Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Minh-ninh, đất A-nậu-di[2]. Cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.
Bấy giờ, Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành A-nậu-di khất thực. Rồi Thế Tôn thầm nghĩ: “Nay Ta đi khất thực, thời gian còn quá sớm. Ta hãy đến khu vườn của Phạm chí Phòng-già-bà[3]. Tỳ-kheo cần phải đúng giờ mới đi khất thực”.
Thế Tôn đi đến khu vườn kia. Khi ấy Phạm chí từ xa trông thấy Phật liền đứng dậy nghinh tiếp, cùng chào hỏi, rằng: “Hoan nghinh Cù-đàm. Từ lâu không đến. Nay do duyên gì lại khuất tất đến đây? Xin mời Cù-đàm ngồi chỗ này”.
Thế Tôn liền ngồi vào chỗ ấy. Phạm chí ngồi một bên, bạch Thế Tôn:
“Đêm hôm qua có Tỳ-kheo Thiện Tú người Lệ-xa [4] đến chỗ tôi nói rằng: ‘Đại sư, tôi không theo Phật tu phạm hạnh nữa. Sở dĩ vậy là vì Phật xa lạ với tôi.’ Người ấy nói với tôi những sai lầm của Cù-đàm. Tuy có nói như vậy, nhưng tôi không chấp nhận.”
Phật nói với Phạm chí:
“Điều mà Thiện Tú kia nói, Ta biết ông không chấp nhận. Xưa, một thời, Ta đang ở trên Tập pháp đường, bên bờ hồ Di hầu[5], thuộc Tỳ-da-li; khi ấy Thiện Tú này đi đến chỗ Ta, nói với Ta rằng: ‘Như Lai xa lạ với con. Con không theo Như Lai tu phạm hạnh nữa.’ Ta khi ấy nói rằng: ‘Ngươi vì sao nói rằng không theo Như Lai tu phạm hạnh nữa, vì Như Lai xa lạ với ngươi?’ Thiện Tú đáp: ‘Như Lai không hiện thần túc biến hóa[6] cho con thấy.’
“Ta khi ấy nói rằng: ‘Ta có mời ngươi đến trong pháp Ta tịnh tu phạm hạnh, Ta sẽ hiện thần túc cho ngươi thấy không? Sao lại nói: ‘Như Lai hãy hiện thần túc biến hóa cho con thấy, con mới tu phạm hạnh’? Khi ấy Thiện Tú trả lời Ta rằng: ‘Không, bạch Thế Tôn’.”
Phật nói với Thiện Tú[7]:
“Ta cũng không nói với ngươi: ‘Ngươi hãy ở trong Pháp của Ta mà tịnh tu phạm hạnh, Ta sẽ hiện thần túc biến hóa cho thấy.’ Ngươi cũng không nói: ‘Hãy hiện thần túc cho con thấy, con sẽ tu phạm hạnh.’ Thế nào, Thiện Tú, theo ý ngươi, Như Lai có khả năng hiện thần thông, hay không có khả năng? Pháp mà Ta giảng thuyết, Pháp ấy có khả năng dẫn đến xuất ly, tận cùng biên tế của khổ chăng[8].”
Thiện Tú bạch Phật:
“Đúng vậy, Thế Tôn. Như Lai có thể thị hiện thần túc, chứ không phải không thể. Pháp được giảng dạy có khả năng dẫn đến xuất ly, diệt tận biên tế của khổ, chứ không phải không diệt tận.”
“Cho nên, này Thiện Tú, ai tu hành phạm hạnh theo Pháp mà Ta giảng dạy thì có thể hiện thần túc chứ không phải không thể; pháp ấy dẫn đến xuất ly, không phải không thể xuất ly. Ngươi mong cầu cái gì đối với pháp ấy?”
Thiện Tú nói:
“Thế Tôn thỉnh thoảng không dạy con bí thuật của cha con mà Thế Tôn đã biết hết, nhưng vì keo kiệt mà không dạy cho con.”
Phật nói:
“Thiện Tú, Ta có bao giờ nói với ngươi rằng: ‘Ngươi hãy ở trong pháp Ta tu phạm hạnh, Ta sẽ dạy cho ngươi bí thuật của cha ngươi chăng?’”
Đáp: “Không”.
“Cho nên, này Thiện Tú, trước đây Ta không nói như vậy. Ngươi cũng không nói. Vậy tại sao nay nói như thế?
“Thế nào, Thiện Tú, Như Lai có thể nói bí thuật của cha ngươi, hay không thể? Pháp mà Ta giảng dạy có dẫn đến xuất ly, diệt tận biên tế của khổ chăng?”
Thiện Tú nói:
“Như Lai có thể nói bí thuật của cha con, không phải không thể. Pháp đã được giảng dạy có thể dẫn đến xuất ly, diệt tận biên tế của khổ, chứ không phải không thể.”
Phật lại bảo Thiện Tú:
“Nếu Ta có thể nói bí thuật của cha ngươi, cũng có thể nói pháp, nói sự xuất ly, sự lìa khổ, thì ngươi tìm cái gì trong pháp của Ta?”
Phật lại nói với Thiện Tú:
“Ngươi, trước kia ở trong lãnh thổ của người Bạt xà[9], thuộc Tỳ-xá-ly, đã bằng vô số phương tiện xưng tán Như Lai, xưng tán Chánh pháp, xưng tán Chúng tăng. Cũng như một người khen ngợi một cái ao trong mát kia bằng tám cách khiến mọi người ưa thích: một, lạnh; hai, nhẹ, ba, mềm, bốn, trong; năm, ngọt; sáu, không bẩn; bảy, uống không chán; tám, khỏe người. Ngươi cũng vậy, ở trong lãnh thổ Bạt-xà, Tỳ-xá-ly, xưng tán Như Lai, xưng tán Chánh pháp, xưng tán Chúng tăng, khiến mọi người tin vui. Thiện Tú, nên biết, ngày nay ngươi bị lui sụt, người đời sẽ nói rằng: ‘Tỳ-kheo Thiện Tú có nhiều quen biết, lại thân cận Thế Tôn, và cũng là đệ tử Thế Tôn; nhưng không thể trọn đời tịnh tu phạm hạnh; đã xả giới, hoàn tục, thực hành hèn hạ.’ Phạm chí, nên biết, khi ấy Ta nói đủ lời, nhưng Thiện Tú không thuận lời dạy của Ta, mà đã xả giới hoàn tục.
“Phạm chí, một thời Ta ở tại Tập pháp đường bên bờ hồ Di hầu[10]; khi ấy có Ni-kiền Tử tên là Già-la-lâu[11] dừng chân tại chỗ kia, được mọi người sùng kính, tiếng tăm đồn xa, có nhiều quen biết, lợi dưỡng đầy đủ. Khi ấy Tỳ-kheo Thiện Tú khoác y cầm bát vào thành Tỳ-xá-ly khất thực; đi lần đến chỗ Ni-kiền Tử. Bấy giờ, Thiện Tú hỏi Ni-kiền Tử bằng ý nghĩa sâu xa. Ni-kiền Tử ấy không đáp được, liền sanh tâm sân hận. Thiện Tú nghĩ thầm: ‘Ta làm người này bực bội[12], sẽ phải chịu quả báo lâu dài chăng?’ Phạm chí, nên biết, Tỳ-kheo Thiện Tú sau khi khất thực về, cầm y bát đến chỗ Ta, đầu mặt lễ dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Thiện Tú khi ấy không đem duyên cớ ấy mà kể lại với Ta. Ta nói với Thiện Tú rằng: ‘Người ngu kia, ngươi há có thể tự nhận mình là Sa-môn Thích tử chăng?’ Thiện Tú giây lát hỏi Ta rằng: ‘Thế Tôn vì duyên cớ gì mà gọi con là người ngu? Không xứng đáng tự nhận là Sa-môn Thích tử?’ Ta nói: ‘Người ngu kia, có phải ngươi đã đến Ni-kiền Tử mà hỏi ý nghĩa sâu xa, nhưng người kia không đáp được bèn sanh sân hận. Ngươi nghĩ thầm: ‘Ta nay làm người này bực bội, há sẽ phải chịu quả báo đau khổ lâu dài chăng?’ Ngươi có nghĩ như vậy không?’ Thiện Tú bạch Phật rằng: ‘Người kia là A-la-hán. Sao Thế Tôn có tâm sân hận ấy[13]?’. Ta khi ấy trả lời rằng: ‘Người ngu kia, La-hán làm sao lại có tâm sân hận? Ta, La-hán, không có tâm sân hận. Ngươi nay tự cho người kia là La-hán. Người kia có bảy sự khổ hạnh, đã được gìn giữ lâu ngày. Bảy khổ hạnh ấy là gì? Một, suốt đời không mặc quần áo. Hai, suốt đời không uống rượu, ăn thịt, cũng không ăn cơm và thực phẩm bằng bột mì[14]. Ba, suốt đời không vi phạm phạm hạnh. Bốn, trọn đời không rời bốn tháp bằng đá[15] ở Tỳ-xá-ly; phía Đông là tháp Ưu viên, phía Nam tháp Voi, phía Tây tháp Đa tử, phía Bắc tháp Thất tụ[16]. Trọn đời không rời khỏi bốn tháp ấy, coi đó là bốn sự khổ hạnh. Nhưng người ấy về sau vi phạm bảy khổ hạnh này và mạng chung ở ngoài thành Tỳ-xá-ly. Cũng như con chó sói bịnh suy vì ghẻ lỡ mà chết trong bãi tha ma[17]. Ni-kiền Tử kia cũng vậy. Tự mình đặt cấm pháp, sau lại phạm hết. Trước tự thề rằng suốt đời không mặc quần áo, sau đó lại mặc. Trước tự mình thề rằng suốt đời không uống rượu, ăn thịt và không ăn các thứ làm bằng bột mì, nhưng về sau lại ăn hết. Trước vốn tự mình thề rằng suốt đời không vượt qua khỏi bốn cái tháp: phía đông tháp Ưu viên, nam tháp Voi, tây tháp Đa tử, bắc tháp Thất tụ. Nay trái lời hết, rời xa không còn gần gũi nữa. Người ấy sau khi vi phạm bảy lời thề ấy rồi, ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, chết trong bãi tha ma.’ Phật bảo Thiện Tú: ‘Người ngu kia, ngươi không tin lời Ta. Ngươi hãy tự mình đi xem, sẽ tự mình biết’.”
Phật nói với Phạm chí:
“Một thời, Tỳ-kheo Thiện Tú khoác y cầm bát vào thành khất thực. Khất thực xong, lại ra khỏi thành, đi đến một khoảng trống trong bãi tha ma, thấy Ni-kiền Tử kia chết ở đó. Sau khi thấy như vậy, về đến chỗ Ta, đầu mặt lễ dưới chân, rồi ngồi sang một bên, nhưng không kể lại chuyện ấy với Ta. Phạm chí, nên biết, lúc ấy Ta nói với Thiện Tú: ‘Thế nào, Thiện Tú, những điều Ta ghi nhận về Ni-kiền Tử trước đây, có đúng như vậy không?’ Đáp rằng: ‘Đúng vậy, đúng như lời Thế Tôn đã nói.’ Phạm chí, nên biết, Ta đã hiện thần thông chứng minh cho Thiện Tú, nhưng kia lại nói: ‘Thế Tôn không thị hiện thần thông cho con’.”
“Lại một thời, Ta ở tại ấp Bạch thổ nước[18] Minh-ninh, lúc bấy giờ có Ni-kiền Tử tên là Cứu-la-đế[19], trú tại Bạch thổ, được mọi người sùng kính, tiếng tăm đồn xa, được nhiều lợi dưỡng. Khi ấy, Ta khoác y cầm bát vào thành khất thực. Tỳ-kheo Thiện Tú lúc bấy giờ đi theo Ta, thấy Ni-kiền Tử Cứu-la-đế đang nằm phục trên một đống phân mà liếm bã trấu[20]. Phạm chí, nên biết, khi Tỳ-kheo Thiện Tú thấy Ni-kiền Tử này nằm phục trên đống phân mà ăn bã trấu, liền suy nghĩ rằng: ‘Các A-la-hán hay những vị đang hướng đến quả A-la-hán trong thế gian không ai kịp vị này. Đạo của vị Ni-kiền Tử này là bậc nhất hơn hết. Vì sao? Người khổ hạnh mới được như vậy, dứt bỏ kiêu mạn, nằm trên đống phân mà liếm bã trấu.’
“Phạm chí, bấy giờ Ta xoay người theo hướng phải, nói với Thiện Tú rằng: ‘Người ngu kia[21], ngươi há có thể tự nhận là Thích tử chăng?’ Thiện Tú bạch Phật rằng: ‘Thế Tôn, vì sao gọi con là người ngu, không xứng đáng tự nhận là Thích tử?’ Phật nói với Thiện Tú: ‘Ngươi ngu si, ngươi quan sát Cứu-la-đế này ngồi chồm hỗm trên đống phân mà ăn bã trấu liền nghĩ rằng: Trong các A-la-hán hay những vị đang hướng đến quả La hán, Cứu-la-đế này là tối tôn. Vì sao? Nay Cứu-la-đế này có thể hành khổ hạnh, trừ kiêu mạn, ngồi chồm hỗm trên đống phân mà ăn bã trấu. Ngươi có ý nghĩ như vậy không?’ Đáp rằng: ‘Thật vậy.’ Thiện Tú lại nói: ‘Thế Tôn vì sao sanh tâm ganh tị với một vị A-la-hán?’ Phật nói: ‘Người ngu kia, Ta không hề sanh tâm ganh tị đối với một vị A-la-hán, làm sao nay lại sanh tâm tật đố đối với một vị A-la-hán? Ngươi, người ngu kia, bảo Cứu-la-đế là một vị chân A-la-hán. Nhưng người này sau bảy ngày nữa sẽ sình bụng mà chết[22], tái sanh làm quỉ đói thây ma biết đi[23], thường chịu khổ vì đói. Sau khi mạng chung, được buộc bằng cọng lau mà lôi vào bãi tha ma. Nếu người không tin, hãy đến báo trước cho người ấy biết.’
“Rồi Thiện Tú liền đi đến chỗ Cứu-la-đế, bảo rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm kia tiên đoán rằng bảy ngày nữa ông sẽ bị sình bụng mà chết, sanh vào trong loài quỉ đói thây ma biết đi; sau khi chết, được buộc bằng sợi dây lau và lôi vào bãi tha ma.’ Thiện Tú lại dặn: ‘Ông hãy ăn uống cẩn thận, chớ để lời ấy đúng.’ Phạm chí, nên biết, qua bảy ngày, Cứu-la-đế bị sình bụng mà chết, tức thì sanh vào trong loài quỉ đói thây ma; sau khi chết, được buộc bằng dây lau và lôi vào bãi tha ma. Thiện Tú sau khi nghe Phật nói, co ngón tay tính ngày. Cho đến ngày thứ bảy, Tỳ-kheo Thiện Tú đi đến xóm lõa hình, hỏi người trong xóm: ‘Này các bạn, Cứu-la-đế nay đang ở đâu?’ Đáp rằng: ‘Chết rồi.’ Hỏi: ‘Vì sao chết?’ Đáp: ‘Bị sình bụng.’ Hỏi: ‘Chôn cất thế nào?’ Đáp: ‘Được buộc bằng dây lau và lôi vào bãi tha ma.’
“Phạm chí, Thiện Tú sau khi nghe như vậy, liền đi đến bãi tha ma. Khi sắp sửa đến nơi, hai đầu gối của thây ma động đậy, rồi bồng nhiên ngồi chồm hỗm dậy. Tỳ-kheo Thiện Tú vẫn cứ đi đến trước thây ma, hỏi: ‘Cứu-la-đế, ông chết rồi phải không?’ Thây ma đáp: ‘Ta chết rồi.’ Hỏi: ‘Ông đau gì mà chết?’ Đáp: ‘Cù-đàm đã tiên đoán ta sau bảy ngày sình bụng mà chết. Quả như lời, qua bảy ngày, ta sình bụng mà chết.’ Thiện Tú lại hỏi: ‘Ông sanh vào chỗ nào?’ Đáp: ‘Như Cù-đàm tiên đoán, ta sẽ sanh vào loài quỉ đói thây ma biết đi. Nay ta sanh vào trong quỉ đói làm thây ma biết đi.’ Thiện Tú hỏi: ‘Khi ông chết, được chôn cất như thế nào?’ Thây ma đáp: ‘Như Cù-đàm đã tiên đoán, ta sẽ được buộc bằng dây lau rồi lôi vào bãi tha ma. Quả như lời, ta được buộc bằng dây lau rồi lôi vào bãi tha ma.’ Rồi thây ma nói với Thiện Tú: ‘Ngươi tuy xuất gia mà không được điều thiện lợi. Sa-môn Cù-đàm nói như vậy, mà ngươi thường không tin.’ Nói xong, thây ma lại nằm xuống.
“Phạm chí, bấy giờ Tỳ-kheo Thiện Tú đi đến chỗ Ta, đảnh lễ xong, ngồi xuống một bên, nhưng không kể lại chuyện ấy với Ta. Ta liền nói: ‘Như lời Ta tiên đoán, Cứu-la-đế có thật như vậy không?’ Đáp: ‘Thật vậy, đúng như Thế Tôn nói.’ Phạm chí, Ta nhiều lần như vậy thị hiện thần thông chứng cho Tỳ-kheo Thiện Tú, nhưng kia vẫn nói: ‘Thế Tôn không hiện thần thông cho con thấy’.”
Phật lại nói với Phạm chí:
“Một thời, Ta ở tại Tập pháp đường, bên bờ hồ Di hầu[24]. Khi ấy có Phạm chí tên là Ba-lê Tử[25], đang ngụ tại chỗ kia, được mọi người sùng kính, có nhiều lợi dưỡng. Người ấy ở giữa quần chúng Tỳ-xá-ly nói như vậy: ‘Sa-môn Cù-đàm tự nhận là có trí tuệ. Ta cũng có trí tuệ. Sa-môn Cù-đàm tự nhận có thần túc. Ta cũng có thần túc. Sa-môn Cù-đàm đã đạt được đạo siêu việt. Ta cũng đạt được đạo siêu việt. Ta sẽ cùng ông ấy hiện thần thông. Sa-môn hiện một, ta sẽ hiện hai. Sa-môn hiện hai, ta sẽ hiện bốn. Sa-môn hiện tám, ta sẽ hiện mười sáu. Sa-môn hiện mười sáu, ta sẽ hiện ba mươi hai. Sa môn hiện ba mươi hai, ta hiện sáu mươi tư. Tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’
“Phạm chí, khi ấy Tỳ-kheo Thiện Tú khoác y cầm bát vào thành khất thực. Trông thấy Phạm chí Ba-lê Tử đang nói như vậy giữa quần chúng: ‘Sa-môn Cù-đàm tự nhận là có trí tuệ. Ta cũng có trí tuệ. Sa-môn Cù-đàm tự nhận có thần túc. Ta cũng có thần túc. Sa-môn Cù-đàm đã đạt được đạo siêu việt. Ta cũng đạt được đạo siêu việt. Ta sẽ cùng ông ấy hiện thần thông. Sa-môn hiện một, ta sẽ hiện hai. Sa-môn hiện hai, ta sẽ hiện bốn. Sa-môn hiện tám, ta sẽ hiện mười sáu. Sa-môn hiện mười sáu, ta sẽ hiện ba mươi hai. Sa môn hiện ba mươi hai, ta hiện sáu mươi tư. Tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’ Tỳ-kheo Thiện Tú sau khi khất thực xong, về đến chỗ Ta, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên, nói với Ta rằng: ‘Sáng nay, con khoác y cầm bát vào thành khất thực, nghe Ba-lê Tử ở Tỳ-xá-ly đang nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm tự nhận là có trí tuệ. Ta cũng có trí tuệ. Sa-môn Cù-đàm tự nhận có thần túc. Ta cũng có thần túc. Sa-môn Cù-đàm đã đạt được đạo siêu việt. Ta cũng đạt được đạo siêu việt. Ta sẽ cùng ông ấy hiện thần thông. Sa-môn hiện một, ta sẽ hiện hai; cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’ Kể lại cho Ta đầy đủ sự việc ấy. Ta nói với Thiện Tú: ‘Ba-lê Tử ở giữa quần chúng, nếu không từ bỏ lời ấy mà đi đến Ta, sẽ không có trường hợp ấy. Nếu người kia nghĩ rằng: ‘Ta không từ bỏ lời ấy, không từ bỏ quan điểm ấy, không xả bỏ kiêu mạn ấy, mà cứ đi đến Sa-môn Cù-đàm, thì đầu ông ấy sẽ bị bể làm bảy mảnh. Không có trường hợp người ấy không từ bỏ lời ấy, không từ bỏ kiêu mạn ấy, mà vẫn đi đến Ta.’
“Thiện Tú nói: ‘Thế Tôn hãy giữ miệng. Như Lai hãy giữ miệng.’ Phật hỏi Thiện Tú: ‘Vì sao ngươi nói: Thế Tôn hãy giữ miệng. Như Lai hãy giữ miệng?’ Thiện Tú nói: ‘Ba-lê Tử kia có uy thần lớn, có uy lực lớn. Giả sử ông ấy đến thật, há không phải Thế Tôn hư dối sao?’ Phật bảo Thiện Tú: ‘Như Lai có bao giờ nói hai lời không?’ Đáp: ‘Không.’ Phật lại bảo Thiện Tú: ‘Nếu không có hai lời, tại sao ngươi lại nói: Thế Tôn hãy giữ miệng. Như Lai hãy giữ miệng?’ Thiện Tú bạch Phật: ‘Thế Tôn do tự mình thấy biết Ba-lê Tử, hay do chư thiên nói?’ Phật nói: ‘Ta tự mình biết, và cũng do chư thiên đến nói cho nên biết. Đại tướng A Do Đà ở Tỳ-xá-ly[26] này sau khi thân hoại mạng chung sanh vào trời Đao-lợi. Ông đến nói với Ta rằng: ‘Phạm chí Ba-lê Tử kia không biết xấu hổ, phạm giới, vọng ngữ, ở Tỳ-xá-ly, giữa quần chúng, nói lời phỉ báng như vầy: Đại tướng A-do-đà sau khi thân hoại mạng chung sanh vào loài quỷ thây ma biết đi[27]. Nhưng thật sự con thân hoại mạng chung sanh vào trời Đao-lợi.’ Ta đã tự mình biết trước viện Ba-lê Tử, và cũng do chư thiên nói lại nên biết.’ Phật nói với Thiện Tú ngu ngốc: ‘Ngươi không tin Ta, thì hãy vào thành Tỳ-xá-ly, tùy ý mà rao lên. Ta sau bữa ăn sẽ đi đến chỗ Phạm chí Ba-lê Tử’.”
Phật lại nói với Phạm chí:
“Bấy giờ, Thiện Tú kia sau khi qua đêm khoác y cầm bát vào thành khất thực. Khi ấy Thiện Tú kia hướng đến các Bà-la-môn, Sa-môn, Phạm chí trong thành Tỳ-xá-ly kể đủ câu chuyện rằng: ‘Phạm chí Ba-lê Tử ở giữa đại chúng đã tuyên bố lời này: ‘Sa-môn Cù-đàm tự nhận là có trí tuệ. Ta cũng có trí tuệ. Sa-môn Cù-đàm có đại uy lực; ta cũng có đại uy lực. Sa-môn Cù-đàm tự nhận có đại thần túc. Ta cũng có đại thần túc. Sa-môn hiện một, ta sẽ hiện hai; cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’ Nhưng nay Sa-môn Cù-đàm sẽ đi đến chỗ Ba-lê Tử kia. Các vị cũng đến đó hết.’
“Khi ấy Phạm chí Ba-lê đang đi trên đường; Thiện Tú trông thấy, vội vã đến gần, nói rằng: ‘Ông ở giữa đám đông của Tỳ-xá-ly đã tuyên bố như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm có đại trí tuệ, ta cũng có đại trí tuệ, cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’ Sa-môn Cù-đàm nghe lời tuyên bố ấy, nay muốn đến chỗ ông. Ông hãy về nhanh đi.’ Đáp rằng: ‘Ta sẽ về ngay. Ta sẽ về ngay.’ Nói như thế rồi, giây lát cảm thấy hoảng sợ, lông tóc dựng đứng, không trở về chỗ cũ, mà đi đến khu rừng của Phạm chí Đạo-đầu-ba-lê[28], ngồi trên võng[29], rầu rĩ, mê loạn.”
Phật bảo Phạm chí:
“Ta, sau bữa ăn, cùng với nhiều người Lệ-xa, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí, Cư sĩ, đi đến trú xứ của Ba-lê-tử, ngồi lên chỗ ngồi. Trong đám đông ấy có một Phạm chí tên là Giá-la [30]. Khi ấy, mọi người kêu Giá-la, bảo rằng: ‘Ông hãy đi đến rừng Đạo-đầu nói với Ba-lê Tử: ‘Nay nhiều người Lệ-xa, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí, Cư sĩ đều tụ tập hết nơi rừng của ông. Mọi người cùng bàn luận rằng, Phạm chí Ba-lê ở giữa đám đông tự mình xướng lên lời này: ‘Sa-môn Cù-đàm có đại trí tuệ, ta cũng có đại trí tuệ, cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’ Sa-môn Cù-đàm vì vậy đã đến nơi rừng của ông. Ông hãy đến xem.’ Rồi thì, Già-la sau khi nghe mọi người nói, bèn đi đến rừng bảo Đạo-đầu Ba-lê Tử rằng: ‘Nay nhiều người Lệ-xa, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí, Cư sĩ đều tụ tập hết nơi rừng của ông. Mọi người cùng bàn luận rằng, Phạm chí Ba-lê ở giữa đám đông tự mình xướng lên lời này: ‘Sa-môn Cù-đàm có đại trí tuệ, ta cũng có đại trí tuệ, cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’Sa-môn Cù-đàm nay đang ở nơi rừng kia. Ba-lê, ông có về không?’ Khi ấy, Phạm chí Ba-lê liền đáp: ‘Sẽ về. Sẽ về.’ Nói như vậy xong, ở trên võng mà day trở không yên. Bấy giờ, võng lại làm cho vướng chân, khiến ông không thể rời khỏi võng, huống hồ đi đến Thế Tôn.
“Thế rồi, Già-la nói với Phạm chí Ba-lê: ‘Ngươi tự vô trí, chỉ có tiếng nói rỗng không: ‘Sẽ về. Sẽ về.’ Nhưng cái võng ấy còn không thể rời khỏi, sao có thể đi đến chỗ đại chúng?’ Trách mắng Ba-lê Tử xong, bèn trở về chỗ đại chúng, báo rằng: ‘Ta nhân danh đại chúng, đi đến nói với Ba-lê Tử. Y trả lời: ‘Sẽ về. Sẽ về.’ Ngay lúc ấy, ở trên võng, chuyển động thân thể, nhưng võng dính vào chân không rời được. Y còn không thể rời khỏi cái võng, sao có thể đến đại chúng này được?’
“Bấy giờ, có một Lệ-xa Tử là Đầu-ma[31] đang ngồi trong chúng, liền đứng dậy, trịch áo bày vai phải, quỳ dài, chắp tay, bạch đại chúng rằng: ‘Đại chúng hãy đợi một lát. Tôi sẽ tự mình đến dẫn người ấy lại đây’.”
Phật nói:
“Ta khi ấy nói với Lệ-xa Tử Đầu-ma rằng: ‘Người kia đã tuyên bố như vậy, ôm giữ kiến giải như vậy, khởi kiêu mạn như vậy; mà muốn khiến cho người ấy đi đến chỗ Phật, thì không thể được. Đầu-ma Tử, giả sử ông lấy dây quấn nhiều lớp, rồi khiến bầy bò cùng kéo, cho đến thân thể người ấy bị rã rời, cuối cùng người ấy vẫn sẽ không thể từ bỏ lời nói như vậy, kiến giải như vậy, kiêu mạn như vậy, để đến chỗ Ta. Nếu không tin lời Ta, ngươi hãy đến đó tự mình khắc biết.’
“Bấy giờ, Lệ-xa Tử Đầu-ma vẫn cố đi đến chỗ Ba-lê-tử, nói với Ba-lê Tử rằng: ‘Nhiều người Lệ-xa, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí, cư sĩ đều tụ tập hết nơi rừng của ông. Mọi người cùng bàn luận rằng, Phạm chí Ba-lê ở giữa đám đông tự mình xướng lên lời này: ‘Sa-môn Cù-đàm có đại trí tuệ, ta cũng có đại trí tuệ, cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’Sa-môn Cù-đàm nay đang ở nơi rừng kia. Ông hãy về đi.’ Lúc ấy, Ba-lê Tử đáp: ‘Sẽ về. Sẽ về.’ Nói như vậy rồi, ở trên võng mà chuyển động thân mình, nhưng khi ấy võng lại vướng vào chân, khiến ông không thể rời khỏi võng, huống nữa là đi đến chỗ Thế Tôn.
“Thế rồi, Đầu-ma nói với Ba-lê Tử rằng: ‘Ngươi tự vô trí, chỉ có tiếng nói rong không: Sẽ về, sẽ về. Nhưng tự mình còn không thể rời khỏi cái võng này, đâu có thể đi đến chỗ đại chúng!’
“Đầu-ma lại nói với Ba-lê Tử: ‘Những người có trí, do thí dụ mà được hiểu rõ. Thuở xưa lâu xa có một sư tử chúa tể loài thú sống trong rừng sâu. Vào buổi sáng sớm, sư tử ra khỏi hang, nhìn ngắm bốn phía, vươn mình rống lên ba tiếng, sau đó rảo quanh kiếm thịt mà ăn. Này Ba-lê Tử, sư tử chúa tể loài thú kia ăn xong rồi trở về rừng, thường có một con dã can đi theo sau ăn tàn, khí lực sung mãn, bèn tự bảo: Sư tử trong rừng kia cuối cùng là con thú gì? Hơn ta được chăng? Nay ta hãy độc chiếm một khu rừng, sáng sớm ra khỏi hang, nhìn quanh bốn phía, vươn mình rống lên ba tiếng, sau đó rảo quanh. Nó muốn học tiếng rống sư tử, nhưng lại ré lên tiếng dã can. Này Ba-lê Tử, ngươi nay cũng vậy. Nhờ uy đức của Phật mà sống còn ở đời, được người cúng dường; nhưng nay lại tranh đua với Như Lai.’ Rồi Đầu-ma nói bài kệ chỉ trích:
Dã can xưng sư tử Tự cho mình vua thú Muốn rống tiếng sư tử Lại ré tiếng dã can. Một mình trong rừng vắng Tự cho mình vua thú Muốn rống tiếng sư tử Lại ré tiếng dã can. Quỳ xuống kiếm chuột hang, Tha ma tìm xác chết; Muốn rống tiếng sư tử, Lại ré tiếng dã can. “Đầu-ma nói rằng: ‘Ngươi cũng vậy. Nhờ ơn Phật mà sống còn ở đời, được người cúng dường; nhưng nay lại tranh đua với Như Lai.’ Khi ấy Đầu-ma lấy bốn thí dụ, trách mắng thẳng mặt, sau đó, trở về chỗ đại chúng, báo rằng: ‘Tôi đã nhân danh đại chúng đi gọi Ba-lê Tử. Kia trả lời tôi: ‘Sẽ về. Sẽ về.’ Rồi ở trên võng chuyển động thân, nhưng võng liền vướng chân không thể rời ra được. Kia còn không thể rời khỏi võng, nói gì chuyện đi đến đại chúng này.’
“Bấy giờ Thế Tôn nói với Đầu-ma: ‘Ta đã nói trước với ngươi, muốn cho người ấy đi đến chỗ Phật, không thể được. Giả sử người lấy sợi dây da bó nhiều lớp rồi cho bầy bò kéo, cho đến thân thể rã rời, cuối cùng kia vẫn không xả bỏ lời ấy, kiến giải ấy, kiêu mạn ấy, để đi đến Ta.’
“Này Phạm chí, bấy giờ, Ta liền thuyết nhiều pháp khác nhau cho đại chúng, chỉ bày, khuyến khích, làm cho ích lợi, hoan hỷ. Ở trong chúng, ba lần cất tiếng rống sư tử, rồi cất mình bay lên hư không, Ta trở về chỗ cũ.”
Phật nói với Phạm chí:
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói rằng: ‘Tất cả thế gian đều do Phạm Tự tại thiên[32] sáng tạo.’Ta hỏi họ: ‘Hết thảy thế gian có thật do Phạm Tự tại thiên sáng tạo chăng?’ Họ không thể đáp, mà lại hỏi Ta rằng: ‘Cù-đàm, sự ấy là thế nào?’ Ta trả lời họ: ‘Có một thời gian, khi thế giới này bắt đầu hủy diệt, có những chúng sanh khác mà mạng hết, hành hết, từ trời Quang âm mạng chung, sanh vào chốn Phạm thiên trống không[33] khác; rồi khởi tham ái đối với chỗ ấy, sanh tâm đắm trước, lại mong muốn có chúng sanh khác cũng sanh đến chỗ này. Những chúng sanh khác khi mạng hết, hành hết, lại sanh vào chỗ này. Bấy giờ, chúng sanh kia tự nghĩ như vầy: ‘Ta nay là Đại Phạm vương, ngẫu nhiên mà hiện hữu, không do ai sáng tạo. Ta có thể thấu suốt mục đích của các ý nghĩa, tuyệt đối tự do trong một nghìn thế giới, có thể sáng tác, có thể biến hóa, vi diệu bậc nhất, là cha mẹ của loài người. Ta đến đây trước nhất, một mình không bầu bạn; do năng lực của ta mà có chúng sanh này; ta sáng tạo ra chúng sanh này.’ Các chúng sanh khác cũng thuận theo, gọi đó là Phạm vương, ngẫu nhiên hiện hữu, có thể thấu suốt mục đích của các ý nghĩa, tuyệt đối tự do trong một nghìn thế giới, có thể sáng tác, có thể biến hóa, vi diệu bậc nhất, là cha mẹ của người, là vị duy nhất hiện hữu trước, còn chúng ta hiện hữu sau; chúng ta do vị Đại Phạm vương ấy sáng tạo.’ Các chúng sanh này tùy theo khi tuổi thọ của chúng hết, tái sanh vào đời này; rồi dần dần trưởng thành, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo. Vị ấy nhập định ý tam-muội [34], tùy tam-muội tâm[35] mà nhớ đời sống trước của mình. Vị ấy nói như vậy: ‘Vị Đại Phạm vương này ngẫu nhiên mà hiện hữu, không do ai sáng tạo; có thể thấu suốt mục đích của các ý nghĩa; tuyệt đối tự do trong một nghìn thế giới; có thể sáng tác, có thể biến hóa, vi diệu bậc nhất, là cha mẹ của người. Đại Phạm thiên kia thường trụ, không biến chuyển, không phải là pháp biến dịch. Chúng ta đều do Phạm thiên sáng tạo, cho nên không thường hằng, không tồn tại lâu dài, là pháp biến dịch.’ Như vậy, Phạm chí, các Sa-môn, Bà-la-môn kia do duyên này, thảy đều nói Phạm Tự tại thiên sáng tạo thế giới này. Này Phạm chí, sự sáng tạo của thế giới không phải là điều mà những vị ấy có thể vươn tới; duy chỉ Phật mới có thể biết. Lại còn vượt qua sự ấy, Phật cũng đều biết cả. Tuy biết nhưng không tham trước, mà biết một cách như thật về khổ, sự tập khởi, sự diệt khổ, vị ngọt, tai hoạn, và sự xuất yếu; với bình đẳng quán mà giải thoát vô dư. Ấy gọi là Như Lai.”
Phật bảo Phạm chí:
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Chơi bời và biếng nhác là khởi thủy của chúng sanh [36].’ Ta nói với họ: ‘Có thật các ngưôi nói rằng: Chơi bời và biếng nhác là khởi thủy của chúng sanh?’ Họ không thể trả lời mà hỏi ngược lại rằng: ‘Cù-đàm, sự ấy là thế nào?’ Ta đáp: ‘Một số chúng sanh ở trời Quang âm do chơi bời và biếng nhác, khi thân hoại mạng chung, tái sanh vào thế gian này; rồi dần trưởng thành, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, cho đến khi nhập tâm định tam-muội[37]; do năng lực tam-muội, nhận thức được đời sống trước, bèn nói như vầy: ‘Các chúng sanh kia do không chơi bời biếng nhác nên thường hằng ở chỗ ấy, tồn tại lâu dài, không biến chuyển. Chúng ta do thường xuyên chơi bời dẫn đến pháp vô thường, biến dịch này.’ Như vậy, Phạm chí, Sa-môn, Bà-la-môn kia do duyên ấy nói rằng tiêu khiển là khởi thủy của chúng sanh. Những điều ấy Phật biết tất cả, lại còn biết hơn thế nữa. Biết nhưng không đắm trước, do không đắm trước mà như thật biết khổ, sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, tai hoạn, sự xuất yếu; bằng bình đẳng quán mà giải thoát vô dư. Ấy gọi là Như Lai .”
Phật nói với Phạm chí:
“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói rằng: ‘Thất ý[38] là khởi thủy của chúng sanh.’ Ta nói với họ: ‘Có thật các ngươi nói rằng sự thất ý là khởi thủy của chúng sanh chăng?’ Họ không biết trả lời, bèn hỏi lại Ta rằng: ‘Cù-đàm, sư ấy thế nào?’ Ta nói với họ: ‘Một số chúng sanh do nhìn ngắm nhau một thời gian sau bèn thất ý; do thế, mạng chung tái sanh vào thế gian này; rồi lớn dần, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, bèn nhập tâm định tam-muội; do năng lực tam-muội vị ấy nhận thức được đời sống trước, bèn nói như vầy: Như chúng sanh kia do không nhìn ngắm nhau nên không thất ý, do vậy mà mà thường hằng bất biến. Chúng ta do nhiều lần nhìn ngắm nhau bèn thất ý; do thế dẩn đến pháp vô thường, biến dịch.’ Như vậy, Phạm chí, Sa-môn, Bà-la-môn kia do duyên ấy nói rằng sự thất ý là khởi thủy của chúng sanh. Điều như vậy, duy Phật mới biết; lại còn biết hơn thế nữa. Biết nhưng không đắm trước; do không đắm trước mà như thật biết khổ, sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hoạn, sự xuất yếu; do bình đẳng quán mà giải thoát vô dư.”
Phật nói với Phạm chí:
“Những điều Ta nói là như vậy. Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn ở chỗ kín chê bai Ta rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm tự cho rằng đệ tử mình chứng nhập tịnh giải thoát[39], thành tựu tịnh hạnh. Kia biết thanh tịnh, nhưng không biết tịnh một cách toàn diện[40].’ Nhưng Ta không nói như vậy: ‘Đệ tử của Ta khi nhập tịnh giải thoát, thành tựu tịnh hạnh, vị ấy biết thanh tịnh, nhưng không biết tịnh một cách toàn diện.[41] ’ Này Phạm chí, chính Ta nói rằng: ‘Đệ tử Ta nhập tịnh giải thoát, thành tựu tịnh hạnh; vị ấy biết thanh tịnh, tất cả đều thanh tịnh[42]’.”
Lúc bấy giờ, Phạm chí bạch Phật:
“Kia không được thiện lợi[43] khi phỉ báng Sa-môn Cù-đàm rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm tự’ cho đệ tử của mình nhập tịnh giải thoát, thành tựu tịnh hạnh; kia biết thanh tịnh, nhưng không biết tịnh một cách toàn diện.’ Nhưng Thế Tôn không nói như vậy. Chính Thế Tôn nói: ‘Đệ từ ta nhập tịnh giải thoát, thành tựu tịnh hạnh; vị ấy biết thanh tịnh, tất cả đều tịnh.”
Rồi lại bạch Phật:
“Tôi cũng sẽ nhập tịnh giải thoát này, thành tựu tịnh hạnh, tất cả đều biết một cách toàn diện[44].”
Phật bảo Phạm chí:
“Ngươi muốn nhập, quả thật rất khó. Ngươi do kiến giải dị biệt, kham nhẫn dị biệt, sở hành dị biệt, mà muốn y trên kiến giải khác để nhập tịnh giải thoát, thì thật là quá khó. Nhưng nếu ngươi tin vui nơi Phật, tâm không đoạn tuyệt, thì trong lâu dài sẽ luôn luôn được an lạc.”
Bấy giờ, Phạm chí Phòng-già-bà, sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành.
[1]. Bản Hán: Phật thuyết Trường A-hàm kinh quyển 11, đệ nhị phần, “A-nậu-di kinh” đệ thập nhất. Tương đương Pāli, D. 24 Pāṇika-suttanta.
[2]. Hán: Minh ninh quốc A-nậu-di thổ 冥 寧 國 阿 耨 夷 土 D. 21: Mallesu viharati anupiyaṃ nāma mallānaṃ nigamo, trú giữa những người Malla, trong thôn Anupiya của người Malla
[3]. Hán: Phòng-già-bà Phạm chí viên quán 房 伽 婆 梵 志 園 觀; Pāli (D 21): Bhaggava-gottassa paribbālakassa āramo: tinh xá của du sĩ thuộc dòng họ Bhaggava.
[4]. Lệ-xa tử Thiện Tú Tỳ-kheo 隸 車 子 善 宿 比 丘; Pāli (D 21): Sunakkhatto Licchaviputto, Sunakkhatta, con trai của người Licchavi.
[5]. Di hầu trì 彌 猴 池, ao vượn, Pāli: Makaṭa; D 21 không có chi tiết này.
[6]. Thần túc biến hóa 神 足 變 化; Pāli (D. 21): uttarimanussadhammā iddhipāṭi- hāriya: sự thị hiện thần thông, pháp của bậc thượng nhân (siêu nhân).
[7]. Văn tự thuật chuyển sang văn tường thuật.
[8]. Tham chiếu Pāli (D. 21): kate vā uttarimanussadhammā iddhipāṭihāriye akate vā uttarimanussadhammā iddhipāṭihāriye yassatthāya mayā dhammo desito niyyāti takkarassa sammā dukkhakkhayāyā ti: dù sự thị hiện thần thông, pháp của bậc thượng nhân, có được thực hiện hay không được thực hiện, nhưng pháp mà Ta giảng dạy chân chánh dẫn đến sự diệt trừ đau khổ.
[9]. Hán: Tỳ-xá- ly Bạt- xà thổ 毗 舍 離 跋 闍 土; Pāli (D. 21): Vajjigāme : tại làng Vajji (Bạt kỳ).
[10]. Bản Pāli, D. 21: Vesāliyaṃ mahāvane Kūṭāgārasālāyaṃ, ở Vesāli (Tỳ-xá la), trong rừng Đại lâm, Trùng các giảng đường.
[11]. Ni-kiền tử Già-la-lâu 尼 乾 子 伽 羅 樓; Pāli, D. 21, bản Devanagari: Kāḷāramaṭṭako, bản Roman: Kandaramasuko .
[12]. Pāli,D. 21: arahantaṃ samaṇaṃ āsādimhase: ta đã đả kích vị Sa-môn A-la-hán.
[13]. Pāli, D. 21: Kiṃ pana, Bhante, Bhagavā arahattassa maccharāyatī ti, Thế Tôn, sao Thế Tôn ganh tị với một vị A la hán ?
[14]. Tham chiếu Pāli, D. 21: yāvajīvaṃ surāmaṃseneva yāpeyyaṃ na odanakummā saṃ bhuñjeyyaṃ, trọn đời thọ hưởng rượu và thịt, chứ không cơm cháo.
[15]. Hán: thạch tháp 石 塔, Pāli: cetiya.
[16]. Đông danh ưu viên tháp 東 名 憂 園 塔, Pāli: puritthamena Vesāliṃ Udenaṃ nāma cetiyaṃ, miếu Udana (Ưu viên) ở phía Đông Vesāli; nam danh Tượng tháp 南 名 象 塔, Pāli: dakkhiṇena Vesāliṃ Gotamakaṃ nāma cetiyaṃ, miếu Gotamaka ở phía nam Vesāli; tây danh Đa tử tháp 西 名 多 子 塔, Pāli: pacchimena Vesāliṃ Sattambaṃ nāma cetiyaṃ, miếu Sattamba (Thất tụ) ở phía tây Vesāli; bắc danh Thất tụ tháp 北 名 七 聚 塔, Pāli: uttarena Vesāliṃ Bahuputtaṃ nāma cetiyaṃ, ngôi miếu Bahuputta (Đa tử) ở phía bắc Vesāli.
[17]. Pāli, D. 21: so (...) yasā nihīno kālaṃ karissati, người ấy sẽ chết, mất hết tiếng tăm.
[18]. Minh ninh quốc, Bạch thổ ấp 冥 寧 國 白 土 邑; Pāli (D. 21): Thūlūsu viharāmi Uttarakā nāma Thūlūnaṃ nigamo, Ta trú giữa những người Thulu, tại xóm Uttaraka của người Thūlu. (Bản Devanagari: Thūlu, bản Roman: Bhumu.)
[19]. Ni-kiền tử danh Cứu-la-đế 尼 乾 子 名 究 羅 帝; Pāli: acelo Korakkhattiyo kukkuravatiko, lõa thể Kotakkhattiya, tu theo kiểu chó.
[20]. Hán: thỉ khang tao 舐 糠 糟; Pāli (D. 21): chamānikiṇṇaṃ bhakkasaṃ mukhen- eva khādati mukheneva bhuñjati, bò lết trên đất, lấy miệng mà cắn hay nhai đồ ăn.
[21]. Hán: nhữ ý ngu nhơn 汝 意 愚 人; Tống-Nguyên-Minh: nhữ ngu nhơn.
[22]. Hán: phúc trướng mạng chung 腹 脹 命 終; Pāli, D. 21: alasakena kālaṃ karissati, sẽ chết vì trúng thực.
[23]. Hán: sanh khởi thi ngạ quỷ 生 起 屍 餓 鬼, sanh loài quỉ đói thây ma. Pāli, D. 21: Kalakañjā nāma asurā sabba-nihīno asura-kāyo tatra upajjissati, sẽ tái sanh làm thân A-tu-la tối hạ tiện, được gọi là Kalakanja.
[24]. Pāli, D. 21: tại Vesāli, trong Đại lâm, giảng đường Trùng các. Xem đoạn trên.
[25]. Hán: Phạm chí danh Ba-lê Tử 梵 志 名 波 梨 子; Pāli: acela Pātithaputta (bản Roman: Pāṭikaputta), lõa thể Pātikaputta .
[26]. Tỳ-xá-ly A-do-đà đại tướng 毗 舍 離 阿 由 陀 大 將; Pāli: Ajito pi nāma Licchavīnaṃ senāpati, vị tướng quân người Licchavi tên là Ajita.
[27]. Khởi thi quỷ 起 尸 鬼. Pāli, D. 21: mahānirayaṃ upapanno, sanh vào địa ngục lớn.
[28]. Đạo-đầu-ba-lê Phạm chí lâm 道 頭 波 梨 梵 志 林, Pāli: Tindukkhānu-paribbāja- ka-ārāma.
[29]. Hán: thằng sàng 繩 床; Pāli: vattha-dolā.
[30]. Giá-la 遮 羅.
[31]. Bản Hán: nhất Đầu ma Lệ-xa tử 一 頭 摩 隸 車 子; bản Pāli: aññatara Licchavi-mahāmatta, một đại thần người Lệ-xa.
[32]. Phạm Tự tại thiên 梵 自 在 天; Pāli: Brahma-Issara (?).
[33]. Không Phạm xứ 空 梵 處; Pāli: sūñña Brahma-vimāna , cung điện Phạm thiên trống không.
[34]. Hán: nhập định ý tam-muội 入 定 意 三 昧; Pāli: tathārūpaṃ ceto-samādhi phussati, nhập trạng thái định tâm.
[35]. Hán: tùy tam muội tâm 隨 三 昧 心; Pāli: samāhite citte , trong khi tâm nhập định.
[36]. Hán: hý tiếu giải đãi thị chúng sanh thủy 戲 笑 懈 怠 是 眾 始, Pāli: khiḍdā-padūsikaṃ ācariyakaṃ aggaññaṃ, theo truyền thuyết, sự đam mê tiêu khiển là khởi nguyên của thế giới.
[37]. Ở trên, Hán dịch là định ý tam muội; xem cht. 34.
[38]. Hán: thất ý 失 意; Pāli: mano-padūsika, loạn ý.
[39]. Tịnh giải thoát 淨 解 脫, giải thoát thứ 3 trong 8 giải thoát; xem kinh số 10 “Thập thượng”; Pāli: subha-vimokkha .
[40]. Tham chiếu Pāli: Samaṇo Gotamo evam āha: Yasmiṃ samaye subhaṃ vimokkhaṃ upasampajja viharati , sabbaṃ tasmiṃ samaye asubhaṃ t’ eva sañjānāti, Sa-môn Gotama nói như vầy: vị nào khi chứng nhập và an trú tịnh giải thoát, vị ấy khi ấy nhận thức tất cả đều bất tịnh. Bản Hán, bất biến tri tịnh 不 遍 知 淨, phải đọc: biến tri bất tịnh, mới phù hợp với Pāli.
[41]. Tham chiếu Pāli: Yasmiṃ samaye subhaṃ vimokkhaṃ upasampajja viharati, subhantveva tasmiṃ samaye pajānāti: vị nào khi chứng nhập và an trú tịnh giải thoát, vị ấy khi ấy nhận thức một cách toàn diện tất cả đều tịnh.
[42]. Hán: nhất thiết biến tịnh 一 切 遍 淨; có lẽ nên đọc: nhất thiết biến tri tịnh. Xem cht. 44 dưới.
[43]. Tham chiếu Pāli: Te ca, Bhante, viparītā ye bhagavantaṃ viparītato dahanti: Đại đức, chính những người điên đảo lại chỉ trích Thế tôn là điên đảo.
[44]. Hán: nhất thiết biến tri; xem cht. 40. Pāli: Pahoti me Bhagavā tathā dhammaṃ desetum, mong Thế Tôn giảng dạy cho con pháp như vậy.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|