(XXXI) Gahvaratìrya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn và được gọi là Aggidatta.
Khi lớn lên ngài thấy đức Phật hiện hóa thần thông song hành, khởi
lòng tin và xuất gia. Lấy một đề tài để hành trì, ngài đi vào rừng Ratìra
và được biết với tên là Gahvaratìriya, phát triển thiền quán,
không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài đi đến đảnh lễ đức
Phật ở Sàvatthi, các bà con ngài nghe tin ngài đến, liền cúng dường
ngài rất nhiều. Khi ngài muốn trở lui lại khu rừng, các bà con ngăn lại,
nói rằng núi nhiều muỗi và ruồi lằng rất khó sống. Ngài trả lời đời
sống rừng núi thích hợp với ngài và ngài nói lên chánh trí của ngài với
bài kệ:
31. Trong núi rừng rộng lớn,
Bị muỗi lằng đốt cắn,
Như voi đầu chiến trận,
Tại đấy sống chánh niệm.
(XXXII) Suppiya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật tại thế, do
nghiệp quá khứ, ngài được sanh trong gia đình người giữ nghĩa địa ở
Sàvatthi. Được bạn Sopàka thuyết pháp cảm hóa, ngài xuất
gia và chứng được quả vị cao nhất, và trong bài kệ, ngài nói lên
chánh trí của ngài khi đang phấn đấu để chứng quả A-la-hán.
32. Bị già, được không già,
Bị nung nấu, được tịnh,
Mong rằng ta sẽ được
Tịch tịnh thật tối thượng,
An ổn thật vô thượng,
Thoát khỏi các khổ ách.
(XXXIII) Soopaka, Một Tỷ-Kheo
Trẻ Con (Thera. 6)
Ngài sanh trong thời đức Phật hiện
tại ở Sàvatthi, từ một người đàn bà rất nghèo khổ. Khi bà mẹ
đau đẻ, bà bất tỉnh và người ta tưởng bà đã chết nên đem thân bà
đi thiêu. Một phi nhân không cho lửa đốt cháy, làm mưa làm gió và những
người thiêu thân bỏ đi. Đứa con trẻ được sanh mạnh khỏe, còn người
mẹ bị chết. Vị phi nhân hóa làm người, bế đứa con và bỏ trong nhà
người giữ nghĩa địa, nuôi đứa con trong một thời gian với đồ ăn thích
hợp. Sau đó, người giữ nghĩa địa nhận làm con nuôi, và Sopàka lớn
lên với Suppiya, con trai nhỏ của người giữ cửa. Vì ngài sanh ở
nghĩa địa, nên đặt tên là Sopàka. Khi ngài bảy tuổi, Thế Tôn với
thiên nhãn thanh tịnh, vào buổi sáng, nhìn xem những ai có thiện căn tốt
lành, thấy Sopàka và đi đến nghĩa địa. Sopàka được nghiệp
duyên đời trước, đi đến Thế Tôn với tâm tư hoan hỷ và đảnh lễ Thế
Tôn, Thế Tôn thuyết pháp và Sopàka xin xuất gia. Sau khi được phép
người cha nuôi, Sopàka xuất gia và được dạy tình thương huynh đệ
làm đề tài tu hành. Sopàka lấy đề tài này và sống ở nghĩa địa
và chứng được cảnh giới thiền tương đương. Lấy cảnh giới thiền làm
đề tài căn bản, ngài triển khai thiền quán và chứng được quả A-la-hán.
Sau khi chứng quả, ngài làm bài kệ, trong ấy ngài nêu cho các Tỷ-kheo rõ
đề tài tình thương anh em, không có phân biệt người thân kẻ sơ. Với tất
cả, tình thương phải là một, bao trùm mọi cảnh giới, mọi chúng sanh mọi
thời gian:
33. Như người mẹ tốt lành
Thương người con độc nhất,
Cũng vậy đối chúng sanh,
Đủ mọi loài, mọi chỗ,
Hãy có lòng tốt đẹp,
Thương mến và từ ái.
(XXXIV) Posiya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh làm con một triệu phú ở Sàvatthi, là em trai của Trưởng lão
Sangàmaji. Khi lớn lên, ngài lập gia đình. Khi sanh được đứa con
trai, do nghiệp duyên đời trước, ngài cảm thấy lo lắng trước vấn đề
sống chết, nên ngài xuất gia, sống một mình trong rừng và tu tập đề tài
bốn sự thật. Sau một thời gian, ngài chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài đi đến Sàvatthi để
đảnh lễ Thế Tôn và về thăm lại nhà cũ, người vợ cũ cúng dường ngài
và muốn cám dỗ ngài sống lại đời sống cũ, ngài biết được dụng ý
của vợ ngài nên cáo lui và về lại trong rừng, các bạn đồng tu hỏi vì
sao ngài về sớm như vậy, ngài kể lại câu chuyện đã xảy ra và nói
lên bài kệ:
34. Không gần là tốt đẹp,
Kẻ trí thường biết vậy,
Từ làng đi đến rừng,
Từ rừng, ta vào nhà,
Từ đấy, đứng dậy đi,
Không đoái hoài Bô-syà.
(XXXV) Sàmannakàni (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh làm con một du sĩ và xuất gia theo đức Phật. Khi thấy đức Phật
hóa hiện thần thông song hành; và nhờ thiền, ngài chứng quả A-la-hán.
