× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Bát Đại Nhân Giác



Điều giác ngộ 2

CHÁNH VĂN:

Đệ nhị giác tri:
Đa dục vi khổ,
Sanh tử bì lao,
Tùng tham dục khởi,
Thiểu dục vô vi,
Thân tâm tự tại.

DỊCH:

Điều thứ hai lại cần giác biết:
Tham dục nhiều, khổ thiệt thêm nhiều.
Nhọc nhằn sanh tử bao nhiêu,
Bởi chưng tham dục, mà chiêu khổ nầy.
Bớt lòng tham dục chẳng gây,
Thân tâm tự tại vui nầy ai hơn.

GIẢNG:

Đệ nhị giác tri:
Đa dục vi khổ,
Sanh tử bì lao,
Tùng tham dục khởi.

Dục chỉ cho năm món dục ở thế gian là tài, sắc, danh, thực, thùy hay là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Đa dục là nhiều tham muốn về ngũ dục, có nghĩa là tham muốn tiền của, đắm mê sắc đẹp, ham danh vọng, thích ăn ngon, ưa ngủ kỹ. Người thích ăn ngon, thân phải chạy ngược chạy xuôi, toan tính lo làm cho có nhiều tiền, mới sắm được bữa ăn ngon theo sở thích. Như vậy thì tâm lao nhọc, thân vất vả mới được bữa ăn vừa miệng. Hoặc người đắm mê sắc đẹp, cả đời cứ đuổi theo hương sắc, thì sức lực hao mòn, tiền của tiêu tán, cực nhọc lao lung không thể kể xiết. Người tham danh, tham tài cũng vậy, phải ngược xuôi làm lụng, tranh giành để được danh được lợi… Tóm lại, người đời chỉ vì đắm mê ngũ dục, nên tạo nhiều tội lỗi chịu nhiều khổ đau. Ham mê nhiều chừng nào thì khổ sở nhiều chừng ấy.

Trong kinh A-hàm, Phật có kể câu chuyện: Xưa có vị vua tên Đảnh Sanh, do nhờ phước báo nhiều đời, nên được làm Chuyển Luân Thánh vương, là bậc thông minh trí tuệ, hành động theo chánh pháp, thành tựu bảy báu, thống trị khắp cả cõi đất này. Làm vua trong thời gian thật lâu, ông khởi niệm mong ước mưa báu bảy ngày dâng đến tận đầu gối.

Vua Đảnh Sanh có Đại như ý túc, có đại phước đức, nên vừa khởi niệm là được như ý. Lại một thời gian sau, Vua khởi niệm muốn đến xem và thống trị châu Cù-đà-ni ở phương Tây và Vua cũng được như ý muốn. Lại một thời gian sau, Vua khởi niệm muốn đến xem và ngự trị châu Phất-bà-bệ-đà-đề ở phương Đông và Vua cũng được như ý. Lại một thời gian sau, Vua khởi niệm muốn đến xem và thống trị châu Uất-đơn-việt ở phương Bắc, và Vua cũng được như ý. Lại một thời gian sau, Vua khởi niệm muốn tới cõi trời Tam thập tam, và nhà Vua cũng được như ý muốn. Khi Vua đến cõi trời Tam thập tam, đi vào nhà chánh pháp. Ở đó, trời Đế Thích nhường cho vua Đảnh Sanh nửa tòa ngồi. Khi vua Đảnh Sanh ngồi trên nửa tòa của trời Đế Thích thì ánh sáng, màu sắc, y phục, oai nghi lễ tiết của vua Đảnh Sanh không khác vua trời Đế Thích, chỉ có hai mắt nháy là khác. Sau khi đã được toại nguyện ở trên cõi trời Tam thập tam thì vua Đảnh Sanh lại khởi niệm cướp lấy tòa ngồi của vua trời Đế Thích để làm vua loài trời và loài người. Khi vua Đảnh Sanh vừa khởi niệm ấy, bất giác rớt xuống châu Diêm-phù-đề, liền mất Như ý túc, và lâm trọng bệnh nguy ngặt. Đến lúc sắp chết, các cận thần đến bên nhà Vua hỏi rằng:

- Tâu Thiên vương, nếu có vị Phạm chí cư sĩ và kẻ bầy tôi hay thần dân nào đến hỏi chúng thần rằng "lúc băng hà Thiên vương chỉ bảo những gì”, chúng thần trả lời thế nào cho Phạm chí, cư sĩ hay thần dân ấy?

Vua Đảnh Sanh bảo cận thần:

- Vua Đảnh Sanh đã được châu Diêm-phù-đề nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn; vua Đảnh Sanh đã được bảy báu nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn; vua Đảnh Sanh đã có bảy ngày mưa báu, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn; vua Đảnh Sanh đã được châu Cù-đà-ni, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn; vua Đảnh Sanh đã được châu Phất-bà-bệ-đà-đề, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn; vua Đảnh Sanh đã được châu Uất-đơn-việt, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn; vua Đảnh Sanh đã tới cõi trời Tam thập tam, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn; vua Đảnh Sanh đã có đủ ngũ dục lạc, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn… Các người hãy trả lời như thế, vua Đảnh Sanh vì quá tham dục cho nên khổ.

Vua biết đó là điều bất thiện, nên trước khi chết trăn trối cho quần thần và dân chúng biết để tránh.

Hồi xưa tôi còn làm việc cho Giáo hội, một hôm tôi đến giảng ở Chi hội Phật học Gia Định. Sau khi giảng xong có một Phật tử lấy xe nhà đưa tôi về chùa. Ngồi trên xe đàm đạo, tôi khuyên Phật tử ấy:

- Đạo hữu đã lớn tuổi, nên dành thì giờ xem kinh niệm Phật cho có công đức. Mải miết lo làm thì quá cực khổ, mai kia chết lại càng khổ hơn.

Phật tử ấy trả lời:

- Con có tới ba tiệm cưa máy, mỗi buổi sáng phải đi đến coi người ta làm, chiều đi đặt cây, tối về làm sổ tới khuya. Nhiều khi không có thì giờ để đọc một cột báo, vì quá mệt phải đi ngủ. Thầy thương Thầy khuyên con như thế, ở vào hoàn cảnh của con làm sao tu hành được!

Quí vị thấy, nếu làm ăn được hoài thì rất khó tu. Vì được hoài thì tham muốn thêm hoài, thấy làm ra tiền dễ quá lòng tham cứ khởi mãi. Cho nên người nhiều dục lạc mà nói hết khổ là lầm. Phật dụ người đang khát nước mà uống nước muối, càng uống càng khát. Người nghèo hèn ban đầu muốn có chút tiền của để được no ấm, khi có rồi lần lần muốn thêm, thêm mãi… Cho nên người nào nói tôi nghèo nên tôi chưa tu, chờ khi nào tôi có đầy đủ vật chất tôi mới tu, người nói như thế cũng giống người khát mà uống nước muối vậy. Người có tâm tham muốn thì không bao giờ biết đủ!

Người Phật tử chân chánh biết quay về với Phật pháp lo tu học, nhờ đó mà được bớt khổ. Người biết tu, đối với vật chất có bao nhiêu cũng thấy là đủ. Có ít thì sống theo ít, có nhiều thì chia sớt cho người thiếu; thấy rõ vật chất là của tạm, dùng nuôi thân cho khỏe mạnh để tu tiến, chớ không lấy đó làm chánh, rồi khởi tâm mong cầu tham đắm. Nếu tâm còn dục vọng tham đắm của cải vật chất, tất nhiên là còn toan tính, hễ còn toan tính là có mưu đồ tạo sự nghiệp, hễ tạo sự nghiệp nếu không gây khổ cho người thì cũng gây khổ cho loài vật. Càng ham muốn là càng gây đau khổ cho mình cho người. Người nào cho rằng hưởng dục lạc thế gian đầy đủ là sung sướng, kẻ đó lầm, không thấy chân chánh. Ví như người thèm thức ăn ngon, khi ăn được món ngon này rồi, lại thèm món khác, hết tìm cao lương lại kiếm mỹ vị. Suốt đời cứ tìm cầu ăn uống, kiếp người sống thật thấp hèn và khốn khó!

Giả sử người đang trường trai giữ giới, thèm ăn ngon, nên nghĩ: "Nếu có thịt ăn một bữa, mình sẽ ăn cho đã thèm”. Nghĩ thế họ liền phá trai phạm giới ăn một bữa thịt thật no nê, để không còn thèm nữa. Nhưng ít lâu lại thèm rồi phá trai phạm giới nữa, cứ như thế tái diễn hoài. Chi bằng vừa khởi niệm tà liền dừng, quyết chí không chiều theo thị hiếu thị dục thấp hèn, gìn giữ giới luật cho trong sạch để tiến tu. Qua ví dụ trên, chúng ta thấy những dục lạc khác cũng đều như vậy. Bệnh của con người muốn được cái này lại tiếp muốn cái khác, cứ như thế mà muốn hoài không dừng. Nên phải biết tham muốn là gốc của đau khổ luân hồi sanh tử.

Người đời thường suy luận: Người tu hành ăn tương rau, mặc nâu sồng, giam mình trong nếp sống thanh bần, rốt cuộc rồi cũng chết. Còn người đời ăn sung mặc sướng, hưởng nhiều dục lạc thế gian, rốt cuộc rồi cũng chết. Hoặc nói người hiền đức già đời cũng chết, kẻ hung hăng bạo ngược cuối cùng cũng không còn. Lý luận như vậy có đúng không? Người buông lung chạy theo ngũ dục và người không phá trai phạm giới, luôn luôn giữ gìn thân tâm thanh tịnh, cả hai đều chết, nhưng hai cái chết khác nhau. Người hàng ngày chạy theo dục lạc thế gian, khi gần chết thân xác hư hoại, mà tình ái cứ buộc ràng với vợ con quyến thuộc không muốn xa lìa, nên giằng co khổ sở. Lại không biết mình sẽ đi về đâu nên hãi kinh lo sợ. Vì sanh tiền, thân miệng ý vốn đã tạo nhiều nghiệp chướng nặng nề, nên bị nghiệp lực lôi cuốn theo dòng luân hồi, sanh tử không dừng, khổ sở không dứt. Còn người biết tu hành ba nghiệp thanh tịnh, tuy xác thân có hư hoại, nhưng tinh thần bình tĩnh sáng suốt, không kinh sợ, biết rõ hướng đi, nên khi thở hơi cuối cùng rất nhẹ nhàng an ổn, và khi chết rồi thì được siêu thoát. Đành rằng con người ai cũng chết, nhưng người chạy theo ngũ dục tạo nghiệp ác khi chết thì chịu quả báo khổ đau, còn người tu không chạy theo ngũ dục, không tạo nghiệp ác mà tu nghiệp lành, khi chết sanh vào cõi lành hưởng phước an vui, hoặc được giải thoát sanh tử nhập Niết-bàn. Cái chết của người biết tu và không biết tu khác nhau chỗ đó. Người thế gian vì mê muội, không thấy được nhân quả nghiệp báo, nên mới lấy ngũ dục lạc làm lẽ sống, vui say đắm nhiễm, cho nó là quí là trên hết. Người giác ngộ biết chạy theo ngũ dục lạc là họa hại là đau khổ, nên sống đời sống đạm bạc đơn giản để an tâm tiến đạo.

Người nào còn ham muốn dục lạc là còn khổ, ham muốn nhiều thì mê nhiều khổ nhiều, ham muốn ít thì mê ít khổ ít. Ham muốn cái gì cũng khổ cả. Khi hết ham muốn thì hết mê, thấy tài, sắc, danh, thực, thùy là ảo ảnh, là vô thường, không bận lòng để ý thì hết khổ. Phật dạy người tu hành chân chánh, phải biết tham muốn ngũ dục là gốc luân hồi sanh tử khổ đau. Vì vậy mà phải:

Thiểu dục vô vi,
Thân tâm tự tại.

Thiểu dục là ít muốn. Người tu trong bốn món ăn, mặc, ở, bệnh được tín thí cho bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, không tìm cầu đòi hỏi cho nhiều, để tiêu dùng cho thỏa thích. Không tìm cầu nên không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì thân tâm không còn lo buồn khổ đau, sẽ được an ổn tự do. Phật dạy chúng ta tu để hết khổ. Ngài chỉ nguyên nhân gây ra đau khổ là ý. Ý si mê khởi niệm tội lỗi, miệng và thân nói làm tội lỗi, sau đó sẽ nhận lấy hậu quả khổ đau. Bây giờ chúng ta muốn hết khổ, thì phải thắp sáng trí tuệ nơi mình với chánh pháp của Phật, để phá những vô minh phiền não nơi ý. Ý không khởi niệm ác thì không nói ác, không làm ác; ý khởi niệm lành thì nói lành làm lành, lợi mình lợi người. Tâm thường lóng lặng thì trí tuệ sáng suốt, phá sạch vô minh, hết lậu hoặc, dứt khổ đau, được an vui giải thoát. Như vậy muốn hết khổ, chúng ta phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ nơi tâm, để thấy rõ nguyên nhân đau khổ mà dừng không tạo ác, chớ không phải nghe nói ông này linh, cô kia giỏi, đến lạy lục van xin cầu cứu cho mình hết khổ. Làm như thế chẳng những không được kết quả như ý, mà còn lún sâu vào mê tín dị đoan, đã khổ đau lại chất chồng thêm đau khổ.

Chúng ta biết rõ do tham dục mà cực khổ lao lung, và biết bớt tham dục là bớt khổ đau. Rõ ràng khổ hay vui là do mình, không do ai khác. Phật dạy chúng ta tu là phá mê, vì mê là gốc tham dục đưa con người đi trong luân hồi sanh tử khổ đau. Nếu mê được phá thì tham dục không còn, người hết tham dục thì được an vui tự tại, chẳng những trong đời hiện tại và còn mãi mãi về sau, chẳng những cho bản thân mình mà còn lợi ích cho người chung quanh nữa.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy