thị hiện trí thanh tịnh thiện xảo Bồ đề phần. Phát khởi chỉ quán thiền thanh tịnh thiện xảo và thị hiện trí nhiếp trì chỉ quán thiền thanh tịnh thiện xảo. Phát khởi và thị hiện trí vô sanh thanh tịnh, trí minh giải thoát thiện xảo, mà có thể diễn thuyết đại Niết Bàn. Nơi các pháp hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu, thế gian, xuất thế gian, dùng vô lượng danh nghĩa để khai thị tuyên thuyết.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai nói phương tiện nhiếp trì khắp tất cả pháp của môn đà la ni nầy. Đây là chỗ an trụ của tất cả công lực thiện xảo của nhứt thiết trí đà la ni. Tùy theo bổn nguyện của tất cả chúng sanh mà rưới pháp vũ, cho tất cả hữu tình khô khan đều được thấm nhuần đầy đủ diệu pháp.
Các ông, hàng Bồ Tát, phải theo Như Lai học pháp môn thậm thâm nầy, không được trái nghịch.
Nơi đà la ni nhứt thiết chủng trí này, không bao lâu các ông sẽ được nhiếp trì tự tại, làm cho chúng sanh được vô lượng lợi ích như Phật hôm nay.
Các ông nên dùng vô lượng danh từ sai khác để khai thị tuyên thuyết môn đà la ni trí huệ thậm thâm này.
Các ông phải mong cầu thắng giải nơi pháp này, chẳng được xa lìa tư lương Bồ đề.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Thế nào là mong cầu thắng giải ?
Chư Bồ Tát phải hiểu rõ tất cả các pháp vốn chẳng sanh chẳng diệt, không động không dừng, chẳng đến chẳng đi, tự tánh rỗng rang vắng lặng. Nơi tánh không đây cũng không chấp trước, huống là nơi tướng mà lại chấp trước ! Trong tánh không đó, không có tướng tưởng.
Nếu ở nơi tánh không đó mà được không có tướng tưởng, thời có thể vào được pháp hữu vi không, chẳng có ngã, ngã sở, chẳng có tất cả ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả.
Không tánh như vậy : Chẳng phải nhiễm trước, chẳng phải không nhiễm trước, chẳng phải ô cấu, chẳng phải không ô cấu, chẳng phải mê hoặc, chẳng phải không mê hoặc, chẳng phải tham ái, chẳng phải không tham ái, chẳng trụ nơi không cũng chẳnh trụ chỗ nào, cũng chẳng kiến lập. Với không nếu yểm ly thời không liền tịch diệt, không có phân biệt, không khắp phân biệt, không thắng phân biệt, không có công dụng. Nhẫn đến không có chút pháp gì có thể lấy. Tự tánh vốn thanh tịnh. Không tánh đó chính là bổn tánh tự tánh của các pháp. Tất cả pháp hữu vi bổn tánh đều không, cho đến pháp lành, pháp ác, hữu vi, vô vi, pháp thế gian, xuất thế gian, bổn tánh cũng đều không như vậy cả.
Chư Bồ Tát nhiếp thọ được thắng giải như vậy, thời được vào nơi giải thoát và tri kiến giải thoát, cũng có thể nhiếp thọ vô cấu giải thoát và tư lương Bồ đề.
Thế nào là tư lương Bồ đề ?
Chính là giới thanh tịnh, định thanh tịnh, huệ thanh tịnh, giải thoát thanh tịnh, giải thoát tri kiến thanh tịnh,sáu môn ba la mật thanh tịnh. Nếu các pháp trên đều thanh tịnh thời là khắp thanh tịnh. Nếu khắp thanh tịnh thời là vô cấu pháp môn : tâm tánh thanh tịnh chiếu sáng không có phiền não. Tâm đó thường trụ, bổn tánh không tịch. Cũng không bị tri kiến, khách trần, phiền não ba thứ nầy làm nhiễm ô. Ba thứ đều chẳng thật, rỗng không vô sở hữu. Tâm tánh đây chẳng tương ưng với phiền não thanh tịnh. Vì tâm nầy bổn tánh tự thanh tịnh không hai, cũng không hai phần.
