Chương II - Hai Kệ
-ooOoo-
Phẩm
Một
(CXXI) Utara
(Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh
ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn có danh tiếng, được đặt
tên là Uttara. Ngài thông suốt giáo điển Vệ-đà, và có danh
tiếng về gia tộc, về dung sắc, về thông minh, về đức hạnh. Vassakàra,
một vị bộ trưởng có danh ở Magadha (Ma-kiệt-đà), thấy những thành
tích của ngài, muốn gả con gái cho ngài, nhưng ngài đã thiên về hạnh
giải thoát nên đã từ chối và ngài đến nghe ngài Sàriputta (Xá-lợi-phất)
thuyết giảng. Với lòng tin, ngài xuất gia, làm tròn bổn phận của người
Sa-di, hầu hạ Tôn giả Sàriputta.
Một hôm, Tôn giả Sàriputta bị bệnh, Uttara đi
tìm một y sĩ chữa bệnh, ngài đặt bình bát ngài trên bờ hồ để
xuống hồ nước súc miệng. Một người ăn trộm, bị lính đuổi, chạy ra
khỏi cửa thành, khi chạy ngang liền quăng bỏ các châu báu đánh cắp vào
trong bình bát của người Sa-di và bỏ chạy. Khi các người lính đến, thấy
đồ châu báu trong bình bát của ngài liền bắt ngài đưa đến
Bà-la-môn Vassakàra để trừng phạt ngài.
Ðức Phật nhận thấy thiền quán của ngài đã chín muồi, nên
đi đến ngài, đặt nhẹ tay trên đầu ngài và nói: 'Ðây là kết quả
nghiệp trước của Thầy, Thầy cần phải chấp nhận nhờ sức mạnh suy tư'.
Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho ngài, Uttara vì nhờ đức Phật đặt
nhẹ tay trên đầu, tâm tư được phấn khởi, nhờ thiền quán chín muồi,
nhờ uy nghi đức độ của bậc Ðạo Sư, ngài cảm thọ hỷ lạc, đoạn tận
các uế nhiễm, chứng sáu thắng trí. Vươn mình lên khỏi cột trụ, ngài
đứng trên hư không, hiển hiện thần thông vì lòng từ mẫn đối với
kẻ khác. Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, các vết thương
của ngài được lành hẳn khi được các Tỷ-kheo khác hỏi: 'Thưa Hiền
giả, làm sao khi Hiền giả đau khổ như vậy, Hiền giả có thể phát
triển thiền quán?'. Ngài trả lời 'Khi tôi thấy rõ được sự đau khổ
của mình tái sanh, và tánh nhân duyên sanh của sự vật, thời sự nguy hiểm
của sự đau khổ ít hơn, hiện tại không ngăn tôi phát triển thiền
quán và chứng được kết quả.
121. Không có gì có mặt,
Lại thường còn mãi mãi,
Không có các hành gì,
Lại thường hằng thường trú.
Các uẩn được khởi lên,
Ðến đời khác diệt vong.
122. Biết được nguy hiểm này,
Ta không muốn sanh hữu,
Từ bỏ tất cả dục,
Ta chứng lậu hoặc tận.
(CXXII) Pindola-Bhàradvàja (Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh
làm con của vị giáo sĩ của vua Udena xứ Kosambi, được đặt tên
là Bhàradvàja. Sau khi học tập ba tập Vệ-đà, dạy các bài chú,
bài tụng rất thành công cho các thanh niên Bà-la-môn, ngài chán ngấy với
công việc đang làm. Từ giã họ, ngài đi đến Ràjagaha (Vương
Xá), thấy chúng Tỷ-kheo được trọng vọng cúng dường, ngài xuất
gia. Với phương pháp Phật dạy, ngài tiết độ trong ăn uống và chứng
được sáu thắng trí.
Ngài tuyên bố trước mặt đức Bổn Sư rằng ngài sẵn sàng trả
lời tất cả những câu hỏi của Tỷ-kheo nào nghi ngờ đến con đường và
kết quả, như vậy, ngài rống tiếng rống con sư tử, đức Phật nói
về ngài như sau: 'Trong các đệ tử của Ta rống tiếng rống con sư
tử, Pindola Bhàradvàja là đệ nhất'.
Rồi một người bạn cũ đến thăm ngài, một Bà-la-môn có
tánh keo kiết. Vị Trưởng lão khuyên bạn nên cúng dường chúng Tăng. Vì
bạn ngài tin rằng ngài cũng ích kỷ và nghĩ đến tư lợi, nên ngài
dùng bài kệ để giáo giới bạn ngài:
123. Nói về đời sống này,
Không phải không có luật,
Nhưng các món đồ ăn,
Không có gì gần tâm
Do có các món ăn,,
Thân thể được tồn tại,
Thấy vậy, ta bộ hành,
Tìm kiếm các món ăn.
124. Bậc trí kinh nghiệm rằng:
Thật sự là đám bùn,
Ðảnh lễ và cúng dường,
Xuất phát tự gia đình,
Như mũi tên tế nhị,
Rất khó nhổ được ra,
Cũng vậy với kẻ ngu,
Cung kính khó từ bỏ.
(CXXIII) Valliya (Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh
ở Sàvatthi (Xá-vệ), con một Bà-la-môn tên tuổi, được đặt tên là
Valliya. Khi đến tuổi trưởng thành, làm chủ được các căn, ngài
làm bạn với người có giới đức. Rồi ngài đi đến Thế Tôn, khởi
lòng tin, xuất gia, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Nghĩ
đến quá khứ với các sự vật thế tục, ham muốn, và như thế nào
nhờ Thánh đạo, ngài thoát ly các chi phối ấy, ngài nói lên chánh trí của
ngài:
125. Trong chòi nhỏ, năm cửa,
Có con khỉ đi vào,
Loanh quanh từng cửa một,
Nó va chạm từng giây!
126. Này khỉ, hãy dừng lại!
Chớ có chạy như vậy,
Ngươi không còn như trước,
Trí tuệ cầm giữ ngươi,
Ngươi đâu còn có thể,
Ði xa như trước được.
(CXXIV) Gangàtiriya (Thera. 18)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh
ở Sàvatthi làm con một thị dân, được đặt tên là Datta. Trong
đời sống thế tục, vì ngu si ngài phạm lỗi lầm, biết được
lỗi lầm của mình, ngài sanh sầu khổ và xuất gia. Hối hận vì hành vi của
mình, ngài chọn đời sống khổ hạnh, ở trên bờ sông Hằng, làm một chòi
lá để ở; do vậy, ngài được gọi là Gangàtiriya (người ở trên
bờ sông Hằng). Ngài nguyện không nói với một ai, như vậy cả năm, ngài
không thốt ra một lời nào. Trong năm thứ hai, một nữ nhân trong làng thường
cúng dường ngài, muốn biết ngài có câm hay không khi dâng sữa cúng
dường, làm đổ sữa ra ngoài. Ngài mới nói: 'Thôi vừa rồi, bà chị'. Nhưng
đến năm thứ ba, ngài chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của
ngài ngang qua lời bài kệ, tán thán hạnh cũ của ngài:
127. Trên bờ sông Hằng Hà,
Dùng ba lá thốt nốt,
Ta dựng lên cho ta
Một chòi lá nho nhỏ,
Bát ta là cái ghè,
Dùng cúng sữa người chết,
Còn y áo của ta
Lượm chắp từ đống rác.
128. Suốt hai năm sống vậy.
Ta chỉ nói một chữ,
Trong khoảng năm thứ ba,
Khối si ám tan tành.
(CXXV) Ajina (Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh
ở Sàvatthi, trong gia đình một Bà-la-môn nghèo, và khi sanh ngài được
đặt trong một tấm da dê rừng, do vậy được đặt tên là Ajina. Sống
trong sự bần cùng, ngài chứng kiến uy nghi đức độ của đức Phật khi tinh
xá Kỳ Viên được dâng cúng. Khởi lòng tin, ngài xuất gia và không bao lâu,
chứng được pháp Thượng nhân, khi chứng được quả A-la-hán, vì nghiệp
duyên quá khứ, ngài không được cung kính và biết đến. Một số Sa-di
không biết khinh thường ngài, ngài làm họ dao động với bài kệ:
129. Nếu chứng được Ba minh,
Ðoạn tử, không lậu hoặc,
Vị ấy vẫn có thể,
Không được người biết đến,
Và kẻ ngu không biết,
Có thể sanh khinh thường.
130. Khi người ấy nhận được
Ðồ ăn uống cúng dường,
Dẫu cho có ác pháp,
Vẫn được họ kính trọng.
(CXXVI) Melajina (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh
ở Benares (Ba-la-nại), trong gia đình một hoàng tộc, tên là Melajina,
học giỏi và hạnh đức có tiếng khắp trong nước. Khi Thế Tôn ở
Ba-la-nại, tại Isipatana (chư Tiên đọa xứ), Melajina đến
nghe Ngài thuyết pháp, khởi lòng tin, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Khi
các Tỷ-kheo hỏi làm sao ngài chứng được pháp Thượng nhân, ngài rống
lên tiếng rống con sư tử:
131. Khi ta nghe Chánh pháp,
Bậc Ðạo Sư thuyết giảng,
Ta thắng tri nghi hoặc,
Bậc toàn trí, toàn thắng.
132. Ðối vị trưởng lữ đoàn,
Với vị đại anh hùng,
Trong các bậc đánh xe
Bậc tối thắng vô thượng,
Ðối con đường, lộ trình
Ta không có nghi hoặc.
