Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại Ương-già [2], cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, du hành trong nhân gian, nghỉ đêm tại thành Chiêm-bà bên bờ hồ Già-già.
Lúc ấy có Bà-la-môn tên Chủng Đức [3] sống ở Chiêm-bà. Thành ấy nhân dân đông đúc, sầm uất, sung túc. Vua Ba-tư-nặc phong thành này cho Bà-la-môn ấy làm phạm phần [4].
Người Bà-la-môn này, bảy đời cha mẹ trở lại đều chơn chánh không bị người khác khi dễ[5], đọc tụng thông suốt ba bộ sách của dị học [6], có thể phân tích các thứ kinh thư; chỗ sâu xa của thế điển không thứ nào không nghiền ngẫm; lại giỏi xem tướng đại nhơn, xem thời tiết tốt xấu, nghi lễ tế tự. Ông có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế.
Bấy giờ, trong thành Chiêm-bà các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, nghe tin Sa-môn Cù-đàm, con nhà họ Thích, xuất gia và thành đạo, từ Ương-già, du hành trong nhân gian, đến thành Chiêm-bà, ở bên bờ hồ Già-già. Ngài có tiếng tăm lớn, đồn khắp thiên hạ, là Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa chư thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, tự thân chứng ngộ, rồi thuyết pháp cho người[7], lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chơn chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Bậc chơn nhơn như vậy nên đến viếng thăm. Nay ta cũng nên đến thăm Ngài.’ Nói như vậy xong, bèn rủ nhau ra khỏi thành Chiêm-bà, từng đoàn lũ lượt nối nhau, muốn đến chỗ Phật.
Lúc ấy, Bà-la-môn Chủng Đức đang ngồi trên đài cao, từ xa trông thấy đoàn người lũ lượt nối nhau, bèn quay hỏi người hầu:
“Những người ấy vì nhân duyên gì mà lũ lượt nối nhau, muốn đi đâu vậy?”
Người hầu thưa:
“Tôi nghe nói Sa-môn Cù-đàm, con nhà họ Thích, xuất gia và thành đạo, từ Ương-già, du hành trong nhân gian, đến thành Chiêm-bà, ở bên bờ hồ Già-già. Ngài có tiếng tăm lớn, đồn khắp thiên hạ, là Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa chư thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, tự thân chứng ngộ, rồi thuyết pháp cho người[8], lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chơn chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ trong thành Chiêm-bà này tụ họp, nối nhau để đến thăm viếng Sa-môn Cù-đàm vậy.”
Rồi Bà-la-môn Chủng Đức liền ra lệnh cho người hầu rằng:
“Ngươi hãy nhanh chóng mang lời ta đến với các người ấy rằng: ‘Các khanh hãy dừng lại một lát, hãy đợi ta đến, rồi cùng đi đến chỗ Cù-đàm kia’.”
Người hầu tức thì mang lời của Chủng Đức đến nói với các người ấy rằng: “Các người hãy dừng lại một lát, hãy đợi ta đến, rồi cùng đi đến chỗ Cù-đàm kia.”
Lúc ấy, mọi người trả lời rằng:
“Ngươi hãy nhanh chóng trở về thưa với Bà-la-môn rằng, nay thật là phải thời, nên cùng nhau đi.”
Người hầu trở về thưa:
“Những người ấy đã dừng rồi. Họ nói: nay thật là phải thời, nên cùng nhau đi.”
Bà-la-môn liền xuống đài, đến đứng cửa giữa.
Bấy giờ có năm trăm Bà-la-môn khác, có chút duyên sự, trước đó đã tụ tập dưới cửa. Thấy Bà-la-môn Chủng Đức đến, thảy đều đứng dậy nghinh đón, hỏi rằng:
“Đại Bà-la-môn, ngài muốn đi đâu đây?”
Chủng Đức đáp:
“Có Sa-môn Cù-đàm, con nhà họ Thích, xuất gia và thành đạo, từ Ương-già, du hành trong nhân gian, đến thành Chiêm-bà, ở bên bờ hồ Già-già. Ngài có tiếng tăm lớn, đồn khắp thiên hạ, là Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa chư thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, tự thân chứng ngộ, rồi thuyết pháp cho người, lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chơn chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Bậc chơn nhơn như vậy nên đến viếng thăm. Nay ta muốn đến thăm Ngài.”
Năm trăm người Bà-la-môn liền thưa với Chủng Đức:
“Ngài chớ đi thăm. Vì sao? Kia nên đến đây chứ đây không nên đến kia. Nay Đại Bà-la-môn, bảy đời cha mẹ đều chơn chánh không bị dèm pha. Nếu đã có đủ điều kiện như vậy. Thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia. Lại nữa, Đại Bà-la-môn tụng đọc thông suốt ba bộ sách dị học, có thể phân tích các loại kinh thư, những chỗ sâu xa của thế điển, không chỗ nào không nghiền ngẫm. Lại giỏi xem tướng đại nhân, xem tướng tốt xấu, nghi lễ tế tự. Đã thành tựu những pháp ấy, thì kia nên đến đây, chứ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại Bà-la-môn dung mạo đoan chánh, có sắc tướng của Phạm thiên [9]. Đã thành tựu pháp ấy thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại Bà-la-môn có giới đức tăng thượng [10], trí tuệ thành tựu. Đã thành tựu pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại Bà-la-môn có lời nói nhu hòa, biện tài đầy đủ, nghĩa và vị thanh tịnh. Đã có đủ pháp ấy, thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại Bà-la-môn là đại tôn sư, có đông đệ tử. Đã có đủ pháp ấy, thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại Bà-la-môn thường dạy dỗ năm trăm Bà-la-môn. Đã thành tựu pháp ấy, thì kia nên đến đấy, chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại Bà-la-môn có học giả bốn phương đến xin thọ giáo, được hỏi các kỹ thuật, các pháp tế tự, thảy đều trả lời được cả. Đã thành tựu pháp ấy, thì thì kia nên đến đấy, chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại Bà-la-môn được vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa [11] cung kính cúng dường. Đã thành tựu pháp thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.
“Lại nữa, Đại Bà-la-môn trí tuệ sáng suốt, nói năng thông lợi, không hề khiếp nhược. Đã thành tựu pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.”
Chủng Đức nói với các Bà-la-môn:
“Đúng vậy, đúng vậy. Đúng như điều các ông nói. Tôi có đủ các đức ấy, chớ không phải không có. Nhưng các ông hãy nghe tôi nói. Sa-môn Cù-đàm có công đức[12] mà chúng ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây. Sa-môn Cù-đàm từ bảy đời trở lại cha mẹ đều chơn chánh không bị dèm pha. Kia đã thành tựu pháp này, chúng ta nên đến kia, chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có dung mạo đoan chánh, xuất thân từ giai cấp Sát-lợi. Đã thành tựu pháp này, chúng ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sanh chỗ tôn quý, nhưng đã xuất gia hành đạo[13]. Thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sắùc sáng đầy đủ, chủng tánh chơn chánh, nhưng đã xuất gia tu đạo. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sanh vào gia đình giàu có, có uy lực lớn, nhưng đã xuất gia hành đạo. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có đủ giới Hiền Thánh, thành tựu trí tuệ. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khéo léo nơi ngôn ngữ, dịu dàng hòa nhã. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm là bậc Đạo sư của đại chúng, có đông đệ tử. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm vĩnh viễn diệt trừ dục ái, không có sơ suất thô tháo[14], ưu tư và sợï hãi đã trừ, lông tóc không dựng đứng[15], hoan hỷ, hòa vui; được mọi người thì khen ngợi, khéo nói quả báo của hành vi[16], không chê bai đạo khác. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm thường được vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa lễ kính cúng dường. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia, chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm được Bà-la-môn Phất-già- la-sa-la [17] lễ kính cúng dường; cũng được Bà-la-môn Phạm [18], Bà-la-môn Đa-lợi-già [19], Bà-la-môn Cứ Xỉ [20], Thủ-ca Ma-nạp Đô-da Tử [21] thăm gặp cúng dường. Đã thành tựu pháp ấy, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm được Thanh-văn đệ tử sùng phụng, lễ kính cúng dường; cũng được chư thiên và các chúng quỷ thần khác cung kính. Các dòng họ Thích-ca, Câu-lị, Minh-ninh, Bạt-kỳ, Mạt-la, Tô-ma [22], thảy đều tông phụng. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến ta.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm truyền trao cho vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa ba quy và năm giới. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm truyền trao ba quy năm giới cho Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la vân vân. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm thọ ba quy năm giới; chư thiên, dòng họ Thích, Câu-lị, vân vân, thảy đều thọ ba quy năm giới. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khi du hành được hết thảy mọi người cung kính cúng dường. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, những thành quách, tụ lạc mà Sa-môn Cù-đàm đã đến, đều được mọi người cúng dường. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, những nơi Sa-môn Cù-đàm đi đến, các loài phi nhân, quỷ thần không dám xúc nhiễu. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, những nơi Sa-môn Cù-đàm đi đến, nhân dân ở đó đều thấy ánh sáng, nghe âm nhạc trời. Đã thành tựu pháp này thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến ta.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khi muốn rời khỏi chỗ đã đến. Mọi người đều luyến mộ, khóc lóc mà tiễn đưa. Đã thành tựu pháp này thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Sa-môn Cù-đàm khi mới xuất gia, cha mẹ khóc lóc, thương nhớ tiếc nuối. Đã thành tựu pháp này thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến ta.
“Sa-môn Cù-đàm xuất gia khi còn trai trẻ, dẹp bỏ các thứ trang sức, voi, ngựa, xe báu, ngũ dục, anh lạc. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khước từ ngôi vị Chuyển luân vương, xuất gia hành đạo. Nếu Ngài tại gia, sẽ trị vì bốn thiên hạ, thống lãnh dân vật, thì chúng ta đều là thần thuộc. Đã thành tựu pháp ấy, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm hiểu rõ Phạm pháp [23], có thể nói cho người khác, và cũng nói chuyện trao đổi với Phạm thiên. Đã thành tựu pháp ấy, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm đầy đủ cả ba hai tướng. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có trí tuệ thông suốt, không có khiếp nhược. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.
“Cù-đàm kia nay đến thành Chiêm-bà này, ở bên bờ hồ Già-già, đối với ta là tôn quý, vả lại là khách. Ta nên thân hành đến thăm viếng.”
Năm trăm Bà-la-môn khi ấy thưa với Chủng Đức rằng:
“Kỳ diệu thay, hy hữu thay, công đức của vị kia đến như vậy chăng? Trong các đức, vị kia chỉ cần có một đức là đã không nên đến đây rồi, huống hồ nay gồm đủ cả. Vậy ta hãy kéo hết đi thăm hỏi.”
Chủng Đức đáp:
“Ngươi muốn đi thì nên biết thời.”
Rồi Chủng Đức cho thắng cỗ xe báu, cùng với năm trăm Bà-la-môn và các trưởng giả trong thành Chiêm-bà trước sau vây quanh, đi đến hồ Già-già. Cách hồ không xa, ông thầm nghĩ rằng: ‘Giả sử ta hỏi Cù-đàm, mà hoặc giả không vừa ý Ngài, thì vị Sa-môn ấy sẽ chê trách ta, bảo rằng: ‘Nên hỏi như vầy. Không nên hỏi như vầy.’ Mọi người mà nghe được, cho rằng ta vô trí, sẽ tổn hại cho thanh danh của ta. Giả sử Sa-môn Cù-đàm hỏi ta về nghĩa, mà ta đáp hoặc không vừa ý Ngài, vị Sa-môn ấy sẽ khiển trách ta, bảo rằng: ‘Nên trả lời như vầy. Không nên trả lời như vầy.’ Mọi người mà nghe được, cho rằng ta vô trí, sẽ tổn hại cho thanh danh của ta. Giả sử ở đây ta im lặng rồi trở về, mọi người sẽ nói: ‘Ông này chẳng biết gì. Cuối cùng, không thể đến chỗ Sa-môn Cù Đàm.’ Thế thì cũng tổn hại thanh danh của ta. Nếu Sa-môn Cù-đàm hỏi ta về pháp của Bà-la-môn, ta sẽ trả lời Cù-đàm đầy đủ, hiệp ý Ngài.”
Khi ấy, Chủng Đức ở bên bờ hồ suy nghĩ như vậy rồi, liền xuống xe đi bộ dẫn đầu đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi xong, ngồi sang một bên. Bấy giờ các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ thành Chiêm-bà, có người lễ Phật xong rồi ngồi; có người chào hỏi xong rồi ngồi; hoặc có người xưng tên rồi ngồi; hoặc có người chắp tay hướng về Phật rồi ngồi; hoặc có người im lặng mà ngồi xuống. Khi mọi người đã ngồi yên, Phật biết ý nghĩ trong lòng của Chủng Đức, bèn bảo rằng:
“Điều mà ông suy nghĩ, hãy theo ước nguyện của ông.”
Rồi Phật hỏi Chủng Đức:
“Bà-la-môn của ông có mấy pháp để thành tựu?”
Bấy giờ Chủng Đức nghĩ thầm rằng:
“Kỳ diệu thay, hy hữu thay, Sa-môn Cù-đàm có đại thần lực mới thấy được tâm của người, đúng theo ý nghĩ của ta mà hỏi.”
Bà-la-môn Chủng Đức bèn ngồi thẳng người lên, nhìn bốn phía đại chúng, tươi cười hớn hở, rồi mới trả lời Phật rằng:
“Bà-la-môn của tôi có năm pháp để thành tựu, lời nói mới chí thành, không có hư dối[24]. Những gì là năm? 1. Bà-la-môn có bảy đời cha mẹ chơn chánh không bị người dèm pha. 2. Đọc tụng thông lợi ba bộ dị học, có thể phân tích các thứ kinh thư, những chỗ u vi của thế điển, không chỗ nào không tổng luyện, lại có thể giỏi phép xem tướng đại nhân, xét rõ cát hung, nghi lễ tế tự. [25] 3. Dung mạo đoan chánh[26]. 4. Trì giới đầy đủ[27]. 5. Trí tuệ thông suốt. Đó là năm. Thưa Cù-đàm, Bà-la-môn thành tựu năm pháp này, thì lời nói chí thành, không có hư dối.”
Phật nói:
“Lành thay, Chủng Đức, vả có Bà-la-môn nào, trong năm pháp, bỏ một, thành tựu bốn, mà lời nói chí thành, không có hư dối chăng?”
Chủng Đức bạch Phật:
“Có. Vì sao? Thưa Cù-đàm, cần gì dòng họ[28]? Nếu Bà-la-môn đọc tụng thông suốt ba bộ dị học, phân tích các loại kinh thư, những chỗ u vi của thế điển, không đâu là không tổng luyện, lại giỏi phép xem tướng đại nhân, xét rõ cát hung, tế tự nghi lễ, dung mạo đoan chánh, trì giới đầy đủ, trí tuệ thông suốt; có bốn pháp thì lời nói thành thật, không có hư dối.”
Phật nói với Chủng Đức:
“Lành thay, lành thay, nếu trong bốn pháp này, bỏ một, thành tựu ba, mà lời nói vẫn thành thật, không có hư dối, vẫn được gọi là Bà-la-môn chăng?”
Chủng Đức trả lời:
“Có. Cần gì dòng dõi. Cần gì đọc tụng[29]. Nếu Bà-la-môn có dung mạo đoan chánh, trì giới đầy đủ, trí tuệ thông suốt; thành tựu ba pháp này, thì lời nói chân thành, không có hư dối; được gọi là Bà-la-môn.”
Phật nói:
“Lành thay, lành thay. Thế nào, nếu trong ba pháp, bỏ một pháp, thành hai, mà kia lời nói vẫn chí thành, không có hư dối; được gọi là Bà-la-môn chăng?”
Đáp: “Có. Cần gì dòng dõi, đọc tụng và đoan chánh?”[30]”
Lúc bấy giờ năm trăm Bà-la-môn ai nấy đều lớn tiếng, nói với Bà-la-môn Chủng Đức:
“Sao lại chê bỏ dòng dõi, đọc tụng và đoan chánh, cho là không cần?”
Thế Tôn nói với năm trăm Bà-la-môn rằng:
“Nếu Bà-la-môn Chủng Đức có dung mạo xấu xí, không có dòng dõi, đọc tụng không thông suốt, không có biện tài, trí tuệ, khéo trả lời, không đủ khả năng nói chuyện với Ta, thì các ngươi nên nói. Nếu Bà-la-môn Chủng Đức có dung mạo đoan chánh, chủng tánh đầy đủ, đọc tụng thông suốt, trí tuệ biện tài, giỏi vấn đáp, đủ khả năng cùng Ta luận nghị, thì các ngươi hãy im lặng, nghe người này nói.”
Bấy giờ, Bà-la-môn Chủng Đức bạch Phật:
“Xin Cù-đàm tạm ngừng giây lát. Tôi sẽ tự mình dùng pháp đi khuyên bảo những người này.”
Chủng Đức ngay sau đó nói với năm trăm Bà-la-môn:
“Ương-già Ma-nạp [31] nay đang ở trong chúng này. Đó là cháu của ta. Các ngươi có thấy không? Nay các đại chúng cùng tụ hội hết ở đây. Duy trừ Cù-đàm có dung mạo đoan chánh, kỳ dư có ai bằng Ma-nạp này? Nhưng nếu Ma-nạp này sát sanh, trộm cướp, dâm dật, vô lễ, dối trá, lừa gạt, lấy lửa đốt người, chận đường làm chuyện ác. Này các Bà-la-môn, nếu Ương-già Ma-nạp này làm đủ chuyện ác, thế thì đọc tụng, đoan chánh, để làm gì?”
Năm trăm Bà-la-môn lúc ấy im lặng không trả lời. Chủng Đức bạch Phật:
“Nếu trì giới đầy đủ, trí tuệ thông suốt, thế thì lời nói chí thành, không hư dối, được gọi là Bà-la-môn.”
Phật nói:
“Lành thay, lành thay, thế nào, Chủng Đức, trong hai pháp nếu bỏ một mà thành tựu một, thì lời nói vẫn thành thật, không có hư dối, được gọi là Bà-la-môn chăng?”
Đáp:
“Không thể được. Vì sao? Giới tức trí tuệ. Trí tuệ tức giới. Có giới, có trí, sau đó lời nói mới thành thật, không có hư dối, tôi gọi là Bà-la-môn.”
Phật nói:
“Lành thay, lành thay, đúng như ông nói. Có giới thì có tuệ. Có tuệ thì có giới. Giới làm thanh tịnh tuệ. Tuệ làm thanh tịnh giới. Chủng Đức, như người rửa tay, tay trái và tay phải cần cho nhau. Tay trái rửa sạch tay phải, tay phải rửa sạch tay trái. Cũng vậy, có tuệ thì có giới. Có giới thì có tuệ. Giới làm sạch tuệ. Tuệ làm sạch giới. Bà-la-môn, ai đầy đủ giới và tuệ, ta gọi người đó là Tỳ-kheo.[32]”
Bấy giờ, Chủng Đức bạch Phật:
“Thế nào là giới?”
Phật nói:
“Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe. Hãy suy ngẫm kỹ. Ta sẽ phân biệt từng điều một cho ông nghe.”
Đáp rằng: “Kính vâng. Vui lòng muốn nghe”.
Bấy giờ, Phật nói với Chủng Đức:
“Nếu Như Lai xuất hiện ở đời, là vị Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hành túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn, ở giữa chư thiên, người đời, Sa-môn, Bà-la-môn, mà tự thân chứng ngộ, rồi giảng thuyết cho người; lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chân chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Nếu có trưởng giả, hay con trai trưởng giả, sau khi nghe pháp này, tín tâm thanh tịnh. Do tín tâm thanh tịnh, người ấy suy xét như vầy: ‘Tại gia thật khó, ví như gông cùm; muốn tu hành phạm hạnh mà không thể tự tại. Ta nay hãy cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo.’ Người ấy, sau đó, từ bỏ gia đình, bỏ sản nghiệp, từ giã thân tộc, bận ba pháp y, dẹp các trang sức, đọc tụng tỳ-ny, đầy đủ giới luật, từ bỏ không sát sanh,... cho đến, tâm pháp tứ thiền [33], đạt được an lạc ngay trong hiện tại. Vì sao? Ấy là do tinh tấn, chuyên niệm không quên, ưa sống một mình chỗ thanh vắng mà được vậy. Bà-la-môn, đó gọi là giới.”
Lại hỏi:
“Sao gọi là tuệ?” Phật nói:
“Nếu Tỳ-kheo, bằng tam-muội tâm, thanh tịnh không cấu uế, mềm mại, dễ điều phục, an trú trạng thái bất động,… cho đến, chứng đắc ba minh, trừ khử vô minh, phát sanh trí tuệ, diệt trừ tối tăm, sanh ánh sáng đại pháp, xuất trí tuệ lậu tận. Vì sao? Ấy là do tinh cần, chuyên niệm không quên, ưa sống một mình nơi thanh vắng mà được vậy. Bà-la-môn, đó là đầy đủ trí tuệ.”
Khi ấy, Chủng Đức liền bạch Phật rằng:
“Nay con quy y Phật, Pháp, Thánh Chúng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay về sau, suốt đời không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu.”
Bấy giờ, Chủng Đức Bà-la-môn sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1]. Bản Hán, Phật thuyết Trường A-hàm kinh, quyển 15, “Đệ tam phần Chủng Đức kinh đệ tam.” Tương đương Pāli, D. 4, Dig i. 4 Soṇadaṇḍa-sutta
[2]. Ương-già 鴦 伽, Pāli: Aṅga. Chiêm-bà 瞻 婆 , Pāli: Campā. Già-già trì 伽 伽 池, Pāli: Gaggarā pokkharaṇī
[3]. Chủng Đức, Pāli: Soṇadaṇḍa.
[4]. Xem cht. 9, kinh số 20 “A-ma-trú.”.
[5]. Xem cht. 10, kinh số 20 “A-ma-trú.”.
[6]. Hán: dị học tam bộ 異 學 三 部. Xem cht. 11. kinh số 20 “A-ma-trú.”.
[7]. Xem cht. 15, kinh số 20 “A-ma-trú.”
[8]. Xem kinh A-ma-trú, cht. 15.
[9]. Hán: hữu Phạm thiên sắc tượng 有 梵 天 色 像; Pāli: brahma-vaṇṇī brahma-vaccasī: có dung sắc như Phạm thiên, uy nghi như Phạm thiên.
[10]. Giới đức tăng thượng 戒 德 增 上; Pāli: vuddha-sīlā, đạo đức được trọng vọng.
[11]. Ba-tư-nặc 波 斯 匿, Pāli: Pasenadi. Bình-sa 瓶 沙, Pāli: Bimbisāra.
[12]. Hán: công đức 功 德; Pāli=Skt. guṇa: phẩm tính hay phẩm chất.
[13]. Pāli: mahantaṃ ñati-saṅgaṃ ohāya pabbajito, xuất gia, lìa bỏ gia đình quyến thuộc lớn,
[14]. Hán: vĩnh diệt dục ái, vô hữu thốt bạo 永 滅 欲 愛 無 有 卒 暴. Pāli D 4, Dig I tr 100: khīṇa-kāma-rāgo vigata-cāpallo , đã diệt ái dục, không còn tháo động.
[15]. Hán: y mao bất thụ 衣 毛 不 豎.
[16]. Hán: kiến nhân xưng thiện, thiện thuyết hành báo 見 人 稱 善 善 說 行 報. Tham chiếu Pāli: kamma-vādī kiriya-vādī, là người chủ trương về nghệp, chủ trương về hành vi.
[17]. Phất-gìa-la-sa-la, Pāli: Pokkharasādi , xem kinh số 20 “A-ma-trú”, tr 55 tt.
[18]. Phạm Bà-la-môn 梵 婆 羅 門 (?).
[19]. Đa-lợi-giá 多 利 遮, Pāli: Tārukkha.
[20]. Cứ Xỉ 鋸 齒 tức Cứu-la-đàn-đầu 究 羅 檀 頭, xem kinh số 23 “Cứu-la-đàn-đầu”. Pāli: Kuṭadanta.
[21]. Thủ-ca-ma-nạp Đô-da tử 首 迦 摩 納 都 耶 子, Pāli: Sukhamāṇava-Toddeyaputta .
[22]. Một số nước lớn thời Phật: Thích chủng 釋 種, dòng họ Thích, Pāli: Sakka; Câu-lị 俱 利, Pāli: Kuru; Minh-ninh 冥 寧, Pāli: Mithilā; Bạt-kỳ 跋 祇, Pāli: Vajji; Mạt-la 末 羅, Pāli: Mallā; Tô-ma 酥 摩, Pāli: Soma.
[23]. Phạm pháp 梵 法, pháp tế tự Phạm thiên. Pāli: Brahma-dhamma
[24]. Hán: sở ngôn chí thành, vô hữu hư vọng 所 言 至 誠 無 有 虛 妄. Pāli: ‘Brāhmaṇo ‘smīti’ ca vadamāno sammā vadeyya na ca pana musā-vādaṃ āpajjeyya, để có thể nói rằng ‘Tôi là Bà-la-môn’ mà không trở thành nói dối.
[25]. Tham chiếu Pāli: Ajjhāyako hoti manta-dharo tiṇṇaṃ vedānaṃ pāragū sanighaṇḍu-keṭubhānaṃ sākkharappabhedānaṃ itihāsa-pañcamānaṃ padako veyyākaraṇo lokāyata-mahāpurusa-lakkhaṇesu anavayo: Là người đọc tụng Thánh điển, trì chú, tinh thông ba bộ Veda cùng với ngữ vựng, nghi quỹ, phân tích âm vận, và thứ năm là truyền thuyết lục, thông hiểu ngữ pháp, thế gian học, và tướng đại nhân.
[26]. Nghĩa là tốt tướng. Pāli: Abhirūpo hoti dassanīyo pāsādiko paramāya vaṇṇa-pokkharatāya samannāgato brahma-vaṇṇī brahma-vaccasī akkhuddāvakaso: sắc diện thù thắng, đẹp đẽ, khả ái, màu da tuyệt diệu như hoa sen, dung sắc như Phạm thiên, uy nghi như Phạm thiên, cốt cách cao nhã.
[27]. Tham chiếu Pāli: Paṇḍito ca hoti medhāvī patthamo vā dutiyo vā sujaṃ paggaṇhantānaṃ: bác học, thông tuệ, là người thứ nhất hay thứ hai bưng dụng cụ tế tự.
[28]. Hán: hà dụng sanh 何 用 生, (huyết thống) thọ sanh mà làm gì ? Pāli: Kiṃ hi vaṇṇo karissati: dung sắc mà làm gì ? Trong bản Hán, dung sắc được trừ ở hàng thứ ba, ngược với Pāli, huyết thống thọ sanh hàng thứ ba.
[29]. Hán: hà dụng sanh tụng 何 用 生 誦 ? Pāli: Kiṃ hi mantā karissati: chú ngữ mà làm được gì ?
[30]. Xem cht. 26. Pāli: Kiṃ hi jāti karissati: thọ sanh mà làm gì ?
[31]. Ương-gia-ma-nạp 鴦 伽 摩 納. Pāli: Aígako nāma māṇavako: có thanh niên tên Angaka.
[32]. Pāli: sīla-paññānañ ca pana lokasmiṃ aggam akkhāyatīti: giới và tuệ được nói là bậc nhất trong thế gian.
[33]. Trong bản Pāli, từ chứng đắc tứ thiền trở đi, thuộc phần tuệ.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|