Nếu có thể rõ biết tâm tánh như vậy, chẳng phải phiền não nhiễm ô mà làm ô nhiễm được, chẳng phải trong ngoài chặng giữa, tất cả đều bất khả đắc. Chỉ trừ ra vọng tưởng nhơn duyên hòa hiệp thời có tâm niệm sanh khởi, dầu có tâm sanh nhưng cũng chẳng thể thấy, tìm cầu khắp mười phương cũng trọn bất khả đắc. Cũng không có tâm thấy được nơi tâm, phan duyên như vậy chẳng phải hòa hiệp với tâm, tâm cũng chẳng hòa hiệp với phan duyên, nhơn duyên cũng chẳng phải tương ưng với tâm, tâm cũng chẳng tương ưng với nhơn duyên, chỉ do nơi tâm mà tất cả pháp kia tương ưng với tâm. Bao nhiêu pháp tương ưng với tâm, chẳng biết lẫn nhau cũng chẳng thấy được, huống là những pháp chẳng tương ưng với tâm.
Dùng đệ nhứt nghĩa tư duy quan sát không có vật gì có thể tương ưng và chẳng tương ưng. Vì không có chút pháp nào tương ưng và chẳng tương ưng với chút pháp nào.
Tất cả pháp tự tánh tịch tịnh. Tự tánh này cũng chẳng tương ưng với chút vật nào. Tự tánh của tất cả pháp tức là bổn tánh. Nếu là bổn tánh thời tất cả pháp kia đều không có tự tánh.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông nên biết rằng nếu dùng ngôn thuyết mà nói lên được bổn tánh tự tánh của tất cả pháp, thời quyết không đúng lý. Trong các pháp không có chút pháp nào gọi là bổn tánh tự tánh. Tất cả pháp bổn tánh đều không. Tất cả pháp tự tánh vốn vô tánh. Nếu đã là không, là vô tánh thời kia là một tướng. Một tướng đây chính là không có tướng. Vì không có tướng nên bổn tánh tự tánh được thanh tịnh. Nếu đã là không, là vô tánh, thời bổn tánh tự tánh kia chẳng thể dùng tướng để biểu thị, nhẫn đến tất cả pháp cũng như vậy.
Không vô tánh đây chẳng phải nhiễm, chẳng phải tịnh, nhưng là bổn tánh của tất cả pháp. Nếu là bổn tánh của tất cả pháp, thời chẳng phải do nhiễm tịnh kiến lập lên, mà là không trụ không khởi.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông nên quan sát tất cả pháp không trụ không khởi, không bị kiến lập, đã là bổn tánh thanh tịnh, tại sao chúng sanh lại ở trong đó mà mê lầm ? Đây là do chúng sanh trong thế gian ngồi trên xe hư vọng nên bị xe hư vọng làm mê lầm. Nói là ngồi xe, thật ra không có ngồi cũng chẳng phải không ngồi. Mà thế gian ngồi trên xe hư không rồi bị xe hư không ràng buộc. Nhưng thật ra xe hư không cũng là vô sở hữu. Những chúng sanh đây vì quá ngu si mà mê lầm. Nhưng thật ra không có ngu si cũng không có mê lầm.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông quan sát chúng sanh vì do ngu si nên ở trong pháp nầy chẳng rõ biết được mà ở mãi nơi tránh luận. Ở nơi tránh luận chính là chẳng phải ở. Nhưng thế gian vì mê lầm chẳng rõ biết được kia chính là thanh tịnh. Nếu chẳng ở thời đó gọi là ở, chính đây là căn lành thanh tịnh chẳng ở.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp môn bí mật của Như Lai đây khó hiểu khó vào. Chỉ trừ các ông từ lâu đã tu hành pháp lành nên được rõ biết.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai từng nói ở nơi tránh luận thời chẳng phải là ở, vì là bất thiện. Nhưng bất thiện vẫn là vô sở hữu. Nếu ở trong vô sở hữu nầy chẳng rõ biết được ở cùng chẳng ở không sai khác, đây thời gọi là ở nơi tránh luận.
Nếu được ở nơi căn lành thanh tịnh thời chẳng gọi là ở. Nếu ở thời không lỗi lầm. Vì không lỗi lầm có thể rõ biết pháp môn như vậy. Đã rõ biết, nếu chẳng thanh tịnh, thời không đúng lý.
Những chúng sanh không có trí huệ bị nhiều phiền não che đậy, giả sử nói chút ít pháp thuận rõ ràng, họ còn chẳng hiểu được, huống là pháp bí mật chẳng phải tùy thuận.
