× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Tiểu Bộ



Trưởng Lão Tăng Kệ - Phẩm 10

(XCI) Paripunnaka (Thera. 13)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu trong gia đình dòng họ Thích-ca. Vì khả năng và tài sản của ngài được viên mãn. Ngài được biết với tên là Paripumaka (viên mãn), ngài có đủ điều kiện để luôn luôn thưởng thức các vị ăn ngon. Nhưng khi ngài được nghe bậc Đạo Sư dùng các đồ ăn khất thực, ngài nghĩ: 'Thế Tôn được nuôi dưỡng rất được nuông chiều, nhưng nay Ngài lại dùng các đồ ăn như vậy để hưởng Niết-bàn an lạc. Vậy sao ta lại ham muốn đồ ăn ngon?'. Bị dao động, ngài từ bỏ gia đình, xuất gia, lấy đề tài tu tập về thân từ nơi bậc Đạo Sư, cuối cùng ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài nói lên bài kệ này:

91. Dầu có hưởng món ăn,
Như cam lồ trăm vị,
Nhưng không thể sánh bằng,
Món ta ăn hôm nay;
Đây là Pháp vi diệu,
Được Phật Go-ta-ma,
Bậc tri kiến vô lượng,
Đã thuyết giảng cho ta
.

 

(XCII) Vijaya (Thera. 13)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Vijaya. Khi được học giáo lý Bà-la-môn, ngài xuất gia, đời sống một vị ẩn sĩ, sống trong rừng, thực hành thiền định, ngài nghe đến sứ mệnh của đức Phật, hoan hỷ đến kính chào Thế Tôn và nghe pháp. Rồi ngài xuất gia trong giới luật của đức Phật, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên chánh trí của ngài trong bài kệ sau đây:

92. Với ai, lậu hoặc đoạn,
Không y tựa đồ ăn,
Hành xứ, không, vô tướng,
Giải thoát cũng như vậy,
Như chim trên hư không,
Dấu chân thật khó tìm.

 

(XCIII) Eraka (Thera. 14)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con của một người có địa vị, được đặt tên là Eraka. Ngài khôi ngô, tuấn tú, làm mọi công việc đều thông suốt thành tựu.

Cha mẹ cưới cho ngài một người vợ trẻ đẹp có giới hạnh. Nhưng vì là đời sống cuối cùng nên ngài sanh dao động và tìm kiếm đến gặp bậc Đạo Sư. Khi nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia, bậc Đạo Sư cho ngài đề tài để tu hành, nhưng trong một thời gian ngài bị các suy tư bất thiện ám ảnh, đức Thế Tôn biết được tâm tư của ngài nên nói lên bài kệ dạy ngài, ngài rất hối hận sở hành của mình khi nghe lời Phật dạy, ngài trở nên tinh tấn, phát triển thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán, Ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ sau đây:

93. Hỡi này Ê-ra-ka,
Khổ thay là các dục!
Hỡi này Ê-ra-ka,
Không lạc tà các dục!
Ai tham dục các dục,
Là tham dục đau khổ,
Ai không tham các dục,
Là không tham dục khổ.
Hỡi này Ê-ra-ka!
Hãy biết là như vậy.

 

(XCIV) Mettajì (Thera. 14)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà), con một vị Bà-la-môn và được đặt tên là Mettajì. Lớn lên, ngài thấy sự đau khổ của dục và sống ở trong rừng làm một vị ẩn sĩ. Khi nghe sứ mệnh đức Phật và do thiện duyên thúc đẩy, ngài đến gặp đức Phật và hỏi về sự tu hành tán thối của Ngài, câu trả lời của đức Phật khiến ngài phát khởi lòng tin xuất gia, và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Với bài kệ này, ngài tán thán bậc Đạo Sư:

94. Đảnh lễ đức Thế Tôn,
Thích tử bậc điềm lành,
Quả chứng này đạt được,
Là quả vị thượng thủ,
Pháp Ngài khéo thuyết giảng,
Là Chánh pháp tối thượng.

