× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Mật tông

Đưa vào Mật Tông



08. Tính Trong Sáng Của Tâm

CHUẨN BỊ KHOẢNG TRỐNG NHỜ "KHÔNG THẤY"

Như ta đã nói, ba điều kiện tiên quyết của sự thực hành mật tông là từ bỏ, bồ đề tâm và chính kiến về Tính không. Tuy nhiên điều này không có nghĩa cần phải thực chứng ba điều ấy một cách viên mãn ta mới có thể khởi sự tu mật tông. Một hiểu biết chính xác cũng đã đủ để khởi hành.

Ví dụ thực chứng Tính không -bản chất tối hậu của các pháp- là một thành tựu sâu xa. Nếu phải đợi đến khi ấy mới có thể tu mật tông, thì bao giờ ta mới tu được? Có lẽ không bao giờ. Nhưng may thay không phải vậy. Muốn tu tập các loại chuyển hóa của mật tông, ta chỉ cần có khả năng nới lỏng phần nào ngã chấp là đủ. Ta không cần phải thực chứng toàn vẹn tính phi thực của cái tôi, song quả thực ta cần có khả năng dành một ít khoảng trống trong cái tâm phàm tình của ta.

Những lạt ma Tây tạng thường nói: "Không thấy là cái thấy toàn vẹn." Có lẽ đây là một lời nói lạ lùng, nhưng có một ý nghĩa thâm thúy. Nó diễn đạt kinh nghiệm của thiền giả cao thâm về thực tại khoáng đạt, phổ quát, kinh nghiệm vượt ngoài nhị nguyên.

Trong kinh nghiệm phàm tình, chúng ta thường bị tràn ngập bởi vô số nhận thức và quan niệm đối đãi. Hàng ngày ta bị lôi cuốn bởi những đối tượng ta khoái và chán ghét những đối tượng làm ta khó chịu. Mang nặng một ý thức hẹp hòi về bản ngã, ta để hết thì giờ chạy theo cái này, tránh xa cái khác. Như đã nói, ta có thói quen thâm căn cố đế là nhìn sự vật theo kiểu nhị nguyên đối đãi hoặc xấu hoặc tốt, và tin vào sự phân biệt so đo của mình. Thói ấy chỉ tổ đưa ta đến rối ren bất mãn không ngừng tái diễn. Nhưng ta có thể đào luyện một lối nhìn khác hẳn. Khi đã chán chường cuộc chạy lòng vòng hụt hơi trong sinh tử bất tận, ta có thể luyện tập một sự tỉnh giác sắc bén để nhìn thẳng vào cái cách hiện hữu thực thụ của mọi sự vật.

Sự luyện tập này tiến hành qua nhiều giai đoạn, có giai đoạn cần nhiều phân tích và khái niệm, có giai đoạn phải kinh nghiệm trực tiếp. Cuối cùng, khi ta đã an trú kinh nghiệm về tính khoáng đạt, thì những tướng trước kia có vẻ chắc thực bắt đầu tan biến. Như những đám mây tan biến trong bầu trời mùa hạ, những cái thấy nhị nguyên của ta chấm dứt, chỉ còn lại không gian trong sáng của bất nhị. Trong khoảng không ấy không có những phân biệt rõ rệt đây và kia, tâm ta cảm thấy an tịnh, vô biên, thoát ngoài mọi giới hạn. Không còn bận tâm tới sự "thấy" chấp tướng thường ngày, chúng ta thâm nhập vào cái thấy toàn vẹn của kinh nghiệm bất nhị.

