Lúc bấy giờ, đức Bồ Tát Quán Thế Âm(161) từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, bạch rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Con nhớ trong vô số hằng sa kiếp về trước, có đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm. Ở trước đức Phật ấy, con đã phát tâm bồ đề. Ngài dạy con do từ văn, tư, tu mà nhập tam-ma-địa. Ban đầu, con ở trong tánh nghe mà được vào dòng, mất tướng sở-văn. Chỗ vào đã vắng lặng, hai tướng động và tĩnh rõ ràng không sinh. Cứ như thế mà tăng tiến dần, cả năng-văn và sở-văn đều mất hết. Ngay chỗ này con vẫn không dừng lại, mà tiến lên thêm nữa, đến chỗ năng-giác và sở-giác cũng đều không. Rồi cả hai ý niệm “năng- giác - sở-giác” và “năng-giác, sở-giác đều không” đều bị dứt trừ trọn vẹn; năng-không và sở-không hoàn toàn tiêu mất. Sinh diệt đã tiêu vong thì cảnh giới tịch diệt hiện rõ trước mắt. Bỗng nhiên con vượt khỏi cả thế và xuất thế gian, mười phương sáng rỡ. Con được hai điều thù thắng: Một là, trên hợp với bản giác diệu tâm của chư Phật mười phương, cùng với chư Phật đồng một từ lực; hai là, dưới hợp với tất cả chúng sinh trong sáu nẻo mười phương, cùng với chúng sinh đồng một bi ngưỡng.
Bạch đức Thế Tôn! Do con cúng dường đức Quán Thế Âm Như Lai, được Ngài trao truyền cho pháp tu “văn-huân văn-tu như-huyễn”; con tu pháp ấy mà chứng Kim-cang tam-muội, cùng với chư Phật đồng một sức từ, khiến cho thân con thành tựu được 32 thân ứng hóa vào khắp các quốc độ.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu các vị Bồ-tát vào tam-ma-địa, tiến tu pháp vô lậu, thắng giải viên mãn, thì con hiện ra thân Phật, vì quí vị ấy mà nói pháp, khiến được giải thoát.
Nếu các hàng Hữu-học(162) thích ở một mình nơi tịch tĩnh, cầu trí tuệ nhiệm mầu, khi trí tuệ thắng diệu sắp phát hiện viên mãn, con liền ở trước quí vị ấy, hiện thân Độc-giác(163), vì họ mà nói pháp, khiến được giải thoát.
Nếu các hàng Hữu-học đoạn dứt mười hai nhân duyên(164), hiển lộ lí tánh vô sinh, khi trí tuệ thắng diệu sắp phát hiện viên mãn, con liền ở trước quí vị ấy, hiện thân Duyên-giác(165), vì họ mà nói pháp, khiến được giải thoát.
Nếu các hàng Hữu-học thể hội được pháp Tứ Đế không(166), bước lên địa vị Tu-đạo(167), chứng nhậptừng phần trạch diệt vô vi(168), khi thắng tánh sắp hiển hiện viên mãn, con liền ở trước quí vị ấy, hiện thânThanh-văn(169), vì họ mà nói pháp, khiến được giải thoát.
Nếu có các chúng sinh muốn tâm được tỏ ngộ, không bị vướng vào dục trần, muốn thân thanh tịnh, con liền ở trước họ, hiện thân Phạm Vương(170) mà vì họ nói pháp, khiến được giải thoát.
Nếu có các chúng sinh muốn làm thiên chủ(171) để thống lãnh thiên chúng, con liền ở trước họ, hiện thânĐế Thích(172) mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có các chúng sinh muốn thân được tự tại, du hành khắp mười phương, con liền ở trước họ, hiện thântrời Tự Tại(173) mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có các chúng sinh muốn thân được tự tại, có thể bay đi trên hư không, con liền ở trước họ, hiện thântrời Đại Tự Tại(174) mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có các chúng sinh muốn thống lãnh quỉ thần, cứu hộ các cõi nước, con liền ở trước họ, hiện thânthiên đại tướng quân(175) mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có các chúng sinh muốn thống lãnh thế giới, bảo hộ chúng sinh, con liền ở trước họ, hiện thân trời Tứ-vương(176) mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có các chúng sinh muốn sinh nơi thiên cung, sai khiến quỉ thần, con liền ở trước họ, hiện thân thái tửcủa bốn vị Thiên vương mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có các chúng sinh muốn làm vua cõi người(177), con liền ở trước họ, hiện thân vua mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có các chúng sinh muốn làm chủ gia tộc danh tiếng, được thế gian kính nể, con liền ở trước họ, hiện thân trưởng giả(178) mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có các chúng sinh muốn đàm luận về danh ngôn kim cổ để giữ mình trong nếp sống trong sạch, con liền ở trước họ, hiện thân cư sĩ(179) mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có các chúng sinh muốn trị lí quốc gia, xét đoán phân minh các việc tỉnh, quận, con liền ở trước họ, hiện thân tể quan(180) mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có các chúng sinh thích dùng bói toán bùa chú để giữ thân tâm an ổn, con liền ở trước họ, hiện thânbà la môn(181) mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có kẻ thiện nam muốn tu học Phật pháp, bỏ tục xuất gia, hành trì giới luật, con liền ở trước người ấy, hiện thân tì kheo để nói pháp, khiến người ấy được thành tựu như ý.
Nếu có người tín nữ muốn tu học Phật pháp, bỏ tục xuất gia, hành trì giới luật, con liền ở trước người ấy, hiện thân tì kheo ni để nói pháp, khiến người ấy được thành tựu như ý.
Nếu có kẻ thiện nam muốn giữ gìn năm giới, con liền ở trước người ấy, hiện thân cận sự nam để nói pháp, khiến người ấy được thành tựu như ý.
Nếu có người tín nữ muốn giữ gìn năm giới, con liền ở trước người ấy, hiện thân cận sự nữ để nói pháp, khiến người ấy được thành tựu như ý.
Nếu có người đàn bà quyết chí lập thân nội chính(182) để tu thân, cảm hóa gia đình và yên trị quốc gia, con liền ở trước người ấy, hiện thân hoàng hậu, phu nhân, hoặc mệnh phụ, đại cô(183) để nói pháp, khiến người ấy được thành tựu như ý.
Nếu có người con trai không muốn nhiễm dục trần(184), con liền ở trước người ấy, hiện thân đồng nam(185) để nói pháp, khiến người ấy được thành tựu như ý.
Nếu có người con gái muốn giữ thân trinh thục, sống đời xử nữ(186), không muốn lập gia đình, con liền ở trước người ấy, hiện thân đồng nữ(187) để nói pháp, khiến người ấy được thành tựu như ý.
Nếu có thiên chúng nào muốn ra khỏi loài trời(188), con liền hiện thân trời mà vì nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có loài rồng muốn thoát khỏi loài mình, con liền hiện thân rồng mà vì nói pháp, khiến được thành tựunhư ý.
Nếu có quỉ dược xoa(189) muốn thoát khỏi loài mình, con liền ở trước họ, hiện thân dược xoa mà vì nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có thần càn thát bà(190) muốn thoát khỏi loài mình, con liền ở trước họ, hiện thân càn thát bà mà vì nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có thần a tu la(191) muốn thoát khỏi loài mình, con liền ở trước họ, hiện thân a tu la mà vì nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có thần khẩn na la(192) muốn thoát khỏi loài mình, con liền ở trước họ, hiện thân khẩn na la mà vì nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có loài ma hô la già(193) muốn thoát khỏi loài mình, con liền ở trước họ, hiện thân ma hô la già mà vì nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có các chúng sinh muốn sinh làm người và tu trì để đời đời được thân người, con liền hiện thânngười mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Nếu có loài phi nhân(194), hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tư tưởng, hoặc không có tư tưởng, muốn thoát khỏi loài mình, con liền ở trước họ, hiện thân họ mà vì nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
Đó là 32 ứng thân nhiệm mầu không nhiễm trước, hiện vào các cõi nước mười phương. Những thân đó đều do diệu lực vô tác của văn-huân văn-tu tam-muội mà thành tựu một cách tự tại.
Bạch đức Thế Tôn! Con lại do diệu lực vô tác của văn huân văn tu kim cang tam muội ấy, mà cùng với tất cả chúng sinh trong sáu đường khắp mười phương ba đời, đồng một lòng bi ngưỡng, khiến cho tất cả chúng sinh, ở nơi thân tâm con, được mười bốn thứ công đức vô úy:
Một là, do con không quán âm thanh đối tượng, mà quán cái tâm năng quán của mình, khiến cho chúng sinh khổ não khắp mười phương, quán âm thanh như vậy thì được giải thoát.
Hai là, con xoay tri kiến trở lại soi chiếu nội tâm, khiến cho chúng sinh dù vào đống lửa lớn, cũng không bị lửa đốt cháy.
Ba là, con quán cái nghe xoay vào nội tâm, khiến cho chúng sinh dù bị nước lớn cuốn trôi, cũng không bị nước nhận chìm.
Bốn là, con đoạn diệt hết vọng tưởng, không còn tâm sát hại, khiến cho chúng sinh dù phải vào trong các nước quỉ, cũng không bị chúng quỉ làm hại.
Năm là, con huân tập cái nghe mà thành tựu tánh nghe chân thật; cả sáu căn đều tiêu huyễn vọng mà trở về chân tánh, đồng như cái tiếng, cái nghe; khiến cho chúng sinh lúc sắp phải bị hại, dao gãy từng khúc, binh khí chạm thân dường như chém nước, như gió thổi ánh sáng, tánh không giao động.
Sáu là, con huân tập tánh nghe tinh thuần, sáng khắp pháp giới, thì những gì đen tối không thể tồn tại, khiến cho chúng sinh, dù các loài ác quỉ như dược xoa, la sát(195), cưu bàn trà(196), tì xá già(197), phú đơn na(198), vân vân..., nếu có đứng gần cũng không thể nhìn thấy.
Bảy là, hai tánh động, tĩnh của âm thanh đều tiêu diệt hoàn toàn, con quán chiếu tánh năng văn xoay ngược vào trong, xa lìa hết các trần cảnh hư vọng, khiến cho chúng sinh, tất cả những thứ gông cùmxiềng xích đều không dính đến thân thể.
Tám là, con dứt tuyệt âm thanh, tròn vẹn tánh nghe, từ lực phát sinh cùng khắp, khiến cho chúng sinh, dù đi qua con đường nguy hiểm, cũng không bị giặc cướp làm hại.
Chín là, con huân tu tánh nghe thanh tịnh, xa lìa các trần tướng, sắc dục không thể quyến rũ, khiến cho các chúng sinh đa dâm rời xa tham dục.
Mười là, con lưu lại thuần một thật tướng của âm thanh, không còn mảy may đối tượng thanh trần, căn cảnh viên dung, không có năng sở đối đãi, khiến cho các chúng sinh nhiều nóng giận dứt bỏ sân hận.
Mười một là, con tiêu trừ vọng trần đối tượng, xoay cái nghe về tự tánh sáng suốt, từ ngoài pháp giới đến trong thân tâm trong sáng như ngọc lưu li, rỗng suốt không có gì chướng ngại, khiến cho tất cả chúng sinhngu ngốc đần độn vĩnh viễn xa lìa si mê tăm tối.
Mười hai là, tiêu trừ hết huyễn hình tứ đại, con xoay tánh nghe trở về nơi tịch diệt bất động, hòa nhập vào thế gian mà không hủy hoại thế gian; cúng dường chư Phật nhiều như vi trần trong khắp mười phương, mỗi mỗi đức Phật con đều ở bên cạnh làm pháp vương tử, khiến cho tất cả những kẻ không có con trong khắp pháp giới, muốn cầu có con trai thì sinh được con trai phúc đức trí tuệ.
Mười ba là, sáu căn con viên thông, chiếu sáng không hai, bao trùm mười phương pháp giới, thành chiếc kính lớn tròn đầy, thành không như lai tạng, vâng lãnh các pháp môn bí mật của chư Phật nhiều như vi trầntrong khắp mười phương, lãnh nhận không thiếu sót; khiến cho những kẻ không có con trong thế gian, muốn cầu có con gái, thì sinh được con gái xinh đẹp, đoan chính, phúc đức, dịu hiền, mọi người yêu kính.
