× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Bồ Tát Thiện Giới



Phẩm thứ mười hai…Nhẫn nhục Độ

(NHẪN NHỤC BA LA MẬT)

1.Thế nào là Tánh Nhẫn của Bồ Tát?

-Vì sức trí tuệ, cho nên có thể kham chịu đầy dẫy những việc khó khăn.

Nhẫn tất cả!

Nhẫn tất cả!

Nhẫn tất cả!

Vì được tâm từ vì có sự thương xót.

2.Tất cả Nhẫn là gì? -Có hai: Xuất gia Tại gia. Xuất gia, tại gia đều có ba thứ:

Một là. Có thể nhẫn chịu những việc đánh mắng của chúng sanh.

Hai là. Có thể kham nhẫn tất cả các khổ.

Ba là. Nhẫn những cái vui về các điều lành.

Nhẫn những việc đánh mắng của chúng sanh:

Lúc Đại Bồ Tát bị chúng sanh đánh mắng, tự nghĩ như vầy: “Duyên do thân tôi tạo các nghiệp dữ, ngày nay tự chịu quả báo, thì sao giận dỗi đối với người kia? Tôi chẳng tìm chi thứ phiền não này. Nếu nay không nhẫn về sau càng nhiều. Không nhẫn nhục nổi. Gọi là cái nhẫn phiền não khổ sở. Thôi bị thọ thân, cũng như có các phiền não thế này, chẳng phải là lỗi từ nơi chúng sanh mà chính là lỗi vốn tự nơi tôi. Nếu có việc dữ tôi lại không vui hay nếu không nhẫn, hoá ra chính tôi tự gây tạo lấy. Nếu tự gây tạo, lại sẽ tự mình chịu lấy khổ đau. Nếu thân sẽ phải chịu khổ thì nay sao lại không nhẫn? Bực Thanh Văn, Duyên Giác mục đích tự lợi còn tu nhẫn nhục, huống gì nay tôi vì muốn lợi ích tất cả chúng sanh mà chẳng nên nhẫn hay sao? Nếu tôi không nhẫn tức không thể nào đủ giới Bồ Tát, tu Tám Thánh đạo, được Vô thượng Bồ Đề”.

Khi Đại Bồ Tát xét như vậy rồi. Tu năm đức nhẫn. Thế nào là năm?

-Đối với kẻ oán, người thân hay không oán thân, tu hạnh nhẫn nhục.

-Tu tập đức nhẫn đối với bực trên, bực vừa, bực dưới.

-Tu tập đức nhẫn đối với những cảnh chịu vui, chịu khổ hay chẳng khổ chẳng vui.

-Tu tập đức nhẫn đối với những người có phước, không phước, chẳng phải có phước hay không có phước.

-Tu tập đức nhẫn đối với tất cả những kẻ hung ác.

Bồ Tát thành tựu năm đức nhẫn trên bằng cách tu tập năm cách quán tưởng: 1. Tưởng chúng sanh. 2. Tưởng pháp. 3. Tưởng vô thường. 4. Tưởng khổ. 5. Tưởng không ngã, sở hữu của ngã.

Khi Bồ Tát bị kẻ ác đánh đập, làm thế nào để tưởng kẻ ác kia như là bạn thân?

Bồ Tát xét nghĩ như vầy: “Từ thời quá khứ trôi lăn mãi mãi trong vòng sanh tử, không chúng sanh nào chẳng là cha mẹ, thầy học, hòa thượng hay bà con thân thuộc đáng kính của tôi”. Khi quán tưởng như thế, ý nghĩ oán ghét bị diệt, ý tưởng bạn thân tự đó phát sanh. Tưởng thân phát sanh, cho nên có thể tu đức nhẫn nhục. Lúc ấy thành tựu cách tưởng chúng sanh.

-Tưởng pháp: Bồ Tát xét kỹ. Chúng sanh gọi là pháp giới, là pháp hữu vi, là pháp hữu lậu. Nếu là pháp giới đối lại pháp giới, không Ngã, Ngã sở, không thọ mạng, sĩ phu. Vậy thì ai đánh, ai giận?

Dùng sức trí tuệ quán như vậy rồi là diệt ngay ý tưởng chúng sanh, thành tựu tưởng pháp.

-Tưởng vô thường: Bồ Tát tư duy. Tất cả chúng sanh, các pháp hữu vi và pháp hữu lậu đều là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có ai là người mắng, kẻ nhận? Giả sử người mắng, người chịu đều là tạm thời dừng trụ. tức chẳng thể nói “các pháp vô thường”. Nếu đã là thường, vậy thì ai mắng, ai là người chịu? Trong lý chơn thường và lý vô thường đều không cả hai, đều không kẻ làm và người nhận chịu. Đúng ra còn chẳng sanh tâm ác nhỏ, thì làm gì có kẻ đánh người mắng?