Đừng tưởng tâm ta khi ấy rơi vào một trạng thái trống rỗng như giấc ngủ, trái lại nó hoàn toàn tỉnh thức và bén nhạy- không chối bỏ gì hay xác quyết gì, mà chấp nhận mọi sự. Thay vì cảm thấy bị vướng bẫy, bị hạn cuộc, bị bắt buộc tái diễn mãi những tấn tuồng vô vị của bản ngã, chúng ta khởi sự nếm vị giải thoát chân thực của tâm thức không còn vướng mắc. Sự giải thoát này có thể đạt được, chính vì cái tâm nông cạn, ước lệ, bốc đồng, nhị nguyên không phải là bản chất thực thụ của ta. Bản chất căn để của ta vốn sáng sạch như pha lê, không có chỗ cho ý tưởng tự thương thân trách phận; ý tưởng này tự động tan biến, và cùng với nó, tất cả những giới hạn giam giữ ta cũng tan mất.

Khi an trú trong trạng thái tâm trong sáng tự nhiên, ta sẽ có thì giờ và khoảng trống để nhìn sự vật không mê lầm. Ta lại còn có thể làm công việc hàng ngày của ta một cách tốt đẹp hơn. Nhiều người ngạc nhiên về điều này, họ bảo: "Nếu tôi để cho tâm mình trở về trạng thái tự nhiên đơn thuần của nó, làm sao tôi có thể sống trong cuộc đời phức tạp này? Làm sao tôi có thể đi chỗ này chỗ kia? Làm sao tôi có thể duy trì công việc? Làm sao tôi có thể nấu một bữa ăn? Làm sao tôi có thể làm bất cứ gì?" Nhưng lo sợ như thế là vô lối. Vì sự thực là, tâm trạng có sáng suốt trong lặng, ta mới có thể đặt hết chú ý vào công việc, và làm việc một cách tốt đẹp. Rắc rối phát sinh là khi ta không sống trong trạng thái tâm tự nhiên. Khi ấy bất cứ đang làm gì, tâm bạn cũng hướng về một cái gì khác. Đáng lẽ để ý vào công việc trong khi lau nhà, tâm bạn lại nghĩ đến chuyện đi biển và ăn kem. Chính lúc ấy bạn mới gặp rắc rối.

TÍNH TRONG SÁNG KHÔNG HAI

Khi quán sát dòng tâm thức trong thiền định, ta có thể có được kinh nghiệm khoáng đạt về tính bất nhị. Theo dõi những ý tưởng, ta sẽ thấy chúng tự động sinh khởi, ở lại rồi biến mất. Ta không cần cưỡng bức xua đuổi ý nghĩ ra khỏi tâm. Mỗi ý nghĩ tự nhiên sinh khởi từ bản chất trong sáng của tâm, rồi cũng tự nhiên tan vào đấy. Khi những ý tưởng cuối cùng tan biến, hãy tập trung không xao lãng vào bản chất trong sáng còn lại của tâm, càng lâu càng tốt.

Ta nên tập đừng quá chú ý vào bất cứ một ý tưởng nào liên tục khởi lên trong tâm ta. Tâm ta như một đại dương rộng lớn có đầy đủ không gian cho đủ loại tư tưởng và cảm xúc bơi lội. Đừng xao lãng sự chú ý của ta vào bất cứ một tư tưởng hay cảm xúc nào. Không hề gì nếu một "con cá" đặc biệt nào trong đó trông đẹp đẽ hay gớm ghiếc. Ta phải luôn tập trung vào sự trong sáng nguyên ủy của tâm. Cho dù một cảnh tượng tráng lệ hiện ra - cảnh mà bao lâu nay ta mong được thấy - cũng đừng chú ý. Nhưng dĩ nhiên ta phải biết những gì đang xảy ra. Vấn đề là đừng trở nên quá cùn nhụt tâm trí đến độ không để ý gì nữa. Hãy theo dõi sự sinh khởi các ý tưởng, mà không vướng vào một ý nào. Thay vì thế, ta nên để ý đến sự trong sáng nguyên ủy, nền tảng từ đấy những ý tưởng khởi sinh.

Tại sao cần phải quán tính trong sáng của tâm? Vì nguồn gốc mọi vui khổ của ta, cội rễ nỗi đau sinh tử cũng như phúc lạc niết bàn, đều do tâm. Và trong tâm, chính thói quen thấy biết sai lầm của ta - ngã chấp ngu si bất ổn - đã bám lấy ảo tưởng về một cái tôi xem như thực có. Cách đánh tan bùa lực của ảo tưởng này là phải thấy được bản chất huyễn ảo của các pháp, và nhận ra mọi hiện tượng chỉ là những tướng phù du chợt hiện lên trong khoảng không gian trong sáng của tâm thức. Như thế, càng quán tưởng tính trong sáng ấy bao nhiêu ta càng ít bám víu và ít đau khổ bấy nhiêu.

Nhờ ngắm những ý tưởng ta đến rồi đi như thế mà ta càng lúc càng tiếp cận với cái nhìn đúng (chính kiến) về Tính không. Những tướng có vẻ như thật sẽ sinh khởi, ở lại một lúc rồi tan biến vào trong bản chất trong sáng của tâm ta. Khi mỗi ý tưởng biến mất theo cách ấy, ta nên tập luyện để thấy rằng sự tan biến này còn thực hơn cả cái tướng cụ thể xuất hiện trong tâm thức. Càng luyện tập để "không thấy", thì ta càng quen thuộc với không gian khoáng đạt trong sáng của tâm ta. Khi ấy, cho dù những ý tưởng và cảm xúc hết sức "phá đám" như giận dữ, ganh tị khởi lên, ta vẫn tiếp xúc được với tính trong sáng căn để của tâm thức. Sự thanh tịnh ấy luôn luôn ở với ta, cho dù ta có kinh quá những mê vọng nào đi nữa, thì những kinh nghiệm ấy cũng chỉ là những chướng ngại bên ngoài cuối cùng sẽ qua đi, để lại chúng ta với bản tính thanh tịnh sơ nguyên của tâm thức.

Khi bạn ngắm nhìn tâm mình với sự tỉnh giác cao độ, gạt ngoài mọi ý tưởng thiện ác, tự nhiên bạn được đưa đến kinh nghiệm về tính không hai (bất nhị). Như thế nào? Hãy nghĩ về điều này như sau: bầu trời trong xanh ví như tâm thức, còn khói và những ô nhiễm phà vào đó là tất cả những khái niệm thiếu tự nhiên, giả tạo mà vô minh ngã chấp đã chế biến ra. Dù hiện tại chúng ta bảo những chất ô nhiễm đang nhiễm độc bầu khí, song chính bầu trời không bao giờ thực sự bị ô nhiễm bởi những thứ làm ô nhiễm. Bầu trời và ô nhiễm, mỗi cái giữ bản chất của riêng nó. Nói cách khác, từ căn để, bầu trời vẫn không bị ảnh hưởng dù có bao nhiêu năng lượng độc tố đi vào trong nó. Bằng chứng là khi điều kiện thay đổi, bầu trời lại trở thành trong sáng như trước. Cũng vậy, cho dù những ý tưởng do ngã chấp có gây rắc rối đến đâu, chúng cũng không bao giờ ảnh hưởng đến bản chất sáng sạch của tâm ta. Trên phương diện tương đối, tâm ta vẫn thanh tịnh vì tính trong sáng của nó không bao giờ lẫn lộn với tính rối ren mờ mịt.

Cả trên phương diện tuyệt đối, tâm ta cũng luôn luôn trong sáng thuần tịnh. Tính bất nhị của tâm thức không bao giờ bị tổn hại vì những khái niệm đối đãi nhị nguyên khởi lên trong tâm. Về phương diện này, tâm hiện tại thanh tịnh, tâm quá khứ đã thanh tịnh, và tâm tương lai vẫn còn thanh tịnh.

Bạn có thể hỏi, thế thì bản chất của những tâm mê muội như ganh tị, giận dữ cũng trong sáng luôn sao? Phải, tất cả tâm đều có cái bản chất trong sáng phi thực như thế. Dù là tâm xấu hay tốt, không lỗi hay mê lầm, tất cả tâm đều phản chiếu rõ rệt đối tượng riêng. Cũng như một tấm gương phải sáng không được mờ, mới phản chiếu được hình ảnh của cái mặt, dù cái mặt ấy xấu hay đẹp. Cũng vậy, tâm phải trong sáng (mới có những ý tưởng thiện ác khởi lên - DG ). Nếu một tâm không trong sáng, thì nó sẽ không phản chiếu được bất cứ gì, dù xấu hay tốt.

Ta có thể ví những trạng thái tâm tích cực như nước trong lặng đứng yên, còn những trạng thái tâm mê muội như nước sôi hay nước đục. Nếu quan sát bản chất nước sôi ta sẽ thấy mặc dù bị quấy động, mỗi giọt nước vẫn trong sáng. Tâm ta cũng vậy: dù nó yên tịnh hay sôi sục do những cái thấy đối đãi rắc rối, thì bản chất căn để của nó vẫn trong sáng, và có ý thức. Kết luận là, tất cả chúng ta đều có khả năng di chuyển từ trạng thái tâm mê muội ô nhiễm của ngã chấp đến trạng thái trong sáng của tâm thanh tịnh.

Ta không bao giờ nên nghĩ tâm mình đã quá ô nhiễm không cách gì cứu chữa. Chuyện này vô lý. Nếu luyện tập để nhận diện và đi vào trạng thái tự nhiên của tâm, cuối cùng ta sẽ kinh nghiệm được sự giải thoát của tuệ giác bất nhị.

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA TÂM THỨC

Theo quan điểm Phật giáo, tất cả những hoàn cảnh ta gặp trong đời đều là những biểu hiện của tâm ta. Đây là tri kiến cốt tủy của đạo Phật. Cảnh ngộ khổ đau rắc rối xuất phát từ một tâm rắc rối khổ đau, và bất cứ hạnh phúc nào ta nếm trải- từ lạc thú tầm thường cho đến tịnh lạc của giác ngộ- đều có gốc rễ nơi tâm.

Khi nhìn lại đời mình, ta có thể dễ dàng thấy nó toàn do tâm ta điều khiển, nhất là cái tâm bám víu. Chúng ta không ngừng nghĩ đến chuyện đi đây đi đó, có được cái này cái khác, rồi hành động theo những ước muốn này để theo đuổi sự thỏa mãn.

Không những cái tâm lăng xăng của ta luôn nảy sinh những ý tưởng mới, mà ta còn có khuynh hướng đi theo sự dẫn đạo của chúng, bất kỳ chúng đưa ta đến đâu. Hậu quả là ta cứ bị cám dỗ chuyển từ cảnh ngộ này đến cảnh ngộ khác với hi vọng được hạnh phúc, thế nhưng cuối cùng ta chỉ có rước lấy mệt mỏi thất vọng. Giải pháp không phải là ức chế những ý tưởng và ham muốn của mình, vì điều này không thể, chẳng khác nào đè nén cái nắp nồi nước sôi sục để ngăn nó đừng sôi. Phương pháp có lý duy nhất là tập quan sát những ý nghĩ của ta, nhưng không làm theo chúng. Điều này làm cho chúng hết năng lực cưỡng bức ta, cũng như đem nồi nước sôi ra khỏi lò lửa. Cuối cùng sự yên tĩnh trong sáng sẽ trở lại.

Con người chúng ta thường rất hãnh diện về khả năng suy tư của mình, thế nhưng có lắm sự suy nghĩ của ta đã làm cho sự thể trở nên rắc rối một cách không thể tưởng tượng. Thử nhìn chỉ một mảnh giấy gói sô cô la cũng đầy ắp thông tin và quảng cáo. Ta cứ nghĩ là cái khả năng đẻ ra thật nhiều tư tưởng từ một vật đơn giản duy nhất đó là một dấu hiệu của trí thông minh, song phần lớn những gì ta làm với trí thông minh ấy quả thực thiếu tự nhiên, và hoàn toàn không cần thiết.

Dĩ nhiên óc duy lý của chúng ta- cái tâm thô động vướng mắc vào những giá trị xã hội- luôn tin tưởng mọi việc ta làm đều quan trọng. Nhưng ta không nên khờ dại tin đấy là chân lý. Có thể ta phải chấp nhận nhiều điều để sống hàng ngày, nhưng không cần phải tin tưởng vào chúng. Và khi tâm đang rối ren, ta cũng không nên tin chính mình.

Điều ấy có nghĩa mọi sự ta làm và nghĩ đều sai chăng? Không, vẫn có một vài sự thực nơi những gì đang xảy đến. Ví dụ, dù bầu trời bản chất vốn sạch sẽ trong suốt, song bầu khí ô nhiễm phảng phất trong đó cũng có thực. Điều tôi muốn nói là ta không nên tin những ý nghĩ của mình tuyệt đối đúng. Sự ô nhiễm không khí có thể có, song nó không phải thực hữu biệt lập. Tương tự, những ý nghĩ của ta có thể đúng phần nào, nhưng nếu ta tin chúng tuyệt đối đúng, thì sai.

Vậy ta nên tập duy trì ý thức sáng suốt đồng thời cắt đứt thói quen chấp nhận hoặc bác bỏ. Thông thường, ta ưa có phản ứng nhị nguyên. Chẳng hạn khi thấy ai cho bạn ta một thỏi sô cô la, ta tự hỏi: "Tại sao cô ấy không cho tôi? Bạn tôi thực may mắn, tôi không may." Tâm ta không ngừng nghiền ngẫm đủ thứ tư tưởng nhị nguyên bá láp như thế, và cuộc đời ta cũng phản ảnh sự rắc rối này. Một hậu quả là những tương giao của ta với mọi người và vật đều mong manh bất ổn. Mới đầu hôm ta khoái người bạn mới, mà ngay hôm sau ta đã cho bạn ra rìa. Hôm nay ta thích một món đồ, hôm sau ta đã chán không muốn nhìn đến nó. Sự thay đổi không ngừng những ưa và chán ấy nơi ta cũng là một dấu hiệu chứng tỏ thông thường cái gì ta nghĩ là tuyệt đối hay, đúng, thực ra đều lầm, chỉ là những phóng chiếu từ một tâm thức mê tín rối ren.

Thế nhưng, cũng có lúc tính rắc rối nhị nguyên này lắng xuống, khi ấy ta cảm được tính trong sáng tĩnh lặng của tâm. Sự an bình nội tâm mà ta cảm được vào những lúc ấy thực khôn tả, vượt xa những loại lạc phù du mà giác quan ta theo đuổi. Nhưng có được hỉ lạc nội tâm này một hai lần chưa đủ, nó không đưa đến thực chứng bền bỉ nào. Trái lại, ta phải luyện tập liên tục để có thể cắt đứt những khái niệm nhị nguyên mê muội và an trú không xao lãng trong nền tảng trong sáng của tâm. Nếu ta theo một phương pháp đã được thực nghiệm như phương pháp mật tông, thì tính giác về bản tâm trong sáng của ta sẽ trở nên bất khả hoại, và ta sẽ không còn bị những mê tín nhị nguyên khống chế.

TÍNH TRONG SÁNG,TÌNH YÊU VÀ AN LẠC

Tính trong sáng an bình sâu xa của bản tâm ta vốn có bản chất yêu thương; trong bầu không khí an tịnh ấy, thù ghét và tức giận không còn chỗ đứng. Khi an trú trong trạng thái tỉnh giác sâu xa này, thì ác ý không có cơ hội giao động tâm ta. Bấy giờ ta không cần lập nguyện sống trong sạch hay thề không giận dữ, vì từ thẳm sâu bản thể, tình yêu và thiện tính khởi lên một cách tự nhiên không cần nỗ lực.