(CXXVII) Ràdha (Thera. 19)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh
ở Ràjagaha (Vuơng Xá), là người Bà-la-môn. Trong khi ngài lớn tuổi,
ngài không làm được bổn phận của ngài. Không được chấp nhận, ngài đi
đến Thế Tôn, nói lên những ước muốn của ngài. Bậc Ðạo Sư thấy
được những điều kiện căn bản được đầy đủ, nên bảo Sàriputta chấp
nhận ngài xuất gia. Không bao lâu, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó, ngài sống
gần bên bậc Ðạo Sư, trở thành một vị thuyết giảng đột xuất nhờ những
lời thuyết giảng của bậc Ðạo Sư. Một hôm, thấy rõ vì sao không khéo tự
huấn luyện chế ngự khiến các dục vọng có thể sanh khởi,
ngài nói lên bài kệ để khích lệ giáo giới:
133. Như mái nhà vụng lợp,
Mưa dễ thấm ướt vào,
Cũng vậy, tâm vụng tu
Tham ái được xâm nhập.
134. Như mái nhà khéo lợp
Mưa không thể thấm vào,
Cũng vậy, tâm khéo tu
Tham ái không xâm nhập.
(CXXVIII) Suràdha (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh
làm em trai của vị Ràdha, vâng theo gương của người anh, ngài xuất gia
và chứng quả A-la-hán. Ðể nêu rõ sự hướng dẫn các giới luật, ngài nói
lên chánh trí của mình như sau:
135. Sanh của ta đã tận,
Chiến thắng dạy, làm xong,
Lưới danh được đoạn diệt,
Gốc sanh hữu nhổ lên.
136. Mục đích hạnh xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ðích ấy đã đạt được,
Mọi kiết sử, diệt xong.
(CXXIX) Gotama (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh
ở Ràjagaha (Vương Xá), trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên
là Gotama. Khi còn trẻ, ngài giao du với kẻ không tốt, bao nhiêu tài sản
ngài cho một kỹ nữ. Hối hận nếp sống bất chính của mình, ngài mơ thấy
hình ảnh bậc Ðạo Sư đang ngồi, với tâm tư hiểu biết tâm trạng của
ngài. Bậc Ðạo Sư biết được tiến bộ của ngài, sự thành tựu các
nhân duyên thiết yếu, nên thuyết pháp cho ngài. Ngài khởi lòng tin,
xuất gia, chứng quả A-la-hán, khi con dao đụng đến tóc ngài, khi ngài đang
thọ hưởng lạc thiền định và quả giải thoát. Một cư sĩ hỏi ngài
về tài sản của ngài, ngài thú nhận ngài sống không được nghiêm túc,
sống phi Phạm hạnh, và với sự trong sạch hiện tại không có dục vọng,
ngài nói lên chánh trí của ngài:
137. Bậc ẩn sĩ nằm ngủ,
Sống an lạc hạnh phúc,
Họ không bị nữ nhân,
Trói buộc và chi phối.
Nữ nhân, phải luôn luôn
Phòng hộ và chế ngự.
Sự thật về nữ nhân,
Thật khó được chấp nhận.
138. Hỡi này các dục vọng,
Ta quyết giết các ngươi,
Nay chúng ta đối ngươi,
Không còn gì nợ nần,
Chúng ta nay đi đến
Cảnh giới gọi Niết bàn,
Ði đến tại chỗ ấy
Không còn có sầu muộn.
(CXXX) Vasabha (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh
ở Vesàli, con vị vua địa phương Licchavì. Ðược cảm hóa bởi uy
nghi đức độ của đức Phật khi Ngài đến thăm Vesàli, ngài xuất
gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Biết ơn những ai ủng hộ ngài, ngài
không có từ chối những vật dụng được cúng dường và hưởng thọ các
vật cúng dường ấy. Người thường dâng cho ngài thích thọ hưởng, nhưng
ngài không để ý những lời phê bình ấy.
Gần ngài có một vị Tỷ-kheo giả dối, lừa gạt quần chúng
bằng cách giả dối sống thiểu dục tri túc, do vậy được quần chúng tôn
trọng. Rồi thiên chủ Sakka (Ðế thích) thấy được sự giả dối
này, đi đến Trưởng lão Vasabha hỏi: 'Thưa Tôn giả, kẻ giả dối kia
sao lại làm vậy?'. Ngài trả lời với bài kệ, chỉ trích kẻ ác bất
thiện kia:
139. Trước nó giết tự ngã,
Sau nó giết người khác,
Họ khéo giết tự ngã,
Như chim mồi, mồi chim.
140. Không phải Bà-la-môn,
Với dung sắc bên ngoài,
Bà-la-môn chính thống,
Phải dung sắc bên trong,
Với ai, làm ác nghiệp,
Người ấy là hắc nhân,
Là chồng của Sujà.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|