Lúc bấy giờ, một du sĩ tên Kàtiyàna,
ngài quen khi còn là cư sĩ, du sĩ này mất hết sự ủng hộ của giới cư
sĩ từ khi đức Phật được mọi người qui ngưỡng, và trở thành khốn
cùng. Kàtiyàna đến ngài và yêu cầu ngài ủng hộ để được hạnh
phúc đời này đời sau, ngài đáp: 'Hạnh phúc không liên hệ đến đời và
chỉ những người hiểu biết quá trình tu chứng mới hưởng sự an lạc
thuần nhất này'. Và ngài nói lên bài kệ để chứng minh sự thành đạt
của ngài:
35. Kẻ tìm lạc, được lạc,
Nếu sở hành đúng đắn,
Lại thêm được kính trọng,
Danh vọng được tăng trưởng.
Ai tu tập chánh trực,
Con đường Thánh tám ngành,
Đây là đường lộ trình,
Đạt đến cảnh bất tử.
(XXXVI) Con Của Kunmà (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài được sanh ở xứ Anvanti thành Velukanda, và được đặt tên
là Nanda. Nhưng vì mẹ tên Kumà nên ngài được gọi là con của
Kumà. Khi nghe Tôn giả Sàriputta thuyết pháp, ngài xuất gia và
tu tập trên sườn đồi. Nhưng chỉ sau khi nghe đức Phật thuyết pháp và
sửa lại phương pháp tu tập, ngài mới chứng quả A-la-hán. Khi đã trở
thành A-la-hán, ngài thấy các Tỷ-kheo khác quá lo cho thân thể, nên ngài
dùng bài kệ để hướng dẫn họ theo Chánh pháp:
36. Lành thay, điều được nghe!
Lành thay, hạnh phúc sống!
Lành thay, thường an trú!
Đời sống kẻ không nhà.
Tìm hỏi nghĩa Chánh pháp,
Làm các hạnh cung kính,
Đấy là hạnh Sa-môn,
Của bậc Vô sở hữu.
(XXXVII) Bạn Của Con Kumà
(Thera. 6)
Ngài được sanh trong thời đức Phật
hiện tại, tại thành Velukanda, trong một gia đình giàu có tên Sudanta.
Có người nói ngài tên là Vasulokì. Ngài trở thành bạn thân với
con của Kumà. Khi con của Kumà xuất gia, ngài nghĩ đạo của
con Kumà không thể là đạo tầm thường nên đến nghe bậc Đạo Sư
thuyết pháp. Nghe xong, ngài cảm thấy nhiều xúc động và xuất gia. Ngài
cùng an trú với con của Kumà trên sườn đồi để tu hành.
Trong lúc ấy, nhiều Tỷ-kheo bộ
hành nhiều địa phương, đều an trú tại chỗ hai vị này và tạo nên cảnh
ồn ào. Sudanta, tâm thiền định bị chi phối, lấy sự kiện này
làm đề tài để tinh tấn tu hành và nói lên bài kệ này:
37. Bộ hành nhiều xứ sở,
Với hạnh không suy tưởng,
Thiêu đốt phần thiền định,
Đi khắp xứ làm gì?
Do vậy, ngăn vọng động,
Không vọng hướng, hãy thiền.
(XXXVIII) Gavampati (Thera. 6)
Ngài được sanh trong thời đức Phật
hiện tại, ngài là một trong bốn người bạn của Yasa (Da-xá). Khi họ
nghe Yasa xuất gia, tất cả đều xuất gia và chứng quả A-la-hán. Rồi
ngài sống ở rừng Anjana tại Sàkela, và hưởng lạc giải thoát.
Khi bấy giờ, Thế Tôn đến với một số đông Tỷ-kheo tại Anjana.
Chỗ ngủ không đầy đủ và một số Tỷ-kheo ngủ xung quanh tinh xá, trên
bãi cát sông Sarabhà. Nửa đêm, nước sông dâng lên và các Tỷ-kheo
trẻ la lớn. Thế Tôn nghe vậy, bảo Gavampati can thiệp, ngăn sông
không cho dâng cao, khiến các Tỷ-kheo yên tâm. Vị Trưởng lão với thần
túc thông của mình, làm theo lời Phật dạy, dừng dòng sông lại từ xa,
khiến dòng sông dựng đứng lại như ngọn núi, do vậy ngài được mọi
người biết là có thần thông. Một ngày kia, Thế Tôn đang thuyết pháp giữa
một số đông người, thấy Gavampati vì lòng từ bi nghĩ đến đời,
đức Phật tán thán các hạnh của Gavampati với bài kệ:
38. Ai với thần túc thông,
Dựng đứng Sarabhu,
Chính Gavampati,
Không ỷ lại, không động,
Vượt qua mọi trĩi buộc,
Chư Thiên đều đảnh lễ,
Bậc Đại sĩ Mâu-ni
Đã vượt qua sanh hữu.
(XXXIX) Tissa (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài được sanh ở Kapilavatthu, con người dì của đức Phật và được
đặt tên là Tissa. Ngài xuất gia theo đức Phật, sống tại một lâm
trại và tự phụ với địa vị của mình, tánh hay nóng nảy bất thường,
vì vậy ngài không làm bổn phận của mình được hăng hái.
Rồi bậc Đạo Sư, với thiên nhãn
thấy ngài đang ngủ há miệng liền hiện đến trước ngài, thức ngài dậy
với bài kệ:
39. Như bị kiếm chém xuống,
Như bị lửa cháy đầu,
Vị Tỷ-kheo xuất gia,
Chánh niệm, đoạn tham dục.
(XL) Vaddhamàna (Thera. 7)
Ngài sanh ở Vesàli, trong gia
đình một vị vua Licchavì, ngài trở thành một thiếu niên có tín
tâm và phục vụ Tăng chúng. Về sau, khi đã xuất gia, ngài trở thành biếng
nhác và được Như Lai khích lệ với bài kệ:
40. Như bị kiếm chém xuống,
Như bị lửa cháy đầu,
Vị Tỷ-kheo xuất gia,
Chánh niệm, đoạn tham hữu.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|