Do nghĩ như thế, Bồ Tát phá bỏ ý tưởng thường hằng và tu pháp quán vô thường. Luôn luôn tu tập ý tưởng vô thường, cho nên thành tựu tâm hay nhẫn nhục, thành tựu tâm nhẫn cho nên tu đạo Bồ Đề, mãi đến khi chứng Vô thượng Bồ Đề.

-Bồ Tát làm sao tu tập tưởng Khổ?

Đại Bồ Tát quán sát như sau: Nếu những chúng sanh sống trong cõi dục được đại tự tại, của cải dồi dào và giàu lớn như chuyển luân Thánh vương, thì chúng sanh ấy vẫn còn ba khổ huống gì người khác. Ba khổ là gì? Một là Khổ khổ. Hai là Hoại khổ. Ba là Hành khổ. Xét về chúng sanh có ba khổ này, vậy tôi chẳng nên sân hận làm gì. Nếu tôi nổi giận, làm sao có thể sẽ cứu ba khổ cho khắp chúng sanh? Nếu tôi nổi giận, chỉ làm lớn thêm ba khổ mà thôi.

Khi quán như vậy, tưởng vui bị diệt, tưởng khổ pháp sinh. Bởi thường tu tập nhân duyên như thế, cho nên tu Tám thánh đạo, được Vô thượng Bồ Đề.

Bồ Tát làm sao tu quán không Ngã, sở hữu của ngã?

-Bồ Tát quán kỹ: Có những ngoại đạo nói rằng “Bản ngã là thường”. Nếu ngã là thường thì chúng sanh không Ngã.

Vì sao?

-Chúng sanh là năm ấm. Năm ấm vốn vô thường. Nếu đã không Ngã thì làm gì có cái thuộc về Ngã? Vì vậy không Ngã và không ngã sở.

Đại Bồ Tát lại quán sát như vầy “Ngã chính là tâm Bồ Đề. Khi Bồ Tát mới phát tâm Bồ Đề, đối với chúng sanh, Bồ Tát xem họ dường như con một. Đó chính là sở hữu của Ngã. Nếu đối với chúng sanh mà tôi có tâm giận dỗi bực tức, làm sao được gọi là có bản ngã, sở hữu của ngã? Nếu tôi nuôi lớn lòng giận, tức chẳng có thể độ thoát tất cả chúng sanh”.

Khi khởi quán như vậy, Bồ Tát thành tựu về đức Nhẫn nhục và thêm lớn về tâm vô ngã, sở hữu của ngã. Được tưởng vô ngã, do nhân duyên này tu Tám Thánh đạo, chứng Vô thượng Bồ Đề.

Thế nào gọi là có thể kham nhẫn tất cả các khổ?

Bấy giờ Bồ Tát khởi quán như sau:

Trong đời quá khứ, ta vì tham đắm năm món dục lạc, cho nên ta đã chịu đủ các khổ. Còn tại gia thì cầy cấy ruộng nương, trồng cây gieo giống chịu cực biết bao, khi thì gần gủi vua chúa, quan quyền, buôn bán đổi chác, nhiều nỗi gian nan. Trong những lúc ấy chịu nhiều khổ lớn nhưng nào ích gì. Ngày nay, vì độ chúng sanh mà tôi chịu khổ, rồi sẽ gặt hái nhiều sự lợi ích. Nếu tôi sẽ được sự lợi ích lớn, thì cũng nên nhận vô lượng sự khổ.

Khi vị Bồ Tát khởi quán như trên, có thể kham nhẫn trước những cái khổ. Sự chịu khổ ấy gọi là Nhẫn tất cả.

Hết thảy sự khổ gồm có tám điều.

-Khổ về nương cậy.

-Khổ về thế pháp.

-Khổ về oai nghi.

-Khổ về nhiếp pháp.

-Khổ cầu xin.

-Khổ về tinh tấn.

-Khổ vì lợi ích chúng sanh.

-Khổ vì lo liệu công việc

-Khổ về nương cậy: (còn gọi là cái khổ về bốn điều nương ở - Tứ y trụ). Nếu một Tỳ kheo đã nhận bốn điều y trụ, xuất gia thọ giới, được mệnh danh là Tỳ kheo cụ - túc. Như được chút ít áo mặc thức ăn, mền nệm thuốc men mà không buồn khổ tâm không hối hận. Do tâm thường quán sự khổ biến hoại, cho nên tu tập Tám món thánh đạo, được Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là sự khổ nương cậy.