Mười bốn là, trong ba ngàn đại thiên thế giới này có trăm ức mặt trời mặt trăng, các vị pháp vương tử hiện trú ở thế gian nhiều đến 62 lần số cát sông Hằng, đều tu Phật pháp, làm mô phạm, giáo hóa và tùy thuậnchúng sinh, trí tuệ và phương tiện mỗi ngài mỗi khác. Vậy mà, do con đã được nhĩ căn viên thông, phát ra diệu tánh của nhĩ căn, sau đó thì thân tâm trở nên vi diệu, bao trùm cùng khắp pháp giới, cho nên có thể khiến cho người chấp trì danh hiệu của con, so với người chấp trì danh hiệu của 62 lần số cát sông Hằngcác vị pháp vương tử nói trên, phước đức của hai người này ngang bằng nhau, không có gì sai khác. Bạch đức Thế Tôn! Sở dĩ một danh hiệu của con cùng với rất nhiều danh hiệu kia không khác, là do con đã tu tập và chứng được tánh viên thông chân thật.
Đó gọi là mười bốn sức vô úy thí, đem phúc lành đến khắp chúng sinh.
Bạch đức Thế Tôn! Con lại do chứng được đạo viên thông vô thượng đó, cho nên cũng có được bốn diệu đức vô tác không thể nghĩ bàn:
Một là, do ban đầu con đạt được tánh nghe chí diệu, thoát khỏi năng văn sở văn, chỉ còn cái tâm tinh thuần; bấy giờ thì các sự thấy, nghe, hay, biết của sáu căn không còn cách biệt, mà thành một tánh biết viên dung thanh tịnh. Cho nên con có thể hiện ra rất nhiều hình dạng mầu nhiệm, có thể nói ra vô biên thần chú bí mật: hoặc con hiện ra một đầu, ba đầu, năm đầu, hay bảy đầu, chín đầu, mười một đầu, cho đến một trăm lẻ tám đầu, một ngàn đầu, một vạn đầu, hay tám vạn bốn ngàn đầu kim cang bất hoại; hoặc hiện ra hai tay, bốn tay, sáu tay, tám tay, mười tay, mười hai tay, hay mười bốn, mười sáu, mười tám, hai mươi, hăm bốn, cho đến một trăm lẻ tám tay, một ngàn tay, một vạn tay, hay tám vạn bốn ngàn tay bắt ấn; hoặc hiện rahai mắt, ba mắt, bốn mắt, chín mắt, cho đến một trăm lẻ tám mắt, một ngàn mắt, một vạn mắt, hay tám vạn bốn ngàn mắt thanh tịnh; hoặc hiện tướng từ bi, hoặc hiện tướng uy dũng, hoặc hiện tướng định tĩnh, hoặc hiện tướng trí tuệ, nhằm cứu độ chúng sinh được đại tự tại.
Hai là, do cái nghe, cái nghĩ của con đã thoát ra khỏi sáu trần, như âm thanh đi qua bức tường mà không bị ngăn ngại, cho nên diệu dụng của con có thể hiện ra nhiều hình tướng, tụng nhiều thần chú. Hình tướng ấy, thần chú ấy đều có thể đem sức vô úy bố thí cho chúng sinh. Vì vậy, các cõi nước nhiều như vi trần trong khắp mười phương đều gọi con là người “bố thí vô úy”.
Ba là, do con tu tập tánh viên thông mầu nhiệm vốn có mà được nhĩ căn thanh tịnh, nên đi du hóa đến thế giới nào cũng khiến cho chúng sinh xả bỏ tất cả những trân châu bảo vật của tự thân để cầu được con thương xót.
Bốn là, con có được tâm Phật, chứng đến chỗ rốt ráo, cho nên có thể đem các thứ trân bảo cúng dườngchư Phật mười phương. Mặt khác, chúng sinh trong sáu đường khắp cùng pháp giới, ai cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu tam muội được tam muội, cầu sống lâu được sống lâu, cho đến cầu đại niết bàncũng được đại niết bàn.
Nay đức Thế Tôn hỏi về nhân duyên và phương tiện chứng ngộ viên thông, con do từ cánh cửa nhĩ căn, quán chiếu tánh nghe và âm thanh đến chỗ tột cùng viên mãn mà chứng được tam-muội, tùy duyên ứng hóa, tâm được tự tại. Con đã do nơi nhĩ căn mà nhập vào dòng niết bàn, được tam-ma-địa, thành tựu đạo quả bồ đề; cho nên đối với con, nhĩ căn là phương tiện ưu việt nhất.
Bạch đức Thế Tôn! Đức Quán Thế Âm Như Lai kia đã khen ngợi con khéo được pháp môn viên thông, cho nên ở giữa hội chúng, Ngài đã thọ kí cho con danh hiệu Quán Thế Âm. Lại do tánh thấy nghe của con tròn sáng chiếu khắp mười phương, nên danh hiệu Quán Thế Âm cũng phổ cập mười phương thế giới.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn ngồi trên tòa sư tử, từ năm vóc phóng ra ánh sáng báu, soi sáng trên đỉnh đầu của chư Phật, chư vị Pháp vương tử và chư Bồ-tát nhiều như vi trần ở khắp mười phương. Chư Phật trong khắp mười phương kia cũng đồng từ năm vóc phóng ra ánh sáng báu soi đến đỉnh đầu đức Thế Tôn, chư vị Bồ-tát và A-la-hán trong pháp hội. Rừng cây, ao hồ đều diễn ra pháp âm. Hào quang của chư Phật giao hòa nhau như lưới tơ báu. Tất cả đại chúng được điều chưa từng có, tất cả đều được Kim-cang tam-muội. Liền khi ấy, trời mưa hoa sen trăm báu, đủ các màu xanh, vàng, đỏ, trắng xen lộn lẫn nhau, cả mười phương hư không hóa thành màu bảy báu. Núi, sông, đất liền của cõi Ta-bà này bỗng nhiên không hiện hữu nữa, chỉ thấy các cõi nước nhiều như vi trần trong mười phương hợp lại thành một thế giới, tiếng ca ngâm tán thán tự nhiên dìu dặt nổi lên.
Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng:
– Cả hai mươi lăm vị Vô-học vừa là đại Bồ-tát, vừa là A-la-hán, vừa rồi đã trình bày từ thuở ban đầu phát tâm cho đến khi thành đạo, mỗi mỗi đều dùng một căn, một trần, một thức, hoặc một đại mà làm phương tiện tu tập để chứng được viên thông chân thật. Chỗ tu chứng của quí vị ấy thật không hơn kém, mau chậm khác nhau. Nhưng vì muốn cho thầy A Nan khai ngộ, nên giờ đây Như Lai nhờ ông xét kĩ, trong hai mươi lăm pháp môn tu tập kia, pháp tu nào xứng hợp với căn cơ của thầy ấy? Lại nữa, sau khi Như Laidiệt độ, nếu có chúng sinh của thế giới này tu tập theo hạnh Bồ-tát mà cầu đạo Bồ đề Vô thượng, thì họ nên dùng pháp môn phương tiện nào để dễ thành tựu?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi vâng theo từ ý của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nương theo oai thần của Phật mà nói bài kệ bạch Phật rằng:
Biển Giác tánh lắng trong,
Vốn tròn vẹn nhiệm mầu;
Bởi bản minh chiếu soi,
Cho nên có “sở chiếu”;
Do phân biệt “năng, sở”,
Làm mất tánh bản minh.
Mê vọng có hư không,
Rồi nương nơi hư không
Mà hình thành thế giới.
Do vọng tưởng ngưng kết,
Thành vô tình quốc độ;
Do vọng tưởng thấy biết,
Thành hữu tình chúng sinh.
Đại giác sinh hư không,
Như biển sinh bọt nước,
Vô số cõi hữu lậu
Đều do hư không sinh;
Bọt nước rồi bể tan,
Hư không vốn không có,
Ba cõi cũng hoàn không!
Về nguồn tánh không hai;
Phương tiện có nhiều cách,
Quả chứng không trái nhau,
Thuận, nghịch là phương tiện.
Những người sơ phát tâm,
Vì cơ trí không đều,
Tu chứng vào Tam-muội,
Mau chậm chẳng đồng nhau.
Sắc trần được hình thành
Do vọng tưởng ngưng kết,
Hay biết không thể thấu;
Cái không thể thấu suốt,
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương sắc trần
Để tu chứng viên thông!
Âm thanh cùng ngữ ngôn
Kết hợp xen lẫn nhau,
Biểu thị thành ý nghĩa
Của danh ngôn, văn cú;
Nhưng một danh, cú, nghĩa,
Không bao hàm tất cả,
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương thanh trần
Để tu chứng viên thông!
Mùi hương phải chạm mũi,
Mới biết là có hương,
Nếu cách rời, không có.
Tị căn và hương trần
Không thường hằng xúc hợp,
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương hương trần
Để tu chứng viên thông!
Vị, phải nếm mới biết,
Không đương nhiên tự có.
Thiệt căn và vị trần
Không thường hằng xúc hợp,
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương vị trần
Để tu chứng viên thông!
Xúc, có chạm mới biết,
Nếu không vật gì chạm,
Thì không có xúc trần.
Hợp, lìa, không nhất định
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương xúc trần
Để tu chứng viên thông!
Pháp gọi là “nội trần”,
Là đối tượng “sở tri”,
Năng, sở không dung khắp
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương pháp trần
Để tu chứng viên thông!
Mắt thấy tuy rỗng suốt,
Nhưng chỉ thấy phía trước,
Không thể thấy phía sau,
Đối với bốn phương góc,
Chỉ thấy được một nửa,
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương nhãn căn
Để tu chứng viên thông!
Mũi thở ra, thở vào,
Chặng giữa hơi đứt đoạn;
Thở ra thì không vào,
Thở vào thì không ra,
Cách trở, không dung thông,
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương tị căn
Để tu chứng viên thông!
Lưỡi nếm biết được vị,
Phải xúc chạm vị trần;
Nếu vị trần tiêu vong,
Tánh biết vị không có,
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương thiệt căn
Để tu chứng viên thông!
Thân thể chạm xúc biết
Thì phải có đối tượng.
Nhưng năng xúc, sở xúc,
Giới hạn, không liên tục,
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương thân căn
Để tu chứng viên thông!
Ý căn thường loạn tưởng,
Nếu tư duy dừng lại,
Chẳng còn thấy biết gì;
Nhưng niệm tưởng tạp loạn,
Không dễ gì thoát được,
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương ý căn
Để tu chứng viên thông!
Nhãn thức muốn phát khởi,
Phải nhờ đủ căn, trần,
Xét tận cùng gốc rễ,
Hư vọng, không thật thể.
Tự thể không nhất định
Thì người sơ phát tâm
Dễ gì nương nhãn thức
Để tu chứng viên thông!
Nhĩ thức nghe mười phương,
Do hạnh nguyện rộng lớn.
Hạng người sơ phát tâm
Không thể đạt đến đó,
Nên nếu nương nhĩ thức,
Khó tu chứng viên thông!
Quán điểm trắng chót mũi,
Vốn chỉ là quyền cơ,
Nhằm khiến tâm an trụ;
Không phải là khả năng
Mà tị thức vốn có.
Khi tâm đã an trụ,
Tức điểm trắng chót mũi
Thành chỗ trụ của tâm;
Nhưng chân tâm vô trụ,
Làm sao kẻ sơ tâm
Nương đó chứng viên thông!
Dùng thiệt thức nói pháp,
Chỉ là khéo xếp đặt
Ngôn ngữ cùng âm thanh.
Nhưng nếu được khai ngộ,
Thì chỉ là thành tựu
Sức biện tài nhiều kiếp;
Tất cả mọi danh cú
Đều là pháp hữu vi,
Làm sao chứng viên thông!
Giữ giới không cho phạm,
Chỉ ràng buộc thân thức;
Ngoài phạm vi thân thức,
Không gì bị ràng buộc,
Cho nên không biến khắp.
Kẻ sơ tâm nương vào
Pháp môn không biến khắp,
Làm sao chứng viên thông!
Chứng được sáu thần thông
Do tu nhân đời trước,
Đâu có quan hệ gì
Tới ý thức phân biệt!
Ý thức đối pháp trần
Khởi niệm niệm phân biệt;
Làm sao kẻ sơ tâm
Nương vào vọng thức ấy
Mà chứng được viên thông!
Nếu quán tánh địa đại,
Cứng chắc không thông suốt;
Đó là pháp hữu vi,
Không phải là chân tánh,
Làm sao kẻ sơ tâm
Nương vào pháp hữu vi
Mà chứng được viên thông!
Nếu quán tánh thủy đại
Do niệm tưởng mà thành,
Không phải tánh như thật.
Như như không thể quán,
Làm sao kẻ sơ tâm
Nương vào tâm giác quán
Mà chứng được viên thông!
Nếu quán tánh hỏa đại,
Vì chán có lửa dục
Nên mong cầu lìa dục,
Không phải chân thật lìa;
Chẳng phải là phương tiện
Phù hợp kẻ sơ tâm
Để tu chứng viên thông!
Nếu quán tánh phong đại,
Lúc động, lúc yên lặng,
Thuộc trong vòng đối đãi,
Trái với vô thượng giác.
Làm sao kẻ sơ tâm
Nương vào pháp vô thường
Mà tu chứng viên thông!
Nếu quán tánh không đại,
Trơ trơ, không hay biết,
Khác hẳn tánh bồ đề.
Làm sao kẻ sơ tâm
Nương cái vô tri giác
Mà tu chứng viên thông!
Nếu quán tánh thức đại,
Sinh diệt, không thường trú;
Nếu giữ tâm chẳng động,
Do sức quán trì giữ,
Cũng thuộc về hư vọng.
Làm sao kẻ sơ tâm
Nương vào tâm vô thường
Mà tu chứng viên thông!
Các hành đều vô thường,
Niệm tưởng vốn sinh diệt;
Nhân và quả khác biệt,
Làm sao kẻ sơ tâm
Nương tâm niệm sinh diệt
Mà tu chứng viên thông!
Kính bạch đức Thế Tôn!
Phật ở cõi Ta-bà,
Theo cơ nghi cõi này
Lập giáo thể chân thật,
Thanh tịnh mà châu biến,
Chỉ tại nói và nghe.
Muốn chứng tam-ma-đề,
Thật nên dùng tánh nghe.
Lành thay, Quán Thế Âm!
Đã lìa khổ, giải thoát;
Trải qua hằng sa kiếp,
Vào vô số cõi Phật,
Được sức đại tự tại,
Bố thí đức vô úy
Cho tất cả chúng sinh;
Tiếng nói pháp nhiệm mầu,
Tiếng nói nhìn vào đời,
Tiếng hoàn toàn thanh tịnh,
Tiếng ứng hợp thời cơ;
Thường cứu giúp thế gian
Mọi sự đều an lành,
Chứng đạo xuất thế gian,
Thường trụ, không sinh diệt.
Kính bạch đức Thế Tôn!
Như Quán Âm đã nói,
Ví như có một người
Đang ngồi nơi yên tĩnh,
Mười phương đều đánh trống,
Thì người ấy cùng thời
Nghe trống khắp mười nơi;
Cho nên biết tánh nghe
Bản lai vốn viên mãn,
Không vọng, không hư dối.
Mắt nếu bị ngăn che,
Không thể thấy thông suốt;
Miệng, mũi cũng như vậy;
Thân có chạm mới biết;
Ý niệm luôn lăng xăng,
Ngổn ngang không đầu mối!
Tai, cách tường vẫn nghe,
Xa gần đều nghe được,
Năm căn không sánh bằng;
Cho nên biết tánh nghe
Bản lai vốn thông suốt,
Không vọng, không hư dối.
Tiếng có động, có tĩnh,
Nghe lúc có, lúc không;
Không tiếng, gọi không nghe,
Chẳng phải không tánh nghe.
Trong lúc không có tiếng,
Tánh nghe vẫn không diệt;
Trong lúc đang có tiếng,
Tánh nghe cũng không sinh.
Như thế là tánh nghe
Lìa cả sinh và diệt;
Cho nên biết tánh nghe
Bản lai vốn thường trú,
Không vọng, không hư dối.
Dầu cho trong lúc ngủ,
Ý thức không nghĩ suy,
Nhưng không phải vì vậy
Mà tánh nghe chẳng có;
Cho nên biết tánh nghe
Vượt ngoài sự suy nghĩ,
Thân tâm không sánh bằng.
Nay cõi Ta-bà này,
Nương tiếng nói luận giải,
Nghĩa lí được tuyên dương.
Nhưng chúng sinh mê muội,
Không thấu đạt tánh nghe,
Chỉ bám theo thanh trần,
Cho nên mãi lưu chuyển!
Ngay như thầy A Nan,
Tuy nghe nhiều nhớ kĩ,
Không khỏi vướng niệm tà!
Mê tiếng thì lưu chuyển;
Xoay nghe vào bản tánh,
Thì chứng ngộ chân thường.
Này đây thầy A Nan!
Xin lắng lòng nghe kĩ,
Tôi nương uy lực Phật,
Tuyên nói pháp Tam-muội
Cứng chắc như kim cương:
Như-Huyễn Tam-ma-đề,
Thật không thể nghĩ bàn,
Nơi xuất sinh chư Phật.
Thầy đã từng được nghe
Tất cả pháp bí áo
Của vô lượng chư Phật,
Nhưng dục lậu chưa trừ,
Tuy tích chứa nghe nhiều,
Trở lại thành lầm lỗi!
Thầy đã dùng cái nghe
Để thọ trì Phật Pháp,
Sao không xoay cái nghe
Để nghe cái tánh nghe?
Nghe, không tự nhiên sinh,
Nhân tiếng mà có tên.
Xoay nghe nghe tự tánh,
Thoát li khỏi thanh trần.
Nghe đã thoát thanh trần,
Tên gọi cũng không có.
Một căn đã về nguồn,
Sáu căn đều giải thoát.
Thấy nghe như bệnh lòa,
Ba cõi như không hoa,
Nghe đã xoay về cội,
Bệnh lòa liền dứt trừ,
Trần giới cũng tiêu tan,
Tánh Giác tròn hiển lộ.
Tánh Giác cực thanh tịnh,
Tâm sáng cực viên mãn,
Tịch chiếu trùm hư không.
Xem trở lại thế gian,
Toàn là việc trong mộng.
Ma Đăng Già là mộng,
Thì ai giữ được thầy?
Như ta thấy ở đời,
Người làm trò ảo thuật,
Khéo làm hình trai, gái,
Tuy người xem thấy rõ
Các căn đều cử động,
Nhưng sự thật là do
Một cái máy điều khiển;
Máy ngừng, hình đứng yên,
Trò huyễn trở thành không.
Sáu căn cũng như vậy,
Vốn nương một tinh minh,
Phân thành sáu hòa hợp,
Một căn đã quay về,
Sáu căn đều tịch tĩnh.
Một niệm trần cấu tiêu,
Thành viên minh tịnh diệu.
Còn trần là hữu học,
Sáng tột tức Như Lai.
Thưa Đại Chúng hiện tiền,
Cùng với thầy A Nan!
Hãy trừ bỏ cái nghe
Bám thanh trần điên đảo,
Hãy xoay lại cái nghe
Quay về nghe tự tánh,
Tánh thành Đạo Vô Thượng.
Đó thật là pháp môn
Kẻ sơ tâm nương vào
Để tu chứng viên thông.
Đó là con đường thẳng
Mà chư Phật mười phương
Tiến vào cửa niết bàn.
Chư Phật đời quá khứ
Đã thành tựu pháp này;
Chư Bồ-tát hiện tại
Cũng nương pháp môn này
Nhập cảnh giới viên minh;
Và ở đời vị lai,
Những người tu học Phật
Cũng theo pháp môn ấy.
Chẳng riêng Quán Thế Âm,
Tôi cũng trong pháp ấy
Mà tu chứng viên thông.
Thật như lời Thế Tôn
Hỏi con các phương tiện
Dùng để cứu chúng sinh
Ở thời kì mạt pháp,
Người muốn cầu xuất thế,
Thành tựu tâm niết bàn,
Thì phương tiện “nhĩ căn”
Của Bồ Tát Quán Âm
Là siêu việt hơn hết;
Còn các phương tiện khác,
Đều nhờ oai thần Phật,
Khiến gặp được cơ duyên
Mà thoát bỏ trần lao,
Không phải là pháp tu
Lâu dài cho mọi người,
Cũng không thể cùng lúc
Nói cho người căn cơ
Sâu, cạn không đồng nhau.
Đảnh lễ Như Lai Tạng
Vô lậu, không nghĩ bàn,
Gia hộ đời vị lai
Người tu pháp môn này
Tỏ ngộ, không mê hoặc.
Phương tiện kẻ sơ tâm
Tu dễ dàng thành tựu!
Đây quả là pháp môn
Hợp cơ thầy A Nan
Cùng chúng sinh đời sau,
Chỉ cần tu “nhĩ căn”,
Mau chứng được Viên Thông,
Hơn các pháp môn khác.
Yếu quyết tu Chân Tâm,
Chỉ như vậy mà thôi!
Lúc bấy giờ, đại đức A Nan cùng cả đại chúng, nhận được sự khai thị quí báu của Bồ Tát Văn Thù, thân tâm hoát nhiên rỗng suốt, thấy rõ quả Bồ Đề và cảnh giới Đại Niết Bàn của Phật, cũng giống như có người có việc đi xa, chưa đến lúc trở về, mà con đường dẫn về nhà thì đã biết rõ. Tất cả chúng hội, trong đó có tám bộ Trời Rồng, hàng Nhị-thừa hữu học, và tất cả các vị Bồ-tát mới phát tâm, số lượng nhiều bằng mười lần số cát sông Hằng, đều chứng ngộ chân tâm vốn có, xa lìa hết trần cấu, đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Tì kheo ni Ma Đăng Già vừa nghe xong bài kệ trên, liền chứng quả A-la-hán. Vô lượng chúng sinh đều phát tâm vô thượng bồ đề.
Đại đức A Nan sửa áo chỉnh tề, ở trong đại chúng, chắp tay đảnh lễ Phật. Chân tâm sáng tỏ, buồn vui lẫn lộn, vì muốn lợi ích cho chúng sinh đời vị lai, đại đức cúi đầu bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn đại bi! Con nay đã tỏ ngộ pháp môn thành Phật, nương theo đó mà tu hành, không còn nghi hoặc. Con thường nghe đức Thế Tôn dạy rằng: “Tự mình chưa được độ mà trước đã độ người, đó là sự phát tâm của chư vị Bồ-tát; tự mình đã giác ngộ viên mãn, rồi độ cho chúng sinh giác ngộ, đó là sự ứng thế của các đức Như Lai.” Con tuy chưa được độ, nhưng nguyện cứu độ tất cả chúng sinh đời mạt pháp. Bạch đức Thế Tôn! Các chúng sinh ấy cách Phật ngày càng xa, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng. Vậy, nếu muốn những kẻ sơ tâm tu học nhiếp tâm vào tam-ma-địa, thì làm sao khiến họ an lập đạo tràng, xa lìa ma sự, tâm bồ đề không bị thối chuyển?
Lúc bấy giờ, ở giữa chúng hội, đức Phật khen ngợi đại đức A Nan rằng:
– Lành thay! Lành thay! Như thầy vừa hỏi về việc an lập đạo tràng, cứu hộ chúng sinh trầm luân trong đờimạt pháp, thì đây, thầy hãy lắng nghe, Như Lai sẽ nói rõ.
Đại đức A Nan và đại chúng đồng vâng dạ. Phật dạy:
– A Nan! Thầy thường nghe trong giới luật, Như Lai từng tuyên nói ba nghĩa quyết định của sự tu hành, đó là: Nhiếp tâm gọi là GIỚI, nhân Giới mà sinh ĐỊNH, nhân Định mà phát TUỆ; ấy gọi là “ba pháp học vô lậu”.
Thầy A Nan! Vì sao nhiếp tâm mà gọi là “Giới”?
Chúng sinh trong sáu đường ở khắp các thế giới, nếu tâm họ không dâm dục, thì họ không còn tiếp tục trôi lăn trong sinh tử. Thầy tu pháp tam muội cốt để thoát khỏi trần lao, nếu tâm dâm dục không đoạn trừ thì không thể thoát khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí, thiền định hiện tiền, nhưng tâm dâm dục không đoạn dứt, chắc chắn sẽ lạc vào ma đạo: hạng cao thì thành ma vương; hạng vừa thì thành ma dân; hạng thấp thì thành ma nữ. Các loại ma kia cũng có đồ chúng, và đều tự xưng mình là thành đạo vô thượng! Sau khi Như Lai diệt độ, ở trong đời mạt pháp, những loài ma này vô cùng đông đúc, uy thế lừng lẫy thế gian, đầy dẫy những hành vi tham dâm, lại giả làm thiện tri thức, khiến cho chúng sinh sa xuống hố ái nhiễm, bỏ mất con đường bồ đề.
Thầy dạy người đời tu pháp chánh định, trước hết phải dứt bỏ tâm dâm dục. Đó là lời dạy sáng rõ, thanh tịnh, quyết định thứ nhất của Như Lai và chư Phật quá khứ.
