CHÁNH VĂN: Vi Phật đệ tử, Thường ư trú dạ, Chí tâm tụng niệm, Bát Đại Nhân Giác. DỊCH: Chúng ta đã là hàng Phật tử, Đêm lẫn ngày hằng giữ thọ trì. Chí thành tụng niệm nhớ ghi, Tám điều giác ngộ của vì Đại nhân. GIẢNG: Ngài An Thế Cao dạy: Nếu chúng ta đã là đệ tử Phật thì phải trì tụng nhớ nghĩ tám điều giác ngộ mà Phật và Bồ-tát đã dạy đã làm, để bắt chước tu theo và sau đó chúng ta cũng sẽ được giác ngộ thành Bồ-tát, thành Phật như các ngài. CHÁNH VĂN: Đệ nhất giác ngộ: Thế gian vô thường, Quốc độ nguy thúy. Tứ đại khổ không, Ngũ ấm vô ngã. Sanh diệt biến dị, Hư ngụy vô chủ. Tâm thị ác nguyên, Hình vi tội tẩu. Như thị quán sát, Tiệm ly sanh tử. DỊCH: Điều thứ nhất phải thường giác ngộ: Đời vô thường quốc độ bở dòn. Khổ không tứ đại thon von, Năm ấm vô ngã có còn chi đâu. Đổi đời sanh diệt chẳng lâu, Giả dối không chủ lý mầu khó tin. Tâm là nguồn ác xuất sanh, Thân hình rừng tội mà mình chẳng hay. Người nào quán sát thế này, Lần hồi sanh tử sớm chầy thoát ra. GIẢNG: Đệ nhất giác ngộ Đức Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, lời dạy của Ngài là những phương pháp hướng dẫn cho mọi người tu, chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện, chuyển mê thành giác. Hiện tại chúng ta tự nhận mình là Phật tử học pháp của Phật, đi con đường Phật đã đi, người thì mới học Phật, người thì học đã lâu, vậy có ai được phần nào giác ngộ chưa? Tại sao chúng ta học pháp Phật, tu theo Phật, mà Phật đã giác ngộ chúng ta lại chưa giác ngộ? Tuy nói thế, song nếu nghiệm xét lại thì quí vị sẽ thấy mình có ít phần giác ngộ. Tôi tin chắc như vậy. Vì có học có tu theo Phật là có giác ngộ. Giác nhiều hay ít là tùy theo sự tu tỉnh của mình sâu hay cạn, điều này mỗi người tự biết. Có nhiều người thường nghe nói chúng sanh thì mê, Phật thì giác, mà không hiểu thế nào là mê và mê cái gì? thế nào là giác và giác cái gì? Nếu chúng ta là Phật tử, mà không biết thế nào là mê và mê cái gì, thế nào là giác và giác cái gì, thì tu suốt kiếp cũng không biết mình tu tới đâu. Nếu hiểu thế nào là mê thì biết thế nào là giác. Nói mê nói giác là nói theo danh từ nhà Phật, nói theo thế gian thì gọi là lầm. Ví dụ người thế gian mua đồ trang sức như bông tai, cà rá làm bằng thau mạ vàng mà không biết, nên trả giá ngang với vàng thật thì gọi đó là mua lầm, đồ giả tưởng là đồ thật. Khi biết là đồ giả thì hết lầm, hết lầm thì hết mê. Thêm một ví dụ nữa: Người đi đến nhà quen mà quên số nhà, hoặc quên đường nên đi lộn, không tìm được nhà mà họ muốn đến. Khi có người chỉ đúng đường đi và số nhà chính xác, thì người ấy không còn lầm lẫn nữa. Giống như người hết mê là đã tỉnh. Cũng vậy, cái giả cho là thật, đạo Phật gọi là mê, cái giả biết là giả thì gọi là giác. Mê và giác không xa. Vậy, quí Phật tử học tu theo Phật có biết cái gì là giả, cái gì là thật chưa? Thế gian vô thường, Quốc độ nguy thúy. Từ lâu, chúng ta mê lầm là mê lầm cái gì? Tất cả mọi người ai cũng thấy thân này là bền chắc, mọi cảnh vật, mọi sanh hoạt hằng ngày là thật. Rồi đinh ninh mình sẽ sống đến bảy tám mươi tuổi, hoặc một trăm tuổi… Vì vậy mà mải mê lo làm ăn, lo dành dụm tiền của để được giàu có. Lo cho sự nghiệp thế gian nhiều chừng nào là tốt chừng nấy, có của nhiều để hưởng cả đời và để lại cho con cháu được đầy đủ hơn người. Ai ai cũng đều có ý nghĩ đó, nhưng có mấy ai muốn mà được như ý? Vì vậy nên điều giác ngộ thứ nhất Phật nói: "thế gian là vô thường”, cõi đời mà chúng ta đang sống đây không lâu bền, có đó rồi mất đó. Ví dụ quả núi đang đứng sừng sững bị người bắn phá, dời đá đi nơi khác, núi trở thành đất bằng. Mới ngày nào sông sâu nước chảy xiết, giờ đây đã được lấp đầy phù sa. Trước kia chỗ này là dinh thự phố lầu nguy nga, nay chỉ còn là đống gạch vụn điêu tàn hoang sơ. Xưa, chỗ kia đồng không hoang vắng, nay trở thành đô thị chợ búa lâu đài phồn thịnh sung túc, xe cộ dập dìu. Nhà kia xưa giàu có bây giờ nghèo khổ cơ cực. Gia đình nọ, cha con, chồng vợ sum vầy, giờ đây đã chia ly xa cách, hoặc chết mất đi mấy người… Đó là cảnh vật vô thường biến đổi. Thế mà bấy lâu nay đa số chúng ta vẫn có ý niệm thế gian mãi mãi thường còn. Đó là ý niệm sai lầm của kẻ mê. Nếu người nào thấy được sự vật ở cõi đời này, nay còn mai mất, có đó rồi mất đó, người thấy như thế là người tỉnh, người giác. Thế tại sao chúng ta không dám nhận mình có tỉnh có giác? Phật giác ngộ hoàn toàn, chúng ta nhờ có học có tu theo lời Phật dạy, chúng ta cũng giác được đôi phần, tuy giác chút chút cũng là có giác. Nhưng có người nghe Phật nói thế gian vô thường, cũng hiểu và thấy thế gian vô thường, rồi tưởng mình đã hiểu thấu suốt lý vô thường. Nhưng khi gặp việc làm ăn có lợi, lại toan tính hơn thua, lo dành để của tiền sự nghiệp từ đời này qua đời nọ… Người đó tôi nói vẫn còn thấy thế gian là thường. Tuy có giác, nhưng chỉ giác một chút rồi mê. Giác độ vài mươi phút hoặc một giờ thôi, giác như thế là giác gián đoạn, giác từng phần. Phật và Bồ-tát thì hằng giác, giờ nào phút nào các ngài cũng thấy biết như thế. Chúng ta thì lúc giác lúc mê; nếu gặp cảnh trái ý nghịch lòng, buồn khổ tang thương thì thấy đời là vô thường; khi gặp cảnh vừa lòng ưa thích thì quên đi, thấy là thường. Như vậy là giác gián đoạn, lúc giác lúc mê. Nếu muốn được giác liên tục thì phải làm sao? Đây là ước nguyện của người muốn tu tiến, muốn được giác ngộ hoàn toàn như Bồ-tát, như Phật. Ví dụ quí vị nghe một bài thơ, một câu ca dao thấy hay, nhưng nghe qua một lần thì không nhớ, nếu nghe liền ghi chép đọc đi đọc lại nhiều lần, huân tập thì sẽ thâm nhập, muốn đọc liền nhớ, không quên, không ngập ngừng. Cũng vậy, lâu nay chúng ta huân tập việc thế gian. Cha mẹ, anh em, gia tộc… dạy mình cuộc đời là thường, nên rồi ai cũng tranh danh đoạt lợi, lo cho ta, cho gia đình, cho bà con quyến thuộc, ham làm giàu, ham sung sướng, cái gì cũng tính lâu dài cả trăm năm cả ngàn năm. Nay nghe Phật nói "thế gian là vô thường”, chúng ta nghiệm xét lại thấy rõ cuộc đời là vô thường, Phật nói rất đúng! Tuy biết Phật nói đúng, nhưng nếu nghe qua rồi bỏ, thì chúng ta chỉ giác một chút thôi. Nếu chúng ta thường nhớ, thường quán xét lời Phật dạy, thấy rõ thế gian là vô thường, từ thân tâm con người cho tới hoàn cảnh đều là vô thường. Cứ như vậy mà quán xét huân tu thường xuyên, thì chúng ta càng ngày càng thấu đạt thâm sâu lý vô thường Phật dạy. Lúc bấy giờ đối với thân tâm, cũng như cảnh vật bên ngoài, không còn lầm chấp, thấy rõ là vô thường, như thế mới thật là giác. Đó là do chúng ta thường xuyên huân tu, xông ướp tâm mình qua lời dạy sáng suốt của Phật, nên mới được sáng suốt giác ngộ, khi gặp cảnh vô thường tâm vẫn an nhiên tự tại. Như vậy không phải A-la-hán, Bồ-tát là gì? Còn nếu nói tu học theo Phật, Phật dạy vô thường mà Phật tử lại thấy là thường, khi đối diện với cảnh vô thường vẫn cứ buồn khổ khóc than. Như vậy là chưa giác ngộ. Sở dĩ chúng ta học đạo giác ngộ mà không giác, là vì chúng ta nghe qua rồi bỏ không chịu huân tu, không chịu quán xét nhận định rõ ràng, thì không thể tỉnh giác như Bồ-tát, như Phật được. Bồ-tát, Phật trước kia cũng là một con người như chúng ta, do thường xuyên quán xét huân tu nên các ngài thấy rõ các pháp là vô thường. Vì vậy, mà đối với mọi cảnh thuận nghịch, các ngài vẫn an nhiên tự tại. Gặp danh, gặp lợi, gặp sắc, gặp tài… các ngài dửng dưng không nhiễm không động, vì biết nó là vô thường. Lại có nhiều người học đạo, nghe giảng về lý vô thường khen thầy giảng hay. Song, nghe rồi trả tất cả cho thầy, riêng mình thì cứ lo tính chuyện thế gian, không bỏ sót một việc nào. Tính chuyện làm ăn sao cho có lợi nhiều, làm sao cho giàu, làm sao cho con mình học giỏi, ham muốn chuyện thế gian đủ điều nào danh nào lợi… Rồi căn cứ trên ngày tháng xét thấy mình học Phật đã lâu, mà sao vẫn còn mê còn nhiễm và còn khổ. Sở dĩ như vậy là do thiếu huân tu thiếu quán xét. Yếu tố tu hành là ở chỗ mình phải huân tu quán xét thường xuyên cho thuần thục như Bồ-tát, như Phật. Nếu thường xuyên quán xét huân tu thuần thục, thì làm gì có mê, có nhiễm, có khổ? Thế nên người học Phật biết tu, khi nghe một câu Phật pháp, liền ghi nhận, tu suốt đời. Còn người học Phật mà không biết tu, dù cho nghe hết ba tạng kinh, luật, luận, cũng không nhớ thực hành. Nếu nghe hiểu nhớ và thực hành thì sẽ thấy lời Phật dạy rất thực tế, rất hữu ích, giúp người giải thoát mọi khổ đau. Tôi xin hỏi Phật tử: - Quí vị có thấy thế gian này là vô thường không? - Thưa thấy. - Phật nói có đúng không? - Thưa đúng. - Biết Phật nói đúng chúng ta phải làm sao? - Thưa phải theo. Theo không chưa đủ, mà phải huân tu, tức là luôn luôn ghi nhớ và thực hành, thực hành cho đến khi nào nhìn sự vật có hình tướng đều thấy là vô thường, chừng đó mới thật sự giác ngộ. Khi đã thấu suốt lý vô thường, giả sử lỡ tay rớt món đồ đắt tiền, chúng ta không buồn tiếc. Hoặc nhà cửa, xe cộ bị hư bị mất chúng ta thấy nó vô thường, nên cũng không buồn không khổ. Cho đến việc thế gian hợp tan còn mất, và ngay cả thân mạng này có già có đau có chết, chúng ta cũng không còn khổ đau nữa. Đó là nhờ chúng ta học Phật và biết tu, nên mới hết khổ. Vì vậy nên nói đạo Phật là đạo cứu khổ. Từ lâu chúng ta mê lầm, mê mình mê vật, được thì mừng vui, mất thì buồn khổ. Song, người đời đâu có ai được hoài, đa số là mất nhiều hơn được. Quí Phật tử lớn tuổi xét lại sẽ thấy rõ điều này, nào mất cha mẹ, mất anh em, mất thân tộc, mất bạn bè, mất đủ thứ…, rồi đây sẽ mất luôn mạng sống của mình nữa! Mọi sự đau khổ cứ dồn dập! Người thân mất, ai mà không buồn, không rơi nước mắt. Chỉ khi nào thấu đạt được lý vô thường là một lẽ thật, chừng đó mới hết buồn hết khổ. Người thâm nhập được lý vô thường của Phật dạy, gặp thuận duyên hay nghịch cảnh, biết việc gì đến là phải đến, nên an nhiên bình thản đón nhận không loạn động bất an. Người nay đi chùa cúng Bồ-tát, mai đi chùa cúng Phật, mà không chịu huân tu, khi gặp việc trái ý nghịch lòng, thì buồn khổ khóc than, trách Phật Bồ-tát từ bi cứu khổ, mà con khổ hoài sao các ngài không cứu. Người đi chùa học Phật như thế, chắc chắn không bao giờ được Phật cứu khổ. Phật biết chúng sanh tối tăm mê mờ, không thấy đúng lẽ thật, Ngài mới chỉ bày cho thấy thế gian là vô thường, pháp nào là giả, pháp nào là thật, dạy cho chúng sanh huân tu để có cái nhìn như Phật như Bồ-tát. Khi đã thấy biết các pháp đúng như thật là giác ngộ giải thoát mọi khổ đau. Đó là Phật đã cứu khổ cho chúng ta, cứu bằng cách dạy cho chúng ta thấy đúng lẽ thật. Vậy mà chúng ta không chịu hiểu, cứ đòi Phật cứu bằng cách này cách nọ, hoặc cho cái này cho cái kia, đòi hỏi những chuyện thật là vô lý! Người học Phật uyên thâm đã thấm nhuần đạo đức, lúc nào cũng được bình an không còn buồn vui với những duyên thuận hay nghịch. Người thấy rõ thế gian vô thường, là thấy đúng theo tinh thần giác ngộ. Thấy như vậy từng phút từng giờ là giác ngộ từng phút từng giờ. Thấy như vậy hằng ngày hằng tuần là giác ngộ hằng ngày hằng tuần. Nếu cứ thấy như vậy luôn luôn từ ngày này đến tháng kia năm nọ, thì không là bậc Chánh giác, Bồ-tát, cũng là Phật tử Phật tôn. Trái lại, học cũng học, tu cũng tu, nhưng đối duyên xúc cảnh buồn khổ vẫn buồn khổ, khóc than vẫn khóc than như khi chưa tu, người như thế chưa xứng danh Phật tử. Học mà không hành, tu mà không quán xét, việc buồn khổ xảy đến cầu Phật cứu, Phật làm sao cứu kịp! Học Phật là học đạo giác ngộ, chúng ta đem lời Phật dạy áp dụng ngay vào đời sống hằng ngày, đó là chúng ta tu để được giác ngộ như Phật. Tứ đại khổ không, Ngũ ấm vô ngã. Sanh diệt biến dị, Hư ngụy vô chủ. Kiếp người khổ, không ngoài những cái khổ mà Phật đã nêu là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thương yêu xa lìa khổ, thù oán gặp gỡ khổ, mong cầu không được khổ, năm ấm hưng thạnh khổ. Đã giác ngộ thế gian là vô thường thì khi già mình không thấy khổ, khi bệnh mình không thấy khổ… Như vậy, già đến biết người có trẻ ắt có già, bệnh đến biết có thân ắt có bệnh, nó đến mặc nó, không lo buồn sợ sệt. Nhờ có tỉnh giác, mà chúng ta tự cứu mình thoát bao nhiêu cái khổ trong cuộc sống hiện tại. Người Phật tử muốn được kết quả an vui tự tại, thì ngay khi học Phật, liền đem lời Phật dạy ứng dụng vào đời sống hằng ngày, bằng cách quán xét, nhận thức, huân tu. Như vậy lâu ngày, đối trước cảnh khổ mà người không tu đau khổ thống thiết, chúng ta vẫn bình thản an nhiên không bị chi phối. Tu như vậy ngay trong hiện đời sẽ hết khổ, chớ không phải chờ về Cực Lạc mới hết khổ. Nguyện về Cực Lạc cho hết khổ mà không lo tu tỉnh, đó chỉ là nguyện suông thôi. Lâu nay chúng ta cho thân người là thật, cái suy nghĩ cũng là thật. Do mê lầm chấp chặt như vậy, nên cứ lo gom góp của cải để cho mình và con cháu hưởng. Mình suy nghĩ cái gì cũng cho là đúng, bắt mọi người phải nghe theo làm theo… Ở trước chấp cảnh, tới đây thì chấp thân và tâm là thường là ngã. Vì chấp như thế nên Phật dạy thân người do bốn chất đất, nước, gió, lửa giả hợp mà có. Song bốn chất này thường xung khắc nhau, đất ngăn ngại nước, nước xoi mòn đất, nước làm tắt lửa… Chúng xung khắc mà hợp nhau lại, nên thường sanh ra những hiện tượng bất hòa, như đau yếu bệnh hoạn, hoặc khi chúng không dung hợp nhau được nữa thì rã tan. Vì vậy nên nói thân tứ đại là khổ. Phàm người thế gian cho là khổ khi bụng đói cồn cào mà không được miếng ăn no dạ, nhưng khi được ăn no đủ thì hết khổ. Hoặc khi bị rét run mà không có áo da, mền nỉ, lò sưởi làm cho ấm đó là khổ, nhưng khi đủ tiện nghi sưởi ấm thì hết khổ. Hoặc bị tai nạn lạc loài bơ vơ nghèo thiếu đó là khổ, nhưng khi được người bảo bọc cho cơm ăn, áo mặc, nhà ở là hết khổ. Người thế gian thấy khổ khi đói, thấy vui khi no; thấy khổ khi rét buốt, thấy vui khi ấm áp; thấy khổ khi nghèo thiếu vật chất, thấy vui khi vật chất sung mãn. Những cái khổ này là những cái khổ nhỏ ai cũng biết, còn nỗi khổ lớn mà người đời không thấy không biết, ở đây Phật muốn chỉ là cái khổ vô thường đang bức bách thân tâm con người. Đứa bé sơ sanh vừa lọt lòng mẹ liền khóc oa oa, vì đang ở trong lòng mẹ êm ấm, ra khỏi lòng mẹ bị khí trời bức xúc có cảm giác đau rát… Chẳng những con khóc mà mẹ cũng đau đớn khi banh da xẻ thịt sanh ra đứa con, nên Phật nói sanh khổ. Qua bao tháng năm, đứa bé được cha mẹ nuôi dưỡng lớn khôn. Khi trưởng thành rồi thì dần dần già yếu, mắt mơ, tai điếc, tóc bạc, răng long, chân mỏi, gối dùn, ăn uống không ngon, đi lại khó khăn… Đến tuổi già thường đau yếu bệnh hoạn, nay bệnh này mai bệnh kia, thân thể nhọc nhằn đau nhức khó chịu. Khi đau chạy chữa thuốc thang, mà bệnh không giảm cứ tăng hoài thì sẽ chết. Song, trước khi chết thì tâm thần rối loạn lo sợ hãi kinh, không biết mình sẽ đi về đâu. Môi miệng lệch méo, tay chân co giựt… vô cùng khổ sở. Lại, nơi thân này những chất cứng như da, thịt, gân, xương, tóc, răng… thuộc về đất. Những chất lỏng như máu, mủ, mồ hôi, nước mắt… thuộc về nước. Những vật có tính động như hơi thở vô, hơi thở ra thuộc về gió. Nhiệt độ như hơi ấm trong thân thuộc về lửa. Hiện tại khoa học phân tích thân người có vô số tế bào, song không ngoài bốn món đất, nước, gió, lửa. Từ lâu chúng ta lầm tưởng thân này là ta thật, cứ chấp chặt như thế, nên ai động đến là phản ứng chống đối, hoặc tìm đủ mọi cách để bảo vệ, vun bồi cho nó được thỏa mãn. Nhưng với Trí tuệ Phật thấy rõ thân do đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành, nếu thiếu một trong bốn chất ấy thì thân này không tồn tại. Khi bốn chất còn chung hợp thì mạng sống còn. Song, phải ăn cơm, uống nước, hít thở không khí, vay mượn đất, nước, gió, lửa bên ngoài, để bồi bổ thay thế cho đất, nước, gió, lửa bên trong. Cả ngày, cả đời, sống bằng sự vay mượn tạm bợ như thế. Giờ phút nào còn vay mượn thì giờ phút đó còn mạng sống. Hết vay mượn thì mạng sống dừng, hơi thở trả về với gió; hơi ấm trả về với lửa; máu, nước miếng, nước mắt… trả về với nước; da, thịt, gân xương… hòa nhập với đất. Tất cả đều rã tan, chẳng còn gì gọi là thân mạng con người, là ta, nên nói là không. Phàm sự vật có hình tướng, đều bị vô thường chi phối dần dần đến chỗ hoại diệt. Quí vị có ai thấy vật có hình tướng mà không hoại diệt không? Tất cả pháp hữu vi, từ người đến vạn vật đều trải qua bốn giai đoạn: thành, trụ, hoại, không. Nên Phật nói thế gian vô thường, tứ đại khổ không, để cho chúng ta thấy rõ lẽ thật, không còn cố chấp thân tứ đại này là thật, không còn cố chấp cõi đời này là bền chắc trường tồn. Quí Phật tử có ai không bị vô thường chi phối không? Từ quá khứ bao lớp người không thoát khỏi, đời hiện tại bao lớp người đang bị thiêu đốt, và đời vị lai bao lớp người cũng bị chi phối. Nếu chúng ta lúc nào cũng thấy biết rõ ràng như vậy, thì dù cho thân này có ra sao đi nữa cũng không lo buồn sợ hãi. Vì biết nó không hoại sớm thì cũng hoại muộn, nên bình thản đón nhận cái chết. Trái lại, Phật tử gặp cảnh vô thường đến, mà còn khóc than kinh hoàng là do học mà chưa thấu suốt lời Phật dạy, hoặc học mà chưa huân tu, hay huân tu mà chưa thuần thục, còn chấp thân là ngã, nên mới khổ như thế. Đến đây Phật nói ngũ ấm vô ngã. Trong kinh A-hàm, Phật dạy người chấp thân tứ đại là ta, còn dễ phá trừ hơn người chấp linh hồn là ta. Đời này tin mình là chủ, khi chết rồi mình cũng trở lại làm chủ nữa. Chấp trong thân này có cái linh hồn còn hoài, đó là thần ngã; thần ngã là chủ của thân này không bao giờ thay đổi. Đó là chấp thường theo ngoại đạo. Mê chấp như vậy rất có hại, vì cho thần ngã luôn luôn duy nhất không đổi thay thì không chịu tu, mặc tình ăn chơi, tạo các nghiệp ác, rồi sẽ chịu quả báo khổ. Phật phân tích cho thấy thân này có năm phần, gọi là năm ấm. Năm ấm luôn luôn phủ che Phật tánh có sẵn nơi mọi người. 1- Sắc ấm: là phần thể xác con người do bốn chất đất, nước, gió, lửa hợp thành. 2- Thọ ấm: là phần cảm giác khổ vui, gặp cảnh thuận thì thân tâm cảm thấy thoải mái, vui thích đắm trước; gặp cảnh nghịch thì thân tâm cảm thấy bực bội buồn bã sân hận. Khi vui thì nói tôi vui, khi buồn thì nói tôi buồn. Chấp cái vui cái buồn đó là tâm ta. 3- Tưởng ấm: là nhớ tưởng về chuyện quá khứ, mơ ước những chuyện tương lai, rồi chấp chặt cái nhớ tưởng đó là tâm ta. 4- Hành ấm: là sự nghĩ suy tính toán phát ra hành nghiệp, rồi chấp chặt cái suy nghĩ tính toán đó là tâm ta. 5- Thức ấm: là sự phân biệt cái này tốt cái kia xấu, cái này hay cái kia dở… rồi chấp cái phân biệt đó là tâm ta. Như thế, chấp sắc là thân ta, chấp thọ là tâm ta, chấp tưởng là tâm ta, chấp hành là tâm ta, chấp thức là tâm ta. Chấp như vậy thì một người có năm cái ta. Một người mà có năm cái ta có hợp lý không? Sắc thân có đây rồi sẽ hoại diệt tan rã. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là pháp sanh diệt, chợt hiện chợt mất, không thường không thật, lại mê chấp là thường là thật là ta. Vì vậy mà bị nó kéo đi mãi trong vòng sanh tử không dừng. Giờ đây nghe Phật nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức là cái không thật không thường hằng, có đó rồi mất đó, là cái sanh diệt không thật là ta, là vô ngã. Thấy biết rõ như vậy là giác ngộ. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dụ những cái sanh diệt có rồi mất là khách, vì nó đến rồi đi, nên không phải là chủ. Nếu là chủ thì không mất, lúc nào cũng hằng hữu. Thế mà chúng ta nhận cái chợt có chợt không đó là mình, tức là nhận khách làm chủ; do mê lầm như thế nên trầm luân sanh tử. Chúng ta thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải là ta, nó là tạm bợ, có rồi mất, đó là chúng ta đã thấu suốt được lý vô ngã mà Phật đã dạy. Tâm thị ác nguyên, Hình vi tội tẩu. Như thị quán sát, Tiệm ly sanh tử. Phật lại dạy: Tâm người là nguồn ác, thân người là rừng tội lỗi. Quán sát như thế dần dần xa lìa sanh tử. Tại sao Phật nói tâm người là nguồn ác, thân người là rừng tội lỗi? Ví dụ khi tâm mình khởi nghĩ một điều gì, thì cho điều mình nghĩ là đúng, là chân lý, nếu có ai cãi lại hay chống đối thì tức giận mắng chửi hay đánh đập… Tất cả mọi mầm mống đấu tranh đều từ tâm mà ra. Khi đã đấu tranh là có âm mưu có ác ý hãm hại người, để thỏa mãn ý muốn của mình, nên không ngần ngại gây khổ cho nhau. Như vậy, tâm rõ là nguồn cội của tội ác. Còn thân khi muốn ăn một bữa ngon miệng thì phải mua gà vịt… về cắt cổ nhổ lông để lấy thịt mà ăn. Muốn cho thân này được no ấm sung túc thì khi làm ăn với người mặc nhiên tranh giành lợi lộc về mình. Có người vì nuôi thân mà phải làm những nghề như giết heo, giết bò… Hoặc vì quá mê mờ muốn có của để nuôi mạng sống, họ sẵn sàng giết người cướp của. Hoặc người có tham vọng chiếm đoạt quyền thế địa vị, mà bị người khác cản trở ngăn chận thì không ngần ngại dùng những thủ đoạn độc ác như ám sát, bắt cóc, vu khống… Vì tham vọng cho bản ngã mà thân tạo vô số tội lỗi, nên nói thân là rừng tội. Người khi thấy thân ngũ ấm là vô ngã, thì không còn chấp cái suy nghĩ của mình là đúng là chân lý, không còn thấy thân mình là quí là trọng, thì mọi sự hơn thua tranh chấp giữa mình với người, giữa nhóm này với nhóm khác không còn nữa, thế giới sẽ thái bình, nhân loại sẽ an lạc. Người Phật tử thấy rõ tâm là nguồn tội ác, thì mỗi khi tâm khởi nghĩ những điều bất thiện hại mình hại người, hoặc lợi mình hại người liền dừng ngay, không phát ra lời nói việc làm, thì nguồn tội sẽ cạn dần và hết hẳn. Khi nguồn tội đã hết thì mình hết khổ đau, vì miệng không nói lời hung dữ, thân không làm những việc độc ác, gây khổ đau cho người vật, đó là tu. Người nào thường quán xét như vậy, là giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Kiểm lại xem đa số người xuất gia cũng như tại gia có tu như vậy không? Hay chỉ lo cúng lạy tụng niệm, mà không chịu quán xét thì làm sao xa lìa được sanh tử? Chúng ta theo lời Phật dạy, quán xét thấy rõ tâm là nguồn ác, thân là rừng tội, để chuyển hóa thân tâm luôn luôn được thuần lương, đó là chúng ta đã được Phật cứu khổ. Thông thường chúng ta thấy người nghèo đói, cho cơm gạo để họ được no lòng, thấy người lạnh rách cho áo chăn để họ được lành ấm, thấy người đau bệnh cho thuốc men để họ được khỏe mạnh, đó là cứu khổ người. Nhưng cứu khổ như thế thì bao giờ chúng sanh mới hết khổ? Nếu họ cứ thiếu hoài thì chúng ta có cứu nổi không? Hoặc nếu chúng ta chết rồi thì ai cứu họ? Hoặc chúng ta có thể hướng dẫn huấn nghệ cho họ có công ăn việc làm, để được sống no ấm, thì họ có hết khổ không? Họ chỉ vơi khổ phần nào thôi, vì chúng sanh vẫn còn bị vô thường sanh, già, bệnh, chết chi phối. Phật và Bồ-tát cứu khổ chúng sanh, là làm sao cho chúng sanh dứt được mầm sanh, già, bệnh, chết, tức là vô minh phiền não. Đó là cái khổ lớn cần phải dứt trừ. Còn nghèo đói thiếu thốn vật chất chỉ là cái khổ nhỏ. Phật nói nghèo đói chưa thật là khổ, trâu bò mang ách kéo cày chưa thật là khổ, bị thiêu đốt trong địa ngục cũng chưa thật là khổ, chỉ có người si mê không biết lối đi mới thật là khổ. Vì còn mê lầm thì đời này tạo nghiệp bị khổ, sanh ra đời sau cũng mê lầm tạo nghiệp cũng khổ nữa. Đời đời kiếp kiếp cứ tái diễn mê lầm tạo tội thọ khổ không ngừng. Chủ yếu của đạo Phật là cứu khổ sanh tử luân hồi, nên nói là giải thoát sanh tử luân hồi, chớ đâu có nói giải thoát đói lạnh. Đức Phật trước kia ở trong cảnh giàu sang quyền quí, vật chất quá đầy đủ, tại sao Ngài lại ưu tư khắc khoải, rồi từ bỏ tất cả để vượt thành xuất gia? Vì Ngài thấy rõ ngôi vua, quyền thế, của cải… là tạm bợ không giải quyết được vấn đề sanh tử, chỉ có tu hành giác ngộ thấy các pháp đúng như thật mới giải thoát được luân hồi sanh tử. Phật giác ngộ rồi Ngài mới chỉ dạy cho chúng ta tu để được giải thoát như Ngài. Chúng ta cũng giảng dạy cho người tu để được giải thoát như chúng ta. Đó là mục đích chánh của sự tu hành mà Phật dạy. Còn những việc từ thiện xã hội như bố thí giúp người, chỉ là những phương tiện đầu để chúng ta có cơ hội gần gũi thân cận, hướng dẫn cho người đường lối tu hành, sống đúng với lời Phật dạy, để được an vui tự tại trong đời này và mãi mãi về sau. Chúng ta tu mà không thực hành như vậy thì không xứng đáng là một người tu Phật. Điều giác ngộ thứ nhất Phật dạy cõi đời chúng ta đang sống là vô thường tạm bợ. Ngay thân tứ đại giả hợp tạm có này, chúng ta phải biết nó là khổ là không. Phải biết thân và tâm tưởng có đó rồi mất đó, luôn luôn sanh diệt dời đổi không có thật ngã. Cái suy tư nghĩ ngợi mà lâu nay mình lầm chấp là tâm mình, chính là nguồn gốc của ác nghiệp. Cái thân hình mà lúc nào mình cũng lo lắng cho nó được sung sướng đầy đủ, lại là rừng tội lỗi. Phật dạy chúng ta phải luôn luôn thấy rõ như thế, để chuyển ba nghiệp thân, khẩu, ý cho thanh tịnh, để được giải thoát luân hồi sanh tử. Thấy biết đúng như vậy là người giác, thấy ngược lại là người mê. Trong kinh Bách Dụ có kể một câu chuyện như sau: Thuở xưa có một ngôi nhà cũ, bỏ hoang đã lâu, thiên hạ đồn có quỉ dữ ở trong ấy, mọi người ai cũng kinh sợ không dám vào ngủ. Bấy giờ có một người tự cho mình là can đảm, bèn tuyên bố: "Tôi không sợ gì cả, chiều nay tôi sẽ vào nhà đó!” Quả thật chiều đến người ấy vào nhà đó ngủ. Đồng thời có một người khác, cũng tự cho mình can đảm hơn người và cũng xung phong vào nhà đó ngủ. Người này đến nơi xô cửa để vào. Người đến trước tưởng là quỉ đến xô cửa, bèn rinh tấm phên ngăn ngang cửa không cho vào. Người phía ngoài tưởng bên trong có quỉ, ráng sức xô cánh cửa cho bật ngã để vào đánh quỉ. Sau đó người ấy xô ngã tấm phên sấn vào, hai người đánh nhau dữ dội cho tới sáng. Sáng ra hai người thấy nhau rõ ràng, mới vỡ lẽ con quỉ mà mình đánh suốt đêm nay là người chớ không phải quỉ. Cuộc đánh đấm liền dừng ngang đây. Phật dụ sự lầm mê chấp trước của con người là trời tối. Vì tối tăm mê mờ không thấy đúng lẽ thật, cái giả lầm tưởng là thật, cái thật lại không khéo nhận ra, do đó mà bị nhọc nhằn khổ sở. Khi đã tỉnh giác, trí tuệ đầy đủ thấy đúng lẽ thật, không còn lầm lạc mê tối nữa thì sẽ hết nhọc nhằn khổ sở. Kinh A-hàm, Phật dạy mỗi người tu chúng ta phải thắp ngọn đuốc trí tuệ của mình lên, và mồi ngọn đuốc này với chánh pháp của Phật. Tức là chúng ta nương tựa vào trí tuệ của Phật qua kinh, luật, luận. Chúng ta luôn ghi nhớ huân tập mãi thì trí tuệ sẽ sáng rỡ như Phật và Bồ-tát. Từ trước chúng ta mê lầm, không nghe, không thấy, không biết. Giờ đây nghe Phật dạy, luôn ghi nhớ, huân tập mãi cho thấm nhuần, thì sẽ sáng suốt không còn lầm chấp đau khổ nữa. Như vậy quí Phật tử thấy việc tu học đâu có gì khó khăn, chỉ cần phải hiểu cho đúng rồi thực hành từ từ, đến khi thuần thục thì hoàn toàn giác ngộ, nên nói Phật pháp quí báu là vậy. Xưa, Thiền sư Vạn Hạnh giác ngộ được lẽ vô thường Ngài làm bài thơ: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô, Vạn mộc Xuân vinh Thu hựu khô, Nhậm vận thịnh suy vô bố úy, Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. Ngài nói thân người giống như điện như bóng, có rồi không. Cây cối mùa Xuân thì tươi nhuần sum sê, đến mùa Thu lại héo tàn. Mặc tình cho việc hưng thịnh hay suy vi, Ngài không vui buồn kinh sợ. Việc hưng thịnh hay suy vi đối với Ngài như hạt sương trên đầu ngọn cỏ, nắng lên là tan mất. Thân mạng đối với Ngài như lằn chớp, xẹt qua rồi mất. Do thấy như vậy nên Ngài an nhiên trong cuộc sống.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|