Lúc ấy Ngài Pháp Huệ Bồ Tát Ma Ha Tát vì các Bồ Tát mà nói về thập trụ pháp của các Bồ Tát rồi, liền lúc ấy nhờ thần lực Phật mà mỗi mỗi phương trong 10.000 nước Phật cho đến các thế giới nhỏ, mỗi mỗi nước Phật như thế mặt đất có 6 điệu chấn động. Đó là: động biến động, đẳng biến động, chấn biến chấn, đẳng biến chấn, kích biến kích, đẳng biến kích và liên tục biến động với những âm thanh khác khởi dậy v.v... Đó là do thần lực của Phật mà có. Lại cũng có mưa nhiều loại hoa trời, nhiều loại hương trời, nhiều loại hương tẩm bột, nhiều loại tóc trời, nhiều loại hương gỗ quý từ trời; nhiều loại thiên y, nhiều loại bảo cái từ trời, nhiều loại hoa sen quý từ trời, nhiều loại anh lạc từ trời, nhiều loại mây quý từ trời... như thế đó... nhiều loại mây khác nhau để cúng dường, chung quanh biến thành mưa. Lại cũng có nhiều loại âm nhạc vi diệu từ trời, từ trên không trung không đánh tự kêu, vang ra âm thanh lớn, ánh sáng vi diệu chiếu khắp bốn châu, cho đến núi Diệu Cao, Thiết Vi cũng đều trùm khắp mười phương để cúng dường. Lúc ấy Ngài Pháp Huệ Bồ Tát cùng trong lúc ấy ở mười phương thế giới đồng thời cũng nói về thập trụ pháp. Cho đến câu văn lời nói ý nghĩa chẳng tăng chẳng giảm đều đồng một nghĩa. Điều nầy cũng do uy thần của Phật mà có, phóng ra mỗi mỗi 10.000 quốc độ Phật trong vi trần thế giới, mỗi mỗi trong 10.000 quốc độ Phật đều có Bồ Tát số nhiều như vi trần. Các vị từ mười phương vân tập đến hỏi Pháp Huệ Bồ Tát rằng:
Nầy Phật Tử! Lành thay! Lành thay Phật Tử! Như ta nói Bồ Tát thập trụ pháp. Phật Tử! Cùng với tên ta và cùng nói pháp như ta và tất cả như thế tất cả đều cùng một tên là Pháp Huệ Bồ Tát. Từ đây 10 phương Như Lai tất cả đều đến chốn nầy. Các bánh xe pháp của thế giới cũng do uy đức của Phật mà chuyển pháp luân đến tất cả các nơi. Như thế đó, tất cả các tánh, tướng, lời nói, câu văn, ý nghĩ đều không tăng chẳng giảm. Nầy Phật Tử! Liền lúc ấy do uy đức của Phật mà tất cả đều thấy các Bồ Tát đều đến nơi đây giống như ta đang đến thế giới nầy. Cũng như thế đó tất cả mười phương thế giới quốc độ Phật tất cả 4 châu núi Diệu Cao nơi cung trời Đế Thích, ở mười ngàn quốc độ Phật có vô số Bồ Tát đồng đến để vân tập. Lúc ấy Ngài Pháp Huệ Bồ Tát thừa Phật oai lực quán sát mười phương pháp giới chúng sanh đều câu hội; nên muốn tuyên lại nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Thấy chư Như Lai trí thanh tịnh
Nguy nguy biến hóa lực như thế
Mười lực công đức đều trang nghiêm
Cho nên do đấy phát bồ đề
Thấy đây nhiều loại thần thông lớn
Thuyết pháp lợi ích cho chúng sanh
Lại thấy luân hồi các khổ não
Cho nên phát tâm bồ đề vậy
Do vậy Phổ Hiền trước Như Lai
Được nghe tất cả biển công đức
Giống như hư không chẳng có tướng
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Tất cả nơi đây và chỗ kia
Tất cả tánh hạnh đều rõ ràng
Mỗi mỗi sai biệt tánh mong cầu
Vì vậy cho nên phát bồ đề
Cho nên quá khứ và hiện tại
Nhẫn đến vị lai các lành dữ
Vì cầu trí nầy tu thiện pháp
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Thiền định giải thoát và tam muội
Giữ cho thanh tịnh sinh tốt đẹp
Vì cầu trí tuệ sinh cung kính
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Hay biến thế gian các căn bản
Như như thanh tịnh đều giống vậy
Vì cầu trí nầy học nơi kia
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Bồ Đề giải thoát khắp thế gian
Trong ấy có được nhiều loại ý
Vì cầu trí tuệ chẳng lần đếm
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Nhiều loại chẳng kể trong tam giới
Trong ấy lại có nhiều thế giới
Giới là tự tánh cầu trí huệ
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Biến hóa tất cả cầu pháp nầy
Như thế nương vào được an lạc
Tự tánh chơn thật biết rõ ràng
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Tất cả mỗi mỗi mà sanh ra
Do như chúng sanh từ đất có
Vô số mắt tuệ cũng cầu thế
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Quá khứ hiện tại và vị lai
Nếu hiểu chúng sanh tánh tướng gì
Như vậy quá khứ việc đều biết
Cho nên khởi phát tâm bồ đề
Chứa nhóm chúng sanh đầy thế gian
Cho đến mỗi mỗi gần thân cận
Như vậy phiền não cũng nên biết
Cho nên khởi phát tâm bồ đề
Ba cõi trí huệ cũng nên biết
Vô tận pháp môn nên giãi bày
Vì cầu như vậy trí chơn thật
Cho nên khởi phát tâm bồ đề
Tất cả các pháp chẳng y cứ
Bổn tánh vốn không chẳng dính mắc
Vì cầu thắng nghĩa nên phải biết
Cho nên khởi phát tâm bồ đề
Hay chuyển vi trần các nước Phật
Làm cho sông biển cũng thấm nhuần
Vì cầu Như Lai trí tuệ nầy
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Lại phóng ánh sáng chiếu mười phương
Mỗi mỗi ánh sáng từ miệng ra
Vì cầu trí kia có ánh sáng
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Bất khả tư nghì nhiều loại khác
Thức ăn đồ uống đều cung cấp
Ta nguyện đầy đủ như trí ấy
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Tất cả chúng sanh và nước Phật
Hay làm xa rời việc giết hại
Vì cầu pháp nầy được bền lâu
Cho nên khởi phát tâm bồ đề
Giả sử biển lớn trong nước ấy
Một lông trôi nổi cũng phải biết
Như vậy trí tuệ cũng muốn cầu
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Mười phương cho đến mỗi quốc độ
Mỗi mỗi nước kia lớn nhỏ thảy
Như vậy trí tuệ phải hiểu hết
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Quá khứ nhẫn đến kiếp vị lai
Hiện tại tất cả các thế gian
Như vậy kiếp số phải biết rõ
Cho nên khởi phát tâm bồ đề
Ba đời tất cả các Như Lai
Cho đến Thanh Văn Bích Chi Phật
Pháp gì tự tánh phải hiểu rõ
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Vô lượng vô số các thế giới
Mảy lông trong ấy cũng phải rõ
Tánh của tự tánh phải nên biết
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Bất khả tư nghì cảnh giới khác
Mảy lông cũng phải nên biết rõ
Vì chỗ lớn nhỏ đều phải biết
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Vô lượng vô số các thế gian
Một khoảnh sát na nghe cùng khắp
Vì cầu trí tuệ nghe thanh tịnh
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Tất cả thế gian các ngôn ngữ
Một chữ diễn thuyết cũng chẳng thừa
Vì tánh chơn thật nên phải biết
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Vô số giáo hóa trong ba cõi
Tất cả chúng sanh đều vĩ đại
Vì cầu nói pháp lưỡi rộng lớn
Cho nên khởi phát tâm bồ đề
Như nói tất cả các nước Phật
Mỗi một sát na cũng phải thấy
Vì cầu thuyết pháp trí vô ngại
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Như Lai có cả những thế gian
Mỗi một sát na đều biến hiện
Như vậy Phật pháp hiểu chơn thật
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Vô số vi trần thế giới thảy
Đều cùng tự tánh mà phát sanh
Vì cầu như vậy những trí tuệ
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Quá khứ cho đến Phật tương lai
Lại nữa hiện tại các thế gian
Mỗi một sát na tâm nên biết
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Một câu nói pháp khó nghĩ bàn
Như vậy kiếp hết hoặc chẳng hết
Vì cầu như vậy ngôn ngữ nầy
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Tám phương tất cả các thế gian
Như vậy liên tục không gián đoạn
Vì tự tánh nầy tâm nên rõ
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Do nơi ba nghiệp thân miệng ý
Làm ra mười phương đủ các loại
Do đây phải hiểu ba cõi không
Cho nên khởi phát bồ đề tâm
Phát tâm bồ đề như thế rồi
Cần mẫn phụng sự các Đức Phật
Mười phương vô số kiếp làm hết
Cho nên tôn trọng tâm chẳng đổi
Cho đến thế gian một lòng thờ
Tám phương mỗi mỗi đều chu biến
Như vậy Phật kia cùng thuyết pháp
Mỗi mỗi tôn trọng tâm chẳng lùi
Nếu một Bồ Tát làm an lạc
Làm cho chúng sanh khỏi luân hồi
Nên làm thế gian tướng tròn đủ
Đây là cung kính tâm chẳng lui
Diệu pháp tối thượng tối hy hữu
Sâu xa khó giải lìa lời nói
Cùng các Bồ Tát mà tuyên dương
Vì kính tâm kia chẳng lùi sụt
Thế gian chẳng động và chỗ ở
Như vậy khó được thật hy hữu
Diễn thuyết thanh tịnh diệu pháp âm
Cho nên tâm nầy chẳng thối chuyển
Được sanh tất cả trong Như Lai
Vô ngã vô nhơn lìa kiêu mạng
Vì cầu pháp nầy nên hiện diện
Cho nên siêng năng chẳng lui sụt
Vô số vô lượng A Tăng Kỳ
Được các Như Lai Tam Ma Địa
Làm giống Bồ Tát như vậy làm
Cho nên siêng năng tâm chẳng sụt
Cho đến cứu cánh Tam Ma Địa
Siêu sanh bờ kia cũng nên biết
Như vậy nói pháp của chư Phật
Cho nên cung kính tâm chẳng lùi
Xa rời luân hồi trong ba cõi
Chuyển ư như vậy pháp luân lành
Hay vì thế gian chẳng gián đoạn
Bồ Tát phải nên nói như vậy
Tất cả thế gian đều khổ não
Như vậy ác trược trong tai nạn
Gần gũi tất cả các hữu tình
Cho nên Bồ Tát nên nói vậy
Bồ Tát đầu tiên nói pháp nầy
Nhơn đây phát khởi tâm bồ đề
Trì giới thuyết pháp không giới hạn
Cho nên tên gọi phát tâm trụ
Lúc ấy Bồ Tát ở nơi đất
Đầu tiên hàng phục tâm như thế
An lạc lợi ích nơi thế gian
Như Phật xa lìa già bệnh chết
Lòng tin nhớ nghĩ và tinh tấn
Huệ tâm nguyện tâm lẫn trì giới
Hộ pháp xa lìa chẳng đến đi
Quyết định hồi hướng các chúng sanh
Nếu trụ nơi ấy tâm như thế
Đọc tụng thọ trì kinh Đại Thừa
Xa rời ồn náo ở yên tịnh
Tìm cầu tất cả bạn lành thảy
Người lành gần gũi thuận trí thức
Siêng năng tìm kiếm người trí thật
Thông suốt tất cả những lời nói
Thắng nghĩa đế lý cũng như vậy
Khi hiểu Như Lai thắng nghĩa rồi
Lìa những điên đảo chẳng nghi hoặc
Như thế bình đẳng tự nhiên yên
Đây là Phật Tử nói pháp đúng
Chứng được trị trì cũng như thế
Lành hay quán sát các Bồ Tát
Diễn thuyết pháp lành cúng dường Phật
Cho nên Phật Tử cần phải học
Lại nữa Bồ Tát đệ tam trụ
Pháp Vương dạy dỗ cầu làm Phật
Nếu hiểu không, vô thường rốt ráo
Tất cả tự tánh chẳng đến đi
Các pháp vốn yên lìa tự tánh
Giải bày rõ ràng tâm quyết định
Ở đây tất cả chẳng nghi ngờ
Phật Tử hãy nên nói như vậy
Vì biết tất cả chỗ chúng sanh
Và mở tất cả các pháp giới
Như vậy thế giới phải nên biết
Cho nên có tên Tương Ưng hành
Đất đai lửa nước cùng hết thảy
Cho đến gió máy và hư không
Dục giới sắc giới vô sắc giới
Tất cả thế giới phải nên biết
Cho đến ở ngoài thế giới khác
Phải thấy tự tánh của pháp giới
Như vậy rộng tuyên trí huệ lớn
Dũng mãnh tinh tấn cầu trí Phật
Lúc ấy Bồ Tát sanh chỗ tốt
Xuất gia sanh ra nơi Như Lai
Hữu tánh vô tánh tâm quyết định
Sanh ra nơi ấy thường chánh kiến
Ở đây Bồ Tát không thối chuyển
Vì cầu Phật đạo tâm chẳng lùi
Tất cả các pháp hay tu tập
Quán cả chúng sanh đều tự tánh
Tội lỗi chúng sanh như bụi nhỏ
Xa rời luân hồi những quả báo
Phật Tử lành nên phân biệt sanh
Bồ Tát sẽ làm lìa già cả
Quá khứ hiện tại và vị lai
Tất cả huệ pháp nên hiểu rõ
Căn lành bạn hữu cùng sanh ra
Như Phật ra đời cũng vậy thôi
Tất cả Như Lai đều trang trọng
Vào đời ba cõi đều bình đẳng
Hãy làm như thế mà sanh ra
Vượt lên ba đời làm nhiều việc
Đây tên thứ tư Bồ Tát trụ
Hãy nên xưng tán hình thức nầy
Pháp nầy phải hay biết rõ ràng
Bồ Tát hiểu rõ sanh nơi ấy
Điều nầy sau xưng loại thứ năm
Tên gọi Phương Tiện Cụ Túc trụ
Nhiều loại phương tiện độ quần sanh
Cầu vui nghiệp phước nơi phương khác
Như thế mà làm phước lớn hơn
Làm cho chúng sanh được giải thoát
Tận tâm hồi hướng tất an ổn
Gần gũi mọi loài làm xa khổ
Thế gian gặp nạn liền cứu giúp
Nhiếp phục cho họ sinh hoan hỷ
Mỗi mỗi dẫn dắt các chúng sanh
Chứng đại Niết Bàn tâm tịch tịnh
Vô biên tất cả các thế gian
Như vậy vô lượng không tính đếm
Nhiều quá không thể tính đếm được
Chẳng tánh chẳng tướng chẳng cứu cánh
Đây là Bồ Tát đệ ngũ trụ
Đầy đủ phương tiện độ quần sanh
Phật kia như vậy sáng tròn đủ
Thị hiện tất cả các công đức
Vô biên tất cả những chúng sanh
Quán pháp tự tánh không mê hoặc
Lưới nghi có không đều rõ biết
Trên đời người trời đều bền chắc
Nương Phật nương Pháp trong Bồ Tát
Thường hành hạnh lành lìa các tướng
Như thế rộng lớn nhiều chúng sanh
Lắng nghe diễn thuyết pháp phương tiện
Phiền não chúng sanh làm thanh tịnh
Dễ độ khó độ đều điều phục
Pháp giới rộng nói và chỉ bày
Bồ Tát ba đời vui nghe giữ
Quán sát tất cả tâm không động
Như vậy siêng năng nơi Phật Pháp
Chẳng còn tánh tướng lẫn có không
Bản tánh lìa nhiễm ta cũng vậy
Hiểu biết tánh kiếp như mộng huyễn
Vì nghe như thế các pháp hay
Bất thoái Bồ Tát cũng như thế
Nơi Phật nơi Pháp trong Bồ Tát
Hãy xem hình thức chẳng có không
Bất thoái chẳng có cũng chẳng không
Sanh cùng chẳng sanh hết chẳng hết
Có tướng không tướng chẳng khác một
Nhiều loại chúng sanh cũng chỉ một
Thắng nghĩa đế lý lìa có không
Mỗi mỗi sai biệt đều trân quý
Bồ Tát nơi đây tâm chẳng thoái
Như vậy khác nhau qua hội họp
Mỗi mỗi cõi trời đều nghe thấy
Lại nữa Bồ Tát đồng chơn trụ
Thân khẩu ý nghiệp đều thanh tịnh
Đi làm Phật sự không dính mắc
Cho nên tùy ý mà được sanh
Đều vì chúng sanh mà thực hiện
Du hành ra đi từng đất nước
Trí huệ mau theo ý của mình
Mười phương siêng năng cung kính lễ
Bồ Tát nơi nầy tâm không hai
Nghe Phật diễn bày pháp vi diệu
Biết rằng nước khác đang giao động
Như vậy nên biết chẳng có thừa
Diễn thuyết đi đến các nước Phật
Sát na biến đổi A Tăng Kỳ
Tùy hỏi diễn thuyết vô số nghĩa
Tự tánh sai biệt tánh cũng vậy
Phương tiện âm thanh hay chiếu soi
Vô số nước Phật trong một niệm
Lại nói Bồ Tát Vương Tử Trụ
Mật hạnh chúng sanh khó đo lường
Phiền não chứng tiêu vọng tưởng hết
Sự lý tương ưng nói phương tiện
Nhiều loại vi diệu phải nên làm
Phân biệt thế gian nhiều đời kiếp
Chơn tục hai đế nên hiểu rõ
Đế cầu như vậy pháp vi diệu
Nếu hay phương tiện vào vương thành
Như vậy mà đi khắp đầy đủ
Đến đi tự tại chẳng khó khăn
Làm chủ vương thành hay chiếu rọi
Do như quán đảnh vua diệu pháp
Như vậy uy đức lực đầy đủ
Vào trong vương thành liền nói pháp
Cho nên đây gọi Vương Tử Trụ
Đây hay tùy thuận các chúng sanh
Như Phật giáo hóa cũng lại thế
Điều Ngự ra đời cũng giống vậy
Được Phật an ổn trụ vương tử
Phật Tử Bồ Tát quán đảnh trụ
Nơi nơi tối thượng hay lợi ích
Một lông giọt nước làm giới hạn
Suy nghĩ so sánh chẳng thể đo
Như vậy mà làm các pháp Phật
Do đây tất cả pháp vi trần
Chúng sanh khó lường cũng nên biết
Cho nên vô số hãy nên nói
Tất cả Như Lai và Bồ Tát
Cho đến quá khứ vị lai Phật
Nếu ở mười phương trong hiện tại
Cho đến Thanh Văn Bích Chi Phật
Từ đây phát sanh tâm bồ đề
Như vậy số nầy khó đo lường
Công đức số lượng cũng khó biết
Tối sơ một niệm tâm bồ đề
Như vậy thế giới độ quần sanh
Chẳng thể cao hơn qua khỏi kia
Lúc ấy Ngài Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát liền bảo Ngài Pháp Huệ Bồ Tát rằng: Nầy Thiện Nam Tử! Lành thay! Lành thay! Ta nay sẽ nói pháp môn "Bảo Quang Tổng Trì". Lại nữa Thiện Nam Tử! Nơi các chúng sanh sẽ được vui vẻ bất khả tư nghì với công đức chư Phật tất cả bằng trí tuệ. Nầy Thiện Nam Tử! Nếu có chúng sanh khi nghe được danh hiệu của Bảo Quang Tổng Trì liền thọ trì đọc tụng một lòng cung kính thâm sâu quyết định sẽ chứng thành Phật quả.
Lúc ấy Ngài Pháp Huệ Bồ Tát thưa: Thưa Ngài, so với tôi đây được Như Lai xoa đầu, có trí tuệ sâu dầy. Nếu có Thiện nam tử hay Thiện nữ nhơn nào đến được trong pháp hội nầy và nghe được pháp nầy hoặc có chúng sanh nào dùng tay để mang kinh nầy thì phải biết rằng những chúng sanh đó ở trong Phật pháp đều được Phật thọ ký.
Lúc ấy Ngài Trưởng Lão Xá Lợi Phất từ chỗ ngồi đứng dậy liền bạch Phật rằng: Kính bạch Đức Thế Tôn! Chúng con nay cũng như những người mù từ xưa đến nay chưa từng thấy nghe chánh pháp như thế nầy. Ngài chẳng chê trách chúng con. Nếu có chúng sanh nào chẳng nghe được pháp nầy thì chúng sanh kia cũng giống như kẻ sanh ra bị mù.
Phật bảo: Trưởng Lão! Như thế đấy! Như thế đấy! Nay ta đang nói.
Ngài Xá Lợi Phất liền bạch Phật rằng: Kính mong Ngài nói pháp khó thể nghĩ bàn nầy.
Phật bảo: Nầy Xá Lợi Phất! Nay ta làm cho các vị Phạm Vương, Đế Thích, hộ thế chư thiên cùng đến nơi nầy. Như Lai liền bảo Ngài Xá Lợi Phất: Đây là tối vi diệu pháp gọi là Bảo Quang Tổng Trì vì chúng hội nơi đạo tràng nầy mà thuyết pháp.
Lúc ấy Ngài Tôn Giả Xá Lợi Phất thọ lãnh lời dạy của Đức Phật mà hỏi về kinh Bảo Quang Tổng Trì pháp môn nầy. Sau khi vâng mệnh các vị Phạm Vương, Đế Thích hộ thế chư thiên đến rồi hỏi lời rằng: Tại Bảo Quang đạo tràng nầy Phật chờ chúng tôi đến đồng thời để nghe và lãnh hội pháp nầy. Ngay lúc ấy Đức Như Lai liền nói pháp Bảo Quang Tổng Trì bất khả tư nghì nầy. Các ngươi nên vân tập nhanh lên, thật khó gặp gỡ, bỏ qua sẽ hối hận. Đây là tối thắng pháp bảo vậy. Thế gian khó được, thật là hy hữu. Lúc chư Thiên nghe kinh nầy rồi liền vận thần thông, chỉ trong chốc lát các Phạm Vương, Đế Thích, hộ thế thiên đều vân tập lại, đến với Thế Tôn, đi nhiễu về bên mặt ba vòng, chắp tay cung kính, đối trước Đức Phật, yêu cầu Thế Tôn, duy nguyện Như Lai, thương tưởng đến chúng con và đời sau các chúng sanh mà nói pháp môn Bảo Quang Tổng Trì nầy.
Lúc ấy Đức Phật yên lặng chẳng đáp.
Liền đó chư thiên Phạm Vương, Đế Thích, hộ thế thiên thưa thỉnh 3 lần ân cần cung kính nhưng Thế Tôn vẫn yên lặng. Lúc bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch với Thế Tôn rằng: Duy nguyện Đức Như Lai! Hãy nói pháp Bảo Quang Tổng Trì.
Phật bảo: Lành thay! Theo lời thỉnh cầu ta nói. Lúc ấy từ miệng Đức Thế Tôn phóng ra nhiều loại âm thanh biến khắp 3.000 thế giới. Đồng thời nếu Thiện Nam Tử nào được nghe pháp Bảo Quang Tổng Trì nầy mà thỉnh Như Lai thì chúng sanh ấy đều chứng được Bất Thoái chuyển chứng đến A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Lúc ấy Đức Thế Tôn lại bảo Ngài Tôn Giả Xá Lợi Phất rằng: Nầy Tôn Giả Xá Lợi Phất, hãy nên qua thỉnh Diệu Cát Tường Đồng Tử nói pháp nầy vậy. Diệu Cát Tường Đồng Tử đang ở tại xứ Phạt La ngồi dưới cây Bà La, đang thiền định tại đó, qua hơn trăm ngàn vạn không gian ánh sáng của trời trăng Ngài ở nơi lầu các đại trang nghiêm, các vị Phạm Vương, Đế Thích, Hộ Thế Thiên đang vây bọc chung quanh cung kính, toàn thân màu vàng, kiết tường trang nghiêm, hào quang chiếu dọi.
Lúc ấy Ngài Xá Lợi Phất phụng nghe lời Phật qua đến nơi Ngài Diệu Cát Tường Đồng Tử, đến liền bạch với Ngài Diệu Cát Tường rằng: Nầy Thiện Nam Tử! Như Lai thỉnh Ngài vì chúng con mà thuyết pháp môn Bảo Quang Tổng Trì.
Lúc ấy Ngài Diệu Cát Tường Đồng Tử đáp Ngài Xá Lợi Phật rằng: Ta đây làm sao so được với Như Lai.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Thưa Ngài! Trí huệ của Ngài cao xa, con không dám nói, cho nên con không dám bàn cãi cùng Ngài.
Ngài Diệu Cát Tường bảo: Hãy dừng lại Xá Lợi Phất! Ta thật ngu si; nhưng nếu muốn nghe, ta sẽ vì ông mà nói.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Ngài: Con nay vui nghe. Sau khi nói lời ấy rồi tức thời 3.000 Đại Thiên Thế Giới cho đến thanh tịnh thiên cung và các thiên chúng. Trên cõi A Ca Ni Sắc (Akanstha) dưới cho đến Tứ Thiên Vương chư thiên cùng các quyến thuộc vô số câu hội, Đại Dược Xoa cùng các Phạm Thiên Vương và Đế Thích, Hộ Thế Thiên cùng các Thiên nữ v.v... tất cả đều vui nghe pháp nầy nên đều vân tập. Cho đến các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cùng với 33 cõi trời như Dạ Ma Thiên, Đẩu Suất Đà Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, Đại Phạm Thiên Vương, A Ca Nị Sắc Thiên cho đến các vị thiên chúng v.v... đều đến vân tập. Lại có các Đại Thanh văn chúng như: Tôn Giả Tu Bồ Đề, Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên, Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Ma Ha Ca Chiên Diên, Tôn Giả A Nậu Lâu Đà, Tôn Giả Già Da Ca Diếp, Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La, Tôn Giả Tổ Nô Phán Đà Ca, Tôn Giả Lợi Bàn Đà, Tôn Giả Y Vỉ Ca Diếp, Tôn Giả Điểu Ngư Mao Tố Ca Diếp, Tôn Giả Bố La Cách Mai Hằng La, Tôn Giả Lịch Nhiếp Ba, Tôn Giả A Nan Đà như vậy đó các Đại Thanh Văn cho đến Da Du Đà La cùng với 500 Tỳ Kheo Ni v.v... đều tập trung tại đây. Lại có Chuyển Luân Vương và các Tiểu Vương, Sát Đế Lợi Bà La Môn, Trưởng giả Cư sĩ cũng đều vân tập.
Lúc ấy Tôn Giả Xá Lợi Phất nhiễu Phật 3 vòng rồi nói lời rằng: Kính bạch Đức Thế Tôn! Vì nhơn duyên gì mà ngày hôm nay tất cả đại chúng đều vân tập như thế, chúng con muốn biết.
Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất rằng: Đây là do uy đức của pháp Bảo Quang Tổng Trì vậy.
Ngài Xá Lợi Phất nói rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Pháp môn Bảo Quang Tổng Trì nầy nay chúng con đang muốn nghe.
Phật bảo: Nầy Xá Lợi Phất! Ngươi nên đến thỉnh Ngài Diệu Cát Tường Đồng Tử, Phổ Hiền Bồ Tát hai vị Đại Sĩ nầy sẽ vì ngươi mà nói.
Liền lúc ấy Ngài Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Ngài Diệu Cát Tường Đồng Tử rằng: Thiện Nam Tử! Hãy vì con mà nói vi diệu pháp bảo Bảo Quang Tam Ma Địa.
Ngài Diệu Cát Tường nói: Nầy Tôn Giả Xá Lợi Phất! Các người bây giờ đang muốn nghe pháp Bảo Quang Tổng Trì nầy phải không?
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Nay có 4 chúng Phạm Vương, Đế Thích, Hộ Thế Chư Thiên vì nghe pháp nầy nên đã đến.
Lúc ấy Ngài Diệu Cát Tường liền cho Ngài Trưởng Lão Xá Lợi Phất biết như thế. Nầy Xá Lợi Phất! Pháp nầy mật yếu không thể thấy nghe, như huyễn như hóa. Vì sao phải nói và nói cho ai nghe?
Xá Lợi Phất thưa: Nầy Thiện Nam Tử! Ngài nay đang nói và con vui nghe.
Diệu Cát Tường hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất. Lời nói nầy được gọi là gì?
Đáp rằng: Diệu Cát Tường. Không làm không nói.
Diệu Cát Tường lại hỏi: Xá Lợi Phất nói không là thế nào?
Đáp rằng: Diệu Cát Tường. Không lìa lời nói.
Diệu Cát Tường nói: Tôn Giả Xá Lợi Phất! Nếu không nầy mà lìa lời nói thì ta sẽ nói gì? Tôn Giả Xá Lợi Phất: Tức tất cả pháp đều xa lìa lời nói. Nếu nói như thế, ai có thể nghe được?
Trưởng Lão Xá Lợi Phất thưa: Thiện Nam Tử! Tất cả các pháp đều lìa khỏi ngôn ngữ lời nói thảy, như thế mà nói. Cho nên nói không, vô tướng, vô nguyện, lìa thủ, lìa xả, chẳng khác, chẳng không, lại cũng chẳng không lìa hí luận, chẳng phải chẳng lìa hí luận.
Lúc ấy Ngài Diệu Cát Tường Đồng Tử nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất như thế, các Đại Bồ Tát và Phạm Vương, Đế Thích, Hộ Thế chư thiên tâm đại hoan hỷ cùng tán thán rằng: Lành thay Thiện Nam Tử! Đây là pháp Bảo Quang Tổng Trì vậy.
Lúc ấy Tôn Giả Tu Bồ Đề bạch Ngài Diệu Cát Tường Đồng Tử rằng: Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát phải thọ trì đọc tụng như thế nào? vì họ mà giải thích pháp Bảo Quang Tổng Trì nầy vậy.
Ngài Diệu Cát Tường đáp: Nầy Tu Bồ Đề! Pháp Tổng Trì nầy không sanh không tịnh, như thế thọ trì, lìa tánh, lìa tướng, chẳng lìa lời nói, không lấy, không bỏ. Pháp nầy nên thọ trì như thế và vì họ mà giải nói.
Khi Ngài Diệu Cát Tường Đồng Tử nói pháp nầy rồi có 92 Bồ Tát đều dõng mãnh chứng được Tam Ma Địa. Lại có người và chư thiên 62 chúng sanh được vô sanh pháp nhẫn.
Lúc ấy Ngài Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát từ chỗ ngồi đứng dậy trạch áo bày vai phải, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là làm cho Bồ Tát Ma Ha tát có lòng thương lớn?
Phật bảo: Nầy Thiện Nam Tử! Bồ Tát có lòng đại bi là Bồ Tát không xa rời 3 cõi nên có tên là Đại Bi. Hay làm cho tất cả chúng sanh thấy được quốc độ thanh tịnh của chư Phật nên có tên là Đại Bi. Nếu có những kẻ phá giới mà hay thương tưởng giữ gìn nên có tên là Đại Bi. Hay làm cho tất cả chúng sanh có ý chí cầu trí tuệ tu tập nên có tên là Đại Bi. Hay vì tất cả chúng sanh chẳng tiếc thân mệnh nên có tên là Đại Bi. Cho đến đầy mắt tủy não khó bỏ mà hay bỏ, khó làm mà hay làm cho tất cả chúng sanh nên có tên là Đại Bi.
Lại bảo: Nầy Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát vì các chúng sanh chẳng có tâm khác mà được an lạc lìa các tà kiến tức được giải thoát. Nầy Thiện Nam Tử! Đó là Bồ Tát Ma Ha Tát có lòng Đại Bi. Hãy cứ như thế mà giãi bày.
Lúc ấy Ngài Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật rằng: Kính bạch Đức Thế Tôn, duy nguyện Như Lai vì Đại Bi vô lượng vì các chúng sanh an lạc trong thế gian mà nói pháp Bảo Quang Tổng Trì vậy, làm cho chư thiên và loài người trong pháp hội nầy được lợi ích an lạc. Tức thời Đức Thế Tôn thương các chúng sanh mà xuất phạm âm nói với các vị Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: Các ngươi nay ta vì đời vị lai 500 năm sau khi chánh pháp đã hết rồi thì ai có thể thọ trì và lưu bố rộng rãi pháp Bảo Quang Tổng Trì nầy?
Tức thời lúc ấy Ngài Phổ Hiền Bồ Tát xa rời tất cả những lo âu của Bồ Tát cùng với Dược Vương Bồ Tát, Biện Tích Bồ Tát cùng với tất cả các vị Bồ Tát xuất sanh pháp vương như Vô Tận Ý Bồ Tát, Hải Huệ Bồ Tát, Bảo Sư Tử Bồ Tát, Bảo Hiền Bồ Tát, Bảo Quang Bồ Tát, Bảo Phát Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Đẳng Quan Bồ Tát, Thường Quan Bồ Tát, Bảo Thủ Bồ Tát, Bảo Tích Bồ Tát, Bảo Trang Nghiêm Bồ Tát, Kiết Tường Tràng Bồ Tát, Pháp Kiết Tường Bồ Tát, Tài Kiết Tường Bồ Tát, Phước Đức Kiết Tường Bồ Tát, Chiên Đàn Kiết Tường Bồ Tát, Pháp Huệ Bồ Tát, Cam Lồ Huệ Bồ Tát, Bất Tư Nghì Bồ Tát, Phước Đức Trang Nghiêm Bồ Tát, Công Đức Trang Nghiêm Bồ Tát, Trướng Nghiêm Bồ Tát, Thường Hoan Hỷ Căn Bồ Tát, Chúng Trí Sơn Phùng Vương Bồ Tát, Biện Thuyết Bồ Tát, Thường Cử Thủ Bồ Tát, Trì Địa Bồ Tát, Biện Ý Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Nguyệt Tạng Bồ Tát, Thanh Tịnh Nguyệt Tạng Bồ Tát, Nhựt Tạng Bồ Tát, Xuất Sanh Vương Bồ Tát, Ma Ha Di Lô Bồ Tát, Kiên Lao Huệ Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát... như thế 62 trăm ngàn câu hội đều là những Đại Bồ Tát Ma Ha Tát cùng một âm thanh đồng thời nói rằng: Bạch Đức Thế Tôn chúng con nay có thể vì đời vị lai 500 năm sau khi chánh pháp hết thường hay thọ trì, nói rộng truyền khắp cho chúng sanh pháp môn Bảo Quang Tổng Trì nầy.
Phật bảo: Lành thay! Lành thay! Nầy các Thiện Nam Tử! Hy hữu, hy hữu. Nầy các Thiện Nam Tử! Nay các ngươi đã vì chúng sanh mà phát đại nguyện thanh tịnh như thế. Lúc ấy Đức Thế Tôn bảo Ngài Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: Hãy lắng nghe đây! Hãy lắng nghe đây! Nầy các Thiện Nam Tử! Đây là chánh pháp vi diệu thuộc Bảo Quang Tổng Trì. Vì muốn lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh. Sau khi Đức Phật nói lời ấy rồi liền thăng lên tòa Sư Tử trang nghiêm ngồi kiết già phu tọa tức thời thuyết Bảo Quang Minh Tổng Trì Đà La Ni như sau: Nẳng Mô Tam Mãn Đa Phạt Nại La Giả Mạo Địa Tát Hằng Phược Giả Lịch Hạ Tát Hằng Phược Giả Lịch Hạ Ca Lỗ Nị Ca Giả Đản Nhĩ Dã Tha Án Bà La Đệ Bà La Đệ Ba La Bà Lịnh Đế Tát Phược Ha.
Đức Thế Tôn nói 3 lần như thế về pháp bảo thậm thâm Bảo Quang Tổng Trì Bí Mật Vi Diệu Tối Thượng nầy. Liền lúc ấy Ngài Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật rằng: Kính bạch Đức Thế Tôn! Pháp nầy được gọi là pháp gì?
Phật bảo: Nầy Thiện Nam Tử! Chẳng có pháp nào gọi là pháp cả tức là tất cả nghĩa, tức là vô tánh, nghĩa là tất cả pháp sánh với hư không, nghĩa là tất cả pháp có vô số nghĩa. Vô số nghĩa tức là tất cả nghĩa vô số, tức là tất cả nghĩa của pháp.
Ngài Phổ Hiền Bồ Tát bạch Phật rằng: Kính bạch Đức Thế Tôn! Vì sao mà gọi là tất cả pháp?
Phật bảo: Nầy Thiện Nam Tử! Ta nói tất cả pháp là mắt tai mũi lưỡi thân ý cho đến 6 thức và 12 nhân duyên. Nầy Thiện Nam Tử! Cho nên ta nay nói pháp nầy vậy. Tất cả các pháp cũng đều như thế. Lại nữa Thiện Nam Tử! Tất cả các pháp nguyên lai chẳng sanh diệt cho nên Diệu Cát Tường Đồng Tử bạch với Ngài Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: Hãy làm như thế! Phật Tử! Pháp môn Bảo Quang Tổng Trì nầy Bồ Tát phải thọ trì ra sao?
Ngài Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát bảo Ngài Diệu Cát Tường như thế nầy! Nầy Thiện Nam Tử! Hãy thọ trì Bảo Quang Tổng Trì nầy như đã nói mà thực hành. Vì sao vậy? Vì bổn tánh chẳng có sanh chẳng có diệt, chẳng có tướng chẳng có không. Vô tánh cũng có nghĩa là tự tánh. Tự tánh tức vô tánh vậy. Nầy Thiện Nam Tử! Hãy cứ như vậy mà thọ trì Bảo Quang Tổng Trì nầy, hãy quan sát kỹ lưỡng và đừng bị sự chấp trước vậy. Trí huệ là phần quyết định để trụ lại và phân biệt giãi bày. Bảo Quang Tổng Trì cũng có nghĩa là hãy quán sát tự tánh vậy.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|