(59) Sắc pháp, tâm pháp, các tâm sở, các sở duyên, và các duyên: chỉ cho mọi hiện tượng (vạn pháp) trong vũ trụ đều do chân tâm khởi hiện.
1. SẮC PHÁP: là các hiện tượng vật chất, gồm có 11 pháp: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tị (mũi), thiệt (lưỡi), thân (thân thể), sắc (hình tướng và màu sắc như dài, ngắn, vuông, tròn, sáng, tối, xanh, vàng, v.v...), thanh (âm thanh như tiếng nói, tiếng động, tiếng vang, v.v...), hương (các thứ mùi thơm, hôi, v.v...), vị (các thứ vị nếm như cay, đắng, chua, mặn, v.v...), xúc (sự chạm xúc như nhẹ, nặng, trơn, nhám, lạnh, nóng, ấm, cứng, mềm, v.v...), pháp (các ý tượng, tức bóng dáng của năm trần –sắc, thanh, hương, vị, xúc– ở trên còn lưu lại trong ý thức).
2. TÂM PHÁP: là các hiện tượng tâm lí ở phương diện nhận thức (danh từ Duy Thức Học còn gọi là TÂM VƯƠNG), gồm có 8 pháp – tức là 8 THỨC: nhãn thức (mắt thấy biết cảnh vật), nhĩ thức (tai nghe biết âm thanh), tị thức (mũi ngửi biết mùi hương), thiệt thức (lưỡi nếm biết vị), thân thức (thân đụng chạm biết cảm xúc), ý thức (ý biết các ý tượng và ảnh tượng), mạt-na thức (khả năng suy lường, chấp ngã), a-lại-da thức (khả năng chứa đựng, giữ gìn chủng tử và phát hiện ra vạn pháp).
3. CÁC TÂM SỞ: là các hiện tượng tâm lí ở phương diện thuộc tính của tâm vương, có 51 pháp, tức là 51 TÂM SỞ, gồm trong 6 nhóm:
a) Biến Hành. “Biến hành” là hoạt động cùng khắp, là những hiện tượng tâm lí tương ưng với tất cả 8 thức, bất cứ lúc nào có thức hoạt động thì những tâm sở này cùng xuất hiện; có 5 tâm sở: xúc (sự tiếp xúc giữa các căn và các trần cảnh), tác ý (sự chú ý, sự kích thích để phát sinh nhận thức), thọ (cảm thọkhó chịu, dễ chịu, hay không khó chịu cũng không dễ chịu, – cũng tức là cảm giác), tưởng (tri giác, là sự nhận biết đối tượng như một người, một vật, một sự việc...), tư (sự quyết định, từ đó phát sinh ra các hiện tượng tâm lí khác, cùng các hành động của miệng lưỡi và thân thể, tức là tạo nghiệp).
b) Biệt Cảnh. “Biệt cảnh” là không hoạt động cùng khắp, là những tâm sở chỉ liên hiệp hoạt động với “sáu thức trước” mà thôi; có 5 tâm sở: dục (ham muốn, mong cầu), thắng giải (hiểu biết rõ ràng, không nghi ngờ), niệm (nhớ, kí ức), định (tác dụng làm cho thức và các tâm sở khác tập trung vào một đối tượng, không tán loạn), tuệ (biết sự vật một cách sáng tỏ, nhưng không chắc là biết đúng – khác với “tuệ giác” là trí tuệ giác ngộ. Bởi vậy có thể nói, tâm sở “tuệ” này chính là thuộc tính đặc biệt của thức mạt-na, vì thức này luôn luôn thấy rõ rằng “có TA và những gì THUỘC VỀ TA”; cái thấy đó tuy là sáng tỏ nhưng là cái thấy sai lầm).
c) Thiện. “Thiện” là các đức tính tốt; có 11 tâm sở: tín (tin tưởng), tàm (tự biết xấu hổ với lầm lỗi của mình), quí (biết tự thẹn khi thấy mình không trong sạch, không tốt như người), vô tham (gặp thuận cảnhkhông sinh lòng tham trước), vô sân (gặp nghịch cảnh không sinh lòng oán giận), vô si (sáng suốt, thấy biết đúng với sự thật), cần (siêng năng tu tập thiện nghiệp), khinh an (thư thái, nhẹ nhàng), bất phóng dật(không buông lung theo dục vọng), hành xả (tâm niệm bình đẳng, không vướng mắc, không chấp trước, không so đo phân biệt), bất hại (không có ý làm thương hại người khác).
d) Phiền Não. Đây là các “phiền não gốc rễ”, khó diệt trừ; có 6 tâm sở: tham (thấy gì vừa ý thì tham, muốn chiếm đoạt), sân (gặp điều không vừa ý thì oán giận), si (vô minh, không sáng suốt), mạn (kiêu mạn, tự cao), nghi (ngờ vực, do dự), ác kiến (thấy biết sai lạc, tà ngụy).
đ) Tùy Phiền Não. Đây là các thứ “phiền não phụ thuộc” của các phiền não gốc rễ ở trên, dễ diệt trừ hơn, gồm có 20 tâm sở: phẫn (nóng giận, bực tức, cộc cằn), hận (oán hờn), phú (che dấu tội lỗi), não (buồn phiền, bứt rứt, ẩn ức không yên), tật (ganh ghét), xan (bỏn sẻn, keo kiệt), cuống (dối gạt), siểm (nịnh hót, gièm siểm), hại (có ý làm thương hại người), kiêu (khoe khoang, tự kiêu, tự phụ), vô tàm (làm lỗi mà không biết tự xấu hổ), vô quí (tài đức không bằng người mà không biết tự thẹn), trạo cử (chao động không yên), hôn trầm (mê muội, dật dờ, trì trệ), bất tín (đa nghi, không tin tưởng), giải đãi (biếng nhác, bê trễ), phóng dật (buông lung, buông trôi), thất niệm (lãng quên, không có chánh niệm), tán loạn (xao xuyến, rối loạn), bất chánh tri (hiểu lầm, biết không chính xác).
e) Bất Định. “Bất định” là những tâm sở không thuộc về thiện cũng không thuộc về bất thiện, hoặc giả, chúng có thể là thiện mà cũng có thể là bất thiện; có 4 tâm sở: hối (hối hận về sự việc đã làm), miên (ngủ), tầm (suy tư, tìm hiểu phần dễ thấy của sự lí), từ (suy tư, nghiên cứu, phân tích để hiểu rõ phần sâu sắc của sự lí).
4. CÁC SỞ DUYÊN. Chữ “sở duyên” ở đây có nghĩa là đối tượng nhận thức của thức và trí.
a) Sở Duyên của Thức: là những hiện tượng không thuộc (nhưng có liên hệ với) tâm, tâm sở, hay sắc pháp ở trên, thuật ngữ Duy Thức Học gọi là “tâm bất tương ưng hành pháp”, gồm có 24 pháp: đắc (cái tính cách từ đó các pháp có được hình sắc và tính chất của mình –ví dụ: nước có thể lỏng, không màu sắc, trong suốt, ướt, lưu nhuận v.v...; đó cũng là cái năng lực làm cho một người có [đạt] được một vật –ví dụ: tôi có [được] quyển sách, Tổ Điều Ngự Giác Hoàng đạt [được] quả vị giác ngộ v.v...), mạng căn (tính cáchtừ đó sinh mạng được duy trì), chúng đồng phận (tính cách từ đó chúng sinh trong mỗi loài có cùng chung một quả báo giống nhau), dị sinh tánh (cái năng lực làm cho có bản tính phàm phu, đầy tà kiến, khác với thánh nhân), vô tưởng định (sự tu tập vô tâm định để đạt được quả Vô-tưởng), diệt tận định(sự tu tập rốt ráo, vượt cả vô tâm định, không còn cả thọ và tưởng, chứng đắc quả A-la-hán), vô tưởng quả (tính cách làm cho chúng sinh ở cõi trời Vô-tưởng, cả tâm lẫn tâm sở đều tiêu mất), danh thân (các tên gọi để chỉ cho sự vật), cú thân (những lời nói để diễn tả sự vật), văn thân (văn tự dùng để ghi chép những gì thuộc về “danh thân” và “cú thân” ở trên), sinh (tính cách từ đó các pháp được sinh thành), trụ (tính cách từ đó các pháp được tồn tại), lão [dị] (tính cách từ đó các pháp bị biến đổi, suy hoại), vô thường [diệt] (tính cách từ đó các pháp bị tiêu mất), lưu chuyển (tính cách làm cho mọi loài cứ phải quanh quẩn trong vòng luân hồi), thứ đệ (tính cách làm cho mọi sự vật có thứ lớp, có trật tự), định dị (tính cách làm cho mọi sự vật dù khác biệt nhau nhưng luật nhân quả tác động trên mỗi sự vật vẫn phân minh, không lộn xộn, không hồ đồ), phương (phương hướng), thời (thời gian), tương ưng (tính cách làm cho các sự vật ăn khớp, tương ứng nhau, liên hiệp hoạt động với nhau), thế tốc (tính cách làm cho vạn phápsinh diệt tương tục từng sát na, di chuyển theo vận tốc), số (tính cách làm cho sự vật có thể hay không thể đếm được), hòa hiệp tánh (tính cách làm cho sự vật hòa hợp được với nhau), bất hòa hiệp tánh (tính cách làm cho sự vật không hòa hợp được với nhau).
b) Sở Duyên của Trí: là những hiện tượng không bị lệ thuộc vào nhân duyên, thuật ngữ Duy Thức Họcgọi là “vô vi pháp”, gồm có 6 pháp: trạch diệt vô vi (cảnh giới niết bàn đạt được do sự dùng trí tuệ tiêu diệttận cùng mọi phiền não), phi trạch diệt vô vi (thể tính tịch diệt vốn đã hiển nhiên – không phải do sức trí tuệ tận diệt phiền não mà có), hư không vô vi (tính cách không làm chướng ngại cho bất cứ pháp nào và cũng không bị bất cứ pháp nào làm cho chướng ngại, gần giống như tính chất của hư không – nói là “gần giống” vì hư không vẫn không phải là vô vi; hư không còn có thể được trông thấy; tuy nó không làm chướng ngại cho mọi vật nhưng lại bị mọi vật làm cho chướng ngại, như sức thấy của mắt, sức nghe của tai v.v... đều có giới hạn, hơn nữa, hư không thường bị lồng vào các khuôn khổ khác nhau như rộng, hẹp, vuông, tròn v.v...), bất động vô vi (thể tính của niết bàn là như như, tĩnh lặng), tưởng thọ diệt vô vi (trạng thái của sự tận diệt mọi tư tưởng và cảm thọ – cũng tức là niết bàn), chân như vô vi (bản thân của vạn pháp).
5. CÁC DUYÊN. Chữ “duyên” ở đây nghĩa là điều kiện. Theo luật duyên sinh thì bất cứ một sự vật nào trong vũ trụ cũng đều do nhiều sự vật khác hợp lại sinh ra. Những sự vật khác đó gọi là “DUYÊN”. Theo Duy Thức Học thì có bốn loại điều kiện (tứ duyên):
a) Nhân duyên, là điều kiện chính, là chủng tử, là cái nhân để sinh ra một vật. Hạt lúa là điều kiện chính để sinh ra cây lúa; chánh niệm là điều kiện chính để phát sinh trí tuệ, v.v...
b) Tăng thượng duyên, là điều
kiện phụ giúp. Dù hạt lúa là
điều kiện chính, nhưng nó không
phải là điều kiện duy nhất và đầy
đủ, vì nếu chỉ một mình nó không
thôi, cũng không thể làm nẩy sinh ra
cây lúa, mà phải nhờ đến nhiều
điều kiện khác như đất, nước,
phân bón, ánh sáng mặt trời, sức
người, sức vật, máy móc v.v...,
những thứ này là tăng thượng
duyên của hạt lúa. Những điều
kiện phụ giúp này cũng có thuận
và có nghịch, cho nên chúng có
thể phân làm hai loại: những điều
kiện giúp cho điều kiện chính phát
sinh và tiến triển cho đến khi có được
thành quả mĩ mãn, thì gọi là “thuận
tăng thượng duyên”; ngược
lại, những điều kiện đe dọa,
ngăn cản, phá hoại, làm cho hạt giống
không thể phát sinh được, thì
gọi là “nghịch tăng thượng
duyên”. Nhưng cũng nên chú ý,
không phải lúc nào thuận tăng thượng
duyên cũng là tốt và nghịch tăng
thượng duyên cũng là xấu, mà
cũng có trường hợp ngược
lại. Nếu có những điều kiện
thuận lợi nào đó đã giúp
cho một tâm niệm độc ác phát sinh
thành hành động gây đau khổ thì
đó là những thuận tăng
thượng duyên xấu; trái lại,
khi một ý tưởng xấu vừa khởi
lên mà người tu học biết dùng
những phương pháp hữu hiệu dập
tắt liền, không để cho phát hiện
thành hành động, thì đó là những
nghịch tăng thượng duyên tốt.
c) Sở duyên duyên, là điều
kiện đối tượng của nhận thức.
Danh từ “sở duyên duyên” gồm
có hai danh từ nhập lại: “sở
duyên” và “duyên”. “Sở
duyên” nghĩa là đối tượng
của nhận thức; và “duyên”
nghĩa là điều kiện. Duy Thức
Học nói, “nhận thức luôn luôn
bao gồm chủ thể nhận thức và đối
tượng nhận thức”. Biết thì
không thể biết suông, mà phải là
biết cái gì; nhận thức luôn
luôn phải là nhận thức một đối
tượng, cho nên, không có đối
tượng thì không có nhận thức.
Vì vậy, sở duyên là điều
kiện thiết yếu cho thức, tức là
điều kiện thiết yếu để vạn pháp
có mặt.
d) Đẳng vô gián duyên, là điều
kiện tiếp nối liên tục, không
gián đoạn của vạn pháp. Trong dòng
sống của vạn pháp cần có sự
liên tục, nếu gián đoạn thì sẽ
không có gì được hình thành
cả. Nếu tôi của giây phút thứ nhất
mà không có tôi của giây phút thứ
hai tiếp nối thì sẽ không còn gì
là tôi cả! Vì vậy, đẳng vô
gián cũng là một điều kiện vô
cùng quan trọng cho sự hiện hữu của
sự vật.
(60) Sắc: ở đây là chỉ cho tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong).
(61) Câu này ý nói: Chân tâm nhiệm mầu thanh tịnh rộng lớn vốn có nơi bản thân mà bỏ quên đi, đó là một lớp mê; rồi nhận lấy cái tâm vọng tưởng phân biệt cho đó chính là tâm của mình, đó lại là một lớp mê nữa. Như thế là mê lầm chồng chất, không khác gì khi nhìn cánh tay của đức Phật, không biết rằng cánh tay vốn dĩ không chánh không ngược, đó là một lớp mê; đem cái tâm vọng tưởng phân biệt mà nhìn cho nên thấy cánh tay đưa lên thì cho là chánh, cánh tay rủ xuống thì cho là ngược, thật là mê lầm chồng chất!
(62) Viên âm: nghĩa là một âm trọn vẹn, một âm đầy đủ tất cả âm, tất cả âm không ra ngoài một âm. Đức Phật thuyết pháp chỉ bằng một thứ âm thanh, mà tất cả các loài chúng sinh ở nhiều nơi khác nhau, đều nghe và hiểu theo đúng âm thanh riêng của mỗi loài. Đức Phật nói một lời mà tất cả mọi người, tùy theocăn cơ sai biệt, đều được ân triêm lợi lạc.
(63) Câu Xá Li: tức Mạt Già Lê Câu Xá Li Tử, lãnh tụ của một trong sáu phái ngoại đạo nổi tiếng (lục sư ngoại đạo) thời Phật tại thế, chủ trương rằng, tất cả việc khổ vui của chúng sinh không phải do nhân duyênsinh, mà chỉ là tự nhiên có.
(64) Minh đế: nghĩa là lí chân thật đầu tiên. Học phái Số Luận thời cổ Ấn-độ đã đem vũ trụ vạn hữu phân ra có hai nguyên lí (gọi là thuyết “nhị-nguyên”): nguyên lí tinh thần gọi là “thần ngã”, và nguyên lí vật chất gọi là “tự tánh”; rồi đem quá trình chuyển biến của thế giới phân làm 25 loại, và cho đó là lí chân thật, cho nên gọi là “25 đế”, mà đế đầu tiên gọi là “minh đế”. Minh đế là thật tánh của các pháp, thường tồn, là nguồn gốc ban đầu của vạn pháp, là nguyên nhân căn bản của mọi biến dịch, sinh diệt của vạn pháp, nó chính là tự tánh, một trong hai nguyên lí nói trên. Từ minh đế (tự tánh) sinh ra giác; từ giác sinh ra ngã mạn; từ ngã mạn sinh ra năm đại gồm địa, thủy, hỏa, phong, không; từ năm đại sinh ra sắc, thanh, hương, vị, xúc, nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, lời nói, tay, chân, sinh thực khí, cơ quan bài tiết, và tâm căn. Từ minh đế đến tâm căn là 24 đế, cộng với thần ngã là 25 đế. Minh đế và thần ngã thì trường tồn bất diệt; 23 đế còn lại thì sinh diệt biến đổi.
(65) Tinh minh. Hoàn toàn sáng suốt, gọi là “minh”; nguyên chất, rặt ròng, không có gì pha trộn vào, gọi là “tinh”.
(66) A Na Luật: là một trong 10 vị đại đệ tử của Phật, chứng được thiên nhãn thông tột bực, được mọi người tôn kính xưng là vị thánh tăng có thiên nhãn bậc nhất (thiên nhãn đệ nhất) trong tăng đoàn của Phật.
(67) Diêm-phù-đề. “Diêm-phù” cũng nói là “thiệm-bộ”, là tên một loại cây ở Ấn-độ; chữ “đề” có nghĩa là châu; “Diêm-phù-đề” là châu Diêm-phù, hay châu Thiệm-bộ. Theo kinh điển Phật giáo, trong vũ trụ có vô lượng vô số thế giới. Đơn vị căn bản để làm thành vũ trụ là “tiểu thế giới”. Trung ương của một tiểu thế giớilà núi Tu-di. Bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc ở chung quanh núi Tu-di có 4 châu lớn, châu ở phương Nam tên là Diêm-phù, hay Thiệm-bộ, cho nên cũng gọi là “Nam Diêm-phù-đề”, hay “Nam Thiệm-bộ-châu”. Châu này có thứ đặc sản thiên nhiên là cây diêm-phù, cho nên gọi tên như vậy. Theo nội dung trong các kinh nguyên thỉ, thì châu Diêm-phù, ngày xưa vốn có ý chỉ cho bán đảo Ấn-độ; về sau thì chỉ chung cho cả thế giới loài người. Trong vũ trụ có vô số châu Diêm-phù như vậy.
(68) Am-ma-la: là giống cây ăn trái mọc nhiều ở các xứ nhiệt đới, như Ấn-độ, Mã-lai, Việt-nam, Phi-châu v.v...; người Việt gọi là cây xoài.
(69) Cõi trời Tứ-vương (Tứ-vương thiên). Cõi trời này ở lưng chừng núi Tu-di, cách xa cõi người bốn vạn hai ngàn do tuần. Nơi đây có ngọn núi chia làm bốn đầu, xoay ra bốn hướng Đông, Nam, Tây, Bắc. Mỗi đầu là một cung trời, là nơi cư trú của một vị thiên vương cùng toàn bộ thiên chúng thuộc quyền: Hướng Đông là cung Hoàng-kim, do thiên vương Trì Quốc cai quản; hướng Nam là cung Lưu-li, do thiên vương Tăng Trưởng cai quản; hướng Tây là cung Bạch-ngân, do thiên vương Quảng Mục cai quản; hướng Bắc là cung Thủy-tinh, do thiên vương Đa Văn cai quản. Bốn vị thiên vương này đều là ngoại thần của trời Đế Thích ở cõi trời Đao-lợi trên đỉnh núi Tu-di. Họ có nhiệm vụ bảo hộ bốn châu thiên hạ, nên được gọi là Hộ Thế tứ thiên vương, và ngọn núi bốn đầu ấy được gọi là Tứ-vương thiên, là tầng trời đầu tiên của sáu tầng trời cõi Dục. Các vị thiên vương cũng như thiên chúng ở cõi trời này sống lâu 500 tuổi (một ngày đêm ở đây tương đương với 50 năm ở cõi Người), tính ra hơn chín triệu năm ở cõi Người. Sự dâm dục ở đây cũng giống như ở nhân gian. Em bé mới sinh ra đã lớn bằng em bé năm tuổi ở nhân gian, y phục tự có đầy đủ.
(70) Cung Mặt-trời, cung Mặt-trăng. Đây là hai cung Mặt-trời, Mặt-trăng ở sườn núi Tu-di, ngang bằng với cung điện của trời Tứ-vương. Theo Kinh Quán Đảnh ghi chép, cung Mặt-trời dài rộng 51 do-tuần, do ngọc ma-ni-hỏa làm thành; cung Mặt-trăng dài rộng 49 do-tuần, do ngọc ma-ni-thủy làm thành; nơi nào cũng đông đảo thiên chúng. Cung Mặt-trời tuy do ngọc lửa làm thành, nhưng rất mát mẻ, giống như cung Mặt-trăng.”
(71) Bảy núi vàng. Bao quanh núi Tu-di có 7 lớp biển nước thơm và 7 lớp núi vàng, xen kẽ nhau, cứ một lớp biển, một lớp núi; núi toàn bằng vàng, cho nên gọi là “núi vàng”.
(72) Cõi Ta-bà: ở đây là có ý chỉ cho châu Diêm-phù-đề. “Ta-bà” có nghĩa là nhẫn, kham nhẫn, chỉ cho thế giới nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời hóa độ chúng sinh, mà giáo pháp của Ngài hiện còn đang truyền bá rộng rãi. Chúng sinh ở thế giới này đa phần làm mười điều ác, cam chịu bao nhiêu đau khổ do vô minhphiền não hành hạ, mà không có ý muốn thoát li; đó là ý nghĩa của chữ “nhẫn”, tức là chịu đựng. Mặt khác, đức Phật và chư vị Bồ-tát ở thế giới này, trong công cuộc hành đạo để cứu độ chúng sinh, cũng phải chịu đựng nhiều khổ não để tỏ rõ đức vô úy và tâm từ bi; có thế mới đem lại lợi lạc cho chúng sinh một cách hữu hiệu; đó là ý nghĩa của từ “kham nhẫn”. Ngoài ra, thế giới Ta-bà cũng được hiểu là nơi có sáu loài Trời, Người, A-tu-la, Bàng-sinh, Ngạ-quỉ, và Địa-ngục cùng ở chung lộn với nhau. Từ “Ta-bà” nguyên được dùng chỉ cho châu Diêm-phù-đề, nơi cư trú của con người chúng ta, nhưng về sau nó được dùng để chỉ rộng ra cả một “ba ngàn đại thiên thế giới”, tức là toàn thể phạm vi giáo hóa của đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, mà châu Diêm-phù-đề chỉ là một hạt cát nhỏ ở trong đó.
(73) Tinh xá: ở đây là chỉ cho tinh xá Kì-hoàn. (Xem lại chú thích số 3 ở trước.)
(74) Quả Vô-học: ở đây là chỉ cho quả A-la-hán. (Xem lại đoạn cuối của chú thích số 7 ở trước.)
(75) Bốn thứ bất tử của Mạt Già Lê: Mạt Già Lê là một trong “lục sư ngoại đạo” thời Phật tại thế (xem lạichú thích số 63 ở trước). “Bốn thứ bất tử” là loại luận thuyết càn rỡ (bất tử kiểu loạn luận) của nhóm ngoại đạo Mạt Già Lê và một số đạo sĩ Bà-la-môn khác. Nhóm này cố chấp cho rằng Phạm Thiên là trường tồnbất tử, nhưng có một số vấn đề phức tạp mà họ không hiểu nổi. Họ sợ rằng, nếu có người thông minh cơ trí đem những vấn đề ấy đến hỏi, mà họ không trả lời được thì rất là xấu hổ, bèn chủ trương “cứ trả lờibừa, hỏi một đường đáp một nẻo” (kiểu loạn hồi đáp). Trong Kinh Phạm Động (trong bộ Trường A Hàm) ghi chép, loại ngoại đạo này có 4 chủ trương, gọi là “tứ bất tử kiểu loạn luận”: 1) Đối với vấn đề “Làm điều thiện điều ác có quả báo hay không có quả báo?”, họ không biết rõ, bèn chủ trương, nếu có ai hỏi như thế, họ sẽ trả lời: “Việc đó như thế; việc đó có thật; việc đó khác; việc đó không khác; việc đó chẳng phải khác, chẳng phải không khác.” 2) Đối với vấn đề “Ngoài đời này còn có đời khác hay không có đời khác?”, họ không biết rõ, bèn chủ trương, nếu có ai hỏi như thế, họ sẽ trả lời: “Việc đó như thế; việc đó có thật; việc đó khác; việc đó không khác; việc đó chẳng phải khác, chẳng phải không khác.” 3) Đối với vấn đề “Thế nào là thiện, thế nào là bất thiện?”, họ không biết rõ, bèn chủ trương, nếu có ai hỏi như thế, họ sẽ trả lời: “Việc đó như thế; việc đó có thật; việc đó khác; việc đó không khác; việc đó chẳng phải khác, chẳng phải không khác.” 4) Vì ám muội, họ không biết phải quấy ra sao, nên bất cứ ai hỏi điều gì mang ý nghĩa ấy, họ cứ đáp bừa một câu: “Việc đó như thế; việc đó có thật; việc đó khác; việc đó không khác; việc đó chẳng phải khác, chẳng phải không khác.”
(76) Bốn chúng. Trên căn bản, “bốn chúng” là chỉ cho bốn chúng đệ tử làm thành giáo đoàn Phật giáo, đó là chúng Tì-kheo, chúng Tì-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc, và chúng Ưu-bà-di. Nhưng cũng có chỗ chỉ cho bốn chúng xuất gia mà thôi: Tì-kheo, Tì-kheo-ni, Sa-di, và Sa-di-ni. Ngoài ra, từ “tứ chúng” còn dùng để chỉ cho bốn loại thính chúng trong pháp hội của Phật: 1) Chúng phát khởi: những vị có trí tuệ lớn, thấy rõ thời cơ, căn cơ hay tâm ý của đại chúng, hoặc phát hiện tướng lành trên dung nhan đức Phật v.v..., đã đặt câu hỏi, tạo duyên sự để thỉnh Phật thuyết pháp; 2) Chúng đương cơ: những vị túc duyên đã thuần thục, thích ứng ngay với bài pháp Phật nói tại pháp hội, và đạt được thành quả giác ngộ ngay trong pháp hội đó; 3) Chúng ảnh hưởng: chư vị Bồ-tát từ các cõi Phật ở các phương khác vân tập đến pháp hội để trợ hóa cho đức Phật; 4) Chúng kết duyên: trong pháp hội cũng có số đông thính chúng túc căn non yếu căn cơ thấp kém, chưa đủ khả năng chứng ngộ, nhưng nhờ phát tâm nghe pháp mà kết được duyên lành, mong cho kiếp lai sinh sẽ được gặp Phật và được tế độ.
(77) Pháp Vương. Đức Phật cũng được tôn xưng là đấng Pháp Vương. Đối với muôn pháp, đức Phật rất tự tại, không bị bất cứ pháp gì ràng buộc, chướng ngại; Ngài siêu việt tất cả các pháp, cho nên gọi là “Pháp Vương”. Đức Phật làm chủ tất cả mọi pháp môn, sử dụng chúng một cách tự tại để cứu độ chúng sinh, nên Ngài được tôn xưng là Pháp Vương.
(78) Đầu-khôi, hay Đồ-khôi: là một phái ngoại đạo khổ hạnh thời Phật tại thế. Họ sùng bái trời Đại Tự Tại, cho đó là vị thần sáng tạo ra vạn vật trong vũ trụ. Họ tu khổ hạnh bằng cách có lúc nhảy vào tro nóng, có lúc bôi tro khắp người, uống nước cám đun sôi, giữ giới không giết bò, chó, gà, nhưng lại giết dê để cúng tế trời Đại Tự Tại; và cho làm như thế để được lên trời, được giải thoát.
(79) “Chân ngã”: ở đây là chỉ cho “thần ngã”, một trong hai nguyên lí thường tồn theo chủ trương của phái Số Luận. (Xem lại chú thích số 64 ở trước.)
(80) Núi Lăng-già: cũng tức là đảo Lăng-già, ngày nay gọi là Tích-lan (tức nước Sri-Lanka). Đức Thích Tôn ngày xưa từng nói Kinh Lăng Già tại nơi này.
(81) Bồ Tát Đại Tuệ: là vị thính chúng đương cơ trong pháp hội phật nói Kinh Lăng Già.
(82) Tổng trì. Tiếng Phạn “đà-la-ni”, dịch ra Hán ngữ là “tổng trì”, nghĩa là bao hàm tất cả vạn pháp và giữ gìn vô lượng nghĩa lí.
(83) Năm ấm: tức là năm uẩn. Chữ Hán “ấm” có nghĩa là che khuất, ngày xưa được các nhà “cựu dịch” dùng để dịch chữ Phạn “skandha”; vì quan niệm rằng, năm thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức che lấp chân tính, làm cho chúng sinh trôi lăn trong sinh tử luân hồi, cho nên năm thứ ấy được gọi là “năm ấm”. Nhưng chữ “skandha” cũng còn có nghĩa là chứa nhóm, và các nhà “tân dịch” quan niệm rằng, năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn không có tính che lấp, mà chúng chỉ tích tụ lại, hòa hợp lại để làm nên thân tâmcon người; vì vậy, chữ Phạn “skandha” đã được dịch lại là “uẩn” (có nghĩa là tích tụ). Dù vậy, do thói quen, ngày nay hai từ “ngũ ấm” và “ngũ uẩn” vẫn được dùng song hành. Năm ấm (năm uẩn) gồm có:
1. Sắc: chỉ chung cho thân thể của con người.
2. Thọ: là cảm giác sinh lí sinh ra khi các giác quan của thân thể tiếp xúc với đối tượng của chúng. Cảm giác có thể là dễ chịu (lạc thọ), khó chịu (khổ thọ), hoặc không dễ chịu cũng không khó chịu (xả thọ).
3. Tưởng: là tri giác, tức là sự nhận biết rõ ràng về đối tượng của nhận thức con người. Ví dụ, nhìn tượng Phật thì biết là tượng Phật, và tượng ấy bằng đồng, bằng gỗ, cao, thấp, v.v...; nghe tiếng chuông thì biết là tiếng chuông, và tiếng ấy trong, đục, bổng, trầm, v.v...; ngửi mùi nhang thì biết là mùi nhang, và mùi ấy thơm dịu, thơm gắt, v.v...
4. Hành:, là “tâm
hành”, tức là tất cả những
hiện tượng tâm lí của con người. Duy Thức Học nói, có cả thảy 51 hiện tượng tâm lí – gọi là 51 tâm sở, trong đó có 2 uẩn thọ và tưởng ở trên; nhưng vì phạm vi hoạt động của thọ và tưởng quá quan trọng – gần như suốt ngày, lúc nào
ta cũng sống với thọ và tưởng – nên ở đây hai hành này
được tách riêng thành ra 2 uẩn,
và 49 hành còn lại thì được
gộp chung trong 1 uẩn là “hành
uẩn”.
5. Thức: là căn bản thức, Duy Thức Học gọi là thức a-lại-da, chứa đựng chủng tử của vạn pháp.
Năm yếu tố kết hợp thành bản
thân con người như trên chỉ là
cách phân chia cho dễ thấy. Trong năm yếu
tố đó thì yếu tố đầu (sắc)
là vật chất, còn cả bốn yếu
tố sau đều là tinh thần; vì vậy
mà có chỗ chỉ phân chia con người
làm hai phần, là danh (tinh thần, gồm
cả bốn uẩn: thọ, tưởng, hành
và thức) và sắc (thể xác,
là sắc uẩn). Hai phần đó, nói
theo cách thông thường tức là
thân (sắc) và tâm (danh). Lại
nữa, theo tinh thần Duy Thức Học thì
thức (tức là tàng thức
hay a-lại-da thức) là nơi sinh khởi
ra mọi hiện tượng; cho nên rốt cuộc,
năm uẩn cũng chỉ là một uẩn
duy nhất mà thôi: đó là THỨC.
Mặt khác, khi ta nói về “bốn nguyên
tố” (tứ đại: địa, thủy,
hỏa, phong) cấu thành thân thể con người,
thì cả bốn nguyên tố này đều
thuộc về “sắc uẩn”. Khi ta nói
đến “sáu nguyên tố” (lục
đại: địa, thủy, hỏa, phong, không, thức) tạo thành bản thân con người
thì năm nguyên tố đầu (địa, thủy,
hỏa, phong, không) thuộc về sắc uẩn,
còn nguyên tố thứ sáu (thức)
thì bao gồm cả bốn uẩn là thọ, tưởng,
hành và thức.
(84) Sáu nhập. Trong “mười hai nhân duyên” có một khâu gọi là “sáu nhập”. Chữ “nhập” ở đây có nghĩa là tiếp xúc, can dự vào, nhập vào nhau để phát sinh ra nhận thức. Bởi vậy, sáu nhập này phải có hai phần: trong thân và ngoài thân. Sáu thứ ở trong thân gọi là “sáu nhập trong” (lục nội nhập), tức “sáu căn”, gồm nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, và ý; sáu thứ ở ngoài thân gọi là “sáu nhập ngoài” (lục ngoại nhập), tức “sáu cảnh”, gồm sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp. Gộp lại sáu nhập trong và sáu nhập ngoài, ta có danh số gọi là “mười hai nhập” (thập nhị nhập). Vậy, sáu nhập cũng tức là mười hai nhập – nhưng danh số “SÁU NHẬP” được đề cập trong đoạn kinh này chỉ dùng để nói tới SÁU CĂN mà thôi. Và danh số “mười hai nhập” cũng được gọi là “mười hai xứ” (thập nhị xứ). Chữ “xứ” có nghĩa là chỗ, là nơi y cứ, từ đó mà thức được phát sinh. Do chữ “xứ” này mà có các danh số “sáu xứ trong” (tức sáu nhập trong, hay sáu căn) và “sáu xứ ngoài” (tức sáu nhập ngoài, hay sáu cảnh).
(85) Mười hai xứ. Gồm chung sáu giác quan (lục căn) và sáu đối tượng của giác quan (lục trần) thì chúng ta có danh số gọi là “mười hai xứ”. (Xem lại mục chú thích số 84 ở trên.)
(86) Mười tám giới. Chữ “giới” ở đây có nghĩa là khu vực. Gồm chung sáu giác quan (lục căn: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý), sáu đối tượng của giác quan (lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và sáu thức (lục thức: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức), thì có danh số gọi là “mười tám giới”(thập bát giới). Tất cả mọi sự mọi vật trong vũ trụ đều bao gồm trong mười tám giới này.
(87) Như lai tàng: tức là chân tâm, có 3 ý nghĩa: 1) Thể tánh của chân tâm thường trụ bất biến, gọi là “như”; tuy là thường trụ bất biến nhưng luôn luôn tùy duyên biến hiện ra muôn vàn diệu dụng, gọi là “lai”; vạn pháp đều hàm chứa trong chân tâm, gọi là “tàng”; bất biến mà thường tùy duyên, tùy duyên mà luôn luôn bất biến, gọi là “như lai tàng”. 2) “Như lai tàng” cũng tức là thể tánh giác ngộ (Phật tánh). Thể tánhgiác ngộ này xưa nay vốn có sẵn trong tất cả chúng sinh; vì chúng sinh mê vọng nên nó bị che lấp, không hiển hiện được, nếu hết mê vọng thì tức khắc hiện rõ. Vì thể tánh giác ngộ (tánh như lai) ấy vốn sẵn ẩn tàng trong mỗi chúng sinh, cho nên gọi là “như lai tàng”. 3) “Như lai tàng” tức là chân tâm thường trụ bất sinh bất diệt, hằng sa diệu đức của các đức Như Lai trong mười phương đều hàm chứa ở trong đó, cho nên gọi là “như lai tàng”.
(88) Chân như. “Chân” nghĩa là chân thật; “như” nghĩa là thường trụ, không biến đổi. Thể tánh của vạn pháp là chân thật, thường trú, không biến đổi, không sinh diệt, vượt ra ngoài mọi khái niệm hư vọng, không thể phân biệt suy lường; đó chính là “chân như”.
(89) Bình tần-già. Cái bình có hình dáng trông giống như chim ca-lăng-tần-già, nên gọi là “bình tần-già”.
(90) Hai tướng trái và thuận. Tâm lí chung của chúng sinh là chán khổ cầu vui, bởi thế, cảm xúc khổ thì trái ngược với chúng sinh, đó là tướng “trái”; và cảm xúc vui thì thuận với chúng sinh, đó là tướng “thuận”. Cả hai trần hợp và lìa đều có hai tướng trái và thuận này.
(91) Tô, lạc, đề hồ: là các món ăn giàu chất dinh dưỡng của người Ấn-độ, được chế biến từ sữa. Từ sữa nguyên chất chế ra món “lạc”; từ lạc chế ra món “sinh tô”; từ sinh tô chế ra món “thục tô”; từ thục tô chế ra món “đề hồ”; –đại khái giống như các món bơ, phó mát của các nước Tây-phương, hay các món chế biến từ đậu nành của các nước Đông-phương vậy.
(92) Xoa đầu. Trong Luật, đức Phật dạy chư vị tì kheo, mỗi ngày xoa đầu ba lần, thầm tụng kệ rằng: “Giữ gìn thân ngữ ý, chớ tổn hại chúng sinh, tránh khổ hạnh vô ích, chắc chắn được giải thoát.” Ngoại đạothường tu các loại khổ hạnh vô nghĩa, vô ích; vì tu nhân không chân chánh nên không đạt được quả giải thoát chân thật. Phần đông các vị tì kheo đệ tử Phật, trước kia từng là ngoại đạo, bởi vậy, để thường xuyên có một ý chí “xả tà qui chánh” mạnh mẽ, đức Phật dạy họ mỗi ngày tự xoa đầu ba lần, để luôn luôn tự cảnh giác rằng, tóc mình đã cạo, đang là người xuất gia, phải sống xứng đáng là đệ tử của Phật.
(93) Trung đạo: tức là chân lí tuyệt đối, vượt lên trên mọi khái niệm đối đãi của “nhị biên” như có-không, sinh-diệt, phải-trái, v.v...
(94) Hí luận: là những lời bàn luận vô nghĩa, phi lí, xuyên tạc sự thật, những lời nói không cẩn trọng, không nghiêm túc, nói lung tung như giỡn chơi, chỉ cốt đả phá cho thỏa lòng tị hiềm.
(95) Sắc. Các chữ “sắc” ở đây là chỉ cho địa đại.
(96) Kính dương-toại: là một loại kính bằng đồng, một tay cầm kính, một tay cầm cục bùi nhùi, đưa thẳng lên mặt trời thì ánh nắng tụ vào kính, chiếu xuyên vào cục bùi nhùi mà sinh ra lửa.
(97) Tinh thái-âm: tức là chất tinh túy luyện được từ mặt trăng. (Xem chú thích số 98 ở sau.)
(98) Ngọc phương-chư: cũng gọi là “âm toại” (đối lại với từ “dương-toại” trong chú thích số 96 ở trước), là loại ngọc do nấu đá luyện thành, hình giống như con sò, chà cho nóng, để dưới ánh trăng sẽ sinh ra một thứ nước tinh ròng, gọi là “tinh thái-âm”.
(99) Y tăng-già-lê: cũng gọi là “đại y”, là loại y quan trọng nhất trong ba y của chư vị tì kheo, dùng để mặc trong những lễ tiết quan trọng. (Xem chú thích số 100 tiếp theo sau.)
(100) Ca-sa: là áo mặc (y) của người xuất gia. Ca-sa hay cà-sa, là dịch âm tiếng Phạn, có nghĩa là hoại sắc, tức không thuộc vào năm màu chính: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Y của người xuất gia được may bằng vải không thuộc năm màu chính như trên, nên gọi là “ca-sa”.
Nghĩa thông thường của chữ “y” là áo, tức chiếc áo bình thường mọi người đều mặc. Nhưng trong truyền thống của Phật giáo Việt-nam, khi nói “y” thì không có nghĩa là chiếc áo bình thường, mà đó là chiếc “pháp y” của chư tăng ni mặc trong các pháp sự quan trọng như tụng kinh lễ Phật, thuyết pháp, nghe pháp v.v... Và khi dùng loại “y” này, cũng theo truyền thống Phật giáo Việt-nam, chư tăng ni Việt-nam không nói “mặc y”, mà nói là “đắp y”.
Nguyên thỉ, “y” là ba loại pháp y được chấp thuận là vật sở hữu nhu yếu của một vị tì kheo trong tăng đoànthời Phật tại thế, do đức Phật chế định, luôn luôn cất giữ bên mình, đi đâu mang theo đó, không được xa rời; gồm có:
1) Y an-đà-hội, Hán ngữ dịch là “nội y”, tức là loại y mặc sát người, mặc thường ngày; làm việc, ngủ nghỉ đều mặc.
2) Y uất-đa-la-tăng, Hán ngữ dịch là “thượng y”, tức là loại y mặc phủ ngoài y an-đà-hội, dùng khi lễ bái, tụng kinh, nghe pháp, bố-tát, thọ trai.
3) Y tăng-già-lê, Hán ngữ dịch là “đại y”, tức là loại y quan trọng, mặc trong những lúc thuyết pháp, chủ trì hay tham dự các đại lễ.
Chư tăng thời Phật tại thế, mặc y thường để trần vai bên phải, nhưng chư ni thì phải mặc kín vai; bởi vậy, chư ni, ngoài ba y trên, còn phải mặc thêm chiếc y lót bên trong y an-đà-hội, để che kín vai và nách, gọi là y tăng-kì-chi, Hán ngữ dịch là “phú kiên y”. Ở phía dưới chiếc y phú kiên này, chư ni lại còn phải mặc thêm một chiếc quần, phủ từ thắt lưng trở xuống, gọi là y quyết-tu-la, Hán ngữ dịch là “hạ quần”. Như vậy, trong khi chư tăng có ba y thì chư ni có năm y, gọi là “tì-kheo-ni ngũ y”. Về sau, vì thấy sự ích lợi của chiếc áo và quần lót mặc bên trong, qui chế “năm y” cũng được áp dụng cho chư tăng.
Cả ba loại y an-đà-hội, uất-đa-la-tăng và tăng-già-lê trên, đều là một tấm vải lớn do nhiều mảnh vải nhỏ hình chữ nhật chắp vá lại làm thành. Cứ hai hay ba mảnh dài và một mảnh ngắn nối nhau thành một hàng dọc, gọi là một “điều”; tùy theo số điều nhiều ít mà phân loại ba y:
1) Y an-đà-hội có 5 điều (cho nên cũng được gọi là “ngũ điều y”), mỗi điều gồm 1 mảnh dài và một mảnh ngắn chắp nối nhau.
2) Y uất-đa-la-tăng có 7 điều (cũng được gọi là “thất điều y”), mỗi điều gồm 2 mảnh dài và một mảnh ngắn chắp nối nhau.
3) Y tăng-già-lê có từ 9 đến 25 điều (cũng được gọi là “cửu điều y”, hay “nhị thập ngũ điều y”); loại y này lại phân ra có 3 phẩm:
a) Phẩm hạ (hạ phẩm y) có 3 loại y: y 9 điều, y 11 điều và y 13 điều, mỗi điều do hai mảnh dài và một mảnh ngắn chắp lại;
b) Phẩm trung (trung phẩm y) có 3 loại y: y 15 điều, y 17 điều và y 19 điều, mỗi điều do ba mảnh dài và một mảnh ngắn chắp lại;
c) Phẩm thượng (thượng phẩm y) có 3 loại y: y 21 điều, y 23 điều và y 25 điều, mỗi điều do bốn mảnh dài và một mảnh ngắn chắp lại.
Ngoài các loại y chính thức như trên, còn có một loại y dành cho các chúng sa-di, sa-di-ni, cư sĩ thọ trìnăm giới, và Bồ-tát tại gia, đó là “mạn y”, chỉ là một tấm vải trơn, không có các “điều” như các loại y trên.
(101) Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Tì-xá, Thủ-đà, Phả-la-đọa, Chiên-đà-la: là những giai cấp dân chúng cao thấp khác nhau trong xã hội Ấn-độ, do đạo Bà-la-môn đặt định từ mấy ngàn năm trước khi đức Phật ra đời.Sát-đế-lị là giai cấp vua chúa và các quyến thuộc nắm quyền thống trị quốc gia; Bà-la-môn là giai cấp tăng lữ đạo Bà-la-môn, nắm quyền lãnh đạo tinh thần từ vua quan cho đến toàn thể dân chúng; Tì-xá là giai cấpcủa những người thuộc giới địa chủ, thương chủ, nghiệp chủ; Thủ-đà-la giai cấp nô lệ, gồm giới nông dân, thợ thuyền. Đó là 4 giai cấp chính thức trong xã hội Ấn độ, ngoài ra còn có một hạng ngoại cấp, gọi là Chiên-đà-la, bị coi là hạng người hèn hạ nhất trong xã hội, đó là những kẻ gánh phân, đồ tể, đâm thuê chém mướn, làm những nghề cực kì ghê tởm, nguy hiểm nhất trong đời sống xã hội. Riêng từ “Phả-la-đọa” thì không phải chỉ cho một giai cấp nào, mà đó là một họ trong 6 họ của dòng Bà-la-môn, gồm những người có trí thông minh lanh lợi, có biện tài, làm các nghề cao quí về tế lễ, âm nhạc, thiên văn, thuật số, thư khố, v.v...
(102) Kiến đại: chỉ chung cho tánh thấy nghe hay biết ở trong sáu căn; hiểu rõ được tánh thấy thì các tánh nghe, ngửi, nếm v.v... cũng được thông suốt.
(103) Bảo-vương: tức Pháp-vương, tức quả Phật.
(104) Năm trược: Chữ “trược” nghĩa là dơ bẩn, nhưng tính chất “dơ bẩn” ở đây không phải chỉ cho sự dơ bẩn vật chất như thân thể đầy cáu ghét, quần áo dính đầy bùn đất, bàn ghế đầy bụi bặm v.v..., mà chỉ cho đời sống đau khổ, tính tình xấu ác, không trong sạch của tất cả chúng sinh phàm phu. “Đời xấu ác năm trược” là chỉ cho thế giới Ta-bà đầy đau khổ. “Năm trược” là năm thứ dơ bẩn, đó là:
1. Kiếp dơ bẩn (kiếp trược). Kiếp sống của chúng sinh phàm phu cứ tăng dài giảm ngắn, luôn luôn bất an, đến thời kì nhất định thì xảy ra các tai nạn: nhỏ thì có đói khát, dịch bệnh, đao binh; lớn thì có lửa cháy thiêu đốt, nước dâng cao tràn khắp, gió bão vùi dập; làm cho không thứ gì là không bị hủy hoại, tiêu diệt, cho nên nói là “kiếp dơ bẩn”.
2. Thấy biết dơ bẩn (kiến trược). Tất cả năm phương diện thấy biết (ngũ kiến, hay ngũ lợi sử: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến) của chúng sinh phàm phu đều sai lầm, không đúng với chân tướng vạn pháp, cho nên nói là “thấy biết dơ bẩn”.
3. Phiền não dơ bẩn (phiền não trược). Chúng sinh phàm phu đầy dẫy ái dục, xan tham, hư dối v.v..., nói tổng quát là bị năm loại tính tình xấu ác độc hại căn bản nhất là tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ, thường xuyên làm não loạn tâm thần; cho nên nói là “phiền não dơ bẩn”.
4. Chúng sinh dơ bẩn (chúng sinh trược). Chúng sinh phàm phu rất nhiều tính xấu, không hiếu kính cha mẹ, không tôn trọng sư trưởng, không tin nhân quả, thường gây nghiệp ác, không sợ ác báo, không làm việc thiện, không tạo phước đức, không tu trí tuệ, không giữ gìn cấm giới, v.v...; cho nên nói là “chúng sinh dơ bẩn”.
5. Thọ mạng dơ bẩn (mạng trược). Từ buổi xa xưa, mạng sống con người rất dài, đến tám vạn tuổi; nhưng rồi, vì tính tình càng ngày càng ác độc, cho nên mạng sống cứ giảm ngắn dần, cho đến nay rất ít người được sống đến trăm tuổi; cho nên nói là “thọ mạng dơ bẩn”.
(105) Chân thắng nghĩa trong các thắng nghĩa: “Thắng nghĩa” tức là chân lí. Tông Pháp Tướng phân tích có bốn loại thắng nghĩa:
1) Thế gian thắng nghĩa: tức loại chân lí tương đối ở thế gian, như nói về năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới v.v...
2) Đạo lí thắng nghĩa: tức loại chân lí trên đường tu tập căn bản, như nói về khổ, tập, diệt, đạo (tứ đế) v.v...
3) Chứng đắc thắng nghĩa: tức loại chân lí của trí tuệ chứng đắc, như thể nhập tánh “nhị không chân như” chẳng hạn.
4) Thắng nghĩa thắng nghĩa: tức loại chân lí tuyệt đối, chân thật rốt ráo cùng tột, như lí thể “nhất chân pháp giới”, hay “như lai tạng” chẳng hạn.
(106) Định-tánh Thanh-văn: “Thanh-văn” là chỉ cho các vị A-la-hán; “định-tánh” tức là tánh cố chấp, không thay đổi. Những vị A-la-hán căn cơ thấp kém, cho rằng chứng được quả vị ấy đã là đầy đủ, rồi chìm đắm trong cảnh giới không tịch, không phát tâm hóa độ chúng sinh, không hướng lên quả vị Bồ-đề Vô-thượng.
(107) Đạo lí hai không (nhị không): “Hai không” tức là ngã không và pháp không. Hai không cũng tức là “hai vô ngã” (nhị vô ngã). “Vô ngã” là không có một bản ngã tồn tại. Đó là một ý niệm mà đức Phật đã phương tiện nói ra để phá bỏ cái ý niệm sai lầm là “có một bản ngã tồn tại” (ngã) mà mọi người đều chấp chặt. Có hai thứ vô ngã:
1. Con người là vô ngã (nhân vô ngã, hay nhân không). Đạo lí này nói rằng, con người do năm uẩn hợp lại mà thành, không có một bản ngã chân thực tồn tại. Khi năm uẩn tan rã thì con người cũng không còn nữa. Ý niệm này nếu được thực tập bằng thiền quán thì hành giả có thể diệt trừ được “phiền não chướng”.
2. Sự vật là vô ngã (pháp vô ngã, hay pháp không). Đạo lí này nói rằng, mọi sự vật trong vũ trụ đều do nhân duyên hòa hợp và nương nhau mà có, chứ tự nó không có bản ngã tồn tại. Khi nhân duyên tan rã thì sự vật cũng tan rã. Ý niệm này nếu được thực tập bằng thiền quán thì hành giả có thể diệt trừ được “sở tri chướng”.
Kinh Niết Bàn nói: “Tất cả sự vật đều không có bản ngã và cũng không có gì là sở hữu của bản ngã. Hành giả tu tập được phép quán niệm này thì dứt trừ được tính ngã mạn, chứng được niết bàn.”
Thực ra, “vô ngã” chỉ là một khái niệm mà đức Phật đưa ra để phá trừ tâm “chấp ngã” của con người, chứ không phải đó là mục đích cuối cùng để cho người tu học đạt tới. Nói cách khác, “vô ngã” chỉ là một phương tiện giúp cho hành giả khai mở tuệ giác. Kinh Niết Bàn nói: “Người trí nên biết, Như Lai vì ngườichấp ngã mà nói phép quán vô ngã, và muốn cho các tì kheo tu tập phép quán vô ngã.”
Vì “vô ngã” chỉ là một khái niệm cho nên nó chỉ có giá trị như một trợ lực cho công phu thiền tập, và rồi nó phải bị phá bỏ thì tuệ giác mới tỏ lộ ra được. Nếu nó không bị phá bỏ thì sẽ trở thành một thứ “sở tri chướng”. Trong kinh Niết Bàn, Phật dạy: “Nếu cho rằng vạn hữu đều không có ngã thì là đoạn kiến; nếu cho rằng vạn hữu có ngã thì là thường kiến... Người trí nên quán niệm rằng, ‘vô ngã’ chỉ là giả danh, chẳng thật...”
Đối với đạo lí “hai không” này, các bậc A-la-hán (Thanh-văn thừa) và Bích-chi Phật (Duyên-giác thừa) chỉ chứng được lí “ngã không” (con người là vô ngã) mà thôi, còn vẫn chấp cho vạn vật là thật có (pháp hữu). Chỉ có hàng Bồ-tát mới chứng đạt cả ngã không và pháp không (nhị không).
(108) Phật thừa - Nhất thừa. Chữ “thừa” nghĩa là cỗ xe, dùng để chỉ cho giáo pháp của đức Phật. Vì giáo pháp có năng lực đưa con người từ cõi vô minh đến nơi giác ngộ, cho nên lấy hình ảnh chiếc xe làm ví dụ. “Phật thừa” hay “Nhất thừa” là giáo pháp duy nhất đưa đến sự chứng ngộ tuệ giác viên mãn của chư Phật.
Kinh Pháp Hoa (phẩm “Phương Tiện”)
nói: “Chư Phật chỉ dùng một cỗ xe (nhất thừa) để
hóa độ chúng sinh, chứ không có
cỗ xe (thừa) nào khác,
dù là hai hay ba...”; hoặc: “Thật
ra chỉ có một cỗ xe duy nhất
(nhất Phật thừa), nhưng chư Phật
tùy căn cơ mà dùng phương tiện,
dạy có ba cỗ xe (tam thừa).” Các kinh luận thường dùng thuật ngữ này –nhất thừa - Phật thừa– để chỉ cho giáo pháp đại thừa.
(109) Tánh giác: thể tánh của chân như tự sáng rõ, không nhờ vào cái gì khác mới sáng. Bản giác: tánh giác vốn có, xưa nay vốn thanh tịnh, sáng suốt, là chân nguyên của vạn pháp. Diệu minh: tánh giác bất biến, tịch tịnh, nhiệm mầu (diệu) mà thường tùy duyên chiếu sáng (minh). Minh diệu: tánh giác vốn có nơi chúng sinh luôn luôn tùy duyên chiếu soi (minh) nhưng vẫn không xa rời thể tánh bất biến, tịch tịnh, nhiệm mầu (diệu).
(110) Phong luân: tức là phong đại (trong bốn đại).
(111) Kim luân: tức là địa đại (trong bốn đại).
(112) Hỏa quang: tức là hỏa đại (trong bốn đại).
(113) Thủy luân: tức là thủy đại (trong bốn đại).
(114) Đồng nghiệp: là cùng chung nghiệp với nhau. Ở đây nói về hai loài thai sinh và noãn sinh (trong bốn loài chúng sinh: thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh), vì cha, mẹ và chính mình, cả ba đều cùng cónghiệp chung với nhau, nên ràng buộc nhau mà mình sinh ra đời.
(115) Hợp, lìa: Ở đây nói về hai loài thấp sinh và hóa sinh (trong bốn loài chúng sinh: thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh), không do cha mẹ, chỉ do nghiệp riêng của mình, hoặc hợp với nơi ẩm thấp để hình thành sinh mạng (thấp sinh); hoặc lìa sinh mạng cũ để hóa thành sinh mạng mới (hóa sinh).
(116) Vọng cảnh: Ở đây là chỉ cho cảnh giao hợp của cha mẹ.
(117) Đồng thì yêu, khác thì ghét: Theo luật âm dương hấp dẫn, âm với dương thì thu hút nhau, gọi là “đồng”; âm với âm, hoặc dương với dương thì đẩy nhau ra, gọi là “khác” (dị). Bởi vậy, nếu thân trung ấm là nam, thấy cha, đó là “khác”, cho nên ghét; thấy mẹ, đó là “đồng”, cho nên yêu. Nếu thân trung ấm là nữ, thấy mẹ, đó là “khác”, cho nên ghét; thấy cha, đó là “đồng”, cho nên yêu.
(118) Đồng nghiệp trong quá khứ. (Xem lại chú thích số 114 ở trên.)
(119) Yết-la-lam, át-bồ-đàm: Luận Câu Xá phân tích bào thai gồm có năm thời kì:
1) Bảy ngày đầu gọi là “yết-la-lam”, là thời kì tinh cha huyết mẹ ngưng tụ lại.
2) Bảy ngày thứ nhì gọi là “át-bồ-đàm”, là thời kì bào thai chỉ như một cái mụt trên da.
3) Bảy ngày thứ ba gọi là “bế-thi”, là thời kì bào thai phát triển thành một cục thịt mềm.
4) Bảy ngày thứ tư gọi là “yết-nam”, là thời kì cục thịt cứng chắc dần.
5) Bảy ngày thứ năm gọi là “bát-la-xa-khư”, là thời kì thai nhi thành hình đầy đủ với tất cả tay chân, đầu mặt, các giác quan, xương cốt. Thời kì này kéo dài cho đến khi em bé chào đời, vào bảy ngày thứ ba mươi tám; tổng cộng thời gian thai nhi ở trong bụng mẹ từ ngày đầu cho đến ngày lọt lòng mẹ gồm khoảng 266 ngày.
(120) Vô công dụng đạo: Khi công phu tu hành đã tiến đến chỗ thuần thục, trí tuệ vô lậu và tâm từ bi vận hành một cách tự tại, tự nhiên, không còn phải dụng công, gắng sức như thuở còn yếu kém, gọi là “vô công dụng đạo”.
(121) Mười hai bộ kinh: Mười hai bộ kinh tức là mười hai thể loại của toàn bộ kinh điển Phật dạy:
1. Khế kinh (trường hàng): những lời dạy của đức Phật bằng văn xuôi, thường được gọi tổng quát là “kinh”.
2. Ứng tụng (trùng tụng): những bài kệ tụng (hình thức thơ cổ) dùng để tóm tắt ý nghĩa của khế kinh, cho nên thường đặt ở sau và luôn luôn tương ứng với phần khế kinh.
3. Kí biệt (thọ kí): lời Phật thọ kí cho chúng đệ tử sẽ chứng quả Phật vào đời vị lai.
4. Phúng tụng (cô khởi): một bài kinh Phật dạy toàn dùng kệ tụng để diễn đạt, nhưng không phải là những bài kệ tụng tóm tắt kinh văn “trường hàng” như thể loại “ứng tụng” ở trên.
5. Tự thuyết: Phật tự mở lời khai thị mà không đợi có người thỉnh cầu chỉ dạy.
6. Nhân duyên: nêu lên cái nhân duyên đưa đến trường hợp thuyết giáo của Phật – thường là phẩm “tựa” ở đầu mỗi bộ kinh.
7. Thí dụ: những ví dụ Phật đưa ra trong lúc giảng thuyết để giúp thính chúng hiểu ý kinh dễ dàng hơn.
8. Bản sinh: các kiếp tu hành đời trước của Phật do chính Ngài thuật lại.
9. Bản sự: những hành vi cùng phẩm hạnh của các vị Bồ-tát và thánh chúng đệ tử trong các kiếp trước do chính đức Phật thuật lại.
10. Phương quảng: kinh điển Phật nói có văn từ phong phú, giáo nghĩa sâu xa rộng lớn; đặc biệt chỉ cho toàn thể kinh điển đại thừa.
11. Hi pháp (vị tằng hữu): những sự việc ít có của Phật và chư vị đệ tử được ghi chép trong kinh.
12. Luận nghị: những lời nghị luận rành mạch, rõ ràng của đức Phật nhằm giúp thính chúng hiểu rõ về thể tánh của vạn pháp.
(122) Sáu căn thọ dụng: Sáu căn tiếp xúc, lãnh thọ trần cảnh, và phát sinh công dụng hiểu biết, gọi là “sáu căn thọ dụng” (lục thọ dụng căn).
(123) Bốn trần của phù căn: Căn có hai phần: tịnh sắc căn (hay thắng nghĩa căn) và phù trần căn; cả hai phần này đều do bốn đại (đất, nước, lửa, gió) kết hợp làm thành. Bốn đại làm thành tịnh sắc căn rất vi tế, trong sạch – gọi là “bốn đại thanh tịnh”; cho nên chỉ có thánh nhãn hay thiên nhãn mới trông thấy được tịnh sắc căn, mắt thường không thể thấy được. Bốn đại làm thành phù trần căn thì thô lậu, nhiễm ô, cho nên phù trần căn, với mắt thường, ai cũng trông thấy được; vì vậy mà bốn đại ở đây được gọi là “bốn trần của phù căn”.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|