Khi cảm thức khoáng đạt này tăng dần, khi ta đã thấy đúng tính phi thực, vô tự tính của vạn pháp, thì cảm giác "ta và vạn vật nhất thể" sẽ khởi lên trong tâm. Thay vì cảm thấy ngột ngạt, bị áp bức bởi hoàn cảnh xung quanh, do thấy cái ta đối lập với chúng nó, ta cảm thấy dường như có đủ chỗ cho mọi sự trên đời. Có khoảng trống dành cho tất cả. Trong không gian trong suốt của bất nhị, mọi sự tuôn chảy thoải mái trong một tiến trình đến và đi, tăng trưởng và chết, sinh và diệt. Trong cái không gian lớn rộng của thực tại vô tự tính, vạn pháp vận hành tự do thoải mái không chướng ngại gì nhau. Không có mâu thuẫn, không có rối ren, tách biệt. Thay vì cảm thấy xa lạ với hoàn cảnh xung quanh, với người khác, với cả chính mình, ta lại có kinh nghiệm đại đồng, hòa điệu.

Khi trực nhận bản tính con người chúng ta vốn trong sáng thuần tịnh, ta có thể cắt đứt mọi khái niệm cục bộ, hạn cuộc, tự giam hãm mình. Trong không gian trong sáng của tâm thức hoàn toàn buông thư, không có phân biệt giữa tự và tha. Cái này không tốt hơn cũng không xấu hơn cái khác. Cuối cùng, không có tốt và xấu, tịnh và bất tịnh. Toàn bộ mục đích tu thiền hay cầu nguyện hay bất cứ pháp môn nào, chính là để đi sâu vào bản chất con người, chạm đến cốt lõi là nguyên lý toàn diện, bất nhị. Đạt đến kinh nghiệm ấy thì không có chỗ cho khái niệm, cảm xúc, tình cảm nặng nề. Chỉ là như vậy, sự an bình lớn lao, thỏa mãn lớn lao.

SỰ TRONG SÁNG, MÀU SẮC VÀ HỈ LẠC


Mật tông đưa ra nhiều phương pháp để đánh động cái tầng tâm thức rất vi tế ấy, và để hướng tâm thức đầy phúc lạc này đến tri kiến sâu xa khoáng đạt về bất nhị. Nhưng dù chưa phải hành giả thượng thừa, ta cũng có thể tiếp xúc với trạng thái tâm trong sáng và nếm được vị giải thoát của kinh nghiệm bất nhị. Một kỷ thuật dễ xài trong những lúc rối ren là nhìn trời xanh. Đừng tập trung vào một vật gì, chỉ nhìn vào khoảng không trung với sự tỉnh giác cao độ, buông xả mọi ý nghĩ về bản thân. Bạn đang ở đấy, khoảng không bao la đang ở đấy, không có gì khác xuất hiện. Khi tâm ta tràn ngập tính trong sáng của không gian, tự nhiên ta sẽ khởi sự ngắm nhìn sự trong sáng của tâm ta.

Khi quán tưởng ánh sáng xanh bao la ấy, tư tưởng khái niệm khởi sự tan rã. Đấy là lý do trong nghệ thuật mật tông, màu xanh tiêu biểu tính bất nhị, trạng thái không còn những khái niệm đối đãi phàm tình, hoặc ta không còn bám víu chúng xem như thực hữu. Nhiều người giải thoát được tư tưởng phân biệt mỗi khi nhìn khoảng không bao la của trời xanh hay biển cả. Xin bạn đừng cho là tôi đang nói về một khái niệm triết học phức tạp nào, hay về một cái gì bạn phải chấp nhận bằng đức tin. Tôi chỉ nói đến một kinh nghiệm thực mà nhiều người đã có, và bạn cũng có thể gặp.