-Khổ về thế pháp: Gồm có chín điều:

Khổ vì mong cầu chẳng được.

Khổ vì chịu đựng tiếng xấu.

Khổ vì đương đầu với những điều dữ.

Khổ vì nhiều khổ chất chồng.

Khổ vì mất mặt.

Khổ vì hết sạch vật chất.

Khổ vì tuổi tác già nua.

Khổ vì thân thể bệnh hoạn.

Khổ vì chết chóc.

Trên đây gọi là khổ về thế pháp.

Khi Bồ Tát chịu chín khổ này, tâm không sanh buồn rầu hối hận, chẳng phế bỏ tâm Vô thượng Bồ Đề. Vì chẳng hối hận nên tâm Bồ Đề luôn luôn tăng trưởng. Tâm Bồ Đề tăng, cho nên lại được Vô thượng Bồ Đề.

-Khổ về oai nghi: Oai nghi của thân có bốn: Đi, đứng, ngồi, nằm. Bồ Tát lúc đi hoặc ngồi, ngày cũng như đêm, thường thường chế ngự cái tâm ác nghiệp, nhẫn nại sự khổ lúc đi, lúc ngồi. Phi thời chẳng nằm, trái thời chẳng đứng. Nơi trong hoặc ngoài chỗ đứng ngồi như: giường, đất, cỏ, lá….Nơi bốn chỗ này vẫn thường nghĩ đến các việc cúng dường Phật, Pháp, Tăng bảo, tán thán kinh pháp, thọ trì giới cấm, đem pháp vô thượng tuyên nói rộng rãi cho các chúng sanh, tư duy nghĩa chánh, như pháp an trụ, phân biệt pháp giới và tu Chỉ, Quán.

Khi vị Bồ Tát tu pháp như vậy, giả sử có gặp bao nhiêu sự khổ đều vui kham nhận và nhẫn chịu đựng…Đây mệnh danh là Khổ về oai nghi.

-Khổ về nhiếp pháp: Gồm có bảy điều:

Thân bỏ trang sức tốt đẹp.

Cạo bỏ râu tóc

Mặc y cắt rọc

Chẳng tự do với việc đời, mạng sống tùy thuộc người khác.

Xin ăn nuôi sống.

Lìa nghề nghiệp mưu sinh, ít muốn biết đủ.

Bỏ lìa thân thuộc, và năm thứ dục lạc.

Đây gọi là cái khổ nhiếp pháp.

-Khổ cầu xin: Những vật cung ứng cho cơ thể như áo mặc uống ăn, phòng nhà, mền nệm, thuốc thang v.v. Tất cả đều toàn nhờ vả người khác. Những lúc không được chẳng hề hiềm trách, những lúc có được lại phải tri túc. Cứ vậy mà sống cho đến trọn đời. Đè nén tất cả cái vui ngũ dục, cả đến ca nhạc, giỡn cười .v.v…Nhẫn những cái khổ như thế, gọi là sự khổ cầu xin.

-Khổ về tinh tấn: Đại Bồ Tát thường siêng năng tinh tấn cúng dường tam bảo, thọ trì, đọc tụng kinh pháp, luật, luận thuộc Bồ Tát tạng, biên chép, giải nói, ban ngày ban đêm tư duy nghĩa lý chẳng hề bỏ phế, gia công tinh tấn tu tập thánh đạo. Do sự tinh tấn nên kham nhận cả các thứ khổ cực. Như thế gọi là sự khổ tinh tấn.

-Khổ vì lợi ích chúng sanh: Như mười một điều lợi ích trong ngoài đã nói ở trước. Đây gọi là sự khổ lợi ích chúng sanh (Mười một điều như đã nói ở phẩm Trì giới độ).

-Khổ vì lo liệu công việc: Như xông bát, nhuộm áo, may vá y phục, chúng tăng sai khiến phục dịch mọi việc, cung cấp sư trưởng, làm việc cúng dường như tô, quét tháp v.v. Vì pháp lành mà trọn không thôi nghĩ, vì vô thường đạo cho nên nhẫn nại hết các sự khổ. Đây gọi là khổ vì lo liệu công việc.

Nhẫn những cái vui của các điều lành:

Về pháp nhẫn này gồm có tám điều:

Nhẫn thọ công đức của Phật, Pháp, Tăng. (3 điều), Nhẫn không thể nghĩ bàn của Phật, Bồ Tát (2 điều), Nhơn nhẫn, Quả nhân, Nhẫn của phương tiện hay khéo.

Tánh Phật, Bồ Tát lại có hai nhẫn: Đức nhẫn cứu cánh. Nhẫn của trí tuệ thanh tịnh sáng suốt. Đây gọi là pháp nhẫn.

3.Nhẫn khó khăn của Bồ Tát là như thế nào? -Nhẫn khó khăn có ba:

Một là. Vô lượng chúng sanh đánh mắng, Bồ Tát đều có thể nhẫn.

Hai là. Bồ Tát có đủ năng lực tự tại, dầu rằng có thể đánh mắng trả lại, nhưng vẫn nhẫn chịu, không hề báo trả.

Ba là. Bồ Tát ở vào giòng tộc hào quý, có thể nhẫn xuống làm hạng thấp hèn.

4.Thế nào gọi là Tự nhẫn tất cả?

-Bồ Tát nhẫn nhịn đối với tất cả kẻ oán người thân hay không phải oán thân. Nhẫn với hạng thấp, hạng vừa, hạng cao. Như thế gọi là Tự nhẫn tất cả.

5.Nhẫn của người lành: Đây có năm điều để biết công đức thuộc về hạnh nhẫn:

Một là. Chẳng bị vướng mắc tâm ác, tâm giận.

Hai là. Tâm khó bị làm hư hỏng trở ngại.

Ba là. Tâm không buồn rầu.

Bốn là. Khi chết không hối.

Năm là. Chết rồi thọ hưởng cái vui trời, người.

Bồ Tát xét biết Nhẫn nhục có các công đức như vậy, bèn dạy chúng sanh khiến họ tu nhẫn. Chỗ tu đức nhẫn của vị Bồ Tát càng được thêm lớn, khen ngợi đức nhẫn, thấy người nhẫn nhục tôn trọng cung kính, ca tụng lễ lạy. Trên đây gọi là Nhẫn của người lành.

6.Nhẫn trong tất cả hạnh: Đại Bồ Tát thường quan sát lỗi dữ của sự bất nhẫn. Vì sao gọi là quả báo xấu ác? -Vì hay chịu báo trong ba đường ác. Do sợ ác đạo nên tu hạnh Nhẫn. Nhẫn vì thương xót, nhẫn vì lòng Từ, vì tâm mềm mỏng, vì thương mến chúng sanh. Nhẫn vì quyết cầu Vô thượng Bồ Đề. Nhẫn vì đầy đủ Nhẫn nhục ba la mật. Nhẫn vì xuất gia, vì đầy đủ tánh, Nhẫn vì muốn tu đức nhẫn trong vô lượng đời. Nhẫn vì được Tánh nhẫn, vì được không ái, không sân, vì để thấy tánh pháp giới, vì để thấy chúng sanh giới. Nhẫn trong tất cả thời gian, nhẫn trong tất cả quốc độ, nhẫn trong tất cả tâm…Như thế gọi là Nhẫn trong tất cả hạnh.

7.Nhẫn để trừ khử: Nếu có nhiều người nghèo cùng khốn khổ tìm đến Bồ Tát xin những vật dùng, lại có kẻ ác, kẻ hủy giới cấm cũng theo hỏi xin…Nhằm phá ác tâm và tu đức nhẫn, Bồ Tát bố thí cho người sự vui để phá cái khổ. Đây chính gọi là Nhẫn để trừ khử.

8.Nhẫn tự lợi, lợi tha: Đối với những cảnh đói khát, nóng lạnh, gió mưa, thú dữ…Bồ Tát kham nhẫn chịu đựng tất cả, không tâm buông lung, vì thương chúng sanh nên chịu khổ sống chết. Đại Bồ Tát được đức Nhẫn như vậy, nuôi lớn tất cả pháp lành hiện tại, xa lìa phiền não, chuyển sang đời khác thâu hoạch vô lượng quả báo tốt lành, có thể điều phục tâm ác của chúng sanh. Vì chế ngự ác tâm cho nên không bị mọi sự sai sử bởi các phiền não. Hiện tại an vui, sau được quả lành. Đây gọi là Nhẫn tự lợi, lợi tha.

9.Nhẫn vắng lặng: Bồ Tát nếu bị chúng sanh hung ác đánh đập mắng nhiếc, không sanh ác tâm đối với kẻ đó, cũng không hề để ý tưởng oán hận, mà khởi ý tưởng xem như bạn lành.

“Nếu không có những người ác như vậy, làm sao ta được tăng trưởng pháp lành”. Thấy kẻ mắng nhiếc nhỏ nhẹ xin lỗi. Tu lòng Từ bi để có thể phá phiền não cõi Dục.

Đầy đủ mười đức nhẫn nhục trên đây, Bồ Tát có thể tu tám Thánh đạo và được Vô thượng Bồ Đề.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy