× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Tâm Địa Quán



V. PHẨM A-LAN-NHÃ

Bấy giờ, trong pháp-hội có một vị Đại-bồ-tát tên là THƯỜNG-TINH-TIẾN nhờ uy-thần của Phật, liền từ tòa đứng dậy, chễ áo vai hữu, gối hữu để xuống đất, chắp tay cung-kính bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Như Phật nói nơi A-lan-nhã là Bồ-đề đạo-tràng, nếu có người nào phát tâm cầu Bồ-đề, không nên lìa bỏ nơi A-lan-nhã ấy. Trong nơi A-lan-nhã ấy có nhiều chúng-sinh như: hổ, báo, sài-lang, trùng-độc, thú-dữ cho đến chim bay, thợ săn, không biết đến Như-Lai, không nghe chính-pháp, lại không kính Tăng, các chúng-sinh ấy không tu lại thiện-căn, xa lìa sự giải-thoát, thế mà, làm sao Như-Lai lại khiến người tu-học ở nơi A-lan-nhã ấy để chóng được thành Phật? Kính xin Thế-Tôn vì các chúng-sinh phân-biệt, giải-thuyết, giải-quyết cho sự ngờ vực ấy, làm cho chúng-sinh được vui-vẻ phát tâm Bồ-đề, khiến họ không bị thoái-chuyển!”

 

Đức Phật bảo Bồ-tát Thường-Tinh-Tiến: “Quý hóa thay! Quý hóa thay! Thiện-nam-tử! Ông đem lòng đại-từ hỏi Như-Lai về sự thanh-tịnh giải-thoát, lợi-ích cho những người tu-hành mai sau, công-đức ấy vô lượng. Ông nghe kỹ, nghe kỹ và nhớ nghĩ khéo! Nay Tôi vì ông phân-biệt diễn nói về các công-đức của nơi A-lan-nhã!” Bồ-tát Thường-Tinh-Tiến bạch: “Dạ, bạch Thế-Tôn! Con nguyện muốn được nghe!”

 

Đức Phật bảo Bồ-tát Thường-Tinh-Tiến: “Như ông nói nơi A-lan-nhã được thành bậc Thánh nhưng, trong rừng núi nhiều chúng-sinh bởi nhân-duyên gì, không được thành Phật. Nghĩa ấy không phải. Sở-dĩ thế là sao? – Các chúng-sinh kia không biết Tam-bảo, không biết chán, đủ, không biết thiện, ác; ở trong rừng núi tuy có nhiều trân-bảo của thế-gian, mà họ vẫn không biết được chỗ ẩn-náu của nó. Đại-bồ-tát không như thế, Thiện-nam-tử! Bồ-tát biết Phật, Pháp, Tăng-bảo là của báu xuất-thế-gian, bảy ngọc báu ẩn-náu là của báu thế-gian, các vị đều phân-biệt được mọi sắc-tướng của nó, biết chỗ ở của nó nhưng, không tham-cầu, cũng không thích thấy, huống là còn nhặt lấy?

 

Bồ-tát xuất-gia phát tâm kiên-cố không tiếc thân-mệnh, lìa bỏ cha mẹ, lục-thân quyến-thuộc, thích ở nơi rừng núi, thường nghĩ: “Giả-sử khi hết kiếp, cõi tam-thiên đại-thiên này bảy mặt trời mọc ra, hỏa-tai bừng cháy, thiêu-đốt muôn vật, mặt trời, trăng, sao, núi Tu-di, bảy núi Kim-sơn, núi Thiết-vi…, lúc thời đến đều bị tiêu-tan; ngay đến cõi cao nhất ba cõi là cõi trời Phi-phi-tưởng, khi hết tám vạn kiếp lại sinh xuống cõi đất; Chuyển-luân Thánh-vương có nghìn con vây quanh, thất-bảo quyến-thuộc và bốn châu đều phục, mà khi quả-báo của thọ-mệnh hết cũng không dừng được chốc lát. Nay ta cũng thế, giả-sử tuổi thọ đủ trăm năm, bảy báu đầy-đủ, hưởng-thụ mọi sự khoái-lạc nhưng, sứ-giả Diễm-ma đến là không khỏi được vô-thường. Thấy thế nên suy-nghĩ rằng: “Nay ta không gì bằng thay thế cha mẹ ta cùng các chúng-sinh tu hạnh Bồ-tát, sẽ được thân kim-cương bất-hoại, rồi trở lại trong ba cõi độ cho cha mẹ”. Phát-nguyện ấy rồi ở nơi Lan-nhã vì các chúng-sinh phát ra những thệ-nguyện rộng lớn. [1]

 

Bồ-tát thượng-căn phát-nguyện: “Nguyện, con khi chưa thành Phật trở lại, thường ở nơi đất trống, luôn luôn ngồi không nằm”. Bồ-tát trung-căn phát-nguyện: “Nguyện, con khi chưa thành Phật trở lại, thường ngồi ở dưới cây có lá che rợp, không nằm”. Bồ-tát hạ-căn phát-nguyện: “Nguyện, con khi chưa thành Phật trở lại, thường ngồi trong nhà đá, không nằm”.

 

Ba căn trong Bồ-tát xuất-gia như thế, ngồi trong ba tòa [2]  vừa nói, đều nghĩ: “Bồ-tát thuở quá-khứ ngồi trên tòa này, chứng được Đà-ra-ni-môn công-đức tự-tại; các Bồ-tát trong đời đã qua, hiện nay và mai sau, đều ở trên tòa này được Đà-ra-ni tu chứng tự-tại; ta cũng như thế, nay ta ngồi nơi này quyết sẽ thành-tựu Đà-ra-ni, được tự-tại. Nếu chưa thành-tựu và được tự-tại, ta quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã!”

 

Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được bốn tâm vô-lượng (từ, bi, hỷ, xả) quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được năm sức thần-thông, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được sáu pháp Ba-la-mật, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được phương-tiện thiện-sảo, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa điều-phục được hết thảy hữu-tình, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được bốn nhiếp-pháp, [3]  quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa tu-tập được pháp lục-niệm [4]  quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa thành-tựu được “trí-tuệ, đa-văn”, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa thành-tựu được sức tin bền-vững, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa dứt trừ được sáu mươi hai kiến, [5]  quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa tu-tập được tám chính-đạo, [6]  quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa dứt hẳn được tập-khí của phiền-não-chướng, sở-tri-chướng, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được trí-tuệ vi-diệu trong việc tùy bệnh cho thuốc, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được tâm Đại-bồ-đề, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã, Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được hằng-sa Tam-muội, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa thành-tựu được vô-lượng thần-thông, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát dùng sức thần-thông nơi đại-định (định-thông-lực) thấy mười tám “không” [7]  mà tâm không kinh, đại-sự như thế nếu chưa thành-tựu, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được Nhất-thiết-trí, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được Nhất thiết-chủng-trí, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa tu-tập được ba mươi bảy Bồ-đề phận-pháp, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được muôn hạnh trong Thập-địa, [8]  quyết không lìa-bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát ở trong trăm kiếp chưa tu-hành được về nghiệp-quả của tướng tốt, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được bốn trí của Như-Lai, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên-mãn được sự chứng Đại-niết-bàn, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát ngồi tòa Kim-cương mà chưa chứng được vô-thượng chính-đẳng chính-giác, quyết ngồi luôn không đứng dậy. Thế là Bồ-tát thực-hành hạnh A-lan-nhã.

 

Thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia phát tâm Bồ-đề, vào trong rừng núi, ngồi trên ba tòa vừa nói, mài luyện thân tâm, trải bao đại-kiếp, tu muôn hạnh, chứng được vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề.

 

Lúc đó, đức Thế-Tôn nói lại nghĩa trên bằng lời kệ sau này:

 

Thời xưa nhân-địa các Như-Lai,

Ở A-lan-nhã, lìa trần-tục;

Đoạn, dẹp phiền-não, sở-tri-chướng,

Vượt qua ba cõi chứng Bồ-đề.

Bồ-tát quá-khứ tu hành-nguyện,

Lấy A-lan-nhã làm nhà cửa;

Trong vô-số kiếp tu phúc-trí,

Cứu-cánh Thập-địa chứng tam thân.

Bồ-tát vị-lai cầu Phật-quả,

Vào trong núi sâu tu diệu-hạnh;

Dứt trừ hai chướng, nhân sinh-tử,

Sẽ chứng tam-không chân giải-thoát.

Mười phương hiện-tại các Bồ-tát,

Tu-trì muôn hạnh ở “không-nhàn”;

Không tiếc thân-mệnh cầu Bồ-đề,

Niệm niệm chứng được vô-sinh-trí.

Nếu muốn chóng chứng Tam-muội sâu,

Nhân tu diệu-định, siêu-thần-thông;

Nơi A-lan-nhã tâm không rộn,

Biến được đại-địa thành thất-bảo.

Nếu muốn dạo chơi khắp mười phương,

Đi lại tự-tại vận thần-thông;

Cúng-dàng chư Phật lợi quần-sinh,

Ở nơi Lan-nhã không sợ-hãi.

Muốn chứng trí như-huyễn hữu, vô, [9]

Hiểu thấu các pháp bản-lai-không;

Ở A-lan-nhã, Bồ-đề-tràng,

Khiến chúng, cũng vào chân-giải-thoát. [10]

Nếu muốn chóng được như-như-trí,

Chứng-hội các pháp như-như-tính;

Hết đại-kiếp-hải lợi quần-sinh

Thường ở Lan-nhã nơi không-tịch.

Nếu người muốn được nan-tư-trí,

Tu-di thu vào trong hạt cải;

Tu-di, hạt cải tướng bất-hoại,

Vào nhà thần-thông trong Lan-nhã. [11]

Nếu người muốn được vô-ngại-trí,

Một tiếng diệu-âm dùng thuyết-pháp;

Tùy loại chúng-sinh đều được thoát,

Nên ở Lan-nhã tu diệu-quán.

Nếu muốn không sinh và không diệt,

Ứng-hiện quốc-độ khắp mười phương;

Phóng quang thuyết-pháp lợi quần-sinh,

Chớ lìa Lan-nhã nhà không-tịch.

Nếu lấy ngón chân ấn đại-địa,

Khiến cõi mười phương đều chấn-động;

Thấy tướng, phát tâm trừ tà-kiến,

Nên ở Lan-nhã quán tự-tâm. [12]

Nếu muốn trong khi Phật xuất-hiện,

Tối-sơ kính dâng vi-diệu-cúng;

Thí-ba-la-mật đều viên-mãn,

Ở A-lan-nhã tu diệu-hạnh.

Nếu người, khi Phật nhập Niết-bàn,

Tối-hậu cúng-dàng thành nghĩa “Thí”;

Dứt hẳn nghèo-cùng và tám nạn,

Thệ-nguyện ở trong A-lan-nhã.

Nếu muốn phúc-trí đều viên-mãn,

Chư Phật mai sau sắp Niết-bàn;

Nhận nguyện rộng lớn, Phật giao cho,

Ở A-lan-nhã tu lục niệm.

Sau khi chư Phật nhập Niết-bàn,

Kết tập di-pháp độ chúnh-sinh;

Trợ-tán chân-thừa của chư Phật,

Ở nhà “không-tịch” trong Lan-nhã.

Đại-sư Nhân, Thiên: Đấng Thế-Tôn,

Khó thấy, khó gặp hơn Ưu đàm;

Nếu muốn yết-kiến, sửa cúng-dàng,

Nên ở Lan-nhã, bi-nguyện rộng.

Mọi báu tuy tôn, PHÁP tôn hơn,

Thành Phật, hóa lợi do đây cả;

Như người muốn được thường nghe pháp,

Ở A-lan-nhã tu phạm-hạnh.

Đầu, từ thân này đến thân Phật,

Thường nguyện phát tâm hoằng chính-giáo;

Cho đến khi chưa được Bồ-đề,

Niệm niệm không bỏ A-lan-nhã.

Nếu người muốn báo ơn cha mẹ,

Thay thế cha mẹ phát thệ-nguyện;

Vào Bồ-đề-tràng trong Lan-nhã,

Ngày đêm thường tu về diệu-đạo.

Nếu muốn đời nay thêm phúc-trí,

Mai sau không đọa trong tám nạn;

Như thế, chúng-sinh phát thiện tâm,

Ở A-lan-nhã tu bi-nguyện.

Bồ-tát ba đời cầu chân-giác,

Được đạo Niết-bàn trong Lan-nhã;

Thế nên gọi là đại-đạo-tràng,

Thánh-chúng Tam-thừa đồng ở đó.

Bồ-tát chán khổ vào rừng núi,

Vì độ quần-sinh cầu Thánh-đạo;

Tự chưa thành Phật độ người trước,

Sáu đạo, bốn loài đều thương-xót.

Bồ-tát thượng-căn ở đất trống,

Bồ-tát trung-căn trong bóng lá;

Bồ-tát hạ-căn ở nhà đá,

Chưa thành Phật-đạo thường không nằm.

Bồ-tát ba đời ở Lan-nhã,

Được sức tự-tại Đà-ra-ni;

Nay ta thề cùng tâm Bồ-đề,

Chửa được Tổng-trì, ở đây mãi.

Được Đại-bồ-đề ở Lan-nhã,

Vào đại-viên-tịch do đây được;

Bồ-tát khởi phát trí kim-cương,

Đoạn hoặc, chứng chân [13]  thành Diệu-giác.

Hóa rộng chúng-sinh qua làng xóm,

Vì cầu tịch-diệt ưa rừng núi;

Nhân muôn hạnh đầy, quả cũng trọn,

Hết thời vị-lai độ mọi loài.

 

Khi đức Thế-Tôn nói về hạnh A-lan-nhã của Bồ-tát xuất-gia như thế, vô lượng Bồ-tát chứng Cực-hỷ-địa; Hằng-hà-sa vô số Bồ-tát lìa hẳn tướng, dụng vi-tế phiền-não, chứng Bất-động-địa; bất-khả-thuyết, bất-khả-thuyết Đại-bồ-tát dứt hết thảy hoặc-chướng vào Diệu-giác-địa; vô-biên chúng-sinh phát tâm vô-đẳng-đẳng, vô-thượng chính-đẳng chính-giác; chín vạn bảy nghìn chúng-sinh xa lìa trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh. [14]

 

TOÁT-YẾU

V.- PHẨM A-LAN-NHÃ

 

Bấy giờ trong pháp-hội, Đại-bồ-tát Thường-Tinh-Tiến bạch Phật: “Bạch đức Thế-Tôn! Phật nói nơi A-lan-nhã là đạo-tràng Bồ-đề, ai phát tâm Bồ-đề không nên rời nơi ấy, sao các thú dữ, trùng-độc, chim bay, thợ săn ở ngay nơi ấy lại không nghe, biết Tam-bảo, tu lại thiện-căn, mà Phật cứ bảo người tu-học ở nơi ấy để chóng thành Phật?”

 

Đức Phật bảo Đại-bồ-tát Thường-Tinh-Tiến: “Ông nói thế không phải. Chính vì các chúng-sinh kia không biết chi cả. Ngay đến những thứ quý báu ở trong rừng, họ cũng không biết ở chỗ nào. Bồ-tát không thế. Bồ-tát biết Tam-bảo là của quý, nên của báu của đời Bồ-tát biết rõ-ràng nhưng không tham-cầu. Bồ-tát phát tâm kiên-cố, không tiếc thân-mệnh, bỏ tình thân-quyến, ở nơi rừng núi, thường nghĩ: “Ba cõi này có lúc cũng sẽ tiêu-tan, dù người ở ngôi tôn như Chuyển-luân-vương hay như thân ta sống đến trăm tuổi cũng không tránh khỏi vô-thường. Chi bằng ta thay cha mẹ cùng chúng-sinh tu hạnh Bồ-tát, sẽ được thân kim-cương bất-hoại, rồi trở lại ba cõi độ cho hết-thảy”. Do đó, Bồ-tát thượng-căn ở nơi A-lan-nhã nguyện: “Trong khi chưa thành Phật ngồi luôn, ở nơi đất trống không nằm!” Bồ-tát trung-căn nguyện: “Trong khi chưa thành Phật ngồi dưới gốc cây không nằm!” Bồ-tát hạ-căn nguyện: “Trong khi chưa thành Phật ngồi trong hang đá không nằm!” Và, các Bồ-tát đều nghĩ: “Các Bồ-tát trong ba đời đều ngồi trên tòa này tu chứng Đà-ra-ni tự-tại, ta đây cũng quyết thành-tựu như vậy, nếu không, ta không lìa bỏ nơi này!”

 

Hoặc có các Bồ-tát nguyện không lìa bỏ nơi A-lan-nhã nếu chưa dứt trừ được 62 kiến, chưa dứt trừ được tập-khí của hai chướng. Hoặc có các Bồ-tát nguyện không lìa bỏ nơi A-lan-nhã nếu chưa viên-mãn được: 4 tâm vô-lượng, 5 sức thần-thông, 6 Ba-la-mật, 4 nhiếp-pháp, 8 chính-đạo, 6 niệm. Và, nếu chưa được thiện-sảo phương-tiện, chưa điều-phục được hết thảy hữu-tình, chưa được trí-tuệ đa văn, chưa được sức tin vững-chắc, chưa được trí-tuệ vi-diệu trong việc tùy bệnh cho thuốc, chưa được đại-bồ-đề-tâm, chưa được hằng-sa tam-muội, chưa được vô-lượng thần-thông, chưa thành-tựu định-thông-lực, thấy 18 không, chưa được Nhất-thiết-trí, Nhất-thiết-chủng-trí, chưa chứng được 37 bồ-đề-phận-pháp, chưa được hạnh-môn trong Thập-địa, chưa tu được nghiệp-quả về tướng tốt, chưa được 4 trí, chưa chứng Đại-niết-bàn và chưa thành vô-thượng-giác…quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã.

 

Bồ-tát xuất-gia phát tâm bồ-đề ở trong rừng núi, mài luyện thân tâm, tu muôn hạnh trong nhiều đại-kiếp, để chứng vô-thượng chính-đẳng bồ-đề!

 

Khi đức Phật nói về hạnh A-lan-nhã, rất nhiều Bồ-tát hoặc chứng được Cực-hỷ-địa, hoặc chứng được Bất-động-địa, hoặc vào Diệu-giác-đạo và nhiều chúng-sinh hoặc phát tâm vô-thượng bồ-đề, hoặc xa lìa trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh.

 
 

 

 [1]  Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ” đến chỗ “rộng lớn”, Bồ-tát Tinh-Tiến ngờ hỏi về việc nơi A-lan-nhã. Đức Phật nói rõ nghiệp-duyên chúng-sinh ở nơi ấy, để phá tan sự ngờ vực. Và, Ngài còn nói rộng về các Bồ-tát thích ở rừng núi, vì quán thấy lẽ khổ trong vô-thường, nên nguyện tu-hành để báo ân.

 [2]  Ba tòa: Ngồi nơi đất trống, dưới cây và nhà đá.

 [3]  Bốn nhiếp-pháp: Bốn phương-pháp thực-hành để dắt dẫn chúng-sinh, tin theo chính-đạo: 1/ Bố-thí. 2/ Ái-ngữ. 3/ Lợi-hành. 4/ Đồng-sự.

 [4]  Lục-niệm: Sáu phương-pháp nhớ nghĩ: 1/ Niệm-Phật: nghĩ đến Phật đủ mười hiệu, phúc-trí viên-mãn, mong muốn bằng Phật. 2/ Niệm-Pháp: nghĩ đến Pháp là lời nói của Phật có nhiều công-đức, mong muốn chứng được. 3/ Niệm-Tăng: nghĩ đến các vị Tăng, được vô-lậu-pháp, đầy-đủ ba học, làm ruộng phúc cho đời, mong tu hạnh ấy. 4/ Niệm-giới: nghĩ đến giới-hạnh có nhiều thế-lực ngăn trừ ác-pháp, mong gắng hộ-trì. 5/ Niệm-thí: nghĩ đến hạnh bố-thí có công-đức lớn, trừ bệnh sẻn tham, muốn đem thiện-pháp bố-thí cho chúng-sinh. 6/ Niệm-thiên: nghĩ đến các cõi trời, do tu thiện-căn, giới, thí, được sự khoái lạc tự nhiên, mong đủ công-đức ấy, sinh lên những nơi ấy.

 [5]  62 Kiến: Sáu mươi hai thứ tà-kiến (tư-tưởng sai lầm) này, kinh, luận giải-thích không đồng, nay y vào phẩm Phật-mẫu trong kinh Bát-nhã phân-tích sự thiên chấp về: sắc, thụ, tưởng, hành, thức và thân, thần như sau:

A.- Chấp 5 uẩn thuộc quá-khứ : 1/ Sắc là thường. 2/ Sắc là vô-thường. 3/ Sắc là thường, vô-thường. 4/ Sắc là phi thường, phi vô-thường. Thụ, Tưởng, Hành, Thức 4 uẩn đều chấp 4 thứ như vậy nên thành 20 kiến.

B.- Chấp 5 uẩn thuộc hiện-tại: 1/ Chấp sắc (không-gian) là hữu biên (có bờ cõi, nghĩa là có chỗ cùng cực). 2/ Chấp sắc là vô-biên. 3/ Chấp sắc là hữu-biên, vô-biên, 4/ Chấp sắc là phi-hữu-biên, phi-vô-biên. Thụ, Tưởng, Hành, Thức 4 uẩn đều chấp 4 thứ như vậy, nên thành 20 kiến.

C.- Chấp 5 uẩn thuộc vị-lai: 1/ Chấp sắc là như khứ: chấp sắc thân sinh lại thế-gian này thế nào, khi chết đi, đến đời sau vẫn như thế. 2/ Chấp sắc là bất-như-khứ: quá-khứ không có chỗ lại, thời vị-lai cũng không có chỗ đi. 3/ Chấp sắc là như-khứ, bất-như-khứ: sắc thân, thức-thần hòa-hợp thành người, sau khi chết thức-thần đi, sắc thân không đi. 4/ Chấp sắc là phi như khứ, phi bất như khứ (câu này có nghĩa là đả phá câu thứ ba). Thụ, Tưởng, Hành, Thức bốn uẩn đều chấp bốn thứ như vậy, nên thành 20 kiến.

Chấp 5 uẩn trong 3 đời thành 60 kiến và thêm chấp về “thân”, “thần” là “nhất” (một) hay là “dị” (khác), mà thành 62 kiến.

 [6]  8 chính-đạo: chính-kiến, chính-tư-duy, chính-ngữ, chính-nghiệp, chính-mệnh, chính-tinh-tiến, chính-niệm và chính-định.

 [7]  18 không: “Không”: Các pháp do nhân-duyên sinh, rốt-ráo không có thực-thể, gọi là “không”. Lại là sự không-tịch của lý-thể. 18 Không: 1/ Nội không. 2/ Ngoại-không. 3/ Nội ngoại không. 4/ Không-không. 5/ Đại không. 6/ Đệ nhất nghĩa không. 7/ Hữu-vi không. 8/ Vô-vi không. 9/ Tất-cánh (rốt-ráo) không. 10/ Vô-thủy không. 11/ Tán không. 12/ Tính không. 13/ Tự-tính không. 14/ Chư pháp-không. 15/ Bất khả đắc không. 16/ Vô pháp không. 17/ Hữu pháp không. 18/ Vô pháp, hữu pháp không.

 [8]  Thập-địa: 1/ Hoan-hỷ-địa. 2/ Ly-khổ-địa. 3/ Phát-quang-địa. 4/ Diệm-tuệ-địa. 5/ Nan-thắng-địa. 6/ Hiện-tiền-địa. 7/ Viễn-hành-địa. 8/ Bất-động-địa. 9/ Thiện-tuệ-địa. 10/ Pháp-vân-địa. Mười bậc này đều gọi là “địa”, vì thâu tóm các công-đức hữu-vi và vô-vi dùng làm tự-tính, cùng làm chỗ nương-tựa chắc-chắn hơn cả cho sự tu-hành, khiến hay sinh-trưởng, cho nên gọi là “Địa”.

 [9]  Trí như-huyễn hữu, vô: “Như-huyễn” có nghĩa là vẫn giả mà giống như thực. Như những người làm trò, xuất hiện vai này, vai khác trên sân khấu, làm cho người ta trông thấy, nghe thấy như thực, gọi đó là “huyễn”. Sự huyễn tuy thấy, nghe như thực, mà chẳng phải thực. Vì vậy, đem ví-dụ cho hết thảy pháp (sự vật) là không thực. Nơi đây nói được trí-tuệ, quán-chiếu hữu (có), vô (không) là như-huyễn, nên gọi là “trí như-huyễn hữu, vô”.

 [10]  Đoạn trên, từ chữ “Muốn” đến chữ “thoát”, 4 câu kệ này nói: ở nơi Lan-nhã chứng được trí như-huyễn hiểu rõ các vật bản-lai là không và làm cho chúng-sinh cùng hiểu, để vào được nơi giải-thoát chân-thực.

 [11]  Đoạn trên từ chỗ “Nếu muốn chóng được như-như-trí”, đến chỗ “trong Lan-nhã”, 8 câu kệ này nói: ở nơi Lan-nhã sẽ chứng được chính-trí trong lý-thể của pháp-tính bình-đẳng không hai, đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh mãi mãi. Chứng được chính-trí ấy, đầy-đủ sức thần-diệu không thể nghĩ bàn, quán-chiếu rõ thực-tính, thực-tướng của mọi pháp, như hạt cải là vật cực nhỏ, núi Tu-di là vật rất lớn, mà thực-tướng lý-thể của chúng vẫn bình-đẳng không hai. Do bình-đẳng không hai và do trí-lực vi-diệu, sự chuyển-biến qua nhau, không chi chướng-ngại nên nói “Tu-di thu vào trong hạt cải”.

 [12]  Đoạn trên từ chỗ “Nếu người” đến chỗ “tự tâm”, 12 câu kệ ấy cũng nói về: ở nơi Lan-nhã sẽ được trí-tuệ vô-ngại, cất tiếng vi-diệu nói pháp, chúng-sinh nghe được đều giải-thoát. Và, tùy duyên ứng-hiện độ-sinh, dùng thần-thông, tới đâu chỉ ấn ngón chân xuống đất là khắp nơi rung-chuyển, đất nước trang-nghiêm, chúng-sinh phát tâm theo chính-đạo.

 [13]  Đoạn hoặc chứng chân: Dứt trừ vọng-hoặc (phiền-não) chứng-nhập chân-trí.

 [14]  Đoạn trên, từ chỗ “Bồ-tát thượng căn phát-nguyện” (thuộc chính-văn), đến chỗ “được pháp nhãn-tịnh” này, đức Phật nói về các Bồ-tát ở nơi Lan-nhã, tùy theo trình-độ, tự lập những lời thệ-nguyện kiên-cố, nếu không chứng-quả không bỏ A-lan-nhã. Tiếp sang bài kệ cũng nhắc lại nghĩa trên và nói nhiều về trí-lực và lợi-ích vi diệu. Sau cùng, nói về chúng-hội nghe pháp được lợi.

Đến đây hết quyển thứ năm.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy