× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Thủ



35 - Phẩm PHÓ CHÚC thứ ba mươi lăm

Lại này Kiên Ý, nếu có thiện nam, tín nữ nào phát tâm Ðại thừa hoặc lúc Phật còn tại thế hay đã diệt độ mà đem các thứ hương hoa, chuỗi anh lạc cúng dường Phật. Do nhân duyên đó nên đầy đủ tám phước báu

1) Ðược sắc thân đầy đủ

2) Tài vật đầy đủ

3) Quyến thuộc đầy đủ

4) Trì giới đầy đủ

5) Thiền định đầy đủ

6) Ða văn đầy đủ

7) Trí huệ đầy đủ

8) Chỗ mong cầu đầy đủ. Ðó là tám loại phước đức đầy đủ

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:


Nếu người cầu Phật đạo

cúng dường chùa tháp miếu

đời đời được phước báu.

Ông nên lắng nghe kỹ

thường đầy đủ sắc thân

người ấy thanh tịnh tâm.

Phước đức đại giàu sang

được gặp thiện quyến thuộc

cùng tu trong giới luật

nên thiền định thâm nhập

được trí huệ đa văn

sâu rộng như đại dương.

Nếu mong cầu của cải

đều được thành tựu cả

được tôn quí trong đời

ruộng tốt vào bậc nhất.

nhờ căn lành đời trước

được băm hai tướng tốt

phước tướng chợt hiện ra

trang nghiêm cả thân thể

cứ mỗi tướng như thế

xinh đẹp tốt trang nghiêm

Nơi mỗi các tướng kia

có tám mươi tia sáng.

Trong mỗi một tia ấy

chiếu soi thật rõ ràng

tám mươi vẽ đẹp thanh

những tia sáng kết thành

do nhân duyên thiện nghiệp

và do nguyện phát sanh.

Tùy theo nguyện khác biệt

mà được tướng chân thật

Nơi mỗi lòng bàn chân

có tướng tốt nghiêm trang

Nhờ thần lực, phước đức

Ông rất mực lóng nghe.

Trong lòng mỗi ngón chân

tướng tốt chiếu hiện ra

có ánh sáng chói lòa

ẩn tàng ở trong đó

ánh sáng chiếu rọi xa

như gặp được ngọc ngà

sáng ấy như trăng tỏa

chóp Tu Di lơ lững.

Tên Kiên tập có tướng

tám mươi ức tia sáng

Mỗi tia có tên khác

cũng có sức sáng riêng.

Ta từ một tia viền

hiện ra nghìn loại sắc

vây quanh cõi đại thiên

xuống trần làm Phật sự.

Nếu ta phóng quang đủ

chỗ thiện nghiệp sáng tỏ

thế giới có lớn nhỏ

dứt sạch hết phiền não.

Ánh sáng ấy hiện vô số Phật

đi khắp mười phương các cõi nước

làm Phật sự để được độ sanh

lực thần thông biến thành như thế

Ta có tam muội tỏa khắp nơi

dùng tam muội thấy hết thế giới.

Tam muội này tên Tu Di Tướng

tia sáng thiện pháp thường hiện ra

Thủ Lăng Nghiêm tên là tam muội

hơn hết thảy môn này cao vọi

nhờ tịnh tâm nên được như vậy

thấu rõ mười phương không chướng ngại.

Có người thấy Phật hiện diệt độ

hoặc Phật hiện đang nhập vào thai

có người thấy thế không khiếp hãi

Ngài dạo đi tự tại tâm an

hoặc thấy Phật ngồi tòa đạo tràng

mà cho rằng ta đang thành Phật

hoặc thấy ta hiện chuyển pháp luân

hay thấy ta tu Bồ Tát hạnh

Các vị quán chiếu trong tam muội

Phật trụ ở trong được tự tại.

Có kẻ biết ta thọ một kiếp

hoặc nửa kiếp có người rõ biết

Kẻ thấy ta thọ một tiểu kiếp

hoặc hai, ba, bốn hay hơn thế.

Kẻ thấy ta thọ một ức năm

Người lại thấy hơn, kẻ ít hơn

còn cõi Diêm Phù Ðề chúng nhơn

biết ta thọ mạng tám mươi năm

hoặc thấy ta thọ một ngày đêm

hay kẻ biết ta sống lâu thêm

và chúng cõi tam thiên đại thiên

rằng: ta thọ ngày đêm cõi trời

Ta biết họ tâm vui phơi phới.

Tùy chúng ưa thích lợi pháp ban

tùy nơi cần thị hiện rõ ràng.

Mỗi người tự cho rằng ta thuyết

tâm hoan hỷ tin chắc hiểu liền

Thần thông lực vô biên Phật hiện

làm việc đó hiển nhiên ta sử

cả bọn phàm phu đều cuồng nộ

việc Như Lai trong số đã làm

Các ngươi giả thấy đâu dám biết.

Nếu Bồ Tát rõ thiệt ta hành

là người thay thế chuyển pháp luân.

Những người nói pháp đều ưa thích

mong sao biết hết chỗ ta hành.

Nếu không biết thì trí khó thành.

Nói như thế mong manh vô cớ

nghe pháp rồi rất dễ thối tâm

Ta nhân đó nói ‘vô sở thuyết’

Người nào hay biết trí rộng khắp

là kẻ tâm không hề thối thác.

Bình đẳng trong hết thảy các pháp

là người tùy thuận chỗ ta làm.

Kiên Ý nên biết các kinh văn

đời vị lai không ai thọ trì

Duy tám vị Bồ Tát hội này

Nay chắp tay đang đứng trước ta.

Kiên Ý nên biết họ chính là

người biết rõ pháp ta sâu rộng

đứng hàng đầu pháp hội trong đây

Soi đuốc tuệ mở bày Phật pháp

dạy chúng sanh Bồ Tát thiện tâm.

Vì chư Phật một lòng xưng tán

như nay họ đang đứng trước ta.

Phật quá khứ chính là các vị

bậc Thế Tôn số lượng hà sa.

Những người hiện hữu ở trước ta

cả năm trăm từ tòa đứng dậy

chấp tay đồng cúi lạy bạch thưa

nguyện nghe Phật hộ pháp kế thừa.

Kiên Ý chính là người trong số

tám mươi vị Bồ Tát thuở xưa

cùng lo ủng hộ Phật pháp nữa.

Thế Tôn, con trong đời vị lai

thọ trì Phật pháp hành đúng thuyết

nên trong đời trược loạn xấu ác

rộng lưu truyền chánh pháp khắp nơi

Thế Tôn Ngài tìm tới thọ ký

rồi bay lên không bảy dặm xa

tám mươi ức người cả thọ lạc

mỗi người tự biết được thọ ký.

Bấy giờ Phật bảo A Nan kỹ:

ông trong đời ác chí về sau

Có thọ trì được các kinh không?

Ðáp: thưa Thế Tôn, con bất kham

Phật biết nên hỏi Ca Diếp thêm:

sau ta diệt độ ông có thể

thọ trì kinh pháp được như thế?

Ðáp: thưa Thế Tôn, con bất kham.

Ta hay nắm giữ ba nghìn cõi

biển cả, núi rừng khắp đó đây.

ngoài ra hết thảy đều trong tay

Ðời ác sau không ai hộ pháp

Tỳ kheo nay phần nhiều tệ ác

không theo đúng giáo pháp Thế Tôn

huống gì sau khi ta diệt độ

kinh điển thâm huyền ai tín thọ?

Chắc chắn lời ta dự thế này:

các ông quờ quạng không trí huệ

làm sao có thể dạy chúng tôi?

Người lợi căn tức thời luận tỏ

Thế Tôn, những người tệ ác đó

thích tranh luận ngoại đạo, sách đời

xa lìa thiền định sâu mầu nhiệm

mà tham việc đắm nhiễm thế gian

lòng dục nhiều lại càng không đủ

tham thức ăn ngon, cầu lợi dưỡng.

Ta không sao cứu bọn ác nổi

thấy như thế ta thêm bối rối.

Lúc một mình ta chỗ thanh vắng

các trời Thích, Phạm đến hỏi rằng:

nay Thế Tôn nói pháp phải chăng?

Khiến chúng sanh vào thẳng Thánh đạo

có tỳ kheo kia được vô lậu

hay có thần thông đến giác ngạn (bờ giác ngộ)

Ta nghe như thế tâm hỷ hoan

trả lời trời Thích rằng, quái dị

ác thế đời sau, Thích, Phạm Thiên

đến chỗ ta kêu khóc rống lên:

Ðại Ðức nên biết pháp sắp diệt.

Ta nghe thế lòng sầu não nuột

không thể nào nói tuốt tội duyên

cũng không thể nào giữ được kinh

Cũng khó mà có thể chứng minh.

Tỳ kheo đời ác hình khó nói

Lúc ấy thiên thần dõi khóc kêu.

Bấy giờ Phật bảo theo Ca Diếp:

ta biết trước rằng ông không thể

thọ trì, hộ vệ pháp Như Lai

Chúng đệ tử Thanh Văn các Ngài

không thể thọ trì kinh này được

Duy chỉ Bồ Tát nhờ Phật lực

mới thọ trì được pháp này thôi.

Ðời ác sau có thể sanh nghi

Nay ta phải trừ đi cho người.

Cớ sao kinh này trước vốn không

chúng tỳ kheo đồng lòng tự tạo

hoặc thấy kinh đây nhiều vô lượng

đem đọc tụng mà tâm run sợ

Vì kinh sâu rộng, sanh tán loạn

ai hay đọc tụng nghĩa rốt ráo?

Có người thấy ông hỏi đạo ta

cũng nghe ta vì ông nói qua.

Người ấy trong đời xấu ác sau

nghe kinh này chóng mau hoan hỷ

Phật nói pháp hộ trì như thế

vô lượng chúng phát tâm Bồ Ðề

Những chúng sanh này đều nghĩ rằng

Ta trong đời sau nghe pháp hẳn

phải cung kính sánh bằng Thế Tôn

Một lòng cầu Phât trí thậm thâm

cúng dường xá lợi và chùa tháp

các loại trang nghiêm tạo tượng hình.

Lúc bấy giờ A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo hở vai bên mặt chắp tay quì gối sát đất bạch Phật rằng: bạch Thế Tôn, nên gọi kinh này tên là gì? và phải thọ trì như thế nào? Phật bảo A Nan: kinh này tên là Nhiếp Chư thiện căn, cũng gọi là Y chỉ công đức kinh, cũng gọi là an ủi tâm chư vị Bồ Tát, cũng gọi là chỗ thưa hỏi của Bồ Tát, cũng gọi là đoạn hết nghi ngờ cho chúng sanh kinh, nên thọ trì đúng như thế.

Phật nói kinh xong Bồ Tát Huệ Mạng, A Nan, Kiên Ý cùng chư thiên, long thần, càn thát bà, a tu la, nhơn và phi nhơn...tất cả đại chúng đều lấy làm đại hoan hỷ tin nhận lời Phật dạy.

Chú thích:

(1) Chư hành: các hành, có nghĩa là dời đổi từ chỗ này đến chỗ khác. Các pháp hữu vi do nhân duyên mà sanh ra, dời đổi trong ba đời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Các pháp hữu vi có rất nhiều ở nơi tâm hoặc ở nơi cảnh, cũng đều gọi chung là chư hành.

(2) Kim cang: cứng rắn như chất kim cang khó gì có thể làm nao núng được, lửa cũng không làm chảy được. Có bộ kinh Kim ang là dụ cho nghĩa này.

(3) Pháp tạng: kho tàng giáo pháp bao hàm những pháp đức Phật đã thuyết

(4) Trùng cú môn: câu trùng lặp như cửa nhiều lớp chồng khít lên nhau, giống thể văn kệ tụng có nhiều câu trùng ý lặp đi lặp lại nhiều lần cho hành giả dễ thâm nhập lý đạo.

(5) Ðệ nhất nghĩa: ý nghĩa vào bậc nhất. Những kinh pháp do chư Phật và Bồ Tát thuyết để giáo hóa chúng sanh tu hành chánh đạo, thuộc hai lãnh vực: chơn đế và tục đế. Chơn đế hay đệ nhất nghĩa đế là giáo lý cao siêu của hàng thánh giả, bậc xuất gia tu trì đạt đạo giải thoát, nên cũng gọi là thắng nghĩa đế.

(6) Bổn hạnh: hay bản hạnh là hạnh gốc hoặc chánh hạnh của người tu học Phật. Lập bổn hạnh là phát nguyện căn bản, cố đeo đuổi tới cùng không bỏ.

(7) Tướng bạch hào: tướng lông trắng giữa chặn mày của đức Phật. Ðó là một trong 32 tướng tốt của Ngài. Chỉ có Phật mới có được tướng tốt này.

(8) Tâm keo kiệt: lòng bỏn sẻn, nhỏ mọn, tính từng li từng tí miễn sao có lợi cho mình là được.

(9) Tứ thiền: bốn phép tu thiền định là sơ thiền, có thể xuất thần và thác sanh lên những tầng trời Phạm thiên, Phạm chúng, Phạm phụ hay Ðại phạm; nhị thiền: sanh lên những tầng trời Thiểu Quang,Vô Lượng Quang, Quang Âm thiên; tam thiền: thuộc cõi Thiểu Tịnh thiên, Vô Lượng Tịnh và Biến Tịnh thiên; tứ thiền: có sức định thần siêu thoát khỏi cảnh Tiên ở cõi dục, và cõi sắc.

Dịch xong ngày 10 tháng 7 năm 1990

(18 - 5 nhuần năm Canh Ngọ)

Pháp Bảo Tự - Sydney - Úc đại lợi - Trọng đông.
Tỳ kheo Thích Bảo Lạc

Xem dưới dạng văn bản thuần túy