Vì vậy cho nên, này A Nan! Người tu thiền định mà không đoạn tuyệt lòng dâm dục, thì cũng giống như nấu cát đá mà muốn thành cơm, trải qua trăm nghìn kiếp, vẫn chỉ là cát đá nóng mà thôi. Vì sao vậy? Vì giống gốc của nó là cát đá, không phải là cơm. Thầy dùng cái thân dâm dục mà cầu quả Phật vi diệu, giả sử trải qua nhiều kiếp tu tập mà được khai ngộ, cũng chỉ là gốc dâm dục. Giống gốc đã là dâm dục thì chắc chắnphải trôi lăn trong ba ác đạo, không thể thoát ra khỏi; đâu có con đường nào để tu chứng niết bàn của chư Phật? Chắc chắn là phải làm cho cái nguồn gốc phát động dâm dục, ở cả tâm lẫn thân, đều bị đoạn trừ; cho đến chính cái tánh đoạn trừ cũng không còn nữa, thì mới trông mong chứng quả Bồ đề của Phật. Đúng như lời Như Lai nói đây, tức là lời của Phật; không đúng như lời nói này, tức là lời của ma Ba-tuần.
Lại nữa, này A Nan! Chúng sinh trong sáu đường ở khắp các thế giới, nếu tâm họ không giết hại, thì họ không còn tiếp tục trôi lăn trong sinh tử. Thầy tu pháp tam muội cốt để thoát khỏi trần lao, nếu tâm giết hại không đoạn trừ thì không thể thoát khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí, thiền định hiện tiền, nhưng tâm giết hại không đoạn dứt, chắc chắn sẽ lạc vào thần đạo: hạng cao thì thành quỉ đại lực; hạng vừa thì thành dạ xoa phi hành hoặc quỉ thống soái; hạng thấp thì thành quỉ la sát đi trên mặt đất. Các loại quỉ thần kia cũng có đồ chúng, và đều tự xưng mình là thành đạo vô thượng! Sau khi Như Lai diệt độ, ở trong đời mạt pháp, những loài quỉ thần này vô cùng đông đúc, uy thế lừng lẫy thế gian. Chúng tự nói rằng, ăn thịt cũng đạt được đạo bồ đề.
Này A Nan! Như Lai bảo các thầy tì kheo ăn năm thứ tịnh nhục(199), thịt ấy đều do thần lực của Như Laihóa sinh, vốn không có mạng căn(200). Xứ sở của bà-la-môn, đất đai phần nhiều nóng ẩm, lại thêm nhiều cát đá, rau cỏ không sinh sản được. Như Lai dùng sức đại bi gia bị; nhân tâm đại từ bi mà giả gọi là thịt, và quí thầy cũng cảm nhận được cái vị “như thịt” ấy. Làm sao sau khi Như Lai diệt độ, những người thật sự ăn thịt chúng sinh mà gọi là Phật tử! Quí thầy nên biết, những người ăn thịt, dù tâm có được khai ngộ, cũng chẳng qua chỉ tương tự như chánh định mà thôi, thực sự đều là đại la sát, sau khi hết báo thân ấy, chắc chắn sẽ chìm đắm trong biển khổ sinh tử, chẳng phải là đệ tử Phật. Những người như thế, giết nhau, ăn nhau không dứt, thì làm sao thoát ra khỏi ba cõi!
Thầy dạy người đời tu pháp chánh định, trước hết phải dứt bỏ tâm dâm dục; thứ đến là phải dứt bỏ tâm sátsinh. Đó là lời dạy sáng rõ, thanh tịnh, quyết định thứ nhì của Như Lai và chư Phật quá khứ.
Vì vậy cho nên, này A Nan! Người tu thiền định mà không đoạn tuyệt tâm giết hại, thì cũng giống như người tự bịt tai mình, cất tiếng kêu lớn mà mong người khác đừng nghe; đó gọi là càng muốn ẩn thì càng lộ. Hàng tì kheo thanh tịnh và các vị Bồ-tát, đi trên đường mòn còn không dẫm cỏ non, huống nữa là lấy tay nhổ cỏ! Làm sao người có tâm đại bi mà lại lấy máu thịt của chúng sinh làm thức ăn? Nếu các thầy tì kheo không mặc các thứ vải bằng tơ lụa lượt là, không dùng các thứ giày da áo lông của phương Đông, cũng như không ăn các thứ sữa, bơ, phó-mát, những thầy tì kheo ấy đối với thế gian thật là giải thoát, đã trả hết oan trái đời trước, không còn trở lại trong ba cõi nữa. Vì sao thế? Dùng các bộ phận của thân thể chúng sinh thì phải kết duyên nợ với chúng sinh; như con người ăn trăm thứ mễ cốc lấy từ đất, thì chân không rời khỏi đất. Những người nhất quyết làm cho cả thân và tâm mình, không ăn các thứ làm từ xương thịt chúng sinh, không dùng các thứ làm bằng các bộ phận của thân thể chúng sinh, Như Lai nói đó là những người chân thật giải thoát. Đúng như lời Như Lai nói đây, tức là lời của Phật; không đúng như lời nói này, tức là lời của ma Ba-tuần.
Lại nữa, này A Nan! Chúng sinh trong sáu đường ở khắp các thế giới, nếu tâm họ không trộm cắp, thì họ không còn tiếp tục trôi lăn trong sinh tử. Thầy tu pháp tam muội cốt để thoát khỏi trần lao, nếu tâm trộm cắpkhông đoạn trừ thì không thể thoát khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí, thiền định hiện tiền, nhưng tâm trộm cắp không đoạn dứt, chắc chắn sẽ lạc vào tà đạo: hạng cao thì thành tinh linh; hạng vừa thì thành yêu mị; hạng thấp thì thành người tà, bị các loài yêu mị nhập vào mê hoặc. Các loại tà mị kia cũng có đồ chúng, và đều tự xưng mình là thành đạo vô thượng! Sau khi Như Lai diệt độ, ở trong đời mạt pháp, những loài tà mị này vô cùng đông đúc, uy thế lừng lẫy thế gian, núp lén gian dối, xưng là thiện tri thức, tự nói mình là bậc đã đạt được đạo pháp cao siêu, lừa bịp người không biết, dọa dẫm khiến cho người mất tâm chánh tín, theo cung phụng chúng đến nỗi cửa nhà hao tán.
Như lai dạy các thầy tì kheo pháp khất thực theo thứ lớp để dứt bỏ lòng tham, thành đạo Bồ đề. Các thầy tì kheo không tự nấu ăn, gửi kiếp sống thừa tạm nương nơi ba cõi, thị hiện chỉ một phen đi về, đi rồi thì không bao giờ trở lại nữa. Làm sao bọn giặc lại mượn y phục Như Lai để buôn bán Như Lai, tạo đủ thứ tội nghiệpmà cứ nói là Phật Pháp! Lại còn hủy báng các vị xuất gia chân chánh, giữ tròn giới luật tì kheo, nói đó là đạo tiểu thừa! Do sự hủy báng này làm cho vô lượng chúng sinh mê lầm, nên bọn chúng phải đọa vào địa ngục vô gián.
Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có tì kheo phát tâm quyết định tu pháp chánh định như huyễn, có thể ở trước hình tượng Như Lai, dùng thân thắp một ngọn đèn, đốt một lóng ngón tay, hay ở trên thân đốt một nén hương, Như Lai nói thầy tì kheo ấy, túc trái từ vô thỉ, chỉ trong một lúc là đã trả hết, vĩnh viễn từ bỏ thế gian, thoát hết các lậu hoặc. Tuy chưa thấy rõ ngay lập tức con đường vô thượng giác, nhưng vị ấy đối với Phật Pháp thì tâm đã quyết định. Nếu không làm được cái nhân xả thân nhỏ mọn như thế, dù có thành được cái đạo vô vi, cũng phải sinh lại làm người để trả hết nợ cũ, như chuyện ăn cám ngựa của Như Lai(201), chẳng khác tí nào.
Thầy dạy người đời tu pháp chánh định, sau khi đã dứt bỏ tâm dâm dục, tâm giết hại, còn phải dứt bỏ tâm trộm cắp. Đó là lời dạy sáng rõ, thanh tịnh, quyết định thứ ba của Như Lai và chư Phật quá khứ.
Vì vậy cho nên, này A Nan! Người tu thiền định mà không đoạn tuyệt tâm trộm cắp, thì cũng giống như người rót nước vào cái chén lủng đáy mà mong cho chén đầy, thì dù trải qua số kiếp nhiều như vi trần, chén ấy cũng không bao giờ đầy nước được. Nếu các thầy tì kheo, ngoài ba y một bát ra, một mảy may gì cũng không chứa giữ; xin ăn có chút dư thừa thì bố thí cho chúng sinh đói khát; đến nơi đại chúng tập họp thì chắp tay vái chào; có ai mắng chửi thì hoan hỉ coi như lời khen ngợi; cả thân và tâm đều quyết buông bỏ, coi thân xác máu thịt là sở hữu chung của chúng sinh; không đem những lời dạy phương tiện của Như Lai làm chỗ hiểu biết của riêng mình, khiến cho kẻ sơ học phải lầm lạc; thì các vị ấy sẽ được Như Lai ấnchứng là người thật sự đạt được chân chánh tam muội. Đúng như lời Như Lai nói đây, tức là lời của Phật; không đúng như lời nói này, tức là lời của ma Ba-tuần.
Này A Nan! Chúng sinh trong sáu đường ở khắp các thế giới như thế, tuy cả thân và tâm đều đoạn dứt trọn vẹn các nghiệp giết hại, trộm cắp, dâm dục, nhưng nếu còn phạm lỗi đại vọng ngữ, thì chánh định vẫn không thanh tịnh, thành ma ái kiến(202), mất hạt giống Phật. Đó là những người chưa được mà nói là đã được, chưa chứng mà nói là đã chứng; hoặc có người muốn được mọi người tôn mình là bậc nhất thếgian, bèn bảo rằng: “Ta nay đã chứng quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, quả Bích-chi Phật, Bồ-tát Địa-tiền hay Địa-thượng”, nói thế để mong cho người ta lễ bái, cúng dường. Đó là những kẻ đoạn thiện căn, tiêu diệt hạt giống Phật; như người dùng dao chặt cây đa-la(203). Như Lai nói người ấy đã mất hẳn căn lành, vĩnh viễn không còn chánh tri kiến, chìm đắm mãi trong biển khổ, không bao giờ thành tựu chánh định.
Như Lai bảo các hàng Bồ-tát và A-la-hán, sau khi Như Lai diệt độ, hãy ứng thân dưới mọi hình tướng, sinh vào đời mạt pháp để hóa độ cho chúng sinh chìm đắm; hoặc làm sa môn, hoặc làm cư sĩ, vua chúa, quan lại, đồng nam, đồng nữ, thậm chí cùng đồng sự với các hạng dâm nữ, quả phụ, gian dối, trộm cắp, đồ tể, thương buôn, để khen ngợi Phật thừa, khiến cho thân tâm họ được vào tam-ma-địa. Nhưng, trong lúc làm như vậy, tuyệt nhiên không được nói rằng: “Ta chính thật là Bồ-tát, ta chính thật là A-la-hán”; không được khinh suất tiết lộ lời dạy bí mật của Như Lai cho những người chưa tu học Phật; chỉ trừ đến lúc lâm chung, có thể âm thầm phó chúc. Làm sao hạng người ma ái kiến kia lại dối gạt chúng sinh để mang tội đại vọng ngữ!
Thầy dạy người đời tu pháp chánh định, sau khi đã dứt bỏ tâm dâm dục, tâm giết hại, tâm trộm cắp, còn phải dứt bỏ tâm đại vọng ngữ. Đó là lời dạy sáng rõ, thanh tịnh, quyết định thứ tư của Như Lai và chư Phật quá khứ.
Vì vậy cho nên, này A Nan! Nếu không đoạn trừ tâm đại vọng ngữ thì cũng giống như lấy phân người đắp thành hình cây chiên đàn, rồi mong cho nó có mùi thơm hương chiên đàn, thật không bao giờ có chuyện ấy.
Như Lai dạy hàng tì kheo: Trực tâm chính là đạo tràng. Trong tất cả hành vi, đi đứng ngồi nằm, đều phải giữ tâm chánh trực, không được có chút giả dối, sao lại có thể tự tôn xưng mình đã đạt được diệu pháp của bậc thượng nhân? Người dân thường ngu muội, tự xưng đế vương, còn bị họa tru diệt; huống nữa là ngôi vị Pháp Vương, làm sao dám dối trá xưng càn? Nhân đã không chân thật thì quả tất quanh co. Người như thế mà cầu quả Bồ đề của Phật, thì cũng như dùng miệng cắn rốn, làm sao cắn tới được!
Nếu các thầy tì kheo, tâm như dây đàn căng thẳng, tất cả oai nghi đều chân thật, chắc chắn sẽ trực nhậpchánh định, vĩnh viễn không bị ma sự quấy nhiễu; và Như Lai ấn chứng cho các vị ấy, thành tựu Tri giácVô thượng của hàng Bồ-tát. Đúng như lời Như Lai nói đây, tức là lời của Phật; không đúng như lời nói này, tức là lời của ma Ba-tuần.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|