Như vậy tôi nghe một lúc đức Phật du Vương
Xá thành chỗ đi của Như Lai, ở tại nhà Bửu Trang Nghiêm Đường được tạo nên
bởi đại công đức, là quả báo bổn hành tất cả pháp của Phật, hay dung chứa
vô lượng chúng Bồ Tát, pháp được Phật giảng tuyên đều là vô lượng nghĩa
thậm thâm, đều được Như Lai thần lực hộ trì, nhập vô ngại hành vi diệu
pháp môn, tâm Phật hoan hỉ được niệm tiến ý, phân biệt trí huệ không có ai
khinh huỷ, nếu có người muốn tán thán công đức của Phật thì tận vị lai thế
chẳng cùng tận được. Như Lai chánh giác pháp bình đẳng, khéo chuyển pháp
luân độ vô lượng chúng, được tự tại nơi tất cả pháp, biết tận nguồn gốc
tâm ý của chúng sanh, khéo dứt các tập khí cho chúng sanh, dầu thường làm
phật sự mà tâm không có sở tác, cùng đại Tỳ Kheo sáu trăm vạn người câu
hội, đều là Như Lai Pháp Vương Tử, khéo được giải thoát dứt phiền não tập,
hiểu rõ thậm thâm Vô sanh pháp nhẫn, thành tựu oai nghi đi đứng đoan
nghiêm, kham thọ cúng dường làm phước điền cho đại chúng, khéo trì giáo
giới của chư Phật dạy. Còn có đại Bồ Tát chúng số đông vô lượng chẳng xưng
kể được, chẳng tư nghị được, chẳng tuyên nói được. Trong khoảng một niệm,
chư Bồ Tát ấy có thể đi qua vô lượng vô biên Phật độ, đã từng cúng dường
quá khứ chư Phật thưa học diệu pháp không có nhàm đủ, thương xuyên giáo
hoá vô lượng chúng sanh, khéo hiểu phương tiện đầy đủ trí huệ, tâm các
Ngài an trụ vô ngại giải thoát, khéo trừ ức tưởng thủ tướng hí luận, gần
nhứt thiết trí đều là bực Bổ xứ. Tên các Ngài là: Điện Thiên Bồ Tát, Thắng
Tranh Bồ Tát, Nhựt Tạng Bồ Tát, Dũng Kiện Bồ Tát, Ly Ác Bồ Tát, Du Hành Bồ
Tát, Quán Nhãn Bồ Tát, Ly Ám Bồ Tát, vô lượng Bồ Tát Đại Sĩ đầy đủ công
đức như vậy câu hội.
Bấy giờ đức Thế Tôn nhập chư Bồ Tát sở hành
vô ngại chư pháp môn kinh. Đó là trang nghiêm chư Bồ Tát đạo Phật pháp
thậm thâm, thập lực vô uý trí huệ thành tựu, chứng được ấn môn tự tại tổng
trì, môn phân biệt biện tài đại thần thông, chuyển pháp môn vô sanh bất
thối chuyển, thông đạt các pháp đồng nhứt tướng, nơi pháp nhứt tướng chẳng
sanh phân biệt, biết rõ chúng sanh căn tánh vô ngại, khéo hay quán sát
thiệt tướng của các pháp, phá hoại tất cả cảnh giới các ma, nhập môn thông
đạt thiện tư duy, hay trừ tất cả phiền não các kiến chấp, vô ngại trí huệ
thiện quyền phương tiện, tất cả Phật pháp bình đẳng vô nhị, thọ trì môn
trí huệ của chư Phật, diễn thuyết các pháp như chơn thiệt tướng, ức tưởng
thủ tướng nhập bình đẳng môn, thành tựu công đức nhập thâm nhơn duyên,
trang nghiêm thân Phật thân khẩu ý nghiệp, niệm ý tiến trì hiển thị tứ đế,
phân biệt diệu huệ vì giáo hoá hàng Thanh Văn , thân tâm tịch tĩnh vì giáo
hoá Duyên Giác, được Nhứt thiết trí vì giáo hoá Đại thừa, nhập nhứt thiết
pháp được tự tại trí vì tán thán các công đức Như Lai. Các môn như vậy đều
được Thế Tôn tuyên nói khai thị dạy bảo chỉ dẫn phân biệt.
Lúc đức phật nói kinh Đại Tập nầy, phương
Đông tự nhiên xuất hiện quang minh lớn màu chơn kim chiều khắp cả Đại
Thiên thế giới nầy. Trừ Phật quang minh, tất cả quang minh của Phạm,
Thích, Tứ Vương, Thiên, Long, Bát Bộ, nhựt, nguyệt đều chẳng còn hiện, các
tường vách cây cối lùm rừng tất cả sông núi quốc độ đều được quang minh
kim sắc ấy chiếu suốt cả. Bao nhiêu địa ngục ở cõi nầy đều được quang minh
ấy chiếu đến, chúng sanh trong đó lúc quang minh chạm đến thân liền trừ
tất cả khổ thọ lạc vi diệu.
Trước mặt Phật, dưới đất tự nhiên mọc lên
sáu mươi ức tịnh diệu liên hoa hương thơm lan khắp các thứ trang nghiêm
nhiều màu làm vui đẹp lòng đại chúng. Hoa sen ấy có ức trăm ngàn cánh có
lưới the báu giăng phía trên, chất hoa mềm dịu như thiên y, ai chạm đến
đều thọ khoái lạc vi diệu. Các hơi hương của hoa sen ấy lan khắp Ta Bà thế
giới làm luốt mất tất cả hơi hương của Nhơn Thiên trong thế giới nầy. Hàng
Thiên, Long, Bát Bộ, Quỷ Thần nghe hơi hương ấy đều được vui vi diệu lần
lần lìa phiền não.
Tôn giả A Nan thấy quang minh kim sắc và
các liên hoa ấy bèn bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Ai làm thoại ứng
ấy, có quang minh kim sắc và các tịnh diệu liên hoa?”.
Đức phật nói: "Nầy A Nan! Có đại Bồ Tát tên
là Vô Tận ý ở phương Đông cùng sáu mười ức chư Bồ Tát quyến thuộc muốn đến
đây nên trước hiện thoại tướng ấy”.
Vô Tận Ý Bồ Tát dùng thần lực cảm động cõi
nầy làm cả đại địa chấn động lớn, phóng vô lượng quang mưa các thứ hoa, vô
lượng chư Thiên Nhơn trỗi thiên kỹ nhạc, cùng sáu mươi ức chúng Bồ Tát vây
quanh đồng đến chỗ Phật. Đến rồi ở trước Phật dừng trên hư không cao bảy
cây đa la chắp tay hướng về Phật phát âm thanh vi diệu khăp nghe cả Đại
Thiên thế giới, nói kệ tụng tán thán Đức phật:
Thanh tịnh lìa hẳn các cấu nhiễm
Dũng kiện trừ diệt những tham dục
Có thể dứt hết các trần lao
Mà được thanh tịnh vi diệu nhãn
Ba cấu hoang vu uế trược thảy
Khéo hay đoạn dứt rửa sạch hết
Tất cả diệt hẳn không còn thừa
Nay tôi cúi lạy Đại Từ Giác
Trừ bỏ tất cả các bố uý
Khéo hay diệt dứt lưới vô minh
Thập lực Thánh chúa Đại Pháp Vương
Tất cả tà luận chẳng phục được
Các hàng ngoại đạo người dị kiến
Thảy đều có lòng rất kinh sợ
Như Lại dường như sư tử chúa
Riêng mình bước đi không có sợ
Như Lai chánh giác đại quang minh
Thanh tịnh vô cấu chói sáng khắp
Trong tất cả Nhơn Thiên thế gian
Có thể xa lìa tất cả tối
Trừ hết tất cả các tối tăm
Sáng suốt không còn lưới vô minh
Phật quang chiếu khắp thường minh tịnh
Dường như mặt nhựt ra khỏi mây
Chúng sanh già bịnh chết rất khổ
Không có được người cứu hộ họ
Như Lai xót thương vì độ họ
Mà vô lượng đời thọ khổ nhiều
Có thể sanh lòng từ bi vững
Chỉ có Như Lai Đẳng chánh giác
Như Lai cũng như đại Y Vương
Có thể chữa lành tất cả bịnh
Tất cả các pháp từ bổn lai
Tánh tất cả pháp không có ngã
Dường như tiếng vang trong hang núi
Đều từ các duyên hoà hiệp sanh
Tất cả chúng sanh bổn vô tánh
Không có tác giả không thọ giả
Như Lai có thể vì chúng ấy
Mà sanh khởi lòng đại từ bi
Các cõi dường như vực biển lớn
Vô minh tối tăm rất rộng sâu
Trong ấy có nhiều giác quán xấu
Cuồn cuộn sôi tràn những sóng mòi
Như Lai chẳng từ người nghe pháp
Tự nhiên giác ngộ đến bỉ ngạn
Dường như hoa sen mọc trong nước
Đi khắp thế gian chẳng nhiễm ô
Mùa thu cây cỏ đều héo úa
Hạn nóng suối sông đều khô cạn
Tỷ trí phân biệt biết thế pháp
Đổi dời chuyển động chẳng thường trụ
Chỗ thân cận của những người ngu
Là chỗ Thánh trí luôn quở bỏ
Biết rõ các pháp chẳng vững chắc
Riêng mình qua khỏi các hữu lưu
Như Lai mặt mắt rất rộng sáng
Ví như hoa quý Ưu đàm bát
Sáng rỡ vi diệu rất thanh tịnh
Hơn cả trăm ngàn mặt nhựt nguyệt
Tất cả bao nhiêu đời quá khứ
Cùng đời hiện tại các chúng sanh
Tất cả tán thán công đức lớn
Như Lai đều hay thọ được cả
Vì điều người chưa được điều phục
Trừ hết nhiệt não được thanh lương
Vì thế hôm nay tôi cung kính
Đầu mặt cúi lạy đấng Vô Thượng
Cứu độ thế gian phước tăng thượng
Như Lai công đức vô biên lượng
Tất cả các pháp đại Pháp Vương
Nay tôi đảnh lễ Phật phước điền.
Vô Tận Ý Bồ Tát nói kệ tán thán Phật rồi
từ hư không xuống đảnh lễ chưn Phật hữu nhiễu ba vòng, cùng chư Bồ Tát sáu
mười ức đến ngồi kiết già trên đài liên hoa.
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch rằng: "Bạch đức
Thế Tôn! Vô Tận Ý đại Bồ Tát từ xứ nào đến, Phật hiệu là gì, thế giới tên
gì, cách đây bao xa?”.
Đức Phật nói: "Nầy Xá Lợi Phất! Ông nên hỏi
Vô Tận Ý Bồ Tát, sẽ được giải đáp”.
Tôn giả kính thuận Phật giáo hỏi Vô Tận Ý
Bồ Tát: "Bạch Đại Sĩ! Ngài từ xứ nào đến, Phật hiệu là gì, thế giới tên là
gì, cách đây bao xa?”.
Vô Tận Ý Bồ Tát nói: "Thưa Tôn giả Xá Lợi
Phất! Có tưởng đến ư?”.
Tôn giả nói: "Thưa Đại Sĩ! Tôi biết tưởng
rồi”.
Vô Tận Ý Bồ Tát nói: "Nếu biết tưởng thì lẽ
ra không có hai tướng, có gì lại hỏi từ xứ nào đến.
Thưa Tôn giả! Có lai khứ ấy là nghĩa hoà
hiệp, như hoà hiệp tưởng là không hiệp không chẳng hiệp, không hiệp không
chẳng hiệp tức là chẳng khứ chẳng lai, chẳng khứ chẳng lai ấy là thánh
hành xứ.
Thưa Tôn giả! Có khứ lai ấy tức là nghiệp
tướng. Như nghiệp tướng ấy không có tác không chẳng tác. Không có tác
không chẳng tác ấy tức là chẳng khứ chẳng lai, chẳng khứ chẳng lai ấy là
thánh hành xứ.
Thưa Tôn giả! Có khứ lai ấy tức là tướng
quốc độ. Như tướng quốc độ ấy không có quốc độ không chẳng quốc độ tức là
chẳng khứ chẳng lai, chẳng khứ chẳng lai ấy tức là thánh hành xứ.
Thưa Tôn giả! Có khứ lai ấy tức là duyên
tưởng. Như duyên tưởng ấy không duyên không chẳng duyên, không duyên không
chẳng duyên ấy tức là chẳng khứ chẳng lai, chẳng khứ chẳng lai ấy là thánh
hành xứ.
Thưa Tôn giả! Có khứ lai ấy là nhơn
v.v…sanh tướng. Như nhơn tướng ấy không có nhơn không chẳng nhơn, không
nhơn không chẳng nhơn tức là chẳng khứ chẳng lai, chẳng khứ chẳng lai ấy
tức là thánh hành xứ.
Thưa Tôn giả! Có khứ lai ấy tức là văn tự
ngữ ngôn, như văn tự tướng ấy không có văn tự không chẳng văn tự. Không
văn tự không chẳng văn tự ấy tức là chẳng khứ chẳng lai. Chẳng khứ chẳng
lai ấy tức là thánh hành xứ”.
Tôn giả Xá Lợi Phất nói: "Bạch Đại Sĩ! Nay
Ngài nói sự tướng vi diệu, từ trước tôi chưa từng nghe. Vừa rồi tôi có chỗ
hỏi, bây giờ tôi lại xin hỏi nữa.
Như người chủ ải, nếu thấy người đi không,
hoặc thấy người mang gánh thì phải gạn hỏi: Ông mang gánh đó là những vật
gì? Nếu biết là hột lúa giống thì phải thâu thuế.
Bạch Đại Sĩ! Chúng tôi cũng vậy, từ người
khác nghe pháp theo âm thanh nhận hiểu để tự chiếu tâm, vì vậy nên nay tôi
phải thưa hỏi.
Hàng Đại Sĩ các Ngài vì hộ Đại thừa xuất
sanh vô lượng Thanh Văn, Duyên Giác.
Bạch Đại Sĩ! Xin Ngài phân biệt nói từ xứ
nào đến”.
Vô Tận Ý Bồ Tát nói: "Thưa Tôn giả! Nay
Ngài tự hỏi đức Như Lai, Phật sẽ nói cho Ngài hết nghi”.
Tôn giả bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn!
Duy nguyện nói Bồ Tát ấy từ xứ nào đến, Phật hiệu là gì, thế giới tên là
gì, cách đây bao xa? Nếu được nghe tên hiệu Phật và thế giới ấy, thì làm
cho vô lượng vô biên Bồ Tát trang nghiêm Bồ đề”.
Đức Phật nói: "Lắng nghe lắng nghe, khéo
suy nghĩ đó, nay ta sẽ nói công đức cõi ấy và danh hiệu Phật. Lúc ông nghe
chớ có nghi sợ phải nên nhứt tâm tín thọ phụng trì”.
Tôn giả nói: "Lành thay lành thay, bạch đức
Thế Tôn! Nguyện phải thời tuyên nói, tôi sẽ nhứt tâm đảnh đới thọ trì”.
Đức Phật nói: "Nầy Xá Lợi Phất! Phương Đông
cách đây chừng mười hằng hà sa quốc độ vi trần số thế giới, có thế giới
tên là Bất Thuấn, Phật hiệu là Phổ Hiền Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri,
Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng
Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn nay hiện tại thế.
Nầy Xá Lợi Phất! Cõi ấy không có Thanh Văn,
Duyên Giác, nhẫn đến không nghe tên Nhị thừa. Tất cả Thánh chúng thuần là
Bồ Tát đã lâu từ quá khứ tu đức bổn, thiện nghiệp thành xong đầy đủ bố
thí, điều phục, tự thủ, phòng hộ, thí giới, đa văn, tâm không phóng dật an
trụ công đức, oai nghi thành tựu nhẫn lực vô ngại, nơi vô thượng đạo kiên
cố tinh tiến, các thiện căn được tu tất cả đều thành tựu chư thiền giải
thoát tam muội, du hí thần thông trí huệ lớn chiếu sáng, khéo phân biệt
biết rõ tất cả các pháp, lòng từ các Ngài bình đẳng như hư không, đại bi
kiên cố cứu tế chúng sanh, thường hành hỉ tâm khiến người khác đồng vui,
xả tâm các Ngài khéo dứt tắng ái, lưới ma tranh tụng dứt hết không thừa,
khéo hiểu chúng sanh các căn lợi độn theo căn họ mà ban cho pháp tài. Tâm
các Ngài bình đẳng như địa, thuỷ, hoả, phong, hay phá tất cả ngoại đạo dị
luận, xô dẹp địch trận kiến lập thắng phan, nhập thâm Phật pháp Thập lực,
Tứ vô sở uý, nơi các đại chúng tâm không có sợ, các Ngài thường quán thậm
thâm thập nhị nhơn duyên, lìa hữu kiến, vô kiến thường hành trung đạo,
không có các tướng ngã, ngã sở, chúng sanh, thọ mạng, dưỡng dục, sĩ phu,
tác giả, thọ giả, đoạn, thường, hữu, vô, tất cả các kiến chấp kiết phược
nhơn duyên đều dứt chẳng còn khởi. Dùng tổng trì vương ấn để ấn đó. Từ
biện phân biệt diễn giải của các Ngài na do tha kiếp nói chẳng hết được,
có đại thần lực cảm động vô lượng vô biên Phật độ, khéo qua lại các Phật
độ dứt trừ sân hận, bố uý, kiêu mạn, phóng dật. Các Ngài diễn thuyết như
sư tử hống, với tất cả chúng sanh kẻ oán người thân thảy đều đặt để cứu
cánh Niết bàn, mây pháp phủ trùm để nổi sấm chớp, tam minh giải thoát dùng
làm chớp sáng, mưa pháp vô thượng dùng làm cam lộ, hay ban bố pháp tài để
Tam bửu chẳng đoạn tuyệt, nội ngoại thanh tịnh dường như bửu châu, tướng
hảo thù thắng tối thượng vô tỉ, dùng các thiện căn trang nghiêm thân mình,
Phật pháp quán đảnh được vị bổ xứ, khéo có thể phân biệt các chúng sanh
hành tuỳ thuận đều phục cho được giải thoát, hay tịnh đạo tràng ngồi toà
sư tử, ở trong tất cả pháp được vô sở uý, hay tự biến hình như thân Phật,
đều có thể thị hiện tất cả Phật sự, tâm được tự tại chuyển chánh pháp
luân.
Nầy Xá Lợi Phất! Thế giới Bất Thuấn ấy
thuần có chư đại Bồ Tát như vậy làm quyến thuộc”.
Đại chúng nghe đức Phật ca ngợi chư đại Bồ
Tát ấy đầy đủ công đức trí huệ như vậy, đều hớn hở vui mừng đem các thứ
hoa ưu bát la, hoa câu vật đầu, hoa ba đầu ma, hoa phân đà lợi, hoa mạn đà
la rải cúng dường Vô Tận Ý Bồ Tát và sáu mười ức Bồ Tát rồi khác miệng
đồng lời nói rằng: "Chúng tôi hôm nay vui mừng được lợi lành mà thấy các
Chánh Sĩ như vậy để lễ bái cúng dường cung kính vây quanh. Nếu có chúng
sanh nghe tên các Ngài cũng được vô lượng lợi lành như vậy, nếu nghe tán
thán xưng dương công đức ấy đều phát tâm Vô thượng Bồ đề”.
Lúc nói lời ấy, trong đại chúng có ba trăm
sáu mươi vạn chúng sanh phát Vô thượng Bồ đề tâm.
Đức Phật nói: "Nầy Xá Lợi Phất! Thế giới
Bất Thuấn của Phật Phổ Hiền Như Lai không có ba ác đạo và tên gọi, cũng
không có tên tà hành việt giới, cũng không có danh từ nữ nhơn, xan tham,
tật đố, phá giới, sân hận, giải đãi, loạn tâm, ngu si, chướng ngại ấm cái.
Các chúng sanh cõi ấy căn tánh đồng nhau không có thượng trung hạ thuần là
nhứt thừa không có tên đại tiểu, Phật độ cũng không có tên tịnh hay uế,
cũng không có danh xưng Tam bửu sai biệt, chẳng nghe tiếng đói khác ăn
uống, chẳng có danh từ ngã, ngã sở, giá, hộ, ma võng, vọng kiến.
Thế giới Bất Thuấn của Phật Phổ Hiền Như
Lai ấy bằng phẳng rộng lớn, một nhựt nguyệt chiếu giáp khắp sáu mươi ức
trăm ngàn na do tha do tuần. Các sự hi hữu ấy đều do Bồ Tát cõi ấy bổn
nguyện làm nên, lưu ly và các báu xen lẫn làm thành, đất mịn mềm như thiên
y, người chạm đến thọ lạc vi diệu, cây báu trang nghiêm hàng ngũ tương
đương, dây báu giăng nối để làm ranh tám ngả đường, tất cả các hoa đều tự
nở, không có đá cát gai chông dơ dáy, tất cả đồi núi đều là các thứ báu
trang sức, người và trời không có sai biệt, pháp hỉ thiền duyệt làm món ăn
uống. Cõi Bất Thuấn ấy không có danh từ vua chúa, chỉ có Phổ Hiền Như Lai
làm Đại Pháp Vương. Phổ Hiền Như Lai và chư Bồ Tát chẳng dùng văn tự để có
nói. Chư Bồ Tát ấy chỉ tu quán Phật nhìn kỹ không nhàm mắt không hề nháy
bèn có thể được niệm Phật tam muội ngộ Vô sanh nhẫn. Vì vậy cõi ấy có tên
là Bất Thuấn thế giới. Chư Bồ Tát ấy niệm Phật thế nào?
Đó là chẳng quán sắc tướng xuất sanh chủng
tánh quá khứ tịnh nghiệp, lúc ấy trong tâm không có tự cao. Chẳng quán
hiện tại ấm giới các nhập kiến văn giác tri tâm ý thức v.v…, không có
tướng sanh trụ diệt hí luận, chẳng thủ chẳng xả chẳng niệm chẳng tư, chẳng
quán tư tưởng và chẳng tư tưởng, chẳng phân biệt tưởng pháp tưởng kỷ
tưởng, không có nhứt dị tưởng, cảnh giới công đức nội ngoại trung gian
chẳng khởi niệm giác quán thỉ chung, chẳng quán hình mạo oai nghi pháp
thức, chẳng quán giới, định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến,
thập lực, tứ vô sở uý, thập bát bất cộng pháp. Chánh niệm Phật ấy chẳng
thể tư nghị. Chẳng tạo hành chẳng tác tưởng, vô đẳng đẳng lìa tư duy, vô
sở niệm vô tư xứ, không có tưởng ấm giới nhập sanh trụ diệt, không có xứ
sở chẳng phải không xứ sở, chẳng động chẳng trụ, chẳng sắc, chẳng thức,
chẳng tưởng, chẳng thọ, chẳng hành. Nơi thức chẳng sanh thức tri, nơi địa
thuỷ hoả phong chẳng sanh thức tri, nơi nhãn sắc, nhĩ thanh, tỷ hương,
thiệt vị, thân xúc, ý pháp cũng chẳng sanh thức tri.
Chăng duyên tất cả cảnh giới như vậy, chẳng
sanh các tướng ngã và ngã sở, chẳng khởi tưởng kiến văn giác tri, cứu cánh
có thể đến tất cả giải thoát, tâm và tâm số pháp diệt dứt chẳng tương tục,
tịnh các ức tưởng chẳng ức tưởng, khéo trừ tham ái, sân khuể, ngu si nhơn
duyên tướng, thử bỉ và trung gian đều dứt không thừa. Pháp ấy thanh tịnh
vì không có văn tự vậy. Pháp ấy không có hoan hỉ vì không có động chuyển
vậy. Pháp ấy không có khổ vì không có tham trước vậy. Pháp ấy không nhiệt
não vì bổn tịch diệt vậy. Pháp ấy không giải thoát vì bổn xả ly vậy. Pháp
ấy không có thân vì lìa sắc tướng vậy. Pháp ấy không có tướng thọ vì không
có ngã vậy. Pháp ấy không có kiết phược vì tịch diệt vô tướng vậy. Pháp ấy
vô vi vì không có sở tác vậy. Pháp ấy không có ngôn giáo vì không có thức
tri vậy. Pháp ấy không có thỉ chung vì không có thủ xả vậy. Pháp ấy không
dừng ở vì không có xứ sở vậy. Pháp ấy không có tác vì lìa thọ giả vậy.
Pháp ấy không có diệt vì bổn vô sanh vậy.
Với tâm số tư duy sở duyên trụ pháp, chẳng
lấy tướng nó chẳng sanh phân biệt, chẳng thọ chẳng trước chẳng nhiên chẳng
diệt chẳng sanh chẳng xuất, pháp tánh bình đẳng như hư không, quá nơi nhãn
sắc, nhĩ thanh, tỷ hương, thiệt vị, thân xúc, ý pháp. Đây gọi là Bồ Tát
niệm Phật tam muội.
Bồ Tát được niệm Phật tam muội ấy, ở trong
tất cả pháp được môn tự tại trí đà la ni, nghe Phật nói pháp đều có thể
thọ trì hết chẳng quên mất, cũng được hiểu rõ tất cả chúng sanh ngôn tử âm
thanh, được vô ngại biện tài.
Nầy Xá Lợi Phất! Phổ Hiền Như Lai kia chẳng
như cõi nầy dùng hai nhơn duyên để diễn nói chánh kiến, đó là theo người
khác nghe âm thanh và nội tâm chánh ức niệm.
Chư Bồ Tát kia lúc thấy Phật liền có thể
phân biệt các nghĩa thâm diệu, đầy đủ thành tựu sáu Ba la mật. Tại sao
vậy? Vì nếu chẳng lấy sắc tướng tức là đầy đủ Đàn Ba la mật. Nếu trừ sắc
tướng tức là đầy đủ Thi Ba la mật. Nếu quán sắc tận tức là đầy đủ Nhẫn Ba
la mật. Nếu thấy sắc tịch diệt tức là đầy đủ Tiến Ba la mật. Nếu chẳng
duyên sắc tướng tức là đầy đủ Thiền Ba la mật. Nếu chẳng hí luận sắc tướng
tức là đầy đủ Bát Nhã Ba la mật. Chư Bồ Tát ấy lúc quán Phật liền đầy đủ
sáu Ba la mật như vậy được Vô sanh nhẫn.
Nầy Xá Lợi Phất! Chư Phật thế giới nghiêm
tịnh vi diệu ít có như Phổ Hiền Như Lai thế giới Bất Thuấn ấy”.
Tôn giả Xá Lợi Phất nói với Vô Tận Ý Bồ Tát
rằng: "Bạch Đại Sĩ! Mừng thay các Ngài ở thế giới kia được thấy Phổ Hiền
Như Lai được vô lượng lợi lành”.
Vô Tận Ý Bồ Tát nói: "Thưa Tôn giả! Phải
chăng các Ngài muốn được thấy thế giới Bất Thuấn Phổ Hiền Thế Tôn và đại
chúng Bồ Tát chăng?”.
Tôn giả nói: "Vâng, chúng tôi muốn được
thấy, để cho đại chúng đây tăng trưởng thiện căn”.
Vô Tận Ý Bồ Tát liền nhập Bồ Tát thị hiện
nhứt thiết Phật độ tam muội. Nhập tam muội rồi làm cho đại chúng đây và Xá
Lợi Phất đều thấy cõi kia Phổ Hiền Như Lai và đại chúng. Thấy rồi tất cả
đại chúng đây đồng đứng dậy chắp tay vói kính lễ Phật Phổ Hiền và chúng Bồ
Tát. Đại chúng đây nhờ thần lực Phật và Vô Tận Ý Bồ Tát nên đều được vi
diệu hoa đời thật ít có. Hoa ấy màu sắc và hương vị chưa từng được thấy
nghe, tự nhiên đầy nắm tay mỗi người, đồng vói rải qua phương Đông dùng
cúng dường Phổ Hiền Như Lai. Hoa ấy liền khắp đến Phổ Hiền Như Lai và đại
chúng.
Chư Bồ Tát kia thấy hoa ấy liền bạch Phổ
Hiền Như Lai rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Hoa nầy thơm đẹp đời rất ít có. Đây
là từ xứ nào hoa đến đây?”.
Phổ Hiền Như Lai nói: "Đây là Vô Tận Ý ở
tại Ta Bà thế giới, nơi đó cũng còn có mười phương chư Bồ Tát đến tụ tập
chỗ Phật Thích Ca để cúng dường cung kính tôn trọng tán thán nghe Phật Thế
Tôn nói kinh Đại Tập. Hoa nầy là của đại chúng ấy rải đến”.
Chư Bồ Tát kia lại bạch Phật Phổ Hiền rằng:
"Ta Bà thế giới ở phương nào cách đây bao xa?”.
Phổ Hiền Như Lai nói: "Nầy các thiện nam
tử! Phương Tây cách đây mười hằng hà sa số thế giới vi trần số quốc độ chư
Phật, có thế giới tên là Ta Bà”.
Chư Bồ Tát kia lại nói: "Bạch đức Thế Tôn!
Chúng tôi rất muốn được thấy Thích Ca Như Lai và đại chúng”.
Phổ Hiền Như Lai liền phóng đại quang minh
chiếu khắp thế giới nầy. Nhơn Phật quang chư Bồ Tát kia đều được vói thấy
Ta Bà thế giới Thích Ca Như Lai và đại chúng.
Thấy rồi đồng chắp tay cung kính nói rằng:
"Hi hữu Thế Tôn! Cõi ấy Bồ Tát tất cả đại chúng từ chỗ nào đến tập hội đầy
khắp mọi nơi không còn chỗ trống”.
Phổ Hiền Như Lai nói: "Nầy các thiện nam
tử! Đại chúng kia từ mười phương vô lượng thế giới đến đó tập hội để thưa
hỏi nghe học pháp thậm thâm vi diệu”.
Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi Vô Tận Ý Bồ Tát
rằng: "Bạch Đại Sĩ! Ai đặt tên cho Ngài là Vô Tận Ý vậy?”.
Vô Tận Ý Bồ Tát nói: "Thưa Tôn giả! Tất cả
pháp nhơn duyên quả báo tên là Vô Tận Ý, tại sao, vì tất cả pháp chẳng thể
tận được vậy”.
Tôn giả nói: "Bạch Đại Sĩ! Mong Ngài diễn
nói vô tận pháp môn”.
Vô Tận Ý Bồ Tát nói: "Thưa Tôn giả! Lúc sơ
phát tâm Vô thượng Bồ đề đã chẳng thể tận được. Tại sao, phát Bồ đề tâm vì
chẳng lìa phiền não vậy, phát tâm tương tục vì chẳng mong thừa khác vậy,
phát tâm kiên cố vì chẳng xen ngoại luận vậy, phát tâm chẳng hư hoại vì ma
chẳng trở ngại vậy, phát tâm hằng thuận vì thiện căn tăng trưởng vậy, phát
tâm đến thường trú vì pháp hữu vi vô thường vậy, phát tâm chẳng động
chuyển vì chư Phật an ủi hộ trợ vậy, phát tâm thắng diệu vì lìa suy tổn
vậy, phát tâm ở yên vì chẳng hí luận vậy, phát tâm không ví dụ vì không có
tương tự vậy, phát tâm kim cương vì phá các pháp vậy, phát tâm vô tận vì
vô lượng công đức đều thành tựu vậy, phát tâm bình đẳng vì lợi ích chúng
sanh vậy, phát tâm khắp che vì không có biệt dị vậy, phát tâm tươi sáng vì
tánh thường thanh tịnh vậy, phát tâm vô cấu vì trí huệ sáng tỏ vậy, phát
tâm thiện giải vì chẳng lìa cứu cánh vậy, phát tâm rộng sướng vì từ tâm
như hư không vậy, phát tâm lớn trống vì dung thọ tất cả chúng sanh vậy,
phát tâm vô ngại vì trí huệ thông đạt vậy, phát tâm đến khắp nơi vì đại bi
chẳng dứt vậy, phát tâm chẳng đoạn dứt vì khéo hiểu lập nguyện vậy, phát
tâm làm chỗ về vì được chư Phật khen vậy, phát tâm thù thắng vì nhị thừa
tôn ngưỡng vậy, phát tâm thâm viễn vì tất cả chúng sanh chẳng biết được
vậy, phát tâm chẳng bại vì chẳng phá Phật pháp vậy, phát tâm an ổn vì khéo
cho chúng sanh những khoái lạc vậy, phát tâm trang nghiêm vì tất cả công
đức đều thành tựu vậy, phát tâm khéo quán sát vì trí huệ thành tựu vậy,
phát tâm tăng trưởng vì tuỳ ý ban cho vậy, phát tâm như nguyện vì giới
thanh tịnh vậy, phát tâm Bồ đề đến khắp mọi loài vì với kẻ oán người thân
có đủ nhẫn nhục vậy, phát tâm khó hư hoại vì có đủ tinh tiến vậy, phát tâm
tịch diệt vì đủ thiền định vậy, phát tâm không bị huỷ báng vì đủ trí huệ
vậy, phát tâm vô nguyện vì tăng trưởng đại từ vậy, phát tâm Bồ đề an trụ
thiện căn vững chắc vì tăng trưởng đại bi vậy, phát tâm hoà duyệt vì tăng
trưởng đại hỉ vậy, phát tâm bất động vì tăng trưởng đại xả vậy, phát tâm
kham nhiệm gánh nặng vì được chư Phật dạy trao vậy, phát tâm chẳng tuyệt
vì Tam bửu chẳng dứt đoạn vậy.
Thưa Tôn giả! Bồ Tát vì Nhứt thiết trí phát
tâm Bồ đề như vậy há có thể cùng tận được ư!”.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|