× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Lương Hoàng Sám



THỨ LẠI PHÁT NGUYỆN VỀ Ý CĂN

Lại nguyện ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng, rộng ra cho đến hết thảy chúng sanh trong bốn loài sáu đường, ở khắp mười phương, từ nay trở đi cho đến ngày thành đạo, ý thường được biết thân sát đạo dâm; khẩu vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu là hoạn nạn; ý thường được biết giết cha hại mẹ, giết A la hán, làm thân Phật xuất huyết, phá sự hòa hiệp của chúng Tăng, hủy báng Tam bảo, không tin nhân quả đều là tội đọa vô gián địa ngục; ý thường được biết người chết rồi không mất; ý tin có nhân quả và sự báo ứng; ý thường được biết xa ác tri thức, ưa gần thiện tri thức; ý thường được biết theo tà sư ngoại đạo là phi pháp; ý thường được biết các pháp tam lậu (14) ngũ cái ([15]) thập triền ([16]) là hay chướng ngại đạo; ý thường biết tam đồ là chỗ khổ báo kịch liệt, tàn khốc của sanh tử đáng sợ.

Nguyện xin ý thường biết hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh (tánh cách làm Phật); ý thường biết chư Phật là Đấng Cha lành, Đại Từ bi, là Đấng Vô thượng Y vương; ý thường biết hết thảy Tôn pháp là thuốc hay dùng trị bệnh của chúng sanh; ý thường biết hết thảy Hiền Thánh là mẹ lành săn sóc bệnh hoạn cho chúng sanh; ý thường biết quy y Tam bảo, thọ năm cấm giới, rồi tu thập thiện là những pháp hay chiêu tập quả báo tốt đẹp ở cõi người và cõi Trời; ý thường biết chưa khỏi sanh tử nên tu theo bảy pháp phương tiện ([17]) nên quán sát các pháp noản, đảnh ([18]); v.v. . . ý thường biết nên tu các pháp vô lậu, khổ nhẫn, mười sáu thánh tâm ([19]) thì trước phải tu mười sáu quán hạnh ([20]) quán sát tứ đế ([21]); ý thường biết tứ đế là bình đẳng vô tướng ([22]) cho nên chứng được tứ quả ([23]); ý thường biết tổng tướng ([24]) biệt tướng ([25]) của tất cả các pháp; ý thường biết mười hai nhân duyên, nhân quả ba đời, xoay vần luân chuyển không bao giờ ngừng; ý thường biết tu hành lục độ tám vạn tế hạnh; ý thường biết đoạn trừ tám vạn bốn ngàn trần lao; ý thường biết thể nhập được vô sanh nhẫn ([26]) thì quyết định dứt được sanh tử; ý thường biết được thứ lớp, đầy đủ phẩm vị, giai cấp của các Thập trú Bồ tát ([27]); ý thường biết dùng tâm Kim cang ([28]) đoạn trừ si ám vô minh ([29]) mà chứng được quả Phật vô thượng; ý thường biết thể tánh một phen chiếu sáng cùng cực rồi thì muôn đức đầy đủ; hoạn lụy nhiều kiếp đều sạch hết; chứng quả Đại Niết bàn; ý thường biết được mười trí lực ([30]) bốn vô úy ([31]) mười tám bất cộng ([32]) vô lượng công đức, vô lượng trí huệ, vô lượng thiện pháp của chư Phật.

Đã phát nguyện về ý căn rồi, Đại chúng cùng nhau chí thành đảnh lễ quy y thế gian Đại từ bi phụ

Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích Ca Mâu ni Phật
Nam mô Thiên Vương Phật
Nam mô Châu Tịnh Phật
Nam mô Thiện Tài Phật
Nam mô Đăng Diệm Phật
Nam mô Bảo Am Thanh Phật
Nam mô Nhãn Trụ Vương Phật
Nam mô La Hầu Thủ Phật
Nam mô An Ổn Phật
Nam mô Sư Tử Ý Phật
Nam mô Bảo Danh Văn Phật
Nam mô Đắc Lợi Phật
Nam mô Biến Kiến Phật
Nam mô Mã Minh Bồ tát
Nam mô Long Thọ Bồ tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát
Lại quy y như vậy mười phương tận hư không giới hết thảy Tam bảo.

Nguyện xin Tam bảo dủ lòng từ bi, đồng gia tâm che chở nhiếp thọ, khiến chúng con tên . . . được như sở nguyện, mãn bồ đề nguyện.

CHÚ THÍCH:


14 Tam lậu: 1.- Dục lậu: chúng sanh bị vô minh ái nhiễm ràng buộc nên ở mãi trong Dục giới, không ra được. 2.- Hữu lậu: Chúng sanh bị vô minh, phiền não tạo nghiệp chịu quả nên không ra được các cõi sắc giới và Vô sắc giới. 3.- Vô minh lậu: Chúng sinh bị vô minh che lấp tâm tánh nên không ra khỏi ba cõi.

[15] Ngũ cái: Năm món ngăn che tâm tánh: 1.- Tham dụ. 2.- Giận nóng. 3.- Ngủ nghỉ, tâm hôn trầm, tán loạn.4.- Trạo hối: Trong tâm có xao động, ăn năn. 5.- Nghi ngờ: Không phân biệt được chơn ngụy, do dự, không quyết định.

[16] 10 triền: 10 giây ràng buộc: 1.- Vô tàm: Có tội lỗi mà không biết hổ. 2.- Vô quý: Có tội lỗi người khác biết được mà không biết thẹn. 3.- Tật: Thấy người có đức hạnh hay ghen tị, ghen ghét. 4.- Xan: Keo kiết không biết bố thí. 5.- Hối: Ăn năn tội lỗi đã làm. Sám hối nên dứt tâm. 6.- Thùy miên: hôn mê, không tỉnh táo, không xét được thâm tâm. 7.- Trạo cử: trong tâm xao động. 8.- Hôn trầm: Tinh thần hôn mê không biết gì. 9.- Sân hận: Đối nghịch cảnh không nhẫn nhục mà hay sân hận. 10.- Phú: che dấu tội lỗi. - Mười pháp nầy trói buộc chúng sanh trong luân hồi đau khổ.

[17] Bảy phương tiện:

1.- Ngũ đình tâm quán: a) Quán bất tịnh: để đối trị tâm tham dục. b) Quán từ bi: để đối trị lòng hay giận hờn. c) Quán sổ tức: để đối trị tâm tán loạn. d) Quán nhân duyên: để đối trị tâm si mê. đ) Quán niệm Phật: để đối trị nghiệp chướng.

2.- Biệt tướng quán: Quán sát riêng từng món ví như quán Tứ niệm xứ: Quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.

3.- Tổng tướng quán: Trong một niệm quan sát tổng quát 4 pháp một lần: Thân thọ tâm pháp. Như quán thân bất tịnh thì biết cả thọ, tâm, pháp cũng vậy.

[18] 4.- Noãn vị: Lấy chỗ biệt tướng, tổng tướng, và quán cảnh Tứ đế, phát trí hiểu được một phần tương tợ Phật tánh, hàng phục được chút đỉnh phiền não. Cũng như hai cây gỗ cọ nhau mới thấy hơi nóng nóng.

5.- Đảnh vị: Theo noãn pháp tu tiến lên có phần thắng tấn, định huệ được rõ ràng, như lên đỉnh núi thấy rõ 4 phương.

6.- Nhãn vị: Bởi công tu từ trước có phần thắng tấn, với cảnh Tứ đế, có kham nhẫn làm vui.

7.- Thế đệ nhất vị: Tu Tứ đế đến đây sắp thấy Pháp tánh, vào Sơ quả đối với thế gian là hơn hết.

[19] 16 Thánh tâm: 16 hành tướng quán sát Tứ đế để vào địa vị kiến đạo sau khi đoạn được kiến hoặc.

[20] 16 hành quán: 16 phương pháp quán sát lý Tứ đế khổ trí nhẫn v.v...

[21] Tứ đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo là 4 sự thật quyết định.

[22] Bình đẳng vô tướng: Về phương diện Đại thừa thì Tứ đế có tính cách bình đẳng, vô tướng, vô lượng, vô tác, nên Tứ đế không có nghĩa tiêu cực mà là tích cựa, phát từ bi tâm cứu độ chúng sanh trước khi thành Phật.

[23] Tứ quả: 4 quả vị của Tiểu thừa:

1.- Sơ quả gọi là Tu đà hoàn hay nhập lưu, còn 7 phen sanh tử nữa mới chứng A la hán.

2.- Nhị quả hay là Tư đà hàm, gọi là nhất lai: còn một phen sanh tử nữa mới chứng A la hán.

3.- A na hàm hay là Bất lai: không sanh lại nữa, chết rồi chứng quả A la hán.

4.- A la hán gọi là vô sanh: hết sanh tử luân hồi.

[24]Tổng tướng. (xem chú thích số 17, Bảy phương tiện, quyển này)

[25] Biệt tướng (xem chú thích số 17, Bảy phương tiện, quyển này)

[26] Vô sanh nhẫn: cũng gọi là vô sanh pháp nhẫn: Chứng được Phật tánh là lý tánh, bất sanh, bất diệt. Từ sơ địa đến Bát địa Bồ tát mới vào được Vô sanh nhẫn.

[27] Thập trú: Địa vị này sau khi đã qua khỏi địa vị Thập tín, thắng tấn lên đến Phật địa, đã vào không lý bát nhã rồi, an trú vào đó mà sanh công đức nên gọi là “địa”.

[28] Kim cang tâm: Tâm của Bồ tát kiên cố không thể phá hoại.

[29] Vô minh: Không sáng, cội gốc của si mê, căn bản của tham, sân, si, phiền não do vô minh mà sanh. Đến địa vị Phật mới hết vô minh, sanh giác ngộ.

[30] 10 trí lực:(xem chú thích số 8 quyển 5).

[31] 4 món vô úy(xem chú thích số 10 quyển này).

[32] 16 pháp bất cộng(xem chú thích số 11 quyển này).
Xem dưới dạng văn bản thuần túy