 

(XCV) Cakkupàla (Thera. 14)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con của người điền chủ tên Mahàsuvanna, được đặt tên là Pàla, ngài cũng được gọi là Pàla anh, vì em ngài được gọi là Pàla em, cả hai anh em được cha mẹ giao phó cho những công việc ở gia đình. Khi bậc Đạo Sư đến tinh xá Kỳ Viên, Pàla anh giao gia sản cho người em và xuất gia. Sau sáu năm làm Sa-di, ngài đi với sáu mươi Tỷ-kheo để học hỏi Chánh pháp. Các vị này lựa một ngôi rừng gần một ngôi làng biên địa, tại chỗ ấy, dân làng là các Phật tử cư sĩ, và ngài sống trong một chòi lá, sống hạnh viễn ly của một vị tu hành.

Ngài bị đau mắt và một vị thầy thuốc cho thuốc chữa, ngài không chịu nghe theo lời thầy thuốc, bệnh nặng thêm. Ngài nghĩ: 'Thà làm cho chấm dứt các kiết sử của ta, còn tốt hơn là chấm dứt bệnh đau mắt'. Như vậy, ngài bỏ qua bệnh đau mắt, chỉ lo phát triển thiền quán, cho đến khi ngài chứng quả A-la-hán thời cũng mù mắt luôn. Ngài được gọi là vị A-la-hán khô.

Các cư sĩ hỏi các Tỷ-kheo về ngài và nghe nói ngài mù nên các cư sĩ hết lòng săn sóc cho ngài. Rồi các Tỷ-kheo khác cũng chứng quả A-la-hán và đề nghị đến Sàvatthi (Xá-vệ) để yết kiến bậc Đạo Sư. Nhưng ngài nói: 'Tôi yếu và mù, con đường đi không phải là không nguy hiểm. Tôi sẽ làm trở ngcho các vị, các vị hãy đi trước, thay mặt tôi đảnh lễ bậc Đạo Sư và các đại đệ tử khác, hãy nói với Pàla em tôi về tình trạng của tôi, và gửi cho tôi một người giúp đỡ". Cuối cùng, các Tỷ-kheo nhận lời đi, sau khi từ biệt các vị hộ chủ và sắp đặt cho ngài một chỗ ở. Các Tỷ-kheo làm theo lời dặn của ngài và Pàla em bảo người cháu tên là Pàlika đi đến giúp đỡ ngài. Các Tỷ-kheo làm lễ xuất gia cho Pàlika, vì con đường đi không có an toàn cho một người cư sĩ. Pàlika đi đến ngài và cả hai người đều lên đường đi đến Sàvatthi. Giữa đường, Pàlika nghe một phụ nữ hát và đến tình tự với người ấy. Ngài biết được nên đuổi Pàlika đi, một mình đi đến Sàvatthi. Hạnh đức của ngài làm cho chỗ ngồi của Sakka (Đế Thích) nóng và Sakka hiện hóa một người dẫn đường cho ngài đi đến tinh xá Kỳ Viên, ngay vào buổi chiều ấy. Trong khi ngài ở Kỳ Viên, Pàla em lo phụng dưỡng ngài, ngài nói lên bài kệ như sau, khi ngài đuổi Pàlika đi.

95. Dầu ta có bị mù,
Dầu mắt ta hư hoại,
Dầu con đường ta đi,
Dầu gai góc khó khăn,
Ta sẽ tự mình đi,
Dấn thân trên đường ấy,
Nhưng ta không cùng đi,
Kẻ ác hạnh như vậy.

 

(XCVI) Khandasumana (Thera. 14)

Trong thời đức Phật hiện tại, tái sanh trong một gia đình của vua Màlla, ngài được đặt tên là Khandasumana (Bông lài), vì khi ngài sanh, bông lài nở hoa, ngài nghe đức Phật thuyết pháp khi đức Phật trú ở tại rừng xoài của Cunda Ràvà, xuất gia và chứng được sáu thắng trí. Rồi ngài nhớ đến đời sống quá khứ khi ngài cúng một nhánh bông lài tại tháp của đức Phật Kassapa, trong khi tất cả bông hái được đều thuộc về của vua. Nhận thấy cử chỉ của ngài giúp ngài chứng được quả Niết-bàn, ngài nói lên bài kệ như sau:

96. Do một bông từ bỏ,
Được hưởng tám ức năm,
Sống trong cảnh cõi trời,
Còn số năm còn lại,
Ta được sống tịch tịnh.

 

(XCVII) Tissa (Thera. 14)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại thành phố Roguva trong một gia đình vua chúa. Khi phụ vương mất, ngài tiếp nối sự nghiệp của vua cha. Như một đồng minh với vua Bimbisàra, ngài gửi vua các tặng vật châu báu, ngọc và y áo. Vua gửi ngài đời sống của đức Phật vẽ trên tấm tranh và lý duyên khởi được khắc trên một đĩa bằng vàng. Khi ngài thấy vật này, vì lời phát nguyện trước các đức Phật quá khứ, vì nhân duyên đời sống cuối cùng, ngài suy tư định lý ấy, quán sát qua lại nhiều lần, học thuộc lòng nhiều lần, cho đến khi ngài cảm thấy dao động và đi đến kết luận: 'Nay ta đã được thấy hình dung của Thế Tôn cùng với quá trình giáo lý của Ngài. Các dục đầy những đau khổ, vậy ta sống đời sống gia đình làm gì?' Rồi ngài thoái vị, xuất gia, cầm bát bằng đất và với một số quần chúng đi theo và khóc than, như Hoàng tử Pukkusàti, ngài từ bỏ hoàng cung, đi đến Rajagaha (Vương Xá). Tại đấy, ngài ở tại hang Sabhasondika và yết kiến Thế Tôn. Nhờ Thế Tôn thuyết pháp, ngài chứng quả A-la-hán. Nói đến kinh nghiệm bản thân, ngài nói lên bài kệ:

97. Từ bỏ trăm bình bát,
Bằng đồng, vàng quý giá,
Ta cầm lấy bình bát,
Làm bằng đất sét thường,
Đây là lần thứ hai,
Ta làm lễ quán đảnh
.

 

(XCVIII) Abhaya (2) (Thera. 14)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Abhaya. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, ngài xuất gia. Một hôm, ngài đi khất thực ở trong làng, thấy một nữ nhân ăn mặc rất đẹp đẽ, tâm tư ngài bị dao động, khi trở về tịnh xá, ngài suy nghĩ: 'Thấy một sắc pháp, tâm ta sanh cấu uế, ta đã phạm lỗi lầm'. Từ bỏ tâm tư ấy, ngài phát triển thiền quán và chứng A-la-hán. Rồi ngài nói lên sự sai lầm và sự thức tỉnh của ngài ngang qua bài kệ:

98. Thấy sắc, mất chánh niệm,
Tác ý tưởng luyến ái,
Tâm cảm thọ say mê,
Đắm trước tưởng an trú,
Các lậu hoặc tăng trưởng,
Đưa đến gốc sanh hữu.

 

(XCIX) Uttiya (Thera. 14)

Ngài tái sanh ở Kapilavatthu, trong thời đức Phật hiện tại, trong một gia đình vương tộc Thích-ca, được đặt tên là Uttiya. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài chứng kiến sức mạnh của đức Phật, khi ngài đến thăm các gia đình bà con của ngài, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Trong thời kỳ tu học, ngài đi vào làng khất thực, nghe một nữ nhân ca hát, thiền định của ngài bị thối thất và lòng dục khởi lên. Chế ngự với sức mạnh suy tư, ngài bước vào tịnh xá rất dao động, ngài ngồi thiền định vào buổi trưa, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán.

Rồi ngài nói lên sự giải thoát của ngài khỏi đau khổ sanh tử, nhờ nhàm chán các dục trong bài kệ sau đây:

99. Nghe tiếng, mất chánh niệm,
Tác ý tưởng luyến ái,
Tâm cảm thọ say mê,
Đắm trước tưởng an trú,
Các lậu hoặc tăng trưởng,
Đưa đến nhiễm luân hồi.

 

(C) Devasabha (II) (Thera. 14)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài tái sanh trong một gia đình hoàng tộc Thích-ca, và được đặt tên là Devasabha. Khi lớn lên ngài khởi lòng tin khi Thế Tôn giải quyết sự tranh chấp giữa dòng họ Thích-ca và dòng họ Koliya, ngài xin quy y ba ngôi báu. Khi đức Phật ở vườn cây bàng, ngài đi đến gặp Thế Tôn, lần này ngài xuất gia, ngài chứng quả A-la-hán , trú trên an lạc giải thoát, ngài nói lên sự phấn khởi của ngài với bài kệ như sau:

100. Thành tựu chánh tính tấn,
Sở hành trên niệm xứ,
Tràn đầy hoa giải thoát,
Sẽ nhập diệt, vô lậu
.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy