× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Thủ



12- Phẩm VÔ ƯU thứ mười hai

Lúc bấy giờ Phật hỏi Di Lặc Bồ Tát: này A Dật Ða ! Thế nào là chân tâm Bồ Tát? Tâm Bồ Tát không thể suy lường, không thể chỉ rõ ra được. Nay ta muốn dùng thí dụ chứng minh cái tâm này.

Này A Dật Ða, lui về thời quá khứ vô lượng vô biên kiếp, lúc bấy giờ có đức Phật hiệu là An Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn. Phật An Vương thọ tám vạn bốn ngàn tuổi, Ngài có ba đại hội: hội nói pháp lần thứ nhất có 70 ức người chứng quả A La Hán (1), đại hội lần thứ hai có 90 ức người chứng quả A La Hán và đại hội lần thứ ba có trên 100 ức người được chứng quả A La Hán; các lậu (2) đã hết, việc làm đã xong, bỏ hết những mang vác nặng nề được lợi mình, trừ sạch các mối ràng buộc, được chánh trí giải thoát. Lúc đó quán đảnh đại vương tên là Sư Tử Ðức Vương mà bà phu nhân có hai thái tử: người thứ nhất tên là Vô Ưu, người thứ hai là Ly Ưu đồng sanh một lượt. Hai vương tử cùng chơi trong cung, bỗng thấy đại chúng vây quanh Phật An Vương rồi vào thành Hỷ Kiến. Ngay lúc đó, thái tử Vô Ưu bảo Ly Ưu rằng, đệ có thấy Phật An Vương từ xa lại chăng? Ly Ưu bảo thấy. Lúc đó Vô Ưu nói: chúng ta cũng có thể làm như Phật An Vương, liền vì Ly Ưu mà nói bài kệ rằng:

Ly Ưu hãy quán xét

đức An Vương Thế Tôn

Chúng kính ngưỡng vây quanh

từ xa lại an lành.

Ta sanh tâm tín nguyện

muốn cầu đạo vô thượng;

độ sanh, già, bịnh, chết

mọi khổ hải chúng sanh.

Do tham - sân - si - mạn

tạo nên bao nghiệp ác.

Khi đã tạo ác nghiệp

xoay vần trong ác thú.

Ta phải cầu Phật đạo

độ khắp hết chúng sanh.

Ly Ưu cũng như thế

phát vô thượng Bồ Ðề

Vì chư Phật khó gặp

như hoa Ưu Ðàm Bát...


Lúc đó Ly Ưu dùng kệ đáp rằng:

Nói suông không thể thành

người thế nói chẳng hành,

Ta không dùng ngôn thuyết.

Do tâm, đạo ắt thành.

Người thế muốn làm Phật

nói suông trên đầu môi

như thế đều hư dối

quả báo không kết thật.

Nếu chỉ dùng ngôn thuyết

mà chứng nên Phật đạo

thì những người năng thuyết

đều đã được làm Phật.


Lúc đó Vô Ưu lập lại bài kệ:

Nếu như đệ phát tâm

đều do vì tham tiếc

sợ cầu xin các việc;

phát tâm thì vô ngôn

đại nhơn (3) muốn chúng sanh

bố thí tài, lẫn pháp (4)

thảy đều không luyến tiếc

muốn chứng thành như Phật

Không phát tâm như thế

gọi là người giải đãi (5),

sợ chẳng theo thuyết hành

thật là đáng hổ thẹn

Ðệ nghi đạo vô thượng

muôn vàn khó chứng nên.

Sớm phát tâm như thế

nên không dám phát ngôn.


Lúc đó Ly Ưu nói rằng, chúng ta hãy cùng đi thăm đức An Vương Như Lai. Chúng ta phát tâm, ai chân thật phải tới hỏi Phật mới biết được. Nói vừa dứt lời thì Ly Ưu từ trên thang bước xuống, vì muốn cúng dường Phật nên cầm xâu chuổi ngọc báu và áo gấm thượng hạng giá đáng một ức đến gần đức Phật. Cũng trong lúc đó, Vô Ưu từ trên cung nhảy bổ xuống, thân thể không hề hấn gì, liền đứng dậy một cách bình tĩnh đến gần chỗ đức Phật, cởi áo quí nơi thân, tháo chuổi ngọc báu dâng lên đức Phật An Vương, Phật thương xót nhận chuổi ngọc báu . Ly Ưu từ phía sau đi tới chỗ Phật, thấy Vô Ưu đang đứng bên đức Phật liền hỏi rằng, Huynh từ ngã nào đến đây? Vô Ưu đáp: tôi từ trên cung nhảy xuống, thân thể không bị thương tổn nên đứng yên chỗ Phật. Ly Ưu liền lấy áo báu vô giá và ngọc ma ni dâng lên Phật An Vương và nói kệ rằng:

Con được thấy Thế Tôn

chẳng từ đường nào đến

Nay phải tu chánh đạo

được chư Phật tán dương.

Lúc đó Vô Ưu lại nói bài kệ rằng:

Người nào tiếc thân mạng

như đệ đến cầu đạo

người ấy vì tư lợi

hơn lợi ích chúng sanh.

Ta không tiếc thân mạng

Nguyện nhẫn các việc khổ

vì lợi lạc hữu tình.

Ðộ chúng qua khổ não

thấy Phật tức thấy đạo

chẳng nên cầu việc khác.

Phàm phu hành chánh đạo

kỳ thật rơi nẽo tà.

Chúng sanh hành tà đạo

nên thấy có chánh, tà

do tham trước kết buộc

thì đạo chánh lìa xa.

Ta nguyện thường gặp Phật

mong muốn được xuất gia;

thường tịnh tu phạm hạnh

đời đời độ quần sanh

thường an trụ pháp lành

chuyên tu hành Phật pháp.

Do chuyên trì giáo pháp

làm lợi lạc chúng sanh

phát tâm tinh tấn thành

nghe pháp hiểu nghĩa thú

trong thiền định an trú

công đức cao vòi vọi ...


Này A Dật Ða ! Hai vị vương tử nói kệ xong, bèn xuất gia tu hành với Phật An Vương. Mỗi vị đều nói rằng, ta trước hết muốn làm Phật. Lúc đó Vô Ưu Tỳ Kheo hỏi Ly Ưu: đệ dùng hạnh gì mà muốn trước hết làm Phật? Ly Ưu đáp: tôi phát tâm vì mỗi mỗi chúng sanh không biết sửa đổi tâm nên hàng vạn ức kiếp thọ khổ trong địa ngục, cho đến khi chứng được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, tôi vẫn giữ tâm kiên cố trang nghiêm như thế, tức tâm kham nhẫn, nhu hòa vậy. Giả sử có người từ phương Ðông đi tới, cầm bình phẩn giải ô uế đang bốc cháy buộc lên đầu tôi; lúc đó tôi vẫn không một niệm giận dữ, không gườm liếc, cũng không mắng chửi mà nghĩ rằng, nay ta thực hành hạnh nhẫn, vì cầu Phật pháp để sanh trí tuệ Phật, nên muốn làm cho người kia được giải thoát. Nếu ta cũng giận dữ thì có khác gì kẻ kia. Ta là người tu hành, còn ngưòi kia không tu; ta không nên dấy lên nghiệp của người không tu. Ta nên khởi nghiệp của người tu hành, vì thế nên tự dứt sân giận, cũng dứt luôn tâm sân hận của vô số chúng sanh khác để thuyết pháp. Ta vì đạo vô thượng Bồ Ðề nên phải tu nhẫn nhục như vậy.

Lúc bấy giờ Vô Ưu hỏi Ly Ưu rằng đệ thấy cái tâm để phát tâm mà phát tâm trang nghiêm chăng? Ly Ưu đáp: nếu không có tâm thì không thể trang nghiêm được. Nếu không có trang nghiêm làm sao có Bồ Tát tu đạo? Vì thế nên biết rằng, cái tâm ấy, Bồ Tát tu đạo để ra khỏi thế gian.

Này Vô Ưu pháp huynh: lời nói lìa hẳn nghĩ bàn. Chớ nên cho rằng, có cái tâm ấy nên mới trang nghiêm được. Tại sao thế? Vì tâm vốn không thật, niệm niệm sanh diệt. Vì không thật niệm niệm sanh diệt nên các pháp không tướng, cũng không vô tướng. Này Ly Ưu, hoặc có hoặc không đều gọi là thấy; có cái thấy như thế đều là tà kiến. Vì tà kiến tức là tà đạo, không thể gọi là Bồ Ðề được. Người kia xa lìa đạo Bồ Ðề, không thể hy vọng được. Vì thế nên biết rằng, các pháp hữu vô đều là hý luận (6), Bồ Tát không nên gần gủi tu tập. Pháp gì Bồ tát nên gần gủi tu tập? Không có pháp nào Bồ Tát nên gần gủi tu tập cả. Tại sao thế? Nếu có pháp để tu tập ấy là phi pháp rồi. Vì thế Bồ Tát đối với tất cả các pháp không nên tham đắm. Vì sao? Vì đạo vô thượng Bồ Ðề không chấp trước các pháp. Nếu Bồ Tát giải như thế cũng là phi pháp. Tại sao thế? Vì chẳng có tướng để có thể giải gọi là Bồ Tát. Hơn nữa, Bồ tát biết như thế, nên quán như thế cũng rơi vào phi pháp. Tại sao thế? Không có tướng giải thoát gọi là Bồ Ðề. Nếu Bồ Tát tu tập như thế, cho rằng ta ở trong các pháp ấy phải chứng như thế, thì liền rơi vào phi pháp. Vì sao thế? Vì vô minh, vô thuyết gọi là Bồ Ðề.

Lúc bấy giờ Ly Ưu bảo Vô Ưu rằng: như Bồ Ðề là có, pháp huynh phải nói có; là không nên nói không. Tại sao trong vô thượng Bồ Ðề huynh nói đều vô sở thuyết. Vô Ưu đáp: đệ khá rõ biết, Bồ Ðề là pháp phi hý luận. Ðệ chớ luận suông hoặc có hoặc không. Tại sao thế? Vì các pháp hý luận đều chẳng phải Bồ Ðề. Lúc đó Ly Ưu nói: này thiện tri thức ! Tôi nói với huynh thì chẳng giải nghĩa thú. Vì các hý luận đều chẳng phải Bồ Ðề; pháp không hý luận tức Bồ Ðề. Vô Ưu đáp rằng, đệ khéo rõ biết, ta nên cùng đi đến hỏi Phật giải quyết chỗ nghi này.

Lúc đó hai vị tỳ kheo đều thân hành đến nơi đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên. Ly Ưu tỳ kheo trước hết đem chỗ lý luận hỏi Phật. Lúc đó Phật An Vương xoay qua Vô Ưu bảo rằng: lành thay, lành thay ! Liền đó ấn chứng (7) cho và bảo Ly Ưu rằng: như lời Vô Ưu nói, vì hý luận nên chẳng phải Bồ Ðề; pháp vô hý luận tức là Bồ Ðề. Vì sao thế? Vì lìa mọi hý luận mới gọi là Bồ Ðề. Thế nào là ly? Ly là lìa tất cả, mọi hý luận đều vắng lặng. Hý luận là gì? Là luận bàn về sắc, thọ, tưởng, hành, thức; luận bàn về giới phẩm, định, huệ, thiểu dục, tri túc, khổ hạnh, đầu đà, dễ đủ dễ dưỡng, không nhàn tịch xứ (8)... đều là pháp hý luận. Các pháp hý luận ấy từ đâu phát khởi? Ðều do niệm tưởng, phân biệt mà sanh. Thế nào là phân biệt? Vì phân biệt sắc, thọ, tưởng, hành, thức; phân biệt giới - định - huệ, thiểu dục, tri túc, công đức v.v... Nếu phân biệt sắc tức phi sắc, trong cái phân biệt ấy không có giới phẩm, định, huệ, thiểu dục, tri túc, hạnh đầu đà... Trong cái phân biệt ấy cũng không có sắc không; cũng như phân biệt thọ, tưởng, hành, thức tức chẳng phải thức. Trong cái phân biệt ấy không có giới, định, huệ, thiểu dục, tri túc, hạnh đầu đà... Trong cái phân biệt ấy cũng không có thức không; có thể biết như thế huệ cũng không. Trong cái không ấy không có các tướng hoặc một hoặc khác, nên gọi là Bồ Ðề.

Lúc nghe pháp như thế, Ly Ưu chứng được vô sanh nhẫn; cũng biết được tâm Bồ Ðề, do tâm ấy nên gọi là Bồ Tát. Lúc bấy giờ hai vị Bồ Tát quán pháp như thế liền tin hiểu tùy thuận; trong hơn tám vạn năm thường tinh tấn tu tập, đi kinh hành không gián đoạn, chưa từng ngơi nghỉ. Trong tám vạn năm không sanh tâm tham dục, sân hận, si mê. Hai vị Bồ Tát ấy lúc mệnh chung liền sanh ở hạ phương thế giới thứ 1000, chỗ đức Phật Diệu Kiên, và đều cùng xuất gia. Tự biết kiếp trước của mình tinh tấn như thế nên lần lựa đi từ nơi đức Phật này đến đức Phật khác gặp được sáu trăm tám nghìn vạn ức chư Phật Thế Tôn; trong Phật pháp thường được xuất gia tinh tấn tu hành như trước. Sau đó Vô Ưu được thành Phật trước hiệu là Thượng Chúng Nghiêm; còn Ly Ưu Bồ Tát ở cõi Phật ấy sau được thành Phật hiệu là Nhật Thượng Chúng.

Phật bảo Di Lặc rằng, hai vị vương tử này đều truyền bá Phật Pháp sâu rộng, thọ mạng dài lâu trong a tăng kỳ kiếp. Này A Dật Ða, đó gọi là tâm Ðại Bồ Tát vậy. Bồ Tát tâm không đến, không đi, không tham đắm, không sanh, không diệt, không trụ, không động...Nếu có chúng sanh nào khởi cái tâm ấy thật là hy hữu.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn cho rõ nghĩa trên bèn thuyết bài kệ:

Phật xuất hiện thế gian

muôn ức kiếp khó gặp

như hoa ưu đàm bát

lâu lâu một lần nở

Người phát tâm Bồ Ðề

chánh tín nơi Phật đạo

ấy là đại Bồ Tát

người thế rất khó gặp.

Vì thế, nếu có người

hay phát tâm Bồ Ðề

kẻ ấy sẽ thành Phật

hiệu là Sư Tử Vương

Tự tại như sư tử

chuyển thanh tịnh pháp luân

được thần thông vô ngại

đều do tâm ban đầu

Phật tướng đủ băm hai

mười tám pháp bất cộng...

Pháp và các tướng ấy

đều do tâm ban đầu.

Chư Phật hạnh không dối.

Quán pháp sư tử vương

và Vô Kiến đảnh tướng

đều do tâm ban đầu

Bố thí, nhẫn, trì giới,

tinh tấn, thiền, trí huệ

đây, pháp ba la mật (9)

đều do tâm ban đầu

các công đức như trên

và bao Phật pháp khác

hết thảy nên biết rằng

đều do tâm ban đầu

Giới - định - huệ Thanh Văn

mỗi mỗi thần thông lực.

Các pháp như thế ấy

cũng do tâm ban đầu

như ta đã chẳng phát

tâm vô thượng Bồ Ðề

thì nay cũng chẳng được

rốt ráo trí huệ Phật

Tự mình chưa chứng đắc

khó khiến chúng sanh nghe

hàng Thanh Văn đệ tử

khó thể xuất thế gian

Do nhân duyên thâm hành

Phật Bích Chi chứng thành

làm ruộng phước thế gian

nhập vô dư Niết Bàn (10)

Những công đức khó lường

cũng do tâm ban đầu

Thế gian hay xuất thế

hết thảy các điều vui

nên biết những việc này

đều do tâm Bồ Ðề.

Các Thầy quán tâm ấy

đều được những quả báo

nhiều kiếp không thể lường

không tính kể hết được.

Các Thầy quán tâm ấy

niệm niệm thường sanh diệt

như huyễn không sở hữu

thì được đại quả báo.

Tâm ấy do các duyên

không một tướng quyết định.

Tâm bất định như thế

đạt được đại quả báo.

Tâm kia chẳng do duyên

cũng chẳng lìa chúng duyên

không có cũng chẳng không

mà phát sanh quả báo.

Bậc trí biết tâm ấy

nên sanh huệ Phật trí

ai mà không trọng quí

chỉ trừ kẻ tham đắm.

Người nào nương, nơi sắc,

theo thọ, tưởng, hành, thức...

Trong pháp có hai tướng

do hư dối ràng buộc

như người trong hư không

tự bảo mình bị buộc

Kẻ ấy tự trói chặt

thường kẹt trong quả báo.

Biết tâm tánh như thế

hư dối không sở hữu

chớ nên thấy sanh nghi

là tâm chẳng định tướng.

tâm do các nhân duyên

đều không, vô tự tánh.

Người nào biết như thế

không thối tâm Bồ Ðề.

Vì pháp, tánh vốn không

ấy là pháp vô sanh

Tất cả pháp vô sanh

đều là chân chủng trí.

Người nào biết như thế

Bồ Ðề ta thọ ký

Không lấy ấm, lìa ấm (11)

Thảy đều được thọ ký

như biết pháp vô tướng

thì cũng chẳng chấp huệ.

Người biết đúng như thế

gọi là chân phát tâm

Ðược tâm kiên cố này

người ấy thường hay nhẫn

lời ác mắng nhiếc thảy;

dao gậy các thống khổ...

Nếu người nhẫn được thế

thì tâm không tham sân

được lợi lạc chẳng kiêu

cũng chẳng ganh người nhận

chỉ chuyên tu hạnh nhẫn

diệt hai bên ‘‘hữu’’, ‘‘vô’’.

Người ấy ở thế gian

thực hành trí bất hoại

Vì thế nên tu pháp:

không, vô tánh, nhẫn nại.

Ta đã tu pháp ấy,

nên chứng quả Bồ Ðề.

Xem dưới dạng văn bản thuần túy