Sau khi Trưởng-giả Trí-Quang
nghe, ngộ sự tri-ân, báo-ân, liền xin Phật xuất-gia, tu-đạo. Song, ông
còn hoài nghi về sự hơn kém của Bồ-tát xuất-gia, Bồ-tát tại-gia ! Ông
dẫn chứng: "Có một thời ở thành Tỳ-da-ly đức Phật nói: Phật-pháp lấy
"tâm” làm chủ và khen ông Vô-cấu-xưng là người tuy ở tại gia nhưng cũng
như là Chân-sa-môn, Chân-tỷ-khưu. Lại có một thời ở trúc lâm tịnh-xá
Ca-lan-đà, đức Phật bảo lục-quần Tỷ-khưu là: "vào bể Phật-pháp lấy "tín”
làm căn-bản, qua sông sinh-tử lấy "giới” làm thuyền bè. Người xuất-gia
mà thân tâm không thực-hành hạnh viễn-ly, không gọi là xuất-gia. Trái
lại, người tại-gia phát-tâm vô-thượng có tâm đại-từ-bi là
"Chân-viễn-ly”.
Do đó, ông nghĩ: "Bồ-tát
xuất-gia không bằng Bồ-tát tại-gia. Như Luân-vương bỏ ngôi báu đi tu,
làm cho Cung phi, Vương-tử, Đại-thần quyến-thuộc đau khổ. Như
tịnh-tín-nam, nữ xuất-gia nhập đạo làm cho cha mẹ thân thuộc đau khổ.
Như thế, là không làm lợi-ích chúng-sinh, lại làm nhiễu-hại chúng-sinh!
Ông xin Phật chỉ-giáo”.
Đức Phật bảo ông Trí-Quang:
"Ông nghĩ lầm, Bồ-tát xuất-gia hơn Bồ-tát tại-gia rất nhiều; Bồ-tát
xuất-gia dùng trí-tuệ quán-sát tại-gia thấy có nhiều lỗi-lầm. Thân 5
uẩn của chúng-sinh trong thế-gian như căn nhà, bản-thức của
chúng-sinh là chủ nhà. Nhà thế-gian ví như bể cả dung-nhận mọi dòng
sông, vẫn không đầy-đủ; tâm tham cầu, tích-tụ của chúng-sinh cũng thế.
Nhà thế-gian cũng như đá lửa, chỉ một chút lửa đốt cháy hết thảy; tâm
tham cầu, không tri-túc của chúng-sinh, sinh lửa phiền-não, đốt cháy
thiện-công-đức. Nhà thế-gian như kho báu hang sâu, người ham của thiệt
mạng; chúng-sinh ở đời không gắng tu thiện-căn, vô-thường vụt đến, tùy
nghiệp chịu báo, chôn mất hết cả. Nhà thế-gian như món ngon lẫn độc, cấp
thời cứu chữa; chúng-sinh nhận thấy thân-quyến đắm chìm trong sinh-tử,
vội phát-tâm đồng-thể đại-từ-bi, cầu bồ-đề để cứu-độ. Nhà thế-gian như
gió lớn, thổi mãi không ngừng; vọng-tưởng điên-đảo của chúng-sinh, gây
nhân cảm-quả trong năm đường không dứt, chỉ có tu-tập "vô-tướng
chính-quán” mới diệt trừ được. Nhà thế-gian là chỗ sinh ra phiền-não,
chúng-sinh do chấp "ngã, ngã-sở” sinh ra phiền-não đau khổ - "Thân là
gốc khổ”. Nhà thế-gian như ông Trưởng-giả trong một nước lớn, có nhiều
của báu, lửa cháy tiêu tan, chúng-sinh mê-muội không theo làm thiện, tạo
nhiều nghiệp ác, phải sa-đọa chịu nhiều khổ-não. Nhà thế-gian ví như đại
mộng; chúng-sinh trong sinh-tử hữu-vi, chưa được phận-vị chân-giác, chỉ
là ở trong chiêm-bao hư-vọng của sinh, lão, bệnh, tử. Nhà thế-gian như
qua bể Tẫn-mã cầu mong khỏi cháy, chúng-sinh ở trong nhà lửa thân-cận
chư Phật, bạn lành sẽ được tới chốn thanh-lương.
Sau khi nghe đức Phật nói về
ý-nghĩa yếm-xả trên, các ông Trưởng-giả cùng 10.000 người khác vui-vẻ
xin Phật xuất-gia. Đức Phật tán-thán và nói: "nếu ai phát-tâm xuất-gia
một ngày một đêm, trong hai trăm kiếp không phải sa-đọa ác-thú, được
sinh chốn lành, được vui-vẻ, gặp Phật thụ-ký và sau sẽ thành Phật!”.
Tiếp đó các ông Trưởng-giả
phát-nguyện: "Nguyện chóng ra khỏi sinh-tử, chóng vào bảo-cung
thường-lạc, độ hết chúng-sinh và chứng vô-sinh-trí”.
Đức Phật liền giao cho Bồ-tát
Di-Lặc và Văn-Thù tế-độ cho các ông ấy xuất-gia và khuyên trì tịnh-giới.
Được xuất-gia, thụ-giới các ông ấy thành-tựu pháp-nhẫn vào nơi cảnh giới
bí-mật của Như-Lai không thoái-chuyển. Vô-lượng vạn người khác phát-tâm
Bồ-đề bất-thoái và vô số Nhân, Thiên xa lìa trần-cấu được
pháp-nhãn-tịnh.
Yếm-xả:
Chán-ngán và giũ bỏ hết thảy ái-ân, dục-lạc thế-gian, xu-hướng
giác-đạo, thành vô-thượng-giác.
Lục-quần Tỷ-khưu
ác-tính: Khi Phật tại thế có sáu vị Tỷ-khưu có tính tệ-ác, kết
bè đảng với nhau làm nhiều việc trái uy-nghi, nên gọi là "Lục-quần
Tỷ-khưu”. Tên 6 vị này nhiều kinh, luật, luận nói không giống nhau.
Nay y vào bộ luật Tỳ-Nại-Gia thì là: 1/ Nan-đà (Nanda). 2/
Ô-ba-nan-đà (Upananda). 3/ A-thuyết-ca (Asvaka). 4/ Bổ-nại-bà-tố-ca
(Punarvasu). 5/ Xiển-đà (Shanda). 6/ Ô-đà-di (Udàyin).
Đoạn trên, từ chỗ
"Bấy giờ, Trưởng-giả Trí-Quang” đến chỗ "lợi-ích hết thảy!” là nói
về ông Trí-Quang xin Phật xuất-gia. Nhưng, ông còn nghi-ngờ, cho
Bồ-tát tại-gia hơn Bồ-tát xuất-gia. Ông viện dẫn chứng cớ và xin
Phật chỉ giáo.
A-nốc: Chính
gọi là A-nốc-đạt-trì hay A-na-bà đạt-đà (Anavatapta) Tàu dịch là
"Vô-nhiệt-não” (không có sự nhiệt-não). Đây là tên một cái hồ (ao)
tại dãy Hy-mã-lạp-sơn, rộng chừng 800 dậm.
Đoạn trên, từ chỗ
"Lúc đó” đến chỗ "đại pháp-luân” đức Phật chỉ dẫn sự lầm-lỗi của
tại-gia là không biết chán, biết đủ cho ông Trí-Quang nghe. Và Ngài
khuyên nên xuất-gia học đạo, để báo-ân và độ-sinh.
Đoạn trên, từ chỗ
"Lại nữa” đến chỗ "viên-mãn”, đức Phật ví lòng tham của báu ở đời
như chút lửa, làm cháy tất cả.
Phật-tử: Có
nghĩa là: 1/ Chúng-sinh thụ-giới của Phật nên gọi là Phật-tử, vì sẽ
thành Phật. 2/ Tên thông-thường của các vị Bồ-tát, vì các vị y vào
Thánh-giáo của Phật, mà sinh Thánh-đạo và bởi nối-dõi Phật-chủng
không dứt. 3/ Gọi chung cho tất cả chúng-sinh, vì chúng-sinh đều đủ
Phật-tính. Phật-tử lại chia làm ba hạng: 1/ Ngoại-tử: Phàm-phu chưa
nối-dõi sự-nghiệp của Phật. 2/ Thứ-tử: Thanh-văn, Duyên-giác không
sinh từ đại-pháp của Phật. 3/ Chân-tử: Các Bồ-tát chính sinh từ
đại-pháp của Phật.
Đoạn trên, từ chỗ
"Lại nữa” đến chỗ "mọi loài”, đức Phật ví kẻ ngu-si ham đắm sự vui
sướng ở đời, chết đi phải khổ, cũng như của báu trong hang do tham
của mà mất mệnh.
Ca-Lâu-La bí-mật
quán-môn: "Ca-lâu-la” là tên một loài chim mà Tàu dịch là
"Kim-sí”. Loài chim này ăn rồng, rắn độc hay thất-bảo đều tiêu hết.
Vì vậy, lấy tên chim đặt cho một môn quán-tưởng bí-mật, dụng ý làm
tiêu-tan những thứ thuốc độc.
A-già-đà
(Agada): Tên một thứ thuốc, Tàu dịch là "Vô giá, Bất-tử…”.
Đồng-thể
đại-từ-bi: Quán hết thảy thân chúng-sinh cùng với thân mình đồng
một bản-thể, đồng một thân-thể, mà khởi ra tâm gỡ khổ, cho vui.
Đoạn trên, từ chỗ
"Lại nữa” đến chỗ "Phật Bồ-đề”, đức Phật nhận thấy chúng-sinh ở
thế-gian như ăn phải thuốc mà không biết. Muốn độ sinh, cần phải
mạnh-mẽ phát tâm đại-bi, cầu đạo Bồ-đề, rồi trở lại cứu-độ.
Ác-giác:
Tư-tưởng ác. Đại-thừa nghĩa chương viết: "Tư-tưởng theo tâm tà là
"giác”, trái với chính-lý là "ác”.
Ba thiện-căn:
Không tham, không sân và không si. Trái lại là ba căn bất thiện
Đoạn trên, từ chỗ
"Lại nữa”, đến chỗ "không còn” đức Phật thấy tâm chúng-sinh
vô-thường, hay chấp trước, tưởng càn, gây nghiệp mà sinh ra
phiền-não. Chỉ có thấy biết chân-chính, tu 3 thiện-căn, và tín v.v…
sẽ dẹp được phiền-não, sẽ chứng Thánh-quả lần lần và đến thành Phật.
Vô-tướng
chính-quán: "Vô-tướng” là nói chân-lý dứt hẳn sắc-tướng không
còn hình bóng gì. "Vô-tướng chính-quán” là một môn quán-tưởng
chân-chính, quán tính các pháp không có thể, tướng, tức không-tướng.
Thấy có tướng, đó là do vọng-tình của phàm-phu. Bỏ vọng-pháp, không
có tướng, cũng như mắt sáng không thấy hoa đốm trên không vậy.
Bốn đức:
Thường, lạc, ngã, tịnh.
Đoạn trên, từ chỗ
"Bấy giờ” đến chỗ "Phật đạo”, ông Trí-Quang hỏi về môn tu, đức Phật
dạy cần tu về môn quán "vô-tướng” là dẹp được vọng-tưởng.
Bốn quỉ
điên-đảo: Tức là 4 thứ vọng-kiến điên-đảo. 4 thứ này chia làm
hai hạng: 1/ Đối với phàm-phu trong sinh-tử là vô-thường (không
thường), vô-lạc (không vui), vô-ngã (không ta), vô-tịnh (không sạch)
lại chấp là thường, lạc, ngã, tịnh. 2/ Đối với Nhị-thừa, trong
Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh lại chấp là vô-thường, vô-lạc,
vô-ngã, vô-tịnh.
Năm thứ nhân
vô-gián: Tức là 5 tội nghịch (ngũ-nghịch)
Hoặc, nghiệp,
khổ-quả: Tức là phiền-não (hoặc), nghiệp-nhân và khổ-quả.
Năng, sở:
Trong kinh, luận hay dùng chữ "Năng” và "Sở” là chỉ cho khi pháp (sự
vật) đối-đãi nhau. Bất cứ nó (năng, sở) liên-hệ với một chữ gì và ở
trường-hợp nào, chữ " Năng” đều có ý-nghĩa là chủ-động, chủ
quan, chủ thể v.v…, chữ " Sở” đều có ý-nghĩa là bị động,
khách-quan, đối-tượng v.v…
Tính, tướng:
" Tính” là chỉ cho tự-thể của các pháp (sự-vật) ở bên trong và
không thay đổi được; " tướng” là tướng-mạo hiện ra ở bên
ngoài, có thể nhận thức, phân-biệt được
Đoạn trên, từ chỗ
"Khi ấy” đến chỗ "Bồ-đề-quả” là Phật dùng lời kệ nói lại ý-nghĩa
"nhà đời như gió dữ” và "vô-tướng” ở trên. Đại ý đức Phật thương
chúng-sinh không hiểu biết mà chấp càn trăng trong nước, chấp có
năng, sở, tính, tướng, nam, nữ để rồi tạo nghiệp, chịu quả khổ,
nhưng thực ra nó chỉ là chân-tính mà thôi. Ở nơi thanh-vắng chóng
chứng Bồ-đề.
Ngã, ngã-sở:
"Ngã” (ta) tức là tự thân mình; "Ngã-sở” tức là những sự vật sở-hữu
ngoài thân mình.
84.000 cửa
trần-lao: 84.000 là con số tượng trưng mà Ấn-độ hay dùng để chỉ
cho những vật có số nhiều. "Trần-lao” là tên riêng của phiền-não.
Đây là chỉ cho số nhiều của phiền-não.
Vô-ngã
(Anàtman) : Cũng gọi là "phi-ngã”. "Ngã” là cái chủ-thể thường
hằng, duy nhất và có tác-dụng chủ-tể. Đối với thân người chấp có cái
ấy gọi là "nhân-ngã”, đối với các pháp chấp có cái ấy, gọi là
"pháp-ngã”, đối với tự mình chấp có cái ấy, gọi là "tự-ngã”, đối với
người khác chấp có cái ấy, gọi là "tha-ngã”. Song, thân người do năm
uẩn giả-hợp, là ngã-thể không thường hằng và không duy-nhất; "pháp”
do nhân-duyên sinh, cũng không có ngã-thể thường hằng, duy-nhất. Đã
không có nhân-ngã, không có pháp-ngã, thời không có tự-ngã, tha-ngã.
Như thế rốt-ráo không có "ngã”, là chân-lý cứu-cánh vậy.
Vô-thường
(Anitya) : Hết thảy pháp (sự vật) trong thế-gian, sinh, diệt,
đổi dời từng sát-na không ngừng, gọi đó là "vô-thường”. Vô-thường có
hai: 1/ Sát-na vô-thường: Từng sát-na, sát-na (thời-gian rất
ngắn) có sự biến-hóa: sinh, trụ (ở), dị (khác), diệt (chết, mất). 2/
Tương-tục vô-thường: thời-gian nối-tiếp, mà trong đó vẫn
sinh, trụ, dị, diệt.
Nhất niệm:
Có 2 thuyết: 1/ Chỉ cho thời-gian rất ngắn. Thời-gian rất ngắn này
các kinh, luận nói khác nhau, nay y vào kinh Nhân-vương bát-nhã
quyển thượng nói thì: "90 sát-na là một niệm, một sát-na trong một
niệm ấy trải qua 900 lần sinh diệt”. 2/ Sự tư-niệm (nhớ nghĩ) phút
đầu tiên đối với cảnh-vật.
Đoạn trên, từ chỗ
"Lại nữa” đến chỗ "ba cõi” là quán thế-gian nhiều phiền-não, do
phiền-não mà sinh ra nhiều khổ, nhiều khổ do tham-cầu, chấp-ngã,
ngã-sở mà ra. Xuất-gia tu đạo, được giải-thoát và chứng
vô-thượng-giác.
Là bạn không
mời: Bồ-tát coi chúng-sinh là bạn chí-thân, chúng-sinh không cần
phải thỉnh-cầu, Bồ-tát vẫn đem đức đại-bi làm lợi-ích cho
chúng-sinh.
Bờ kia:
Tiếng Phạm gọi là Ba-la (Pàra) Tàu dịch là "bỉ-ngạn” (bờ bên kia).
Tức là chỉ cho "Niết-bàn”. Cảnh-giới sinh-tử ví cho thử ngạn (bờ bên
này). Nghiệp phiền-não ví cho trung-lưu (giữa dòng). Niết-bàn ví cho
bỉ-ngạn (bờ bên kia).
Đoạn trên, từ chỗ
"Lại nữa”, đến chỗ "thanh-tịnh” đức Phật thương thế-gian ham-mê năm
dục, tạo mọi nghiệp, không nghe lời dạy, phải chịu sự đau khổ, ví
như con ông Trưởng-giả xưa kia chẳng hạn. Cần tu tịnh-hạnh, sẽ chứng
Bồ-đề.
Phận-vị
chân-giác: Quả-vị giác-ngộ cứu-cánh của Phật, đặc-biệt hơn
Tương-tự-giác, Tùy-phận-giác của Bồ-tát.
Tứ-trí
đại-viên-minh: 4 thứ trí-tuệ rất sáng-sủa và viên-mãn:
Thành-sở-tác-trí, Diệu-quán-sát-trí, Bình-đẳng-tính-trí và
Đại-viên-kính-trí.
Chân-diệu-giác:
Tức là quả-vị vô thượng chính giác của Phật. Quả-vị này đầy-đủ
tự-giác, giác-tha, giác-hành viên-mãn, chứng nhập giác-thể chân-như
không thể nghĩ, bàn được.
Đoạn trên, từ chỗ
"Lại nữa, đến chỗ "tu học”, đức Phật ví thế-gian như đại-mộng, có đó
rồi không đó, chỉ là một màn giả-dối, thế mà chúng-sinh ham-đắm để
phải luân-hồi mãi. Hiểu lẽ vô-thường, phát tâm Bồ-đề, tu đạo
giải-thoát, sẽ chứng diệu-quả.
Bể Tẫn-mã:
Tên một cửa bể xưa. Theo Ngài Thái-Hư thời cửa bể này có lẽ thuộc
Hồng-hải, là hải-đạo từ Viễn-đông qua Phi-châu sang Âu-châu.
Tứ-quả,
Tứ-hướng: Tứ-quả: 4 Thánh-quả của Thanh-văn: 1/
Tu-đà-hoàn-quả (Srotàpanna-phala): Tàu dịch là "Nhập-lưu,
Nghịch-lưu, Dự-lưu”: Đều có nghĩa là vị tu-hành đi ngược dòng
sinh-tử, phàm-phu, mà đã dự vào dòng Thánh-đạo. 2/ Tư-đà-hàm
(Sakrdàgami): Tàu dịch là "Nhất-lai”: Nghĩa là, vị tu-hành đoạn
cửu-địa tư-hoặc, được 6 phẩm trước, còn 3 phẩm sau, còn phải
thụ-sinh trong Dục-giới một lần nữa, nên gọi là "Nhất-lai”. 3/
A-na-hàm (Angàmi) Tàu dịch là "Bất-lai, Bất-hoàn”. Nghĩa là vị
tu-hành đã diệt hết hoặc-nghiệp cõi Dục không phải trở lại lần nữa.
Và, sau chỉ phải sinh lên cõi Sắc, cõi Vô-sắc mà thôi. 4/ A-la-hán
(Arahat) Tàu dịch là "Bất-sinh” cũng có chỗ gọi là "Vô-sinh”. Nghĩa
là, quả-báo trong một đời diệt hết, được vào Niết-bàn mãi mãi, không
phải tái sinh trong 3 cõi.
Tứ-hướng: "Hướng”
có nghĩa là hướng-tiến. Đây là 4 địa-vị y-cứ từ chỗ nguyên-nhân
tu-hành, hướng-tiến tới địa-vị kết-quả: 1/ Tu-đà-hoàn-hướng. 2/
Tư-đà-hàm-hướng. 3/ A-na-hàm-hướng. 4/ A-la-hán-hướng.
Bốn uy-nghi:
Đi, đứng, ngồi, nằm.
Đoạn trên, từ chỗ
"Lại nữa, thiện-nam-tử!” đến chỗ "chân-thường”, đức Phật ví thế-gian
như cửa bể bốc lửa dữ, ai qua đấy đều chết, duy chỉ có gặp bạn lành,
thân-cận Phật-pháp, thực-hành nghiệp thiện, biết ơn, trả ơn không
nhiễm thế-gian, như ong hái hoa không làm tổn sắc hương… mới thoát
khỏi được và sẽ tới chốn an-vui.
Vô-sinh-trí:
Một trong mười trí. Trí này thuộc bậc La-hán lợi-căn, bậc này đã
biết sự đoạn-hoặc, chứng quả, tu nhân rồi, lại không cần biết đến sự
đoạn, chứng, tu ấy nữa, nên gọi là "vô-sinh”. Là trí-tuệ tự-giác lẽ
vô-sinh ấy, mà biết ta không cần lại phải biết về sự đoạn, chứng, tu
nữa.
Đoạn trên, từ chỗ
"Bấy giờ” đến chỗ "pháp-nhãn-tịnh” nói về các Trưởng-giả hiểu pháp
vi-diệu, xin Phật xuất-gia; đức Phật giao cho 2 Bồ-tát: Di-Lặc,
Văn-Thù tế-độ và do chỗ tế-độ ấy, họ được chứng-quả.
Đến đây hết quyển thứ tư.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|