Nếu không ở, thời là thanh tịnh nghĩa là chẳng ở nơi pháp lành và cảnh giới xuất ly. Vì không có cảnh giới xuất ly và cảnh giới thi thiết. Nơi cảnh giới Niết Bàn, nếu chẳng trụ thời gọi là được Niết Bàn. Danh từ Niết Bàn đây cũng chỉ là giả thiết. Niết Bàn đây, không chỗ chứng được, cũng không có người chứng được. Nếu có chứng được, thời lẽ ra sau khi diệt độ lại có Như Lai. Nếu không được, lẽ ra sau khi diệt độ có Như Lai. Sau khi diệt độ, đều không thể nói rằng có Như Lai hay không Như Lai. Câu không thể nói đây cũng là câu giả thiết của Như Lai thôi.
Có những chúng sanh đối với pháp thậm thâm, chẳng chuyên cần tu hành mà lại sanh nghi lầm, hoặc cho rằng Như Lai có sắc, sau khi diệt độ có Như Lai. Hoặc cho rằng Như Lai không sắc, sau khi diệt độ không Như Lai. Nhẫn đến hoặc cho rằng sau khi diệt độ chẳng phải có Như Lai chẳng phải không Như Lai.
Nếu pháp đã là chẳng sanh chẳng diệt, sau khi pháp đó diệt, chẳng nên nói có nói không.
Như Lai đây chẳng sanh chẳng diệt, sau khi diệt độ cũng chẳng nên nói có nói không nhẫn đến cũng chẳng nên nói hữu biên vô biên v.v... tất cả đều chẳng thể nói. Nếu nói hữu biên thời không có chính giữa, nếu nói có chính giữa, thời không hữu biên. Chínhgiữa trên đây là phi hữu, phi vô. Nếu ở trong đây cho rằng thiệt có thiệt không, thời trái với duyên khởi.
Nếu có pháp nào chẳng phải từ nơi duyên khởi và chẳng phải duyên khởi, thời pháp đó chẳng diệt, chẳng trái với hữu với vô. Tất cả pháp từ nơi duyên khởi và pháp duyên khởi đều không có biên, không có chặng giữa, chẳng phải có chẳng phải không. Nếu đã chẳng phải có chẳng phải không, thời đâu có thể nói được.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai dùng đại phương tiện an trụ trong đó, vì phá vỏ vô minh cho chúng sanh mà khai thị diễn thuyết chẳng trái với duyên khởi. Tất cả các pháp đều vào duyên khởi. Nếu đã vào duyên khởi thời không có thuyết trung hay biên. Nếu lìa ngôn thuyết thời không có chút pháp gì có thể được.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông nên quan sát pháp vô sở hữu, pháp không hữu biên gọi đó là trung đạo. Do nơi phương tiệân mà nói có giác huệ có thể nhiếp trì các pháp. Nhưng pháp nhiếp trì cũng bất khả đắc, vì bất khả đắc nên không có ngôn thuyết.
Các ông là bực trí giả nên biết tướng chơn thật của tất cả pháp như vậy : chẳng đến chẳng đi, không có phần không có đoạn, chẳng một tánh chẳng khác tánh, đến bờ rốt ráo kia, không có chút pháp nào chẳng đến bờ kia. Đến bờ kia chính là Niết Bàn. Tất cả pháp đều là tướng Niết Bàn. Do đây nên biết rằng chẳng thể tuyên thuyết được, chỉ tùy theo thế tục nói là trung đạo. Trung đạo đây chính là thẳng đến đường đại Niết Bàn, nhưng cũng có Niết Bàn là chỗ để đến. Nếu có Niết Bàn là chỗ để đến thời nơi các pháp lẽ ra có đi có đến. Nhưng tất cả pháp bổn tánh đều bình đẳng, nên Niết Bàn gọi là không chỗ đến.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây gọi là trung đạo, nhưng trung đạo đây bèn chẳng phải là trung đạo, vì không tăng không giảm, vì không có biên không có lấy. Nếu pháp đã vô biên thời đâu phải là hữu biên. Chính không có chỗ nơi là pháp vô biên.
Hàng phàm phu đối với không chỗ nơi chấp là có biên có chỗ. Vì chấp có biên có chỗ nên chẳng được giải thoát. Tại sao không được giải thoát ? vì nơi chơn thật vốn là không chỗ nơi.
Ông xem Như Lai dùng giác huệ quyết định thiện xảo mới có thể diễn thuyết trung đạo như vậy.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đối với tất cả pháp, chư Phật Như Lai không có nghi lầm, cũng không quên sót. Chư Phật Thế Tôn thường ở trong chánh định vô ngại tự tại, thường khéo quan sát trụ nơi chánh định tối thắng, dùng vô lượng tri kiến mà diễn thuyết. chẳng ở nơi phi xứ để nói pháp thanh tịnh, nói pháp rốt ráo, nói pháp tịch tịnh. Chỗ nói của Như Lai không dư không sót.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như có bửu châu tên là chủng chủng sắc ở trong đại hải, dầu có vô lượng dòng nước chảy vào đại hải, do hỏa lực của bửu châu làm cho nước biển chẳng đầy tràn.
Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác dùng hỏa lực trí huệ có thể làm tiêu diệt phiền não của chúng sanh cũng như vậy.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu có người trong mỗi ngày xưng niệm danh hiệu công đức của Như Lai , người nầy có thể lìa khỏi sự tối tăm, lần lần sẽ đốt tiêu nhữngphiền não. Người xưng hiệu Nam Mô Phật thời ngữ nghiệp chẳng luống không. Ngữ nghiệp nầy gọi là cầm đuốc lửa có thể đốt tiêu phiền não.
Nếu có người nào được nghe danh hiệu của chư Phật Như Lai, thời lìa khỏi các sự tối tăm, cùng với người xưng niệm kia đồng là nhơn của Niết Bàn.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay Phật vì những chúng sanh kính tin nơi Như Lai mà diệt trừ phiền não cho họ, nên rưới pháp vũ.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là pháp chơn thật của Như Lai nói. Vì chơn thật nên không có chút pháp gì để khai thị diễn thuyết, mà nơi pháp nầy không thật không hư.
Như Lai là đấng chơn thật ngữ trụ nơi pháp chơn thật, có thể diễn thuyết môn đà la ni nầy.
Pháp chơn thật đây, ai sẽ có thể hiểu rõ được ? Chính là chư Bồ Tát, những bực đã thấy biết như thật, thấy biết đầy đủ, thật hành những điều lành. Ngoài những bực nầy, người khác không hiểu rõ được.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Phải nên tùy thuận nơi nghĩa nầy, tự phải chuyên niệm nơi pháp nầy , chẳng tin ưa nơi trí huệ phát sanh do người khác. Vì muốn đem sự lợi ích an vui cho chúng sanh, nên cần tùy thuận nơi pháp nầy. Nếu có trí nhẫn tùy thuận pháp nầy, thời là an trụ trong chẳng tùy thuận.
Nhửng chúng sanh không học rộng, không có trí nhẫn tùy thuận thời chẳng rõ biết được giáo pháp nầy. Những người thật hành theo kiến chấp của ngoại đạo, đi trên con đường khác thẳng đến ác đạo, chẳng làm điều lành, gần gũi với những người thật hành hạnh nghiệp tà ngoại, thời không thể vào được pháp môn nầy.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông nên quan sát : nếu lúc có người diễn thuyết pháp tạng quang minh vô ngại này, tất cả chúng sanh không học rộng chưa điều phục tâm phàm phu, thời cách xa giáo pháp này. Còn những chúng sanh có thể tu tập lấy tự thân dầu chưa có chí nhẫn tùy thuận, nhưng chẳng cách xa giáo pháp nầy. Huống là những người có chí nhẫn vô lậu, không chấp trước, có thể chuyển pháp luân vô ngại. Vì những người nầy đều trụ bực vô ngại.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Phật vì thành tựu những chúng sanh có thiện căn, vì gia trì cho chúng sanh được tri kiến thanh tịnh đối vói pháp vô ngại, cũng vì muốn đem sự lợi ích an vui cho tất cả, nên Phật diễn nói môn đà la ni nầy.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu người nào ngộ nhập được pháp môn nầy, nên biết người đó đã trụ bực Bồ Tát, có thể mau chứng được vô sanh pháp nhẫn, sẽ được thọ ký Vô thượng Bồ đề.
Các ông phải có thắng giải đối với pháp môn thậm thâm nầy.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông nên biết pháp môn nầy là chỗ ở của người không chấp trước, của trí vô sở đắc.
Những người này trước đã từng cúng dường chư Phật, chuyên cần tu tập thân, khẩu, ý, có trí huệ bình đẳng không trụ trước, khéo thọ trì pháp nầy chẳng tiếc thân mạng, thời có thể lưu truyền kinh điển nầy.
Đời sau, nếu có chúng sanh vì muốn được nghe pháp nầy nên chuyên cần tu tập, những người đây còn là khó có được, huống là những người có thể biên chép thọ trì, đọc tụng thông thuộc, khai thị tuyên thuyết. Những người đây chẳng bao lâu sẽ được môn thanh tịnh đà la ni, sớm được trí huệ thanh tịnh, sẽ được chứng nhập nhứt thiết chủng trí.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông xem đức Như Lai vì Chư Bồ Tát cầu được nhứt thiết chủng trí mà khai thị diễn thuyết pháp tạng này, nhưng trong đó không có chút pháp gì là chẳng diễn thuyết. Thuyết pháp như vậy là không thuyết mà thuyết, có thể sanh và có thể khai thị pháp môn thanh tịnh.
Tất cả pháp đồng như tướng hư không. Thế nào là đồng ? Bởi tất cả pháp đồng với hư không, nhưng hư không này chẳng phải đồng chẳng phải không đồng. Tất cả pháp cũng chẳng phải đồng chẳng phải không đồng. Như hư không vô biên, các pháp cũng vô biên. Biên bờ của tất cả pháp là bất khả đắc. Vì bất khả đắc nên là vô biên. Nếu ở trong pháp đây trụ được như vậy thời gọi là trụ. Như Lai pháp. Trụ Như Lai pháp thời là vô sở thuyết. Nếu đã là vô sở thuyết, thời đối với tất cả pháp dùng danh tướng giả theo đó để rõ biết, chẳng nên sanh lòng chấp trước. Nếu chẳng chấp trước thời chẳng đọa nơi biên. Nếu chẳng đọa nơi biên thời chẳng đọa nơi trung. Nếu đọa nơi biên thời tất đọa nơi trung. Do đây cần phải xa lìa nơi trung và biên. Nếu đã xa lìa được trung và biên, thời là xa lìa tất cả. Nếu xa lìa tất cả thời là vô sở thuyết. Do đây được trí huệ thanh tịnh, không thủ trước tất cả pháp, không sở thủ, không năng thủ. Vì các pháp là vô ngã, vì ngã vốn vô sở đắc, vì ngã tánh vốn không có tự tánh.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Phật từng nói các hành pháp vô thường. Diễn thuyết như vậy là nghĩa không biến dị, là nghĩa chẳng tương ưng.
Như Phật đã nói nghĩa khổ của các cỏi. Diễn thuyết như vậy là nghĩa yểm ly, là nghĩa Niết Bàn.
Như Phật đã nói Niết Bàn tịch tịnh. Diễn thuyết như vậy là nghĩa bỏ lìa tất cả pháp hữu vi.
Hoặc vô thường, hoặc các khổ, hoặc vô ngã, hoặc Niết Bàn, đây là những pháp môn của Như Lai diễn thuyết. Đây cũng là Như Lai khai thị bổn tánh tự tánh của tất cả pháp.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai dùng các thứ danh từ, các thứ ngữ ngôn, các thứ phương tiện mà tuyên thuyết các pháp. Như Lai cũng chẳng lập ra khác với bổn tánh của các pháp. Tánh chẳng phải một, tánh chẳng phải khác, tất cả pháp cũng chẳng phải một chẳng phải khác, vì chẳng thể thấy, nên mau chứng vào tự tánh hư không thẳng đến tất cả pháp vô tướng.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai vì Chư Bồ Tát bổn tánh thanh tịnh, tự tánh điều phục, nên phát khởi môn đà la ni nầy. Trên đây nói điều phục là nói điều phục tham, sân, si, điều phục vô minh, để được vào thẳng pháp tánh bình đẳng. Tham, sân, si cùng người điều phục đều bất khả đắc. Nếu là bất khả đắc chính đó là điều phục.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tham, sân, si đúng như lý tìm cầu cũng là bất khả đắc. Bởi tham, sân, si rỗng không hư vọng chẳng thật, nó phỉnh lầm hàng ngu phu, chính nó không chỗ an trụ, cũng là bất khả đắc, nó từ hư vọng sanh,từ hư vọng diệt, bổn tánh không tịch, cần phải biết như vậy.
Phải biết thế nào ? Như nó chẳng sanh, thời là chẳng thật, cũng chẳng điên đảo. Tham, sân, si đây đều do vô minh hắc ám làm nguyên thủ, theo nơi đó mà sanh. Do theo nơi đó sanh nên tất cả đều là hư vọng chẳng thật. Tham, sân, si đây bổn tánh thanh tịnh. Người thấy biết như vậy thì có thể được môn thanh tịnh bất tư nghì và được môn đà la ni.
Người nào có thể ở trong pháp này khéo tư duy quán sát, thời gọi là được công hạnh đà la ni và được công hạnh trí huệ. Đây gọi là trí rõ biết bình đẳng, gọi là tư lương Bồ đề thanh tịnh, gọi là bực tinh tấn chẳng phóng dật, gọi là bậc điều phục kiêu mạn phóng dật, gọi là chẳng hư hoại giới hạnh oai nghi, gọi là thân ngữ ý thanh tịnh, gọi là tùy thuận trí vô ngã, gọi là hay dứt hay lìa tưởng, gọi là xuất sanh vô lượng vô biên phương tiện thiện xảo.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông nên quan sát trong pháp tin hiểu xuất ly này có thể khai thị diễn thuyết bổn tánh tự tướng của tất cả pháp, có thể khai thị các pháp môn đây, có thể diễn thuyết tất cả pháp đồng tánh hư không. Người năng thuyết cũng là bất khả thuyết, người được vì thuyết pháp cũng là bất khả đắc.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay Phật nói pháp môn ngộ nhập của chư Bồ Tát đây. Nếu chư Bồ Tát đã học pháp môn nầy rồi, thì có thể được trí huệ rất sâu như biển, tất cả ngoại luận không đè bẹp được, liền được công hạnh hướng đến nhứt thiết chủng trí, khéo diễn thuyết pháp yếu, đặng trí huệ bình đẳng bất tư nghì không do người khác. Do trí huệ nên không chấp trước, có thể diễn nói tất cả pháp môn không danh không tướng nầy. Có thể được gần gũi Phật trí và tự nhiên trí. Chỗ có danh hiệu đều được tất cả danh tướng thanh tịnh, mau chứng được âm thinh phổ biến, âm thinh duy y, âm thinh thắng diệu, âm thinh thanh tịnh. Được các chúng sinh kính tin gần gũi thưa hỏi. Bồ Tát này dùng trí huệ quyết định khéo giải đáp, lời nói phải thời, lời nói đúng lý, lời nói lợi ích, lời nói dịu dàng, lời nói nghĩa quyết định, dùng một nghĩa để diễn thuyết, có thể làm cho chúng sanh rõ biết nhiều nghĩa.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông nay nên quan sát chư Bồ Tát tu hành pháp nầy, có thể hiểu rõ Phật trí, được vô lượng công đức như vậy, dứt những tham ái sân não ngu si, có thể được trí sai biệt, làm xong những công hạnh nên làm,với tất cả chỗ đã khéo tu học, được chí nhẫn đầy đủ, chẳng thối thất ý chí thanh tịnh, đứng vững nơi đại nguyện, đối với chúng sanh dùng lời lành thăm hỏi.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát ở trong pháp này đã chẳng siêng tu, nay chẳng siêng tu, ngày mau cũng chẳng siêng tu, thời không dự được phần ít nào nơi công đức thù thắng của Như Lai.
Nếu chư Bồ Tát ở trong pháp này có thể siêng năng tu tập, có chí cầu tất cả thời đúng như chỗ nguyện cầu, đúng như chỗ thật hành, đúng như chỗ hướng đến, đúng như chỗ ưa thích, sẽ được đầy đủ.
Nếu có Bồ Tát ở trong pháp thậm thâm này có thể an trụ, có thể nhẫn thọ, khéo quan sát giản trạch, thời sẽ chứng được thần thông vô tận và trí đại thần thông, siêu quá tất cả trí thế gian, được tự nhiên trí, vô biên trí, vô lượng trí.
Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp môn xuất ly đà la ni nầy, nếu có người nào siêng tu học, thời sẽ được gần đạo tràng Bồ đề vì tất cả chúng sanh mà phát khởi tâm đại từ đại bi thật hành những Phật sự ».
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|