TOÁT-YẾU
I. PHẨM TỰA
Ông A-Nan thuật: Có một thời
đức Phật Thích-Ca Mưu-ni ở trong núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương-xá.
Cùng ở nơi Ngài khi ấy, có:
- 82.000 Đại-tỷ-khưu và nhiều
vị Thanh-văn Hữu-học.
- 84.000 Đại-bồ-tát.
- Ức vạn Thiên-tử trong sáu
cõi trời thuộc Dục-giới.
- Hằng-hà-sa Thiên-tử thuộc
Sắc-giới.
- 48.000 Đại-long-vương.
- 58.000 thần Dược-xoa.
- 89.000 Càn-thát-bà-vương.
- Nghìn ức A-tu-la-vương.
- Năm ức Ca-lâu-la-vương.
- Chín ức Khẩn-na-la-vương.
- 98.000 Ma-hầu-la-già-vương.
- Các Chuyển-luân thánh-vương
trong vạn ức quốc-độ.
- 16 Đại-quốc-vương cùng
phu-nhân.
- Vô-lượng Tỷ-khưu,
Tỷ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Bà-la-môn, Sát-đế-lỵ, Phệ-xá, Thủ-đà,
Trưởng-giả, Cư-sĩ, nhân-dân cùng đồ-chúng ngoại-đạo.
- Vô-lượng Phi-nhân, Ngã-quỷ,
Cầm-thú-vương, Diễm-ma-la-vương, Đại-la-sát.
Và, mỗi đoàn có vô-lượng
quyến-thuộc, đem đủ mọi thứ cúng-dàng dâng lên Phật, tán Phật, lễ Phật
rồi ngồi về một bên.
Bấy giờ, đức Thế-Tôn ngồi kết
gia-phu trên tòa sư-tử, nhập "Hữu-đỉnh-thiền cực-thiện tam-muội”. Từ
Tam-muội dậy, Ngài lại nhập "Sư-tử phấn-tấn tam-muội”. Ở nơi ngực và
những lỗ chân lông, Ngài phóng ra hào-quang sáng lớn, soi khắp tam-thiên
đại-thiên thế-giới. Trong hào-quang ấy hiện đủ tất cả những tướng-trạng
sướng, khổ của chúng-sinh trong lục-đạo, sự tu-hành của các vị Bồ-tát,
và sự tu hạnh Bồ-tát của Ngài trong thời quá-khứ. Cho đến, tám tháp báu
ghi lại nơi sinh, nơi thành đạo, nơi chuyển pháp-luân, nơi luận-nghị với
ngoại đạo, nơi lên Đao-lỵ thuyết-pháp, nơi nói kinh Đại-thừa, nơi
Duy-Ma-Cật hiện bệnh, nơi nhập diệt trong đời hiện-tại của Ngài. Cùng
những âm-thanh, ảnh-tượng của chư Phật, Bồ-tát hóa-độ chúng-sinh trong
ba đời cũng đều hiện trong ấy.
Đại-chúng trông thấy
hào-quang ấy ai cũng đều khen-ngợi và mong-mỏi khi Ngài từ thiền-định
dậy, Ngài sẽ nói diệu-pháp đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh.
Khi ấy, trong pháp-hội có
Bồ-tát Sư-tử-hống cất tiếng nói: "Vô-lượng kiếp xa xưa, tôi đã từng phát
tâm vô-thượng, từng phụng-sự chư Phật, từng được thấy sự thần-biến.
Nhưng, chưa được thấy hào-quang ảnh-hiện như hôm nay. Vậy, kính mong các
Nhân-giả nên nhất tâm chiêm-ngưỡng Tôn-nhan, từ thiền-định dậy Ngài sẽ
ban cho Cam-lộ diệu-dược. Tôi tin chắc rằng vì lòng đại-từ, đại-bi mà
Ngài sắp từ thiền-định dậy. Và, do sự hiện hào-quang ấy Ngài sẽ nói về
diệu-pháp "Tâm-địa-quán-môn” của Đại-thừa. Kính cáo đại-chúng: "Chúng ta
không cầu phúc-lạc Nhân, Thiên, chỉ cầu đạo vô-thượng xuất-thế!”
Tâm đại-chúng vui mừng, được
gặp sự hiếm có!
[1]
Kinh này là cuốn kinh số 159 trong Đại-tạng-kinh. Kinh Đại-thừa
bản-sinh tâm-địa-quán là cuốn kinh thuộc Đại-thừa-giáo, nói rõ
về việc làm của đức Phật trong những kiếp xưa (bản-sinh) và trong
hiện-tại, vị-lai. Những việc ấy quán-sát thấy, đều do nơi tâm
phát-khởi và sinh-trưởng, tỷ-dụ như đất, muôn vật đều từ đấy
phát-sinh (tâm-địa-quán). Kinh này có 13 phẩm chia làm 8 quyển. Nhận
thấy ý văn trong phẩm có sự liên-hệ, nên chúng tôi không để quyển
như cũ. Nhưng đến cuối mỗi quyển cũ, chúng tôi có ghi nơi chú-thích
để lưu lại dấu xưa (lời dịch-giả).
[2]
Đại-tỷ-khưu (Mahabhiksu): Tỷ-khưu Tàu dịch là "Khất-sĩ”:
người tu-hành cầu xin pháp của Phật và xin ăn nơi quần-chúng.
Đại-tỷ-khưu là chỉ cho vị Tỷ-khưu tuổi nhiều, đức cao.
[3]
A-la-hán (Arahat): Có chỗ dịch là "Vô-sinh”: Vĩnh-viễn nhập
Niết-bàn không phải chịu quả-báo sinh-tử luân-hồi nữa; có chỗ dịch
là "Ứng-cúng”: Ứng-thụ sự cúng-dàng của Nhân, Thiên.
[4]
Giải-thoát (Moksa): Khỏi sự bó-buộc, được tự-tại. Cổi sự
ràng-buộc của hoặc-nghiệp, thoát quả khổ trong 3 cõi.
[5]
Tâm thiện giải-thoát: Tâm-thức lìa được hết thảy định-chướng,
chứng-nhập Diệt tận-định. Tuệ thiện giải-thoát:
Trí-tuệ xa-lìa hết thảy vô-minh, phiền-não-chướng, mà chứng-nhập
Niết-bàn. Đây nói về tâm, trí của vị A-la-hán đã đạt tới chỗ
giải-thoát thực sự.
[6]
Thân, khẩu, ý trong sạch không còn tạo-tác gì nữa.
[8]
Phương-tiện (Upàya): Phương-pháp tiện dụng .Phương-pháp
tiện-dụng hợp với căn-cơ của hết thảy chúng-sinh.
[9]
Đoạn trên, tán-thán công-đức tu chứng của các vị Đại-tỷ-khưu: Dứt bỏ
hết phiền-não, không còn phải luân-hồi trong cõi Dục, cõi Sắc, cõi
Vô-sắc; mình được lợi-ích, được tự-tại, thanh-tịnh, trang-nghiêm,
được 8 pháp giải-thoát, chứmg được Niết-bàn (Nirvana:
Viên-tịch). Tám pháp giải-thoát này do nơi Thiền-định mà
được: 1.-Nội hữu sắc tưởng, quán ngoại sắc giải-thoát: Trong
thân có tham-tưởng về sắc, muốn trừ tham-tưởng ấy, ngoài nên đi
quán-sát sắc-thân là bất-tịnh, như thây chết v.v…, sẽ không khởi ra
tham-tưởng nữa, nên gọi là giải-thoát. Giải-thoát này y vào Sơ-thiền
phát-khởi và duyên vào Sắc của cõi Dục. 2.- Nội vô sắc tưởng, quán
ngoại sắc giải-thoát: Trong thân tuy không có tham-tưởng về sắc
nhưng, muốn được kiên-cố, ngoài cũng cần phải quán-sát sắc-thân là
bất-tịnh v.v…, sẽ không khởi ra tham-tưởng nữa, nên gọi là
giải-thoát. Giải-thoát này y vào Nhị-thiền phát-khởi và duyên vào
sắc của Sơ-thiền. 3.- Tịnh-giải-thoát thân-tác-chứng cụ-túc-trụ: Ở
trong định, quán những màu sắc sáng-suốt, nhiệm-mầu thanh-tịnh trong
hào-quang, không sinh tham-tưởng, trong thân chứng được tính
giải-thoát bằng cách viên-mãn cụ-túc ở ngay trong định ấy.
Giải-thoát này y vào Tứ-thiền phát-khởi và cũng duyên vào của cõi
Dục. 4.- Không-vô-biên-xứ giải-thoát: Không vô-biên-xứ là cõi trời
thứ nhất của Vô-sắc-giới. Cõi này do chán cái thân về hình-sắc, nghĩ
về cái "không vô-biên”, làm ra sự giải-ngộ về cái "không vô-biên”
và, tâm tương-ứng với cái "không vô-biên” ấy, mà sinh vào nơi ấy.
Nay quán khổ, không, vô-thường, vô-ngã, sinh tâm chán bỏ mà được
giải-thoát. 5.-Thức-vô-biên-xứ giải-thoát: Thức-vô-biên-xứ là cõi
trời thứ hai của Vô-sắc-giới. Cõi này do sự chán cái "không” trước,
bỏ "không”, duyên vào nội-thức làm tâm, giải-ngộ "thức vô-biên” ấy
và, tâm tương-ứng với cái "thức vô-biên” ấy mà thành. Nay quán
khổ,không, vô-thường, vô ngã, sinh tâm chán bỏ mà được giải-thoát.
6.- Vô-sở-hữu-xứ giải-thoát: Nơi này do chán "thức”, quán-tưởng
tâm-thức là vô-sở-hữu (không chỗ nào là có) và, tâm tương-ứng với
vô-sở-hữu ấy mà thành. Nay quán khổ, không, vô-thường, vô-ngã, sinh
tâm chán-bỏ mà được giải-thoát. 7.- Phi-tưởng, phi phi-tưởng-xứ
giải-thoát: "Thức-xứ” trước đây là "hữu-tưởng”, "vô-sở-hữu xứ” là
"vô-tưởng”, đến đây bỏ cái "hữu-tưởng” trước gọi là "Phi-tưởng”, bỏ
cái "Vô-tưởng” gọi là "Phi phi-tưởng”. Nay quán khổ, không,
vô-thường, vô-ngã, sinh tâm chán bỏ mà được giải-thoát. 8.- Diệt
thụ-tưởng-định, thân-tác-chứng cụ-trụ giải-thoát: Tức là
Diệt-tận-định, cũng y vào đệ Tứ-thiền, bỏ cả cái "Phi phi-tưởng”
trước là sở-duyên của hết thảy, trong thân chứng được
tính-giải-thoát cụ-túc ngay trong định ấy.
[10]
Cụ-thọ: Tiếng gọi thông-thường chỉ cho những vị có đầy-đủ
tuổi thọ thế-gian và pháp-thân tuệ-mệnh.
[11]
Hữu-học: Người còn đang ở địa-vị nghiên-cứu chân-lý để dứt
hẳn vọng-hoặc gọi là "Hữu-học”. Tiểu-thừa, từ quả thứ nhất đến quả
thứ ba là "Hữu-học”, A-la-hán là "Vô-học”. Đại-thừa, Thập-địa Bồ-tát
là "Hữu-học”, Phật là "Vô-học”.
[12]
Đại-bồ-tát (Maha bodhisattva): Tàu dịch là "Đại-tâm”: Những
vị phát tâm rộng lớn, vì chúng-sinh cầu đạo vô-thượng và luôn luôn
giác-ngộ cho chúng-sinh thành Vô-thuợng-đạo.
[13]
Đại-Pháp-Vương-Tử: Bậc Đại-bồ-tát vì sinh-trưởng, dưỡng-dục ở
trong nhà Pháp-Vương Phật-Đà, nên gọi là Đại-pháp-vương-tử. Lại có
nghĩa là chính-pháp từ nơi miệng Phật sinh ra, người nối dõi
Pháp-thân của Phật mãi mãi không dứt, nên gọi là Pháp-Vương-Tử.
[14]
Nhất-sinh bổ-xứ: (Eka-jati-Pratibuđdha): Nhất là lý
Nhất-thực. Bồ-tát Sơ-địa, được tịnh Bồ-đề-tâm, tự lý nhất-thực ấy
xuất sinh ra vô-lượng Tam-muội Tổng-trì-môn, cho đến Thập-địa chỉ
còn 1 lần chuyển sinh lên Phật-địa nữa thôi, nên gọi là "Nhất-sinh
bổ-xứ”.
[15]
Đây nói: nơi Chân-như pháp-tính của chư Phật.
[16]
Ý nói dùng chính-pháp Đại-thừa vi-diệu soi-sáng, dẫn-dắt chúng-sinh.
[17]
Tổng-trì: Tổng-trì tiếng Phạm là Đà-ra-ni (Dharani) và có
nghĩa là giữ-gìn việc thiện không mất, việc ác đừng khởi.
[18]
Bốn pháp biện-tài vô-ngại: Tức là bốn tài biện-thuyết,
luận-nghị lưu-loát, không bị chướng-ngại: 1.- Giáo-pháp vô-ngại. 2.-
Nghĩa-lý vô-ngại. 3.- Ngôn-từ vô-ngại. 4.- Biện-thuyết vô-ngại.
[19]
Tam-muội: (Samadhi): Tàu dịch là "định, chính-thụ”.
[20]
Sáu độ: Bố-thí, trì giới, nhẫn-nhục, tinh-tiến, thiền-định,
trí-tuệ. Thường gọi là Lục (sáu) Ba-la-mật.
[21]
Chính-kiến: Tư-tưởng, quán-sát chân-chính, lìa bỏ những sự
nghiêng, vạy.
[22]
Thị-hiện: Chư Phật, Bồ-tát ứng theo cơ-duyên mà hiện ra nhiều
thân để cứu độ chúng-sinh.
[23]
Đạo-tràng: Nơi thành-đạo, hành-pháp, cúng-dàng, học đạo.
[24]
Ba đạt-trí: Ở nơi La-hán gọi là "tam-minh” (3 pháp Minh), ở
nơi Phật gọi là "tam-đạt” (3 đạt trí) tức là Thiên-nhãn, Túc-mệnh,
và Lậu-tận. Thiên-nhãn biết nhân-quả sinh-tử vị-lai; Túc-mệnh biết
nhân-quả sinh-tử quá-khứ; Lậu-tận biết phiền-não hiện-tại mà đoạn
diệt. Biết minh-bạch gọi là "Minh”, biết cùng tận gọi là "Đạt”.
[25]
Ba đời: Quá-khứ, hiện-tại, vị-lại.
[26]
Cam-lộ: Tiếng Phạm gọi là A-mật-rị-đa (Amrta): Tên thứ nước ở
cõi trời, giống như hạt móc sớm mai, có mùi ngon-ngọt như mật, người
cõi trời uống vào thân mệnh sống lâu, khỏe-mạnh, yên-lành và
phát-sinh ánh-sáng.
[27]
Chuyển trí-ấn pháp-luân: Nghĩa là quay bánh xe pháp "Trí-ấn”.
Trí-ấn có nghĩa là dùng trí-tuệ Bát-nhã làm ấn-tín, để vào được lý
"thực-tướng”. Lại có nghĩa là dùng trí-tuệ, phân-biệt chân, vọng,
phải, trái v.v…
[28]
Vô-thượng chính-đẳng chính-giác: Tức là phiên-dịch câu
A-nốc-đa-la tam-miệu tam Bồ-đề (Anuttara-samyak – sambodhi) của chữ
Phạm và có nghĩa là trí-tuệ vô-thượng chân-chính, bình-đẳng,
hiểu-biết hết thảy chân-lý.
Từ câu "lại có 84.000 vị
Đại-bồ-tát…” đến chỗ "Chính-giác”, là tán-thán công-đức: hành,
nguyện, bi, trí của các vị Đại-bồ-tát.
[29]
Lục-Dục-Thiên: 6 cõi trời còn đới dục-lạc là: 1/
Tứ-thiên-vương: Trì-quốc, Quảng-mục, Tăng-trưởng, Đa-văn. 2/
Đao-lỵ-thiên (Tàu dịch: Tam-thập tam thiên (33 cõi trời). 3/
Dạ-ma-thiên (Tàu dịch: Thời-phận). 4/ Đâu-suất-thiên (Tàu dịch:
Hỷ-túc). 5/ Hóa-lạc-thiên. 6/ Tha-hóa-tự-tại-thiên.
[30]
Thích -Đề-Hoàn-Nhân: (Sakra devànàm Indra) Tàu dịch:
"Năng-thiên-chủ”. Thường gọi là "Đế-thích”, làm chủ 33 nơi trong cõi
trời Đao-lỵ .
[31]
Thượng-thủ: Là người có tài-đức được cử ra đứng đầu một nhóm
hoặc đại-chúng.
[32]
Đoạn trên là tán-thán công-đức các vị Thiên-tử.
[33]
Hằng-hà-sa: Cát sông Hằng. Đây là chỉ số lượng rất nhiều
không thể tính-toán xiết được.
[34]
Cây Bồ-đề: " Bồ-đề” (Bodhi): Xưa dịch là "Đạo”, nay
dịch là "Giác”. - Bồ-đề-thụ (Bodhidruma hay Bodhivrksa): Cây
này do đức Thích-Ca thành-đạo ở đó nên được tên ấy. Chính tên là cây
Tất-bát-la (Pippala).
[35]
Từ chỗ "Các vị ấy đều…” đến chỗ "thoái-chuyển” là lời tán thán
công-đức các vị Thiên-tử được thần-thông Tam-muội, luôn luôn
phụng-sự chư Phật trong ba đời khi chư Phật thành-đạo dưới gốc
Bồ-đề, lại thỉnh chư Phật thuyết-pháp độ sinh và, ngộ được chân-lý
trong Đạo Bồ-đề không thoái-chuyển.
[36]
Đoạn trên tán-thán công-đức sự thành tâm thỉnh pháp và hộ-pháp của
các vị Long-vương.
[37]
Dược-soa ( Yaksa): Có chỗ gọi là Dạ-xoa, Tàu dịch là "Tật-tiệp”, là
loài quỷ-thần bay trên hư-không.
[38]
Đoạn trên là lời tán-thán đức-lực của các Dược-xoa-thần đầy đủ
ánh-sáng trí-tuệ, ngăn dẹp ác-quỷ, làm cho chúng-sinh được an-vui,
thêm phúc, trí và hộ-trì Đại-thừa-pháp được lâu dài.
[39]
Càn-thát-bà (Gadharva): Tàu dịch là "Hương-ấm”: không dùng
rượu thịt, chỉ cần hương-vị để giúp cho thân ngũ-ấm; còn dịch là
"Tầm-hương”, có nghĩa là thường tìm hương-khí để giúp cho thân-mệnh,
hoặc nơi tự thân xuất ra những hương-khí . Đây là vị nhạc-thần nơi
Thiên-đế.
[40]
Đoạn trên tán-thán công-đức các vị Càn-Thát-Bà-Vương có lòng ái-kính
Đại-thừa-pháp và, làm cho chúng-sinh được lợi-lạc, không bao giờ
thấy chán-nản, mỏi-mệt.
[41]
A-tu-la (Asura): Tàu dịch: "Phi-thiên”, nghĩa là loài
quỷ-thần này gần bằng trời nhưng không phải trời, vì không được
những đức-độ như các vị trên cõi Trời, mà lại hay có tính tranh-đấu.
[42]
Tam-bảo: Ba ngôi quý-báu: Phật (Buddha), Pháp (Dharma), Tăng
(Sangha). Đoạn trên nói A-tu-la-vương vốn tính ngã-mạn, nay bỏ được
tính ấy, tu theo thiện-pháp, thụ-trì Đại-thừa, tôn-trọng Tam-bảo.
[43]
Ca-lâu-la-vương (Garuda): Loại chim Kim-sí đầu đàn.
[44]
Bất khởi pháp-nhẫn….Đối với thực-tướng của các pháp hiểu rõ
và tin thực sâu xa, không còn sinh khởi sự ngờ vực, luôn luôn chỉ
đem lại lợi-ích cho chúng-sinh mà thôi.
Đoạn trên tán-thán
công-đức sự liễu-pháp và làm lợi-ích chúng-sinh của Ca-lâu-la-vương.
[45]
Khẩn-na-la-vương: Người đứng đầu trong loại Khẩn-na-la.
Khẩn-na-la (Kimnara) xưa dịch là "Nhân-phi-nhân”:như người nhưng
không phải người; nay dịch là "Ca-thần”: Thần chuyên việc hát, là
nhạc-thần nơi Thiên-Đế.
[46]
Đoạn trên tán-thán công-đức các vị Khẩn-na-la-vương có đủ trí-tuệ
vi-diệu, thanh-tịnh, thân tâm tự-tại.
[47]
Ma-hầu-la-già-vương: Loại Ma-hầu-la-già đầu đàn.
Ma-hầu-la-già (Mahoraga): Đại-mãng-thần (thần rắn).
[48]
Ái-triền: Ân-ái quấn-quít.
Đoạn trên tán-thán
Ma-hầu-la-già-vương khéo tu tập, bỏ tham-ái và khéo dùng phương-tiện
làm cho chúng-sinh bỏ được sự ân-ái quấn-quít.
[49]
Chuyển-luân thánh-vương: Tiếng Phạm gọi là
Chước-ca-la-phạt-lạt để-hạt-la-xà (Cakavarti-Raja). Vua Chuyển-luân
thánh-vương có 32 tướng. Khi tức vị, do thiên cảm, nhà vua được cỗ
xe báu (luân-bảo); xe này quay chuyển hàng-phục được 4 phương nên
gọi là Chuyển-luân-vương. Khi kiếp số tăng lên của nhân-loại, người
ta thọ đến 20.000 tuổi trở lên thời Chuyển-luân-vương mới xuất-thế.
Mà ở kiếp diệt, người ta thọ từ vô-lượng tuổi đến 80.000 tuổi, thời
nhà vua ra đời. Luân-bảo (cỗ xe báu) của nhà vua có 4 loại: Kim
(vàng), Ngân (bạc), Đồng và Thiết (sắt).
Bốn cỗ xe báu này lần lượt thống-lĩnh 4 đại-châu, như
Kim-luân-vương coi cả 4 châu; Ngân-luân-vương coi 3 châu:
Đông, Tây và Nam; Đồng-luân-vương coi 2 châu: Đông và Nam;
Thiết-luân-vương coi 1 châu Nam-diêm-phù-đề.
[50]
Đoạn trên nói các Chuyển-luân thánh-vương sùng-tín Tam-bảo, đem mọi
thứ cúng-dàng Thế-Tôn, tán-thán Phật-trí và mong cầu đạo
vô-thượng-giác. -Vì, biết thế-pháp vô-thường.
[51]
Phúc-trí: Tức là phúc-đức và trí-tuệ. Có chỗ còn gọi là
"Phúc-tuệ, đức-trí, đức-tuệ, trí-đức v.v…”
[52]
Đoạn trên nói về 16 Đại-quốc-vương do trồng căn lành, được đầy-đủ
phúc-trí, nhân-dân vui-vẻ, chư Phật hộ-niệm. Các vị ấy từng phát tâm
làm thí-chủ cho chư Phật trong ba đời và bố-thí chúng-sinh. Các vị
ấy chán sinh-tử, tu giải-thoát, cầu Phật-đạo, độ chúng-sinh, và nối
dõi Phật-chủng. Vì, nhân-duyên nghe pháp, các vị ấy sắm đồ cúng-dàng
dâng đức Thế-tôn.
[53]
Ba môn giải-thoát: 1/- Không giải-thoát: Quán các pháp
do nhân-duyên sinh, không có ngã, ngã-sở mà được giải-thoát. 2/-
Vô tướng giải-thoát: Chứng Niết-bàn xa lìa hết thảy tướng mà
được giải-thoát. 3/- Vô nguyện giải-thoát (xưa gọi là vô-tác,
vô-khởi): Đối với các pháp không còn ưa muốn gì, mà được giải-thoát.
[54]
Đoạn trên, tán-thán công-đức của 16 phu-nhân đã được chính-định
nhưng, vì độ sinh mà thị-hiện nữ-thân. Và nay vì muốn nghe pháp nên
đem các thứ quý báu cúng-dàng Thế-Tôn.
[55]
Tỷ-khưu-ni (Bhiksuni) : Phái nữ đi tu, thụ-trì
đại-giới.
[56]
Ưu-bà-tắc (Oupasaka) : Tàu dịch là "Cận-sự-nam”: người
đàn ông thụ-trì giới-pháp của Phật, luôn luôn thân-cận, phụng-sự
Tam-bảo.
[57]
Ưu-bà-di (Oupasika) : Tàu dịch là "Cận-sự-nữ”: người
đàn bà thụ-trì giới-pháp của Phật, luôn luôn thân cận, phụng sự
Tam-bảo.
[58]
Bà-la-môn (Bràhmana) : Giai-cấp tu-sĩ của Ấn-độ-giáo,
Tàu dịch là "Tịnh-hạnh”, "Tịnh-chí”, "Tĩnh-chí”. Giai-cấp thứ nhất
trong 4 giai-cấp của Ấn-độ.
[59]
Sát-đế-lỵ (Ksatija) : Tàu dịch là "Điền-chủ”. Giai-cấp
vua chúa. Giai-cấp thứ 2 trong 4 giai-cấp của Ấn-độ.
[60]
Phệ-xá (Vesa) : Giai-cấp buôn bán. Giai-cấp thứ 3 trong
4 giai-cấp của Ấn-độ.
[61]
Thú-đạt-la (Sudra) : Giai-cấp nông-nhân, nô-lệ.
Giai-cấp thứ tư trong 4 giai-cấp của Ấn-độ.
[62]
Trưởng-giả: Tiếng Phạm gọi là "Nghị-lực-hạ-bát-để”
(Drha-pati): Tiếng gọi thông-thường chỉ cho người nhiều của, đủ đức.
Bộ Pháp-Hoa Huyền-tán quyển 10 nói: "Trưởng-giả là người tâm bình,
tính thẳng, nói thực, làm chăm, tuổi nhiều, của lắm”.
[63]
Cư-sĩ: Tiếng Phạm gọi là Ca-la-việt (Kulapati): Là người có
của ở nhà không ra làm việc đời; là người ẩn-dật ở nơi nhà mình
không ra làm quan; hay là người tại-gia có chí hướng về đạo Phật. Bộ
Pháp-Hoa Huyền-tán quyển 10 nói: "Giữ đạo tự điềm-đạm, chứa đức, ít
muốn gọi là Cư-sĩ”.
[64]
Đoạn trên nói về Tăng, tục đại-chúng có thiện-căn, có nhân-duyên
phát tâm tới nghe pháp.
[65]
Lộ-già-gia-đà (Lokàyatika) : Tàu dịch là "Thuận thế”.
Tên một ngoại-đạo trong Ấn-độ xưa, thuận theo tình đời, chấp sự vật
là thường, là có.
[66]
Năm pháp thần-thông: Thần-thông: những pháp có dụng-lực
tự-tại vô ngại, không thể suy lường được. Năm pháp thần-thông là:
1/- Thần-túc-thông (Rddhivid-hi-jnàna): một niệm đi khắp mọi
thế-giới, được tự-tại. 2/- Thiên-nhãn-thông (Divya-caksus):
Trông suốt hết thảy. 3/- Thiên-nhĩ-thông (Divya-sirotra):
nghe khắp mọi tiếng. 4/- Tha-tâm-thông (Paracit-ta-jnàna):
biết hết thảy tâm chúng-sinh. 5/- Túc-mệnh-thông.
(Purvanivàsà-nusmrti jnàna): nhớ biết mệnh kiếp trước. Thêm " Lậu-tận-thông”
(As-ravaksaya-jnàna) nữa là 6. Lậu-tận-thông có nghĩa là dứt trừ hết
thảy phiền-não được tự-tại vô ngại.
[67]
Đoạn trên nói: tuy là ngoại-đạo tu các pháp-môn khác với đạo Phật
nhưng, tu-hành đã được thần-thông, được tự-tại vô-ngại, biết phát
tâm hiếm có tới nghe Phật thuyết-pháp.
[68]
Phi-nhân: Chỉ chung cho các loài không phải người (phi-nhân)
như Thiên, long 8 bộ cùng đồ-chúng u minh như Dạ-xoa, ác quỉ v.v…
[69]
Ngã-quỉ: Tiếng Phạm gọi là Bệ-lệ-đa (Preta). Ngã-quỉ là 1 thú
trong 6 thú. Ngã-quỉ thường chịu khổ về đói khát. Và, do quả-báo
phải chịu không đồng, nên có loài hơn, loài kém. Loài hơn, làm thần
nơi rừng núi, miếu mạo; loài kém, ở nơi bất-tịnh, không được ăn uống
và thường phải chịu khổ về dao, gậy đánh đập.
[70]
Tỳ-xá-xà-quỉ (Pisacà): Tàu dịch là "điên quỉ” : quỉ
điên-cuồng; "Hám-tinh-quỉ”: quỉ ăn tinh-khí.
[71]
Năm thể : Đầu, hai tay và hai đầu gối.
[72]
Đoạn trên nói về loài quỉ là loài nhiều ác-độc nay đã diệt-trừ, biết
quy-y Tam-bảo, hộ-trì chính-pháp nên tới nghe pháp.
[73]
Ba đường: Tức tam (3) ác đạo và còn gọi là tam (3) đồ, tam
(3) ác thú: Địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh.
[74]
Đoạn trên nói loài súc-sinh (cầm-thú) tới nghe pháp đem các thức
cúng-dàng lên Phật, thỉnh Phật thuyết-pháp, mong dứt ác-nghiệp,
ngu-si, được giải-thoát.
[75]
Diễm-ma-la-vương (Yama-rãja): Xưa gọi là "Diêm-la” hay
"Diêm-vương”. Tàu dịch là "Phọc” (phược): trói buộc tội nhân; "song
thế”: vị này ở đời được hưởng thụ vui sướng và phải chịu cả sự khổ;
"bình-đẳng-vương”: trị tội bình-đẳng Diễm-ma-la-vương là một chức vị
cai quản tất cả các việc trong địa-ngục.
[76]
La-sát (Ràksasa): Tàu dịch là "Bạo-ác khả úy”: Loài quỉ
hung-ác đáng sợ. Quỉ cái gọi là "La-xoa-tư” (Ràksasi). "Đại-la-sát”
là quỉ La-sát có địa-vị cao hơn và hung-ác hơn.
[77]
Ngục-lại: Quan coi ngục.
[78]
Năm dục-lạc: Của-cải, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ .
[79]
Năm tội nghịch: "Ngũ nghịch” là 5 thứ tội ác trái ngược với
đạo-lý. Còn gọi là "ngũ vô-gián nghiệp” là 5 ác-nghiệp phải chịu
quả-khổ trong địa-ngục Vô-gián. Năm tội nghịch là: 1/- Giết cha. 2/-
Giết mẹ. 3/- Giết A-la-hán. 4/- Làm chảy máu nơi thân Phật. 5/- Phá
hòa-hợp Tăng. Còn 5 tội đặc-biệt nữa là: 1/- Phá chùa tháp, đốt kinh
tượng, lấy của Tam-bảo. 2/- Hủy báng Tam-thừa-pháp. 3/- Bắt giam
đánh đập, giết chóc nguời tín tâm xuất-gia. 4/- Phạm 1 trong 5 tội
nghịch trên. 5/- Cho là không có nhân-quả, tạo 10 điều ác.
[80]
Địa-ngục: Tiếng Phạm gọi là "Na-lạc-ca” (Naraka), "Nê-lê”
(Niraya). Tàu dịch là "bất lạc”: không vui; "khả yếm”: đáng chán,
"khổ-cụ, khổ-khí”: đồ-vật, khí-cụ làm cho đau khổ; "vô hữu”: không
có sự vui sướng, không có khí vị v.v…Y cứ vào nơi sinh (dưới đất:
địa) và có những khổ trên, khác gì như ở trong ngục nên gọi ra thành
"địa-ngục”. Địa-ngục có ba loại: 1/ Căn-bản địa-ngục: như 8 ngục
nhiệt (nóng), 8 ngục hàn (rét). 2/ Cận biên địa-ngục: các ngục nhỏ
phụ cận, như mỗi ngục lớn có 16 ngục nhỏ. 3/ Cô-độc địa-ngục: những
ngục ở nơi núi rừng, đồng nội, dưới cây, trong không v.v…
[81]
Đoạn trên nói về Diêm-la-vương cùng những ác-quỉ tới nghe pháp. Vì,
có nhiệt tâm độ-sinh, thương chúng-sinh: tự mình buộc mình, nên họ
khẩn-thiết xin Phật nói pháp để chúng-sinh trong 3 ác-thú được
giải-thoát.
[82]
Tòa sư-tử: Sư-tử đứng đầu loài thú, có uy-đức lớn, khi rống
lên một tiếng các loài thú đều nép phục. Đức Phật nói pháp cảm-động
pháp-giới hữu-tình. Vì vậy, nên nơi Ngài ngồi thuyết-pháp hay đem
"tòa sư-tử” làm ví-dụ.
[83]
Nam-diêm phù-đề: Xưa phiên là "Diêm-phù-đề” (Jambudvipa) nay
phiên là "Thiệm-bộ-châu”. Đây là tên một châu ở về phía Nam núi
Tu-di, nên gọi là Nam-diêm-phù-đề. Châu này là cõi đất nhân-loại ở
hiện nay.
[84]
Đoạn trên nói đức Phật là chủ pháp-hội. Ngài có uy-đức lớn được
đại-chúng cung-kính, cúng-dàng .
[85]
Gia-phu: Ngồi xếp bằng, hai bàn chân để chéo lên hai vế.
[86]
Tu-di: (Sumeru): Tàu dịch là "Diệu-cao, Diệu-quang, An-minh,
Thiện-tích, Thiện-cao…” Tên một trái núi ở trung tâm tiểu-thế-giới.
[87]
4 thứ báu: Vàng, bạc, lưu-ly, pha-lê. Thêm xà-cừ, xích-châu,
mã-não là thất-bảo (7 thứ báu).
[88]
Hữu-đỉnh-thiền cực thiện tam-muội: "Hữu-đỉnh” chỉ cho cõi
trời Sắc-cứu-cánh là cõi cao cùng tột của cõi Sắc. Đây là tên một
môn thiền-định cao siêu cùng cực và thiện-diệu.
[89]
Tâm anh-lạc bảo trang-nghiêm-vương: Đây ví vào tâm Phật. Tâm
Phật và tâm chúng-sinh bình-đẳng. Song, tâm Phật có vô-lượng vô-biên
công-đức trang-nghiêm, được viên-mãn tự-tại, ví như ngọc-báu
trang-nghiêm, như vương-vị được tự-tại.
[90]
Vô-sắc-giới: Cõi này không có một cái gì có thể gọi là
vật-chất của sắc-pháp, cũng không có thân thể, cung-điện, chỉ còn có
thức-tâm và ở trong thiền-định sâu-sa vi-diệu nên gọi là
"Vô-sắc-giới”. Vô sắc-giới có 4 cõi: Không vô biên xứ, Thức vô biên
xứ, Vô sở hữu xứ và Phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ.
[91]
Sắc-giới: Cõi này từ thân-thể, cung-điện, quốc-độ đều là
vật-chất (sắc) tinh-hảo, thù-thắng vi-diệu. Sắc-giới chia làm
Tứ-thiền:
1/ Sơ-thiền 3 cõi:
Phạm-chúng-thiên, Phạm-phụ-thiên, Phạm-vương-thiên. 2/ Nhị-thiền
3 cõi: Thiểu-quang-thiên, Vô-lượng-quang-thiên, Quang-âm-thiên. 3/
Tam thiền 3 cõi: Thiểu-tịnh-thiên, Vô-lượng tịnh-thiên,
Biến-tịnh-thiên. 4/ Tứ-thiền 9 cõi: Phúc-sinh-thiên,
Phúc-ái-thiên, Quảng-quả-thiên, Vô-tưởng-thiên, Vô-phiền-thiên,
Vô-nhiệt-thiên, Thiện-kiến-thiên, Thiện-hiện-thiên và Sắc
cứu-cánh-thiên. Tổng cộng Sắc giới có 18 cõi trời.
[92]
Phạm-thiên (Brahmadeva) : Là một cõi trong Sơ-thiền
thuộc Sắc-giới. Cõi này ưa tịch-tĩnh thanh-tịnh, xa lìa sự dâm-dục
của Dục-giới.
[93]
Sáu cõi trời Dục: Dục-giới là cõi mà chúng-sinh trong đó có 3
thứ dục: ăn, ngủ, và dâm-dục. Có 6 cõi trời còn vương trong vòng dục
ấy là: 1/ Tứ thiên-vương (Caturmahàràjakàyikàs): Đông:
Trì-quốc-thiên (Dhritaràstra). Nam: Tăng-trưởng-thiên (Virùdhaka).
Tây: Quảng-mục-thiên (Virùpàksa), Bắc: Đa-văn-thiên (Dhanada). 2/
Đao-lỵ-thiên (Tràyas trmsa: Tàu dịch là "Tam-thập tam thiên”) 3/
Dạ-ma-thiên (Yàma: Tàu dịch là "Thời phận” 4/ Đâu suất-thiên
(Tusita: Tàu dịch là "Tri-túc, Hỷ-túc”). 5/ Lạc biến-hóa-thiên
(Tiếng Phạm là Ni-ma-na: Nirmanarataya). 6/ Tha hóa tự-tại-thiên
(Tiếng Phạm là Sa-xá-bạt-đề: Pa-ranirmitavasavartina).
[94]
Tên các thứ hoa. Vì có nhiều tên hoa không thấy phiên nghĩa ra
Hán-văn, nên đành để vậy.
[95]
Sư-tử phấn-tấn tam-muội: Môn thiền-định có tác-động rung-động
mạnh-mẽ, mau lẹ như sư-tử.
[96]
Tam-thiên đại-thiên thế-giới: Đất nước trong vũ-trụ này rất
nhiều. Một thái-dương-hệ là một tiểu-thế-giới. Một nghìn
Tiểu-thế-giới thành Tiểu-thiên thế-giới. Một nghìn Tiểu-thiên
thế-giới thành trung-thiên thế-giới. Một nghìn
Trung-thiên thế-giới thành Đại-thiên thế-giới. Số lượng của
Đại-thiên thế-giới là 1.000.000.000. Đại-thiên thế-giới do ba lần
"thiên” (nghìn) mà thành, nên gọi là "Tam-thiên đại-thiên thế-giới”.
[97]
Súc-sinh: Tiếng Phạm gọi là "Để-lật-xa” (Tiryagyoni).
"Súc-sinh " chỉ cho các sinh-vật được nuôi dưỡng để ăn hay để làm
việc. Nay dịch là "Bàng-sinh” có nghĩa là chỉ cho các sinh-loại đi
ngang.
[98]
Tam luân không: Ba vòng rỗng không. Đây nói về sự bố-thí.
Người vô-tâm thực-hành bố-thí, không còn bợn chút hình bóng gì trong
tâm-thức về 3 loại: người bố-thí, người nhận của bố-thí và của
bố-thí. Thế là "chân-bố-thí ", là "tam luân không”.
[99]
Di-lâu-sơn (Sumeru): Tàu dịch là "Cao-sơn , Quang-sơn”.
[100]
Mục-chân-lân-đà-sơn (Mucilinda): Tàu dịch là
"Giải-thoát-sơn”.
[101]
Bốn đại-châu: Theo kinh Phật, thế-giới này chính giữa có núi
Tu-di, chung-quanh có các núi, các bể, rồi đến 4 đại-châu: 1.- Nam
Thiệm-bộ-châu, hay là Nam Diêm-phù-đề (Jambudvipa). 2.- Đông
Thắng-thần-châu, hay là Đông Phất-bà-đề (Pùrva–videha). 3.- Tây
Ngưu-hóa-châu, hay là Tây Cồ-gia-ni (Apara–godàniya) 4.- Bắc
Cô-lô-châu, hay là Bắc Uất-đàn-việt (Uttara–kuru).
[102]
Tám ngục hàn (rét): Át-bộ-đà (Arbuda) Tàu dịch là "Pháo”: rét
quá phỏng da. 2.-Ni-lạt-bộ-đà (Nirarbuda) Tàu dịch là "Bào-pháo”:
rét quá da căng nứt. 3.- A-triết-tra (Atta). 4.- Hoắc-hoắc-bà
(Apapa). 5.- Hổ-hổ-bà (Hàhàdharà) (3 ngục trên do rét quá mà miệng
phát ra tiếng như thế). 6.- Uất-bát-la (Utpala): Tàu dịch là
"Thanh-liên-hoa”: rét quá thân-thể nứt-nở tái xanh như cánh sen
xanh. 7.- Bát-đặc-ma (Padma) Tàu dịch là "Hồng-liên-hoa”: rét quá
thân-thể nứt, máu như cánh sen đỏ. 8.- Ma-ha-bát-dặc-ma (Mahàpadma)
Tàu dịch là "Đại-hồng-liên-hoa”. Trong kinh Niết-bàn quyển 11 lại
gọi là: "A-ba-ba, A-tra-tra, A-la-la, A-bà-bà, Ưu-bát-la, Ba-đầu-ma
và Câu-vật-đầu….”
[103]
Tám ngục nhiệt (nóng): 1.- Đẳng-hoạt: bị tra-tấn, chết đi,
lại sống lại. 2.- Hắc-thằng: Lấy dây trói rồi sau cưa, chém. 3.-
Chúng-hợp: nhiều khí-cụ hợp lại tra-tấn. 4.- Hào-khiếu: tra-tấn đau,
kêu gào khóc lóc. 5.- Đại-khiếu: đau quá kêu to. 6.- Viêm-nhiệt: lửa
đốt chung-quanh. 7.- Đại-nhiệt: rất nóng. 8.- Vô-gián: Chịu khổ
không gián-đoạn.
[104]
Mười phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông-nam, Tây-nam,
Đông-bắc, Tây-bắc, Thượng-phương và Hạ-phương.
[105]
Năm thú: Thiên (trời), Nhân (người), địa-ngục, ngã-quỉ,
súc-sinh. Thêm A-tu-la nữa là 6 thú hay 6 đạo.
[106]
Kệ: Tiếng Phạm gọi là "Kỳ-dạ” (Geya). Tàu dịch là
"trùng-tụng” là một lối thơ bốn câu, nói lại nghĩa của văn xuôi. Lại
còn một thứ kệ tiếng Phạm gọi là "Già-đà” (Gàthà): Tàu dịch là
"Phúng-tụng” hay "Cô-khởi-tụng”. Nghĩa là: Lối thơ cũng 4 câu nhưng,
tự sáng-tác riêng biệt, không phải nói lại nghĩa của văn xuôi.
[107]
Tịnh-Phạn: Tên Thân-phụ đức Phật Thích-Ca, tiếng Phạm gọi là
Thủ-đồ-đà-na (Suddhodana) cai-trị nước Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu).
[108]
Chuyển-pháp-luân (quay bánh xe pháp): Giáo pháp của Phật gọi
là "pháp-luân” (bánh xe pháp); truyền nói pháp ấy gọi là "chuyển”
(quay). Nghĩa là giáo-pháp của Phật , quay vòng khắp
chúng-sinh-giới, phá tan phiền-não. Và, "chuyển” đây còn có nghĩa là
chuyển pháp tự tâm mình, chuyển di sang tâm người khác.
[109]
Nhất-thiết-trí: Biết rõ tướng chung của hết thảy pháp. Tướng
chung tức "không-tướng”.
[110]
Thần-dị: Thần-thông biến hóa lạ-lùng.
[111]
Phạm-thiên-vương: Tên gọi tắt của Đại-phạm-thiên-vương
(Mahàbrahman), là ông vua trong cõi Sơ-thiền. Và, còn là tên gọi
chung 18 cõi trời thuộc Sắc-giới.
[112]
Thiên-đế-thích: Chính gọi là "Thích-Ca đề hoàn-nhân” (Sakra
devànàn Indra), gọi tắt là "Đế-thích” Tàu dịch là "Năng-thiên-chủ”,
cai-trị cõi trời Tam-thập tam (Đao-lỵ).
[113]
Đại-thừa: Tiếng Phạm gọi là "Ma-ha-diễn” (Mahàyàna: "Đại”
(lớn) đối với "Tiểu” (nhỏ) mà nói. "Thừa” (cỗ xe) có ý nghĩa là vận
tải. Thập nhị môn luận nói: "Ma-ha-diễn” (Đại-thừa) hơn
Thanh-văn-thừa, Duyên-giác-thừa nên gọi là "Đại-thừa”. Quả-vị của
chư Phật rất cao-siêu, cỗ xe này vận chuyển được đến đó nên gọi là
"Đại”. Chư Phật đại-nhân ngồi trên cỗ xe này gọi là "Đại”. Hay diệt
trừ đại-khổ, cho chúng-sinh đại-lợi-ích nên gọi là "Đại” v.v…
Đại-thừa là cỗ xe giáo-pháp cao-siêu, vi-diệu rộng lớn chuyên chở
chúng-sinh mau tới chỗ đại-giác-ngộ.
[114]
Viên-tịch: Tức là Niết-bàn (Nirvàna) và có nghĩa là công-đức
viên-mãn, tịch-diệt phiền-não.
[115]
Hóa-nghi: Phương-pháp, nghi-thức giáo-hóa chúng-sinh.
[116]
Đạo-tràng (Bodhimandala) : Nơi Phật, Thánh thành đạo.
Nơi hành-pháp, cúng-dàng, học đạo đều gọi là đạo-tràng. Đạo-tràng
còn là tên riêng của pháp-tọa (tòa ngồi thuyết-pháp).
[117]
Vô đẳng đẳng, vô-thượng chính-đẳng chính-giác: Tức là "Vô
đẳng đẳng a-nốc đa-la tam-miệu tam bồ-đề”, "Vô đẳng đẳng”
(Asamsama): Đạo Phật và tôn-hiệu của Phật, Đạo Phật cao-siêu
tuyệt-đối, không gì sánh bằng, nên gọi là "vô đẳng” (không sánh
bằng). Đạo ấy chỉ Phật với Phật bằng được, nên thêm
chữ "đẳng”. Còn "vô-thượng chính-đẳng chính-giác”, xem phần
chú-thích đã giải ở số 28.
[118]
Quán-đỉnh (Abhisecani) : Theo tục Ấn-độ, một khi vị
Hoàng-tử được phong Thái-tử, hay Thái-tử lên ngôi vua, lúc tấn-phong
hay lấy nước 4 bể rưới lên đầu, biểu ý chúc tụng. Nơi đây, ngụ ý: vị
Bồ-tát sắp thành Phật-quả.
[119]
Đại-pháp-vương: Quả-vị tối-cực của Thánh-nhân là
"Đại-pháp-vương”. " Pháp-vương” là đối với hết thảy pháp được
tự-tại. Đây là danh-từ tôn xưng Phật. Danh-từ tôn xưng Phật
còn có chỗ gọi là "Thiên-trung-thiên, Thánh-trung-vương,
Đại-thánh-chúa, Đại-y-vương, Đại-đạo-sư, Đại-thuyền-sư,
Nhân-trung-tôn, Thiên-nhân-sư v.v….”
[120]
Nhân-giả: Tiếng gọi tên những bậc có nhân-từ đức độ khả kính.
[121]
Pháp-thân (Dharmakàya) : Chân-thân của Phật, đầy-đủ
vô-lượng pháp công-đức. Còn gọi là "tự-tính-thân”, là thể-tính
chân-như pháp-giới thanh-tịnh, bình-đẳng của hết thảy pháp.
[122]
Thường, lạc, ngã, tịnh: Đây là 4 đức của Niết-bàn. 1/
Thường: thể của Niết-bàn thường hằng bất biến, không sinh-diệt
và, tùy duyên hóa-dụng, vẫn thường không đoạn-tuyệt. 2/ Lạc:
thể của Niết-bàn tịch-diệt, an-lạc vĩnh-viễn và, vận-dụng tự-tại,
làm gì đều hợp với tâm. 3/ Ngã: đứng về "thể”, "tự- thực”
(chân-thực nơi tự-thể) là "ngã”; đứng về "dụng”, "tự-tại” (tự-do
không chướng ngại) là "ngã”: Chân-thực không biến-đổi, tự-tại không
ngăn vướng là "chân-ngã”. 4/ Tịnh: thể của Niết-bàn,
giải-thoát hết thảy những cấu-nhiễm và, tùy nơi hóa-duyên mà không
bị nhơ-nhớp.
[123]
Thanh-văn: Tiếng Phạm gọi là Xá-la-bà-ca (Sràvaka). Thanh-văn
là hàng đệ-tử trong pháp Tiểu-thừa của Phật nghe giaó-lý nơi tiếng
nói của Phật, ngộ lý Tứ-đế (khổ, tập, diệt, đạo), dứt được
kiến-hoặc, tư-hoặc, chứng-nhập Niết-bàn. gọi là "Thanh-văn”.
[124]Duyên-giác:
Xưa gọi là
Bích-chi-Phật, nay gọi là Bát-thích-ế-già-Phật đà (Pratyekabuddha)
và xưa dịch là "Duyên-giác”, nay dịch là "Độc-giác”:
- Duyên-giác có
nghĩa là: 1/ Quán 12 nhân-duyên, đoạn hoặc, chứng lý. 2/ Nhận thấy
ngoại-duyên như hoa rơi, lá rụng mà tự giác-ngộ lẽ vô thường, đoạn
hoặc, chứng lý.
- Độc-giác có
nghĩa là trong đời không có Phật, do mầm mống của nhân trước, hoặc
quán 12 nhân-duyên, hoặc quán hoa rơi, lá rụng mà tự-giác-ngộ.
[125]
Đoạn này từ câu "Khi ấy đức Thế-Tôn ngồi kết gia-phu…” (ở trang 12)
đến chỗ "chưa từng có bao giờ”, là nói về: đức Phật nhập-định, phóng
quang, ảnh-hiện mọi tướng, báo điềm Ngài sắp nói diệu-pháp Đại-thừa,
chúng-sinh cung-kính, cúng-dàng mong mỏi nghe pháp, và, Bồ-tát
Sư-tử-hống nói cho chúng-hội biết là Phật sẽ nói pháp
"Tâm-địa-quán”, yêu-cầu chúng-hội nhất tâm cầu vô-thượng giác, đừng
cầu đạo-quả Nhị-thừa.
[126]
Hoa Ưu-đàm: Ưu-đàm gọi đủ là Ưu-đàm-ba-la (Udumbara): Tàu
dịch là "linh-thụy” (điềm linh thiêng); "thụy-ứng” (ứng vào điềm
tốt). Theo Pháp-hoa văn-cú nói thời hoa này 3.000 năm một lần hiện,
khi hoa ấy hiện ra thời có Kim-luân-vương ra đời.
[127]
Vô-vi (Asamskrta) : Tên riêng của chân-lý. Không còn
nhân-duyên tạo-tác, không còn 4 tướng: sinh, trụ, dị, diệt. Trái lại
là "Hữu-vi” (Samskrta). Hữu-vi chỉ cho những sự-vật do nhân-duyên
tạo-thành.
[128]
Ba-la-mật-đa (Pàramità) : Đây là nêu tỏ đại-hạnh của
Bồ-tát. Ba-la-mật-đa Tàu dịch là "cứu-cánh”: đại-hạnh của Bồ-tát hay
đạt tới chỗ cùng-tột trong sự tự làm, dạy người; "Đáo-bỉ-ngạn”:
thực-hành đại-nguyện ấy vượt qua bể sinh-tử bên này, đến bờ Niết-bàn
bên kia; "Độ vô cực”: nhân đại-hạnh ấy Bồ-tát vượt qua sự xa rộng
của mọi pháp. Và, dịch tắt là "Độ”, có nghĩa là "độ thoát”.
Ba-la-mật có 6 hay 10 pháp.
[129]
Pháp-giới (Dharmadhàtu) : Đứng về mặt sự, "pháp” là các
pháp (sự-vật), "giới” là ranh-giới. Các pháp đều có tự-thể nhưng,
giới-phận bất đồng nên gọi là "pháp-giới”. Pháp-giới trong
khung-cảnh hẹp-hòi là chỉ cho mỗi pháp song , trên phạm-vi rộng lớn,
nó là tượng-trưng cho đại-khối vạn-hữu. Đứng về mặt lý, "pháp-giới”
chỉ cho "lý-tính chân-như”, hoặc gọi là "chân-như pháp-tính,
thực-tướng, thực-tế”. Tới đây chữ "giới” có nghĩa là "tính”. Tức là
"pháp-tính”.
[130]
Thể, dụng: "Thể” là "thực-thể, thể-tính” là cái nhất-định bất
biến của sự-vật, nó là chỗ căn-bản cho những chi-phận khác
nương-tựa, như "tướng-dụng” chẳng hạn. "Tướng” là tướng-trạng trong
thể-tính của các pháp; là tướng-trạng của sự-vật biểu-hiện ở bên
ngoài nhưng, có tưởng-tượng tại tâm. "Dụng” là tác-dụng: Y vào
thể-tính sinh ra mọi tác-dụng thiện, ác của các pháp. "Thể, tướng,
dụng” theo kinh, luân gọi là "tam đại” (3 thứ rộng lớn).
[131]
Thiện-thệ (Tu-già-đà: Sugata) : Đây là một hiệu trong
mười hiệu của Phật. "Thiện-thệ” có nghĩa; là "đi tốt ”. Ý nói: dùng
Nhất-thiết-trí làm xe, đi trên đường bát-chính, rảo tới Niết-bàn,
nên gọi là "Thiện-thệ”.
[132]
Bốn vô-lượng: Từ, bi, hỷ, xả.
[133]
Chủng-trí: Tức Nhất-thiết-chủng-trí: Trí-tuệ của Phật
viên-minh, thông suốt hết thảy mọi pháp về tổng-tướng, biệt-tướng
và, biết đạo-pháp của chư Phật, nhân-chủng của chúng-sinh, hóa-đạo
chúng-sinh dứt trừ mê hoặc.
[134]
Ba nghiệp: Thân, miệng, ý.
[135]
Điều-ngự: Gọi đủ là "Điều-ngự trượng-phu”
(Purusadamya-sàrathi): một hiệu trong mười hiệu của Phật và, có
nghĩa là đức Phật tùy thời dùng lời hòa-dịu, tùy thời dùng lời
khổ-thiết…; trông nom, điều-trị chúnh-sinh, làm cho họ không trái
đạo, mà đi vào thiện-đạo .
[136]
Năng-nhân: Đây chỉ vào đức Phật Thích-Ca Mưu-ni. Vì, Tàu dịch
"Thích-Ca” là "Năng-nhân”; Mưu-Ni là "Tịch-mặc”.
[137]
Thập-thiện: Mười nghiệp thiện: không: sát-sinh, trộm cắp,
dâm-dục, nói dối, nói thêu-dệt, lưỡi đôi chiều, thô-ác, tham-lam,
sân-hận và tà-kiến. Trái lại, là thập-ác (mười nghiệp ác).
[138]
Ma-ni (Ma-ni): Tên một thứ ngọc, Tàu dịch là "Như-ý”.
[139]
Vân-tập: Dáng rần-rộ kéo đến tụ-tập đông-đảo như mây ùn. Và,
sự tụ-tập ấy như sự tụ-tập của mây với cái tướng-mạo vô tâm.
[140]
Tám-khổ: Sinh, lão, bệnh, tử, cầu không được, oán ghét phải
hội-ngộ, ân-ái phải biệt-ly và năm ấm (sắc, thụ, tưởng, hành, thức)
rỡ-thịnh.
[141]
Vô-trụ: Pháp không có tự-tính, vì không có tự-tính nên không
có chỗ trụ-trước (ở liền mãi đấy), chỉ tùy duyên mà hiện-khởi, nên
gọi là "vô-trụ”. "Vô-trụ” là gốc của vạn hữu.
[142]
Vô-sở-đắc: Chân-lý vô-tướng của tâm-thể không có chỗ
chấp-trước, không có chỗ phân-biệt nên gọi là "Vô-sở-đắc” (không chỗ
được). Vô-sở-đắc tức là "không-tuệ”, là vô phân-biệt.
[143]
Toàn văn kệ trên Bồ-tát Sư-tử-hống tán-thán phúc-đức, trí-tuệ của
Phật và Nhân, Thiên, chúng-sinh tôn-kính cúng-dàng Phật. Tiếp đó,
Bồ-tát nói lại việc Phật nhập-định, phóng quang, ảnh hiện. Sau cùng,
nhất tâm thỉnh Phật thuyết-pháp.
Đến đây hết quyển nhất.
[144]
Toát-yếu: Đây là phần chọn-lựa những ý yếu-ước trong
chính-văn, hầu giúp quý Phật-tử dễ hiểu, dễ nhớ, khi xem xong từng
phẩm. Vì là những toát-yếu, nếu Phật-tử nào muốn tụng, xin tụng đúng
chính-văn, mà dành phần này lại (lời dịch-giả).
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|