Tôi nghe như vầy.
Một thời, Phật du hành đến nước Ma-kiệt [2], cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người[3], du hành nhân gian, đến Trúc lâm [4], nghỉ đêm tại vương đường[5].
Lúc bấy giờ có vị Phạm chí[6] tên là Thiện Niệm và đệ tử tên là Phạm-ma-đạt [7]; hai thầy trò thường cùng đi theo sau Phật, mà Phạm chí Thiện Niệm thì dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng, đệ tử Phạm-ma-đạt thì bằng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Hai thầy trò mỗi người một tâm tư, mâu thuẫn chống trái nhau. Vì sao vậy? Ấy là do xu hướng dị biệt, kiến giải dị biệt, thân cận dị biệt[8].
Bây giờ, số đông Tỳ-kheo sau khi khất thực về[9] nhóm tại giảng đường bàn câu chuyện như sau:
“Kỳ diệu thay, hy hữu thay, Thế Tôn có đại thần lực, đầy đủ oai đức, biết hết mọi xu hướng của chúng sanh. Nhưng nay có hai thầy trò Thiện Niệm cùng đi theo sau Phật và chúng tăng, mà Phạm chí Thiện Niệm thì dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Đệ tử Phạm-ma-đạt thì bằng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Hai thầy trò mỗi người một tâm tư, mâu thuẫn chống trái nhau vì do xu hướng dị biệt, kiến giải dị biệt, thân cận dị biệt vậy.”
Bấy giờ, Thế Tôn đang ở trong tịnh thất, bằng thiên nhĩ thanh tịnh quá hơn người thường, nghe các Tỳ-kheo đang luận bàn như thế, liền rời khỏi tịnh thất đi đến giảng đường, ngồi trước đại chúng. Tuy đã biết Ngài vẫn hỏi:
“Này các Tỳ-kheo! Do nhân duyên gì mà các ông nhóm lại đây và đang bàn luận câu chuyện gì?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Chúng con sau khi khất thực về, tập họp ở giảng đường này và cùng bàn luận như vầy: ‘Kỳ diệu thay, hy hữu thay, Thế Tôn có đại thần lực, đầy đủ oai đức, biết hết mọi xu hướng của chúng sanh. Nhưng nay có hai thầy trò Thiện Niệm cùng đi theo sau Phật và chúng tăng, mà Phạm chí Thiện Niệm thì dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Đệ tử Phạm-ma-đạt thì bằng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Hai thầy trò mỗi người một tâm tư, mâu thuẫn chống trái nhau vì do xu hướng dị biệt, kiến giải dị biệt, thân cận dị biệt vậy’.”
Thế Tôn bèn nói với các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, nếu có ai dùng phương tiện hủy báng Như Lai, hủy báng Chánh pháp và Chúng Tăng, các ngươi không nên ôm lòng phẫn nộ, có ý nghĩ ác hại đối với người ấy[10]. Vì sao vậy? Vì nếu có ai dùng phương tiện hủy báng Như Lai, hủy báng Chánh pháp và Chúng Tăng mà các ngươi ôm lòng phẫn nộ, có ý nghĩ ác hại đối với người ấy[11] thì tự các ngươi đã tự hãm nịch[12] rồi. Vì vậy các ngươi không nên ôm lòng oán giận hay có ý nghĩ ác hại đối với người ấy.
“Này các Tỳ-kheo, nếu có ai khen ngợi Phật, Pháp, và Chúng Tăng, các ngươi cũng vội chớ lấy điều đó làm vui mừng, hãnh diện. Vì sao vậy? Vì nếu các ngươi sinh tâm vui mừng là đã bị hãm nịch rồi. Do đó các ngươi không nên vui mừng. Tại sao thế? Vì đó chỉ là duyên cớ nhỏ nhặt về oai nghi giới hạnh[13], mà hàng phàm phu ít học, không thấu rõ thâm nghĩa, chỉ bằng vào sở kiến để tán thán một cách chân thật.
“Thế nào là duyên cớ nhỏ nhặt về oai nghi giới hạnh, mà hàng phàm phu ít học, không thấu rõ thâm nghĩa, chỉ bằng vào sở kiến để tán thán một cách chân thật?
“Người ấy tán thán rằng[14] Sa-môn Cù-đàm đã bỏ nghiệp sát, dứt nghiệp sát, xả bỏ dao gậy, có tàm quí, có tâm thương xót hết thảy. Đó chỉ là duyên cớ nhỏ nhặt về oai nghi giới hạnh mà hàng phàm phu ít học dựa lấy để tán thán Như Lai.
“Lại tán thán rằng: Sa-môn Cù-đàm đã bỏ sự lấy của không cho, dứt trừ sự lấy của không cho, không có tâm trộm cắp.
“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ sự dâm dục, tịnh tu phạm hạnh, một mực giữ giới, không tập thói dâm dật, sở hành tinh khiết.
“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ nói dối, mà nói lời nói chí thành, nói điều chân thật, không dối gạt người đời.
“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ nói hai lưỡi, không đem lời người này đến phá rối người kia, đem lời người kia đến phá rối người này, gặp kẻ tranh tụng làm cho hòa hiệp, kẻ đã hòa hiệp làm cho vui thêm, nói ra lời gì cũng cốt đem đến sự hòa hiệp, thành thật đưa vào lòng người và nói phải lúc.
“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ ác khẩu. Nếu có lời thô lỗ, thương tổn đến người, tăng thêm mối hận, kéo dài mối thù; những lời như vậy đều không nói. Thường nói lời hay, đẹp lòng người, ai cũng ưa, nghe không chán. Chỉ nói những lời như vậy.
“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ nói thêu dệt [15], chỉ nói phải lúc, nói thành thật, nói có lợi, nói đúng pháp đúng luật, nói để ngăn ngừa sai quấy.
“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ uống rượu; không trang sức hương hoa[16]; không xem ca múa; không ngồi giường cao; không ăn phi thời; không cầm vàng bạc; không chứa vợ con, tớ trai, tớ gái; không nuôi heo ngựa, voi, dê, gà, chó, và các thứ chim muông; không chứa binh voi, binh ngựa, binh xe, binh bộ; không chứa ruộng nhà, gieo trồng ngũ cốc; không nắm quyền đánh đấm với người; không dùng cân đấu lường gạt; không mua bán, khoán ước, giao kèo; không cho vay cầm đồ lấy lãi bất chánh[17]. Cũng không âm mưu, trước mặt khác sau lưng khác; phi thời không đi; để nuôi sống thân, lường bụng mà ăn; đi đến chỗ nào thì y bát mang theo như chim không lìa hai cánh. Nhưng đó cũng chỉ là nhân duyên nhỏ nhặt về sự trì giới mà hàng phàm phu ít học nương lấy để tán thán Như Lai.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác dầu đã nhận của tín thí vẫn tìm cách tích trữ; y phục, ẩm thực không hề biết chán. Sa-môn Cù-đàm không như vậy.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, nhưng vẫn kinh doanh sinh kế, trồng cây, gieo giống[18]. Còn Sa-môn Cù-đàm không có việc đó.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí nhưng vẫn tìm phương tiện mong cầu lợi dưỡng, chứa ngà voi tạp bảo, ghế giường cao rộng, thảm thêu, đệm bông, chăn len các thứ thêu thùa. Sa-môn Cù-đàm không có việc ấy.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí nhưng vẫn tìm phương tiện để trang sức, dùng dầu mỡ xoa mình, nước thơm tắm gội, bột thơm xông ướp, chải đầu thơm láng, hoặc mang tràng hoa đẹp, nhuộm mắt xanh biếc, tô điểm mặt mày, xâu bông tai, soi gương, mang dép da quí, mặc áo trắng mịn, che dù, cầm phất lộng, trang sức cờ hiệu, còn Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác chuyện trò du hí, chơi cờ đánh bạc, cờ tám đường, mười đường cho đến trăm ngàn đường, đủ các trò chơi. Sa-môn Cù-đàm không như vậy.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, nhưng vẫn nói lời vô ích chướng ngại đạo[19], hoặc bàn việc vua chúa, quân mã, chiến đấu, việc quân liêu đại thần, xe ngựa ra vào, dạo chơi vườn quán, và luận việc nữ nhân, nằm ngồi đi đứng, việc y phục, ăn uống, thân thích; lại nói chuyện vào biển tìm châu báu. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy đã nhận thức ăn của tín thí, bằng vô số phương tiện, làm điều tà mạng, chuốt lời dua nịnh, gợi ý, chê bai[20], lấy lợi cầu lợi. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, nhưng cùng nhau tranh cãi, hoặc nơi vườn quán, hoặc ở ao tắm, trong nhà, thị phi lẫn nhau, rằng: ‘Ta biết kinh luật. ngươi không biết gì; ta đi đường chánh, ngươi đi đường tà, đem trước để sau, lấy sau để trước; ta nhẫn ngươi được, ngươi không nhẫn được; ngươi nói điều gì đều không chánh đáng; nếu có nghi ngờ hãy đến hỏi ta, ta đáp cho cả.’ Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy đã ăn của tín thí, nhưng tìm đủ phương tiện làm thông sứ cho vua, đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ; đi từ đây đến kia, từ kia đến đây; đem tin qua lại, hoặc tự làm, hoặc dạy người làm. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy đã ăn của tín thí, nhưng lo luyện tập chiến trận, đấu tranh, đao gậy cung tên, chọi gà, chó, heo, dê, voi, ngựa, trâu, lạc đà. Hoặc đấu tài trai gái, hoặc luyện các thứ tiếng, tiếng thổi, tiếng trống, tiếng ca, tiếng múa, luyện các trò kỹ thuật, leo cột phướn, leo xuôi leo ngược. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy, như xem tướng trai gái tốt xấu lành dữ, xem tướng súc sinh, để cầu lợi dưỡng. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy, như kêu gọi quỷ thần, hoặc lại đuổi đi, các thứ ếm đảo, vô số phương đạo, làm người khiếp sợ; có thể tụ, có thể tán; có thể làm cho khổ, có thể làm cho vui; có thể an thai, trục thai; hoặc phù chú người ta hóa làm lừa, ngựa; có thể khiến người điếc, đui, câm, ngọng; hiện các kỹ thuật; hoặc chắp tay hướng về mặt trời, mặt trăng; hành các khổ hạnh để cầu lợi dưỡng. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy; hoặc vì người mà chú đảo bệnh tật, đọc ác thuật, tụng thiện chú; làm thuốc thang, châm chích, trị liệu bệnh tật. Sa-môn Cù-đàm không có việc đó.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn tuy ăn của người tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo[21], sinh hoạt bằng tà mạng: hoặc chú[22] nước lửa, hoặc chú quỷ thần[23], hoặc chú Sát-lợi, hoặc chú voi, hoặc chú chân tay[24], hoặc bùa chú an nhà cửa; hoặc giải chú lửa cháy, chuột gặm; hoặc đọc sách đoán việc sống chết; hoặc đọc sách giải mộng; hoặc xem tướng tay, tướng mặt; hoặc đọc sánh thiên văn; hoặc đọc sách hết thảy âm. Sa-môn Cù-đàm không có những việc ấy.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, hành pháp chướng ngại đạo, sinh hoạt bằng tà mạng: xem tướng thiên thời, nói có mưa hay không mưa, thóc quý hay thóc rẻ, nhiều bịnh hay ít bịnh, kinh sợ hay an ổn; hoặc dự đoán đất động, sao chỗi, nhật thực, nguyệt thực, tinh tú thực, hay không thực, phương vị ở đâu[25]; thảy đều ghi nhận cả. Sa-môn Cù-đàm không có các việc ấy.
“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo, sinh hoạt bằng tà mạng: hoặc nói nước này sẽ thắng, hoặc nói nước này chẳng bằng; xem tướng tốt xấu, bàn chuyện thịnh suy. Sa-môn Cù-đàm không có việc ấy.
“Các Tỳ-kheo, đấy chỉ là nhân duyên trì giới nhỏ nhặt, mà phàm phu ít học kia dựa vào để khen Phật.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Lại còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, duy chỉ đệ tử Hiền Thánh mới có thể tán thán Như Lai bằng pháp này. Thế nào là pháp đại quang minh, mà đệ tử Hiền Thánh tán thán Như Lai ? Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y vào bổn kiếp bổn kiến [26], mạt kiếp mạt kiến [27], mà tùy ý lập thuyết với vô số trường hợp khác nhau[28]. Tất cả được tóm thâu vào trong sáu mươi hai kiến. Bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, với vô số trường hợp khác nhau, tùy ý lập thuyết, không thể vượt ra ngoài sáu mươi hai kiến. Các Sa-môn, Bà-la-môn kia, do duyên gì, y vào bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, mà tùy ý lập thuyết với vô số trường hợp khác nhau; tất cả được tóm thâu vào trong sáu mươi hai kiến; chỉ chừng ấy, không hơn?
“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, với vô số trường hợp khác nhau, mỗi người tùy ý lập thuyết; tất cả được thâu tóm trong mười tám trường hợp[29]. Các Sa-môn, Bà-la-môn ấy do duyên gì, y bổn kiếp bổn kiến, với vô số trường hợp khác nhau, tùy ý lập thuyết, tất cả được thâu tóm trong mười tám trường hợp; chừng ấy không hơn?
“Những Sa-môn, Bà-la-môn nào y bổn kiến khởi thường trú luận [30], nói rằng: ‘Bản ngã và thế giới thường tồn.’[31] Tất cả thuyết này được thâu tóm vào trong bốn trường hợp. Y bổn kiếp bổn kiến mà nói: ‘Bản ngã và thế giới thường tồn’, tất cả được thâu tóm vào trong bốn trường hợp; chừng ấy không hơn.
“Các Sa-môn, Bà-la-môn kia do duyên gì, y bổn kiếp bổn kiến, khởi thường trú luận, nói rằng, ‘bản ngã và thế giới thường tồn’, tất cả được thâu tóm trong bốn trường hợp, chừng ấy không hơn?
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện, nhập định ý tam-muội [32], rồi bằng tam-muội tâm[33], nhớ lại hai mươi thành kiếp và hoại kiếp [34]. Vị ấy bèn nói như vầy: ‘Bản ngã và thế gian thường tồn. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Tôi bằng vô số phương tiện, nhập định ý tam-muội, rồi bằng tam-muội tâm, nhớ lại hai mươi thành kiếp và hoại kiếp. Trong đó, chúng sanh không tăng, không giảm, thường trụ, không tán[35]. Tôi vì thế mà biết, ‘bản ngã và thế gian thường tồn.’ Đó là trường hợp điểm thứ nhất. Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương bản ngã và thế giới thường trú, thuộc trong bốn quan điểm, chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện, nhập định ý tam-muội, rồi bằng tam-muội tâm, nhớ lại bốn mươi thành kiếp và hoại kiếp. Vị ấy bèn nói như vầy: ‘Bản ngã và thế gian thường tồn. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Tôi bằng vô số phương tiện, nhập định ý tam-muội, rồi bằng tam-muội tâm, nhớ lại bốn mươi thành kiếp và hoại kiếp. Trong đó, chúng sanh không tăng, không giảm, thường tụ, không tán. Tôi vì thế mà biết, ‘bản ngã và thế gian thường tồn.’ Đó là trường hợp điểm thứ hai. Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương bản ngã và thế giới thường trú, thuộc trong bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện, nhập định ý tam-muội, rồi bằng tam-muội tâm, nhớ lại tám mươi thành kiếp và hoại kiếp [36]. Vị ấy bèn nói như vầy: ‘Bản ngã và thế gian thường tồn. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Tôi bằng vô số phương tiện, nhập định ý tam-muội, rồi bằng tam-muội tâm, nhớ lại tám mươi thành kiếp và hoại kiếp. Trong đó, chúng sanh không tăng, không giảm, thường tụ, không tán. Tôi vì thế mà biết, ‘bản ngã và thế gian thường tồn.’ Đó là quan điểm thứ hai. Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương bản ngã và thế giới thường trú, thuộc trong bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, là người có trí tuệ nhạy bén, có năng lực quán sát khéo[37], và bằng trí tuệ nhạy bén ấy, phương tiện quán sát, nghĩa là suy xét kỹ, rồi bằng những điều mà mình đã thấy, và bằng tài biện thuyết của mình, tuyên bố rằng: ‘Bản ngã và thế gian thường tồn.’ Đó là quan điểm thứ tư. Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó đối với bổn kiếp bổn kiến chủ trương ‘bản ngã và thế gian thường tồn’, thuộc trong bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Duy chỉ Như Lai biết rõ những cơ sở quan điểm này[38] được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy. Sở tri của Như Lai vượt qua những thứ ấy. Tuy biết nhưng không bị dính mắc. Do không bị dính mắc nên được tịch diệt [39]; biết sự tập khởi của thọ; biết sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất yếu của thọ[40], do bình đẳng quán mà được vô dư giải thoát, vì vậy được gọi là Như Lai [41].
“Đó gọi là, còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng.
“Lại còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng[42]. Đó là pháp gì?
“Một số Sa-môn, Bà-la-môn y bổn kiếp bổn kiến đề lên luận thuyết rằng ‘Bản ngã và thế gian, một nửa thường và một nửa vô thường.[43] ’ Các Sa-môn, Bà-la-môn nào nhân đó đối với bổn kiếp bổn kiến chủ trương bản ngã và thế gian một nửa thường và một nửa vô thường, đều thuộc trong bốn trường hợp này; chừng ấy không hơn.
“Hoặc có một thời gian, kiếp này bắt đầu thành tựu[44]. Một số chúng sanh khác phước hết, mạng dứt, hành dứt, từ trời Quang âm [45] mạng chung sanh vào Phạm thiên trống không[46], tức thì đối với nơi ấy sanh tâm yêu thích, lại ước nguyện có các chúng sanh khác cùng sanh đến chỗ này. Chúng sanh này sau khi sanh tâm yêu thích và có ước nguyện như vậy rồi, lại có các chúng sanh khác mà mạng, hành và phước đều hết, chết ở trời Quang âm sanh đến Phạm thiên trống không. Chúng sanh này bèn nghĩ: ‘Ở đây, Ta là Phạm, Đại phạm. Ta tự nhiên hiện hữu, không có ai tạo ra ta. Ta biết hết thảy nghĩa điển[47]. Ta tự tại trong một nghìn thế giới, là tôn quý bậc nhất, có khả năng biến hóa, vi diệu bậc nhất. Là cha của chúng sanh, riêng mình ta hiện hữu trước nhất. Chúng sanh sanh ra sau này đều do ta hóa thành[48].’ Chúng sanh sanh đến sau kia lại có ý nghĩ như vầy: ‘Vị kia là Đại Phạm. Vị kia có khả năng tự tạo, không có ai là người sáng tạo ra vị ấy. Ngài biết rõ hết nghĩa điển; tự tại trong một nghìn thế giới, tôn quý bậc nhất, có khả năng biến hóa, vi diệu bậc nhất. Là cha của chúng sanh, riêng vị ấy hiện hữu trước nhất. Chúng ta hiện hữu sau. Chúng sanh chúng ta đều do vị ấy hóa thành.’ Chúng sanh ở Phạm thiên kia khi mạng và hành đã hết bèn sanh đến thế gian; tuổi lớn dần, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, nhập định ý tam-muội, tùy tam-muội tâm, tự mình biết được đời trước, bèn nói như vầy: ‘Đại phạm kia có khả năng tự tạo; không do ai tạo ra. Ngài biết hết nghĩa điển, tự tại trong một nghìn thế giới, là tôn quý bậc nhất, có khả năng biến hóa, vi diệu bậc nhất. Là cha của chúng sanh, thường trú bất biến. Nhưng các chúng sanh do Phạm thiên kia sáng tạo như chúng ta, chúng ta thì vô thường biến dịch, không tồn tại lâu dài. Vì vậy biết rằng bản ngã và thế gian nửa thường và nửa vô thường. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ nhất. Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến đề khởi luận thuyết nửa thường nửa vô thường, thuộc trong bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Hoặc có chúng sanh[49] thích vui đùa, biếng nhác, mãi mãi[50] vui đùa lấy làm thỏa thích. Kia khi vui đùa thỏa thích, thân thể mệt mỏi, bèn thất ý[51]. Do thất ý mà mạng chung, sanh đến thế gian; tuổi lớn dần, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, nhập định ý tam-muội, từ tam-muội tâm, tự mình biết được đời trước, bèn nói như vầy: ‘Các chúng sanh còn lại kia do không vui đùa thỏa thích nhiều nên thường trú ở chỗ kia. Ta do vui đùa thỏa thích nhiều nên phải chịu vô thường, là pháp biến dịch. Vì vậy, ta biết rằng: bản ngã và thế gian nửa thường nửa vô thường. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ hai; Sa-môn Bà-la-môn nhân đó đối với bổn kiếp bổn kiến đề khởi luận thuyết rằng bản ngã và thế giới nửa thường nửa vô thường; thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Hoặc có chúng sanh sau khi nhìn ngó nhau, liền thất ý[52]. Do thất ý mà mạng chung, sanh đến thế gian; tuổi lớn dần, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, nhập định ý tam-muội, tùy tam-muội tâm, tự mình biết được đời trước, bèn nói như vầy: ‘Các chúng sanh còn lại kia do không nhìn ngó nhau nên không thất ý. Vì vậy, chúng thường trú bất biến. Chúng ta vì nhiều lần nhìn ngó nhau; sau khi nhìn ngó nhau nhiều lần liền thất ý, khiến cho phải vô thường, là pháp biến dịch. Ta vì vậy biết rằng bản ngã và thế gian nửa thường nửa vô thường. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ ba, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến đề xuất luận thuyết rằng bản ngã và thế giới nửa thường nửa vô thường; thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, là người có trí tuệ nhạy bén, có năng lực quán sát khéo, và bằng trí tuệ quán sát nhạy bén ấy, và bằng trí biện thuyết của mình, tuyên bố rằng: ‘Bản ngã và thế gian nửa thường nửa vô thường.’ Đó là quan điểm thứ tư, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương ‘bản ngã và thế gian thường tồn’, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Duy chỉ Như Lai biết rõ những cơ sở quan điểm này được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy. Sở tri của Như Lai vượt qua những thứ ấy. Tuy biết nhưng không bị dính mắc. Do không bị dính mắc nên được tịch diệt; biết sự tập khởi của thọ; biết sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất yếu của thọ, do bình đẳng quán mà được vô dư giải thoát, vì vậy được gọi là Như Lai.
“Đó gọi là, còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng.
“Lại còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng. Đó là pháp gì?
“Một số Sa-môn, Bà-la-môn y bổn kiếp bổn kiến đề lên luận thuyết rằng ‘Bản ngã và thế gian là hữu bi/ên và vô biên.[53] ’ Các Sa-môn, Bà-la-môn nào nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương bản ngã và thế gian hữu biên và vô biên, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện, nhập định ý tam-muội. Với tam-muội tâm, khởi lên vô biên tưởng [54], vị ấy nói rằng: ‘Thế gian là hữu biên [55]. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Ta bằng vô số phương tiện nhập định ý tam-muội. Với tam-muội tâm, quán sát thấy rằng thế gian có biên tế. Vì vậy biết rằng thế gian là hữu biên. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ nhất, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến đề xướng luận thuyết rằng bản ngã và thế giới hữu biên, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện, nhập định ý tam-muội. Với tam-muội tâm, khởi lên vô biên tưởng, vị ấy nói rằng: ‘Thế gian là vô biên. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Ta bằng vô số phương tiện nhập định ý tam-muội. Với tam-muội tâm, quán sát thấy rằng thế gian không có biên tế. Vì vậy biết rằng thế gian là hữu biên. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ hai, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến đề xướng luận thuyết rằng bản ngã và thế giới vô biên, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện, nhập định ý tam-muội. Với tam-muội tâm, quán sát thế gian, thấy rằng phương trên có biên, bốn phương không có biên[56], vị ấy nói rằng: ‘Thế gian vừa hữu biên vừa vô biên. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Ta bằng vô số phương tiện nhập định ý tam-muội. Với tam-muội tâm, quán sát thấy phương trên có biên còn bốn phương không có biên. Vì vậy biết rằng thế gian vừa hữu biên vừa vô biên. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ ba, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến đề xướng luận thuyết rằng bản ngã và thế giới vô biên, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, là người có trí tuệ nhạy bén, có năng lực quán sát khéo, rồi bằng trí tuệ quán sát nhạy bén, và bằng trí biện thuyết của mình, tuyên bố rằng: ‘Bản ngã và thế gian không phải hữu biên, không phải vô biên.’ Đó là trường hợp thứ tư, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương ‘bản ngã và thế gian hữu biên hay vô biên’, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Duy chỉ Như Lai biết rõ những cơ sở quan điểm này được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy. Sở tri của Như Lai vượt qua những thứ ấy. Tuy biết nhưng không bị dính mắc. Do không bị dính mắc nên được tịch diệt; biết sự tập khởi của thọ; biết sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất yếu của thọ, do bình đẳng quán mà được vô dư giải thoát, vì vậy được gọi là Như Lai.
“Đó gọi là, còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng.
“Lại còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng. Đó là pháp gì?
“Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, được hỏi khác nhưng trả lời khác[57]. Những vị ấy mỗi khi có người hỏi điều này hay điều khác, được hỏi khác, trả lời khác[58], thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn. Các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đóù y bổn kiếp bổn kiến, hỏi khác đáp khác, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Tôi không thấy, không biết, thiện ác có quả báo chăng? không có quả báo chăng?’[59] Vì tôi không thấy, không biết nên nói như vầy: ‘Thiện ác có quả báo chăng? không có quả báo chăng? Thế gian có những Sa-môn, Bà-la-môn quảng bác, đa văn, thông minh, trí tuệ, thường ưa nhàn tĩnh, cơ biện tinh vi, được người đời tôn trọng, có thể bằng trí tuệ phân tích khéo léo các quan điểm. Giả sử họ hỏi tôi những nghĩa lý sâu sắc, tôi không thể đáp. Vì thẹn với vị ấy; vì sợ vị ấy, tôi phải dựa vào sự trả lời ấy làm chỗ quy y, làm hòn đảo, làm mái nhà, làm cứu cánh đạo. Giả sử kia có hỏi, tôi sẽ đáp như vầy: ‘Việc này như thế. Việc này là thật. Việc này khác. Việc này không khác. Việc này không phải khác, không phải không khác.’ Đó là trường hợp thứ nhất, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó hỏi khác đáp khác, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như vầy, quan diểm như vầy: ‘Tôi không thấy, không biết có thế giới khác chăng? không có thế giới khác chăng?[60] Trong đời có các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng thiên nhãn trí, tha tâm trí, có thể thấy những việc xa xôi. Những việc ấy tuy gần người khác nhưng người khác không thấy. Những người như vậy có thể biết có thế giới khác hay không có thế giới khác. Tôi không biết, không thấy có thế giới khác hay không có thế giới khác. Nếu tôi nói, thì đó là nói dối. Vì ghét nói dối, sợ nói dối[61]. Vì vậy, để làm chỗ quy y, làm hòn đảo, làm mái nhà, làm cứu cánh đạo, giả sử kia có hỏi, tôi sẽ đáp như vầy: ‘Việc này như vậy. Việc này là thật. Việc này khác. Việc này không khác. Việc này không phải khác, không phải không phải không khác.’ Đó là trường hợp thứ hai, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó hỏi khác đáp khác, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn có quan điểm như vầy, có luận thuyết như vầy: ‘Tôi không thấy, không biết thiện là gì, bất thiện là gì. Nếu tôi không thấy, không biết mà nói như vầy: đây là thiện, đây là bất thiện, thì do đây tôi sanh ái, từ ái sanh sân nhuế. Có ái, có nhuế, thì có thọ[62] sanh. Tôi vì muốn diệt trừ thọ nên xuất gia tu hành.’ Kia do ghét thọ, kinh sợ thọ[63]. Vì để làm chỗ quy y, làm hòn đảo, làm mái nhà, làm cứu cánh đạo, nên giả sử kia có hỏi, tôi sẽ trả lời như vầy: ‘Việc này như vậy. Việc này là thật. Việc này khác. Việc này không khác. Việc này không phải khác, không phải không khác.’ Đó là trường hợp thứ ba, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó hỏi khác đáp khác, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn ngu si ám độn[64], khi có người hỏi, thì tùy theo người hỏi mà trả lời rằng: ‘Việc này như vậy. Việc này là thật. Việc này khác. Việc này không khác. Việc này không phải khác, không phải không khác.’ Đó là trường hợp thứ tư, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó hỏi khác đáp khác, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, hỏi khác đáp khác, tất cả thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Duy chỉ Phật mới có thể biết rõ những cơ sở quan điểm này được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy. Sở tri của Như Lai vượt qua những thứ ấy. Tuy biết nhưng không bị dính mắc. Do không bị dính mắc nên được tịch diệt; biết sự tập khởi của thọ; biết sự diệt tận, vị ngọt, sựï tai hại và sự xuất yếu của thọ, do bình đẳng quán mà được vô dư giải thoát, vì vậy được gọi là Như Lai.
“Đó gọi là, còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng
“Lại còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng. Đó là pháp gì?
“Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương rằng không có nguyên nhân mà xuất hiện có thế gian này. Chủ trương ấy thuộc hai trường hợp. Y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương vô nhân mà xuất hiện có thế gian này[65], thuộc trong hai trường hợp. Chừng ấy không hơn.
“Sa-môn, Bà-la-môn kia nhân sự kiện gì, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương vô nhân mà có, thuộc trong hai trường hợp, chừng ấy không hơn?
“Có hạng chúng sanh vô tưởng, vô tri[66]. Khi chúng sanh kia sanh khởi tưởng, tức thì mạng chung, sanh đến thế gian này; rồi dần dần khôn lớn, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, nhập định ý tam-muội. Bằng tam-muội tâm mà biết được gốc đời trước của mình, vị ấy bèn nói như vầy: ‘Tôi vốn không có. Nay bỗng nhiên có[67]. Thế gian này vốn không, nay có. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ nhất, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương không nhân mà có, thuộc trong hai trườnghợp, chừng ấy không hơn.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn có trí tuệ nhạy bén, có khả năng quán sát khéo léo. Vị ấy bằng trí tuệ quán sát nhạy bén, bằng trí tuệ biện luận của mình, nói như vầy: ‘Thế gian này hiện hữu không do nhân. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ hai, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương không nhân mà hiện hữu, mà có thế gian này, thuộc trong hai trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Duy chỉ Phật mới có thể biết… (như trên).
“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, với vô số trường hợp khác nhau, mỗi người tùy ý lập thuyết; tất cả được thâu tóm trong 18 trường hợp. Bổn kiếp bổn kiến, với vô số trường hợp, tùy ý lập thuyết, thuộc trong mười tám trường hợp, chừng ấy không hơn. Duy chỉ Phật mới có thể biết… (như trên).
“Lại có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp vi diệu, thâm sâu. Đó là pháp gì? Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến [68], với vô số trường hợp, tùy ý lập thuyết, gồm bốn mươi bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Các Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, với vô số trường hợp, tùy lý lập thuyết, thuộc trong bốn mươi bốn trường hợp, chừng ấy không hơn?
“Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, sanh hữu tưởng luận [69], nói rằng thế gian có tưởng[70], tất cả thuộc trong mười sáu trường hợp. Y mạt kiếp mạt kiến, sanh hữu tưởng luận, nói rằng thế gian có tưởng, thuộc trong mười sáu trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Các Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, sanh tưởng luận, nói rằng thế gian có tưởng, thuộc trong mười sáu trường hợp, chừng ấy không hơn?
“Có các Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Ta[71], sau kết thúc này, sanh có tưởng có sắc. Đây là thật, ngoài ra là dối.’72 Đó là trường hợp thứ nhất, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y bổn kiếp bổn kiến, sanh tưởng luận, nói thế gian có tưởng, thuộc trong mười sáu luận chấp, chừng ấy không hơn.
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vô sắc có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có sắc vừa không sắc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải có sắc không phải vô sắc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có biên,[72] có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không biên, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có biên vừa không biên, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải có biên cũng không phải không biên, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh mà thuần lạc, có tuởng.[73] Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Bản ngã, sau kết thúc này, sanh mà thuần khổ, có tưởng[74]. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Bản ngã, sau kết thúc này, sanh vừa có khổ vừa có lạc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải khổ, không phải lạc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có một tưởng[75]. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có đa biệt tưởng[76]. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có ít tưởng[77]. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có vô lượng tưởng [78]. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Đó là mười sáu trường hợp, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y mạt kiếp mạt kiến, sanh tưởng luận, nói thế gian có tưởng, thuộc trong mười sáu trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Duy chỉ Phật mới có thể biết, cũng như vậy… (như trên).
“Lại có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp vi diệu, thâm sâu. Đó là pháp gì? Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, sanh vô tưởng luận [79], nói thế gian không có tưởng. Tất cả thuộc vào trong tám trường hợp. Y mạt kiếp mạt kiến, sanh vô tưởng luận, thuộc trong tám trường hợp này, chừng ấy không hơn.
“Các Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, sanh vô tưởng luận, nói thế gian không có tưởng, thuộc trong tám trường hợp, chừng ấy không hơn?
“Có các Sa-môn, Bà-la-môn, luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có sắc không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không sắc, không tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có sắc vừa không sắc, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, say kết thúc này, không phải có sắc cũng không phải không có sắc, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có biên vừa không có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có người nói: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải có biên không phải không có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Đó là tám trường hợp. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y mạt kiếp mạt kiến, sanh vô tưởng luận, nói thế gian không có tưởng; tất cả thuộc trong tám trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Duy chỉ Phật mới có thể biết, cũng vậy (như trên).
“Lại có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp vi diệu, sâu xa. Đó là pháp gì? Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, sanh phi tưởng phi phi tưởng luận [80], nói thế gian không phải có tưởng không phải không có tưởng. Tất cả thuộc trong tám trường hợp. Y mạt kiếp mạt kiến, chủ trương phi tưởng phi phi tưởng luận, thuộc trong tám trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, chủ trương phi tưởng phi phi tưởng luận, thuộc trong tám trường hợp, chừng ấy không hơn?
“Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có sắc vừa không sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải có sắc không phải không sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh vừa có biên vừa không có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau kết thúc này, sanh không phải có biên không phải không có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’
“Đó là tám trường hợp. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào nhân đó, y mạt kiếp mạt kiến, sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng, nói thế gian không phải có tưởng không phải không có tưởng, thảy đều thuộc trong tám trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Duy chỉ Phật mới có thể biết, cũng vậy… như trên.
“Lại có pháp khác, là ánh sáng của pháp vi diệu, sâu xa. Pháp đó là gì? Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, khởi lên đoạn diệt luận [81], nói rằng chúng sanh hoàn toàn đoạn diệt; tất cả thuộc trong bảy trường hợp. Y mạt kiếp mạt kiến, khởi đoạn diệt luận, nói rằng chúng sanh hoàn toàn đoạn diệt, thuộc trong bảy trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, khởi đoạn diệt luận, nói chúng sanh hoàn toàn đoạn diệt, thuộc trong bảy trường hợp, chừng ấy không hơn?
“Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta[82], với thân bốn đại, sáu nhập, do cha mẹ sanh, được nuôi nấng bằng sữa; trưởng thành nhờ áo cơm, nhờ vuốt ve, bồng ẳm; nhưng là vô thường, chắc chắn đi đến chỗ huỷ diệt.’[83] Cho đến mức ấy, được gọi là đoạn diệt. Đó là trường hợp thứ nhất.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Cái ta đây không thể gọi là đoạn diệt. Cái ta dục giới thiên[84] mới đoạn diệt hoàn toàn; cho đến mức ấy mới là đoạn diệt.’ Đó là trường hợp thứ hai.
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta sắc giới hoá thân, các căn đầy đủ[85], đoạn diệt hoàn toàn; chừng mức ấy mới gọi là đoạn diệt.’
“Hoặc có người nói: ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta vô sắc giới không xứ [86] mới đoạn diệt.’
“Hoặc có người nói: ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta vô sắc thức xứ [87] mới đoạn diệt.’
“Hoặc có người nói: ‘Đấy không phải đoạn diệt. Ta vô sắc bất dụng xứ [88] đoạn diệt.’
“Hoặc có người nói: ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta vô sắc hữu tưởng vô tưởng xứ [89] đoạn diệt.’ Đó là đoạn diệt thứ bảy.
“Đó là bảy trường hợp, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y mạt kiếp mạt kiến, nói các loại chúng sanh đoạn diệt hoàn toàn, thuộc trong bảy trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Duy chỉ Phật mới có thể biết, cũng vậy …(như trên).
“Lại có pháp, là ánh sáng của đại pháp vi diệu, sâu xa. Đó là pháp gì? Có Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, đề xuất hiện tại Niết-bàn luận [90], nói rằng chúng sanh trong hiện tại có Niết-bàn; thảy đều thuộc trong năm trường hợp. Y mạt kiếp mạt kiến, chủ trương hiện tại Niết-bàn luận, thuộc trong năm kiến, chừng ấy không hơn.
“Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, nói rằng chúng sanh trong hiện tại có Niết-bàn, thuộc trong năm trường hợp, chừng ấy không hơn?
“Có Sa-môn, Bà-la-môn, quan điểm như vầy, luận thuyết như vầy: ‘Ta trong hiện tại phóng túng theo năm dục[91], ấy là ta đạt Niết-bàn trong hiện tại.’ Đó là trường hợp thứ nhất.
“Lại có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, chớ không phải là không đúng. Nhưng còn có Niết-bàn vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết; chỉ ta biết mà thôi. Như ta ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, hỷ lạc do định sanh, nhập sơ thiền.[92] ’ Đây mới là hiện tại Niết-bàn.’ Đó là trường hợp thứ hai.
“Lại có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, chớ không phải là không đúng[93]. Nhưng có Niết-bàn hiện tại vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết; chỉ mình ta biết mà thôi. Như ta diệt giác quán, nội tâm tịch tĩnh, nhất tâm, không giác quán, hỷ lạc do định sanh, nhập đệ nhị thiền. Chừng ấy mới gọi là hiện tại Niết-bàn.’ Đó là trường hợp thứ ba.
“Lại có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, chớ không phải là không đúng. Nhưng có Niết-bàn hiện tại vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết; chỉ mình ta biết mà thôi. Như ta lìa hỷ, an trú xả và niệm, nhất tâm, thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh nói, an trú lạc và xả, nhập đệ tam thiền. Chừøng ấy mới là hiện tại Niết-bàn.’ Đó là trường hợp thứ tư.
“Lại có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, không phải là không đúng. Nhưng còn hiện tại Niết-bàn vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết. Chỉ mình ta biết thôi. Như ta lạc diệt, khổ diệt, ưu hỷ đã trừ trước, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập đệ tứ thiền. Ấy mới gọi là hiện tại Niết-bàn.’ Đó là trường hợp thứ năm. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương hiện tại Niết-bàn luận, thuộc trong năm trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Duy Phật mới có thể biết, cũng vậy… (như trên).
“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, với vô số trường hợp, tùy ý lập thuyết, thuộc trong bốn mươi bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Duy Phật mới có thể biết các cơ sở quan điểm này, cũng như vậy (như trên).
“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, với vô số trường hợp, tuỳ ý lập thuyết, tất cả thuộc trong sáu mươi hai trường hợp. Y bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, với vô số trường hợp, tùy ý lập thuyết, tất cả thuộc trong sáu mươi hai trường hợp, chừng ấy không hơn.
“Duy chỉ Như Lai mới biết các cơ sở quan điểm ấy, cũng vậy (như trên).
“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương thường trú luận, nói: ‘Bản ngã và thế giới là thường.’ Sa-môn, Bà-la-môn kia ở nơi đó phát sanh trí, nghĩa là, tín dị biệt, dục dị biệt, học hỏi dị biệt, duyên dị biệt, giác dị biệt, kiến dị biệt, định dị biệt, nhẫn dị biệt. Nhân đấy mà sanh trí, và kia do hiện hữu phổ biến mà được gọi là thọ[94], ... cho đến, hiện tại Niết-bàn, cũng lại như vậy.
“Các Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương thường trú luận, nói: ‘Thế gian là thường’, các vị ấy nhân bởi duyên là thọ mà khởi ái; sanh khởi ái mà tự mình không hay biết, bị nhiểm trước bởi ái, bị khuất phục bởi ái[95], ... cho đến hiện tại Niết-bàn; cũng lại như vậy.
“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương thường trú luận, nói ‘Thế gian là thường’, các vị ấy do bởi duyên là xúc. Nếu lìa xúc duyên thì không thể lập luận, ... cho đến hiện tại Niết-bàn, cũng lại như vậy.
“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, mỗi người tùy theo sở kiến mà nói; tất cả đều gồm trong sáu mươi hai kiến. Mỗi người tùy ý thuyết; thảy đều y trên đó, ở trong đó, chừng ấy không hơn. Cũng như người chài khéo, bằng tấm lưới dày mắt giăng trên ao nhỏ, nên biết, hết thảy các loài thủy tộc trong ao đều lọt vào lưới, không chỗ tránh thoát, chừng ấy không hơn. Cũng vậy, các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, với nhiều thuyết khác nhau, tất cả thuộc vào sáu mươi hai kiến, chừng ấy không hơn.
“Nếu Tỳ-kheo, đối với sự tập khởi của sáu xúc, sự diệt tận, vị ngọt, tai họa và sự xuất ly, mà biết rõ như thật, Tỳ-kheo ấy là người tối thắng, vượt ngoài các kiến ấy. Như Lai tự biết, sự sanh đã dứt, sở dĩ có thân là để phước độ chư thiên, nhân loại. Nếu Như Lai không có thân, người đời không chỗ nương cậy. Cũng như cây đa-la bị chặt ngọn không còn sống trở lại nữa. Phật cũng vậy, đã đoạn sanh tử, vĩnh viễn không còn tái sanh.”
Khi Phật nói pháp này, đại thiên thế giới ba lần chuyển mình với sáu cách rung động. Lúc ấy, A-nan đứng sau Phật đang cầm quạt hầu Phật, liền trịch áo bày vai phải, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng:
“Pháp này rất sâu xa, nên gọi tên là gì? Nên phụng trì như thế nào?’
Phật bảo A-nan:
“Nên đặt kinh này là Nghĩa động, Pháp động, Kiến động, Ma động, Phạm động[96].”
Bấy giờ A-nan sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1]. Bản Hán, Phật thuyết Trường A-hàm kinh, quyển 14, “Đệ tam phần, Phạm động kinh đệ nhị”, Đại I tr. 88b-94a.-Tham chiếu, No. 21 Phật thuyết Phạm võng lục thập nhị kiến kinh, Ngô Chi Khiêm dịch Đại I tr. 264.-Tương đương Pāli: D. 1, Deva Dig i. 1 Brahmajāla-sutta ; Trường I, “Kinh Phạm võng.”. Bản Hán: Phạm động, có thể do đọc Brahmacala, thay vì Brahmajala.
[2]. Ma-kiệt, hay Ma-kiệt-đà 摩 竭 陀, Pāli: Magadha.
[3]. D. 1, sđd.: năm trăm người.
[4]. Tống, Nguyên, Minh: Trúc thôn 竹 村. No. 1: Phật du hành từ nước Câu lưu 拘 留 (Pāli: Kuru) đến Xá vệ 舍 衛 (Pāli: Savatthi), nghỉ tại vườn Cấp cô độc 級 孤 獨. D. 1, sđd.: trên con đường giữa Rājagaha (thủ phủ của Magadha) và Nalandā .
[5]. Hán: tại vuơng đường thượng 在 王 堂 上. Pāli: Ambalaṭṭhikāyam rājārake, tại Ambalatthikā, trong nhà nghỉ mát của vua.
[6]. Phạm chí 梵 志; Pāli: paribbājaka.
[7]. Thiện Niệm 善 念, Pāli: Suppiya, Phạm-ma-đạt 梵 摩 達-, Pāli: Brahmadatta . No 21, hai thầy trò Tu-tì 須 毗 và Pham-đạt ma-nạp 梵 達 摩 納 (Brahmadattamanava ).
[8]. Hán: dị tập, dị kiến, dị thân cận 異 習 異 見 異 親 近.
[9]. D 1: rattiyā paccūsasamayaṃ , “khi đêm vừa tàn…”
[10]. Pāli: na āghāto na appaccayo na cetoso anabhiraddhi, không đau lòng, không buồn giận, tâm không phẫn nộ.
[11]. Pāli: kupitā vā anattamanāvā, tức tối hay bất mãn.
[12]. Pāli: tumhaṃ yev’ assa tena antarāyo, như vậy sẽ là sự chướng ngại cho các ngươi.
[13]. Pāli: appamatakaṃ kho pan’ etaṃ oramattakaṃ sīlamattakaṃ, cái đó chỉ thuộc về giới luật, nhỏ nhặt, không quan trọng.
[14]. Từ đây trở xuống cho hết phần về giới, nội dung đồng nhất với kinh “A-ma-trú”, nhưng văn dịch nhiều chỗ bất nhất.
[15]. Ỷ ngữ 綺 語, hay tạp uế ngữ 雜 穢 語; Pāli: samphappāla, lời nói phù phiếm.
[16]. Bất trước hương hoa 不 著 香 花; D. 1,: Mālā-gandha-vilepana-dhāraṇa-maṇḍana-vibhūsana-ṭṭhānā paṭivirato, không trang sức, tô điểm, đeo mang tràng hoa, hương liệu.
[17]. Hán: khoán ước đoạn đương, … thọ thủ để trái, hoạnh sanh vô đoan 券 約 斷 當 … 受 取 觝 債. A-ma-trú: bất để trái, bất vu võng 不 觝 債 不 誣 網.
[18]. Hán: chủng thực thọ mộc qủy thần sở y 種 植 樹 木 鬼 神 所 依, trồng các thứ cây cối có quỷ thần ở. Dịch nghĩa đen của từ Pāli: bhūta-gāma (Skt. bhūta-grama), thôn xóm quỷ thần; nghĩa thực chỉ các loại cây cối.
[19]. Hán: vô ích giá đạo chi ngôn 無 益 遮 道 之 言. Pāli: tiracchāna-katham , súc sanh luận, chuyện thú vật, chuyện vô ích, không ích lợi cho sự tu đạo.
[20]. Hán: hiện tướng hủy thụ 現 相 毀 呰; Pāli: nemittikā ca nippesikā
[21]. Hán: hành giá đạo pháp 行 遮 道 法. Pāli: tiracchāna-vijjāya , bằng học thuật vô ích (súc sanh minh).
[22]. Các khoa chú được kể, Pāli: vijjā, Skt. vidya, môn học, ngành học; cũng có nghĩa chú thuật (minh chú).
[23]. Quỷ thần chú 鬼 神 咒; Pāli: bhūta-vijja, môn học liên quan đến quỷ thần; ma thuật.
[24]. Hán: chi tiết chú 支 節 咒; Pāli: aṅga-vijja, khoa học về chân tay, xem tướng chân tay.
[25]. Phương diện sở tại 方 面 所 在. Chưa xác định nghĩa. Gần tương đương Pāli: disā-ḍāha, lửa cháy ở các phương.
[26]. Bổn kiếp bổn kiến 本 劫 本 見, quan điểm về khởi nguyên của thế giới dựa kiếp quá khứ, nguyên thuỷ sáng thế luận . Pāli: pubbantakappikā pubbantādiṭṭhino
[27]. Mạt kiếp mạt kiến 末 劫 末 見, thế mạt luận. Pāli: aparanta-kappikā aparanta-diṭṭhiṃ.
[28]. Chủng chủng vô số, tuỳ ý sở thuyết 種 種 無 數 隨 意 所 說. Pāli: pubbantaṃ ārabbha anekavihitāni adhivutti-padāni abhivadanti, họ tuyên bố nhiều hư thuyết khác nhau liên quan đến quá khứ. Pāli: adhivutti-pada, lập thuyết phù phiếm; gần nghĩa với Hán dịch: tùy ý sở thuyết.
[29]. Hán: kiến 見. Pāli: vatthu, sự vật, cơ sở.
[30]. Hán: thường luận 常 論. Pāli: sassata-vādā (Skt. śāśvata-vādā)
[31]. Hán: ngã cập thế gian thường tồn 我 及 世 間 常 存. Pāli: sassataṃ attāñ ca lokañ ca
[32]. Hán: nhập định ý tam muội 入 定 意 三 昧. Pāli: ceto-samādhiṃ phusati, nhập vào trạng thái tập trung của tâm.
[33]. Hán: dĩ tam muội tâm 以 三 昧 心. Pāli: yathā samāhite citte , trong khi tâm được tập trung như thế.
[34]. Thành kiếp bại kiếp 成 劫 敗 劫 (hoại kiếp), các thời kỳ sáng thế và tận thế (Pāli: saṃvaṭṭa-vivaṭṭa, Skt. saṃvṛta-vivṛta), tính theo đơn vị thời gian vũ trụ gọi là kiếp (Pāli: kappa, Skt. kalp).
[35]. Tham chiếu Pāli: So evaṃ āha: “Sassato attā ca loko ca vañjho kūṭaṭṭho esikaṭṭhāyiṭṭhito, te ca sattā sandhāvanti saṃsaranti cavanti upapajjanti, atthi tveva sassatisamaṃ...” Vị ấy nói: “Bản ngã và thế giới là vĩnh hằng, không sinh sản (như thạch nữ), đứng thẳng, bất động như trụ đá. Các chúng sanh trong đó lưu chuyển, luân hồi, chết rồi tái sanh, tuy nhiên chúng vẫn thường tồn.”
[36]. Trong bản Pāli, 1. Nhớ từ một đời cho đến trăm nghìn đời. 2. Nhớ từ một cho đến mười thành kiếp hoại kiếp. 3. Nhớ cho đến bốn mươi thành kiếp hoại kiếp.
[37]. Hán: hữu tiệp tật tướng trí, thiện năng quán sát 有 捷 疾 相 智. Pāli: takkī hoti vīmaṃsī hoti, nhà suy luận, nhà thẩm sát.
[38]. Kiến xứ 見 處; Pāli: diṭṭhiṭṭhānā, luận điểm tư tưởng.
[39]. Pāli: aparāmasato c’ assa paccattaṃ yeva nibbuti viditā, do không thủ trước nên nội tâm tịch tĩnh.
[40]. Hán: tri thọ tập, diệt, vị, quá hoạn, xuất yếu 知 受 集 滅 味 過 患 出 要. Pāli: vedanānaṃ ca samudayañ ca aṭṭhagamañ ca assādañ ca ādīnavañ ca nissaraṇañ ca yathā-bhūtaṃ viditvā, biết một cách như thật sự tập khởi, sự hủy diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự thoát ly của thọ.
[41]. Hán: dĩ bình đẳng quán vô dư giải thoát cố danh Như Lai 以 平 等 觀 無 餘 解 脫 故 名 如 來. Pāli: anupādā vimutto... Tathāgato, Như Lai được giải thoát vô dư; giải thoát không còn chấp thủ (như lửa tắt hoàn toàn không còn nhiên liệu).
[42]. Chơn thật bình đẳng 真 實 平 等; Pāli: yathābhuccaö sammā . Bản Hán đọc là sama, ngang bằng, thay vì sammā, một cách chơn chánh.
[43]. Hán: bán thường bán vô thường 半 常 半 無 常. Pāli: ekaccaṃ sassataṃ ekaccaṃ asassataṃ , một bộ phận thường, một bộ phận không thường.
[44]. Đối chiếu Pāli, Dig i. 1 tr 17: kadāci karahaci.... ayaṃ loko vivaṭṭati, vào một lúc, thế giới này chuyển thành. Trong bản Pāli, trước đoạn này có một đoạn nói về kiếp hoại (kadāci karahahi... ayaṃ loko saṃvaṭṭati).
[45]. Quang âm thiên 光 音 天, tầng cao nhất của Nhị thiền thiên. Pāli: Ābhassara.
[46]. Tham chiếu Pāli, sđd.: tr 17: Vivaṭṭamāne loke sūññaṃ Brahma-vimānaṃ pātu-bhavati, trong khi thế giới chuyển thành, cung điện Phạm thiên trống không hiện ra.
[47]. Nghĩa điển 義 典, có lẽ muốn nhắc đến Arthaśāstra. Pāli không có chi tiết này.
[48]. “Ở đây, ta là Phạm,... do ta hóa thành;” tham chiếu Pāli, sđd. nt.: Ahaṃ asmi Brahmā Mahā-brahmā abhibhū anabhibhūto aññad-atthu-daso vasavattī issaro kattā nimmātā seṭṭho sañjitā vasī pitā bhūta-bhavyānaṃ. Mayā ime sattā nimmitā, “Ta là Phạm thiên, Đại Phạm thiên. đấng Toàn năng, Toàn thắng, Phổ kiến, đấng Quan phòng, đấng Tự tại,, đấng Sáng tạo, Hoá sanh chủ, Chí Tôn, Chúa tể mọi loài, Cha của những ai đã sanh và sẽ sanh. Các hữu tình này do ta sáng tạo.”
[49]. Chỉ chúng sanh trên cõi Phạm thiên. Pāli: Khiḍḍa-padosika namā devā, có hạng chư thiên được gọi là Đam mê Hỷ tiếu.
[50]. Hán: sác sác 數 數; Pāli: ativelaṃ, quá lâu dài.
[51]. Pāli: sati mussati, thất niệm, mất chánh niệm, xao lãng.
[52]. Tham chiếu Pāli, Dig I. 1, tr 19: Santi Mano-pasodikā nāma devā. Te ativelaö aññamaññaṃ upanijjhāyanti (...) cittāni nappadūsenti, có những chư thiên được gọi là Ý nhiễm (Manopasodika). Chúng nhìn ngắm nhau lâu ngày... tâm chúng bị nhiễm ô với nhau.
[53]. Hán: Ngã cập thế gian hữu biên vô biên 我 及 世 間 有 邊 無 邊. Các bản Hán đều có chữ ngã. Theo văn mạch tiếp theo, chữ này dư. Tham chiếu Pāli, Dig i. 1 tr 21: antānantikā antānantaṃ lokassa paññapenti, họ chủ trương thế giới hữu biên, vô biên.
[54]. Hán: khởi vô biên tưởng 起 無 邊 想. Pāli, sđd. nt.: anta-saññī lokasmiṃ viharati, vị ấy sống trong thế gian với ý tưởng hữu biên.
[55]. Pāli, sđd. nt.: antavā ayaṃ loko parivaṭumo , thế giới này có biên tế, có giới hạn (có đường viền chung quanh).
[56]. Pāli, Dig i. 1 tr 22: uddham-addho anta-saññī lokasmiṃ viharati, tiriyaṃ ananta-saññī, vị ấy sống trong thế gian với ý tưởng phía trên và phía dưới hữu biên; chiều ngang vô biên.
[57]. Hán: dị vấn dị đáp. Pāli: amarā-vikkhepika, nhà ngụy biện (uốn lượn trườn lươn).
[58]. Pāli, sđd.: tr 24: tattha tattha pañhaṃ puṭṭhā samānā vācā-vikkhepaṃ āpajjanti, khi được hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, họ rơi vào tình trạng uốn lươn lời nói.
[59]. Hán: thiện ác hữu báo da, vô báo da ? 善 惡 有 報 耶 無 報 耶 Tham chiếu Pāli, Dig i. 1 tr 25: Atthi sukata-dukkatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipāko ? Có qủa dị thục của nghiệp thiện và bất thiện chăng ? Câu hỏi có 4 vế: có, không có, vừa có vừa không có, không phải có cũng không phải không có. Trong bản Pāli, đây không chỉ một vế của một câu hỏi về quả báo của thiện và ác. Nhưng có 4 vấn đề với 4 vế: thế giới khác (paro loko), hoá sanh hữu tình (sattā opapātikā), thiện ác nghiệp báo (sukata-dukkatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipāko), Như Lai sau khi chết (Tathāgato param maraṇā). Trong bản Pāli, đây là trường hợp thứ tư, thuyết của những người ngu si ám độn (mando momūho).
[60]. Xem chú thích 59.
[61]. Hán: ố úy vọng ngữ 惡 畏 妄 語. Pāli, Dig i. 1 tr 24: musā-vāda-bhayā musā-vāda-parijegucchā , vì sợ vọng ngữ, kinh tởm vọng ngữ. Trong bản Pāli, đây thuộc trường hợp thứ nhất, được hỏi thiện, ác là gì.
[62]. Thọ 受, tức thủ 取 (Pāli: upādāna), chỉ yếu tố duy trì sự sống, hay sở y của tái sanh (chấp thủ, trong 12 chi duyên khởi).
[63]. Pāli, sđd. nt.: upādāna-bhayā upādāna-parijegucchā .
[64]. Xem cht. 59.
[65]. Hán: vô nhân nhi xuất hữu thử thế gian 無 因 而 出 有 此 世 間. Pāli: adhicca-samuppannaṃ attānañ ca lokañ ca paññāpenti, chủ trương bản ngã và thế gian xuất hiện không do nguyên nhân nào.
[66]. Pāli, Dig i. 1 tr 26: Asañña-sattā nāma devā, có chư thiên được gọi là vô tưởng hữu tình.
[67]. Pāli, sđd. nt.: Ahaṃ hi pubbe nāhosiṃ, so’mhi etarahi ahutvā sattattāya pariṇato, tôi trước kia không hiện hữu, nhưng nay từ không hiện hữu, tôi biến hiện thành chúng sanh.
[68]. Xem cht. 26.
[69]. Hữu tưởng luận 有 想 論: Pāli; saññī-vādā
[70]. Pāli: uddhaṃ āghatanā saññiṃ attānaṃ paññāpeti, chủ trương sau khi chết bản ngã có tưởng; linh hồn vẫn có tri giác hay ý thức sau khi chết.
[71]. Hán: ngã 我, chỉ bản ngã hay tự ngã, ở đây chỉ linh hồn.
[72]. Hán: sanh hữu biên hữu tưởng 生 有 邊 有 想. Pāli, Dig i. 1 tr 28: Antavā hoti... saññī, bản ngã (linh hồn) là hữu biên (hữu hạn).
[73]. Hán: sanh nhi nhất hướng lạc hữu tưởng 生 而 一 向 樂 有 想. Pāli: Ekanta-sukhī..., bản ngã (linh hồn) thuần lạc.
[74]. Pāli: Ekanta-dukkhī attā, bản ngã thuần khổ.
[75]. Hán: sanh nhất tưởng 生 一 想. Pāli: Ekatta-saññī attā hoti, bản ngã chỉ có một tưởng.
[76]. Hán: hữu nhược can tưởng 有 若 干 想. Pāli: Nānatta-saññī attā hoti, bản ngã có tưởng sai biệt.
[77]. Hán: hữu thiểu tưởng 有 少 想. Pāli: Parittā-saññī attā hoti, bản ngã có tưởng hạn lượng.
[78]. Hán: hữu vô lượng tưởng 有 無 量 想. Pāli: appamāṇā-saññī attā hoti, bản ngã có vô lượng tưởng.
[79]. Vô tưởng luận 無 想 論. Pāli: uddhaṃ āghatanikā asaññī-vādā , chủ trương sau khi chết không có tưởng.
[80]. Pāli: n’evasaṇṇī-nāsaññī-vādā.
[81]. Đoạn diệt luận 斷 滅 論, một dạng chủ nghĩa hư vô, chủ trương chết là hết. Pāli: uccheda-vādā, sattassa ucchedaṃ vināsaṃ vibhavaṃ, đoạn diệt luận, chúng sanh đoạn diệt, tiêu diệt, không tồn tại.
[82]. Hán: ngã 我 chỉ tự ngã, hay linh hồn.
[83]. Tham chiếu Pāli, D 1, Dig i. 1 tr 30: ayaṃ attā rūpī cātum-mahā-bhutiko mātā-pettika-sambhavo; kayassa bhedā ucchijjati vinassati, na hoti param maraṇā, tự ngã này, thuộc sắc, do 4 đại tạo thành, do cha mẹ sanh, khi bản thân bị rã, thì nó bị đoạn diệt, tiêu diệt.
[84]. Hán: ngã dục giới thiên 我 欲 界 天. Tham chiếu Pāli: añño attā dibbo rūpī kāmāvacaro kabaliṅkārāhāra-bhakkho , có tự ngã khác, thuộc thiên giới, có sắc, ở dục giới, ăn bằng đoàn thực.
[85]. Hán: ngã sắc giới hóa thân, chư căn cụ túc 我 色 界 化 身 諸 根 具 足. Tham chiếu Pāli: añño attā dibbo rūpī manomayo sabbaṅga-paccaṅgī ahīndriyo, có tự ngã khác, thiên giới, có sắc, do ý sanh, có đầy đủ tay chân chi tiết.
[86]. Tham chiếu Pāli: Atthi añño attā sabbaso rūpa-saññānaṃ samatikkamā paṭigha-saññānaṃ atha-gamā nānatta-saññānaṃ amanasi-kārā ‘Ananto okaso’ ti ākāsānañcāyatanūpago, có tự ngã khác, vượt sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy sai bệt tưởng, nhận ra ‘Hư không là vô biên’, đạt không vô biên xứ.
[87]. Tham chiếu Pāli: (...) sabbaso ākāsānañcāyataṃ samapatikkama ‘Anantam viññānan’ ti viññānānañcāyatanūpago , vượt tất cả không vô biên xứ, nhận thức ‘Thức là vô biên’, đạt thức vô biên xứ.
[88]. Hán: bất dụng xứ 不 用 處, tức vô sở hữu xứ. Pāli: akiñcaññāyatana.
[89]. Hán: hữu tưởng vô tưởng xứ, 有 想 無 想 處 tức phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ Pāli: neva-saññā-nāsaññāyatana .
[90]. Hiện tại nê hoàn luận 現 在 泥 洹 論. Pāli: diṭṭha-dhamma-nibbāna-vādā .
[91]. Pāli: ayaṃ attā pañcahi kāma-guṇehi samappito samangi-bhūto paricāreti ettavatā kho bho ayaṃ attā parama-diṭṭha-dhamma-nibbānaṃ patto hoti, chừng nào tự ngã này hưởng thụ thoả mãn 5 phẩm tính của dục, trong chừng mực ấy tự ngã này mới đạt đến hiện tại tối thượng Niết-bàn.
[92]. Từ đây trở xuống, liên hệ tứ thiền, Hán dịch nhiều chỗ không chính xác. Xem cht.12 2-126, kinh số 2 “Du hành iii”.
[93]. Tham chiếu Pāli: no ca kho bho ayaṃ attā ettavā parama-diṭṭha-dhamma-nibbāna-patto hoti. Taṃ kissa hetu ? Kāmā hi bho aniccā dukkhā vipariṇāma-dhammā, (...). Đó chứ phải là hiện tại tối thượng Niết-bàn. Vì sao ? Dục là vô thường, khổ, là pháp hoại diệt.
[94]. Hán: (...) bĩ dĩ bố hiện tắc danh vi thọ 彼 以 布 現 則 名 為 受, chưa rõ nghĩa. Xem cht. 97. Trong bản Hán: hy hiện 希 現, Tống-Nguyên-Minh: bố hiện trường 布 現 場.
[95]. Pāli: tad api tesaṃ bhavataṃ samaṇa-brāhmaṇānaṃ ajānataṃ apassataṃ vedayitaṃ taṇhā-gatānaṃ paritasita-vipphanditam eva, chủ trương ấy là sự không biết, không thấy của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy, được cảm thọ, bị chi phối bởi khát ái, bị khuấy động bởi thiên kiến.
[96]. Nghĩa động 義 動, Pāli: Atthajāla: Nghĩa võng, cái lưới thâu tóm các ý nghĩa; Pháp động 法 動, Pāli: Dhammajāla: Pháp võng, lưới của Pháp; Kiến động 見 動, Pāli: Diṭṭhijāla: Kiến võng, lưới quan điểm; Ma động 魔 動, không có từ này, nhưng tương đương: Anuttaro saṅgāmavijayo : Vô thượng chiến thắng; Phạm động 梵 動, Pāli: Brahmajāla, xem cht. 1.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|