(XXI) Nigrodha (Thera. 4)
Trong lời đức Phật tại thế, ngài
sanh trong một gia đình Bà-la-môn có danh tiếng ở Sàvatthi. Khi tinh
xá Jetavana được dâng cúng đức Phật, trông thấy tướng tốt uy
nghiêm của đức Phật, ngài được cảm hóa và xuất gia. Khi phát triển
thiền quán, ngài có thể đạt được sáu thắng trí, suy tư đến sự an lạc
quả chứng, sự lợi ích của giáo pháp giúp thoát khỏi tái sanh, ngài nói
lên bài kệ này để tuyên bố chánh trí của ngài:
21. Đối với ta, sợ hãi
Không làm ta sợ hãi,
Thâm hiểu đạo bất tử,
Bậc Đạo Sư chúng ta
Không tìm được chân đứng,
Ở đâu, sự sợ hãi,
Chỗ ấy vị Tỷ-kheo
Dẫn bước trên đường ấy.
(XXII) Cittaka (Thera. 4)
Ngài sanh ở Ràjagaha, con một
gia đình Bà-la-môn giàu có. Khi bậc Đạo Sư ở vườn Trúc Lâm, Cittaka
đến nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Lựa giới luật
làm đề tài tu tập, ngài vào một khu rừng và tu tập thiền định, với
thiền quan khai triển, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài đi đến đảnh lễ
đức Phật, được các vị đồng Phạm hạnh hỏi ngài có tinh tấn tu
hành khi ở trong rừng không, ngài trả lời có và với bài kệ này, ngài
nói lên chánh trí của ngài.
22. Chim công, màu xanh biếc,
Cổ đẹp, có màu tươi,
Đang gọi nhau trong rừng,
Rừng Kà-ram-vi-yà,
Với gió mát tiếng trong,
Chúng gọi và thức dậy,
Vị hành thiền đang ngủ.
(XXIII) Gosàla (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh trong một gia đình Magadha giàu có, ngài có quen với Sonakutikanna.
Khi được biết Sonakutikanna xuất gia, ngài bị dao động và suy nghĩ:
'Vị ấy có tài sản lớn mà còn xuất gia, sao ta lại không làm theo?'. Rồi
ngài xuất gia, dùng giới luật làm đề tài thiền quán và tìm một chỗ
thích hợp, ngài lựa một cao nguyên không xa làng sanh quán. Mẹ ngài ngày
nào cũng bố thí cúng dường. Một hôm cúng cho ngài cháo, cơm nấu với mật
và đường, ngài nhận đồ cúng dường, ngồi ăn dưới bóng một ngọn đồi
có tre mọc dày. Với tay và bát rửa sạch, được ăn một bữa ăn thích hợp,
ngài phát tâm thiền quán và chú tâm vào vấn đề sanh diệt các pháp, đạt
được thiền định cao nhất, chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa,
về pháp. Ngài muốn đi lên ngọn đồi để hưởng an lạc thiền vị, ngài
nói lên kinh nghiệm của ngài với bài kệ:
23. Ta ăn tại khóm trúc,
Với cháo cơm và mật,
Ta chấp nhận toàn diện,
Lời dạy bậc đáng kính,
Tánh sanh diệt các uẩn,
Ta sẽ lên ngọn núi,
Tăng trưởng hạnh viễn ly.
(XXIV) Sugandha (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh trong một gia đình giàu có ở Sàvatthi. Vì lời phát nguyện
trong quá khứ, khi ngài sanh ra, hương thơm tỏa khắp nhà, do vậy được đặt
tên là Sugandha (hương thơm). Khi đến tuổi trưởng thành, ngài được
khuyến khích xuất gia, khi nghe Trưởng lão Mahà Sela thuyết pháp; sau
bảy ngày, ngài chứng quả A-la-hán. Nói lên chánh trí của mình, ngài thuyết
bài kệ này:
24. Xuất gia, mùa mưa qua,
Thấy pháp tánh các pháp,
Ba minh chứng đạt được,
Làm xong lời Phật dạy.
(XXV) Nandiya (Thera. 5)
Ngài được sanh ở Kapilavatthu,
trong nhà một vương tộc Thích-ca, và cha mẹ ngài nói: 'Con ta sanh đem lại
hoan hỷ trong nhà' và đặt tên ngài là Nandiya. Lớn lên, ngài xuất
gia, khi Anuruddha và các bạn đều xuất gia. Nhờ chú tâm học tập
và lời phát nguyện quá khứ, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài sống với
Trưởng lão Anuruddha và các bạn tại rừng Trúc phía Đông. Tại đấy,
Ác-ma muốn làm ngài sợ hãi, hiện ra trong hình thù rất dễ sợ, nhưng ngài
đuổi Ác--ma đi với những lời như sau: 'Này Ác-ma, Ngươi làm gì với những
người đã vượt qua cảnh giới của ngươi. Do vậy, Ngươi chỉ gặp thất
bại và bất hạnh'.
25. Với ai, tâm thường hằng,
Hướng mạnh về Chánh pháp,
Pháp phát sanh hào quang,
Pháp đạt đến Thánh quả,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Nếu Nhà ngươi muốn chống,
Hỡi này kẻ Quỷ đen!
Ngươi đi đến đau khổ.
(XXVI) Abhaya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh là con vua Bimbisàra (Bình-sa). Giáo chủ Nàtaputta dạy
ngài một mưu chước để đánh bại Sa-môn Gotama trong cuộc tranh luận,
nhưng trong câu trả lời của Sa-môn Gotama, ngài thấy sự thất bại
của giáo chủ phái Ni-kiền Tử và sự sáng suốt của Sa-môn Gotama.
Do vậy, sau khi vua từ trần, Abhaya xuất gia. Nhờ giảng kinh Ví dụ
cái lỗ trong cây gỏ, ngài chứng quả Dự lưu. Rồi với sự cố gắng
tinh cần, ngài chứng quả A-la-hán. Do vậy, phấn khởi trước thành quả
đạt được, ngài nói lên chánh trí của ngài:
26. Nghe được lời khéo giảng,
Bậc bà con mặt trời,
Ta đâm thủng tinh vi,
Như tên chẻ ngọn tóc.
(XXVII) Lomasakangìya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Kapilavatthu, trong một gia đình họ Thích-ca. Ngài rất yếu
đuối và thân ngài có lông mịn nên được gọi là Lomasakangiya.
Khi Anuruddha và một số hoàng
tử trẻ Sakya xuất gia, ngài không theo. Rồi Candana, một người
bạn cũ thời trước, hỏi về 'Nhứt dạ hiền giả - Bhaddekaratta',
ngài trả lời không được và đến hỏi đức Phật. Đức Phật khuyên
ngài xuất gia và về xin phép cha mẹ. Khi mẹ ngài sợ ngài yếu đuối, ngài
trả lời với bài kệ như sau:
27. Cỏ dabba, kusa,
Các loài cỏ đâm ngực,
Loài cỏ tên munja,
Cỏ tên pabbaja.
Từ nơi ngực của ta,
Ta sẽ đẩy chúng lui,
Ta sẽ làm tăng trưởng,
Hạnh cô độc viễn ly.
Nghe xong, mẹ ngài bằng lòng để
ngài xuất gia, và được phép bậc Đạo Sư cho xuất gia. Sau thời gian học
tập, ngài muốn đi vào rừng để thiền quán. Các Tỷ-kheo ngăn lại, nói
ngài yếu đuối làm sao sống trong rừng núi được. Ngài lập lại bài kệ
này và đi vào rừng tu thiền, chứng sáu thắng trí. Khi ngài chứng quả
A-la-hán, ngài tuyên bố chánh trí của ngài với bài kệ nói trên.
(XXVIII) Con Trai Của Jambugàmika
(Thera. 5)
Ngài sanh ở Campà, con một cư
sĩ tên Jambugàmika, và được gọi với tên cha. Khi học tập hạnh
Sa-di, ngài ở Sàketa, tại rừng Anjana, cha ngài sợ ngài không bền
chí xuất gia, nên gửi ngài bài kệ để tìm hiểu ngài:
28. Con có được thỏa mãn,
Với y phục mang mặc?
Con có được hoan hỷ,
Với trang sức điểm tô?
Và mùi hương thơm này,
Do giới con tỏa ra,
Chớ không do người khác
Tạo mùi thơm như vậy!
Khi ngài đọc bài kệ này, ngài nghĩ
rằng phụ thân ngài nghi ngờ ngài còn đang bị thế tục chi phối, và
ngài cũng chưa thoát khỏi địa vị phàm phu. Do vậy, ngài cảm thấy xúc
động, liền phát tâm tinh tấn tu hành và không bao lâu chứng được sáu
thắng trí. Với bài kệ của người cha làm đề tài thiền quán, cuối
cùng ngài chứng quả A-la-hán. Và vừa để nói lên chánh trí, vừa tán
thán người cha, ngài nói lên bài kệ.
(XXIX) Hàrita (Thera. 5)
Sanh ra trong thời đức Phật hiện
tại ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn giàu có. Cha mẹ cưới cho ngài một
người vợ trẻ đẹp hoàn toàn xứng đôi vừa lứa, và ngài sống sung sướng
bên người vợ của ngài. Một hôm, ngài đang ngắm nhìn sắc đẹp của vợ
mình, do nghiệp nhân đời trước, ngài được nhắc lại là sắc đẹp ấy
cũng vô thường. Vài ngày sau, vợ ngài bị con rắn đen cắn và bị chết.
Bị đau khổ bởi cái chết này, ngài đi yết kiến đức Phật, được
nghe pháp và xuất gia. Nhưng khi ngài tu về giới, ngài không giữ được tâm
cho chánh trực. Khi đi khất thực, ngài thấy một người làm tên, dùng dụng
cụ làm cho cây tên được ngay thẳng, ngài suy nghĩ: 'Những người này
còn làm cho một cây tên ngay thẳng'. Ngài quay về, ngồi nghỉ trưa, phát
triển thiền quán. Và ngài thấy đức Phật hiện ra trước mặt ngài, ngồi
trên hư không, và dạy ngài với bài kệ này:
29. Thầy hay làm tự ngã,
Được thấm nhuần hướng thượng,
Như người thợ cung tên
Làm cây tên ngay thẳng,
Hãy làm tâm ngay thẳng,
Hỡi này Ha-ri-ta!
Hãy chặt đứt vô minh.
Nghe Thế Tôn dạy, ngài phát triển
thiền quán, và không bao lâu trở thành vị A-la-hán. Ngài liền nói lên
bài kệ này như lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(XXX) Ittiya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Sàvatthi con trai một Bà-la-môn, và xuất gia để tìm đời
sống bất tử, trở thành một du sĩ ngoại đạo. Một ngày kia, trong khi bộ
hành ngài gặp Thế Tôn đang thuyết pháp và ngài xin xuất gia. Vì giới hạnh
ngài không thanh tịnh, nên ngài không đạt được Thánh quả. Thấy các Tỷ-kheo
khác nói lên chánh trí của mình, ngài xin Thế Tôn một bài học tóm tắt.
Đức Phật trả lời ngài phải làm cho thanh tịnh nếp sống căn bản và
đức Phật dạy ngài về nếp sống căn bản một cách tóm tắt, Ittiya
học tập bài học này, phát triển thiền quán, nhưng rồi bị bệnh. Trong
sự cố gắng tối hậu, ngài chứng được quả A-la-hán. Vì ngài chứng
được Thánh quả trước những trở ngại lớn như vậy, ngài nói lên
chánh trí của ngài liên hệ đến cơn bệnh của ngài:
30. Trong khi ta lâm bệnh,
Niệm khởi lên nơi ta,
Trong khi ta lâm bệnh,
Không phải thời phóng dật.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|