Lúc bấy giờ Mục Kiền Liên từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai bên hữu, chấp tay hướng về Phật bạch rằng: bạch Thế Tôn, một việc chưa từng có, Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát có đại thần lực tiếp xúc với cõi tham nhẫn (Ta Bà) này, và nương thần lực Như Lai ở thế giới khác.
Bạch Thế Tôn, con đã đến cõi kia và trở lại cõi này, lúc đó con thần còn chẳng có huống nữa có thông. Con bèn nảy ra ý nghĩ: vị đại Bồ Tát này có đủ đại thần thông rước con trở về lại, nên hoàn toàn chẳng biết gần xa, mau chậm là gì cả. Con lại nghĩ rằng, vị Bồ Tát này hiện thời chưa thành Phật mà còn có thần lực, huống gì thành Phật ư? Phật bảo Mục Kiền Liên rằng, ông muốn nói Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát có thể tiếp xúc với Như Lai rồi trở lại đây chăng? Chớ nghĩ như thế. Tại sao vậy? Vì ta không thấy có sa môn, bà la môn, A La Hán, Bích Chi Phật, và những chúng sanh khác như: trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la dà, nhơn và phi nhơn động tới một góc y của Như Lai, huống gì tiếp xúc đưa đến thế giới khác, và trở lại cõi này. Không có việc đó Mục Kiền Liên. Giả sử đem cõi thế gian này đặt hết thảy trời, người ở cõi ba nghìn đại thiên thế giới có chúng sanh, có sắc, vô sắc, có tưởng, vô tưởng, chẳng có tưởng, phi vô tưởng, có thể trông thấy hay không trông thấy, trong chốc lát liền được thân người; do niềm tin mà xuất gia đắc quả A La Hán có đủ sáu phép thần thông cũng giống như Mục Liên vậy. Ý ông nghĩ sao? Những chúng sanh ấy có trí lực thần thông như thế có vĩ đại không? Rất là vĩ đại, thưa Thế Tôn. Phật bảo Mục Liên rằng, hàng A La Hán đây tay tiếp xúc với cõi ba nghìn đại thiên thế giới, dạo đi khắp mười phương vô số quốc độ, cũng như Như Lai lấy một hạt cải đặt trong hư không thì, đại thần thông của A La Hán còn chưa động đến một mảy may.
Này Mục Liên, vã lại đem đại thần thông này làm cho một người có đại thần lực thì, Phật nghe người ấy có thể dùng một cái thổi thổi bay cả đại thiên thế giới làm cho tan tác như các vi trần tan biến ra thành vô số thế giới khác nhau; cũng như dùng cái thổi làm cho các vi trần hoàn trở lại trong ba nghìn đại thiên thế giới. Này Mục Liên, ý ông nghĩ sao? Người kia có đủ đại thần lực chăng? Ðầy đủ đại thần lực, thưa Thế Tôn.
Này Mục Liên, giả sử có người đạt được đại thần thông lực như thế đầy khắp trong ba nghìn đại thiên thế giới như cây cỏ, lúa mè, lùm rừng đồng nhứt tâm có thần lực, còn chưa động đến được một góc y của Như Lai, huống là đem Như Lai để ở thế giới khác rồi hoàn lại như cũ ư? Này Mục Liên, ta chia chỗ ngồi này có thể di động đến vô lượng vô biên a tăng kỳ cõi (12) ở phương Ðông không thể nghĩ bàn mà chúng sanh ở đó phần nhiều đều không tự giác, còn niệm vãng lai. Những chúng sanh ấy không biết việc thành bại và sự tan hoại của thế gian. Này Mục Liên, ông nên biết rằng, thấy Như Lai có thần lực, vì để tùy thuận chúng sanh mà thuyết pháp. Hoặc có chúng sanh được thấy thân Phật mà được độ thoát, hoặc có chúng sanh được thấy thân trời mà được độ, hoặc có chúng sanh được thấy thân rồng mà được độ, hoặc có chúng sanh được thấy thân dạ xoa, càn thát bà, khẩn na la, ma hầu la dà mà được độ. Hoặc được thấy thân nam tử, thân nữ nhơn mà được độ hoặc được thấy thân lớn, thân nhỏ mà được độ. Này Mục Liên, Như Lai có thần lực vô sở úy do thần thông tự tại, ông nên biết đều thâu nhiếp trong kinh này. Cho đến các phương Nam, Tây, Bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, thượng, hạ phương cũng đều như thế. Này Mục Liên, nếu ông thấy được chỗ hành của Như Lai và đại thần lực của Như Lai không còn hỏi đáp nữa.
Này Mục Liên, ta dạy A Nan môn đà la ni là để thọ trì mười hai bộ kinh (13) như Tu Ða La, Kỳ Dạ, Xà Dà La Na, Dà Ðà Ưu Ðà Na, Ni Ðà Na, A Ba Ðà Na, Y Ðế Mục, Ða Dà, Xà Ða Dà, Phương Quảng, Vị Tằng Hữu, Ưu Bà Ðề Xá khiến cho không quên mất mà nay A Nan còn chẳng biết thần lực của Như Lai. Tại sao thế? Vì Phật dùng mỗi lời, mỗi chữ, mỗi câu... hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật hoặc trong một kiếp hay trong trăm ngàn muôn ức kiếp, cho đến trong vô số a tăng kỳ kiếp còn chưa thể đọc tụng, thọ trì, suy lường, diễn thuyết hết, huống gì biết được Như Lai dùng đại thần thông lực, không thể nào hiểu được.
Này Mục Liên, Như Lai tùy theo mỗi loại nhân duyên, các oai nghi, các cửa đạo môn mà thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Chỉ lúc Như Lai mặc y, tất cả hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật còn chưa có thể biết được sự lợi ích đến bao nhiêu chúng sanh là nên nói pháp gì, huống gì có thể biết rõ được chỗ hành của Như Lai, thần thông và trí tuệ của Như Lai không thể nào biết hết được vậy.
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nhận hoa sen từ tay Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát xong, bảo Bạt Ðà Bà La Bồ Tát, Bảo Tích Bồ Tát, Ðạo Sư Bồ Tát, Tinh Ðắc Bồ Tát, Na La Ðạt Bồ Tát, Ðế Ðắc Bồ Tát, Thủy Thiên Bồ Tát, Thiện Lực Bồ Tát... rằng, những vị Bồ Tát đây ở đời sau sẽ là những vị hộ trì chánh pháp. Này chư thiện nam tử, các vị nên giữ gìn kho tàng giáo pháp của Phật, phải khéo tin hiểu chỗ thực hành của Như Lai mà diễn thuyết. Mong thay Thế Tôn, chúng con đều có thể. Phật bảo: các vị kể từ nay, nếu có nói điều chi trước phải xét chỗ thực hành của Như Lai để thấu rõ ý thú các pháp môn, rồi sau mới nói. Như có người hỏi: thế nào mới được gọi là đầy đủ Phật trí, các vị phải y theo các bộ kinh trên. Trước hết phải quán xét chỗ Như Lai thực hành, rồi sau mới đáp. Hoặc các vị nghe nói tới nhiều pháp môn đều phải quán xét cốt tủy thực hành của Như Lai. Phải quán xét như thế và phải nói pháp như thế... Các vị hoặc thấy chỗ thực hành của chúng sanh cũng nên quán xét tạng giáo pháp của Như Lai. Vì chúng sanh có hành như thế Phật mới đem chỗ hành ấy chuyển dứt trừ nghiệp. Chúng sanh thực hành có 9 vạn 9 ngàn các căn chẳng đồng nên Như Lai biết rất rõ; phần nhiều người có căn tham dục, căn nóng giận hay đa phần có căn si mê. Tương tự như người đa dục có căn tham muốn nhiều, người nóng giận nhiều có căn sân, người si mê nhiều có căn si mê. Người tham sân nhiều có căn tham sân, người tham si nhiều có căn tham si, người giận dữ si ám nhiều có căn giận si; người nhiều tham - sân - si đều có căn như thế. Các căn ấy có thể được thanh tịnh nhờ đạo khai mở. Các căn như thế từ gốc duyên sanh, từ thực hành tu tập mà có. Như gây tạo nghiệp căn trở thành hắc nghiệp hoặc bạch nghiệp, hoặc cả hai. Các căn hợp đạo, thuận định và thuận huệ, là thuận trí hoàn toàn, thuận trí vô sanh là căn tuỳ thuận; rốt ráo trí vô sanh là căn thuận hợp chân lý. Này chư thiện nam tử ! trong đó có hai vạn các căn hòa hợp với nhân duyên đời trước khởi thành nghiệp, hoặc đen (xấu ác) hoặc trắng (thiện lành). Do các nghiệp duyên ấy mà có nhiều hình sắc hoặc đen hoặc trắng, không đen không trắng, hoặc thoát hoặc đọa. Những hình sắc như vậy có hai vạn căn, có thể sanh các thân hoặc dài, ngắn, thô hoặc tế, không thô không tế v.v... Có 20 vạn căn biểu hiện tướng bên trong hoặc hiện nơi mắt, tai mũi, lưỡi, hoặc nơi thân. Biết có tâm tham - sân - si như thế người ấy lìa tham - sân - si. Có ba vạn căn và nghiệp báo (14) sai biệt. Vì con người lúc chết tỉnh thức mê man, thân xác biến hoại, tay chân co quắp, các căn rã rời, mọi khớp xương đều lìa hẳn ra. Nhằm lúc ám khí xông lên biết đó căn sa vào địa ngục. Các căn như thế nào rơi vào súc sanh, các căn như thế nào ở trong loài quỉ đói; là căn sanh lên cõi trời, cõi người, căn sanh vào các cõi Phật được thấy chư Phật, là căn lìa sanh tử không còn thọ lại thân sau nữa. Có bảy vạn căn nhờ sức tin hiểu mà thu nhiếp được gốc lành. Có hai vạn căn nhiếp thu các pháp bất thiện mà lúc chết có thể biết rõ.
Này chư thiện nam tử, đó là Phật lực Như Lai nhờ thực hành tạng giáo pháp của Như Lai. Như Lai trụ trong đây mà diễn nói các pháp bất tăng bất giảm.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|