× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm



Quyển 3

Vạn Pháp Là Biểu Hiện
Của Như Lai Tạng

Lại nữa, này A Nan! Vì sao nói rằng sáu nhập vốn là tánh chân như mầu nhiệm của như lai tạng? Này A Nan! Như con mắt kia, nhìn chăm chú một lúc lâu thì sinh ra hoa mắt. Cả cái thấy và hoa mắt đều là những hiện tượng phát sinh từ thể tánh bồ đề thanh tịnh. Nhân nơi hai trần hư vọng là sáng và tối phát ra cái thấy ở bên trong, thu nạp các đối tượng vọng trầnsáng tối này, gọi đó là tánh thấy. Cái thấy đó, nếu xa rời hai thứ vọng trần sáng tối kia thì hoàn toàn không có tự thể. Như vậy, này A Nan! Thầy nên biết, cái thấy đó không phải từ nơi sáng nơi tối mà tới, không phải do nhãn căn mà ra, cũng không phải do hư không phát sinh. Vì sao thế? Nếu từ ánh sáng mà tới, thì khi bóng tối đến, nó đã bị diệt theo ánh sáng rồi, lẽ ra không còn thấy được bóng tối nữa! Nếu từ bóng tối mà tới, thì khi ánh sáng đến, nó đã bị diệt theo bóng tối rồi, lẽ ra không còn thấy được ánh sáng nữa! Nếu do nhãn căn mà ra thì hẳn là không có sáng tối, và như vậy thì cái thấy vốn không có tự tánh. Nếu do hư không phát sinh thì khi nhìn ra trước thấy các cảnh tượng, lúc quay trở về thì phải tự thấy cái căn của nó; vả lại, hư không tự nhìn xem nó, đâu có quan hệ gì đến “nhãn nhập” của thầy! Bởi vậy nên biết, nhãn nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

Này A Nan! Ví như có người dùng hai ngón tay bịt thật kín hai lỗ tai của họ. Vì lỗ tai bị bịt lâu nên mỏi mệt mà trong đầu thành ra có tiếng ù. Cả cái nghe và tiếng ù đều là những hiện tượng phát sinh từ thể tánh bồ đề thanh tịnh. Nhân nơi hai thứ vọng trần là động và tĩnh phát ra cái nghe ở bên trong, thu nạp các đối tượng vọng trần động tĩnh này, gọi đó là tánh nghe. Cái nghe đó, nếu xa rời hai thứ vọng trần động tĩnh kia thì hoàn toàn không có tự thể. Như vậy, này A Nan! Thầy nên biết, cái nghe đó không phải từ nơi động nơi tĩnh mà tới, không phải do nhĩ căn mà ra, cũng không phải do hư không phát sinh. Vì sao thế? Nếu từ nơi tĩnh mà tới, thì khi cái động đến, nó đã bị diệt theo cái tĩnh rồi, lẽ ra không còn nghe được cái động nữa! Nếu từ nơi động mà tới, thì khi cái tĩnh đến, nó đã bị diệt theo cái động rồi, lẽ ra không còn nghe được cái tĩnh nữa! Nếu do nhĩ căn mà ra thì hẳn là không có động tĩnh, và như vậy thì cái nghe vốn không có tự tánh. Nếu do hư không phát sinh, thì đã có tính nghe tức không phải là hư không nữa; vả lại, hư không tự nghe thì đâu có quan hệ gì đến “nhĩ nhập” của thầy! Bởi vậy nên biết, nhĩ nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

Này A Nan! Ví như có người bịt chặt hai lỗ mũi của họ. Vì lỗ mũi bị nghẹt lâu nên mỏi mệt mà ở trong mũi nghe như có cảm giác lạnh. Nhân nơi những cảm xúc như vậy mà phân biệt có thông, có nghẹt, có rỗng, có đặc, cho đến ngửi các mùi thơm, thối vân vân; cả cái ngửi và cảm giác lạnh cùng các mùi thơm, thối vân vân, đều là những hiện tượng phát sinh từ thể tánh bồ đề thanh tịnh. Nhân nơi hai thứ vọng trần là thông và nghẹt phát ra cái ngửi ở bên trong, thu nạp các đối tượng vọng trần thông nghẹt này, gọi đó là tánh ngửi. Cái ngửi đó, nếu xa rời hai thứ vọng trần thông nghẹt kia thì hoàn toàn không có tự thể. Như vậy, này A Nan! Thầy nên biết, cái ngửi đó không phải từ nơi thông nơi nghẹt mà tới, không phải do tị cănmà ra, cũng không phải do hư không phát sinh. Vì sao thế? Nếu cái ngửi từ nơi cái thông mà tới, thì khi mũi nghẹt, cái ngửi đã bị diệt mất theo cái thông rồi, làm sao biết được nghẹt? Nếu nhân nơi cái nghẹt mà có, thì khi thông, cái ngửi đã bị nghẹt rồi, làm sao còn biết được các mùi thơm, thối? Nếu do tị căn mà ra thì hẳn là không có thông nghẹt, và như vậy thì cái ngửi vốn không có tự tánh. Nếu do hư không phát sinh, thì cái ngửi đó phải quay lại ngửi lỗ mũi của thầy; vả lại, hư không tự ngửi thì đâu có quan hệ gì đến “tị nhập” của thầy! Bởi vậy nên biết, tị nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

Này A Nan! Ví như có người dùng lưỡi liếm cái môi của họ. Liếm lâu sinh ra mỏi mệt. Nếu người ấy bệnh thì cảm thấy có vị đắng, nếu người ấy không bệnh thì cảm thấy có vị hơi ngọt. Do những cảm xúc ngọt, đắng này mà thấy rõ tánh nếm, khi thiệt căn không cử động thì thường có tánh nhạt (tức không đắng không ngọt). Cả cái nếm và các vị đắng, ngọt, nhạt đều là những hiện tượng phát sinh từ thể tánh bồ đềthanh tịnh. Nhân nơi hai thứ vọng trần là đắng ngọt và nhạt phát ra cái nếm ở bên trong, thu nạp các đối tượng vọng trần này, gọi đó là tánh biết vị. Cái biết vị đó, nếu xa rời hai thứ vọng trần đắng ngọt và nhạt kia thì hoàn toàn không có tự thể. Như vậy, này A Nan! Thầy nên biết, cái biết đắng biết nhạt như thế, không phải từ vị ngọt vị đắng mà tới, không phải do vị nhạt mà có, không phải do thiệt căn mà ra, cũng không phải do hư không phát sinh. Vì sao thế? Nếu từ vị ngọt vị đắng mà tới, thì khi có vị nhạt, vì cái nếm biết đã bị diệt theo vị ngọt vị đắng rồi, làm sao còn biết được nhạt? Nếu từ vị nhạt mà ra, thì khi có vị ngọt vị đắng, vì cái nếm biết đã bị diệt theo vị nhạt rồi, làm sao còn biết được ngọt, đắng? Nếu do thiệt căn sinh ra thì hẳn là không có các vị nhạt, ngọt, đắng; và như vậy thì cái nếm biết vị vốn không có tự tánh. Nếu do hư khôngphát sinh, thì hư không tự nếm vị, không phải lưỡi thầy nếm; vả lại, hư không tự biết thì đâu có quan hệ gì đến “thiệt nhập” của thầy! Bởi vậy nên biết, thiệt nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

Này A Nan! Ví như có người dùng bàn tay lạnh chạm vào bàn tay nóng. Nếu cái thế ở bên lạnh mạnh hơn thì bên nóng liền lạnh theo, nếu bên nóng mạnh hơn thì bên lạnh liền nóng theo. Do cái cảm xúc nhận biếtđược trong lúc hai bàn tay hợp lại này mà biết được lúc hai bàn tay rời ra. Nhân vì hai bàn tay chạm xúc nhau, cái thế nóng lạnh đi vào nhau mà hiện thành cái cảm giác nóng lạnh. Cả cái cảm xúc và hai tướng nóng lạnh đều là những hiện tượng phát sinh từ thể tánh bồ đề thanh tịnh. Nhân nơi hai thứ vọng trần là hợp và lìa phát ra cái cảm biết ở bên trong, thu nạp các đối tượng vọng trần hợp và lìa này, gọi đó là tánh biết cảm xúc. Cái biết cảm xúc đó, nếu xa rời tướng trái tướng thuận(90) của hai thứ vọng trần hợp và lìa kia thì hoàn toàn không có tự thể. Như vậy, này A Nan! Thầy nên biết, cái cảm xúc đó không phải từ khi hợp khi lìa mà tới, không phải do tướng trái tướng thuận mà có, không phải do thân căn ra, cũng không phải do hư không phát sinh. Vì sao thế? Nếu từ cái hợp tới, thì đến khi lìa, cái biết đã bị diệt theo cái hợp rồi, làm sao biết được cái lìa? Hai tướng trái và thuận cũng như vậy. Nếu do thân căn mà ra thì hẳn là không có các tướng lìa, hợp, trái, thuận, và như vậy thì cái cảm xúc biết của thân vốn không có tự tánh. Nếu do hư không phát sinh thì hư không tự hay biết, đâu có quan hệ gì đến “thân nhập” của thầy! Bởi vậy nên biết, thân nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

Này A Nan! Ví như có người mỏi mệt thì ngủ, ngủ đủ rồi thì thức dậy. Xem trần cảnh thì nhớ, lúc hết nhớ gọi là quên. Các sự việc ấy cứ sinh khởi, tồn tại, biến đổi, tiêu diệt trong vòng lẩn quẩn, rồi được hấp thụ, thu tập đưa vào trong, mỗi mỗi rõ ràng, không chất chồng lẫn lộn, gọi đó là “ý căn”. Cả ý căn và những sự việc ngủ, thức, nhớ, quên vân vân, đều là những hiện tượng phát sinh từ thể tánh bồ đề thanh tịnh. Nhân nơi hai thứ vọng trần là sinh và diệt, nhóm lại cái biết ở bên trong, thu nạp các nội trần; dòng thấy nghe chảy ngược vào trong, rơi trên vùng đất ý căn, làm đối tượng sở duyên của riêng ý căn, các căn ngoài như mắt, tai không vói tới được, gọi đó là ý hiểu biết –tức ý nhập. Cái ý hiểu biết đó, nếu xa rời hai thứ vọng trần thức và ngủ, sinh và diệt kia thì hoàn toàn không có tự thể. Như vậy, này A Nan! Thầy nên biết, cái hiểu biết đó không phải từ thức ngủ mà đến, không phải do sinh diệt mà có, không phải do ý căn phát ra, cũng không phải do hư không phát sinh. Vì sao thế? Nếu cái hiểu biết ấy do từ lúc thức mà tới, thì đến khi ngủ, nó đã bị diệt mất theo cái thức rồi, còn có cái gì đem làm giấc mộng trong lúc ngủ? Nếu cho rằng khi sinh mới có, thì lúc diệt đến, nó cũng đã mất theo cái sinh rồi, lấy cái gì để nhận chịu cái diệt? Nếu do lúc diệt mà có, thì đến khi sinh, cái hiểu biết ấy cũng đã tiêu mất theo cái diệt, lấy gì để biết là sinh? Nếu do ý căn mà ra thì hai tướng thức và ngủ thay đổi nhau nơi thân thể, nếu rời hai tướng thức và ngủ này thì cái hiểu biết đồng như hoa đốm giữa hư không, rốt ráo không có tự tánh. Nếu do hư không phát sinh thì hư không tự hay biết, đâu có quan hệ gì đến “ý nhập” của thầy! Bởi vậy nên biết, ý nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

Lại nữa, này A Nan! Vì sao nói rằng 12 xứ vốn là tánh chân như nhiệm mầu của như lai tạng?

Này A Nan! Thầy hãy nhìn rừng cây Kì-đà và các suối ao ở đó. Ý thầy thế nào? Đó là sắc tướng sinh ra cái thấy, hay cái thấy sinh ra sắc tướng? A Nan! Nếu cái thấy sinh ra sắc tướng, thì khi thấy hư không, không có sắc tướng, lẽ ra cái tánh thấy sinh ra sắc tướng ấy phải tiêu mất rồi; tánh thấy đã tiêu mất thì rõ ràng là sắc tướng cũng không có. Sắc tướng đã không có thì lấy gì để làm rõ cái tướng hư không? Xét về hư không cũng vậy. Nếu sắc trần sinh ra cái thấy, thì khi thấy hư không, không có sắc, hẳn nhiên là cái thấy phải tiêu mất. Cái thấy tiêu mất thì tất cả đều không, lấy gì để làm rõ được hư không và sắc tướng? Bởi vậy nên biết: cái thấy, sắc trần, và hư không, đều không có xứ sở; có nghĩa là, cả nhãn xứ sắc xứđều là hư vọng, vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Này A Nan! Thầy lại nghe trong rừng Kì-đà này, khi dọn cơm xong thì đánh trống, khi nhóm chúng thì đánh chuông, tiếng chuông tiếng trống trước sau nối tiếp nhau. Ý thầy thế nào? Đó là cái tiếng đến chỗ cái nghe ư, hay là cái nghe đến chỗ cái tiếng? A Nan! Nếu cái tiếng đến chỗ cái nghe, thì cũng như khi Như Lai đi khất thực trong thành Thất-la-phiệt, tất nhiên trong rừng Kì-đà không có Như Lai nữa, cái tiếng ắt phải đến tai thầy A Nan, và chỉ có thầy A Nan nghe được, còn các thầy Đại Ca Diếp, Mục Kiền Liên vân vân, lẽ ra không nghe cùng lúc được; huống chi trong rừng Kì-đà còn có cả 1.250 tì kheo, sao lại cùng nghe đượctiếng chuông để cùng đi đến nơi thọ trai? Nếu cái nghe của thầy đến chỗ cái tiếng, thì cũng như khi Như Lai đã trở về lại trong rừng Kì-đà, tất nhiên là trong thành Thất-la-phiệt không còn có Như Lai nữa; vậy thầy nghe tiếng trống, thì cái nghe của thầy đã đến chỗ tiếng trống rồi, lúc ấy tiếng chuông cũng gióng lên, lẽ ra thầy không cùng lúc nghe được tiếng chuông, huống gì cả tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng trâu, tiếng dê, và nhiều thứ tiếng khác nữa trong rừng Kì-đà, thầy nghe được ư? Còn nếu không đi đến với nhau thì lại không có cái nghe. Bởi vậy nên biết: cái nghe cùng với âm thanh, đều không có xứ sở; có nghĩa là, cả nhĩ xứ thanh xứ đều là hư vọng, vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Này A Nan! Thầy hãy ngửi mùi hương chiên đàn trong lò này. Loại hương ấy, chỉ cần đốt chưa tới một lượng thì trong vòng 40 dặm của thành Thất-la-phiệt đều cùng ngửi được mùi thơm. Ý thầy thế nào? Mùi hương đó phát sinh từ gỗ chiên đàn, từ mũi của thầy, hay từ hư không? A Nan! Giả sử mùi hương đó phát sinh từ mũi của thầy, đã nói là mũi phát sinh, thì mùi hương phải từ mũi mà ra, nhưng mũi không phải là gỗ chiên đàn thì làm sao trong mũi có mùi chiên đàn? Nói rằng thầy ngửi thấy mùi hương, thì mùi hương phải bay vào lỗ mũi, chứ nói mùi hương từ mũi phát ra là lời nói vô nghĩa! Nếu mùi hương ấy phát sinh từ hư không, thì tánh của hư không là thường hằng, lẽ ra mùi hương cũng phải thường có, cần gì phải đốt miếnggỗ chiên đàn khô trong lò này? Giả sử mùi hương phát sinh từ gỗ chiên đàn, thì chất thơm ấy nhân đốt mà thành khói, nếu mũi ngửi được, lẽ ra khói phải xông đến mũi. Tại sao khói ấy vừa bay lên không chưa được bao xa, mà cả mọi người trong vòng 40 dặm đều đã ngửi thấy được? Bởi vậy nên biết: mùi hương, mũi và cái ngửi đều không có xứ sở; có nghĩa là, cả tị xứ hương xứ đều là hư vọng, vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Này A Nan! Thầy thường mỗi ngày đi khất thực. Trong lúc khất thực, có thể thầy được thí chủ cúng cho các món tô, lạc, hay đề hồ(91), là các thứ vị trân quí. Ý thầy thế nào? Những thứ vị ấy được sinh ra từ hư không ư? Từ trong lưỡi ư? Hay từ trong thức ăn? A Nan! Nếu những thứ vị ấy sinh ra từ cái lưỡi của thầy, thì trong miệng thầy chỉ có một cái lưỡi, lúc đó đã thành vị tô rồi, nếu gặp đường phèn, lẽ ra cái vị không thay đổi; mà nếu không thay đổi thì không gọi được là biết vị. Còn nếu thay đổi thì cái lưỡi không có nhiều tự thể, làm sao một cái lưỡi mà biết được nhiều vị thức ăn? Nếu những thứ vị ấy sinh ra từ các thức ăn, thì thức ăn không có tri giác, làm sao biết vị? Vả lại, nếu thức ăn tự biết vị, thì cũng giống như người khác ăn, có quan hệ gì tới thầy mà nói là thầy biết vị! Nếu những thứ vị ấy sinh ra từ hư không, thì thầy hãy thử nếm hư không đi, xem nó là vị gì! Nếu hư không là vị mặn, nó làm mặn cái lưỡi của thầy, thì nó cũng làm mặn cái mặt của thầy, và tất cả mọi người ở trong thế giới này đồng như muối biển! Họ đã luôn luôn nhận chịu vị mặn thì không còn biết vị nhạt là gì nữa. Nhưng, đã không biết nhạt thì cũng không biết mặn; mà nếu khôngbiết gì hết thì sao gọi là biết vị? Bởi vậy nên biết: vị, lưỡi và cái nếm đều không có xứ sở; có nghĩa là, cả thiệt xứ vị xứ đều là hư vọng, vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Này A Nan! Mỗi buổi sáng thầy lấy tay xoa đầu(92), ý thầy thế nào? Cái biết cảm xúc có được khi xoa đầu đó là do đâu sinh ra, từ bàn tay hay từ cái đầu? Nếu từ bàn tay sinh ra thì tất nhiên là cái đầu không biết, vậy làm sao thành cảm xúc? Nếu từ cái đầu sinh ra thì tất nhiên là bàn tay không biết, cho nên cũng không thành cảm xúc! Nếu cả bàn tay và cái đầu đều có cái biết cảm xúc, thì thầy A Nan thật có hai thân sao? Nếu đầu và tay cùng có chỉ một cái biết cảm xúc, thì lẽ ra đầu và tay phải là một tự thể; mà một tự thể thì làm sao thành cảm xúc được! Còn nếu hai tự thể thì cảm xúc thuộc về bên nào? Thuộc về bên “năng” thì không có ở bên “sở”, thuộc về bên “sở” thì không có ở bên “năng”; chẳng lẽ hư không tạo nên cảm xúccho thầy? Bởi vậy nên biết: xúc giác và thân căn đều không có xứ sở; có nghĩa là, cả thân xứ xúc xứđều là hư vọng, vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Này A Nan! Thường ngày trong ý căn của thầy duyên với ba loại ảnh tượng thiện, ác và vô kí, gọi đó là pháp trần. Pháp trần này do ý căn sinh ra ư? Hoặc giả nó có một nơi chốn riêng ở ngoài ý căn? Nếu là do ý căn sinh ra, thì các pháp ấy không phải là trần cảnh, không phải là cảnh sở duyên của ý căn; và như thế thì làm sao lập thành một xứ được? Nếu pháp trần có riêng một nơi chốn ở ngoài ý căn, thì tánh của nó là có biết hay không có biết? Nếu có biết thì nó phải gọi là tâm. Nó đã ở ngoài tâm thầy, lại có biết, tức không phải là pháp trần, mà là cái tâm người khác. Còn nếu nó tức là thầy, thì tức là ý căn của thầy, thì làm sao ý căn nơi thầy lại trở thành hai? Nếu pháp trần ở ngoài ý căn lại không có biết, thì nó vốn đã không phải là sắc, thanh, hương, vị, hợp, lìa, lạnh, nóng và tướng hư không, vậy nó ở chỗ nào? Bây giờ, ở cả năm trần và hư không mà không thể chỉ nó ra được, thì không lẽ ở nhân gian lại có một chỗ ở ngoài hư không? Ý căn mà không có cảnh sở duyên thì đâu có thể nào thành lập được một xứ! Bởi vậy nên biết: pháp trầncùng với ý căn đều không có xứ sở; có nghĩa là, cả ý xứ pháp xứ đều là hư vọng, vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Lại nữa, này A Nan! Vì sao nói rằng 18 giới vốn là tánh chân như nhiệm mầu của như lai tạng?

Này A Nan! Như thầy đã bày tỏ: nhãn căn duyên với sắc trần sinh ra nhãn thức. Cái thức này nhân nơinhãn căn mà sinh, và lấy nhãn căn làm ranh giới ư? Hay nhân nơi sắc trần mà sinh, và lấy sắc trần làm ranh giới? Này A Nan! Nếu nhãn thức do nhãn căn sinh ra, mà không có sắc trần và hư không thì không lấy gì để phân biệt; dù thầy có cái thức ấy, nhưng đâu có dùng được vào việc gì! Cái thấy của thầy lại không có xanh, vàng, đỏ, trắng, tức không có gì biểu hiện được, thì căn cứ vào đâu mà lập ranh giới? Nếu thức ấy do sắc trần sinh ra, thì khi chỉ có hư không mà không có sắc trần, lẽ ra cái thức của thầy cũng không có, thì làm sao còn biết được đó là hư không? Khi sắc trần biến diệt, thầy cũng biết sắc tướng của nó đã biến diệt; như thế là cái thức của thầy không biến diệt theo sắc trần ư? Vậy khu vực của thức do đâu mà lập được? Nếu thức biến diệt theo sắc trần, thì cả sắc trần cùng thức đều biến diệt, tự nhiên là không có cái tướng khu vực. Nếu thức không biến diệt theo sắc trần thì tánh thức là thường hằng; tuy là thường hằng, nhưng thức ấy đã do sắc trần sinh ra, thì lẽ ra không biết được hư không ở đâu! Nếu thức do cả nhãn căn và sắc trần cùng sinh, khi nhãn căn và sắc trần hợp lại để sinh thì ở giữa tất có kẽ hở; khinhãn căn và sắc trần lìa ra để sinh thì thức vừa hợp với căn có biết, vừa hợp với trần không biết, thể tánhxen lộn, làm sao mà lập được khu vực? Bởi vậy nên biết: nhãn căn duyên với sắc trần sinh ra nhãn thức giới, cả ba chỗ đều không; có nghĩa là, cả nhãn giới, sắc giới nhãn thức giới vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Này A Nan! Lại như thầy đã bày tỏ: nhĩ căn duyên với thanh trần sinh ra nhĩ thức. Cái thức này nhân nơi nhĩ căn mà sinh ra, và lấy nhĩ căn làm ranh giới ư? Hay nhân nơi thanh trần mà sinh ra, và lấy thanh trầnlàm ranh giới? Này A Nan! Nếu nhĩ thức nhân nơi nhĩ căn sinh ra, mà không có mặt hai tướng động và tĩnh, thì cái biết nơi nhĩ căn không có, vì thanh trần đã không có; cái biết đã không thành thì làm gì có nhĩ thức? Nếu bảo là lỗ tai nghe, nhưng không có động, tĩnh, thì cái nghe cũng không có; làm sao đem cái tai lầm lẫn với sắc tướng của thân căn đối với xúc trần, mà gọi đó là nhĩ thức giới? Và như thế thì nhĩ thứcgiới do đâu mà lập ra? Nếu nhĩ thức do nơi thanh trần mà sinh ra, có nghĩa là thức do thanh trần mà có, thì chẳng quan hệ gì tới cái nghe; đã không nghe thì thanh trần cũng không có mặt, làm sao sinh ra thức? Lại nữa, cho rằng nhĩ thức phát sinh từ thanh trần, mà thanh trần thì nhân cái nghe mà có tướng; như vậy, khi nghe cũng phải nghe được nhĩ thức chăng? Không nghe được nhĩ thức thì thanh trần không phải là giới của nhĩ thức; nếu nghe được thì nhĩ thức đồng với thanh trần. Đã nghe được nhĩ thức, thì cái gì có thể biết được sự “đã nghe” ấy? Nếu không có cái gì biết được sự nghe được nhĩ thức, thì cũng không biết được sự nghe được thanh trần; vậy thì, con người rốt cuộc cũng thuộc loại vô tình như cây cỏ! Cũng không nên bảo rằng thanh trần và nhĩ căn trộn lẫn mà làm thành cái khu vực ở giữa. Khu vực ở giữa đã không có thì các tướng nội căn và ngoại trần do đâu mà thành? Bởi vậy nên biết: nhĩ căn duyên với thanh trần sinh ranhĩ thức giới, cả ba chỗ đều không; có nghĩa là, cả nhĩ giới, thanh giới nhĩ thức giới vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Này A Nan! Lại như thầy đã bày tỏ: tị căn duyên với hương trần sinh ra tị thức. Cái thức này nhân nơi tị căn mà sinh ra, và lấy tị căn làm giới vức ư? Hay nhân nơi hương trần mà sinh ra, và lấy hương trần làm giới vức? Này A Nan! Nếu tị thức nhân nơi tị căn mà sinh ra, thì theo ý thầy, cái gì là tị căn? Đó là cái mũi thịt có hình tướng như đôi móng tay ở trên mặt, hay là cái tánh ngửi biết lay động? Nếu cho rằng cái mũi thịt là tị căn, thì chất thịt thuộc về thân căn, và cái biết của thân là xúc. Đã gọi là thân căn thì không phải là tị căn, đã gọi là xúc thì đó là xúc trần đối với thân căn; như vậy thì cái tên tị căn còn không có, huống gì là tị thức giới, do đâu mà thành lập? Nếu cho rằng cái tánh ngửi biết là tị căn, thì theo ý thầy, cái gì ngửi biết? Nếu cái mũi thịt ngửi biết, thì cái biết của chất thịt nguyên là cảm xúc, không phải tị căn. Nếu cho rằng cái khoảng không trong lỗ mũi ngửi biết, thì hư không tự biết, còn phần thịt ở lỗ mũi tất là không biết; như vậy, lẽ ra hư không phải là thầy, mà thân thầy không biết, thì phải chăng thầy A Nan hiện tại không có ở đâu cả? Nếu bảo rằng mùi hương ngửi biết, thì cái biết ấy thuộc về hương trần, đâu có can dự gì đến thầy? Nếu các mùi thơm, thối do tị căn của thầy sinh ra, thì mùi thơm kia không phải phát sinh từ cây chiên-đàn, và mùi thối kia cũng không phải phát sinh từ cây y-lan. Khi hai loại cây kia không tới, thầy tự ngửi lỗ mũi của thầy, là thơm hay thối? Nếu thối thì không thơm; nếu thơm thì không thối. Nếu cả hai mùi thơm và thối đều cùng ngửi được cả, thì một mình thầy mà có đến hai tị căn ư? Và đối trước Như Lai để hỏi đạo phải có hai A Nan, vậy A Nan nào là tự thể của thầy? Nếu tị căn là một thì thơm, thối không phải hai; thối đã thành thơm, thơm đã thành thối, tức cả hai tánh thơm thối đều lấn đoạt nhau mà cùng tiêu mất, vậy do đâu mà lập được giới vức của tị thức? Nếu tị thức nhân nơi hương trần mà sinh ra, tức là thức này đã do hương trần mà có, thì lẽ ra không biết được hương trần; cũng giống như cái thấy do con mắt sinh ra thì không thể thấy ngược lại con mắt. Nếu biết được hương trần thì tị thức không phải do hương trần sinh ra; và nếu không biết được hương trần thì không phải là tị thức. Hương trần mà không có tị thứcngửi biết thì không có, cho nên giới vức của hương trần không thể lập được; tị thức mà không ngửi biết hương trần, thì giới vức của nó không phải do từ hương trần mà lập nên. Đã không do tị căn sinh ra, cũng không do hương trần sinh ra, thì cái giới vức của tị thức ở trung gian không có; giới vức của tị thức ở trung gian đã không có thì giới vức của tị căn bên trong và giới vức của hương trần bên ngoài cũng không thành; và các thứ ngửi biết kia rốt ráo đều là hư vọng. Bởi vậy nên biết: tị căn duyên với hương trần sinh ra tị thức giới, cả ba chỗ đều không; có nghĩa là, cả tị giới, hương giới tị thức giới vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Này A Nan! Lại như thầy đã bày tỏ: thiệt căn duyên với vị trần mà sinh ra thiệt thức. Cái thức này nhân nơi thiệt căn mà sinh ra, và lấy thiệt căn làm giới vức ư? Hay nhân nơi vị trần mà sinh ra, và lấy vị trần làm giới vức? Này A Nan! Nếu thiệt thức nhân nơi thiệt căn mà sinh ra, thì ở trong thế gian, tất cả các loạivị như vị ngọt của mía, vị chua của ô-mai, vị đắng của hoàng-liên, vị mặn của muối, vị cay của tế-tân, gừng, quế vân vân, đều không có vị; vậy thầy hãy tự nếm cái lưỡi của thầy xem nó là ngọt hay đắng? Nếu cái lưỡi là đắng, thì cái gì đã nếm cái lưỡi? Cái lưỡi đã không tự nếm nó được, thì cái gì hay biết? Nếu lưỡi không phải đắng, tức là lưỡi không có vị, thì vị tự nhiên không sinh trên lưỡi, làm sao có thể lập được giới vức của thiệt thức? Nếu thiệt thức nhân nơi vị trần mà sinh ra, thì tự nhiên nó chính là vị rồi, đồng với thiệt căn, lẽ ra nó không thể tự nếm được! Đã không tự nếm được thì làm sao biết có vị hay không có vị? Vả lại, tất cả các loại vị trần không phải chỉ do một vật sinh ra. Vị trần đã do nhiều vật sinh ra, thì thiệt thứcdo vị trần sinh ra cũng phải có nhiều tự thể. Nếu tự thể của thiệt thức chỉ có một, và tự thể ấy quả thật do vị trần sinh ra, thì các vị mặn, nhạt, ngọt, cay vân vân, dù là hòa hợp, hay sinh ra cùng lúc, hoặc đổi khác, các vị khác nhau ấy phải chỉ là một vị, không có sự phân biệt! Đã không có phân biệt thì không gọi được là thức; làm sao nói được là thiệt giới, vị giới và thiệt thức giới? Chẳng lẽ hư không đã sinh ra thức của thầy? Nếu nói rằng thiệt căn hòa hợp với vị trần mà sinh ra thiệt thức, đã là hòa hợp thì không có tự tánh, lấy gì để thành lập thiệt thức giới? Bởi vậy nên biết: thiệt căn duyên với vị trần sinh ra thiệt thức giới, cả ba chỗ đều không; có nghĩa là, cả thiệt giới, vị giới thiệt thức giới vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Này A Nan! Lại như thầy đã bày tỏ: thân căn duyên với xúc trần sinh ra thân thức. Thức này nhân nơi thân căn mà sinh ra, và lấy thân căn làm giới vức chăng? Hay nhân nơi xúc trần mà sinh ra, và lấy xúc trần làm giới vức? Này A Nan! Thân thức nếu nhân nơi thân căn mà sinh ra, mà không có hai thứ cảm xúchợplìa làm trợ duyên sinh ra sự hiểu biết, thì thân căn đâu có biết gì? Nếu nhân nơi xúc trần mà sinh ra mà không có cái thân của thầy, thì có ai không có thân mà biết được các cảm xúc hợp, lìa? Này A Nan! Vật không thể tự xúc mà thành biết, phải hợp với thân mới biết có cảm xúc. Cái biết ấy, nếu biết về thân căn tức chỉ do xúc trần sinh ra, không có thân căn dự vào; nếu biết về xúc trần tức chỉ do thân căn sinh ra, không có xúc trần dự vào. Cả hai tướng thân căn và xúc trần vốn không có xứ sở đối lập trong ngoài. Nếu xúc trần hợp với thân căn thì cùng thân căn làm một tự thể; nếu rời thân căn thì xúc trần cũng đồng như các tướng khác trong hư không. Nội căn ngoại trần đã không thành thì làm sao lập được cái thức ở giữa? Cái thức ở giữa đã không lập được thì cái tính của nội căn, ngoại trần cũng rỗng không; vậy cái thức của thầy căn cứ vào đâu mà lập giới vức? Bởi vậy nên biết: thân căn duyên với xúc trần sinh ra thân thức giới, cả ba chỗ đều không; có nghĩa là, cả thân giới, xúc giới thân thức giới vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Này A Nan! Lại như thầy đã bày tỏ: ý căn duyên với pháp trần sinh ra ý thức. Cái thức này nhân nơi ý căn mà sinh ra, và lấy ý căn làm giới vức ư; hay nhân nơi pháp trần mà sinh ra, và lấy pháp trần làm giới vức? Này A Nan! Nếu ý thức nhân nơi ý căn mà sinh ra, thì chắc chắn là trong ý căn của thầy phải có pháp trần, mới phát hiện rõ cái ý suy nghĩ của thầy; nếu không có pháp trần hiện tiền thì ý căn không sinhra được. Ý căn mà lìa pháp trần thì không còn có hình tướng nữa, vậy ý thức sẽ dùng vào đâu? Vả lại, ý thức và ý căn suy lường của thầy cùng có tánh phân biệt rõ ràng, vậy căn và thức là đồng nhau hay khác nhau? Nếu ý thức đồng với ý căn, thì ý thức tức là ý căn, làm sao nói là ý thức nhân nơi ý căn mà sinh ra? Nếu ý thức khác với ý căn thì lẽ ra không có hiểu biết; nếu không có hiểu biết thì làm sao nói là do ý cănsinh ra? Còn nếu có hiểu biết thì sao lại còn phân chia có ý thức và ý căn? Vậy là cả hai tánh đồng nhau và khác nhau đều không thành, thế thì giới vức của ý thức cũng không thành lập được! Nếu ý thức nhân nơi pháp trần mà sinh ra, mà các pháp trong thế gian không ra ngoài năm trần, thầy hãy quán sát các pháp sắc, thanh, hương, vị và xúc, mỗi mỗi tướng trạng phân minh, là đối tượng của năm căn nhãn, nhĩ, tị, thiệt và thân, không thuộc phần thu nhiếp của ý căn. Nếu ý thức của thầy nhất định là do nơi pháp trần mà sinh ra, thì giờ đây thầy hãy quán sát thật kĩ, các pháp của pháp trần hình trạng như thế nào? Nếu pháp trần mà xa rời các tướng sắc, không, động, tĩnh, thông, bít, hợp, lìa, sinh, diệt, vân vân của năm trần thì không có tự thể riêng biệt. Pháp trần sinh thì các pháp sắc, không, vân vân của năm trần đồng sinh; pháp trần diệt thì các pháp sắc, không, vân vân của năm trần đồng diệt. Cái nhân pháp trần đã không có tự thể, thì ý thức do cái nhân ấy sinh ra làm sao có hình tướng gì? Và pháp trần, tướng trạng đã không có thì làm sao sinh ra giới vức của ý thức? Bởi vậy nên biết: ý căn duyên với pháp trần sinh ra ý thức giới, cả ba chỗ đều không; có nghĩa là, cả ý giới, pháp giới ý thức giới vốn không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên.

Đại đức A Nan bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn thường dạy về lẽ “nhân duyên hòa hợp” rằng, tất cả vạn pháp biến hóaở thế gian đều do bốn đại hòa hợp mà phát sinh. Tại sao bây giờ đức Thế Tôn lại bác bỏ cả hai tánh nhân duyên và tự nhiên? Con thật không hiểu nghĩa lí ấy như thế nào, cúi xin đức Thế Tôn thương xót, khai thị cho chúng sinh cái nghĩa lí trung đạo(93), dứt hết các điều hí luận(94).

Bấy giờ đức Phật bảo đại đức A Nan rằng:

– Thầy trước đã nhàm chán pháp tiểu thừa của hàng Thanh-văn, Duyên-giác, mà phát tâm tha thiết cầu pháp bồ đề vô thượng, bây giờ Như Lai sẽ khai thị cho thầy rõ về “đệ nhất nghĩa đế”. Tại sao đến giờ này thầy vẫn đem những nhân duyên vọng tưởng, những hí luận của thế gian để tự trói buộc mình? Thầy tuy nghe pháp được nhiều, nhưng giống như người chỉ giỏi nói tên các vị thuốc, khi có thuốc tốt ngay trước mặt thì lại không phân biệt được; đó là người thật đáng thương xót! Giờ đây thầy hãy nghe cho kĩ, Như Laisẽ vì thầy mà chỉ bày rõ ràng; và không riêng gì thầy, những lời chỉ bày của Như Lai hôm nay cũng nhằm giúp cho đời sau, những người tu pháp đại thừa được thấu suốt thật tướng thanh tịnh của vạn pháp.

Đại đức A Nan lặng yên, đợi nghe thánh giáo của Phật.

– Này A Nan! Như thầy đã nói: do bốn đại hòa hợp mà phát sinh ra mọi hiện tượng biến hóa ở trong thế gian. A Nan! Nếu tánh của bốn đại kia không phải là tánh hòa hợp, thì đại này không thể hòa lẫn với các đại khác; cũng giống như hư không không hòa hợp được với các sắc tướng. Nếu tánh của chúng là hòa hợpthì đồng với mọi thứ biến hóa, thỉ chung làm thành nhau, sinh diệt nối tiếp, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, sinh sinh diệt diệt, như vòng lửa quay tròn, chưa hề ngưng nghỉ. A Nan! Hiện tượng đó cũng giống như nước đóng thành băng, rồi băng trở lại thành nước.

Thầy hãy quán sát tánh của ĐỊA ĐẠI: lớn là đất liền, nhỏ là vi-trần, nhỏ nữa là lân-hư-trần (tức là đem hạt vi-trần chẻ nhỏ thành bảy phần, gọi là cực-vi-trần; lại chẻ hạt cực-vi-trần này ra làm bảy phần nữa, gọi là hạt lân-vi-trần), đó là đơn vị nhỏ cùng tột của sắc tướng; nếu lại đem lân hư trần mà chia chẻ nữa thì thành ra hư không. Như vậy, này A Nan, nếu chia chẻ lân hư trần biến thành hư không, thì biết rằng, hư khôngsinh ra được sắc tướng! Nay thầy nói rằng, do hòa hợp mà sinh ra các tướng biến hóa trong thế gian, thì thầy hãy xét một hạt lân hư trần, phải dùng bao nhiêu hư không hợp lại mới có? Không lẽ lân hư trần hợp lại thành lân hư trần! Lại nữa, lân hư trần đã có thể chia chẻ thành hư không, thì phải dùng bao nhiêu sắc tướng để hợp thành hư không? Nếu sắc pháp hợp lại, thì hợp sắc pháp chỉ có thể thành sắc pháp, không thể thành hư không. Giả sử như hư không có thể hợp lại được, thì hợp hư không chỉ có thể thành hư không, không thể thành sắc pháp. Sắc pháp còn có thể chẻ được, chứ hư không thì không thể hợp được.

Thầy vốn không biết hay sao? Ở trong như lai tạng, tánh của sắc(95) là chân không, tánh của không là chân sắc, xưa nay vốn thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, tùy theo căn tánh và lượng hiểu biết của chúng sinh mà khởi hiện các tướng trạng sai khác. Sắc tùy nghiệp cảm mà phát hiện, nhưng thế gian không biết, lầm cho là nhân duyên, hoặc là tự nhiên; đó đều là những phân biệt, so đo của tâm thức, chỉ là lời nóithường tình, hoàn toàn không có ý nghĩa chân thật.

Này A Nan! Tánh của HỎA ĐẠI không có tự thể, nhờ nơi các duyên mà phát hiện. Thầy hãy xem các nhà ở trong kinh thành, khi muốn có lửa để nấu cơm, người ta cầm cái kính dương-toại(96), đưa thẳng trước ánh nắng mặt trời mà lấy lửa. A Nan! Phàm gọi là hòa hợp, thì như hiện nay, Như Lai cùng với thầy, và 1.250 thầy tì kheo hợp lại thành một chúng; chúng tuy chỉ có một, nhưng xét từ gốc rễ, mỗi người trong cái chúng ấy đều có thân thể, nơi sinh, tên tuổi, gia tộc riêng, như thầy Xá Lợi Phất thuộc dòng Bà-la-môn, thầy Ưu Lâu Tần Loa thuộc họ Ca-diếp-ba, thầy A Nan thuộc tộc Cù-đàm, vân vân.

Này A Nan! Nếu lửa do sự hòa hợp mà có, thì khi người kia cầm cái kính đưa thẳng lên ánh nắng mặt trờiđể lấy lửa, lửa ấy là từ trong cái kính phát ra, hoặc từ cục bùi nhùi mà có, hay từ mặt trời mà đến? A Nan! Nếu lửa ấy từ mặt trời đến, nó đã đốt cháy cục bùi nhùi trong tay (mà không cần cái kính), thì bao nhiêu rừng cây mà ánh nắng mặt trời chiếu qua, lẽ ra đều phải bị đốt cháy hết cả chứ? Nếu lửa ấy từ cái kính phát ra, thì tự trong cái kính đã sẵn có lửa để phát ra đốt cháy cục bùi nhùi trong tay (mà không cần mặt trời), vậy tại sao cái kính bằng đồng mà không bị sức nóng làm cho chảy ra? Vả lại, ngay bàn tay cầm cái kính còn không thấy nóng, thì làm sao cái kính có thể bị chảy được! Nếu lửa ấy là do nơi cục bùi nhùi mà có, thì cần gì phải nhờ cái kính tiếp nhận ánh nắng mặt trời, sau đó mới sinh ra lửa? Thầy hãy quán sátcho kĩ, cái kính thì do tay cầm, mặt trời thì ở trên không trung, bùi nhùi thì do đất sinh ra, vậy lửa đã từ phương nào đến để đậu trên cục bùi nhùi? Vả lại, mặt trời và cái kính ở cách nhau rất xa, không có hòa, không có hợp, chẳng lẽ lửa kia không do đâu mà tự nhiên có?

Thầy vốn không biết hay sao? Ở trong như lai tạng, tánh của hỏa là chân không, tánh của không là chân hỏa, xưa nay vốn thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, tùy theo căn tánh và lượng hiểu biết của chúng sinh mà khởi hiện các tướng trạng sai khác. A Nan! Thầy nên biết, ở trong thế gian, hễ một chỗ có người cầm kính thì một chỗ có lửa, khắp thế giới cầm kính thì khắp thế giới bốc lửa; lửa dậy khắp thế gian, đâu có phương sở nhất định nào! Lửa tùy theo nghiệp cảm mà phát hiện, nhưng thế gian không biết, lầm cho là nhân duyên, hoặc là tự nhiên, đó đều là những phân biệt, so đo của tâm thức, chỉ là lời nói thường tình, hoàn toàn không có ý nghĩa chân thật.

Này A Nan! Tánh của THỦY ĐẠI là không nhất định, khi tuôn chảy, khi đứng lặng, không chừng. Như trong thành Thất-la-phiệt, các ông đạo sĩ Ca Tì La, Chước Ca La, và các nhà đại ảo thuật Bát Đầu Ma, Ha Tát Đa, vân vân, muốn luyện tinh thái-âm(97) để hòa vào các thứ thuốc ảo thuật, thì những ông ấy, vào đêm Rằm trăng sáng như ban ngày, tay cầm ngọc phương-chư(98) để lấy nước trong ánh sáng trăng. Vậy, nước ấy là từ mặt trăng mà đến, hoặc từ trong hạt ngọc mà ra, hay từ hư không mà có? Này A Nan! Nếu nước ấy từ mặt trăng đến, mặt trăng ở thật xa mà còn có thể làm cho hạt ngọc chảy nước ra, thì bao nhiêu rừng cây mà ánh sáng trăng chiếu qua, lẽ ra đều phải chảy nước ra; và nếu như thế thì bất cứ chỗ nào cũng có thể lấy nước từ mặt trăng, đâu phải đợi có ngọc phương-chư mới lấy được nước? Nếu cây rừng không chảy ra nước, thì rõ ràng nước ấy không phải từ mặt trăng mà đến! Nếu nước ấy từ hạt ngọctiết ra, thì trong hạt ngọc luôn luôn phải có nước chảy ra, tại sao phải đợi đến đêm Rằm trăng sáng như ban ngày mới lấy được nước? Nếu nước ấy từ hư không sinh ra, hư không là vô biên thì nước sẽ không bờ bến, vậy thì tất cả trời và người đều bị ngập chìm hết trong biển nước mênh mông, tại sao lại còn có các loài khác nhau như ở dưới nước, trên đất bằng, và trên hư không? Thầy hãy quán sát cho kĩ, mặt trăng thì đi qua trên bầu trời, hạt ngọc thì được cầm trong tay người, cái mâm hứng nước từ hạt ngọc thì do người sắp đặt, vậy nước kia từ phương nào đã đến nơi hạt ngọc để chảy ra? Mặt trăng và hạt ngọc ở cách nhau rất xa, không phải hòa, không phải hợp, chẳng lẽ nước tinh thái-âm kia không do đâu mà tự có ra!

Thầy vốn không biết hay sao? Ở trong như lai tạng, tánh của thủy là chân không, tánh của không là chân thủy, xưa nay vốn thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, tùy theo căn tánh và lượng hiểu biết của chúng sinh mà khởi hiện các tướng trạng sai khác. Hễ một chỗ có người cầm hạt ngọc thì một chỗ có nước chảy ra, khắp thế giới cầm ngọc thì khắp thế giới tuôn nước; nước tràn khắp thế gian, đâu có phương sở nhất định nào! Nước tùy theo nghiệp cảm mà phát hiện, nhưng thế gian không biết, lầm cho là nhân duyên, hoặc là tự nhiên, đó đều là những phân biệt, so đo của tâm thức, chỉ là lời nói thường tình, hoàn toàn không có ý nghĩa chân thật.

Này A Nan! PHONG ĐẠI không có tự thể, khi động khi tĩnh bất thường. Thầy thường mặc y tăng-già-lê(99) đi vào chỗ đại chúng, gấu y lay động chạm vào người đang ngồi bên lối đi, gây ra làn gió nhẹ, phất qua mặt người kia. Làn gió ấy phát ra từ gấu y ca-sa(100), hay từ hư không, hoặc do mặt người kia sinh ra? Này A Nan! Nếu gió ấy là do gấu y ca-sa phát ra, thì chính thầy đã mặc cả gió, và chiếc y lẽ ra phải bay tung ra khỏi thân thể thầy. Như Lai hiện đang thuyết pháp, ngay trong pháp hội này, Như Lai rũ y xuống, thầy thử xem trong chiếc y của Như Lai, gió ở chỗ nào? Không lẽ ở trong y lại có chỗ chứa gió? Nếu gió ấy sinh ra từ hư không, thì khi y của thầy không lay động, sao không phất gió? Tánh của hư khônglà thường còn, thì gió phải thường sinh ra; khi không có gió thì chứng tỏ là hư không đã diệt mất. Gió tiêu mất thì có thể thấy biết được, còn hư không diệt mất thì hình trạng như thế nào? Vả lại, đã có sinh có diệt thì không gọi là hư không; đã gọi là hư không thì làm sao phát sinh ra gió được? Giả sử gió ấy sinh ra từ mặt người kia, gió đã sinh ra từ mặt người kia thì lẽ ra phải phất vào thầy, tại sao thầy mặc y mà gió sinh ra từ mặt người kia lại phất ngược lại người kia? Thầy hãy quán sát cho kĩ, mặc y là thầy, cái mặt thì thuộc người kia, hư không thì yên tĩnh, không hề lay động, vậy gió từ phương nào mà chuyển động đến đó? Tánh của hư không là tĩnh, tánh của gió là động, cách biệt nhau, không phải hòa, không phải hợp; không lẽ gió kia không do đâu mà tự có?

Thầy vốn không biết hay sao? Ở trong như lai tạng, tánh của phong là chân không, tánh của không là chân phong, xưa nay vốn thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, tùy theo căn tánh và lượng hiểu biết của chúng sinhmà khởi hiện các tướng trạng sai khác. A Nan! Một mình thầy lay động nhẹ y phục thì sinh một làn gió nhẹ, khắp pháp giới phe phảy y phục thì gió phát sinh đầy khắp pháp giới. Phong đại trùm khắp thế gian, không có nơi chốn nhất định nào, tùy nghiệp cảm mà phát hiện; nhưng thế gian không biết, lầm cho là nhân duyên, hoặc là tự nhiên, đó đều là những phân biệt, so đo của tâm thức, chỉ là lời nói thường tình, hoàn toàn không có ý nghĩa chân thật.

Này A Nan! Tánh của KHÔNG ĐẠI là vô hình, nhân nơi sắc tướng mà hiển hiện. Như trong thành Thất-la-phiệt này, những người trong các dòng Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Tì-xá, Thủ-đà, kể cả họ Phả-la-đọa hay dân Chiên-đà-la(101), ở xa sông, khi cất nhà mới, họ phải đào giếng để lấy nước. Đào lên được một thước đất thì trong đó có một thước hư không; cứ như thế, cho đến khi đào lên được một trượng đất thì trong đó có một trượng hư không; tùy theo số đất đào lên được ít hay nhiều mà khoảng hư không trở nên cạn hay sâu. Vậy thì hư không ấy là nhân nơi đất mà sinh ra, nhân nơi đào mà có, hay không do đâu cả mà nó tự phát sinh? Này A Nan! Nếu khoảng hư không ấy không do đâu cả mà nó tự phát sinh, thì khi chưa đào đất sao chỗ đó không trống rỗng, mà chỉ thấy toàn đất liền, không chỗ nào thông suốt? Nếu nó do đất sinh ra, thì khi đào đất lên, lẽ ra phải thấy hư không xuất ra từ chung quanh vách giếng mà tràn vào trong giếng; nếu đất đã đào lên rồi mà không thấy hư không vào giếng, làm sao bảo là hư không nhân nơi đất mà sinh ra? Nếu không ra không vào thì hư không và đất vốn không khác nhau, tức đồng một thể không phân cách; và như thế thì khi đất được đào ra thì tại sao hư không lại không cùng ra theo? Nếu nhân đào mà có hư không, thì lẽ ra khi đào chỉ ra hư không mà không ra đất chứ? Nếu hư không không do đào mà có thì khi đào giếng chỉ có đất được đào ra, tại sao lại đào đến đâu thì thấy có hư không đến đó? Thầy hãy quán xét cho thật kĩ càng: Đào là do tay người, theo phương hướng mà vận chuyển, đất thì từ nơi đất liền mà dời đi, như vậy thì hư không từ đâu mà ra? Động tác đào và hư không, một cái thật một cái hư, không tác dụnglẫn nhau, không phải hòa, không phải hợp, chẳng lẽ hư không không do đâu mà tự có!

Như hư không ấy, bản tánh vốn không lay động, tròn đầy cùng khắp, thì giờ đây thầy phải biết rằng, cả hư khôngđất, nước, lửa, gió, cùng gọi là “năm đại”, bản tánh vốn chân thật viên dung, không sinhkhông diệt, đều là như lai tạng. Này A Nan! Tâm thầy mê muội, không tỏ ngộ bốn đại vốn là như lai tạng. Thầy hãy quán sát khoảng hư không thấy được khi đào giếng, nó do đào đất mà ra chăng? Nó do dời đất đi mà vào chăng? Hay nó không ra không vào gì cả?

Thầy hoàn toàn không biết rằng, ở trong như lai tạng, tánh giác là chân không, tánh không là chân giác, xưa nay vốn thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, tùy theo căn tánh và lượng hiểu biết của chúng sinh mà khởi hiện các tướng trạng sai khác. A Nan! Như một nơi đào giếng thì hư không thấy được là khoảng hư khôngsinh ra trong một cái giếng; cả mười phương đào giếng thì hư không thấy được cũng giống như vậy. Không đại đầy khắp mười phương, đâu có nơi chốn nhất định nào, tùy nghiệp cảm mà phát hiện; nhưng thế gian không biết, lầm cho là nhân duyên, hoặc là tự nhiên, đó đều là những phân biệt, so đo của tâm thức, chỉ là lời nói thường tình, hoàn toàn không có ý nghĩa chân thật.

Này A Nan! Thể tánh của KIẾN ĐẠI(102) vốn không có năng tri và sở tri, nhân nơi các thứ sắc, không mà có. Như hiện nay thầy đang ở tại rừng Kì-đà, sớm mai mặt trời mọc thì sáng, đến chiều mặt trời lặn thì tối; đến nửa đêm, gặp đêm có trăng thì sáng, đêm không có trăng thì tối. Các tướng sáng, tối ấy là do cái thấy mà tỏ rõ. Mà cái thấy này cùng với các tướng sáng, tối, và cả hư không, là đồng một thể, hay không đồng một thể? Hoặc cũng đồng cũng không phải đồng ư? Hoặc cũng khác cũng không phải khác ư?

Này A Nan! Nếu cái thấy đó cùng với sáng, tối và hư không vốn đồng một thể, mà cái sáng và cái tối thì tiêu diệt lẫn nhau: khi tối thì không sáng, khi sáng thì không tối. Và như vậy, nếu cái thấy cùng một thể với cái tối, thì khi sáng, cái thấy ấy phải tiêu mất cùng với cái tối; nếu cùng một thể với cái sáng, thì khi tối, cái thấy ấy phải tiêu mất cùng với cái sáng! Mà cái thấy đã diệt mất rồi thì làm sao còn thấy được sáng, thấy được tối? Nếu sáng và tối, cái sinh cái diệt khác nhau, còn cái thấy không sinh không diệt, thì làm sao cùng đồng một thể được?

Nếu cái thấy đó không đồng một thể với cái sáng và cái tối, thì lìa ngoài cái sáng, cái tối và hư không ra, thầy hãy phân tích xem, cái thấy ấy nguyên có hình tướng ra sao? Lìa ra ngoài cái sáng, cái tối và hư không, cái thấy cũng đồng như lông rùa sừng thỏ; nếu tách rời khỏi cái sáng, cái tối và hư không, thì cái thấy do đâu mà lập được?

Cái sáng và cái tối trái ngược nhau, sao lại nói là “đồng”? Rời khỏi cái sáng, cái tối và hư không thì không có cái thấy, sao lại nói là “không phải đồng”? Giữa hư không và cái thấy không có ranh giới bờ mé, sao lại nói là “khác”? Thấy sáng và thấy tối, sáng và tối thì sinh diệt, cái thấy thì thường trú, hai bên sinh diệt và thường trú không lẫn lộn, sao lại nói là “không phải khác”? Thầy hãy suy xét thật kĩ, thật chín chắn, tường tận: tướng sáng là từ mặt trời, tướng tối là do đêm không trăng, tướng thông suốt thuộc về hư không, tướng ngăn bít thuộc về đất liền; như vậy thì cái thấy do đâu mà phát sinh? Cái thấy thì có hay biết, hư không thì không biết gì, không phải hòa, không phải hợp, chẳng lẽ cái thấy không do đâu mà tự có?

Như thấy nghe hay biết, bản tánh của chúng tròn đầy cùng khắp, vốn không lay động. Phải biết rằng, hư không vô biên không lay động, và bốn yếu tố lay động là đất, nước, lửa, gió, cùng với cái thấy này, gồm chung gọi là “sáu đại”; thể tánh chân thật viên dung, vốn không sinh diệt, đều là biểu hiện của như lai tạng. Này A Nan! Tâm tánh của thầy còn mê mờ, không tỏ ngộ được những sự thấy nghe hay biết của thầy vốn là như lai tạng! Thầy hãy quán sát xem: những sự thấy nghe hay biết ấy là sinh hay diệt? Là đồng hay khác? Hay là không phải sinh, không phải diệt? Hoặc là không phải đồng, không phải khác?

Thầy chưa từng biết rằng, ở trong như lai tạng, tánh của kiến đại là giác minh, tánh giác minh hiển lộ ra cái thấy sáng suốt, xưa nay vốn thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, tùy theo căn tánh và lượng hiểu biết của chúng sinh mà khởi hiện các tướng trạng sai khác. Như nơi nhãn căn, cái thấy trùm khắp pháp giới, thì cái nghe nơi nhĩ căn, cái ngửi nơi tị căn, cái nếm nơi thiệt căn, cái xúc nơi thân căn, cái tri giác nơi ý căn, cũng đều là những công năng mầu nhiệm, sáng rỡ, trùm khắp pháp giới, tròn đầy mười phương hư không, đâu có nơi chỗ nhất định nào, tùy nghiệp cảm mà phát hiện; nhưng thế gian không biết, lầm cho là nhân duyên, hoặc là tự nhiên, đó đều là những phân biệt, so đo của tâm thức, chỉ là lời nói thường tình, hoàn toàn không có ý nghĩa chân thật.

Này A Nan! THỨC ĐẠI không có nguồn gốc, nhân nơi sáu thứ căn trần mà giả tạm phát sinh. Bây giờ thầy hãy nhìn khắp thánh chúng trong pháp hội này. Mắt thầy ngó lướt qua, cùng khắp, như hình ảnh trong gương, không mảy may phân biệt. Rồi thầy hãy dùng cái thức của thầy, tuần tự nhận rõ ra, đây là Văn Thù, đây là Phú Lâu Na, đây là Mục Kiền Liên, đây là Tu Bồ Đề, đây là Xá Lợi Phất. Cái thức phân biệt biết rõ đó là sinh ra từ cái thấy, từ các tướng, hay từ hư không? Hoặc không do đâu cả mà bỗng nhiên phát sinh?

Này A Nan! Nếu cái thức của thầy do cái thấy sinh ra, như không có các tướng sáng, tối, sắc và không thì không có cái thấy của thầy; cái thấy không có thì thức do đâu mà sinh? Nếu cái thức của thầy do các tướng sinh ra chứ không phải do cái thấy, thì không thấy sáng cũng không thấy tối; sáng và tối đã không thấy thì cũng không có sắc và không. Các tướng sáng, tối, sắc, không kia không có thì thức do đâu mà sinh? Nếu cái thức ấy sinh từ hư không, mà không phải do cái thấy hoặc các tướng, như vậy, nếu khôngcó cái thấy thì không có tánh phân biệt, tự nhiên không thể biết được các tướng sáng, tối, sắc, không; nếu không có các tướng thì không có các duyên, vậy thì cái thấy, nghe, hay, biết do đâu mà thành lập? Lại nữa, nếu thức phát sinh không phải từ cái thấy (căn), không phải từ các tướng (trần), mà phát sinh từ hư không, thì hư không cũng đồng như không có gì hết, vậy làm sao sinh ra thức? Nếu bảo hư không là có, cái có đó cũng không đồng như sự vật có, thì làm sao sinh ra thức? Giả sử hư không có thể sinh ra cái thức của thầy, mà các tướng đã diệt, thì thầy đem cái thức ấy ra để phân biệt cái gì? Nếu không do đâu cả mà cái thức bỗng nhiên phát sinh, thì tại sao đang giữa ban ngày, cái thức không bỗng nhiên đặc biệt phát sinh để biết trăng sáng?

Thầy hãy suy xét thật chín chắn, kĩ càng, cái thấy thì gá vào con mắt của thầy, các tướng thì trả về trần cảnh, cái gì có thể hình dung ra được thì thành ra có, cái gì không có hình tướng thì thành ra không, như thế thì cái thức do đâu mà ra? Thức thì lay động, cái thấy thì đứng lặng, không phải hòa, không phải hợp, cho đến các sự thấy, nghe, hay, biết cũng đều như vậy; không lẽ cái thức không do đâu mà tự phát sinh? Nếu cái thức đó vốn không do đâu, thì nên biết rằng, thức đại liễu biệt cùng với kiến đại thấy nghe hay biết vốn tròn đầy trong lặng, không do duyên sinh; luôn cả hư không và đất, nước, lửa, gió, gọi chung là “bảy đại”, bản tánh chân thật viên dung, vốn không sinh diệt, đều là biểu hiện của như lai tạng. Này A Nan! Tâm của thầy còn nông cạn, không tỏ ngộ thức và căn vốn đều là như lai tạng. Thầy hãy quán sát xem, sáu thức là đồng hay khác? Là không hay có? Là không phải đồng hay không phải khác? Là không phải không hay không phải có?

Thầy vốn không biết rằng, ở trong như lai tạng, tánh của thức là thấy biết chân thật sáng suốt, biết rõ chân thật là chân tánh của thức, là cái biết nhiệm mầu vắng lặng, trùm khắp pháp giới, ẩn hiện khắp mười phương hư không, không có nơi chốn nhất định, tùy nghiệp cảm mà phát hiện; thế gian không biết, lầm cho là nhân duyên, hoặc là tự nhiên, đó đều là những phân biệt, so đo của tâm thức, chỉ là lời nói thường tình, hoàn toàn không có ý nghĩa chân thật.

Lúc bấy giờ đại đức A Nan cùng cả đại chúng, nhờ được đức Phật khéo léo chỉ dạy mà thân tâm hết sạch vướng mắc, không còn điều gì chướng ngại. Mỗi người trong đại chúng đều tự biết tâm mình trải khắp mười phương; thấy mười phương hư không như thấy chiếc lá trong bàn tay; tất cả mọi vật trong thế gianđều là tâm bồ đề nhiệm mầu sáng suốt; chân tâm tinh thuần, tròn đầy trùm khắp, hàm chứa mười phươngpháp giới; nhìn lại cái thân do cha mẹ sinh ra, cũng giống như một hạt bụi nhỏ trong hư không mười phương, như có như không, như một cái bọt nước nổi trôi trong biển cả lắng trong, khởi mà không từ đâu đến, diệt mà không đi về đâu. Đại đức A Nan cùng cả đại chúng tự nhận biết được một cách rõ ràng cái tâm bản giác nhiệm mầu, thường trụ bất diệt. Đại đức A Nan được điều chưa từng có, bèn đảnh lễ đức Phật, rồi chắp tay cung kính, nói bài kệ tán thán đức Phật rằng:

Kính lạy Đức Thế Tôn
Bậc tổng trì bất động
Bậc tĩnh lặng nhiệm mầu
Nói pháp Thủ Lăng Nghiêm
Trong đời thật hiếm có
Khiến chúng con dứt sạch
Bao vọng tưởng đảo điên
Từ muôn vàn ức kiếp
Không trải a tăng kì
Mà ngộ được pháp thân
Nay con nguyện chứng quả
Thành được bậc Bảo-vương(103)
Trở lại độ chúng sinh
Nhiều như cát sông Hằng
Con đem thâm tâm này
Phụng sự Phật chúng sinh
Khắp mười phương pháp giới
Con làm được như thế
Mới là báo ơn Phật
Cúi xin đức Thế Tôn
Chứng minh cho chúng con
Đời xấu ác năm trược(104)
Chúng con quyết vào trước
Khi còn một chúng sinh
Chưa chứng thành quả Phật
Con quyết không ở đó
Nhập tịch tịnh niết bàn
Kính lạy Đức Đại Hùng
Đại Lực, Đại Từ Bi
Mong lại được xét trừ
Các mê lầm vi tế
Khiến chúng con sớm lên
Quả vị Vô-thượng-giác
Ngồi đạo tràng thuyết pháp
Khắp cõi nước mười phương
Hư không có thể diệt
Tâm nguyện kiên cố này
Quyết không hề lay động!

Xem dưới dạng văn bản thuần túy