Trên phương diện mật tông, mỗi khi tâm ta và các giác quan ta mở ra trước ngoại giới, thì nhận thức của ta luôn luôn liên hệ đến một màu sắc đặc biệt, và mỗi màu sắc ta thấy được, - chẳng hạn xanh, đỏ, hay lục - có liên quan trực tiếp đến những gì xảy ra trong thế giới nội tâm ta. Đấy là lý do trong mật tông, với các phép quán chư thần, màu sắc và ánh sáng chiếm vai trò quan trọng.

Để bạn có một ý niệm về điều tôi muốn nói, ta hãy xét màu xanh. Như tôi đã nói, tính đặc biệt nội tại của ánh sáng xanh là thoát khỏi những phóng chiếu tưởng tượng. Nếu những phóng chiếu ấy rất mãnh liệt- chẳng hạn khi ngã chấp quá nặng đến nỗi suy sụp tinh thần- thì ngay cả lúc đẹp trời ta cũng không thấy được màu xanh của bầu trời. Ta chỉ có thấy thuần một màu xám. Điều này dĩ nhiên có xảy ra, cũng như cái kinh nghiệm thấy màu đỏ lúc tức giận và màu lục lúc ghen tuông, chứng tỏ mối quan hệ mật thiết giữa màu sắc và trạng thái nội tâm.

Trở lại vấn đề, ta có thể tạm giải thoát khỏi tư duy phân biệt khi nhìn tia nắng sớm hay nhìn mặt hồ lặng. Ta chỉ việc ngắm nhìn đừng phân biệt gì cả thì vào một lúc, tâm ta chỉ còn một kinh nghiệm duy nhất là tính trong sáng của chính nó. Nếu ta lợi dụng những dịp thực nghiệm tính trong sáng bên ngoài rồi hòa nhập nó vào tâm thức, thì đấy là một cách trực tiếp và hữu hiệu để cắt đứt tâm trạng rối ren và có được niềm an tĩnh.

Khi ngắm sự trong sáng của tâm thức, ngoài cảm giác bình an, ta còn thấy hỉ lạc. Thông thường, tâm nhị nguyên của ta với những lải nhải rối ren không ngừng phê phán của nó làm cho ta chán mệt. Bởi vậy ta thực nhẹ nhõm khi những tư tưởng cảm xúc chống nhau khởi sự dịu bớt và cuối cùng biến mất. Ta cảm được sự trong sáng an bình hỉ lạc và vô cùng sảng khoái. Nhưng khác với những khoái lạc giác quan thông thường, hỉ lạc này đem lại thỏa mãn thực thụ. Trong khi khoái lạc giác quan làm ta động tâm, niềm hỉ lạc này lại làm định lực ta thêm mãnh liệt.

LẠC TRÚ TRONG CHÂN CẢNH

Ai đã nỗ lực thiền định đều biết một trong những chướng ngại lớn nhất cho sự tập trung là tư tưởng tán loạn, chuyển hướng sự chú ý của ta. Ta cố tập trung vào đối tượng quán, nhưng chẳng bao lâu đã thấy tâm phiêu lưu một chỗ nào khác. Mức tập trung của tâm ta như đứa trẻ khó mà đi sâu vào vấn đề gì. Kết quả ta thấy mình không thể nào đạt ngộ. Do đâu có sự lang thang này của tâm thức? Đó là vì tâm ta luôn ngập tràn một cảm giác chưa thỏa lòng. Chúng ta mãi tìm kiếm một cái gì để thỏa mãn nỗi niềm khát khao không tên tuổi, nhưng sự tìm kiếm ấy không bao giờ thành công. Ngay cả khi ta tìm được một điều gì khả lạc, thì niềm thỏa mãn nó đem lại cũng rất chóng tàn, chẳng mấy chốc ta đã mong ngóng một cái gì khác. Tính lăng xăng không ngừng ấy là một đặc điểm của cái tâm nhị nguyên, nó càng rõ rệt khi ta cố ngồi xuống để tập trung thiền định.

Niềm hỉ lạc khởi lên khi ta ngắm nhìn sự trong sáng của tâm thức là một liều thuốc công hiệu để chữa trị nỗi bất an giao động ấy. Nó có khả năng đem lại một niềm thỏa mãn sâu xa tĩnh lặng mà những lạc thú phàm tình không sánh nổi. Khi cảm nghiệm hỉ lạc này, bạn cảm thấy thỏa mãn đến độ tâm không còn muốn lang thang chỗ nào khác nữa, và năng lực tập trung tăng trưởng không cần nỗ lực.

Ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về trạng thái tâm quá đăm chiêu vào một điều gì đến độ quên bẵng những việc mà thường ngày có thể quấy rầy ta, làm ta giao động. Tương tự, nếu ngắm nhìn liên tục sự trong sáng vô hình dạng của tâm, ta sẽ không thấy nữa những đối tượng sắc, thanh, ... đi vào qua cửa ngõ giác quan. Khi những kinh nghiệm giác quan và ý tưởng phân biệt thô thiển trong ta đã lắng xuống, thì cửa ngõ dẫn đến mê tín phải đóng lại. Ta bỗng thấy từ bên trong bừng dậy một nguồn năng lượng đầy hạnh phúc xuất thần. Nguồn phúc lạc ấy xảy đến một cách tự nhiên, ta không phải chế biến nó bằng bất cứ cách nào cả. Càng kinh nghiệm trạng thái hỉ lạc nội tâm ấy chừng nào, ta càng chìm sâu vào trong đó chừng ấy. Điều này mở lối cho ta cảm nghiệm những tâm trạng tự do khoáng đạt bao trùm tất cả, mà hiện tại ta không biết đến.

LÀM CHÍN MÙI KHẢ NĂNG GIÁC NGỘ

Cái tâm trạng trong sáng thuần tịnh mà chúng ta đã mô tả, vốn có mặt trong tất cả chúng ta ngay bây giờ. Tuy nhiên sự kiện ấy không có nghĩa rằng chúng ta đã giác ngộ. Khi chưa từ bỏ tham lam giận dữ ganh tị và những triệu chứng khác của ngã chấp sai lầm che phủ tâm ta, thì dĩ nhiên chúng ta vẫn chưa giác ngộ. Không có chuyện một vị phật còn mê. Nhưng bên dưới những tầng lớp thô phù ở đấy những mê vọng đang vận hành, vẫn còn có một bản chất căn để vi tế hơn. Và chính khía cạnh cốt tủy này của tâm thức con người mới có tiềm năng trở thành tỉnh thức trọn vẹn và phúc lạc vĩnh cửu.

Như thế, vấn đề là: Làm sao ta có thể liên lạc với tiềm năng giác ngộ sẵn có trong bản chất mình, để thực hiện viên mãn tiềm năng ấy? Những lối hành trì của mật tông đặc biệt cốt để tựu thành sự chuyển hóa kỳ diệu này càng nhanh càng tốt. Nhưng, như đã nói, chúng ta không thể nhảy bổ vào những pháp tu tập này mà không chuẩn bị. Nói cách khác, ta cần làm cho mình thuần thục nhờ những phương pháp chuẩn bị. Ba khía cạnh chính của đạo lộ mà chúng ta đã bàn- từ bỏ, bồ đề tâm và chính kiến về Tính không- là những chuẩn bị thông thường cho mật tông. Ngoài ra, cần phải tu những pháp môn chuẩn bị như thọ pháp nhập môn thích hợp, giữ những lời nguyện trong pháp ấy, tịnh hóa các chướng ngại, tích lũy công đức và thọ pháp đạo sư du già để có được nguồn cảm hứng vi diệu, như sẽ đề cập trong chương kế tiếp.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy