× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Bồ Tát Thiện Giới



Phẩm thứ mười lăm…Lợi hành - Đồng sự

1.Tánh Lợi hành là gì?

Đại Bồ Tát vì răn dạy người khác mà phân biệt ý nghĩa về giới luật, nói về ý nghĩa Như pháp an trụ, thương xót chúng sanh, tu tập lòng Từ, hết lòng giáo hóa điều phục chúng sanh.

Đây gọi là Tánh Lợi hành.

2.Tất cả Lợi hành.

Chúng sanh dầu chưa thuần phục, Bồ Tát đều làm cho được giải thoát, được vui hiện tại và vui đời sau. Dạy pháp xuất gia cho người gọi là sự vui đời sau. Nói pháp giáo hóa khiến người phá diệt kiết sử cõi Dục, gọi là sự vui hiện tại và vui đời sau. Bởi phá phiền não cõi Dục cho nên thân tâm vắng lặng, thân tâm vắng lặng do đó cảm thọ một niềm an vui. Đây mệnh danh là Tất cả lợi hành.

3.Lợi hành khó khăn: Đây có ba điều:

Một là. Nếu có những người chưa trồng căn lành chưa có nhân lành, khó nói để giáo hóa. Đây gọi là Lợi hành khó khăn.

Hai là. Hoặc có những người của cải dồi dào, thế lực tự tại mà tâm lại đầy tham lam của cải. Người như thế đó khó bề giáo hóa. Vì sao? -Bởi tánh họ buông lung. Đây gọi là Lợi hành khó khăn.

Ba là. Hoặc kẻ ngoại đạo tà kiến cố chấp, khó thể giáo hóa. Vì duyên cớ gì? -Bởi họ cuồng si. Những người như thế mà có thể dạy, khiến họ lợi ích quả là một điều khó khăn.

4.Tự Lợi hành tất cả: Có bốn điều:

-Người chưa đức tin khiến sanh đức tin.

-Người chưa trì giới làm cho trì giới.

-Người hay sẻn tham, giáo hóa khiến tu bố thí.

-Người nhiều si ám, giáo hóa khiến được trí tuệ.

Đây gọi là Tự lợi hành tất cả.

5.Lợi hành của người lành:

Đại Bồ Tát giáo hóa làm cho chúng sanh hiểu biết chơn thật, biết đúng thời, biết đúng nghĩa biết nói mềm mỏng, Giáo hóa tu tập lòng Từ v.v…Đây gọi là Lợi hành của người lành.

6.Lợi hành trong tất cả hạnh: Đại Bồ Tát thấy người nào đáng khen bèn dùng lời lẽ hay đẹp khen ngợi. Người đáng quở trách, dùng lời khổ khắc nghiêm nghị quở trách. Nếu có chúng sanh phá mất niềm tin đối với chánh pháp, Bồ Tát có thể điều phục hạng ấy. Người chưa vào cửa Phật pháp, Bồ Tát giáo hóa làm họ được vào. Người đã được vào liền vì giảng pháp khiến thêm căn lành. Bồ Tát điều phục và đặt để họ vào ba thừa pháp. Còn đối với người căn cơ thuần phục, liền vì họ nói các môn giải thoát.

Người ưa Thanh Văn, Bồ Tát chỉ dạy làm cho phát tâm Vô thượng Bồ Đề. Người chưa khéo trang nghiêm Vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát chỉ dạy khiến được trang nghiêm, người không quyết định, Bồ Tát chỉ dạy được tánh quyết định. Đây gọi là Lợi hành trong tất cả hạnh.

7.Lợi hành trừ khử:

-Người không hổ thẹn, Bồ Tát chỉ dạy cho biết hổ thẹn. Người tánh thô lỗ, Bồ Tát dạy vẽ biết sử tâm tánh. Vì người ganh tị loại trừ thói ganh. Vì kẻ sẻn tham dứt tánh sẻn tham. Vì kẻ đa nghi phá trừ lưới nghi…Đây mệnh danh là Lợi hành trừ khử.

8.Lợi hành lợi tha:

-Đại Bồ Tát luôn luôn dùng mười thiện nghiệp giáo hóa tất cả chúng sanh, gọi là Lợi hành lợi tha.

9.Lợi hành vắng lặng:

-Có mười pháp lành. Bên trong vắng lặng có năm. Bên ngoài vắng lặng cũng có năm.

Năm điều bên trong: Một là. Trong sạch. Hai là. Không thay đổi. Ba là. Thứ lớp. Bốn là. Có khắp. Năm là. Tùy thuận phép lành.

-Trong sạch là sao? Bồ Tát chẳng đem điều ác, điều không thanh tịnh, điều không đúng đắn mà giáo hóa người. Đây gọi là trong sạch.

-Không thay đổi là gì? -Với sự giải thoát, Bồ Tát chẳng nói là không giải thoát. Với pháp thanh tịnh chẳng nói bất tin. Pháp không điên đảo chẳng nói điên đảo. Đây gọi là không đổi. Đối với pháp nào chẳng phải giải thoát, Bồ Tát chẳng nói là pháp giải thoát. Với pháp bất tịnh chẳng nói là tịnh. Với pháp điên đảo Bồ Tát chẳng nói là không điên đảo. Như thế gọi là không đổi.

-Thứ lớp là gì? -Gặp kẻ si mê Bồ Tát bèn nói nghĩa cạn dễ hiểu để điều phục họ. Với người trung căn nói pháp bực trung. Với người lợi căn nói pháp bực thượng. Trước nói bố thí, kế nói Trì giới sau hết nói về Trí tuệ sáng suốt. Đây gọi là thứ lớp.

-Có khắp là gì? -Khi Bồ Tát nói pháp, không xem giòng dõi chúng sanh là giàu hay nghèo. Chỉ tùy vào sức, tùy trí của người mà nói giáo pháp, làm cho người nghe được niềm an vui. Đây gọi là Có khắp.

-Tùy thuận pháp lành như thế nào? -Bồ Tát quán sát chúng sanh, đáng được nghe pháp bực hạ, bực trung hay pháp bực thượng, bèn theo trình độ vì họ giảng nói. Đây mệnh danh tùy thuận pháp lành.

Năm điều vắng lặng bên ngoài:

Một là. Đại Bồ Tát vì khắp chúng sanh, tu tập lòng Từ vô lượng.

Hai là. Vì khắp chúng sanh, Bồ Tát chịu đựng vô lượng sự khổ.

Ba là. Chúng sanh vui ưa gặp gỡ Bồ Tát được sự lợi ích.

Bốn là. Được sức tự tại rồi nhưng vẫn tùy thuộc chúng sanh như kẻ tôi tớ.

Năm là. Bồ Tát có đủ các oai đức lớn, nhưng vẫn khiêm tốn, tự hạ thấp mình như con của hạng chiên đà la.

Như trên gọi là vắng lặng trong ngoài.

ĐỒNG SỰ

Thế nào là Đồng sự của Đại Bồ Tát?

-Đại Bồ Tát đã thành tựu đầy đủ vô lượng pháp lành, lại đem pháp lành chuyển hóa chúng sanh. Đây gọi là Đồng sự của Bồ Tát.

Đại Bồ Tát cùng một việc làm mà giáo hóa chúng sanh, chúng sanh nếu được nhận pháp lành rồi, tâm họ vững chắc không gì lay động.

Vì sao thế?

Chúng sanh biết rõ Bồ Tát đã thành thiện pháp này rồi, người mới xoay vần khuyến hóa đến ta được sự an lạc. Nếu tu pháp lành mà bị điều ác thì Đại Bồ Tát không bao giờ tu, rồi đem khuyên ta.

Khi Đại Bồ Tát khuyến hóa vô lượng chúng sanh đồng sự như mình. Thì không người nào có thể nói rằng Bồ Tát tự mình chẳng được thành tựu mà khuyến khích người. Cũng không ai nói “Người tự chẳng đúng, làm sao khuyên người thực hành điều hành?”

Lại nữa, Bồ Tát có vị tự mình thành tựu, nhưng lại chẳng hay khuyến hóa người khác. Có vị tự không thành tựu nhưng hay khuyến hóa người khác. Có vị tự mình thành tựu và cũng có thể khuyến hóa người khác. Có vị tự mình chẳng thành tựu cũng chẳng khuyến hóa người khác.

-Tự mình thành tựu nhưng chẳng khuyến hóa người là: chẳng tự nêu tỏ công phu của mình đối với những người đồng thầy, đồng học, đồng pháp và đồng đức hạnh.

-Tự chẳng thành tựu mà hay khuyến hóa người khác là: Bồ Tát hoặc thấy những chúng sanh ác, thực hành việc ác như kẻ chiên đà la cho đến súc sanh. Vì điều phục hạng đó, Bồ Tát đồng chịu thân thể như họ, làm việc như họ để rồi đả phá nghiệp ác của những hạng này.

-Tự mình thành tựu và có thể khuyến hóa người: Đại Bồ Tát tự thành tựu pháp lành, phá tâm kiêu mạn, phá tâm khinh khi thoái chuyển của người.

-Tự mình chẳng thành tựu cũng chẳng khuyến hóa người là: Có Bồ Tát tự mình buông lung cho nên chẳng thể giáo hóa điều phục chúng sanh.

Đại Bồ Tát dùng sáu pháp Ba la mật tự trang thân mình, dùng Bốn nhiếp pháp trang nghiêm chúng sanh.

Đại Bồ Tát dùng sáu pháp Ba la mật tự điều phục tâm, dùng bốn nhiếp pháp điều phục tâm chúng sanh. Thân, miệng, ý của Bồ Tát trong sạch cho nên những pháp Bồ Đề trong sạch. Tự tâm trong sạch, cho nên trong sạch được tâm của chúng sanh. Bồ Tát thành tựu tốt đẹp thân tâm, nên gọi là bực Vô thượng, vô thắng, vô cộng-Không gì trên, không gì hơn, không gì chung đồng. Bởi ba nghĩa vô thượng, vô thắng, vô cộng này mà giáo hóa chúng sanh, thế nên gọi là đồng sự.

Đại Bồ Tát đối với chúng sanh, đối với thời gian, đối với vật chất, đều không khởi niệm phân biệt.

-Đối với chúng sanh không khởi phân biệt là: Bồ Tát vì chúng sanh mà thực hành Bố thí Ba la mật cho đến Bát nhã Ba la mật, cầu các pháp lành.

-Đối với thời gian không khởi phân biệt là: Đại Bồ Tát trong tất cả thời gian, vì chúng sanh mà sinh lòng tinh tấn cầu các pháp lành.

-Đối với vật chất không khởi phân biệt là: Đại Bồ Tát vì chúng sanh mà nhận chứa tạp vật, nhưng với những vật này tâm không tham đắm.

Do nhân duyên ba sự không phân biệt này mà được Vô thượng Bồ Đề. Bồ Tát cam vui tu tập tất cả hạnh lành, tâm không thoái thất hối đổi. Bởi nhân duyên tu tập, nên có thể làm hư hoại những tà pháp, tà kiến của chúng sanh, chỗ tu học của tự mình càng tăng trưởng thiện căn, hết lòng quan sát công đức các hạnh lành, tất cả những tà kiến không thể làm ngăn trở, hư hoại. Không hề tham cầu thân Chuyển luân vương, thân Thiên đế Thích, thân ma vương hay thân Phạm vương, chẳng cầu báo ơn, lợi dưỡng, danh dự hay sống lâu, sung sướng.

Bồ Tát tu tập những pháp như vậy tức được đầy đủ Bố thí Ba la mật cho đến Bát nhã Ba la mật. Đây gọi là đồng sự. Khi Đại Bồ Tát tu hạnh Đồng sự tâm không lay động, không hư hoại, trong sạch, vắng lặng, ánh sáng vĩ đại của trí tuệ không bị che lấp.

Đại Bồ Tát trụ tâm thanh tịnh, thực hành đầy đủ pháp lành vô thượng, pháp lành sáng chói, pháp lành sáng chói nghĩa là: Những sự thực hành pháp lành của Đại Bồ Tát tất cả những sự chê bai phá hủy không phá hủy nổi. Tâm bất động của Đại Bồ Tát tu những pháp lành, những gì lay chuyển không lay chuyển nổi. Tâm ấy ngày đêm lớn dần như mặt trăng lớn dần từ lúc mới mọc.

Pháp lành vắng lặng là gì?

-Đại Bồ Tát chứng được Chánh định vắng lặng đồng với Như Lai, gần kề Vô thượng Bồ đề.

Do nhân duyên tất cả sự Bố thí, Trì giới, Tứ nhiếp cho nên Đại Bồ Tát được thân kim cang được quả Pháp thân.

Do nhân duyên Bố thí khó khăn, Trì giới khó khăn của Đại Bồ Tát, cho nên Đại Bồ Tát chứng được quả báo vi diệu, công đức không thể nghĩ bàn của Như Lai.

Do nhân duyên Tất cả Tự thí, Tự giới cho nên được quả báo: Các hàng Trời người phụng sự cúng dường.

Do nhân duyên Bố thí, Trì giới Của Người Lành, cho nên là bực vô thượng đối với chúng sanh.

Do nhân duyên Bố thí, Trì giới Trong Tất cả Hạnh, cho nên thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Như Lai.

Do nhân duyên Bố thí, Trì giới Trừ khử, cho nên ngồi nơi Đạo tràng dưới cội Bồ đề, ma vương và quyến thuộc chẳng thể khuynh động.

Do nhân duyên Bố thí, Trì giới Tự Lợi, Lợi tha, cho nên chứng được Thường, Lạc, giải thoát của Như Lai.

Do nhân duyên Bố thí, Trì giới Vắng lặng cho nên được kết quả bốn sự vắng lặng: Thân vắng lặng, Duyên vắng lặng, Tâm vắng lặng, Trí vắng lặng, Mười lực, Bốn vô úy, Ba Niệm xứ, Đại Bi, Năm Trí tam muội…Vì khắp chúng sanh cho nên có mười tám pháp Bất cộng. Vì trí tuệ lợi ích, cho nên có vô lượng Pháp Bất cộng của Như Lai.

HẾT QUYỂN THỨ NĂM

--- o0o ---

 


Xem dưới dạng văn bản thuần túy